Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Từ vụ Tiên Lãng, nghĩ về sửa đổi Hiến pháp

Vụ việc Tiên Lãng xảy ra đúng thời điểm cả nước đang tiến hành tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và thảo luận sửa đổi Hiến pháp này. Vụ Tiên Lãng là một vụ việc rất điển hình mà khi xem xét, đánh giá, có thể thấy nó liên quan đến tất cả các lĩnh vực nhà nước và xã hội, từ lập pháp đến hành pháp; từ hành pháp đến tư pháp; từ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; từ công tác quân sự cho đến chính trị dân sự, từ trách nhiệm của chính quyền, của Nhà nước đến quyền lợi, ích hợp pháp của người dân…
Có tác giả đã cho rằng, vụ việc ông Đoàn Văn Vươn chống lại Đoàn cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng đầu năm 2012, dù chưa xét xử ở Tòa án, nhưng đã có thể coi là một “án lệ” quan trọng về pháp luật đất đai, khiếu nại, khiếu kiện v.v.. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992, vụ việc này có nhiều điều đáng bàn từ góc độ luật hiến pháp như: sở hữu đất đai, quyền con người, sự giám sát của người dân đối với chính quyền, hoạt động của chính quyền địa phương, cơ chế bảo hiến[1]. Chúng tôi đồng ý với nhận định này.
Chúng tôi cũng cho rằng, tất cả vấn đề của vụ Tiên Lãng có liên quan đến sự phân quyền: phân quyền từ trung ương xuống địa phương, phân quyền từ Đảng với Nhà nước, từ Nhà nước với người dân, từ quân sự cho đến dân sự, và nhất là, từ lập pháp cho đến hành pháp, từ hành pháp đến tư pháp… Cho đến nay, vấn đề phân quyền vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp sửa đổi cần phải làm rõ sự phân quyền này. Vụ việc Tiên Lãng có tác dụng giúp chúng ta đẩy nhanh việc nghiên cứu, hay làm rõ hơn nữa các nội dung của sửa đổi Hiến pháp.
Đối với vấn đề sề sở hữu đất đai. Nói đến vụ Tiên Lãng, không ai không nói đến vấn đề sở hữu đất đai. Vì mục tiêu muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa không quy định/không thừa nhận quyền sở hữu đất đai cho tư nhân, coi sở hữu tư nhân là nguyên nhân sâu thẳm của chế độ người bóc lột người. Từ Hiến pháp năm 1980, Việt Nam không thừa nhận sở hữu tư nhân, chỉ cho phép tồn tại hai loại hình sở hữu là sở hữu   toàn dân và sở hữu tập thể. Riêng đối với đất đai, chỉ có duy nhất một loại hình sở hữu là sở hữu toàn dân. Đến Hiến pháp năm 1992, sở hữu tư nhân được thừa nhận, nhưng đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân (sau này được chỉnh lại là sở hữu nhà nước). Việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đã tạo nên những thành công trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, mà trước hết là giúp cho Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặc dù có những thành công này, nhưng nền kinh tế nói riêng cũng như xã hội nói chung cũng xuất hiện những vấn đề búc xúc khác cần phải giải quyết, mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo ngày một gia tăng, khiếu nại tố cáo của người dân càng ngày càng chồng chất, trong đó khiếu nại về đất đai chiếm tới gần 80%, có cả những cuộc khiếu nại rất đông người. Theo nhận định của nhiều người, chính việc không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Theo chúng tôi, việc không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, tức là đã không thừa nhận quyền con người trong lĩnh vực này. Việc không thừa nhận quyền sở hữu tài sản của tư nhân đối với đất đai là một thiếu hụt quan trọng về nhân quyền trong lĩnh vực tư hữu tài sản, vì đất đai là một thứ tài sản rất quan trọng đối con người, nhất là đối với người nông dân. Trong khi đó, lịch sử ra đời của Hiến pháp luôn gắn liền với lịch sử bảo vệ quyền tài sản của con người, trong đó đất đai là một tài sản quan trọng.
Việc không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai – ngay cả đối với đất ở và đất thổ cư của ông cha để lại, kể cả đất hương hoả -  đã gây ra rất nhiều phiền phức cho việc giao dịch mua bán của người dân. Đối với đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, việc chuyển giao cũng phức tạp không kém. Không phải ngẫu nhiên mà các vụ khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 80% các khiếu kiện nói chung. Vì tuy là “sở hữu toàn dân” nhưng trên thực tế, người nông dân không rõ ai là người chủ sở hữu đích thực về đất đai của họ, trong khi đó, chính quyền địa phương lại được trao rất nhiều thẩm quyền về đất đai, nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo nên những kẽ hở lớn để các quan chức chính quyền bắt tay với tư nhân, các “đại gia” cùng trục lợi, đặc biệt trong thu hồi đất (nhất là đất nông nghiệp của người nông dân) cho các dự án công nghiệp, thương mại, đô thị. Cộng với việc thiếu sự kiểm soát quyền lực hiệu quả, thiếu tính giải trình, minh bạch, đã dẫn đến hệ quả là đất đai rất dễ rơi vào tay các “cường hào”, “tư bản” mới. Một mảnh đất của người nông dân bị thu hồi với giá đền bù rất rẻ mạt, nhưng khi thu hồi xong lại sang tên bán cho người khác với giá gấp hàng trăm, hàng ngàn lần, thì ai mà lại không khiếu nại…
Sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân đi chăng nữa thì cuối cùng, quyền sở hữu cũng sẽ rơi vào tay các cơ quan nhà nước, mà Nhà nước chính là của những người nắm quyền lực nhà nước, cụ thể là các cá nhân đang nắm quyền. Mặt khác, với chế độ sở hữu toàn dân, đất đai được giao, cho thuê luôn có thời hạn khiến cho người sử dụng không thể an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài, không thể chuyển nhượng hiệu quả. “Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra”[2]. Từ sau 1980, Hiến pháp và Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo một số tác giả“nhiều người không dễ dàng “buông” quy định này, bởi cơ chế “nhà nước quản lý” mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư”[3]. Cái “tổ con tò vò” nằm ở chỗ này đây. Trong khi đó trước đây, thời kỳ phong kiến và thực dân là Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
Trong khi đó,“ở các nước, không có ý niệm sở hữu toàn dân. Như ở Mỹ, quyền công hữu đất đai và tài nguyên thuộc về các địa chỉ rõ ràng: Chính phủ liên bang hoặc chính quyền tiểu bang, hay thành phố (60% thuộc tư hữu, 40% thuộc công hữu, trong đó 28% thuộc Chính phủ liên bang, 9% thuộc Chính phủ bang và Chính phủ cấp tương đương tỉnh hay thành phố, 2% thuộc người dân da đỏ). Không có đất đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở Việt Nam”[4].
Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn kế thừa truyền thống xã hội Việt Nam, thừa nhận “bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân” (Điều 14) và chỉ coi “đất hoang” mới thuộc sở hữu toàn dân (Điều 12). Khi Quốc hội thảo luận xây dựng Hiến pháp 1980 và sau này Hiến pháp 1992 thì đất đai (toàn bộ đất đai nói chung) được tuyên bố là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, các ý kiến trái lại, đề nghị xem xét theo Hiến pháp 1959 đều không được chấp nhận. Như vậy, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp 1980.
Đến Hiến pháp năm 1992, mặc dù có sự thừa nhận nền kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân được thừa nhận, nhưng sở hữu đất đai vẫn là của toàn dân. Luật Đất đai được thông qua năm 1987 và sửa đổi năm 1993, mặc dù có nâng thời hạn quyền sử dụng đất đến 20 năm và với hạn điền không quá 03 ha cũng không khỏi hết những vướng mắc cho người dân sử dụng. “Rõ ràng việc giao đất có thời hạn và không công nhận tư hữu đất đai khiến người sử dụng chưa an tâm, phần nào hạn chế, không khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, do luật chưa sát với thực tiễn nên phát sinh chuyện ngoài luật còn “đẻ” ra thêm vô số văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, thông tư, nghị định… Từ đó chính quyền cấp địa phương muốn vận dụng sao cũng được, và dễ… vận dụng sai làm tình hình quản lý đất đai thêm phức tạp, nhất là dễ lợi dụng để trục lợi, hay vận dụng sai luật dẫn tới gây thiệt thòi cho người sử dụng đất. Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là một điển hình. Phải nhìn nhận là chính sách đất đai cứ thay đổi liên tục như vừa qua gây khó trong quản lý, vừa phát sinh tiêu cực. Đáng lý ra nó nhất thiết phải chuẩn, tinh gọn và nhất quán. Trên thế giới nhiều nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ở nước ta chỉ giao quyền sử dụng, hiện người dân không có quyền sở hữu về đất. Tuy nhiên, lâu nay người dân vẫn mua bán, chuyển thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất và đều được chính quyền công nhận, thừa nhận. Như vậy điều đó cho thấy thực tế đất đai đã là một dạng tài sản, đồng thời quyền sử dụng đã giống như quyền tư hữu. Với thực tế đó thì luật cũng phải thay đổi cho phù hợp thực tiễn. Chúng ta nên giao đất vĩnh viễn theo hình thức sở hữu. Nghĩa là công nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân, đồng thời đa dạng hóa sở hữu đất đai như sở hữu quốc gia do Nhà nước quản lý, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của cá nhân”[5]. Vì thế, “hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay là bỏ “hạn điền 03 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai để trục lợi. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp… Khi phải trưng dụng đất của dân đang canh tác, Nhà nước sẽ sử dụng phần đất công của mình (thí dụ đất rừng đang khai thác) để tạo lập một vùng canh tác mới có đủ cấu trúc hạ tầng để đổi lại cho nông dân như kiểu thành lập những đồn điền dầu cọ FELDA của Malaysia”[6].
“Chuyện ai sở hữu cần phải được làm rõ, đất cần phải có chủ. Phần nào thuộc về nhà nước, phần nào thuộc về tư nhân phải rõ ràng. Ngoài ra, chế tài cũng phải rất mạnh và được quy định ngay trong Luật Đất đai. Có như vậy mới hạn chế được một số nguy cơ mà không ít người đang lo ngại, như tình trạng hồi tố đất đai hoặc tích tụ ruộng đất chỉ để đầu cơ sinh lời. Còn nếu cứ duy trì tình trạng như hiện nay, chỉ dẫn đến thụt lùi. Hiện chỉ có khoảng 1% trong hơn chục triệu hộ nông dân của cả nước sản xuất làm ăn ở quy mô trang trại, đây là một tỷ lệ rất thấp so với nhiều nước”[7].
Trong trường hợp Nhà nước không thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai, kể cả trong trường hợp Hiến pháp vẫn tiếp tục công nhận sở hữu toàn dân, thì vẫn nên thu hẹp quyền giao đất, thu hồi đất của Nhà nước. Thay vào đó, nên áp dụng quyền trưng dụng, trưng mua của người dân. Cơ chế trưng mua, trưng dụng cũng phải rất chi tiết, thận trọng và chỉ nên áp dụng với các dự án vì lợi ích quốc gia.
Vấn đề phân quyền giữa trung ương với địa phương, địa phương với địa phương. Trong vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, có thể thấy có quá nhiều cấp tham gia vào việc giải quyết, từ xã cho đến huyện, cho đến tỉnh và thậm chí có cả cấp trung ương. Hiến pháp năm 1992 quy định nước ta có 04 cấp chính quyền: trung ương, tỉnh, huyện và xã, nhưng lại có sự dập khuôn về mô hình tổ chức, không phân biệt rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Trung ương có bộ phận nào, cơ quan nào thì địa phương có cơ quan ấy, bộ phận ấy. Và cũng tương tự như vậy, cấp trên có chức năng nhiệm vụ gì, thì ở cấp dưới dứt khoát phải có chức năng, nhiệm vụ ấy. Điển hình là thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cả ba cấp chính quyền địa phương đều giống nhau. Điều này dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; tạo điều kiện để đùn đẩy trách nhiệm, nhưng đồng thời lại tạo ra kẽ hở cho chính quyền lạm dụng, dựa dẫm vào nhau cùng che chở cho những cái sai. Trong vụ Tiên Lãng, chính quyền đã ban hành những văn bản quy phạm không thuộc thẩm quyền của mình. Từ những quy định của pháp luật, với thói quen, cách làm cũ, đồng thời cũng do sự phân quyền không rõ ràng, trước khi quyết định, các cấp chính quyền đều có sự trao đổi xin ý kiến thống nhất của cấp trên, đến khi thi hành lệnh cưỡng chế cũng vậy, hầu như đều có sự đồng ý của các cấp trên dưới của chính quyền huyện Tiên Lãng, dù quyết định cưỡng chế là sai trái.
Cần phải thấy rằng, có những lĩnh vực mặc dù được phân quyền cho chính quyền địa phương (như quản lý đất đai) nhưng việc quản lý của trung ương trong lĩnh vực này (xây dựng và công bố quy hoạch tổng thể) lại phân định không rõ ràng hoặc thực hiện không tốt, dẫn đến sự cát cứ của các địa phương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu, làm phá vỡ trật tự quản lý nhà nước. Chính quyền huyện Tiên Lãng đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện: có người được giao 4 năm; có người 10 năm, 14 năm… Sự tùy tiện này đã làm   nhiều người cho rằng, Việt Nam có nguy cơ bị phân chia thành 63 vương quốc nhỏ cộng với một vương quốc ở trung ương là 64. Không phải chỉ dừng lại ở con số 64, mà qua vụ việc Tiên Lãng đã thấy có hiện tượng của các “tiểu vương quốc” hơn 600 quận, huyện trên cả nước.
Quy định về chính quyền địa phương là một trong những nội dung rất quan trọng cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp 1992. Như nhiều ý kiến đề xuất, có thể chỉ tổ chức hai cấp chính quyền địa phương gồm cấp tỉnh và dưới cấp tỉnh (có thể là thành phố hay xã). Chính quyền địa phương hoàn chỉnh bao gồm cơ quan do nhân dân địa phương bầu ra (HĐND), HĐND là cơ quan đại diện ở địa phương, và Uỷ ban nhân dân là cơ quan tổ chức thực hiện ở địa phương, chịu sự giám sát của HĐND[8].
Vấn đề không nằm ở chỗ nên bỏ HĐND ở cấp nọ, giữ cấp ở kia, mà ở chỗ Hiến pháp và luật phải phân định những việc gì địa phương làm được thì trung ương không làm; những gì chỉ của cấp trên làm mà cấp dưới không làm, những việc chỉ trung ương làm mà địa phương không làm, như an ninh – quốc phòng, ngoại giao, tư pháp…;  Tuyệt đối tránh hiện tượng trên và dưới, nhiều cấp chính quyền cùng làm một việc.  Một khi đã giao cho công việc quyết định thì phải kèm theo cả ngân sách, sẽ có ngân sách trung ương và có ngân sách địa phương. Cũng không nên áp dụng nguyên tắc quản lý hành chính từ thời bao cấp “song trùng trực thuộc”: ngang thì trực thuộc HĐND và UBND, dọc thì lại trực thuộc trung ương. Trừ những việc cực chẳng đã mới có cả trung ương và địa phương đều phải làm, đều quản lý, nhưng trong mọi trường hợp, cần có sự phân định rõ ràng. Từ vụ việc ở Tiên Lãng, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được phân định lại, không phải cấp nào cũng có thể ban hành như cấp nào, về bất kỳ lĩnh vực gì.
Vấn đề phân quyền giữa hành pháp và tư pháp. Khi vụ việc xảy ra, sự việc được trình lên   Chính phủ. Vấn đề là, giải quyết sự việc này có thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của Chính phủ? Một khi quyết định hành chính đã được ban hành, đã được áp dụng, thì mọi hậu quả của nó thuộc quyền đánh giá, xét xử của lĩnh vực của tư pháp – toà án, nhất là một khi vụ việc đã có sự tham gia của tòa án. Chính phủ, Thủ tướng cũng không nên có đề nghị tòa án xét xử, vì tòa án khi xét xử chỉ thực hiện nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, và càng không nên quả quyết hành vi của phía nào sai hay là đúng pháp luật. Công việc đó là tuộc phạm vi của tư pháp – xét xử.
Qua vụ việc Tiên Lãng, hoạt động tư pháp cũng là một nội dung cần phải quan tâm khi sửa đổi Hiến pháp. Nếu cơ quan tư pháp giải quyết đúng ngay từ khâu xét xử đầu tiên thì hậu quả vụ việc có lẽ đã khác. Việc kiện lên toà án để yêu cầu toà án phán quyết về quyết định thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn là rất đúng. Khi toà án sơ thẩm quyết định bác đơn của ông Đoàn Văn Vươn, ông tiếp tục kiện ra Toà phúc thẩm của thành phố cũng rất đúng. Nhưng ở cấp phúc thẩm, Thẩm phán Toà phúc thẩm đã lừa dối ông Đoàn Văn Vươn, khi khuyên ông đồng ý rút đơn kháng cáo quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nhưng lại không tiến hành các bước hoà giải tiếp theo. Việc rút đơn kháng cáo của các ông Vươn, ông Luân đã làm cho quyết định sơ thẩm của Toà án có hiệu lực thực thi. Thẩm phán như vậy đã làm trái các quy định của pháp luật và không có đạo đức hành nghề thẩm phán.
Sự phân quyền giữa Đảng và Nhà nước. Bên cạnh và sau khi chờ kết luận của Thủ tướng về vụ việc Tiên Lãng xong, chúng ta lại tiếp tục chờ quyết định của Thành uỷ Hải Phòng. Sự chờ đợi này thể hiện một cách làm theo cơ chế cũ: tất cả đều phải chờ vào quyết định của cấp ủy đảng. Nên chăng, cần xác định rõ đây là vấn đề của chính quyền, chính quyền phải rốt ráo làm, chứ không phải là vấn đề của Thành uỷ Hải Phòng, hay của huyện uỷ Tiên Lãng.
Vấn đề sử dụng lực lượng vũ trang. Có nên hay không nên việc sử dụng quân đội  vào công việc cưỡng chế này? Theo quan điểm của nhiều người thì vụ việc này không phải dùng đến lực lượng quân đội. Vì theo nguyên tắc, chỉ được sử dụng quân đội trong tình trạng chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trong tình trạng khẩn cấp có thiên tai địch họa. Chính vì việc tổ chức và hoạt động theo cơ chế tập trung, huyện cũng có quân đội, người đứng đầu quân đội – huyện đội trưởng – cũng tham gia cấp ủy địa phương nên chính quyền đã lạm dụng khi huy động. Hiến pháp sửa đổi cũng phải xem xét lại mối quan hệ này, quy định rõ khi nào mới có sự tham gia của lực lượng vũ trang.
*
Qua vụ việc Tiên Lãng, có thể nhận định: mọi hệ lụy phát sinh từ vụ việc cũng như nguyên nhân phát sinh vụ việc đều có nguyên nhân sâu xa từ các quy định của Hiến pháp hiện hành: Hiến pháp không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, không thừa nhận phân quyền giữa các cơ quan nhà nước, giữa Đảng và nhà nước. Vì vậy, Hiến pháp sửa đổi phải thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, phải thừa nhận sự phân quyền giữa các cơ quan nhà nước, nhất là giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng phải lãnh đạo chính quyền thông qua các cơ quan nhà nước. Đảng không trực tiếp quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước./
 [1] Xem Nguyên Lâm, Hiến pháp nhìn từ Tiên Lãng, tr. Blog Thanh niên Phía trước 
[2] Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc  phát biểu trên VTV ngày 11/2/2012. 
[3] Tọa đàm trên Việt Nam Net, ngày 12/2/2012
[4] Xem Vũ Quang Việt, Những vấn đề về sở hữu toàn dân, Kinh tế Sài gòn 17/2/2012 
[5] Xem Võ Tòng Xuân, Nên giao vĩnh viễn đất cho người dân, Quy hoạch đô thị, ngày 14/2/2012
[6] Võ Tòng Xuân, Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, Kinh tế Sài gòn 14/2/2012
[7] Đặng Kim Sơn, Buổi tọa đàm trên Việt Nam Net ngày 12/2/2012.
[8] Xem Nguyễn Lâm, Tlđd  
GS. TS. Nguyễn Đăng Dung
Nguồn: Nghiên cứu lập pháp,
đăng ngày 1/3/2012,
(Có chỉnh lại)
Có thể tham khảo thêm tại:

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Vụ Cù Huy Hà Vũ: chỉ là bước khởi đầu

Cập nhật: 04:37 GMT - thứ bảy, 22 tháng 6, 2013


Từ 10 ngày qua dư luận trong và ngoài nước kể cả các cơ quan truyền thông, các tổ chức và cá nhân tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế đã lên tiếng khá mạnh mẽ về vụ "tuyệt thực của ông Hà Vũ". Thậm chí còn có cả một "cuộc chiến truyền thông trong dư luận" giữa truyền thông nhà nước và truyền thông mạng xã hội "lề trái" về vụ việc này.
Tuy vấn đề ông Hà Vũ thực sự có "tuyệt thực" trong tù hay không vẫn còn đang tranh cãi nhưng có một sự thật không thể nào phủ nhận được là ông Hà Vũ đã có viết "Đơn tố cáo", và đâu đó dường như ông giám thị trại giam Lường Văn Tuyến đã phải "thực hiện nghĩa vụ trả lời" như một "quan chức có trách nhiệm".

Quyền và Trách Nhiệm của Nhà nước

Qua vụ việc này chúng ta thấy rằng chính quyền có thể đã bắt đầu có ý thức về trách nhiệm của họ như một cơ quan công quyền của một nhà nước thực sự "của dân, do dân và vì dân", cho dù rằng người dân đó có là một công dân bình thường hay là một công dân đang phải chấp hành án như một phạm nhân.
Một điều rất ư đơn giản nhưng đôi khi các viên chức nhà nước Việt Nam thường hay quên; không biết là họ vô tình hay hữu ý lạm dụng đó là "Chính quyền là cơ quan đại diện nhân dân tổ chức, quản lý và điều hành quốc gia" theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Với tư cách trên, Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình những công việc của mình trước nhân dân, trả lời và giải đáp thường xuyên một cách tường tận, thích đáng tất cả mọi yêu cầu, đòi hỏi chính đáng và đúng pháp luật của nhân dân.
Người đang thọ án tù cũng là nhân dân cho nên họ cũng phải được đối xử đúng theo pháp luật.
Chính phủ được nhân dân trao quyền thì Chính phủ phải có trách nhiệm với nhân dân. Quyền và Trách Nhiệm nói chung phải luôn song hành và thực chất tuy nó mang hai khái niệm khác nhau nhưng quy tụ chỉ là một.
Một Chính phủ mà vô trách nhiệm trước nhân dân thì Chính phủ đó không xứng đáng được nhân dân trao quyền. Mà nếu Chính phủ đó vẫn còn tiếp tục tồn tại, thật ra chỉ vì nó đã tiếm quyền của nhân dân.
Chính quyền đó không phải là chính quyền "của dân, do dân và vì dân" mà ra.
Chính phủ của Nhà nước CHXHCNVN từ thời VNDCCH cho đến nay là một chính quyền không chính danh, không được nhân dân Việt Nam chính thức trao quyền thông qua Hiến pháp và pháp luật, cho nên, cách hành xử của họ đã thể hiện như một tổ chức nhà nước cưỡng quyền và cường quyền.
Họ xuất phát từ việc "cướp chính quyền" để sau đó qua những biến cố bão táp cách mạng mà họ dựng lên đã áp đặt bằng vũ lực, ý chí và quyền cai trị của họ lên tổ quốc và nhân dân Việt Nam.

Cơ hội "chuyển đổi"

"Quyền và Trách Nhiệm nói chung phải luôn song hành và thực chất tuy nó mang hai khái niệm khác nhau nhưng quy tụ chỉ là một."
Rất may là từ nhiều năm gần đây, nhờ sự phát triển mạnh của cộng đồng xã hội nói chung và của Internet nói riêng, dư luận nhân dân Việt Nam đã ngày càng ý thức rõ hơn về quyền và vai trò công dân có trách nhiệm của mình cũng như đã nhận ra được những khuất tất bất cập trong tính chính danh và sự điều hành vô nguyên tắc, bất chấp luật pháp của chính quyền; một bộ phận không nhỏ trong họ đã bất chấp những khó khăn cũng như hy sinh quyền lợi cá nhân không ngừng lên tiếng đấu tranh phản biện, góp ý, xây dựng để thúc đẩy một sự chuyển đổi cần thiết và tiến bộ cho đất nước.
Vụ tuyệt thực của ông Hà Vũ chỉ là một thí dụ điển hình minh họa cho làn sóng cải cách này như qua lời của chính ông: "Việc Giám thị Lường Văn Tuyến cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của tôi sau khi tôi tuyệt thực 25 ngày là thắng lợi của Công lý, là thắng lợi bước đầu của việc đấu tranh của tôi và của toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước..."
Ông tiếp rằng "ông tin tưởng cuộc đấu tranh của ông và nhân dân Việt Nam vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam sẽ tiếp tục được ủng hộ vì cuộc đấu tranh này còn phải tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng".
Thật vậy, nếu việc ông Giám thị Trại giam đã ra văn bản trả lời ông Hà Vũ là đúng sự thật thì cử chỉ này rất đáng được trân trọng. Vì đây có thể được xem như là một dấu hiệu của sự "đổi mới tư duy" của quan chức Việt Nam trong cách hành xử của họ với nhân dân.
Dân chủ là gì nếu người dân không được thực thi quyền làm chủ của mình khi trao đổi với chính quyền.
Thái độ cần có của một "chính quyền có trách nhiệm" là phải triệt để "thực thi trách nhiệm giải trình và phúc đáp yêu cầu của nhân dân".
Công lý đã thắng nhưng đây chỉ mới là bước đầu.
Vì Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam, chúng ta nhất định phải tiếp tục kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng.
Bài phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, một luật sư sống và hành nghề tại Canada.

Bàn về bản chất của Hiến pháp

Ferdinand Lassalle
Bums, X-Cafe chuyển ngữ
Bài phát biểu của Ferdinand Lassalle(1825 – 1864) tại một buổi họp của hiệp hội công dân Berlin năm 1862.

Thưa các ngài!
Tôi được yêu cầu đóng góp một tham luận cho cuộc họp quan trọng này, và tôi đã chọn một vấn đề, tự nó đã xứng đáng để bàn luận, bởi vì trước hết nó rất phù hợp với tình hình. Cụ thể ở đây tôi sẽ nói về bản chất của Hiến pháp.
Đầu tiên tôi có điều lưu ý, thưa các ngài, rằng tham luận của tôi sẽ là một tham luận chặt chẽ về mặt khoa học. Mặc dù vậy hoặc đúng hơn là sẽ không có ai trong các ngài lại không thể nắm bắt được bài tham luận này từ đầu đến cuối và hoàn toàn không hiểu gì.
Bởi vì tính khoa học thực sự, thưa các ngài-cũng tốt, nếu nhắc lại luôn ở đây-, không có gì khác hơn là nằm ở tính mạch lạc của tư duy, đó là điều không đòi hỏi phải có bất cứ điều kiện nào có trước, từng bước từng bước tất cả sẽ được khai triển từ chính nó, song cũng chính vì vậy, thính giả một khi chú ý lắng nghe sẽ không cần phải căng thẳng trí óc mới có thể hiểu được.
Sự mạch lạc trong tư duy chính vì thế không đòi hỏi ở người nghe nó bất kỳ một điều kiện đặc biệt nào. Mà ngược lại, bởi vì nó, như đã lưu ý, chứa đựng không có gì khác hơn là sự vô điều kiện của tư duy, sự mạch lạc này triển khai tất cả từ chính nó, và như vậy nó không chấp nhận bất kỳ một điều kiện có trước nào. Cái nó chấp nhận và đòi hỏi không có gì khác hơn là người nghe, phải không có bất kỳ điều kiện có trước thuộc dạng nào, không có định kiến cố định nào, mà phải nghiên cứu mới đối tượng từ đầu, cho dù họ đã nhiều lần suy nghĩ hoặc nói về nó, có nghĩa là, họ hoàn toàn không hề biết chút gì một cách chính xác về nó, và cũng có nghĩa là ít nhất trong thời gian tiến hành tìm hiểu vấn đề phải từ bỏ tất cả những gì cho đến nay được hiểu về đối tượng này.
Và như vậy tôi sẽ bắt đầu bài tham luận của mình với câu hỏi: Hiến pháp là gì? bản chất của một bản Hiến pháp bao gồm những gì?
Tất cả mọi người, thưa các ngài, hiện nay ai cũng nói đến Hiến pháp từ sáng tới tối. Trên tất cả các mặt báo, trong mọi thành phần xã hội, ở tất cả các quán xá người ta liên tục nói về Hiến pháp.
Thế nhưng, nếu tôi đặt vấn đề này ra một cách nghiêm túc: bản chất của một bản hiến pháp là gì, khái niệm Hiến pháp là gì, có lẽ tôi sợ rằng, tất cả những kẻ đang bàn luận về Hiến pháp sẽ không có khả năng để đưa ra một câu trả lời cho thỏa mãn.
Nhiều người sẽ cảm thấy đang cố gắng thử tìm cách trả lời câu hỏi đó bằng việc lục lại bộ luật nước Phổ năm 1850 và dẫn ra đây bản Hiến pháp của nước Phổ.
Nhưng các ngài sẽ nhanh chóng nhận ra, đó không phải là câu trả lời cho câu hỏi của tôi. Bởi vì những gì trong đó chỉ là cái nội dung đặc biệt của một bản Hiến pháp nhất định mà cụ thể ở đây là Hiến pháp nước Phổ, và như vậy hoàn toàn không đủ khả năng để trả lời cho câu hỏi: bản chất của một bản Hiến pháp, hay khái niệm Hiến pháp thực chất là gì.
Nếu tôi đặt câu hỏi này cho một luật gia, câu trả lời của anh ta có lẽ là như thế này: “Hiến pháp là một bản khế ước giữa nhà vua và dân chúng, nó xác định những nguyên tắc nền tảng của lập pháp và của chính phủ trong một đất nước” hoặc có thể anh ta sẽ khái quát hóa hơn nữa, vì ngoài ra còn có những hiến pháp của chính thể cộng hòa, và nói: “Hiến pháp là bộ luật nền tảng được tuyên cáo trong toàn quốc, nó xác định việc tổ chức của luật pháp công trong quốc gia đó.”
Nhưng tất cả những định nghĩa mang tính luật pháp hình thức kiểu này hoặc tương tự như vậy cũng giống như câu trả lời trên đó, chúng đều cách xa câu trả lời chính xác cho câu hỏi của tôi. Bởi vì tất cả những câu trả lời này đều chỉ chứa đựng sự diễn tả mang tính bên ngoài về việc một bản Hiến pháp đã được hình thành nên như thế nào, và một bản Hiến pháp làm những gì, nhưng không chứa đựng cái nhiệm vụ: Hiến pháp là gì. Nó đưa ra những tiêu chuẩn, những đặc trưng để người ta từ đó nhận ra được một bản Hiến pháp về hình thức và về tính pháp lý. Nhưng nó hoàn toàn không nói cho chúng ta biết về khái niệm Hiến pháp và về bản chất của một bản Hiến pháp là gì .
Vì vậy nó đặt chúng ta vào trạng thái hoàn toàn mù mờ, không biết liệu và khi nào một bản Hiến pháp nào đó là tốt hoặc tồi, có khả năng hay không có khả năng, sẽ bền vững hoặc không bền vững. Bởi vì tất cả những cái đó chỉ có thể nảy sinh trước hết từ khái niệm Hiến pháp. Chí ít đầu tiên người ta phải hiểu được bản chất của một bản Hiến pháp, để có thể biết, nó có phù hợp với cái bản chất đó hay không và nó phải thể hiện ra như thế nào. Tuy nhiên về điều này như đã thấy, bất kỳ kiểu định nghĩa mang tính luật pháp, tính hình thức, được viết một cách giống nhau trên bất kỳ một tờ giấy nào, được một dân tộc hoặc một dân tộc và nhà vua của họ cùng đặt bút ký và tuyên bố là Hiến pháp bất kể nội dung của tờ giấy đó được tạo nên ra sao, đều đưa chúng ta vào một trạng thái mù mờ. Sự sáng tỏ chỉ có được khi khái niệm Hiến pháp, các ngài sẽ thấy rõ điều này khi mà chúng ta đã nắm bắt được khái niệm đó-là mạch nguồn của tất cả nghệ thuật hiến pháp và của minh triết hiến pháp, là những điều sau đó sẽ phát triển vừa dễ dàng và cũng tự nhiên từ cái khái niệm đó.
Tôi nhắc lại câu hỏi lần nữa: một bản Hiến pháp là gì, cái gì là bản chất, là khái niệm Hiến pháp?
Bởi vì chúng ta chưa biết-cho nên trước hết chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm, thưa các ngài-và như vậy chúng ta nên vận dụng một phương pháp, mà chúng ta luôn cảm thấy thoải mái khi vận dụng nó, nếu một khi cần phải đạt đến một khái niệm rõ ràng về một sự việc.
Phương pháp này thật ra cũng đơn giản thôi, thưa các ngài. Nội dung của nó là, với một sự việc mà ta đang tìm kiếm khái niệm về nó, người ta sẽ tìm cách so sánh nó với một sự việc tương tự, và tìm cách suy nghĩ về sự khác biệt một cách mạch lạc, sâu sắc để cuối cùng có thể phân biệt được giữa chúng với nhau.
Một khi sử dụng phương pháp này, tôi sẽ hỏi: điểm khác biệt giữa Hiến pháp và luật cơ bản là như thế nào?
Cả hai, Hiến pháp và Luật, rõ ràng đều có một bản chất liên quan với nhau. Một Hiến pháp cần phải có hiệu lực pháp luật; cho nên nó cũng phải là luật. Tuy nhiên nó không chỉ là luật, nó còn phải trên cả luật. Và như vậy có một sự khác biệt ở đây. Việc ở đây có một sự khác biệt như vậy, việc một bản hiến pháp cần phải không chỉ là luật, mà còn hơn thế nữa, có thể chứng minh được qua hàng trăm thực tế.
Vậy nên các các ngài đừng có khó chịu, các ngài thân mến, nếu như các ngài thấy xuất hiện những điều luật mới. Ngược lại, các ngài biết đấy, việc vài năm lại có ít nhiều những điều luật mới được ban hành đó là điều cần thiết. Tuy nhiên không có điều luật mới nào có thể được ban hành mà không có sự thay đổi tương quan luật pháp đang hiện hành cho đến lúc đó. Bởi vì giả như điều luật mới không đem lại thay đổi gì trong trạng thái luật pháp vẫn tồn tại đến thời điểm đó, thì điều luật đó hoàn toàn trở nên thừa và sẽ không được ban hành.
Đối với việc sửa đổi luật pháp các ngài không sẽ cảm thấy khó chịu, vì nhìn chung các ngài coi đó là những nhiệm vụ định kỳ của các bộ phận trong chính phủ. Thế nhưng chừng nào người ta chọc ngoáy các ngài ở chỗ Hiến pháp, khi đó các ngài sẽ bực bội và la lên: Người ta đụng chạm đến Hiến pháp của chúng ta. Do đâu mà có sự khác biệt đó? Sự khác biệt đúng là không thể phủ nhận được ở chỗ, trong một số Hiến pháp rõ ràng được quy định: Hiến pháp cần phải không thể thay đổi được; ở chỗ khác lại ghi, chỉ thay đổi khi có được 2/3 số đại biểu theo luật đồng ý, ở chỗ khác nữa lại ghi: những chủ thể lập pháp hoàn toàn không thể, ngay cả khi trong liên minh với các quyền lực chính phủ khác, tiến hành việc thay đổi Hiến pháp, mà một khi, nếu như nó quyết định việc thay đổi Hiến pháp, lúc đó cần phải có một hội nghị toàn quốc mới, gồm những người do dân lựa chọn, đặc biệt dành cho mục đích này, để quyết định về việc thay đổi Hiến pháp.
Trong tất cả những thực tế trên đây đã thể hiện một điều, rằng theo như tình cảm của toàn bộ dân chúng một bản Hiến pháp còn cần phải là cái gì đó nhiều thiêng liêng hơn, vững chắc hơn, bất biến hơn là một bộ luật thông thường.
Bây giờ tôi lại tiếp tục với câu hỏi của mình: một bản Hiến pháp khác với một văn bản luật ở chỗ nào?
Câu trả lời cho câu hỏi này thường như sau: một bản Hiến pháp không chỉ là một văn bản luật, như những văn bản luật khác, mà nó còn là một văn bản luật nền tảng của một quốc gia. Hoàn toàn có khả năng, thưa các ngài, rằng trong câu trả lời này có thể ẩn chứa những cái đúng trong một cách thức không rõ ràng. Nhưng trong cái cách không rõ ràng này, là cái mà câu trả lời còn có, đã không giúp gì hơn cho tôi. Bời vì nó lại làm nảy sinh câu hỏi tiếp theo: một văn bản luật thông thường khác một văn bản luật nền tảng ở chỗ nào? Như vậy chúng ta lại chẳng tiến xa thêm được bao nhiêu. Chúng ta chỉ có thêm được một cái tên mới, luật nền tảng, nó chẳng giúp gì được cho chúng ta, chừng nào chúng ta lại tiếp tục không hề biết và nói ra được sự khác biệt nào giữa một văn bản luật nền tảng và một văn bản luật thông thường.
Do đó chúng ta hãy thử tìm cách tiếp cận vấn đề theo cách sau: chúng ta sẽ nghiên cứu xem những quan niệm nào có thể được chứa đựng trong cái tên “Luật nền tảng”, hay nói một cách khác: một văn bản luật nền tảng phải khác một văn bản luật thông thường như thế nào, nếu như cái thứ nhất phải thực sự xứng đáng với tên tên gọi Luật nền tảng.
Vậy thì một văn bản luật nền tảng cần phải:
1. là một văn bản luật, có chiều sâu hơn một văn bản luật thông thường; điều này thể hiện qua chữ nền tảng; nhưng nó cũng cần:
2. để là một luật nền tảng, chính xác ra nó phải là cái nền để các luật khác xây dựng trên đó, như vậy có nghĩa là luật nền tảng phải tiếp tục có tác động trong những điều luật thông thường khác, nếu nó, như đã nói, cần phải là nền cho các luật này. Như vậy có nghĩa là luật nền tảng phải tiếp tục có hiệu lực trong những văn bản luật thông thường khác.
3. nhưng một sự việc, có một nền tảng, sẽ không còn có thể tùy tiện trở thành lúc thế này lúc thế khác; mà nó phải luôn giữ nguyên như nó vốn là. Việc nó khác đi, không ảnh hưởng gì đến nền tảng của nó. Chỉ có cái không có nền tảng, và cũng bởi vậy mới có thể là điều ngẫu nhiên, lúc như nó vốn là, và cũng có lúc khác đi. Tuy nhiên cái gì có một nền tảng, nó nhất thiết phải như nó vốn là. Ví dụ như các hành tinh có một sự chuyển động nhất định. Chuyển động này hoặc tuân theo một nền tảng quy định cho nó hoăc nó không tuân theo một nền tảng nào. Nếu nó không có nền tảng, thì chuyển động đó mang tính ngẫu nhiên và có thể bất kỳ một lúc nào đó chuyển động sẽ đổi khác. Nhưng nếu nó có một nền tảng, cụ thể, như những nhà khoa học đã nói, là lực hấp dẫn của mặt trời, xác định và điều khiển, làm cho nó không thể nào khác được như nó phải là. Trong quan niệm về nền tảng, như vậy có chứa đựng ý tưởng về một sự tác động tất yếu, về một lực tác động, là cái cùng với sự tất yếu đã làm cho cái lấy nó làm nền tảng trở nên phải như nó phải là.
Như vậy nếu Hiến pháp làm nên luật cơ bản của một quốc gia,-và ở đây bắt đầu lóe lên cho chúng ta tia sáng đầu tiên, thưa các ngài-nó sẽ là một cái gì đó còn cần phải được xác đinh cụ thể hơn hoặc như chúng ta tạm thời tìm ra, đó là một lực tác động với sự tất yếu đã làm cho những điều luật khác và những thiết chế luật pháp khác, là những cái được ban hành trong đất nước này, trở thành như nó hiện là, để sao cho từ giờ trở đi không thể nào có thể ban bố những điều luật khác với chính những điều luật đó trên đất nước này.
Nhưng liệu bây giờ có một cái gì đó trong đất nước này, thưa các ngài,- và với câu hỏi này bây giờ dần dần toàn bộ ánh sáng bắt đầu được chiếu rọi vào đây- liệu có một cái gì đó trong một đất nước, một lực tác động xác định nào đó chẳng hạn, nó có tác động vào tất cả các bộ luật được ban hành trên đất nước này sao cho chúng nhất thiết ở trong một phạm vi nhất định và không trở nên khác đi như chúng phải như thế?
Đương nhiên, thưa các ngài, có một cái gì đó như vậy và cái gì đó này không có gì khác hơn là-những mối tương quan quyền lực trên thực tế, chúng đang tồn tại trong một xã hội hiện hành.
Những tương quan quyền lực, đang tồn tại trong một xã hội nào đó, là lực đang tác động quyết định tất cả các điều luật và các thể chế luật pháp của xã hội đó để sao cho chúng về cơ bản không thể nào khác được như chúng cần phải là.
Tôi sẽ đưa lướt qua một ví dụ sinh động để làm sáng tỏ hoàn toàn vấn đề. Thí dụ này cụ thể sẽ được tôi đặt ra dưới một hình thức hoàn toàn có thể vô lý. Nhưng ngoại trừ điều, mà sau này có thể sẽ được chỉ ra, rằng cũng chính cái ví dụ đó trong một hình thức khác tất nhiên sẽ hoàn toàn có thể có lý, và như vậy sẽ hoàn toàn không quan trọng, liệu cái ví dụ đó có thể xảy ra hay không, mà điều quan trọng chỉ là việc chúng ta muốn học được điều gì từ đó, là bản chất của sự việc mà ta muốn bóc trần, một khi nó xuất hiện.
Cái ngài đều biết, thưa các ngài, rằng ở nước Phổ chỉ có những gì được công bố qua bộ luật mới có hiệu lực luật pháp. Bộ luật đã được in tại nhà in Decker’sches Oberhofbucherein. Bản thân nguyên bản của các điều luật được lưu giữ trong kho lưu trữ nào đó của nhà nước, còn trong các lưu trữ khác, trong các thư viện và trong các tạp chí là những bản in của các bộ luật.
Bây giờ nếu các ngài tưởng tượng trường hợp có một đám cháy lớn xảy ra, chẳng hạn giống như đám cháy ở Hamburg, và lúc này tất cả những lưu trữ quốc gia đó, những thư viện, những tạp chí và ngay cả nhà in Decker’sche Oberhofbuchdruckerein đều bị cháy trụi và tai nạn này kỳ lạ thay cũng xảy ra cùng lúc ở tất cả các thành phố của vương quốc, ngoài ra những thư viện tư nhân trong đó có chứa những phiên bản của bộ luật cũng không thoát khỏi hỏa hoạn, có nghĩa là giờ đây trên toàn nước Phổ không còn tồn tại bất cứ một văn bản luật pháp nào ở dạng đã được công chứng.
Lúc này, đất nước, do bởi tất cả văn bản luật pháp đã bị tai họa thủ tiêu và như vậy không có cách nào khác là phải xây dựng lại một bộ luật mới.
Thưa các ngài, bây giờ liệu các ngài có tin, rằng người ta trong trường hợp này sẽ tiến hành công việc một cách tùy tiện, người ta có thể xây dựng những luật mới nào đó một cách tùy tiện, như một ai đó thích? Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu.
Bây giờ tôi đặt ra trường hợp, các ngài sẽ nói: Các bộ luật đã bị mất đi, giờ đây chúng ta làm lại bộ luật mới và trong bộ luật mới này chúng ta không muốn giành cho triều đình một vị trí như trước đây, hoặc là mạnh hơn nữa: chúng ta không muốn giành cho nó bất kỳ vị trí nào.
Lúc này nhà vua chỉ cần nói một cách đơn giản: Bộ luật cho dù đã bị mất đi; nhưng trên thực tế quân đội vẫn tuân theo ta, tiến lên theo lệnh của ta, trên thực tế theo lệnh ta các chỉ huy các kho vũ khí và trại lính sẽ kéo pháo ra, dàn trận trên đường phố và với quyền lực thực sự đó ta không để cho các ngươi sắp đặt cho ta một vị trí nào khác ngoài vị trí mà ta muốn.
Các ngài thấy không, thưa các ngài, một ông vua có quân đội trong tay cùng với súng ống, – đó chính là một mảng của Hiến pháp!
Hoặc tôi đặt ra một trường hợp khác, các ngài nói: Chúng tôi gồm 18 triệu dân nước Phổ. Trong số 18 triệu người này chỉ có một con số nhỏ không đáng kể các đại địa chủ thuộc dòng dõi quý tộc. Chúng tôi không thể chấp nhận được, tại sao một số nhỏ bé không đáng kể những đại địa chủ này lại có thể có mức độ ảnh hưởng lớn như ảnh hưởng của toàn bộ 18 triệu con người cộng lại, qua cách họ tạo nên một viện qúy tộc gồm toàn người của họ, viện này có quyền thay thế hoặc loại bỏ các quyết định của hạ viện gồm các nghị viên được toàn thể nhân dân bầu lên, khi mà chúng vẫn còn có tác dụng. Tôi đặt ra trường hợp, các ngài thảo luận với nhau như vậy và nói: Chúng ta tất cả đều là “quý tộc” và không muốn có bất kỳ một viện quý tộc đặc biệt nào nữa.
Bây giờ, thưa các ngài, các đại địa chủ quý tộc dĩ nhiên không thể sai nông dân tấn công các ngài! Mà hoàn toàn ngược lại, rất có thể chính họ lại phải bối rối tìm cách thoát khỏi sự tấn công của các nông nô của mình trước.
Thế nhưng các đại địa chủ quý tộc luôn có ảnh hưởng rất lớn đến triều đình và nhà vua, và bằng ảnh hưởng này họ có thể điều động quân đội và vũ khí phục vụ cho mình y như là những phương tiện quyền lực đó đang nằm trực tiếp dưới sự điều khiển của họ.
Như vậy các ngài thấy, thưa các ngài, một quý tộc, có ảnh hưởng đến triều đình và nhà vua, -đó cũng là một mảng của Hiến pháp.
Hoặc là tôi đặt ra một trường hợp ngược lại, nhà vua và giới quý tộc thỏa thuận riêng với nhau, tái thiết lập luật cơ bản về phường nghề thời trung cổ, và không chỉ đối với nghề thủ công nhỏ, như người ta cách đây ít năm phần nào thực sự đã thử làm điều đó, mà sẽ làm theo cách như nó đã có ở thời trung cổ, cụ thể là cho toàn bộ nền sản xuất có thiết bị máy móc. Thưa các ngài, chắc các ngài cũng đã biết, rằng tư bản lớn không thể nào hoạt động sản xuất trong hệ thống phường nghề kiểu thời trung cổ, rằng các đại xí nghiệp và các cơ sở công nghiệp, nền sản xuất bằng máy móc không thể nào phát triển được trong một hệ thống phường nghề thời trung cổ. Bởi vì, ví dụ như, trong hệ thống đó tồn tại khắp mọi nơi những giới hạn mang tính luật pháp, khoanh vùng những nhánh công việc khác nhau và cả những nhánh có quan hệ gần gũi với nhau, và không có một doanh nhân nào được phép kết nối hai nhánh giống nhau lại với nhau. Người thợ sơn không được phép trám các lỗ trống, giữa người thợ rèn kim và thợ nguội ngày đó là vô số những thủ tục để có thể vượt qua được giới hạn của hai nghề nghiệp, người thợ in vải không được được phép là tổn hại đến người chế tạo màu. Dưới hệ thống phường nghề đối với các loại số lượng cũng được quy định một cách nghiêm ngặt về mặt luật pháp như vậy, một doanh nhân chỉ được phép sản xuất với một số lượng nhân công có giới hạn, cụ thể là ở mỗi một địa phương trong mỗi một nghành nghề, mỗi một thợ cả chỉ được phép sử dụng cùng một số nhân công nhất định như luật định.
Các ngài thấy đấy, chỉ từ hai lý do đó nền sản xuất lớn, nền sản xuất với thiết bị máy móc và với một hệ thống máy móc trong điều kiện phường nghề không thể nào phát triển lấy một ngày. Bởi vì điều đầu tiên nền sản xuất lớn này đòi hỏi là không khí thở của nó, đó là sự kết nối các nhánh công việc hoàn toàn khác nhau trong sự điều khiển của cùng một tư bản lớn; thứ hai, đó là nền sản xuất số lượng lớn và sự tự do cạnh tranh, có nghĩa là việc sử dụng một cách tùy ý không hạn chế số lượng người lao động.
Nếu như bây giờ người ta mặc dù vậy vẫn muốn tái thiết lập luật phường nghề, cái gì sẽ xảy ra?
Các ông Borsig, Egels v.v…, các chủ nhà máy lớn nhuộm lớn, các chủ nhà máy sợi lớn v.v… sẽ đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân, ngay cả các ban điều hành các cung đoạn đường sắt cũng phải làm như vậy, buôn bán và kinh doanh sẽ ngừng trệ, một số lớn các thợ cả nghề thủ công do đó phần thì tự nguyên, phần thì bắt buộc phải sa thải thợ, lúc đó đám đông dân chúng vô cùng lớn này sẽ đổ ra đường gào lên đòi bánh mỳ và việc làm, đằng sau lưng họ là những nhà tư sản lớn đứng ra cổ vũ bằng ảnh hưởng của mình, khích động qua uy tín của mình và đứng ra tạm ứng tiền và cứ như thế sẽ đến lúc xảy ra một cuộc giao chiến, trong đó phần thắng không thể có đối với quân đội.
Thưa các ngài, như vậy các ngài thấy, các ông Borsig và Egels, các nhà đại công nghiệp nói chung, họ là một mảng của Hiến pháp.
Hay là tôi đặt ra môt trường hợp khác, chính phủ muốn vận dụng một biện pháp nào đó, mà biện pháp này cực kỳ làm tổn hại đến quyền lợi của các nhà tài phiệt lớn. Ví dụ, chính phủ muốn nói, nhà băng hoàng gia cần phải không được như hiện nay, nghĩa là không nên cung cấp tín dụng rẻ cho các tài phiệt và các tư bản công nghiệp lớn nữa, đó là những người dù sao cũng đã được cung một lượng tiền và tín dụng nhiều hơn tất cả, và họ là những người thời nay chỉ cần vớichữ ký là đã có thể thanh toán với nhà băng, cho nên nhà băng chính ra phải là nơi cung cấp tín dụng cho tầng lớp dưới và tầng lớp trung lưu-và người ta tiến hành tổ chức lại nhà băng hoàng gia để thực hiện mục tiêu đó-liệu có thể làm được như vậy, thưa các ngài?
Vâng, thưa các ngài, dĩ nhiên trường hợp này không thể kéo theo một cuộc nổi loạn. Nhưng đối với chính phủ hiện nay cũng không làm được.
Bởi vì thỉnh thoảng, thưa các ngài, chính phủ cũng ở trong tình trạng, cần có phương tiện tài chính như vậy, cần có một lượng lớn phương tiện tài chính như vậy, mà nó không dám gom nhặt qua hình thức thuế khóa. Trong trường hợp đó nó tìm lối thoát bằng cách xài trước một món tiền của tương lai, có nghĩa là, vay nợ và phát hành tín phiếu. Để làm được điều này nó phải cần đến các chủ nhà băng. Mặc dù về lâu về dài phần lớn các tín phiếu lại trở về trong tay toàn bộ giai cấp hữu sản của đất nước và chủ nợ nhỏ lẻ. Nhưng tuy nhiên điều này cần có thời gian, và thường cần rất nhiều thời gian. Thế nhưng chính phủ lại cần có tiền và ngay lập tức, hoặc trong một thời hạn rất ngắn, vì vậy nó cần đến những nhân vật trung gian môi giới, trước mắt cung cấp cho nó toàn bộ số tiền cần thiết và tự chịu phần rủi ro đối với những giấy nợ mà chúng nhận được từ chính phủ, với thời gian những giấy đó sẽ được bán cho công chúng với lãi suất có từ sự tăng giá một cách giả tạo khi bán ra trên thị trường chứng khoán. Những nhân vật trung gian đó là những chủ nhà băng, và bởi vậy ngày nay chính phủ không được phép làm phật lòng họ.
Như vậy các ngài đã thấy, thưa các ngài, những chủ nhà băng như Mendelssohn, Schickler, hoặc thì trường chứng khoán nói chung, đó cũng là một mảng của Hiến pháp.
Hoặc tôi đặt ra trường hợp, ví dụ chính phủ muốn ban hành một điều luật hình sự, giống như ở Trung quốc, nghĩa là nếu một kẻ nào đó phạm tội ăn trộm thì cha của nó phải chịu hình phạt. Điều này sẽ khó có thể xảy ra, bởi vì học thức chung, nhận thức chung sẽ phản đối kịch liệt. Tất cả các công chức nhà nước, ngay cả các hội kín cũng vỗ trán, ngay cả các thành viên của viện quý tộc cũng sẽ lên tiến chống lại, và như vậy các ngài đã thấy, thưa các ngài, trong một giới hạn nhất định nhận thức chung, trình độ học thức chung cũng vậy, chúng là một mảng của Hiến pháp.
Hoặc tôi đặt ra trường hợp, chính phủ quyết định tìm cách thỏa mãn giới quý tộc, giới nhà băng, các nhà công nghiệp lớn và các nhà tư bản nói chung, nhưng ngược lại lại tước quyền tự do về chính trị của những công dân nhỏ bé và của người lao động. Liệu như vậy có được, thưa các ngài? Ui dĩ nhiên là phải được, thưa các ngài, điều đó xảy ra trong cả một thời gian dài; vâng điều đó đã tự cho thấy, hoàn toàn được, và chúng ta tiếp sau đây sẽ còn có cơ hội để xem xét lại điều này.
Thế nhưng bây giờ tôi lại đặt ra một trường hợp như thế này: người ta không chỉ muốn tước quyền tự do về chính trị của những công dân nhỏ bé và của những người lao động mà còn cả quyền tự do cá nhân nữa, có nghĩa là, người ta muốn tuyên bố, rằng họ về mặt cá nhân không còn được tự do, họ là nông nô và bị phụ thuộc, như họ thực sự là như vậy trong những thế kỷ xa xưa của thời trung cổ tại nhiều quốc gia. Liệu có thể được, thưa các ngài? Không, và nếu cả như nhà vua, giới quý tộc và toàn bộ tầng lớp tư sản thống nhất với nhau về điều đó-cũng không thể nào được! Bởi vì trong trường hợp này các ngài sẽ nói: chúng tôi thà chịu chết, chứ không thể chấp nhận điều đó.
Những người lao động sẽ đóng cửa nhà máy không cần có Borsig và Egels, họ sẽ xông ra đường, toàn bộ tầng lớp dưới sẽ ủng hộ họ, và do vì sự đoàn kết kháng cự của họ rất khó bị bẻ gãy, và như vậy các ngài thấy, thưa các ngài, rằng trong những trường hợp cực đoan nhất định bản thân các ngài tất cả là một mảng của Hiến pháp.
Như vậy bây giờ chúng ta đã nhận thấy, thưa các ngài, Hiến pháp của một quốc gia là cái gì, đó là: những mối tương quan quyền lực thực tế tồn tại trong một đất nước.
Bây giờ điều đó có liên quan đến mức nào với cái mà người ta thông thường gọi là Hiến pháp, với Hiến pháp mang tính pháp lý? Vâng, thưa các ngài, các ngài sẽ lập tức tự nhận ra, nó có liên quan như thế nào với điều đó!
Các mối tương quan quyền lực thực tế này người ta sẽ viết lên một tờ giấy, diễn đạt chúng bằng văn bản, và nếu như giờ đây một khi chúng được viết ra, như vậy chúng sẽ không chỉ là những mối tương quan về quyền lực nữa, mà bây giờ chúng đã trở thành luật, thành những thiết chế pháp lý, và những ai chống lại sẽ bị trừng phạt!
Cũng như vậy, thưa các ngài, bây giờ các ngài sẽ nhận ra, người ta đã thực hiện như thế nào trong việc diễn đạt bằng văn bản này đối với các tương quan quyền lực thực tế, mà nhờ đó nó trở nên mang tính pháp lý.
Ở đây người ta sẽ không viết vào đó: ông Borsig là một mảng của Hiến pháp, ông Mendelssohn là một mảng của Hiến pháp v.v…, mà người ta sẽ diễn đạt điều đó theo một cách, một kiểu tinh vi hơn nhiều.
Ví dụ như nếu người ta muốn quyết định: số ít những chủ công nghiệp lớn và các đại tư bản trong vương quốc được hưởng nhiều quyền lực hơn tất cả các tầng lớp trung lưu, công nhân và nông dân cộng lại, lúc này người ta sẽ tránh không thể hiện bằng văn bản dưới hình thức lộ liễu không che đậy như thế. Thay vì vậy người ta sẽ ban bố một đạo luật, ví dụ như đạo luật vô lý phân chia ba tầng lớp cử tri năm 1849, theo điều luật đó người ta đã chia dân chúng thành ba tầng lớp cử tri dựa trên mức độ tiền thuế mà cử tri đó phải nộp, và mức độ này dĩ nhiên phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu của người đó.
Thưa các ngài, theo danh sách chính thức của nhà đương quyền công bố vào năm 1849 sau khi điều luật này được ban hành, khi đó trên toàn bộ nước Phổ có 3255600 cử tri, số này được chia làm ba tầng lớp như sau: thuộc tầng lớp thứ nhất có 153808 cử tri trên toàn nước Phổ, tầng lớp thứ hai gồm 409945 cử tri, tầng lớp thứ ba gồm 2691950 cử tri.
Tôi nhắc lại cho các ngài biết, thưa các ngài, rằng các con số này đều lấy ra từ tài liệu chính thức được công bố.
Chúng ta nhận thấy ở đây, 153808 người rất giàu được hưởng quyền lực chính trị tại nước Phổ ngang bằng với 2691950 người thuộc tầng lớp trung lưu, nông dân và công nhân cộng lại, hơn nữa con số 153808 những người rất giàu này và 409945 người tương đối giàu của tầng lớp thứ hai hợp lại có quyền lực chính trị nhiều hơn là của toàn bộ phần dân chúng còn lại, vâng 153808 người giàu có nhất và cùng với chỉ cần một nửa của số 409945 cử tri thuộc tầng lớp thứ hai hợp lại đã có nhiều quyền lực chính trị hơn là nửa còn lại của những người tương đối giàu có cộng với số 2691950 cử tri thuộc tầng lớp thứ 3.
Từ đó các ngài thấy đấy, thưa các ngài, người ta bằng cách như vậy đã đạt được kết quả y hệt như, nếu người ta viết ra những lời lộ liễu trong hiến pháp, chẳng hạn: một người giàu có cần được hưởng quyền lực chính trị gấp 17 lần những công dân khác hoặc ngang bằng với 17 người khác.
Trước khi điều luật “chia ba tầng lớp” này được ban hành, đã có một luât phổ thông đầu phiếu được xác định về mặt pháp lý qua điều luật ban hành vào ngày 08.04.1848, trong đó quy định mỗi một công dân bất kể giàu nghèo đều được hưởng luật bầu cử như nhau và như vậy có nghĩa là có một quyền lực chính trị như nhau trong việc tham gia xác định mục tiêu và ý chí của nhà nước. Như vậy các ngài thấy đấy, thưa các ngài, bằng chứng này đã chứng minh cho những gì tôi nói trước đây là có lý, rằng trên thực tế đáng tiếc là việc tước bỏ quyền tự do chinh trị của các ngài, những người thuộc tầng lớp trung lưu nhỏ bé và những công nhân, nông dân, đã xảy ra rất dễ dàng hơn là, nếu người ta chỉ tước bỏ một cách không trực tiếp và cực đoan của cải cá nhân, thân thể và tài sản của các ngài. Bởi vì các ngài khi đó đã để cho người ta tước đoạt quyền bầu cử một cách dễ dàng và cho đến nay tôi chưa hề thấy có một sự suy tính nào nhằm giành lại quyền này.
Tiếp tục, nếu như người ta muốn quy định trong Hiến pháp: một số nhỏ các đại địa chủ quý tộc cần được giành riêng quyền lực nhiều như những người giàu có, như những thành phần sung túc và những kẻ vô sản, nhiều quyền lực như của số cử tri bao gồm tất cả ba tầng lớp, như toàn bộ dân chúng cộng lại, khi đó người ta sẽ tránh viết những câu thô thiển, bởi vì các ngài chắc chắn đều nhận thấy, thưa các ngài, tôi nói lại lần cuối, tất cả những cái rõ ràng đều thô thiển-vì vậy người ta sẽ viết như sau trong Hiến pháp: cần phải lập nên một viện quý tộc với một số thành phần không đáng kể từ những đại diện của những địa chủ lâu đời và ổn định, sự chấp thuận của họ là cần thiết đối với những quyết định của hạ viện là đại diện cho toàn dân tộc và như vậy một nhúm những địa chủ lâu đời đã được trao một quyền lực chính trị ngang với ý chí chung của cả dân tộc và của tất cả những tầng lớp trong đó.
Và khi người ta tiếp tục muốn, rằng riêng nhà vua cần phải có quyền lực chính trị cũng nhiều bằng và còn nhiều hơn rất nhiều so với tất cả ba tầng lớp cử tri, nhiều hơn so với toàn bộ dân chúng và các địa quý tộc cộng lại, lúc này người ta sẽ làm như sau:
Người ta điền vào điều 47 của Hiến pháp: “Nhà vua nắm giữ mọi chức vụ trong quân đội”, và trong điều 108 của Hiến pháp người ta sẽ ghi: “Không tồn tại việc tuyên thệ của quân đội đối với Hiến pháp.” Và người ta sau đó xây dựng một lý thuyết cho nó, là cái trên thực tế lý thuyết này đóng vai trò nền tảng về mặt nguyên tắc trong nó, cụ thể lý thuyết nói, rằng nhà vua có một vị trí hoàn toàn khác đối với quân đội không giống như đối với các cơ quan nhà nước khác, ông ta trong mối quan hệ với quân đội không chỉ là vua, mà còn là một cái gì đó hoàn toàn khác, hoàn toàn đặc biệt, bí mật và không thể biết được, đối với điều này người ta đã sáng tạo ra chữ “Tổng tư lệnh”, và, rằng do vậy quốc hội và nhân dân hoàn toàn không cần phải quan tâm đến quân đội, không can thiệp vào công việc và tổ chức của nó,mà chỉ cần chấp thuận ngân sách tài chính cho nó. Và người ta phải, như đã nói, phải thừa nhận-sự thật là trên hết-, rằng lý thuyết đương nhiên là một nền tảng nào đó cho điều 108 của Hiến pháp. Bởi vì một khi Hiến pháp quy định, việc quân đội và bản thân nhà vua không giống như tất cả các quan chức nhà nước khác là phải tuyên thệ đối với Hiến pháp, như vậy đương nhiên về mặt nguyên tắc điều đó đã tuyên bố, rằng quân đội đứng ngoài Hiến pháp và chẳng có gì liên quan đến nó, rằng quân đội chỉ và hoàn toàn chỉ có một mối liên hệ đối với cá nhân nhà vua, không có liên quan gì đến quốc gia.
Bằng cách đó đã đạt được điều nhà vua nắm giữ mọi vị trí trong quân đội và quân đội có một vị trí đặc biệt đối với nhà vua, cũng bằng cách đó đã đạt được việc quyền lực chính trị của một mình nhà vua không chỉ có nhiều bằng, mà còn gấp chục lần quyền lực của toàn bộ đất nước cộng lại, và thậm chí ngay cả khi, nếu quả thực quyền lực thực sự của đất nước mười, hai mươi và năm mươi lần lớn hơn là của quân đội. Nguyên do của sự dường như có vẻ mâu thuẫn này rất chi là đơn giản.
Quân đội, phương tiện quyền lực của nhà vua, là cái có tổ chức, có thể huy động bất kỳ lúc nào, có kỷ luật rất tốt và sẵn sàng hành động trong chớp nhoáng; quyền lực nằm trong nhân dân ngược lại, thưa các ngài, cho dù nó quả thực đúng là một quyền lực lớn vô tận, nhưng đó là quyền lực không có tổ chức; ý chí của nhân dân và đặc biệt mức độ cương quyết,để sẵn sàng thực hiện ý chí đó hoặc chưa chưa sẵn sàng, trong các các thành viên của nó điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra, không ai biết chính xác, mình có thể tìm thấy được bao nhiêu người sát cánh với mình. Ngoài ra nhân dân còn thiếu các công cụ của một quyền lực có tổ chức, thiếu những nền tảng Hiến pháp quan trọng, mà chúng ta đã từng đề cập tới: đó là đại bác. Cho dù súng ống có thể mua được từ tiền của của công dân; cho dù chúng cũng chỉ được làm ra nhờ bởi khoa học, chúng được xã hội phát triển, được vật lý và kỹ thuật chế tạo nên và hoàn thiện. Chỉ riêng sự hiện diện của những súng ống này tự bản thân nó đã là bằng chứng thể hiện quyền lực của xã hội thị dân đã phát triển đến mức độ nào, tiến bộ khoa học, kỹ nghệ, các ngành công nghiệp và sản xuất đủ các kiểu đã phát triển ra sao. Nhưng ở đây nó cũng lại đúng cho câu thơ của Virgil: sic vos non vobis! Bạn tạo ra nó, nhưng không phải cho bạn! Bởi vì súng ống được chế tạo ra luôn chỉ giành cho quyền lực có tổ chức, vì vậy đất nước biết, rằng nó sẽ chỉ tìm thấy những đứa con và nhân chứng cho quyền lực của mình trong một cuộc xung đột ở phía bên kia chiến tuyến. Những lý do này là điều tạo nên căn nguyên cho việc một quyền lực nhỏ nhưng có tổ chức trong suốt một thời gian dài thường có thể là quyền lực chiếm ưu thế so với ngay cả những quyền lực lớn hơn nhiều nhưng không có tổ chức chẳng hạn như quyền lực của nhân dân, cho đến một lúc nào đó, trong việc tiếp tục quản lý và điều hành các vấn đề quốc gia theo một chiều hướng chống lại nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân, quyền lực của nhân dân sẽ quyết định dùng cái siêu quyền lực nhưng không có tổ chức của mình chống lại cái quyền lực có tổ chức kia.
Cho đến đây chúng ta đã thấy, thưa các ngài, điều gì đã được thể hiện với hai loại Hiến pháp của một quốc gia, với Hiến pháp thực đó là sự phản ảnh mối tương quan quyền lực thực tế có thực trong trong một xã hội, và với Hiến pháp thành văn, để phân biệt với loại Hiến pháp kia chúng ta có thể gọi đó là một tờ giấy.
Một Hiến pháp thực, một thiết chế thực giờ đây, như các ngài sắp tới lập tức sẽ nhận ra, đều có trong mỗi một quốc gia và mỗi một thời đại và sẽ không có gì quá đáng hơn và đưa đến những kết luận trái ngược hơn là quan điểm phổ biến hiện hành, cho rằng Hiến pháp và các thể chế là đặc điểm riêng của thời hiện đại. Đúng hơn là, giống như mỗi một cơ thể cần thiết có một vóc dáng nào đó, được tạo nên tốt hoặc xấu, như thế này hoặc như thế kia, mỗi một quốc gia đều có một Hiến pháp thực hoặc một thiết chế thực. Bởi vì trong mỗi một quốc gia, vâng, đều cần phải có những mối tương quan quyền lực thực tế nào đó tồn tại.
Rất lâu trước cách mạng Pháp hồi thế kỷ trước dưới thời của nền quân chủ chính thống tuyệt đối khi mà vua Louis XVI ở Pháp ngày 3.1.1776 ban sắc lệnh bãi bỏ chế độ nghĩa vụ xây dựng đường sá của nông dân, đây là điều luật quy định nông dân phải có nghĩa vụ xây dựng đường sá không công và giờ đây để cân bằng chi phí, thay vào đó, người ta đưa ra một loại thuế mới, luật thuế này cũng có hiệu lực đối với đất đai của giới quý tộc, quốc hội Pháp đã lên tiếng phản đối thay đổi này: Le peuple de France est taillable et corvésable à volonté, c’est une partie de la constitution que le roi ne peut changer; có nghĩa là: Nhân dân Pháp, cụ thể là những người dân nhỏ bé không được ưu tiên ưu đãi đã bị áp đặt thuế và nghĩa vụ một cách tùy tiện; những cái đó là một phần của Hiến pháp, mà nhà vua không thể thay đổi.
Cái ngài thấy không, thưa các ngài, khi đó người ta đã nói tới một Hiến pháp, và thậm chí còn tới một Hiến pháp mà nhà vua không thể thay đổi, chẳng khác gì ngày nay. Những gì ở đây được làm nên có hiệu lực như Hiến pháp, cụ thể là việc những người dân bên dưới có thể bị áp đặt thuế khóa và nghĩa vụ một cách tùy tiện, điều này dĩ nhiên khi đó không hề được ghi trong một văn bản đặc biệt nào tại đó tất cả các luật của quốc gia và tất cả các nguyên lý điều hành quốc gia được thâu tóm lại, mà nó trước hết đó đơn giản chỉ là sự diễn đạt các mối tương quan quyền lực thực tế ở nước Pháp thời trung cổ. Người dân bên dưới thời trung cổ quả thực không có chút quyền lực nào, cho nên họ có thể bị áp đặt thuế khóa và nghĩa vụ một cách tùy tiện; lúc này tất cả đều được hành xử theo mối tương quan quyền lực thực tế đó, người dân luôn phải chịu đựng những gánh nặng như vậy. Nguyên nhân thực sự này đã tạo nên cái gọi là những tiền lệ, cho đến tận ngày nay vẫn còn có ở nước Anh và đã hiện hữu khắp mọi nơi vào thời trung cổ, chúng đóng một vai trò rất lớn trong những vấn đề về Hiến pháp. Trong sự đè nén thực sự này giờ đây cũng đến lúc phải được nói ra, như nó không thể nào khác được, vì đó là thực tế của việc người dân có thể bị đè nén đến nặng nề. Sự lên tiếng này đã cung cấp nguyên lý cơ bản về mặt luật pháp nhà nước, trên cơ sở đó sau này trong những trường hợp tương tự sẽ được chiểu theo. Thường xuyên những trường hợp đặc biệt nào đó, có nguồn gốc từ những mối tương quan quyền lực thực tế, cũng được đưa vào một văn bản có ngôn ngữ đặc biệt và có sự công nhận. Điều đó đã cho ra những cái được gọi là thương hiệu, tự do, quyền lợi, quyền ưu đãi, những quy chế của một nghề nghiệp, của một ngành kinh doanh, của một địa điểm v.v…
Tất cả những thực tế này, những tiền lệ, những nguyên lý luật pháp nhà nước cơ bản, những thương hiệu, những quy chế, những ưu tiên ư đãi hợp lại với nhau tạo thành Hiến pháp của quốc gia và tất cả cùng nhau tạo thành không khác gì hơn là sự diễn tả một cách đơn giản chân thật về các mối tương quan quyền lực thực sự tồn tại trên đất nước.
Như vậy mỗi một quốc gia đều có một Hiến pháp thực sự tại mỗi một thời đại. Còn những gì thực sự là đặc tính riêng của thời hiện đại-điều này rất quan trọng, phải luôn nhớ không bao giờ quên, đó không phải là những Hiến pháp thực sự, mà là những Hiến pháp thành văn, hoặc là cái tờ giấy (như đã nói).
Trong thời đại hiện đại cụ thể chúng ta thấy tại phần đông các nước đã bùng phát những cố gắng để công bố một bản Hiến pháp thành văn, nó tổng kết và ghi lại trên một văn bản, trên một tờ giấy tất cả các thiết chế và các nguyên tắc điều hành đất nước.
Từ đâu lại có sự cố gắng có tính riêng biệt như vậy trong thời hiện đại? Đây cũng lại là một câu hỏi rất quan trọng và chỉ có từ câu trả lời cho nó mới có thể suy ra được, người ta phải có thái độ như thế nào với công việc xây dựng Hiến pháp này, người ta phải nghĩ ra sao đối với những bản Hiến pháp đã được làm ra và cần phải hành xử thế nào đối với chúng; tóm lại, chỉ có từ những cố gắng đó mới phát sinh ra tất cả nghệ thuật hiến pháp và tinh hoa hiến pháp.
Và như vậy tôi sẽ hỏi: sự cố gắng đặc trưng của thời hiện đại nhằm xây dựng một văn bản hiến pháp xuất phát từ đâu?
Nào, thưa các ngài, nó có thể đến từ đâu?
Rõ ràng chỉ có thể từ việc, trong các mối tương quan quyền lực thực tế đang tồn tại ở một quốc gia nhất định đã xuất hiện một sự thay đổi. Giả như không có sự thay đổi nào trong các mối tương quan quyền lực thực của một xã hội hiện hành xuất hiện, thì những mối tương quan quyền lực đó vẫn giữ nguyên như cũ, và như vậy không thể nào tưởng tượng ra và không thể nào xuất hiện khả năng, rằng xã hội đó lại có một nhu cầu phải có một Hiến pháp mới. Xã hội đó sẽ nằm nguyên như trước đây; cùng lắm thì những phần nằm rải rác đâu đó của cũng cái Hiến pháp đó sẽ được gom lại trong một văn bản duy nhất.
Bây giờ sự thay đổi này sẽ xuất hiện một cách như thế nào trong những mối tương quan quyền lực thực của một xã hội?
Ví dụ, các ngài hãy hình dung về một quốc gia thưa thớt dân cư thời trung cổ, như thường thấy vào thời đó tại hầu hết mọi quốc gia, dưới sự cai trị của một lãnh chúa và có một tầng lớp quý tộc, là tầng lớp nắm giữ trong tay phần lớn đất đai, ruộng vườn. Do vì mật độ dân số thưa thớt cho nên chỉ có một phần rất nhỏ số dân này có thể được sử dụng được cho công nghiệp và thương mại, phần rất lớn dân chúng được cần đến cho việc canh tác trên để tạo nên các sản phẩm nông nghiệp cần thiết. Do vì đất đai, ruộng vườn phần lớn nằm trong tay giới quý tộc, cho nên những dân chúng này, được phân chia thành nhiều thứ hạng đẳng cấp, phần là chư hầu, phần là tá điền, phần là người làm thuê nộp tô cho giới quý tộc… đã tìm ra cách sử dụng chính đất đai đó và có việc để làm; tuy nhiên tất cả các mối quan hệ này đều quy tụ lại một mối duy nhất, đó là làm cho dân chúng phụ thuộc vào tầng lớp quý tộc và qua đó cưỡng bức họ, trở thành chư hầu và cùng tham gia trong việc giao tranh với kẻ thù. Cùng với sự dư thừa các sản phẩm nông nghiệp, có được từ ruộng đất của mình, các nhà quý tộc đã nuôi chứa kỵ binh vệ sĩ và chiến binh các loại trong các thành quách của mình.
Lãnh chúa về phần nó để đối trọng với quyền lực này của giới quý tộc, về cơ bản họ không hề có quyền lực thực sự nào khác hơn là sự trợ giúp của những quý tộc có thiện chí- bởi vì nó khó có thể cưỡng ép được tầng lớp này-, qua việc cung cấp quân đội theo thỉnh cầu và từ những sự giúp đỡ không đáng kể của một số thành phố ít dân và đặc biệt có mật độ thưa thớt.
Thưa các ngài, Hiến pháp của một quốc gia như vậy sẽ được xây dựng như thế nào đây?
Vâng, cái đó sinh ra cùng với sự cần thiết nảy sinh từ các tương quan quyền lực thực sự của quốc gia, cái chúng ta vừa mới quan sát trên đây.
Hiến pháp này sẽ trở nên một Hiến pháp mang tính đẳng cấp, mà giới quý tộc là đẳng cấp trên cùng và trong mọi phương diện nó luôn là đẳng cấp thống trị. Vị trí của lãnh chúa luôn thấp hơn vị trí của các nhà quý tộc, tất cả những quyết định của nó đều cần phải có sự chấp thuận của các nhà quý tộc này.
Vâng, thưa các ngài, hiến pháp nước Phổ và hầu hết các quốc gia khác thời trung cổ cũng y như vậy. Bây giờ các ngài hãy đặt ra trường hợp: Dân số ngày càng tăng lên, công nghiệp và kinh doanh bắt đầu phát triển và nhờ vậy đã cung cấp các tư liệu sinh hoạt cần thiết cho một sự tăng trưởng dân số, làm cho các thành phố ngày càng trở nên đông đúc. Của cải và sự giàu có bắt đầu nảy nở trong trong tay các nhà tư bản và trong các hội đoàn nghề nghiệp. Cái gì sẽ xuất hiện vào lúc này?
Lúc này, việc gia tăng dân số ở thành phố, đó là những người không phụ thuộc vào giới quý tộc, quyền lợi của họ ngày càng đối lập với quyền lợi của giới này, trước tiên đây là điều có lợi cho các lãnh chúa; sự gia tăng này đã làm đông đảo thêm đội ngũ có khả năng trang bị vũ khí đứng dưới quyền chỉ huy của họ; nhờ có sự ủng hộ của tầng lớp thị dân và thợ thuyền, đó là những người gánh chịu nhiều nhất những dịch vụ không công do giới quý tộc đặt ra, và xuất phát từ quyền lợi buôn bán, sản xuất họ đều mong muốn có sự an ninh và yên ổn trong dân chúng cũng như có một hệ thống luật pháp rõ ràng, và vì thế họ sẵn sàng ủng hộ các lãnh chúa về mặt nhân lực cũng như tiền của, giờ đây bất kể lúc cần đến các lãnh chúa đều có thể huy động được một đội quân nghiêm chỉnh có ưu thế hơn hẳn quân đội của giới quý tộc kình địch. Các lãnh chúa này do đó giờ đây ngày càng lấn át quyền lực của giới quý tộc, tước bỏ quyền bắt nông dân làm không công của họ; nếu lãnh chúa vi phạm luật pháp đất nước, phá vỡ thành trì của mình, và sau khi cuối cùng với thời gian công nghiệp và sự giàu có cũng như dân số đã phát triển đến đủ độ, để đưa các lãnh chúa vào trạng thái đứng ra thành lập quân đội chính quy, lúc đó lãnh chúa sẽ chỉ huy quân tiến đánh hội đồng quý tộc, giống như Đại lãnh chúa hoặc như Friedrich Wilhelm đệ nhất đã từng kêu gọi: ta củng cố quyền tự chủ như một bức thành đồng, bãi bỏ việc miễn thuế đối với giới quý tộc và xóa bỏ quyền phê duyệt thuế của chúng.
Các ngài thấy đó, thưa các ngài, ở đây các ngài một lần nữa lại thấy với sự thay đổi tương quan quyền lực thực tế đã dẫn đến việc xuất hiện sự thay đổi của Hiến pháp như thế nào; từ đây một vương triều, một nền quân chủ tuyệt đối đã hình thành.
Lãnh chúa bây giờ không cần thiết phải viết mới lại Hiến pháp; để làm việc đó vương triều là một công cụ tiện lợi hơn nhiều. Lãnh chúa quả thực đã có trong tay phương tiện quyền lực thực, đó là quân đội chính quy, là lực lượng tạo nên Hiến pháp đích thực của xã hội này, và lãnh chúa cũng như những người ủng hộ ông ta theo thời gian đã nói trắng ra điều này, bằng cách ông ta gọi đất nước là một “nhà nước quân phiệt”.
Giới quý tộc, đã không còn khả năng cạnh tranh với lãnh chúa, do vậy từ lâu nó đã phải từ bỏ đội quân riêng. Nó đã quên đi sự đối nghịch đối với các lãnh chúa khi xưa, và cũng quên đi việc chuyện lãnh chúa ngày ấy có vị trí thấp hơn nó. Nó nhượng lại phần lớn thành trì của mình cho địa phương, ngày càng nhiều người đến đó cư ngụ và đã làm gia tăng thêm cho hào quang cũng như uy tín của lãnh chúa.
Công nghiệp và kinh doanh phát triển ngày càng mạnh mẽ, cùng với sự đơm hoa kết trái này là sự gia tăng dân số một cách liên tục.
Có vẻ như tiến bộ đó luôn chỉ làm lợi riêng cho lãnh chúa, nhờ đó ông ta ngày càng có thể mở mang quân đội và ngoài ra còn chiếm lĩnh một vị trí quốc tế quan trọng.
Thế nhưng đã đến lúc có một sự phát triển vô cùng lớn, vô cùng mạnh mẽ trong xã hội tư sản xuất hiện, làm cho lãnh chúa giờ đây không còn khả năng, ngay cả với sự giúp đỡ của quân đội, để có thể giữ được một sự cân xứng với bước tiến triển quyền lực này của giới tư sản.
Một vài con số, thưa các ngài, sẽ giúp cho các ngài hình dung rõ vấn đề.
Năm 1657 Berlin có dân số 20000 người. Khoảng cùng giai đoạn này khi Đại lãnh chúa vĩ đại qua đời quân đội có tổng số quân lính từ 24000 đến 30000 quân.
Năm 1803 Berlin đã có số dân lên tới 153070 người.
Năm 1819, sáu năm sau đó, Berlin có 192646 người.
Trong năm 1819 này quân đội chính quy-các ngài biết, rằng theo điều luật từ năm 1814 vẫn còn có hiệu lực đến tận giờ, và hiện nay người ta muốn tước đoạt nó khỏi tay chúng ta, thì dân quân không thuộc vào quân đội chính quy-, như vậy trong năm 1819 quân đội chính quy có 137639 người.
Như các ngài thấy đấy, quân đội chính quy bây giờ đã lớn gấp bốn lần so với thời Đại lãnh chúa vĩ đại.
Dân số Berlin tuy nhiên đã đông hơn gấp chín lần hồi ấy.
Còn một sự phát triển hoàn toàn khác nữa đang bắt đầu từ lúc này.
Trong năm 1846 Berlin có 389308 người dân-những con số này đều được lấy ra từ các công bố chính thức-có nghĩa là xấp xỉ 400000, tức là gấp đôi số dân năm 1819. Trong vòng 27 năm dân số của thành phố-như các ngài đã biết hiện nay vào khoảng 550000 người-đã nhiều lên hơn gấp đôi.
Ngược lại quân số chính quy trong năm 1846 chỉ có 138810 người, so với số quân 137639 người vào năm 1819. Con số này đã không hề thay đổi, còn cách xa mới có thể so sánh được với sự phát triển cực nhanh của số thị dân.
Với một sự phát triển số dân thành thị cực nhanh như vậy chính số dân này đã bắt đầu cảm thấy mình là một quyền lực chính trị độc lập. Đồng thời với sự phát triển dân số này là một sự phát triển vĩ đại hơn về mặt của cải xã hội; ngoài ra còn có một sự phát triển khác đang xảy ra cũng vĩ đại như vậy trong khoa học và giáo dục phổ cập về ý thức cộng đồng, đó cũng là những mảng khác của Hiến pháp, mà chúng ta cũng đã nói về chúng. Các công dân giờ đây tự nói với mình: chúng ta không còn muốn mình là một khối bị trị không hề có ý chí nữa, chúng ta muốn được tự chủ và bản thân lãnh chúa cần phải cai trị chúng ta chỉ theo như ý nguyện của chúng ta và cần phải lãnh đạo những công việc của chúng ta.
Tóm lại, thưa các ngài, những tương quan quyền lực thực sự trên thực tế, đang tồn tại trên đất nước này, một lần nữa đã lại thay đổi.
Hoặc với một cách nói khác: trong cái xã hội đó đã xuất hiện ngày 18 tháng ba năm 1848!
Các ngài thấy đấy, thưa các ngài, với điều đó quả thực đã xảy ra sự việc hoàn toàn giống như là những gì mà ban đầu trong quá trình suy
diễn chúng ta đã giả định nó là một thí dụ không thực. Khi đó chúng giả đinh trường hợp, xã hội đã bị mất đi toàn bộ văn bản luật pháp do
hỏa hoạn. Còn bây giờ nó không bị mất đi bởi hỏa hoạn mà bị mất đi bởi giông tố.
“Nhân dân vùng lên. Giông tố bắt đầu.”
Nếu trong một xã hội một cuộc cách mạng được tiến hành thành công, và mặc dù quyền tư hữu vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng lúc đó tất cả
các điều luật của luật công sẽ bị loại bỏ hoặc chỉ còn mang tính chất tạm thời và cần phải được làm mới.
Giờ đây xuất hiện sự cần thiết, phải xây dựng một Hiến pháp thành văn mới, và bản thân nhà vua sẽ triệu tập hội nghị quốc dân tại Berlin, để xác định bản Hiến pháp thành văn mới, trước hết hiện nay nó phải như thế nào, sau này nó phải như thế nào, để giàn xếp giữa Hiến pháp với nhà vua.
Vậy bao giờ thì một Hiến pháp thành văn được coi là một Hiến pháp tốt và bền vững?
Vâng, rõ ràng điều này chỉ có ở trong một trường hợp, thưa các ngài, như ngay đây từ toàn bộ quá trình lập luận của chúng ta tự nó sẽ cho thấy, đó là nếu nó tương ứng với Hiến pháp thực, có nghĩa là tương ứng với các tương quan quyền lực thực sự hiện đang tồn tại trong đất nước. Ở chỗ nào mà Hiến pháp thành văn không tương ứng với Hiến pháp thực, ở chỗ đó sẽ xuất hiện mâu thuẫn, mâu thuẫn đó không thể khắc phục được và trong mối mâu thuẫn đó về lâu về dài nhất thiết bản Hiến pháp thành văn, thực tế chỉ là một mảnh giấy, phải bị bản Hiến pháp thực sự, thể hiện những mối tương quan quyền lực thực sự trong đất nước, nhấn chìm.
Như vậy điều gì ngày đó cần phải xảy ra?
Vâng, người ta trước tiên lẽ ra không nên xây dựng Hiến pháp thành văn mà phải xây dựng Hiến pháp thực, như vậy có nghĩa là các mối tương quan quyền lực thực hiện có trên đất nước lẽ ra phải thay đổi và cụ thể là phải thay đổi có lợi cho tầng lớp tư sản thị dân.
Cụ thể là vào ngày 18 tháng ba như trên đã chỉ ra, quyền lực của nhân dân dĩ nhiên lúc này đã lớn hơn là quyền lực của quân đội chính quy. Sau một cuộc chiến kéo dài và đẫm máu quân đội đã phải tháo lui.
Thế nhưng tôi cũng đã lưu ý các ngài từ trước về một cảnh ngộ quan trọng, đó là cảnh ngộ giữa quyền lực của nhân dân và quyền lực của quân đội và cái đó đã đưa đến kết quả, là quyền lực của quân đội, cho dù trên thực ra là yếu, tuy nhiên về lâu dài vẫn hiệu quả hơn là quyền lực của nhân dân, cho dù thực ra là mạnh hơn.
Sự khác biệt này nằm ở chỗ, như các ngài còn nhớ, đó là vì quyền lực của nhân dân là quyền lực không được tổ chức, còn quyền lực của quân đội là quyền lực có tổ chức, là quyền lực hàng ngày lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu và vì thế về lâu dài có hiệu quả hơn và nó phải làm chủ được chiến trận lại quyền lực, cho dù mạnh hơn, nhưng không được tổ chức của nhân dân, là thứ quyền lực chỉ kết tụ lại trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi có những kích động lớn.
Vì vậy nếu không muốn để chiến thắng giành được vào ngày 8 tháng ba một lần nữa trở vô ích đối với người dân, thì cái giây phút chiến thắng huy hoàng phải được sử dụng để cải tạo cái quyền lực có tổ chức của quân đội sao cho nó không thể còn có thể bị sử dụng làm công cụ quyền lực của riêng giới lãnh chúa nhằm chống lại nhân dân.
Ví dụ như cần phải giảm thời gian quân dịch xuống còn sáu tháng, đó là khoảng thời gian, một mặt nó hoàn toàn đủ đáp ứng đòi hỏi của các lãnh đạo quân sự lớn, nhằm huấn luyện các binh sĩ về quân sự một cách hoàn thiện nhất, và mặt khác khoảng thời gian đó là quá ngắn, để các binh sĩ có thể bị nhồi nhét vào đầu quan điểm đẳng cấp đặc biệt; một khoảng thời gian, mà độ ngắn của nó nói cho đúng hơn đã làm nên sự thay mới liên tục quân đội từ nguồn nhân dân, và vì thế quân đội khi xưa kia là của lãnh chúa nay đã trở nên là quân đội của nhân dân.
Ngoài ra người ta còn phải xác đinh, rằng tất cả các sỹ quan cấp thấp cho đến gồm cả thiếu tá, không do đề bạt từ bên trên xuống, mà phải do chính đơn vị tự bầu ra, làm như vậy để tránh cho các chức vụ sĩ quan bị định hướng theo hướng thù nghịch với nhân dân và do vậy có thể góp phần biến quân đội thành một công cụ mù quáng của thế lực lãnh chúa.
Hơn nữa người ta cần phải đem quân đội ra xử ở tòa án nhân dân thông thường đối với tất cả những tội phạm mà nó mắc phải nhưng không có lý do đặc biệt về mặt quân sự, qua đó nhằm làm tạo cho quân đội học cách coi mình là một phần của toàn thể nhân dân chứ không phải là một cái gì đó khác biệt, một đẳng cấp đặc biệt.
Mặc khác người ta cần phải đặt tất cả súng, pháo, là những cái thực ra cần đến để bảo vệ đất nước và, chừng nào chúng không thực sự cần thiết cho việc huấn luyện quân sự, dưới sự quản lý của các cơ quan chức trách thuộc thành phố do dân bầu lên. Hơn nữa với một phần của số pháo này người ta ngoài ra cũng cần phải lập nên những đơn vị pháo binh của dân chúng, để cho những khẩu pháo, cũng là một mảng rất quan trọng của Hiến pháp, được chuyển sang quyền lực của dân chúng.
Về tất cả những điều đó, thưa các ngài, hồi đầu năm, hồi hè 1848 chẳng có gì xảy ra, và do vậy liệu các ngài còn có thể thắc mắc, nếu cuộc cách mạng tháng Ba bị đẩy lui và không có được kết quả? Chắc chắn là không, điều đó nhất định là một kết quả tất yếu của việc bỏ qua mỗi một sự thay đổi của các mối tương quan quyền lực thực trên thực tế.
Các lãnh chúa, thưa các ngài, được phục vụ tốt hơn các ngài nhiều! Những kẻ phục vụ các lãnh chúa không phải chỉ là những kẻ dẻo mép, giống như những kẻ phục vụ nhân dân mà ta thường thấy. Thực ra đó là những con người thực dụng, có linh cảm về cái gì là quan trọng, ông Manteuffel chắc chắn không phải là nhà hùng biện. Nhưng ông ta là một người thực dụng! Tháng 11 năm 1848 khi ông ta phá sập nghị viện và kéo pháo ra đường phố-ông ta bắt đầu bằng cái gì? Có phải với việc viết ra một Hiến pháp phản động chăng? Lạy chúa che chở cho tôi, nếu ông ta bỏ thời gian vào việc đó! Khi đó vào tháng 12 bản thân ông ta còn cung cấp cho các ngài một văn bản Hiến pháp tương đối phóng khoáng. Tháng 11 ông ta lập tức bắt đầu với việc gì, biện pháp nào đối với ông ta là biện pháp trước tiên? Và bây giờ, thưa các ngài, chắc các ngài cũng đã nhớ ra, vâng: ông ta bắt đầu với việc phi vũ trang hóa thị dân, ông ta đã tước vũ khí của họ.
Các ngài thấy không, thưa các ngài, tước bỏ vũ khí của kẻ chiến bại, đó là công việc chính của kẻ chiến thắng, nếu như nó không muốn cuộc chiến lại bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Ở đoạn đầu của công việc nghiên cứu của chúng ta, thưa các ngài, chúng ta tiến hành công việc một cách rất từ từ, để trước hết có được khái niệm Hiến pháp. Có thể đối với bản thân một số người khi đó có vẻ quá chậm. Thế nhưng thay vì như vậy bản thân các ngài từ lâu cũng tự nhận thấy, từ khi chúng ta có được khái niệm đó, từng nhát từng nhát một những kết luận đáng ngạc nhiên nhất đã đươc lật lên; và như giờ đây khi chúng ta đã nhận biết sự việc một cách tốt hơn nhiều, sáng tỏ hơn nhiều và hoàn toàn ý thức được một cách khác hơn là những kẻ khác, vâng chúng ta thực ra đã đi đến những kết luận, mà nó phần lớn chúng ngược lại hoàn toàn với kết luận mà người ta trong suy nghĩ chung về vấn đề này đang chấp nhận.
Sau đây chúng ta sẽ xem xét nhanh một vài trong số các kết luận này.
Vừa rồi tôi đã chỉ ra, rằng trong năm 1848 không có bất kỳ một quy định nào được thực hiện, là những quy định cần thiết, để thay đổi các tương quan quyền lực thực đang hiện hành trên đất nước, để biến một quân đội từ của lãnh chúa thành của nhân dân.
Môt đề xuất nhắm tới điều này và là bước đi đầu tiên trên thực tế đã được đề ra theo hướng đó, đó là đề xuất mang tên Stein, nội dung của nó là thúc ép chính quyền phải ra mệnh lệnh quân đội sự, với mục đích tất các sĩ quan phản động phải chấp nhận việc bị sa thải.
Nhưng các ngài cũng còn nhớ, thưa các ngài, khi hội nghị quốc dân vừa mới phê chuẩn đề xuất đó, thì toàn bộ giới tư sản và cả nửa nước đã la lên: hội nghị quốc dân cần phải làm công việc xây dựng Hiến pháp, chứ không phải để gây sự với chính quyền, không nên tốn thời gian vào những việc chất vấn, không tham dự vào những công việc thuộc vào hành pháp; xây dựng Hiến pháp, chỉ xây dựng Hiến pháp, người ta la lên cứ như thể có cái gì đang cháy!
Các ngài thấy đấy, thưa các ngài, toàn bộ giới tư sản, một nửa đất nước, những kẻ la lớn như vậy, họ chẳng hiểu và hoàn toàn không hiều gì về bản chất của một Hiến pháp!
Việc làm ra một Hiến pháp thành văn, đó là công việc nhỏ nhất, nếu cần thiết, sẽ được làm ra trong ba lần 24 giờ đồng hồ, đó là điều sau rốt trong tất cả mọi cái; công việc đó, nếu nó có xong sớm, thì cũng như chưa làm được gì.
Việc làm thay đổi những mối tương quan quyền lực thực trong đất nước, can thiệp vào hành pháp, can thiệp sâu và biến đổi nó thực sự đến mức, nó không bao giờ có thể tự mình đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân- đó là điều, khi ấy là quan trọng và cần phải thực hiện trước tiên, để một Hiến pháp thành văn có thể bền vững.
Bởi vì điều đó không xảy ra một cách đủ sớm, người ta cũng không hề để cho Hội nghị quốc dân thời xây dựng một Hiến pháp, người ta đã đập tan nó ngay lập tức với phương tiện quyền lực chưa bị bẻ gãy của cơ quan hành pháp nọ.
Kết luận thứ hai. Các ngài hãy hình dung trường hợp, người ta khi ấy đã không đập tan hội nghị quốc dân và hội nghị đó quả nhiên đạt được việc xây dựng một Hiến pháp và cho nó thông qua.
Liệu điều đó có liệu toàn bộ sự việc có thay đổi một chút gì đó gọi là cơ bản?
Xin chúa che chở, thưa các ngài, và bằng chứng cho việc này bản thân nó đã thể hiện ra trên thực tế. Hội nghị quốc dân mặc dù đã bị đập tan, nhưng nhà vua tự mình đã tuyên bố bản Hiến pháp trên cơ sở văn bản do hội nghị quốc dân để lại vào ngày 5.12.1848, về cơ bản bản Hiến pháp của nhà vua trên thực tế phần lớn các điểm của nó đều giống với bản Hiến pháp mà chúng ta trông đợi ở Hội nghị quốc dân.
Bây giờ bản Hiến pháp đã được đích thân nhà vua công bố, ông ta không bị bắt phải làm như vậy, mà tự ông ta, như ông ta đứng đó với tư cách là người chiến thắng, tự nguyện ra tuyên bố. Như vậy giờ đây, cuối cùng Hiến pháp này dường như cần phải được coi là càng có nhiều khả năng tồn tại lâu hơn nữa.
Xin chúa che chở, thưa các ngài! Hoàn toàn vô lý! Nếu như các ngài trồng trong vườn của mình một cây táo và treo vào đó mảnh giấy đề đây là cây vả, liệu như vậy cây táo có thể biến thành cây vả? Không thể được, và nếu như các ngài tập trung toàn bộ những người trong nhà của mình, vâng tập trung tất cả mọi công dân của đất nước đứng xung quanh, thề nguyện một cách long trọng và to tát: đây là cây Vả – cái cây đó vẫn mãi chỉ là cái cây mà nó phải là, và đến năm sau, sẽ cho thấy nó sinh ra quả táo chứ không phải là quả vả.
Tương tự như vậy đó là điều chúng ta nhìn thấy ở Hiến pháp. Những gì được viết lên trên một tờ giấy, hoàn toàn không đáng lưu tâm, nếu như chúng mâu thuẫn với tình trạng thực của sự việc, nghĩa là mâu thuẫn với tương quan quyền lực thực.
Nhà vua tuyên bố chấp thuận một số lớn những nhựợng bộ được ghi trên tờ giấy của ngày 5 tháng chạp 1848, nhưng chúng tất cả đều mâu thuẫn với Hiến pháp thực, cụ thể là mâu thuẫn với những phương tiện quyền lực thực, vẫn được giữ lại trong tay nhà vua mà không hề yếu đi. Với cùng sự tất yếu giống như của quy luật trọng lực, bởi vậy Hiến pháp thực cần phải có từng bước một đánh đổ Hiến pháp thành văn.
Vì thế nhà vua, mặc dù Hiến pháp ngày 5 tháng chạp đã được ủy bạn thanh tra thông qua, đã phải lập tức tiến hành sự thay đổi đầu tiên, đó là điều luật bầu cử khiên cưỡng có tên luật bầu cử ba thành phần. Với sự trợ giúp của hội đồng được tạo nên từ điều luật bầu cử này nhiều thay đổi cơ bản khác đã cần phải gấp rút tiến hành, chỉ để sao cho chúng được nhà vua tuyên thệ vào năm 1850, và sau khi nó đã được tuyên thệ, đó mới là lúc thích hợp cho việc bắt đầu của những sửa đổi. Cũng từ năm 1850 hàng năm những sự sử đổi như vậy đều được chỉ định. Chưa bao giờ có những là cờ đã từng tham gia hàng trăm trận đánh, lại bị thủng lỗ và tan nát như Hiến pháp của chúng ta!
Kết luận thứ ba. Các ngài biết đấy, thưa các ngài, ở thành phố của chúng ta có một đảng, cơ quan ngôn luận của nó có tên là Báo Nhân dân-đó là một đảng, tôi nói đây, một đảng đã nhóm họp với nỗi lo sợ phát sốt trước những lá cờ rách nát, trước sự thủng lỗ của Hiến pháp của chúng ta, một đảng, tự nhận mình là những kẻ “trung thành với Hiến pháp” và tiếng hô xung trận của họ là: “Chúng ta hãy bảo vệ Hiến pháp, lạy trời Hiến pháp, Hiến pháp, cứu, cứu, lửa cháy, lửa cháy!”
Thưa các ngài, khi các ngài càng nhìn thấy nhiều bao nhiêu, bất kỳ ở đâu, bất kỳ bao giờ, một đảng xuất hiện, sử dụng tiếng kêu sợ hãi làm lời hô xung trận kiểu: “hãy liên kết lại vì Hiến pháp”- các ngài có thể sẽ rút ra kết luận gì từ đó? Tôi hỏi các ngài ở đây, thưa các ngài, không phải là những con người có ý chí; tôi không nhằm tới ý chí của các ngài. Tôi chỉ hỏi các ngài là những con người có suy nghĩ: các ngài sẽ rút ra kết luận gì về hiện tượng này?
Bây giờ, thưa các ngài, không cần phải là nhà tiên tri, trong một trường hợp như vậy với xác suất lớn nhất các ngài sẽ có thể trả lời như sau: Hiến pháp này đang trút những hơi thở cuối cùng; nói coi như đã chết, chỉ một vài năm nữa, là lúc nó sẽ không còn tồn tại.
Nguyên nhân hoàn toàn đơn giản. Nếu một văn bản Hiến pháp trong một đất nước phù hợp với tương quan quyền lực hiện hành, khi đó sẽ không bao giờ nổi lên những tiếng kêu gào như vậy. Đối với một Hiến pháp như vậy mọi người sẽ tự động đứng cách xa nó ba bước và tránh không lại quá gần. Với một Hiến pháp như vậy sẽ không có ai nảy ra ý định dây vào; nếu không hắn ta sẽ rất khó thoát ra khỏi. Ở nơi nào Hiến pháp thành văn phù hợp với tương quan quyền lực thực trên thực tế, ở nơi đó không thể xuất hiện hiện tượng, một đảng ra lời kêu gọi giữ vững Hiến pháp. Ở nơi nào lời kêu gọi đó được phát ra, đó sẽ là một dấu hiệu chắc chắn và rõ ràng chứng tỏ lời kêu gọi đó là tiếng kêu sợ hãi; nói một cách khác: rằng ở trong Hiến pháp thành văn vẫn luôn có một chút gì đó, là cái mẫu thuẫn với Hiến pháp thực, nghĩa là mâu thuẫn với tương quan quyền lực thực tế. Và ở nơi nào mâu thuẫn này một khi xuất hiện, ở nơi đó Hiến pháp thành văn-không có chúa và không có tiếng kêu gào nào có thể giúp được-sẽ biến mất không cách nào cữu vãn!
Hiến pháp có thể được thay đổi theo cách trái ngược nhau, sang tả hoặc sang hữu, nhưng nó không thể nào giữ nguyên. Lời kêu gọi công khai, phải giữ nguyên Hiến pháp, là bằng chứng về điều đó mà những người có tư duy sáng suốt sẽ nhận thấy. Hiến pháp có thể thay đổi theo hương tả hoặc hữu, qua việc chính phủ thực hiện các thay đổi như vậy, để làm cho Hiến pháp thành văn phù hợp với các tương quan quyền lực thực tế của các quyền lực có tổ chức trong xã hội. Hoặc là cũng có thể quyền lực không có tổ chức trong xã hội sẽ đứng lên và tự khẳng định lại một lần nữa, rằng nó lớn mạnh hơn quyền lực có tổ chức. Trong trường hợp này Hiến pháp sẽ lại bị thay đổi sang phía tả một và bị bãi bỏ, như lúc trước theo hướng hữu. Tuy nhiên kiểu gì thì nó cũng bị mất đi.
Nếu các ngài, các ngài thân mến, không chỉ nắm bắt được và suy nghĩ về bài nói chuyện, mà tôi có vinh dự được trình bày ở đây, mà còn tiếp tục suy nghĩ tiếp tục phát triển nó với mọi hệ quả của nó, thì như vậy các sẽ ngài đạt đến, là những người nắm giữ được tất cả các nghệ thuật và tất cả các minh triết của Hiến pháp. Những vấn đề về Hiến pháp là những vấn đề, về mặt gốc gác không phải là những vấn đề luật pháp, mà là những vấn đề về quyền lực; Hiến pháp thực của một đất nước chỉ tồn tại trong các tương quan quyền lực thực trên thực tế và hiện đang có ở trên đó; Hiến pháp thành văn sau đó chỉ có giá trị và trường tồn, nếu như nó là sự thể hiện chính xác của các tương quan quyền lực thực đang tồn tại trong xã hội-đó là những nguyên lý cơ bản, mà các ngài nên nắm bắt. Hôm nay tôi chỉ phát triển cho các ngài thấy những nguyên lý cơ bản này qua việc soi rọi một cách đặc biệt vào quyền lực của quân đội-một phần, vì thời gian quá ngắn không cho phép-phần khác bởi vì quân đội là phương tiện quyền lực quyết định nhất và quan trọng nhất của tất cả các phương tiện quyền lực có tổ chức. Các ngài sẽ tự hiểu, rằng tổ chức của các công chức tư pháp, của các công chức hành chính v.v… cũng thể hiện ra một cách hoàn toàn tương tự; những cái đó cũng vậy chúng là những phương tiện quyền lực có tổ chức của một xã hội. Nếu các ngài nắm bắt được bài phát biểu này, như vậy các ngài, các ngài thân mến, nếu như các ngài một lần nào đó lại lâm vào hoàn cảnh, phải tự xây dựng một bản Hiến pháp, các ngài sẽ biết, người ta phải tiến hành như thế nào và lúc đó sẽ không viết cho đầy một trang giấy, mà chỉ làm điều gì đó với công việc ấy, nếu người ta quả nhiên đã thay đổi những tương quan quyền lực thực.
Cho đến khi đó và trong thời gian giữa chừng, để sử dụng hàng ngày, các ngài trên cơ sở của bài tham luận này tuy nhiên cũng tự nên tìm hiểu, các ngài thân mến, không cần tôi nói ra lời nào, xem thử từ nhu cầu nào các hình thức quân sự mới xuất hiện, nhu cầu nào dẫn tời việc gia tăng quân số, như người ta đã đòi hỏi ở các ngài. Các ngài sẽ tự tìm ra cái nguyên nhân sâu xa nhất mà từ đó các hình thức nảy sinh.
Chế độ lãnh chúa, thưa các ngài, nó có những người phục vụ thực dụng, không phải là những kẻ lẻo mép, mà là những kẻ phục vụ thực dụng, như các ngài hằng mong muốn có được những người như vậy.