Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nhà nước đảng trị – Nền chuyên chính của đảng là linh hồn, trí tuệ và bản chất cho hệ thống chính trị

Tháng 4 1, 2013
Milovan Đilas
Phạm Minh Ngọc dịch
pro&contra – Điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam là một trở ngại căn bản cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, điều đó không có gì cần bàn cãi. Song ngay cả khi nó phải rút lui về mặt hình thức khỏi văn bản này và cánh cửa thủ tục quan trọng đầu tiên cho tiến trình dân chủ được mở ra thì đằng sau cánh cửa đó, nền chuyên chính của Đảng Cộng sản vẫn còn được bảo tồn mạnh mẽ bằng trùng trùng lớp lớp những định chế khác, trong đó một phần rất lớn là những định chế bất thành văn. Những nhận định cách đây gần 60 năm của nhà bất đồng chính kiến Milovan Đilas, từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nam Tư và hoạt động ở thượng tầng phong trào cộng sản quốc tế, cho chúng ta thấy nền tảng của chuyên chính đó. Đoạn trích sau đây rút từ tác phẩm Giai cấp mới. Phê phán hệ thống cộng sản (Nova klasa. Kritika savremenog komunizma, 1955). Bản dịch tiếng Việt của Phạm Minh Ngọc đăng trên talawas năm 2005.
1.
Cơ chế quyền lực cộng sản có thể là cơ chế đơn giản nhất mà người ta có thể nghĩ ra được, kết quả là nó tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất.
Cơ chế này cực kì đơn giản, tại chóp bu của mọi hoạt động chính trị, kinh tế và tư tưởng là một đảng duy nhất, đảng của những người cộng sản. Xã hội giậm chân tại chỗ, hay vận động với tốc độ rùa bò hay lao vào những khúc quanh chóng mặt, tất cả phụ thuộc vào các quyết định của tổ chức đảng.
Vì vậy công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.
Ai cũng hiểu rằng quyền lực, bất chấp luật pháp, nằm trong tay các tổ chức đảng và cảnh sát mật. “Vai trò lãnh đạo của đảng” không thấy ghi trong bất kì điều luật nào, nhưng lại thấm vào mọi tổ chức và mọi lĩnh vực hoạt động; không thấy ở đâu nói rằng cảnh sát mật của đảng có quyền theo dõi các công dân, nhưng cảnh sát vẫn là lực lượng đầy uy quyền; không có tài liệu nào nói rằng toà án và viện kiểm sát phải báo cáo với tổ chức đảng và cảnh sát mật, nhưng sự thật là như thế. Sự thật là như thế đối với nhiều người đã không còn là bí mật, đa số đều biết. Người ta cũng biết rằng cái gì được phép, cái gì bị cấm và ai có quyền cấm. Đấy là lí do vì sao người ta có thể thích ứng được với hiện thực và bất kì vấn đề gì họ cũng giải quyết với tổ chức đảng hoặc tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng.
Việc quản lí các tổ chức xã hội được thực hiện bằng một phương pháp đơn giản sau đây: các đảng viên ở đó thành lập đảng đoàn và đưa ra mọi quyết định sau khi đã thoả thuận với cấp lãnh đạo bên trên. Đấy chỉ là sơ đồ chung. Trong thực tế, nếu tổ chức do một người có quyền lực trong đảng lãnh đạo thì nó không cần phải thoả thuận về những vấn đề không quan trọng với ai hết. Ngoài ra, những đảng viên đã quen với hệ thống sẽ biết vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào không vì cấp trên chỉ quan tâm đến những vấn chung, có tính nguyên tắc hay có tính chất đặc biệt mà thôi. Đảng đoàn tồn tại để khi cần có tiếng nói cuối cùng của đảng, còn những người bầu ra tổ chức ấy nghĩ gì thì nó không thèm quan tâm.
Cội nguồn của phương pháp quản lí và thực thi quyền lực của đảng, cũng như của chế độ toàn trị cộng sản và giai cấp mới xuất phát từ giai đoạn chuẩn bị cách mạng của đảng. Chính những đảng đoàn trước đây đã phát triển, phân nhánh, hoàn thiện và đóng vai trò lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền và tổ chức xã hội. Chính lí thuyết về vai trò tiên phong của đảng của giai cấp công nhân tạo ra “vai trò lãnh đạo của đảng” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước cách mạng, lí thuyết này đã trui rèn nên lực lượng cán bộ cho cách mạng, nay nó lại đóng vai trò biện hộ cho chế độ toàn trị của giai cấp mới. Thật ra cũng có một chút khác biệt. Trước đây, cách mạng và những hình thức của nó là việc không tránh khỏi, thậm chí là nhu cầu của bộ phận xã hội nhằm hướng đến tiến bộ kinh tế và kĩ thuật.
Nhưng thoát thai từ cách mạng, bạo lực toàn trị và ách thống trị của giai cấp mới đã trở thành núi đá đè lên xã hội, làm cho xã hội kiệt sức vì mất bao mồ hôi, xương máu. Một vài hình thức cách mạng đã trở thành phản động. Đảng đoàn là một trong những hiện tượng như thế.
Việc điều hành dưới chế độ cộng sản được bộ máy nhà nước thực hiện theo hai cách. Cách thứ nhất: theo chức năng như đã nói ở trên. Về nguyên tắc đây là phương pháp chủ yếu. Nhưng trên trên thực tế phương pháp thứ hai: một số chức vụ của chính quyền chỉ được giao cho các đảng viên lại hay được áp dụng. Đấy là những vị trí được coi là quan trọng đối với mọi chính quyền, đặc biệt là chính quyền cộng sản: cảnh sát, trước hết là cảnh sát mật, ngoại giao đoàn và tầng lớp sĩ quan, nơi công tác chính trị và tình báo được coi là công tác chủ yếu. Chỉ các cơ quan trung ương của ngành tư pháp mới bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt: cơ quan này thuộc quyền các tổ chức đảng và cảnh sát nhưng lương thấp nên không hấp dẫn. Xu hướng chung là làm cho ngành này trở thành hấp dẫn hơn, có nhiều bổng lộc hơn để lôi kéo các đảng viên. Khi đó việc quản lí ngành tư pháp sẽ dễ dàng hơn hoặc thậm chí không cần thiết nữa: toà án sẽ xử theo đúng đường lối chung của đảng, nghĩa là theo đúng “tinh thần xã hội chủ nghĩa”.
Chỉ có trong chế độ cộng sản mới có việc một số ngành chức năng (đã liệt kê và cả những ngành khác nữa) mới bị các đảng viên hoàn toàn khống chế. Chính quyền cộng sản dù mang tính giai cấp về nội dung lại mang tính đảng về hình thức, quân đội của đảng, nhà nước do đảng lãnh đạo. Nếu nói cho thật đúng thì người cộng sản có xu hướng coi nhà nước và quân đội là vũ khí của riêng mình.
Dù không được thể hiện trên bất cứ tài liệu nào nhưng chỉ có đảng viên mới có quyền trở thành cảnh sát, sĩ quan quân đội, trở thành các nhà ngoại giao, nghĩa là các đảng viên và chỉ có các đảng viên mới có quyền giữ các chức vụ quyền lực, thực thi quyền lực, điều đó không chỉ tạo ra một tầng lớp quan liêu, tầng lớp ưu tú mà còn đơn giản hoá cơ chế quản lí. Bằng cách đó đảng đoàn đã bao gồm ở mức độ này hay mức độ khác tất cả những người làm việc trong các lĩnh vực này. Kết quả là các cơ quan đó trở thành một trong những bộ phận của công tác đảng, đảng đoàn biến mất.
Vì vậy trong các chế độ cộng sản không có sự khác biệt của các cơ quan đó với các tổ chức đảng, nhất là giữa đảng và cảnh sát mật. Đảng và cảnh sát liên hệ mật thiết với nhau trong hoạt động hàng ngày, sự khác nhau chỉ còn là phân công lao động. Đảng, có thời đã là người tổ chức quần chúng, thì nay đã trở thành một bộ máy.
Toàn bộ cơ chế quyền lực được thực hiện theo sơ đồ sau: các cơ cấu chính trị là đặc quyền của các đảng viên, các cơ quan ban ngành khác thì hoặc do các đảng viên nắm giữ hoặc bị họ kiểm soát một cách gắt gao. Chỉ cần ở trung ương diễn ra cuộc họp hoặc công bố một bài báo là toàn bộ bộ máy sẽ đi vào vận hành. Chỉ cần một nơi nào đó có trục trặc là đảng và cảnh sát sẽ can thiệp ngay.
2.
Nếu đảng cộng sản không phải là một đảng đặc biệt thì hình thức nhà nước đó không thể nào tồn tại được.
Trên kia đã nói đến tính chất đặc biệt của đảng cộng sản. Nhưng vẫn cần phải nói thêm một loạt biểu hiện đặc thù nữa ngõ hầu làm rõ bản chất của nhà nước cộng sản.
Đảng cộng sản là đảng đặc biệt không chỉ vì nó là đảng cách mạng, tập trung, có kỉ luật nhà binh, có những mục tiêu cụ thể… Tất cả những điều vừa nói đều là những tính chất đặc biệt của nó cả.
Có cả những đảng khác với những tính chất gần như thế.
Nhưng chỉ có trong đảng cộng sản thì sự thống nhất về tư tưởng, sự thống nhất về thế giới quan và quan điểm trong việc xây dựng xã hội mới là bắt buộc với mọi đảng viên. Dĩ nhiên là mệnh lệnh này chỉ là bắt buộc đối với các cơ quan đầu não, các cơ quan cấp cao mà thôi. Các cấp bên dưới về hình thức cũng phải tuân thủ sự thống nhất về tư tưởng nhưng thực ra trách nhiệm của họ chính là: thực thi các nghị quyết. Nhưng xu hướng chung là phải nâng cao trình độ của cấp dưới để họ luôn nắm được quan điểm của lãnh tụ.
Dưới thời Lenin sự bất đồng quan điểm vẫn còn được chấp nhận. Lenin không cho rằng tất cả các đảng viên đều bắt buộc phải có quan điểm hoàn toàn giống nhau, mặc dù chính ông là người khởi xướng việc lên án và loại bỏ khỏi hàng ngũ của đảng những quan điểm mà ông cho rằng không hoàn toàn mác-xít, hay thiếu tính đảng, nghĩa là những quan điểm mà theo ý ông là không có tác dụng củng cố đảng. Ông đã xử lí các nhóm đối lập trong đảng không phải theo kiểu của Stalin: không bắn giết mà chỉ bịt miệng. Dưới quyền ông người ta còn được thảo luận và biểu quyết. Chế độ toàn trị chưa hoàn toàn thắng thế.
Đối với Stalin thì sự thống nhất về tư tưởng, thống nhất về chính trị là điều kiện để trở thành đảng viên. Đấy là đóng góp trực tiếp của Stalin vào lí luận về đảng kiểu mới. Điều đáng chú ý là luận điểm về sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng được ông ta phát biểu ngay từ khi còn rất trẻ. Dưới triều Stalin sự thống nhất về tư tưởng là điều kiện bắt buộc của tất cả các đảng cộng sản và điều đó vẫn còn tác dụng cho đến tận hôm nay.
Các lãnh tụ Nam Tư, ban lãnh đạo Liên Xô cũng như các đảng cộng sản khác hiện vẫn giữ quan điểm như vậy. Sự kiên trì tính thống nhất về tư tưởng trong đảng không chỉ là dấu hiệu của sự trì trệ mà còn chứng tỏ rằng trong các ban “lãnh đạo tập thể” hiện nay không có sự trao đổi ý kiến hoặc rất ít khi có trao đổi ý kiến.
Sự thống nhất bắt buộc như vậy nói lên điều gì và sẽ dẫn đến đâu?
Sẽ dẫn đến hậu quả thật là tai hại.
Trước hết là bất kì đảng nào, đặc biệt là đảng cộng sản, quyền lực cũng nằm trong tay lãnh tụ hoặc các cơ quan lãnh đạo. Sự thống nhất là mệnh lệnh (đặc biệt là đối với đảng cộng sản, một đảng có kỉ luật theo kiểu nhà binh) nhất định sẽ dẫn tới việc bao cấp về tư tưởng của trung ương đối với các đảng viên thường. Nếu dưới thời Lenin tư tưởng chỉ được thống nhất sau các cuộc đấu tranh dữ dội ở các cấp cao nhất, thì Stalin bắt đầu tự mình quyết định tư tưởng nào là đúng, còn “ban lãnh đạo tập thể” hiện nay lại chỉ cần ngăn chặn không cho những tư tưởng mới xuất hiện là được. Chủ nghĩa Marx đã trở thành lí luận của các ông trùm cộng sản như thế đấy. Một chủ nghĩa Marx hoặc chủ nghĩa cộng sản khác không thể nào xảy ra được, trong hiện tại và có thể cả trong tương lai nữa.
Hậu quả của sự thống nhất về tư tưởng thật là tai hại: nền chuyên chế của Lenin dĩ nhiên là khắc nghiệt, nhưng nó chỉ trở thành toàn trị dưới trào Stalin. Việc chấm dứt cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ đảng đã dẫn đến sự tiêu diệt tự do trong toàn xã hội. Sự bất dung đối với các trào lưu tư tưởng khác và việc khăng khăng khẳng định tính khoa học giả tạo của chủ nghĩa Marx-Lenin đã tạo ra sự độc quyền tư tưởng của ban lãnh đạo chóp bu của đảng và cuối cùng là sự thống trị tuyệt đối của nó đối với xã hội.
Thống nhất về tư tưởng thực chất là sự đè nén mọi sáng kiến không chỉ trong phong trào cộng sản mà trong toàn xã hội nữa. Tất cả những gì mang tính mới mẻ đều phải được đảng cho phép, xã hội bị đặt hoàn toàn dưới sự giám sát của đảng, còn trong đảng thì không có chút tự do nào.
Sự thống nhất về tư tưởng không xảy ra ngay lập tức, điều đó, cũng như những điều khác trong chế độ cộng sản đã phát triển một cách tuần tự và nó chỉ đạt được sức mạnh tuyệt đối khi các xu hướng khác nhau của phong trào đấu tranh quyết liệt với nhau để giành quyền lực. Và không phải vô tình mà vào giữa những năm 20 của thế kỉ XX chính Trotsky bị yêu cầu từ bỏ quan điểm của mình. Stalin bắt đầu tập hợp lực lượng.
Sự thống nhất về tư tưởng là cơ sở của độc tài cá nhân, thiếu sự thống nhất đó thì độc tài cá nhân không thể nào tồn tại được. Cái này tạo ra cái kia và củng cố lẫn nhau. Điều này được giải thích như sau: tư tưởng là kết quả của sự suy tư sáng tạo của từng cá nhân riêng biệt, còn sự độc quyền tư tưởng chỉ là mặt nạ của chế độ độc tài. Mặc dù sự thống nhất về tư tưởng và chế độ độc tài đã song song tồn tại ngay từ khởi thủy của phong trào bolshevik, phong trào cộng sản hiện đại, nhưng chúng chỉ được củng cố khi chế độ bước vào giai đoạn trưởng thành và sẽ là xu hướng chủ đạo cho đến ngày diệt vong của chế độ đó.
Việc diệt trừ các quan điểm khác nhau trong ban lãnh đạo đảng tự động dẫn đến việc loại bỏ các trào lưu, xu hướng trong nội bộ phong trào và như vậy đồng nghĩa với việc giết chết dân chủ trong các đảng cộng sản. Trong chế độ cộng sản “lãnh tụ là người biết tuốt” đã trở thành nguyên tắc: những kẻ có quyền dù ngu dốt đến đâu cũng đều trở thành nhà tư tưởng hết.
Khi người ta tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường sự thống nhất về tư tưởng trong đảng cũng là lúc sự độc tài cá nhân hay độc tài của một nhóm những kẻ cầm đầu đang được củng cố. Nhóm này có thể tạm thời thoả thuận với nhau hoặc cùng tồn tại khi có sự cân bằng lực lượng tạm thời.
Trong quá khứ người ta đã từng thấy xu hướng thống nhất về tư tưởng của các đảng khác nữa, đặc biệt là các đảng xã hội. Nhưng đây chỉ là xu hướng và cũng không kéo dài như những đảng cộng sản. Đảng viên không chỉ là một người mác-xít mà phải là mác-xít theo quan điểm và chỉ thị từ trung ương. Từ một tư tưởng có tính cách mạng và tự do, chủ nghĩa Marx đã trở thành một giáo lí không khác gì trong các chế độ độc tài phương Đông, nơi vương triều có toàn quyền qui định và giải thích giáo lí, còn nhà vua đóng luôn vai trò Giáo chủ.
Sự thống nhất bắt buộc về tư tưởng, đã phát triển qua nhiều giai đoạn và mang nhiều hình thức khác nhau, đã và vẫn là đặc điểm cơ bản của đảng bolshevik.
Nhưng sự thống nhất bắt buộc như thế sẽ không thể nào xảy ra được nếu như đảng không phải là cha đẻ của giai cấp mới và nếu như nó không đặt ra cho mình nhiệm vụ lịch sử chưa từng có.
Lịch sử hiện đại chưa có giai cấp nào hay đảng phái nào thực hiện được sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng trong hàng ngũ của mình như đảng cộng sản. Nhưng ngoài họ thì cũng chưa ai có ý định cải tạo toàn bộ xã hội chủ yếu bằng các biện pháp chính trị và hành chính. Chỉ có những người có niềm tin tuyệt đối, có niềm tin mù quáng vào sự đúng đắn và trong sáng của các quan điểm và mục đích của mình mới dám làm những việc như vậy. Nhiệm vụ này khó khăn đến nỗi nó đòi hỏi không chỉ thái độ không khoan nhượng đối với các tư tưởng khác và các nhóm xã hội khác mà còn đòi hỏi sự khuất phục của toàn xã hội và sự cố kết của chính giai cấp cầm quyền. Đấy chính là lí do vì sao đảng cộng sản cần một sự ổn định vững chắc về tư tưởng.
Sau khi đã đạt được rồi, sự thống nhất về tư tưởng sẽ trở thành một định kiến. Người cộng sản được dạy rằng thống nhất về tư tưởng (thực ra là các tư tưởng được truyền từ trên xuống) là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm, bè phái trong đảng là hoạt động xấu xa nhất.
Như vậy là không thể tạo được chế độ toàn trị nếu không đàn áp các nhóm xã hội khác, cũng như sự thống nhất về tư tưởng không thể xảy ra được nếu không tiến hành thanh trừng ngay trong hàng ngũ của mình. Hai quá trình này diễn ra đồng thời và quyện chặt vào nhau một cách “khách quan” trong nhận thức của những người sáng lập chế độ toàn trị, mặc dù đấy là hai việc khác nhau, một đằng là tiêu diệt kẻ thù và mặt khác là “giải quyết quan hệ” trong nội bộ. Dĩ nhiên Stalin biết rằng Trotsky, Bukharin hay Zinoviev không phải là gián điệp hay những kẻ phản bội. Nhưng việc họ bất đồng với ông ta đã tạo nhiều khó khăn cho việc thiết lập chế độ toàn trị và ông ta phải tiêu diệt họ, tất cả chỉ có thế mà thôi. Tội lỗi của ông ta đối với đảng chính là ông ta đã biến sự tranh chấp, bất đồng khách quan về tư tưởng và đường lối chính trị trong đảng thành tội lỗi chủ quan của từng người và từng nhóm khác nhau và vu cho họ những hành động tội ác mà họ không phạm.
Nhưng đối với chế độ cộng sản thì đấy là con đường bắt buộc phải đi qua. Có thể thiết lập chế độ toàn trị, nghĩa là tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, bằng những biện pháp mềm dẻo hơn biện pháp mà Stalin đã áp dụng, nhưng thực chất vẫn chỉ là một. Ngay cả trong những trường hợp khi mà công nghiệp hoá không phải là biện pháp cũng như điều kiện để tạo ra chế độ toàn trị – Tiệp và Hung là những thí dụ – thì đảng cộng sản vẫn áp dụng những biện pháp không khác gì những biện pháp được áp dụng ở các nước chậm phát triển, thí dụ như Liên Xô. Đấy không phải là do Liên Xô áp đặt cho các đảng đàn em mà là bản chất của các đảng cộng sản, bản chất của tư tưởng cộng sản. Quyền lực tối thượng của đảng đối với xã hội, đồng nhất chính quyền và bộ máy quyền lực với đảng, chỉ những cấp nào đó mới được quyền có tư tưởng là những đặc thù của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền.
Đảng là sức mạnh của chính quyền và nhà nước cộng sản. Đảng là người tạo nên tất cả, là cội nguồn và sức mạnh cố kết giai cấp mới, quyền lực, tài sản và tư tưởng của giai cấp ấy.
Chính vì vậy mà trong chế độ cộng sản không thể xảy ra độc tài quân sự mặc dù ở Liên Xô có vẻ như đã từng có các âm mưu cướp quyền của giới tướng lĩnh. Nếu giả dụ chế độ độc tài quân sự có thuyết phục được xã hội về sự cần thiết phải tập trung toàn bộ sức mạnh và chấp nhận hi sinh trong một thời gian nào đó thì nó cũng không thể kiểm soát được toàn bộ xã hội. Chỉ có một đảng duy nhất làm được chuyện đó, đấy là đảng tuyên truyền cho những lí tưởng cao cả, sự độc đoán chuyên quyền của nó được các đảng viên và tất cả những ai tin vào lí tưởng ấy coi không những là cần thiết mà còn là hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội cao nhất.
Nếu xét theo khía cạnh tự do thì độc tài quân sự trong chế độ cộng sản là một tiến bộ lớn. Nó đồng nghĩa với việc cáo chung của chế độ toàn trị của đảng, của nhóm chóp bu nắm quyền của đảng đối với xã hội.
Về lí thuyết, độc tài quân sự chỉ xảy ra khi đất nước gặp thất bại năng nề về quân sự hoặc có khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Lúc đó hình thức khởi thuỷ của nó sẽ là độc tài của đảng hay dưới danh nghĩa độc tài của đảng. Nhưng điều đó nhất định sẽ dẫn tới sự thay đổi của toàn bộ hệ thống.
Chế độ độc tài toàn trị của nhóm đầu sỏ trong đảng trong các chế độ cộng sản không phải là kết quả nhất thời của cuộc tranh chấp chính trị mà là kết quả của một quá trình phức tạp và kéo dài. Sự cáo chung của chế độ độc tài không chỉ có nghĩa là sự thay thế hình thức cai trị này bằng hình thức cai trị khác mà còn là sự thay đổi, đúng hơn là khởi đầu của sự thay đổi của cả hệ thống. Nền chuyên chính của đảng chính là hệ thống, là linh hồn, trí tuệ và bản chất của cả hệ thống.
Dịch từ bản tiếng Nga, tại http://dzhilas-milovan.viv.ru/index.htm
Nguồntalawas, 2005

Nghệ sỹ bị cấm xuất cảnh như thế nào

Một bức tranh của họa sỹ Nguyễn Minh Thành trưng bày tại London tháng 7/2005
Thành cho rằng ‘Văn hoá của người Việt là người dưới bị bắt buộc phục tùng’
Sau đây là thư của họa sỹ Nguyễn Minh Thành từ Hà Nội gửi nhà chức trách ở Việt Nam để bày tỏ ý kiến về một câu chuyện liên quan đến chính sách đối với văn nghệ sỹ. BBC xin đăng nguyên văn như sau:

Thư gửi Ngài Bộ trưởng bộ Văn hoá - Thông tin - Du lịch
Kính thưa ngài,
Tôi tên là Nguyễn Minh Thành, một họa sỹ Việt nam. Tôi viết thư này với hy vọng lớn nhất rằng nó sẽ đến được tận tay ngài và ngài sẽ đọc nó. Tuy nhiên, theo những phỏng đoán của tôi, thì thường những thư như thế này rất khó đến được tay ngài và cũng ít cơ may được các quí Bộ trưởng đọc nó. Tôi cũng đã lưỡng lự nhiều lần, song lại nghĩ dầu thế nào cũng cứ viết tâm sự của mình và gửi tới ngài, còn duyên may đến đâu là ngoài tầm tay của mình.
Mặt khác, đây là lá thư mà tôi muốn trò chuyện về văn hoá của nước ta hiện nay, đó cũng là câu chuyện chung mà càng nhiều người chia sẻ và công luận thì càng tốt. Nên đồng thời gửi đến ngài Bộ trưởng, người mà tôi mong muốn nhất sẽ đọc nó, tôi cũng gửi cho các bạn bè và người quen qua e-mail. Như thế, cho dù vì lí do nào mà ngài không đọc được nó thì cũng có nhiều người đọc nó. Và chí ít nó cũng minh chứng một điều đơn giản thường thấy là ai nghe được tiếng nói người dân hay chỉ lại là chính người dân?
Tôi xin kể vắn tắt câu chuyện này:
Hồi đầu tháng 8 năm 2005, chúng tôi gồm 10 hoạ sỹ lên đường đi Côn Minh Trung Quốc tham dự một chương trình trao đổi với các nghệ sỹ bên đó. Đây là chuyến đi hoàn toàn tư nhân của chúng tôi và chúng tôi cũng xin visa theo mục du lịch. Chúng tôi không hề có ý muốn đại diện công gì cho tư cách Quốc gia. Những gì chúng tôi sinh hoạt đều là cá nhân bình thường, tuỳ ý, chứ không với một trách nhiệm đại diện gì cho ai. Nhưng khi chúng tôi đến cửa khẩu làm thủ tục xuất cảnh thì bị giữ lại và kết quả sau 5-6 tiếng chờ đợi là: Không được xuất cảnh! Những băng đĩa tư liệu cũng bị giữ, niêm phong và gửi về Bộ Văn hoá tại Hà nội. Chúng tôi nhận được lời giải thích về việc thu băng đĩa là: Vì chưa có giấy phép. Còn về không được phép xuất cảnh là không có lời nào. Mấy viên chức cửa khẩu nói họ chỉ làm theo lệnh từ trên.
Sau chúng tôi mới vỡ lẽ một phần là, các công an an ninh văn hoá, đã theo dõi và có đủ mọi thông tin về chuyến đi của chúng tôi. Câu chuyện nhỏ này là lý do chính mà tôi muốn tham khảo ý kiến Bộ trưởng và mọi người về những điều sau đây:
1-Việc chúng tôi không được xuất cảnh này đến giờ cũng chẳng biết lý do và chẳng ai đứng ra giải thích, như vậy có phải là điều bình thưòng không? Nêú là chuyện thường thì chúng ta sẽ phải đánh giá sự thường tình này như thế nào đây? Nếu không bình thường thì tại sao chúng tôi lại phải nhận sự đặc biệt này?
2- Bộ Trưởng có thấy rằng việc trên đây làm tổn thương chúng tôi và có một tổn thương nào đó trong cả bầu văn hoá chung của chúng ta không? Nếu là có thì đâu là nguyên nhân và ai là người gây ra? Nếu là không thì mọi thứ đều ổn thoả, bộ trưởng cứ việc ngủ ngon trong cơ đồ ổn thoả này.
3-Mọi thứ ở Việt nam dường như rất quy tắc và luôn cần được xin phép. Và phần lớn những lần tôi làm triển lãm đều rất mệt mỏi vì xin phép. Có thể nói, hầu như ai cũng thấy thế. Quỹ đạo hành chính và luật lệ vẫn như thế, tôi càng ngày càng thấy chẳng được dễ dãi hơn chút nào. Và đây là câu hỏi rằng: Có cái cây hay con thú hay thế lực phản động nào ngăn cản việc sống dễ dãi hơn của chúng ta hay không? hay chỉ còn lại chúng ta với nhau, công dân và nhà nước, nhưng chúng ta, như hai kẻ vùa điên, vừa ngờ nghệch, vật lộn với nhau trên đất nước bình yên và tươi đẹp này?
Chúng ta vốn sinh ra để được sống hạnh phúc và hạnh phúc hơn kia mà! Hay bộ trưởng và các quan chức thấy đời phải là bể khổ nên cứ phải gây ra khó khăn để cho đúng nghĩa ấy? Mười họa sỹ chúng tôi vừa rồi với tất cả hứng khởi đi Côn minh vì sẽ được tiếp xúc, được trao đổi và được học hành thêm từ bên ngoài. Vậy mà chúng tôi không được phép. Trong khi nhà nước chẳng hề cấp kinh phí gì, chúng tôi phải tự túc gắng công lắm mới xin được tài trợ cho chuyến đi. Khi hiểu về điều này tôi đã hiểu rằng mọi điều xảy ra đều là do con người gây ra và con người hèn hạ tồi tệ mới gây ra điều tồi tệ. Ở đây là những công an văn hoá nọ, đã rắp tâm kìm hãm chuyến đi này. Tôi cũng thấy chẳng cần bắt vạ Bộ trưởng vì những con người tồi tệ, vì mặc nhiên Bộ trưởng cũng chẳng thể làm gì được. Việc nhân cách là do một nền văn hoá sinh ra chứ không phải Bộ trưởng sinh ra, nhưng đây là vấn đề: Rằng chúng ta có vấn đề lớn về văn hoá.
Và đó mới là vấn đề tôi muốn nói với một Bộ trưởng bộ văn hoá. Tôi nói rằng văn hoá của nước Việt nam ta hiện nay thẫm đẫm giả dối. Từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ gia đình đến xã hội, từ người giàu đến người nghèo... đều thấm đẫm giả dối. Nguyên nhân của sự giả dối cao đến mức như thế này là do, vốn văn hoá phong kiến trong truyền thống nước ta đã nặng về hình thức ( một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp) lại công thêm 60 năm tư tưởng của nhà nước Cộng sản, còn xô đẩy người ta vào tư thế luôn phải giả dối. Nói vậy Bộ trưởng và nhiều người sẽ nghĩ thế thì láo quá! phủ nhận tất cả mọi thứ ư? nhưng tôi xin nhắc lại công lao của tư tưởng cộng sản để lại cho nhà nước ta hiện nay chỉ là sự giả dối mức độ cao như hiện nay nếu không nói là quá cao.
Và nếu tôi có láo vì nói vậy thì cũng là sự thật đấy. Cũng nói thêm rằng công lao có vẻ như được khẳng định chắc chắn nhất là: Đảng cộng sản giành lại độc lập cho Việt nam, nhưng hãy bình tâm suy xét một chút thôi, thì quan niệm về công lao này cũng sẽ bị lung lay đấy. Đó là: nếu không phải Đảng cộng sản và những người thế hệ ấy giành độc lập, thì luôn sẽ có những người khác làm việc đó, mặc dù là muộn hơn, nhưng muộn hay sớm không phải là vấn đề và cũng không phải là mục đích, mà là bằng cách nào, ra sao.
Hãy xem Ấn Độ giành độc lập sau nước ta và họ không cần quân đội và vũ khí để làm việc đó và hãy xem giờ đây họ là một nước như thế nào? Có thể nước ta giành độc lập bằng cách khác và với tư tưởng khác thì cũng không biết được có tốt hơn, hay xấu hơn những người cộng sản và cách mà họ đã làm, nhưng đó cũng không phải là điều cần bàn hiện nay vì nó chưa xảy ra, mà hiện nay điều phải dũng cảm nhìn vào là không có chỗ trong sự thật cho sự khẳng định rằng: Đảng cộng sản đúng và lại còn "hoàn toàn đúng" như nhà nước vẫn luôn dạy nhân dân. Thực ra điều tôi nói này không mới mẻ gì nhưng tại sao giờ này vẫn chưa nói ra được cũng chỉ là vì giả dối và tự lừa dối. Và Đảng ta là giả dối đấy. Tôi không tin được là Đảng ta thực thà đâu, đừng bắt tôi tin nữa. Việc bắt người ta không tin, phải tin điều gì đó, thì giống như tước bỏ cuộc sống của người ta mà thôi. Niềm tin không có ép được cũng như tình yêu vậy.
Khi nghe về tham nhũng ai nấy lắc đầu ngán ngẩm! chắc cả Bộ trưởng cũng vậy thôi. Nhưng tham nhũng là gì? Tham nhũng chính là kết quả của dối trá mà thôi. Những nước ít tham nhũng hơn ta thì chắc chắn rằng xã hội của họ, văn hoá của họ ít giả dối hơn ta. Vậy thì văn hoá hoàn toàn góp phần vào chống tham nhũng được đấy chứ, đâu phải chỉ có Tư pháp và luật pháp. Nhà nước nghĩ được ra luật chống tham nhũng mà không nghĩ được rằng bề sâu của vấn đề là văn hoá thì luật ấy chẳng bao giờ có hiệu quả đâu và mọi người cứ xem, thời gian sẽ cho thấy điều đó. Giờ đây tôi xin chỉ rõ điều bao bọc che chở cho sự giả dối đang lớn lên quá cỡ như hiện nay là: Chế độ kiểm duyệt văn hoá và tư tưởng.
Chế độ kiểm duyệt được duy trì như hiện nay tưởng là an toàn cho quốc gia, nhưng là ngây thơ lắm. Sức công phá của cái bọc giả dối này đang đến gần và nó mạnh lắm đấy. Chúng ta đang được an toàn như ở trong cái nhà chứa thuốc nổ vậy. Nếu biết tháo gỡ nó dần dần thì vẫn không sao.
Nhưng tại sao một số nước vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt? Vì cũng từ trong văn hoá mà ra. Văn hoá của người Việt là: bố mẹ lo tương lai cho con cái, nghĩa là lo lấy vợ lấy chồng và xây nhà cửa cho con cái rồi nhắm mắt mới yên lòng. Nếp nghĩ này có từ rất lâu nên nó cũng khắc rất sâu trong văn hoá người Việt. Trước hết, nếp nghĩ này sẽ tiêu huỷ mọi ý tưởng phát minh và sáng tạo. Con cái sinh ra, lớn lên sẽ chỉ ở yên dưới sự chỉ đạo và điều hành của bố mẹ cho đến khi lập gia đình xong.
Một số con cái làm trái ý bố mẹ thì bị coi là mất dạy và sẽ phải bị bắt buộc phục tùng. Và nếu nó không quy thuận thì sao? thì số đông là xã hội sẽ lên án. Và như thế từ nhà ra tới ngoài xã hội đều thống nhất một quan điểm nó là đứa mất dạy và đương nhiên mọi cơ hội để nó là nó, là tự phát triển đều không có, hoặc có rất ít. Điều này giải thích tại sao cho đến giờ Việt nam, Văn học, Toán học, Vật lý, Hoá học... chưa có giải Nobel, hay là những nhân tài lừng lẫy thế giới. Văn hoá này cũng dẫn đến rất nhiều tuỳ tiện và áp chế từ phía người có quyền hành. Không phải bố mẹ nào cũng lo được cưới xin và nhà cửa cho con cái như nhau, nên con cái hãy yên phận với những gì cha mẹ có thể làm được và đừng tủi hổ than phiền về điều đó, đó cũng là đức hạnh lớn lao được xã hội đề cao.
Một đứa bé lớn lên chẳng mấy chốc trở thành những người kế tục và chúng cũng phải lặp lại y nguyên những gì cha mẹ làm với chúng. Xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay là đang thừa hưởng văn hoá ấy. Thế thì đại biểu quốc hội, quan chức nhà nước và Bộ chính trị đi nữa, thì cũng là những con người ấy những con người từ nhân dân mà ra và được ướp trong nếp nghĩ sâu xa ấy. Thế là chúng ta có một chính quyền của nhân dân và do dân, vì dân theo nghĩa ấy, đó là lo lắng và sắp đặt mọi thứ mà người dân không nên tự lo hay không được phép lo. Dân muốn gì thì phải xin nhà nước. Tôi đoán rằng hiếm có nước nào chữ "đơn xin, giấy xin phép" được dùng nhiều như ở chế độ hành chính của ta.
Tôi thấy như một trò hề là thậm chí nhà nước thiết kế cả mô hình làng văn hoá và mọi nơi cứ đua nhau "xây dựng làng văn hoá" hay "khu văn hoá" với những tấm biển to ngoài cổng, Lại còn cấp cả bằng chứng nhận gia đình văn hoá nữa! Cũng như các bậc cha mẹ thường hay nói:"bác à, cháu nó thế thôi, nhưng mà được cái ngoan đáo để, có hiếu lắm..." Và lần này với 10 họa sỹ chúng tôi cũng vậy, các cô, các cậu tự đi tham khảo, trao đổi, học hành làm gì? cứ ở yên đấy, nhà nước sẽ lo liệu cho các bạn mọi thứ tốt đẹp, còn ít ra nếu có thăm thú tìm hiểu cái gì cũng phải xin phép nhà nước hay các cấp "có thẩm quyền" coi có tốt đẹp không đã.
Còn nếu ai hỏi xem, hoạ sỹ của Việt nam vẽ gì thế ? Thì các quan chức sẽ trình bầy rằng: đây này, bạn xem triển lãm mỹ thuật toàn quốc của chúng tôi đi, họ vẽ yêu nước lắm, ca ngợi lắm, "có hiếu" lắm...Có phải vậy không thưa bộ trưởng? Nếu không được tự do đi ra ngoài nước thì làm sao chúng ta có nghệ sỹ nổi tiếng thế giới? Thưa bộ trưởng! Hay là chẳng cần thiết là danh hoạ thế giới, cứ ở nhà phấn đấu rồi bộ văn hoá sẽ trao bằng khen cho? Tôi phải thốt lên với thế giới rằng có công dân nước nào được nhà nước lo chăm như chúng tôi không? Hỡi các bạn quốc tế, đến đây mà ganh tỵ với chúng tôi!
Nước Việt nam có một bờ biển dài, nhưng lịch sử cho thấy, hàng hải của chúng ta từ xưa đến nay luôn kém nhất trong khu vực. Điều ấy nói lên khả năng phiêu lưu của người Việt là kém. Điều ấy cũng nói lên một nỗi sợ hãi nào đó với thế giới bên ngoài trong văn hoá của chúng ta. Và nhìn chung, người Việt thích an toàn. Và càng thích an toàn bao nhiêu thì càng sợ nổi loạn bấy nhiêu. Vì thế mà đến cả văn hoá cũng cần phải có một ban tư tưởng văn hoá trung ương và một cục của công an lo về bảo vệ an ninh văn hoá. Tôi hiểu những năm qua chính quyền của nhà nước xã hội chủ nghĩa này chịu rất nhiều phê phán và chống phá từ bên ngoài nhất là ngoại kiều thất trận, đương nhiên, nếu không có chế độ bảo vệ kiểu đó thì chính quyền cũng gặp nhiều nguy nan. Nhưng đó là vấn đề của chính quyền chứ không phải vấn đề của người dân. Nhưng cũng vì chỉ lo bảo vệ chính quyền mà người dân cũng bị xếp chung trong chế độ kiểm duyệt và đương nhiên là bị hạn chế nhân quyền.
Vấn đề ở đây cần được làm rõ là: chính quyền cần được bảo vệ chứ không phải người dân, nhưng chính quyền lại nép vào phía người dân để được che chở. Việc chính quyền có bị đe doạ, là không liên quan đến tôi, còn nói nó có liên quan đến tôi để tôi phải cùng trách nhiệm là không đúng, điều này cần được xem lại. Chỉ có một phần nhỏ dân số của đất nước là liên hệ có quyền lợi với chính quyền, còn lại nếu xét đúng ra thì người dân luôn phải nuôi chính quyền. Nhưng cái hay ở Việt nam là ở chỗ, đa phần người dân rất sợ chống chính quyền, đó là cái hay đáng thương tôi cũng rất sợ. Tôi không dám chống đâu, mặc dù tôi không thích cái chính quyền này. Tôi yêu đất nước này nhưng tôi không yêu cái chính quyền này. Điều ấy là thực. Chắc cũng xuất phát từ cái văn hoá thích an toàn, yên ổn. Và đến đây thì chúng ta tìm thấy cái giống nhau là: cả hai, chính quyền và người dân đều thích yên ổn, nhưng điều khác nhau ở chỗ: người dân vì yên ổn nên không muốn làm gì chống lại, còn chính quyền thì làm mọi cách để đạt được an toàn cho dù có xâm hại đến người dân.
Thưa bộ trưởng, tôi luôn mơ ước có một chính quyền tốt hơn cho dù là đảng nào cũng được và tôi biết, không ít người cũng nghĩ như vậy. Thêm nữa về cái bọc giả dối của chúng ta là: Mấy năm gần đây cứ nói thật hồn nhiên trên thông tin đại chúng về "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Tôi thấy nực cười vì tôi tìm mãi cũng chả thấy nêu lên được cái gì gọi là tư tưởng cả! Những điều mà Đảng, nhà nước tuyên truyền ấy tìm đâu chả thấy. Một người có ăn học bình thường cũng có thể nói lên được những điều ấy, hay cứ bảo bất kỳ một người ở một nước phát triển, có bằng tiến sỹ thời bây giờ là họ sẽ viết ra còn đầy đủ và tiến bộ hơn những điều mà các nhà triết học Mác-Lênin của chính phủ nói về "Tư tưởng Hồ Chí Minh". ấy vậy mà tốn biết bao giấy mực và thời gian, công sức truyền thông về cái gọi là tư tưởng ấy. Ngay cả phát động những cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng ấy nữa, hãy thành thực mà nói với nhau rằng đó là hình thức và giả tạo. Hơn nữa, cái thế giới này đã chẳng còn cần đến tư tưởng của một ai nữa, vì tư tưởng nào cũng có, nhưng có đưa người ta đến đâu đâu, vẫn cứ sống cùng nhau trong khó khăn và thách thức như hiện nay, như muôn đời.
Tôi cũng rất tôn trọng chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đừng lầm lẫn tôn trọng và mê tín. Nhà nước không nên bảo hộ tư tưởng và văn hoá như vậy, hãy dành quyền đó cho người dân. Bộ trưởng có biết rằng dân ta sợ nhà nước tới mức nào không? Họ sợ tới mức không dám suy tư về những tư tưởng nữa. Văn nghệ sỹ cũng hầu hết rất sợ đả động hay liên quan đến chính trị, đến tư tưởng. Và thành một thông lệ được tự quy ước trong đầu mỗi người là: nếu có nói về chính trị hay đến Đảng thì chỉ được phép nói tốt. Còn nói xấu chắc Bộ trưởng và mọi người cũng đã từng chứng kiến, hậu quả như thế nào sẽ xảy ra. Vì thế nên trong thanh niên ở ta hiện nay, tâm lý, triết học và quan niệm chính trị, kể như không có trên đời. Tôi còn nghe nhiều phàn nàn và phê phán rằng thanh niên ta thời nay không có mấy lý tưởng sống. Điều đó đúng đấy, nhưng những người phê phán phàn nàn ấy, hãy xem họ là ai? chắc chắn số đông là thế hệ già. Và lý tưởng mà họ muốn nói ấy là gì? Thực ra là những lời phàn nàn sáo rỗng và giả dối nữa. Chính thế hệ đã gây ra tình trạng băng giá trong tinh thần thanh niên ngày nay lại phàn nàn về chính điều đó. Tôi xin bảo đảm rằng chừng nào giả dối mất đi, chừng đó lý tưởng mới nảy sinh. Và lý tưởng là gì? là niềm say xưa đến với cái đẹp đẽ của cuộc đời này. Muốn thế cần tình yêu, bao nhiêu năm nay tôi chưa được nghe người cộng sản nào nói được về tình yêu cả, hình như họ chỉ đơn giản bắt người ta phải yêu Đảng cộng sản thì đúng hơn.
Thế hệ trẻ ngày nay không phải họ bị biến chất đâu, và cũng không phải bị ảnh hưởng xấu từ bên ngoài đâu, lạy Chúa, nếu được ảnh hưởng từ bên ngoài lại còn là may đấy! Nhưng họ bị thui chột tinh thần ngay từ bên trong kìa, đó là gia đình, là thế hệ cha anh chú bác, họ mất lòng tin nơi thế hệ đi trước. Tôi biết nói vậy biết bao người sẽ không hài lòng tý nào, nhưng đó cũng chẳng gì hơn ngoài sự thật. Thời bao cấp, thời xã hội chủ nghĩa, đã tước đoạt biết bao tình yêu và chân thật, đó là một vết thương lớn trong văn hoá và thế hệ ngày nay và sau nữa còn phải chịu ảnh hưởng bởi di chấn của nó. Tôi xin nói rằng những thế hệ trước là những thế hệ có lỗi với thế hệ trẻ ngày hôm nay chứ không phải ngược lai, trong khi cách cư xử hiện thời là, cứ dường như thế hệ trẻ là có lỗi và gây nên mọi xấu xa cho dân tộc này. Tôi muôn vàn lần nài xin, hãy đừng lẫn lộn và đừng vô cảm thế. Và sự thực cho đến nay chưa hề có lời xin lỗi nào từ phía những người đi trước, mà chỉ nghe toàn thấy những lời tuyên thệ của các em học sinh noi theo, biết ơn cha ông và những người đi trước. Các em còn biết bao trong sáng, ngây thơ mà ở trường những bài học đầu tiên đã là những bài học về vô cảm, sáo rỗng và giả dối. Như vậy làm sao tình yêu nảy sinh được. Con em chúng đa đang bị nhiễm độc nặng trong bầu khí giả dối này. Giả dối không đứng cùng với tình yêu.
Sau hết, với thành tâm và hiểu biết của tôi, tôi xin khuyên rằng hãy bỏ cố chấp đi. Đảng cộng sản hiện nay đang là cố chấp, đang lún sâu vào hơn bãi lầy cố chấp. Sớm muộn gì mọi quốc gia nếu muốn phát triển và văn minh hơn, đều phải đa đảng như nhũng nước tiên tiến hiện nay. Kể cả Trung Quốc hay Cu Ba hay Bắc Triều Tiên thì cũng sẽ phải vậy. Vấn đề hơn nhau là ở thời gian thôi. Những người vì quá sợ hãi thay đổi, thì luôn tìm kiếm các mô hình có vẻ giống mình để được cảm thấy an tâm và khỏi phải thay đổi. Nhưng giờ là lúc nếu người lạc quan có thể cho phép mình nghĩ là vẫn còn chưa muộn để lo thu xếp việc thay đổi. Để càng lâu thì việc chỉ càng khó khăn hơn và khủng hoảng chỉ càng lớn hơn, đau đớn càng lớn hơn mà thôi.
Nhưng trước khi bắt tay thay đổi, hãy chuẩn bị tâm lý cho một nỗi sợ hãi lớn. Chỉ có dũng cảm để làm được. Dũng cảm cần nỗ lực, còn sợ hãi và nhút nhát chả cần nỗ lực gì, nó luôn dư thừa có đó trong mỗi người và nó bám víu người ta dai dẳng hơn bất cứ cái gì. Sau nỗi sợ là sự tức giận. Sợ hãi sẽ dẫn tới bạo hành, luôn là như vậy. Nhưng hãy nghĩ: sinh ra và sống trên đời này là quí nhất và thiêng liêng vô cùng. Thế nên chả có gì cần phải nóng giận mà hãy đón nhận mọi phê phán và chỉ trích. Tôi nghĩ nếu vì ý thức về sự thiêng liêng của con người thì, quá trình thay đổi từ hiện nay sang đa đảng cũng hoàn toàn tránh được đau đớn. Nếu thông minh thì cũng thu xếp bảo vệ được nhiều quyền lợi. Nhưng được điều quan trọng hơn là giải phóng cho dân tộc mình khỏi bạc nhược và buồn bã như hiện nay.
Kính thưa Bộ trưởng, tôi còn nhiều tâm sự thế này lắm, bức thư này chỉ phần nào nói lên những gì tôi nghĩ thế thôi, kẻo làm mất nhiều thời gian của Bộ trưởng. Tôi hy vọng nếu có điều kiện, còn có thể giãi bày tâm sự và trao đổi cùng Bộ trưởng và mọi người nhiều hơn về con người chúng ta và văn hoá chúng ta.
Với thư này tôi không dám có ý đấu tranh hay chống lại gì nhà nước đâu. Quan điểm riêng của tôi là thuyết phục và cổ vũ lòng chân thành. Còn sự thực và lẽ phải luôn thường trực bên chúng ta, nếu chúng ta nhận ra và sống với nó, thì lo chi không tràn ngập tình yêu hạnh phúc và bình an nữa. Tôi cũng xin là: đừng kết tôi vào tội gì khác ngoài tội mô tả sự thật. Nhà nước cũng hay kết nhiều người tội phản động và tôi sợ từ phản động vô cùng. Tôi nói thật, tôi sợ lắm!
Lời cầu nguyện của tôi là: Xin tình yêu, ở nơi tình yêu, chúng ta tin tưởng hoàn toàn và cuộc đời này thật đẹp biết bao!
Xin kính chúc Bộ trưởng và quý vị sức khoẻ cùng những điều tốt đẹp nhất.
Xin kính chúc năm mới an lành.
Hà nội ngày 09 tháng Giêng năm 2006
Nguyễn Minh Thành
Kính thư
Tái bút: Tôi cũng rất mong nếu được hồi âm. Địa chỉ của tôi là: Nguyễn Minh Thành-P6A1-149/1194-Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.
e-mail: thanhmiin@yahoo.com.au
Quý vị có ý kiến đóng góp gì về câu chuyện này, xin chia sẻ với chúng tôi tại vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/01/060117_minhthanhletter.shtml

“Xin hãy sờ tôi” hay “Tự kiểm duyệt”

Tháng 7 12, 2013
Nguyễn Minh Thành
Anh bạn tôi tên là Tráng than rằng: Người xem cứ sờ vào tác phẩm nghệ thuật, đã treo biển cấm sờ mà họ vẫn sờ! Tôi bảo rằng: Vậy thì nên làm một triển lãm với chủ đề: xin người xem hãy sờ vào tác phẩm. Anh bạn tôi nói  đùa: Hay thành là tác phẩm đứng đó để cho người ta sờ. Thoạt tiên tôi nghĩ, xấu hổ lắm, tôi không dám đứng đâu, mặc dù biết là có thể đứng được. Rồi cứ nghĩ mãi, nên bây giờ nghĩ ra một tác phẩm, không phải đứng mà, nằm. Tác phẩm mà biết trước là sẽ bị kiểm duyệt, bị cấm.
Tác phẩm thế này:
Tôi sẽ hoá trang mặc áo quần và cắm râu ria sao cho giống y ông Hồ Chí Minh và nằm trong hộp kính, phía trên không đậy nắp. Cố gắng hết mức có thể để càng giống ông Hồ bây giờ đang nằm trong lăng Ba Đình. Nằm yên thế khoảng 1 tiếng trong khi người xem được mời sờ vào người tôi.
Tôi đoán rằng trong 100 người Việt Nam khi nghe đến tác phẩm nghệ thuật này thì có đến 99,9 người đoan chắc là tác phẩm sẽ bị nhà nước cấm. Tại sao bị cấm? Chắc hết thảy mọi người đều biết. Nhưng từ từ, chậm chậm, nghĩ về nó thì chắc cũng không nhiều người đâu, tôi đoán thế.
Vậy xin hãy cùng tôi bình tĩnh suy tư về điều này xem nó như thế nào.
Ông Hồ Chí Minh là người đã trở thành biểu tượng được tôn kính nhất ở Việt Nam hiện nay. Việc “trở thành” này là do đâu? Là do kỹ nghệ tuyên truyền của nhà nước tạo nên lòng sùng kính của nhân dân. Nhân dân ở đây cũng là từ phát ngôn của hệ thống tuyên truyền của nhà nước. Vì vậy nhân dân có sùng kính thật sự hay không thì không có gì đoan chắc. Hoặc có bao nhiêu phần trăm sùng kính? Hoặc thành phần nào trong nhân dân sùng kính? Hoặc hiểu biết của họ về ông Hồ ở mức độ nào?… Cũng đều không có gì đoan chắc.
Như cá nhân tôi cũng là một nhân dân, nhưng với hiểu biết của tôi thì tôi không sùng kính ông Hồ. Song khi trên đài báo, bao nhiêu năm nay cứ nói nhân dân và có nghĩa rằng tôi cũng ở trong số đó. Như thế thật oan cho tôi, tôi đâu có sùng kính ông Hồ! Và trong cả nước Việt Nam, có lẽ tôi không phải người duy nhất. Vậy có bao nhiêu người không sùng kính như tôi? Chúng ta hoàn toàn không biết. Nếu ai có mắt thần biết được thì thật hay. Biết đâu có 3 nhân dân, hay 16 nhân dân hay 700 nhân dân hay rất nhiều nhân dân hay bất kỳ con số nhân dân và không loại trừ con số lên tới mức nhiều làm người ta choáng váng thì sao.
Trong trường hợp chỉ có mỗi mình tôi trong cả nước là người không sùng kính ông Hồ, vậy thì trên các bài báo, bài văn hay bài phát biểu phải nói là: “Nhân dân ta thiếu một người sùng kính Bác Hồ” mới đúng.
Viết đến đây tôi liền search Google với từ khoá: “Nhân dân một lòng tôn kính bác” sau 3 giây, liền ra một loạt kết quả, tôi lấy bài đầu tiên, xin mời vào link này:  http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=15414&Itemid=37
Đọc bài này, quý vị thấy là loại văn kiểu gì? Riêng tôi thì gọi là loại văn nói dối. Nhưng từ chính xác hơn là: văn điêu. “Điêu” là làm cho lồi lên trên mặt phẳng. Nên cũng gọi là điêu khắc, nghĩa là làm lồi lên hay lõm xuống. Bài báo ở link trên này chỉ là một ví dụ dẫn chứng, mà tôi chẳng phải nhọc công tìm kiếm. Còn biết bao nhiêu bài và từ biết bao năm nay, cứ nguyên một điệu văn “điêu” ấy trên toàn hệ thống tuyên truyền nhà nước.
Từ công phu làm “điêu hoá văn” này của nhà nước từ năm 1954 đến nay, nước chúng ta đạt kết quả là nếu tìm 10 nước nói dối nhất thế giới thì không lo trong đó không có tên Việt Nam. Khi xã hội số đông nói dối nhau, thì xã hội ấy sao tránh khỏi tham nhũng!
Quay lại điều ông Hồ là biểu tượng được tôn kính nhất, thì chúng ta hãy suy xét về tính biểu tượng thực sự là gì?
Trước hết phải nói rằng: biểu tượng chính là nguyên nhân làm sa ngã nhân loại.
Tại sao vậy?
Thưa: biểu tượng được sinh ra từ một hình tượng cụ thể nào đó, dầu là người hay vật. Nó trở thành ký hiệu và quy ước trong tinh thần. Vì thế, biểu tượng thì rất cần thiết trong chính trị, tôn giáo hay đảng phái hay hội đoàn và nhất là trong kinh doanh. Trong các lãnh vực trên, muốn thành công nhất thiết phải có biểu tượng. Nếu không có biểu tượng, không thu hút số đông. Nhưng các nhóm số đông kia lại chính là nguyên nhân của chiến tranh, chia rẽ không ngừng trong lịch sử tiến hoá của nhân loại.
Duy nhất chỉ có kinh doanh là còn lành mạnh hơn cả. Vì trong kinh doanh, bạn thấy biểu tượng của coca cola chẳng hạn, bạn xem TV quảng cáo hay, bạn mua, bạn uống. Và từ quy ước của tinh thần, bạn ít ra còn được uống vật chất, mặc dù vẫn mất tiền như thường.
Còn biểu tượng của chính trị, tôn giáo, đảng phái, hội đoàn thì ăn vào tinh thần người ta và chi phối hành vi người ta theo cách phản xạ có điều kiện. Ví dụ cây thập tự là biểu tượng của Thiên chúa giáo, thì khi nhìn thấy cây thập tự, tín đồ Thiên chúa giáo được dạy là bái lạy tôn kính, còn người thù ghét Thiên chúa giáo, thì thấy cây thập tự, sẽ thù ghét cây thập tự và có phần chắc, sẽ thù ghét luôn cả người mang cây thập tự, cho dù người đó là một người đạo đức, thánh thiện. Như vậy, người ta vì biểu tượng mà hành xử, chứ không căn cứ vào thực tế. Lâu dần, khả năng cảm nhận và tôn trọng thực tế phai lạt dần, thậm chí mất hẳn. Vì thế nên nhân loại đau khổ. Cuộc sống vốn kỳ diệu và thần tiên hơn chúng ta thấy, trong khi vì hàng đống các biểu tượng chỉ làm giác quan của chúng ta càng thu hẹp lại, cùn đi, cảm nhận càng nghèo nàn hơn.
Giả sử một người chưa theo tôn giáo nào, (xin lưu ý là không phải người theo vô thần cộng sản, vì những người ấy cũng là theo tôn giáo cộng sản rồi, thậm chí tôn giáo này còn nghiệt ngã hơn nhiều tôn giáo hữu thần) thì họ lại dễ gặp Chúa Jêsu hay Đức Phật hơn là tín đồ Thiên chúa hay Phật tử. Bởi vì người đi nhà thờ hay lễ chùa vốn quen và tin cái tượng Chúa bị đóng đanh, hay tượng Phật trên toà sen, cùng nến đèn hương khói. Người tín đồ từ nhà thờ đi ra mà gặp một người hiền lễ phép nói: này bạn, tôi là Jêsu đây, thì người tín đồ sẽ rất bực mình và mắng cái ông kia là điên và mất dạy. Mà không chừng đó là Chúa thật thì sao? Vì giáo lý chẳng dạy Chúa đầy quyền năng, một phép lạ cỏn con như thế chẳng lẽ không biến thành được hay sao?
Trong khi chính lời Chúa dạy là: “Ta luôn ở cùng các con.”
Vậy đó, người ta sẽ rất nghiêm nghị thành kính với các biểu tượng, nhưng với thực tại thì người ta rất xem thường.
Cũng thế giả dụ bây giờ, có một ông y như ông Hồ, râu tóc bạc phơ nói với bạn: “Này cháu, bác đây, bác Hồ đây”, thì việc đầu tiên bạn sẽ làm với tư cách một nhân dân, là đi báo công an. Vậy là bác Hồ lại đi ở tù lần nữa.
Tôi nghe một chuyện từ một vị cư sĩ kể, là ông ấy đàm đạo với một mục sư về Kinh thánh. Có đoạn ông ấy hỏi vị mục sư:
“Ngài nói Chúa Jêsu chịu đóng đanh vì chuộc tội loài người đúng không?”
Vị mục sư trả lời: “Đúng.”
Vị cư sĩ hỏi:
“Nếu giả sử lúc ấy không có ai ngoài ngài và Chúa, mà Chúa không tự đóng đanh mình được. Chúa nhờ ngài giúp, vậy ngài có làm không?”
Vị mục sư trả lời:
“Vì cứu chuộc nhân loại, tôi sẽ làm.”
Cho nên, người ta thường hay bỏ quên thực tại ngay trước mắt mình như thế đấy. Từ điểm khởi đầu chúng ta là đi tìm cái tốt đẹp, nhưng các biểu tượng che mắt chúng ta dần dần, đến nỗi chúng ta một ngày cũng giết Chúa luôn trong niềm tin rằng đó là việc tốt. Y hệt như các cuộc thánh chiến, họ đều nhân danh Thượng đế để giết nhau. Trong khi hầu như tôn giáo nào cũng đều nói con người là con của Thượng đế, thậm chí Thượng đế ở trong mỗi con người.
Cho tới khi các biểu tượng vô hiệu hoá cảm nhận độc lập của chúng ta, thì chúng ta không còn khả năng tự đứng trên đôi chân của chính mình. Ta chẳng còn thậm chí dám cãi nhau với Chúa một chút, rằng nếu Chúa muốn cứu chuộc chúng con thì hãy tìm cách khác đi. Chúa là đấng toàn năng mà. Lạy Chúa tôi! Đừng bắt con phải đóng đinh Người. Cắt tiết một con gà con còn chẳng nỡ, thì Chúa nỡ lòng nào bắt con giết người.
Chúng ta nên cẩn trọng với biểu tượng. Biểu tượng là sản phẩm của suy nghĩ, chúng không đóng góp gì cho hạnh phúc nhân loại mà chúng chỉ quy tụ đám đông và dẫn dắt đám đông đi xa khỏi chính trái tim mình.
Tôi dám quả quyết rằng, nhân loại thiếu thốn tình yêu đến như thế này, là do thôi thì đủ loại các biểu tượng gây ra. Kể cả với biểu tượng cho tình yêu, cũng làm người ta mất cảm thụ về tình yêu. Ngày lễ Valentin chẳng hạn, tại sao phải chờ ngày đó mới mua quà tặng nhau, trong khi 365 ngày tình yêu cần được hiện diện. Thiếu một ngày của tình yêu là một ngày địa ngục. Tiếc thay chúng ta thậm chí sống 364 ngày vắng tình yêu. Tình yêu mới là chính thứ ta cần, trong khi điều ta đạt được lại chỉ là biểu tượng của tình yêu. Và chúng ta than rằng đời là bể khổ.
Nếu con người loại bỏ những biểu tượng, để tự do tư tưởng, tự nhiên trong tư duy, hồn nhiên trong suy nghĩ, thì thế giới này loại bỏ được biết bao phân chia, cách biệt và áp chế. Tình thương yêu sẽ là giáo lý cho mọi tôn giáo. Chân thật là hương thơm cho mỗi hành động, việc làm của con người. Bình an soán ngôi sợ hãi.
Đó là tại sao tôi nói: biểu tượng làm sa ngã nhân loại.
Tôi nghe ai đó nói: “đập vỡ thần tượng”, hình như ông nào thời chủ nghĩa hiện sinh thì phải. Và tôi thấy ông ấy hoàn toàn có lý.
Vì vậy nên tôi mới nghĩ ra tác phẩm giả làm ông Hồ Chí Minh, nằm im trong hộp kính không đậy nắp trên đây. Và đương nhiên nó sẽ không được cho phép, vì nó động đến biểu tượng lớn nhất.
Lâu nay hình ảnh ông Hồ nằm trong lăng đã thay thế ông Hồ thật, người đã từng là một con người.
Mặc dù người ta đều biết tác phẩm kia là do tôi đóng giả chứ tôi không phải ông Hồ thật, nhưng người ta cũng không cho phép. Vì biểu tượng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và cẩn trọng nhất. Mặc dù biểu tượng về ông Hồ là xuất phát từ chính ông Hồ thật. Thế nhưng ông Hồ thật đã trở nên không còn quan trọng bằng ông Hồ biểu tượng, người ta đã quên mất ông rồi.
Vậy ông Hồ thật là như thế nào? Nếu mô tả thì chắc là dài lắm nên tôi chỉ nêu một chi tiết thôi.
Ông Hồ thật không thích nằm trong tủ kính trong lăng. Ông ấy thích được thiêu xác và bỏ tro trong 3 cái hũ, để trên 3 quả đồi có trồng cây và các cụ già. Điều này chính tay ông ấy viết và do nhà nước công bố. Ai không tin mua quyển “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Như vậy tác phẩm trên đây của tôi một công đôi việc là thế này:
Một việc là, làm người ta suy xét đến bản chất của biểu tượng là gì. Giả sử nếu biểu tượng Hồ Chí Minh không tồn tại, thì cuộc sống sẽ như thế nào?
Một việc nữa là, khiến người ta dừng lại một chút trước khi người ta định sờ vào tác phẩm nghệ thuật. Vì phần đông nếu nhìn thấy tác phẩm, là ông Hồ Chí Minh nằm đó mà lại bảo xin hãy sờ vào thì: ôi chết, ai mà dám!
Và như bạn biết đấy, tác phẩm này sẽ không được ra đời về mặt tạo hình trước công chúng. Vì nó bị tôi và bạn, chúng ta, những nhân dân tự kiểm duyệt trước. Tự kiểm duyệt cũng như tự tử trong tinh thần, nhưng là cách tự tử đau đớn nhất.
Chúng ta đừng ngạc nhiên khi văn hoá của chúng ta đang và sẽ thoái hoá vì chính những ngày tháng sống không lành mạnh này. Cũng có người sẽ phản ứng là sao lại nói là chúng ta không lành mạnh? Nếu bạn đã không nhận thấy thì tôi còn biết nói sao!
Nhưng theo hiểu biết của riêng tôi thì là sự thật đấy, chúng ta, những người Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã phải sống trong bầu khí rất mất tự nhiên và không lành mạnh. Nếu đổ được tội cho Mỹ hay Pháp hay Nga… thì tốt quá, nhưng xem ra họ không nhận trách nhiệm đâu.
Nhìn quanh thấy ai cũng chăm lo cho gia đình và con cái được tốt nhất, nhưng không thấy rằng: con cái mai sau phải thừa kế văn hoá và lối sống của cha ông chúng từ năm 1954. Mà biểu tượng của văn hoá ấy là “nói dối”. Bây giờ không cần nói: “Các em là tương lai nữa”, mà nói: “Cha anh hôm nay là của nợ của con cháu ngày sau”.
Tôi không thù oán gì với ông Hồ Chí Minh. Nhưng ông ấy không phải là người tôi tôn kính. Tôi hoàn toàn tôn trọng ông ấy như một con người có đầy đủ quyền về nhân phẩm. Lấy ví dụ cụ thể, cũng là người Việt Nam như cụ Phan Chu Trinh, thì tôi tôn kính cụ ấy hơn ông Hồ.
Tôi cũng trân trọng những ai tôn kính ngưỡng mộ ông Hồ, vì ấy thật là một điều thiện lành, nhưng hãy là thật với lòng mình và để tình cảm biểu hiện tự nhiên. Nếu một người còn sống, mình giả dối nói yêu người ta, người ta tin thế, đến khi người ta biết thực sự mình không yêu, vậy người ta đau đớn biết nhường nào, huống hồ người đã chết! Dối lòng và làm sai với ý nguyện của người đã chết, thì có phải là tôn kính không?
Tôi xin hỏi các quý vị cán bộ và nhân dân, những người đi giảng dạy và học tập gương ông Hồ Chí Minh là: “Các quý vị có thật lòng yêu ông ấy không?” Câu hỏi này không cần quý vị phải trả lời với ai, chỉ với chính mình và cũng không cần phải trả lời ngay, có thể một ngày, hai ngày hay lúc nào đó, miễn là cố thử một lần thật thà với chính mình.
Theo tôi hiểu: với người nhìn xa trông rộng thì, thật thà là có lợi cho cả mình và người và lợi dài lâu, còn với người thiển cận thì, nói dối là có lợi cho mình, cái hại thì hạng người này không quan tâm. Vậy chúng ta nên chọn cho mình là loại người nào? Và điều đó chỉ tuỳ thuộc tại nơi chính mỗi người. Và cũng chỉ có thể chọn một chứ không thể là cả hai.
Xin cảm ơn lời than của anh bạn tôi về chuyện sờ vào tác phẩm, mà khiến tôi lan man nghĩ ra tác phẩm này. Tác phẩm tên là: “Xin hãy sờ tôi” hay “Tự kiểm duyệt”. Tôi cũng chưa biết chọn tên nào trong hai tên ấy.
Đà Lạt tháng 7 năm 2013
___________
Họa sĩ Nguyễn Minh Thành sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996, đã có hàng chục triển lãm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Triển lãm gần đây nhất: “Lời chưa nói” (Eight Gallery, TP HCM tháng 12.2012). Đầu năm 2006, ông được dư luận rộng rãi chú ý với bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch Việt Nam, sau lần bị cấm xuất cảnh sang Côn Minh, Trung Quốc.
Đọc thêm những bài viết khác của Nguyễn Minh Thành:
Người nên một (talawas, 2007)
Bàn tròn mỹ thuật (Litviet, 2012)
 © 2013 Nguyễn Minh Thành & pro&contra

Cú giãy cuối cùng cho nền phê bình chỉnh huấn

Phạm Thị Hoài

“Gần đây, dư luận bàn tán khá nhiều về những quan điểm gây “sốc” của một luận văn thạc sĩ văn học, tán dương sự nổi loạn của một nhóm thơ “cách tân” nhen nhóm cách nay hơn chục năm và hiện nay đang leo lét. Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 6-2013 vừa qua ở Tam Đảo, đã có nhiều ý kiến phê phán khá gay gắt đối với bản luận văn này. Nhà nghiên cứu-phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi đây là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Giáo sư Phong Lê hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn. Có người kêu lên: “Liệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nơi tổ chức thực hiện bản luận văn) có giải thiêng lịch sử được không?”. Có người nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”.
Đó chính là bản luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Thị Thoan [tức Nhã Thuyên – BVN], mang tên: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa, thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, mã số 602234. Bản luận văn được Hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chấm điểm và hiện được lưu trữ tại thư viện trường này”.
Năm ngoái, mấy cây dầu cổ thụ trong một bài thơ ít người biết đến bỗng khuấy động chút ít thi đàn Việt Nam. Tác giả, ông Đàm Chu Văn, chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, bị một đồng nghiệp thấm nhuần lập trường chuyên chính soi quan điểm chính trị. Cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. Ông chỉ mất bốn tiếng đồng hồ giải trình sự trong sáng của mình với cơ quan tuyên giáo. Báo chí đưa tin. Đồng nghiệp Hồng Vệ binh im. Quan văn nghệ trung ương bật đèn xanh. Như trong vụ “Cánh đồng bất tận” sáu năm trước, những robot tuyên giáo ở một số tỉnh lẻ có lẽ vẫn tiếp tục chạy theo lập trình đấu tranh tư tưởng mấy thập niên quên cập nhật, nhưng thời của nền phê bình chỉnh huấn trên diện rộng ở toàn quốc đã qua rồi. Không ai đọc ai điếu cho nó. Nó đơn giản đã đóng xong vai trò kinh dị của mình trong một chương kinh hoàng của văn học sử đất nước này.
Tôi phải nhận rằng mình chưa bao giờ hâm mộ trường phái thơ mượn lời cỏ cây hoa lá để tâm tình. Khi tôi đến với văn chương thì những tâm tình đặc sắc nhất đặt vào miệng thiên nhiên đã được thốt ra rồi, từ đó trở đi cứ thấy cánh hoa nào trầm ngâm, nhành cây nào đau đáu, áng mây nào nặng trĩu nhân văn là tôi bỏ chạy. Tôi phải bảo vệ tình yêu văn chương của mình. Cũng như mọi tình yêu, chết vì buồn tẻ là nguyên nhân hàng đầu.
Với một thái độ thiếu khách quan không buồn giấu diếm như thế, tôi không thể bình luận về bài thơ vừa nhắc, nhan đề “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân”. Thực ra cuộc chỉnh huấn mini nói trên không liên quan gì đến thông điệp nghệ thuật của bài thơ. Vấn đề không phải là chỗ đứng của những cây dầu hoàn toàn vô can ấy trước trụ sở ủy ban nhân dân. Vài chục năm trước, có đứng trong rừng mà tâm sự mông lung như vậy thì chúng cũng bị đốn. Vấn đề là chỗ đứng của tác giả. Ở vị trí cán bộ tư tưởng và quan văn nghệ hạng đầu tỉnh, ông Đàm Chu Văn chỉ nên cho những phát ngôn viên của ông đứng trước một tiệm McDonald’s. Như thế sẽ vẹn cả mọi bề, vừa không ngán đồng nghiệp nào chỉ điểm, vừa thêm được tinh thần đi trước thời đại (ít nhất là hai năm, vì tập đoàn McDonald’s vẫn chưa hạ cố đến thị trường Việt Nam), và tất nhiên không mất mát gì về thông điệp nghệ thuật. Để có mấy lời tâm sự “mưa nắng ở đời” như thế thì đứng trước trụ sở ủy ban nhân dân hay trụ sở McDonald’s không có gì khác nhau. Nói cách khác, nếu là một nhà thơ tự do, tác giả của mấy cây dầu đó có thể khuân chúng ra tận Lăng Hồ Chủ tịch mà đứng, tâm sự mông lung hơn nữa cũng không phải giải trình trong sáng với ai. Đã từ lâu không kiểm soát nổi những nhà thơ tự do, nền phê bình chỉnh huấn chỉ còn ngắc ngoải bằng dăm ba nỗ lực uốn nắn nền thi ca chính thống, nơi điều duy nhất có thể mất và vì thế cần bảo vệ không phải là tự do, mà là sự lệ thuộc. Thấm thía điều này hơn ai hết có lẽ là người đã rời – chắc chắn không phải vì tự nguyện – cương vị đứng đầu ngành tuyên giáo quốc gia để trở về “chường cái mặt ra trong thơ”: ông Nguyễn Khoa Điềm.
Nhưng trước khi yên vị trong nhà quàn, nền phê bình chỉnh huấn ấy còn muốn cống hiến cho chúng ta một cú giãy, tuy quá thiểu não để có thể giải trí nhưng đáng để bình luận, vì rất có thể là cú giãy cuối cùng. Lần này, nó dồn hết những mảnh vụn ký ức sót lại về một thời sinh sát oanh liệt vào ngọn roi tàn, giáng xuống một bản luận văn thạc sĩ ba năm trước về nhóm thơ tự do đáng kể nhất từ thời Đổi mới ở Việt Nam, nhóm Mở Miệng.
Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng ChiNguyễn Đình ThiVõ Huy TâmĐào VũBùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ.
Còn bây giờ, vung roi dọa nhà nghiên cứu Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng là lèo tèo một nhúm vô danh hay ẩn danh: một Cẩm Khê nào đó trên Nhân dân, một Tuyên Hóa nào đó trên Quân đội Nhân dân, một Minh Văn nào đó trên Thanh tra, những tờ báo lẽ ra không có phận sự thì miễn vào địa hạt văn học và cho đến lúc này không có đồng minh tự nguyện từ giới văn nghệ, trừ một người: nhà phê bình Chu Giang.
Quan hệ của chúng ta với các nhà phê bình văn học thực ra không khác lắm quan hệ với những người bán cá ở chợ, nó dựa trên sự tin cậy [i]. Sự tin cậy ấy đương nhiên tùy thuộc vào mỗi người và phải có cơ sở. Song chẳng cần nhiều lắm; đôi khi chỉ cần nếm vị, ngửi hơi là ta chấm xong điểm tín nhiệm. Ai muốn biết tầm vóc của nhà phê bình Chu Giang, tức ông cựu giám đốc NXB Văn học Nguyễn Văn Lưu, tác giả cuốn Luận chiến văn chương từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1996, có lẽ chỉ cần thưởng thức vài dòng trong loạt bài luận chiến đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP HCM năm ngoái, phê phán tác phẩm và con người Nguyễn Huy Thiệp, đối tượng được ông chiếu cố từ thuở Văn học Đổi mới đến giờ chưa buông. Cá nhân tôi tưởng mình đang lạc vào vườn trẻ, nơi ông Lưu giậm chân mách cô giáo rằng văn chương thằng Thiệp không ra gì vì nó vừa đái bậy xong lại tranh đồ chơi của thằng khác. Nhưng ông cũng có thể rất nghiêm túc. Khi nghiêm túc, ông tuyên bố rằng: “Nếu chúng ta đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thống nhất cùng bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện theo những lời dạy của Hồ Chí Minh, thì đoàn kết được cả dân tộc, đoàn kết được cả giới văn nghệ”. Mọi bình luận ở đây là thừa.
Có những nhà phê bình mà khi được họ khen thì ta nên giật mình, còn lời chê của họ là bảo đảm đáng tin cậy nhất cho giá trị của tác phẩm bị họ phê phán. Tôi coi ông Nguyễn Văn Lưu thuộc loại này. Năng khiếu phê bình văn học (!) của ông nằm ở sự dị ứng không nhầm lẫn trước tất cả những gì vượt khỏi thước đo hạnh kiểm bỏ túi và cẩm nang thuật ngữ chính trị xuất bản năm 70. Ở thời hoàng kim của nền phê bình chỉnh huấn, phẩm chất ấy đáng giá vài cái Giải thưởng Hồ Chí Minh. Song sinh bất phùng thời, bây giờ nó được huy động cho cú giãy cuối cùng của nền phê bình ấy. Tôi tin rằng cả những người bị coi là phải chịu trách nhiệm về phương diện nhà nước cho công trình nghiên cứu mà ông hùng hồn gọi là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối” lẫn tác giả Nhã Thuyên đều đủ rộng lượng để ghi nhận hành vi mang tính lịch sử này. Không phải ngày nào cũng có một nền phê bình giãy chết.
Còn nhóm Mở Miệng? Họ thà bị đem ra tra tấn bằng thơ, chứ nhất định không chịu mở miệng giải trình cái gì mà trong sáng. Nhưng tất nhiên họ sẽ mở miệng thật rộng để cười, dù biết rằng có những thứ giãy mãi không chết.
P.T.H.
© 2013 pro&contra

[i] Nếu George Steiner hay Borges, những người thông tuệ và sành đọc, có lời khen ai, tôi sẽ tìm đọc. Những người khắt khe bậc nhất như Kafka, khó tính bậc nhất như Nabokov hay Thomas Bernhard khen ai, tôi sẽ tìm đọc bằng được. Ai ca ngợi Paul Coelho, không bao giờ tôi để ý nữa, nhưng lại chú ý những người hâm mộ thơ Hoàng Quang Thuận: tôi muốn biết người ta nghĩ gì hay không nghĩ gì khi pha cái gọi là nước mắm, hiệu Chinsu, với rượu nhạt đặt lên bàn thờ.