Nguyễn Văn Bông
Tháng 8 31, 2013
CHƯƠNG III : NHỮNG ĐỊNH LUẬT CĂN BẢN CỦA NỀN DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI
Cho đến đây – và qua những mục liên hệ đến các chế độ tập quyền và hợp quyền, chúng ta đã lần lượt trình bày một cách khoa học, cổ điển những phương thức tổ chức chính quyền cùng những chế độ chính trị liên hệ.
Cách trình bày này – rất cần thiết để có một ý niệm tổng quát nhưng rất lỗi thời và không phù hợp chút nào với điều kiện thực tiễn của cuộc sinh hoạt chính trị ngày nay. Tại sao? Để trả lời, chúng ta sẽ lần lượt trình bày tính cách lỗi thời của cách xếp loại cổ điển và xuyên qua thực tại chính trị chúng ta sẽ tìm một vài định luật căn bản của nền dân chủ hiện đại.
Mục I: NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN CỔ ĐIỂN VÀ THỰC TẠI CHÍNH TRỊ NGÀY NAY
Đoạn 1: NHỮNG BIẾN CHUYỂN CỦA CHẾ ĐỘ NGHỊ VIỆN
Nước Anh – nơi mà chế độ Nghị viện lí tưởng đã phát sinh – cũng là nơi mà chế độ Nghị viện đã nhường chỗ cho một Chính phủ của một chính đảng.
Biến chuyển này là hậu quả của một hiện tượng chính trị quan trọng; đó là sự hiện diện của một hệ thống lưỡng đảng hoàn hảo. Cuộc sinh hoạt chính trị ở Anh Quốc dựa trên hai chính đảng và chính hai đảng này là những tổ chức có quy củ, có kỉ luật, đủ khả năng để bảo đảm một hành động thống nhất của chính đảng trong Chính phủ cũng như ở Quốc hội, và hệ thống lưỡng đảng này đã làm thay đổi hẳn ý nghĩa của chế độ Nghị viện.
A. Ý NGHĨA CỦA CUỘC TUYỂN CỬ
* Bầu cử Quốc hội nhằm mục tiêu chính là chỉ định những người đại diện cho nhân dân tức là các vị dân biểu.
* Nhưng đồng thời tuyển cử lại có một ý nghĩa thứ hai là bầu vị chỉ huy Hành pháp do chính đảng đề nghị. Thật vậy, Nữ hoàng Anh Quốc bắt buộc phải chọn trong chức vụ Thủ tướng, vị lãnh tụ của chính đảng chiếm đa số tại Quốc hội. Như thế bầu Quốc hội tại Anh đồng thời có nghĩa là bầu vị Thủ tướng vì nếu Đảng Lao động chiếm đa số tại Quốc hội, người ta chắc chắn rằng vị lãnh tụ Đảng Lao động sẽ là Thủ tướng.
* Cuộc bầu cử trở thành một cuộc trưng cầu dân ý: các chính đảng khác nhau về lập trường trước một vài vấn đề quan trọng. Trong một hệ thống lưỡng đảng, bỏ phiếu thuận hoặc chống ứng viên của một đảng nào tức là chấp nhận hoặc chống chương trình của chính đảng ấy.
* Đặt vấn đề tín nhiệm chính đảng nắm chính quyền: đây là một khía cạnh quan trọng của tuyển cử. Các bạn còn nhớ khi chúng ta đề cập đến những mối tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp trong chế độ Nghị viện, chúng ta có nói rằng nguyên tắc trách nhiệm chính trị là một nguyên tắc căn bản. Quốc hội nếu không đồng quan điểm với Chính phủ, có thể lật đổ Nội các bởi một biểu quyết bất tín nhiệm. Nguyên tắc này – trong hệ thống lưỡng đảng – hoàn toàn là lí thuyết. Thật vậy, chính Thủ tướng là lãnh tụ của chính đảng nắm đa số ở Quốc hội, và Nội các gồm toàn là nhân viên của chính đảng ấy. Có lí nào – chỉ trừ ra khi trời nóng nực quá, các dân biểu phát điên lên – có lí nào mà dân biểu đa số tại Quốc hội lại biểu quyết chống Chính phủ, nghĩa là chống chính sách của chính đảng mình đưa ra và thi hành. Vì thế, vấn đề trách nhiệm tại Quốc hội không thành vấn đề và trở thành vấn đề trách nhiệm trước quốc dân. Trong suốt nhiệm kì Quốc hội, Chính phủ đứng vững. Đến khi tuyển cử mới là then chốt. Nếu cử tri thấy rằng trong suốt 4, 5 năm trời nay, Chính phủ bê bối quá, thì họ bỏ phiếu cho đảng đối lập: đảng đang nắm chính quyền mất chính quyền.
Tóm lại, tác dụng thứ tư của tuyển cử là đặt vấn đề trách nhiệm chính trị của đảng nắm chính quyền.
B. Ý NGHĨA CỦA SỰ GIẢI TÁN QUỐC HỘI
Chúng ta đã nói giải tán Quốc hội là một quyền của Chính phủ tương xứng với quyền lật đổ Nội các của Quốc hội nhằm giao cho quốc dân vai trò trọng tài để giải quyết cuộc tranh chấp trầm trọng giữa Hành pháp và Lập pháp. Trong một chế độ lưỡng đảng với một Chính phủ của một chính đảng, vai trò của sự giải tán Quốc hội không còn như thế nữa. Đây là một điều dễ hiểu vì có khi nào có vấn đề bất tín nhiệm, có vấn đề khủng hoảng chính trị đâu mà giải tán và trọng tài. Giải tán Quốc hội đã mất hẳn ý nghĩa sơ khởi của nó và trở thành một phương tiện của chính quyền nhằm tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước kỳ hạn. Chính đảng nắm chính quyền, thừa một cơ hội thuận tiện, 5, 6 tháng trước khi Quốc hội mãn nhiệm kì, giải tán Quốc hội, yêu cầu quốc dân bầu một Quốc hội mới. Mục tiêu không phải để giải quyết một cuộc tranh chấp mà để đặt vấn đề tín nhiệm với quốc dân, nghĩa là cố giữ chính quyền.
C. Những nhận xét trên đây về ý nghĩa của tuyển cử cũng như giải tán Quốc hội cho ta thấy một biến chuyển thứ ba liên hệ đến mối tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp. Trong một chính thể Nghị viện với một hệ thống lưỡng đảng không còn có sự phân chia Chính phủ và Quốc hội. Đa số tại Quốc hội và Nội các chỉ là một hay nói cho đúng hơn – chỉ là hai phân bộ của chính đảng nắm chính quyền. Nội các là bộ tham mưu, cơ quan đầu não và đa số tại Quốc hội là cán bộ. Mối tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp không còn là mối tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp mà chỉ là một bộ phận của vấn đề tổng quát của mối tương quan giữa cấp lãnh đạo, cán bộ và chiến hữu của chính đảng nắm chính quyền. Những quyết định quan trọng không phải được ấn định tại Quốc hội mà chính tại Ban Chấp hành Trung ương của đảng. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là Quốc hội không còn giá trị. Quốc hội vẫn còn giữ vai trò quan trọng của nó vì chính nơi đây là nơi mà tiếng nói độc lập vang lên để cảnh cáo và kiểm soát chính quyền.
Tóm lại, qua những biến chuyển của chế độ Nghị viện tại nước Anh – vì sự hiện diện của một hệ thống lưỡng đảng – chúng ta thấy rằng hình ảnh của chế độ Nghị viện cổ điển không còn hợp thời nữa. Ngày nay, để có một nhận xét thích đáng về chế độ Anh Quốc, chúng ta phải nói rằng đó là một Chính phủ của một chính đảng, đối diện với một chính đảng đối lập và dưới sự trọng tài của cử tri đoàn.
Thoáng qua không có gì khác biệt giữa Chính phủ Anh Quốc dân chủ và một Chính phủ độc tài cộng sản. Nhưng nhìn kĩ lại, có hai sự khác biệt quan trọng: một sự đối lập trong chính đảng và một chính đảng đối lập.
Đoạn 2: NHỮNG BIẾN CHUYỂN CỦA CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG
A. Chế độ Tổng thống – được quan niệm sơ khởi như một chế độ áp dụng nguyên tắc phân quyền – đã trở thành một chế độ trong ấy có một sự hợp quyền. Vấn đề đặt ra là thử hỏi tại sao một chế độ như thế – với những đặc điểm của nó là phân quyền, là Hành pháp không trách nhiệm trước Quốc hội cũng như Quốc hội không có quyền lật đổ Tổng thống – lại trở thành một chế độ trong ấy các quyền uy có thể cộng tác với nhau? Đây là một biến chuyển quan trọng được giải thích như sau:
* Lí do thứ nhất được đưa ra là: Hành pháp và Lập pháp cộng tác với nhau vì lẽ giản dị là họ bắt buộc phải sống chung với nhau. Lập pháp không thể thực hiện ý chí của mình nếu Hành pháp luôn luôn chống đối, Tổng thống không thể nào thống trị, lãnh đạo quốc dân nếu không có sự thỏa thuận của Quốc hội mặc dù Quốc hội không thể lật đổ Tổng thống: vì muốn thống trị phải cần đến luật lệ, đến kinh phí, đến thuế má những phương tiện mà Quốc hội nắm giữ. Ấy thế, mặc dầu trên phương diện pháp lí, Hành pháp và Lập pháp là những cơ quan hoàn toàn biệt lập, cơ quan này không thể tiêu diệt cơ quan khác, nhưng trong thực tế, muốn làm việc thì phải cố nhường nhịn nhau, cố thỏa thuận nhau vì họ bắt buộc phải hợp tác để sống chung nhau.
* Giải thích như thế rất là xác đáng nhưng cũng chưa đủ và không hoàn toàn thỏa mãn. Người ta có thể trả lời rằng trong những trường hợp có xung khắc, có tranh chấp trầm trọng, có thể có một trong hai cơ quan tìm cách để tiêu diệt kẻ thù của mình bằng võ lực: Vẫn biết họ phải thỏa thuận nhưng cũng có thể có những sự đổ vỡ bằng cách này hay cách khác. Để trả lời, người ta nêu ra một lí do thứ hai để bổ túc giải thích thứ nhất: là sở dĩ trong chế độ Tổng thống Hoa Kỳ không có sự đổ vỡ giữa Hành pháp và Lập pháp, sở dĩ Tổng thống và Quốc hội giữ mãi được một đường lối hành động chiết trung là vì họ làm việc dưới sự kiểm soát thường trực của cử tri đoàn. Thật vậy, mỗi hai năm, tại Hoa Kỳ, tất cả các dân biểu tại Hạ Nghị viện và 1/3 tại Thượng Nghị viện được bầu lại. Hai năm thì nhanh lắm. Trong từng khoảng thời gian ngắn ngủi, dư luận được phát biểu ý kiến. Tổng thống và Quốc hội không thể không để ý đến dư luận này. Tổng thống không thể liều lĩnh chống đối Quốc hội vì ông còn phải ra tranh cử, nếu không còn chính đảng ông sau lưng ông. Quốc hội nghĩa là các dân biểu cũng không tài nào chống đối Tổng thống một cách vô lí – nếu Tổng thống có một đường lối phản ảnh trung thực dư luận.
* Vì những lí do trên, chế độ Tổng thống đã trở thành một chế độNghị viện ở hành lang. Nghĩa là trong Hiến pháp có quy định một sự phân quyền cứng rắn, nhưng thực tế cũng có những sự trao đổi, sự thương thuyết, sự dàn xếp, không khác gì trong chế độ Nghị viện.
Tóm lại một sự cộng tác giữa các cơ quan công quyền.
B. Biến chuyển thứ hai là chế độ Tổng thống không phải là một chế độ vô trách nhiệm. Trên phương diện hoàn toàn pháp lí. Tổng thống không có trách nhiệm trước Quốc hội. Tuy nhiên, ông vẫn có một trách nhiệm không kém nặng nề: đó là trách nhiệm trước quốc dân.
Thật vậy, Tổng thống Hoa Kỳ có thể được tái cử một lần, và thường thường thì các Tổng thống ra ứng cử lần thứ nhì sau khi mãn nhiệm kì 4 năm. Như vậy, sau 4 năm, ông sẽ bị dư luận xét đoán. Và ví dụ như trường hợp mà ông không ra tranh cử hay không thể ra tranh cử, dù sao cũng còn đảng của ông, và thất bại hay thành công, nếu không phải chính bản thân ông, thì ít ra đảng của ông sẽ lãnh đủ. Mà đã là một chính trị gia – nhất là đến địa vị một Tổng thống – thì không có một hoài bão nào thích thú cho bằng thực hiện được sự kiện đem chính đảng mình đến chiến thắng. Bởi thế, vấn đề trách nhiệm của Hành pháp trong chế độ Tổng thống được đặt ra trong một khung cảnh bao quát hơn: trách nhiệm trước quốc dân. Ở đây chúng ta thấy một sự trùng điệp giữa chế độ Nghị viện và Tổng thống. Chế độ Nghị viện với hệ thống lưỡng đảng – trong ấy, vấn đề trách nhiệm trước Quốc hội có tính cách lí thuyết đã bắt gặp chế độ Tổng thống nơi đây: trong hai trường hợp một người và một chính đảng có trách nhiệm trước quốc dân, trong hai trường hợp một người và một chính đảng có thể bị quốc dân phủ nhận.
Xuyên qua những nhận xét trên đây với kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta thấy rằng chế độ Nghị viện không còn là một chế độ trong ấy Hành pháp chịu trách nhiệm trước Lập pháp và chế độ Tổng thống không phải là chế độ trong ấy Hành pháp không chịu trách nhiệm gì cả.
Tóm lại, những biến chuyển mà chúng ta vừa thấy ở chế độ Nghị viện cũng như là Tổng thống chứng minh tính cách lỗi thời của cách xếp loại chế độ chính trị cổ điển ở trên.
Trong thế giới ngày nay, dân chủ chung quy chỉ là một sự tấn phong và sự phủ nhận một tập đoàn có trách nhiệm bởi quốc dân.
Chế độ Nghị viện cũng như chế độ Tổng thống chỉ là hai giải pháp có thể chấp nhận được cho bài toán dân chủ trong những khung cảnh chính trị và xã hội khác nhau.
Đoạn 3: SỰ THAY ĐỔI TOÀN DIỆN ĐIỀU KIỆN SINH HOẠT XÃ HỘI NGÀY NAY
Chính sự thay đổi này đem đến một kết quả là dân chúng chọn lựa nhà cầm quyền một cách trực tiếp chứ không gián tiếp như xưa nữa.
A. Thật vậy, với những phương tiện giao thông tân tiến hiện tại, không gian không còn là một trở ngại lớn lao nữa. Qua sự trung gian của báo chí, vô tuyến truyền thanh cũng như vô tuyến truyền hình, sự tiếp xúc giữa quốc dân và cấp lãnh đạo, tiếp xúc giữa đại diện nhân dân và cử tri có tính cách dễ dàng và thường xuyên được. Qua những phương tiện tân kì này, những lập trường chính trị của chính đảng, những chính sách của nhà cầm quyền, bức tâm thư cũng như những nguyện vọng của nhân dân hay chiều hướng của dư luận được thể hiện một cách mau lẹ và hoàn toàn. Tất cả những điều kiện vật chất của nền văn minh tân thời thay đổi hẳn cuộc sinh hoạt chính trị. Ngày nay, dưới hình thức pháp lí nào, chung quy chúng ta chỉ tìm thấy một sự kiện chính: tức là nhà cầm quyền và đặc biệt nhân vật có trách nhiệm được chỉ định bởi một cuộc phổ thông đầu phiếu.
B. Yếu tố thứ hai của sự thay đổi điều kiện sinh hoạt chính trị; (mà chúng ta đã đề cập nhiều) là sự kiện của một hệ thống chính đảng, và ngoài hệ thống chính đảng, cách cấu tạo của các lực lượng xã hội. Một chế độ chính trị không thể tách rời hệ thống lực lượng xã hội như thành phần giai cấp trong quốc gia, như tổ chức nghiệp đoàn, đoàn thể áp lực. Và trong xã hội ngày nay, các vấn đề chính trị được đặt ra được hệ thống hóa bởi chính đảng và đối với chính đảng. Và chính yếu tố này – (như chúng ta đã nhiều lần đề cập đến) – đã làm sai lạc hết ý nghĩa của nhiều nguyên tắc pháp lí cổ điển.
C. Khuynh hướng nhân cách hóa chính quyền. Vẫn biết chính quyền trong các quốc gia cận đại là một chính quyền được định chế hóa, nhưng người ta tìm thấy trong dư luận ngày nay một khuynh hướng nghiêng về một con người, con người thể hiện nguyện vọng của họ,con người của họ. Với những phương tiện tân kì trong xã hội cận đại cho phép những sự tiếp xúc dễ dàng và nhanh chóng, dân tình hướng về một cái gì cụ thể, chán ghét sự vô danh, và một cá nhân luôn luôn được đưa ra để tượng trưng cho một chương trình, một chính đảng. Khi chúng ta nói đến Chính phủ Phan Huy Quát, Trần Văn Hương cũng như khi chúng ta nói đến Johnson, De Gaulle hay Khrushchev, Nehru, đó toàn là những cá nhân bao trùm một ý nghĩa sâu xa: sự nhân cách hóa chính quyền. Câu chuyện bên lò sưởi của Tổng thống Roosevelt là một hình thức nhân cách hóa chính quyền. Xuyên qua những định chế phức tạp, những vấn đề chính trị càng ngày càng có tính cách kĩ thuật, tâm tình của dân chúng hướng về một nhân vật và giao phó trách nhiệm giải quyết tất cả các vấn đề.
Đối với những phương tiện giao thông và kĩ thuật truyền tin tân kỳ, với sự hiện diện và phát sinh những cơ cấu xã hội cùng khuynh hướng nhân cách hóa chính quyền, điều kiện sinh hoạt xã hội và chính trị một quốc gia đã hoàn toàn thay đổi, ảnh hưởng rất nhiều đến việc tổ chức và điều hành của cách phân loại cổ điển các chế độ chính trị.
Mục II: MỘT VÀI ĐỊNH LUẬT CĂN BẢN
Những biến chuyển của chế độ Nghị viện và Tổng thống, những thay đổi về điều kiện sinh hoạt xã hội cho chúng ta thấy rằng các nguyên tắc cổ điển không còn phù hợp với thế giới ngày nay. Vấn đề đặt ra là thử hỏi đâu là dấu hiệu của nền dân chủ hiện đại. Xuyên qua những hình thức pháp lí khác biệt và nhìn vào thực tại chính trị chúng ta có thể quả quyết rằng có một số định luật được xem là căn bản của nền dân chủ hiện đại: đó là Chính phủ, cơ quan đầu não quốc gia; hệ thống quyết định tấn phong, trách nhiệm quốc gia; hệ thống đối thoại tự do.
Đoạn 1: CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN ĐẦU NÃO CỦA QUỐC GIA
Thế nào là Chính phủ? Những danh từ Chính phủ, Quốc hội hay Hành pháp và Lập pháp thường được dùng với ý nghĩa hoàn toàn sai lạc. Nói đến Chính phủ, người ta nghĩ đến cơ quan thi hành luật pháp và nói đến Quốc hội người ta liên tưởng đến pháp chế và quyền kiểm soát toàn diện cơ quan đại diện nhân dân. Nhưng sự thực như thế nào ?
A. Nhìn kĩ lại cuộc sinh hoạt chính trị trong các quốc gia cận đại, cần phải nhận định rằng sự phân biệt giữa Hành pháp và Lập pháp chỉ có một giá trị tương đối mà thôi. Chúng ta không thể nói rằng một bên là Lập pháp với nhiệm vụ lấy những quyết định tổng quát và một bên là Hành pháp chỉ biết thi hành luật lệ. Sự thật là mỗi cơ quan, trong phạm vi hoạt động của mình, có những quyết định tổng quát và riêng biệt.
Ấn định một chính sách kinh tế, một chính sách ngoại giao, những biện pháp cải tổ hành chính đối với Chính phủ, đó là những quyết định có tính cách chọn lựa, có tính cách tổng quát. Ngược lại, Quốc hội không phải chỉ có những vấn đề nguyên tắc mà lắm lúc phải có những quyết định cá nhân, có tính cách riêng biệt và chi tiết. Hơn nữa, thực tại chính trị cho chúng ta biết rằng vai trò của Chính phủ trong việc pháp chế càng ngày càng gia tăng. Trong rất nhiều các quốc gia hiện nay, 90% luật pháp được Quốc hội biểu quyết đều do Chính phủ đề nghị (lí do: tính cách kĩ thuật và Chính phủ nắm vững vấn đề)
Ý tưởng thứ hai về quyền kiểm soát của Quốc hội cũng hoàn toàn sai lạc. Như chúng ta đã thấy, trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội không còn một giá trị thật sự và đã nhường bước cho một hình thức trách nhiệm tổng quát hơn, đó là trách nhiệm trước quốc dân của chính đảng nắm chính quyền.
B. Qua những nhận xét trên đây, chúng ta thấy rằng điểm dị đồng giữa Chính phủ và Quốc hội không phải là pháp chế và thi hành luật lệ mà dựa trên những yếu tố khác và mối tương quan thực sự giữa hai cơ quan hoàn toàn trái hẳn những nguyên tắc cổ điển.
Trước hết, đâu là điểm dị đồng giữa Chính phủ và Quốc hội? Chính phủ và Quốc hội khác nhau về con số, về tính cách thuần nhất, công khai và dư luận.
Tập đoàn và Hội nghị: đó là điểm dị đồng thứ nhất giữa Chính phủ và Quốc hội. Chính phủ luôn luôn chỉ là một tập đoàn, gồm một số ít nhân viên, một nhóm người. Vì nhiệm vụ của Chính phủ là có những quyết định chớp nhoáng mau lẹ, đối phó kịp thời, điều khiển guồng máy hành chính hằng ngày cho nên chỉ một nhóm người càng ít càng hay mới phù hợp với tính chất của hoạt động này. Trái lại nhiệm vụ của Quốc hội là bàn cãi, thảo luận, Quốc hội, bao giờ cũng là hội nghị, gồm một số đông nhân viên. Càng đông thì bàn cãi càng lí thú vì mục tiêu chính là tất cả khía cạnh của vấn đề được mổ xẻ, trình bày rõ rệt.
Tính cách thuần nhất và bất thuần nhất: Quốc hội là một hội trường, không bao giờ có tính cách thuần nhất (ngoài Quốc hội bù nhìn chỉ biết hoan hô và đồng thanh chấp thuận). Đó là nơi để thảo luận, các ý kiến thường chống đối nhau, Quốc hội không thể là một khối chặt chẽ được. Quốc hội, nói cho cùng, chỉ là diễn đàn của đối lập. Trong lúc đó, Chính phủ phải là một khối, một tập đoàn thuần nhất. Trên nguyên tắc không thể có đối lập trong Chính phủ. Có thể có bất đồng ý kiến khi thảo luận, nhưng quyết định phải là quyết định chung của Chính phủ. Nếu vì một lí do nào, một Tổng trưởng không đồng quan điểm với ê-kíp của mình, nên từ chức ngay chớ không có vấn đề chống đối trong Chính phủ.
Tính cách công khai và bí mật: Trong Quốc hội – vì là một hội trường – thảo luận công khai là một việc thường. Một vấn đề quốc gia hệ trọng được mổ xẻ trước quốc dân. Các vị dân biểu – với tất cả các đặc quyền (mà chúng ta đã thấy) – phải thẳng thắn và công khai trình quan điểm của mình để dư luận phán đoán. Hơn nữa, vì Quốc hội là diễn đàn của đối lập, cuộc thảo luận phải có tính cách công khai, tiếng nói của đối lập mới có hiệu lực. Trái lại, Chính phủ thường hay làm việc một cách bí mật. Ít khi mà chúng ta biết Hội đồng Nội các bàn cãi gì, quyết định ra sao. Nếu có thông cáo thì chỉ lờ mờ rằng những vấn đề này được xét đến và có những quyết định quan trọng thế thôi. Đôi khi Chính phủ cũng giải thích một vài quyết định của mình cho dân chúng, nhưng sự kiện này chỉ nhằm tác dụng quảng cáo, tuyên truyền.
Thường thường là Chính phủ giữ bí mật của quyết định và chắc chắn là không bao giờ tiết lộ những cuộc thảo luận đã đưa đến những quyết định.
Kĩ thuật gia và dư luận: đây là một yếu tố thứ tư làm nổi bật sự khác biệt giữa Chính phủ và Quốc hội. Về phần Chính phủ, thường thường cộng tác viên hay cố vấn là những kĩ thuật gia: nhà hành chính, luật gia, kỹ sư, kinh tế gia, tóm lại những nhà kĩ thuật có ảnh hưởng không ít đối với các quyết định của Chính phủ. Về phần Quốc hội, trái lại, quan điểm của cử tri, của một người dân chất phác, không am hiểu những vấn đề tế nhị phức tạp, với những đòi hỏi và quyền lợi riêng tư, với những ý kiến đơn giản, cũng như quan điểm của những hiệp hội, những đoàn thể chiếm một vai trò quan trọng. Các dân biểu phải để ý, theo dõi dư luận này không phải để thỏa mãn tất cả mà để cho các quyết định của Quốc hội có tính cách thực tế, đi sát với nguyện vọng của quần chúng.
Tóm lại, chính những yếu tố mà chúng ta vừa kể – tập đoàn hay hội nghị, công khai hay bí mật, tính cách thuần nhất kĩ thuật gia và dư luận – mới là yếu tố ấn định sự khác biệt giữa Chính phủ và Quốc hội.
Với những đặc tính ấy, Chính phủ – một tập đoàn bí mật thuần nhất gồm một số kĩ thuật gia – mới là cơ quan hành động, thực hiện đáp ứng nhu cầu của thế kỉ hai mươi này.
Đoạn 2: MỘT HỆ THỐNG QUYẾT ĐỊNH, TẤN PHONG VÀ TRÁCH NHIỆM QUỐC GIA
A. Một hệ thống quyết định quốc gia
Quyết định quốc gia: quyết định mà toàn dân chọn lựa để định vận mệnh của mình. Đây là một dấu hiệu đặc biệt và đồng thời là một định luật căn bản của nền dân chủ hiện đại. Vẫn biết rằng không phải giờ phút nào mà toàn dân cũng làm chủ được vận mệnh của mình. Không phải lúc nào, toàn dân cũng có thể phát biểu ý kiến, thực hiện nguyện vọng hay quyết định cho mình. Chính cá nhân chúng ta lắm lúc cũng không làm theo sở nguyện.
Nhưng khi chúng ta nói đến tự quyết lấy vận mạng của mình, chúng ta muốn nhấn mạnh rằng, trong những giờ phút lịch sử, trong những giai đoạn cực kỳ quan trọng, trong những giai đoạn ngã ba đường, chính toàn dân tự chọn lấy con đường của mình, một cách tự do. Con đường ấy – hay hay là dở, đúng hay là sai đó là một chuyện khác, nhưng đó là con đường mà toàn dân quyết định vận mệnh quốc gia, trước một khúc rẽ nhất định.
Quyết định quốc gia có thể được thể hiện bởi nhiều hình thức. Nhưng điều căn bản là toàn dân, bởi lá phiếu của mình, chỉ định những người đứng ra lãnh đạo quốc gia, chỉ định những giải pháp mà nhà lãnh đạo này phải thực hiện cho kỳ được, và chỉ định những người có bổn phận theo dõi và cảnh cáo chính quyền.
Đó là ý nghĩa sâu xa của hệ thống quyết định quốc gia. Dân chủ là thế – chủ quyền thuộc về toàn dân là thế.
B. Một hệ thống tấn phong quốc gia
Tấn phong quốc gia: tấn phong bởi toàn dân vị chỉ huy Hành pháp. Đây là một hệ thống trao quyền, ủy nhiệm quyền lực của Nhà nước bởi quốc dân cho Hành pháp.
Hiện giờ còn rất nhiều người cho rằng tất cả quyền lực đều phải tập trung vào cơ quan Lập pháp và những người điều khiển bộ máy nhà nước đều là kẻ thừa hành của Quốc hội, đại diện nhân dân. Đó là một quan niệm cũ kỹ, của thế kỉ 18, và hoàn toàn sai lầm. Như chúng ta đã biết, trong chế độ dân chủ hiện đại, cơ quan đầu não của tất cả sinh hoạt chính trị là Chính phủ. Không có một quốc gia nào trong ấy có cuộc sinh hoạt chính trị ổn định và phấn khởi mà trọng tâm là Nghị viện. Đã là cơ quan đầu não thì vị chỉ huy cơ quan này không thể được chỉ định một cách gián tiếp, theo những thể thức phức tạp. Ngày nay, sự tiến triển của nền dân chủ đã công nhận một hiện tượng chắc chắn là ý dân luôn luôn muốn tự mình chọn lấy người đại diện của mình dầu rằng Hành pháp hay Lập pháp.
Cũng như dân chúng ngày nay không thể quan niệm rằng họ bầu dân biểu Quốc hội một cách gián tiếp, dân chúng ngày nay cũng mong mỏi chính mình chọn lựa một cách trực tiếp và rõ ràng vị chỉ huy Hành pháp. Đó là một định luật của nền dân chủ cận đại.
Ngày nay, dân tình không muốn thấy tái diễn những cuộc thương thuyết, những cuộc mua bán ở hành lang, trao đổi mua bán để rồi một Chính phủ thành hình mà vị lãnh đạo là kẻ vô danh tiểu tốt. Không, ngày nay cuộc tấn phong phải là một tấn phong quốc gia, một ủy nhiệm quyền lực của quốc gia bởi quốc gia một cách trực tiếp.
C. Một hệ thống trách nhiệm quốc gia
Ở đây cũng như ở nhiều lĩnh vực khác của cuộc sinh hoạt chính trị, chúng ta cần phải đánh tan mọi quan niệm lỗi thời, quan niệm cho rằng có những Chính phủ trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ vô trách nhiệm trước Quốc hội.
Sự thật hoàn toàn khác hẳn. Dù dưới hình thức nào, hiện tượng chính trị cuối cùng và đầy ý nghĩa chính là Trách nhiệm trước toàn thể cử tri.
Thật vậy, như chúng ta đã biết, vấn đề trách nhiệm trước Quốc hội của Chính phủ trong chế độ Nghị viện chỉ còn tính cách lí thuyết với hệ thống lưỡng đảng. Không còn trách nhiệm trước Quốc hội, trách nhiệm thực sự của Chính phủ là trách nhiệm trước quốc dân. Chính đảng ở chính quyền chỉ mất quyền lãnh đạo sau một cuộc thất bại trong một cuộc tổng tuyển cử. Trách nhiệm trước Quốc hội đã trở thành trách nhiệm trước quốc gia.
Trong chế độ Tổng thống, trên phương diện pháp lí, vị Tổng thống không trách nhiệm trước Quốc hội. Tuy nhiên, vì đã được toàn dân bầu lên, và hoặc để có thể được tái cử, hoặc để đưa chính đảng của mình đến chiến thắng, vị Tổng thống dù sao cũng phải bắt buộc để ý đến dân tình, chính kiến của Nghị viện. Và trách nhiệm quốc gia đợi chờ Tổng thống khi mãn nhiệm kì.
Đoạn 3: MỘT HỆ THỐNG ĐỐI THOẠI TỰ DO
Đối thoại tức là tránh độc thoại. Trong lúc mà với chế độ độc tài, ý thức hệ của chánh quyền là bất di bất dịch, thì nền dân chủ dựa trên lòng độ lượng, khoan dung và tính cách tương đối của chân lí chính trị. Vì dân chủ tức là chấp nhận sự chính đáng của mọi bất đồng chính kiến, sự hiện hữu của một hệ thống đối thoại tự do là một hậu quả tất nhiên.
Cuộc sinh hoạt chính trị dân chủ trong một quốc gia chỉ có thể được khi nào các cuộc xung đột chính trị được giải quyết bởi những giải pháp chính trị. Trong một quốc gia, luôn luôn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Và bổn phận của chính trị gia là tổng hợp các vấn đề được đặt ra, đưa những vấn đề ấy lên một mức độ đại cương và phán đoán theo những tiêu chuẩn chính trị. Và tất cả cuộc sinh hoạt ấy tức là đối thoại. Một cuộc đối thoại không ngừng, giữa chính quyền và đối lập, giữa các chính đảng, giữa các đoàn thể, trong nhân dân. Sự hiện diện của cuộc đối thoại là một điều căn bản.
Mà nhìn nhận đối thoại tức là nhìn nhận sự hiện hữu của tự do công cộng, tức là quyền phát biểu, tự do tuyển cử, quyền bất khả xâm phạm, điều kiện tối cần và quý giá cho một cuộc đối thoại tự do.
Trong cuộc sinh hoạt chính trị ngày nay, ý chí của đa số thường được xem là ưu thế. Nhưng ý chí của đa số chỉ có giá trị khi nào ý chí ấy được chấp thuận trong một bầu không khí cởi mở, sáng tỏ và tự do.
Như Jefferson đã nhận xét: “Ta cần phải ý thức nguyên tắc thiêng liêng này: rằng ý chí của đa số trong mọi trường hợp đều ưu thắng, nhưng một ý chí mà muốn được coi là phải thì trước hết cần phải hợp với lẽ phải, rằng thiểu số cũng có những quyền bình đẳng của họ, mà luật pháp bình đẳng phải bảo vệ những quyền này, và vi phạm những quyền này tức là áp bức vậy.”
Thiếu hẳn một hệ thống đối thoại tự do, một chế độ chính trị của một quốc gia nào đó không thể xem là dân chủ được.
- Hết thiên thứ hai: Tổ chức chính quyền. Đón đọc thiên thứ ba: Sự tham gia chính trị của công dân trong chế độ dân chủ
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét