Kỳ 3
Phan Thành Đạt
(kỳ 3)
III. Chế độ tổng thống, mô hình chính trị thích hợp cho Việt Nam
Cây tự do lớn rất nhanh, một khi nó bén rễ sâu trong lòng đất
George Washington, Tổng thống Mỹ
Việt Nam có vị trí địa lí chiến lược ở Đông Nam Á, vì vậy các cường quốc đều muốn có ảnh hưởng ở đây. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, phe cộng sản và phe tư bản đối đầu trong một cuộc chiến ý thức hệ, bằng chạy đua vũ trang và tạo ảnh hưởng ở các khu vực trên thế giới. Triều Tiên và Việt Nam là nơi đối đầu trực tiếp giữa hai phe. Về phía Trung Quốc, láng giềng khổng lồ bên cạnh Việt Nam, nước này luôn muốn có ảnh hưởng chính trị và kinh tế, khiến Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc. Để giữ vị thế độc lập, tự chủ, tránh rơi vào vòng xoáy của nước lớn, Việt Nam cần xây dựng một thể chế dân chủ, để phát huy trí tuệ của con người nhằm giúp đất nước vượt qua những khó khăn hiện tại. Muốn vậy, Việt Nam cần có một bản Hiến pháp tiến bộ. Hiến pháp năm 1946 và Kiến nghị 7 điểm của các nhà trí thức đã tìm được lối thoát cho đất nước (A). Thêm một số đề nghị bổ sung nhằm xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan lãnh đạo (B), người viết bài này hi vọng sẽ góp phần vào sự nghiệp dân chủ hóa đất nước.
A. Phân tích hai bản Hiến pháp dân chủ của đất nước
Hiến pháp 1946 thiết lập thể chế nghị viện
Hiến pháp 1946 đặt tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây là bản Hiến pháp dân chủ nhất trong 4 bản Hiến pháp của Việt Nam, Hiến pháp 1946 là văn bản có giá trị, vẫn có thể áp dụng được trong giai đoạn hiện nay. Bản Hiến pháp xây dựng chế độ nghị viện mất cân bằng, quyền lực thuộc về Nghị viện vì quyền giải tán Quốc hội không tồn tại, chỉ có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cho rằng Hiến pháp 1946 trao quá nhiều quyền cho Chủ tịch nước trong khi Chủ tịch không phải chịu bất kì trách nhiệm nào. Bản Hiến pháp này chưa bao giờ phát huy giá trị trong thực tế, đây là thiệt thòi lớn cho đất nước trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực thi dân chủ. Sẽ là rất khó khăn để biết chính xác Hiến pháp tăng cường quyền lực cho Chủ tịch nước hay củng cố quyền lực cho Nghị viện, vì mọi lí do đưa ra đều dựa trên lí thuyết. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Tòa án Hiến pháp chưa được thành lập ở Việt Nam để bảo vệ Hiến pháp. Tinh thần của Hiến pháp dựa trên phán quyết của Tòa án Hiến pháp, chứ không phải dựa theo chính Hiến pháp.
Kiến nghị 72 của các trí thức Việt Nam đưa ra 7 điểm quan trọng nhằm đổi mới chính trị và cải cách bộ máy hành chính đang rơi vào khủng hoảng do cách thức tổ chức không hợp lí từ nhiều năm qua, kèm theo bản kiến nghị là một bản Hiến pháp có giá trị tham khảo. Văn bản không chính thức này xác định cơ quan lập pháp gồm Thượng viện và Hạ viện. Tổng thống và các nghị sĩ được nhân dân trực tiếp bầu ra. Cơ quan tư pháp có vai trò độc lập, nhiệm vụ bảo hiến được giao cho một tòa án đặc biệt. Nguyên tắc tam quyền phân lập được đặc biệt nhấn mạnh để tránh lạm quyền.
Bản Hiến pháp (có giá trị tham khảo) đề cao quyền con người được Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và Các hiệp ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị công nhận. Các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, quyền biểu tình ôn hòa đều được Hiến pháp trân trọng ghi nhận. Bản Hiến pháp cũng hướng đến hòa giải dân tộc và làm dịu những đau thương và mất mát của người Việt Nam, khi đưa ra ý tưởng trợ cấp và giúp đỡ tất cả những thương binh của cả hai bên. Điều này hợp với đạo nghĩa “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Xây dựng chế độ tổng thống ở Việt Nam có lẽ là sáng kiến hay nhất của những người biên soạn văn bản này.
Hiến pháp mới được coi là tiến bộ, nếu các nhà soạn thảo mạnh dạn đưa vào văn bản này một số nguyên tắc cơ bản như tư pháp độc lập, Tòa án Hiến pháp không trực thuộc Quốc hội, tôn trọng quyền tự do lập hội và cạnh tranh chính trị… Thể chế chính trị và cơ chế bầu cử tự do cần được nêu ra cụ thể. Có biện pháp giám sát quyền lực của những người đại diện cho nhân dân. Xin đưa ra một số gợi ý:
B. Thẩm quyền của các cơ quan được Hiến pháp quy định
Giữa thể chế nghị viện và thể chế tổng thống, người viết bài này cùng chung quan điểm với các nhà trí thức khởi xướng kiến nghị 72, chọn chế độ tổng thống cho Việt Nam. Các nhà luật học mong muốn chọn thể chế nghị viện cũng sẽ có lí do để giải thích cho lựa chọn của mình, đây chỉ là ý kiến cá nhân về một chủ đề quan trọng. Để có một bản Hiến pháp dân chủ và một mô hình chính trị phù hợp cho Việt Nam, rất cần thiết có một Hội nghị Diên Hồng về Hiến pháp. Hội nghị sẽ là nơi tập hợp của các nhà trí thức ưu tú của dân tộc Việt Nam.
1. Bàn về tên nước
Quốc hiệu “Cộng hòa Việt Nam” sẽ thay thế cho cái tên “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Quốc hiệu mới có ý nghĩa tương đương với quốc hiệu cũ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vì hai khái niệm “dân chủ” và “cộng hòa” đều có ý nghĩa gần giống nhau, từ “cộng hòa” bao hàm nghĩa của từ “dân chủ”. Từ cộng hòa có nguồn gốc la tinh res publica (cái của chung), hai nhà triết học Hy lạp là Platon và Aristote đã bàn về nền cộng hòa. Đế chế La Mã sáng lập ra nền cộng hòa năm 509 đến 44 trước công nguyên. Nền cộng hòa phủ định chế độ quân chủ. Nền cộng hòa gắn liền với Nhà nước có các cơ quan quyền lực được nhân dân bầu ra. Nhà nước đảm bảo lợi ích chung cho mọi người. Các thiết chế trong nền cộng hòa luôn đặt lợi ích của nhân dân cao hơn các lợi ích khác và không phục vụ một nhóm người cụ thể.
Khái niệm “dân chủ” có nguồn gốc từ tiếng hy lạp “dèmos” để chỉ nhân dân sống trong một thành bang Hy Lạp. Nhân dân tham gia vào các sinh hoạt chính trị ở thành bang, họ chọn ra những người đại diện để điều hành công việc chung. Khái niệm “dân chủ” cũng dùng để chỉ một bộ phân dân cư nghèo, đối lập với những người giàu. Ở một số khu vực, dân chủ gắn liền với những người giàu có, sở hữu nhiều đất đai hoặc là các thương gia. Cùng với thời gian từ “dân chủ” đại diện cho nhiều lớp người trong xã hội, hiện nay “dân chủ” thể hiện nhân dân có các quyền bầu cử và ứng cử, các cơ quan công quyền được dân bầu ra và phục vụ nhân dân…Quốc hiệu “Cộng hòa Việt Nam” và “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” về cơ bản có cùng ý nghĩa.
Có ý kiến cho rằng nếu trở lại với tên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Việt Nam sẽ khó đòi lại được quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974. Theo luật quốc tế, tất cả các thỏa thuận kí kết giữa Chính phủ các nước không ảnh hưởng gì, khi tên nước thay đổi, hoặc một nước này sát nhập vào nước khác. Chính phủ kế tiếp sẽ có trách nhiệm giải quyết những tranh chấp qua các nội dung kí kết trước đó. Điều quan trọng, người Việt Nam cần chỉ ra Công hàm ngày 14 tháng 9 không có giá trị về mặt pháp lí, vì hoàn toàn trái với Hiến pháp và luật pháp Việt Nam, trái với Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, (Chương VI cấm các nước sử dụng vũ lực để lấn chiếm đất đai của nước khác). Quá trình đòi lại Hoàng Sa sẽ dễ hơn khi Trung Quốc trở thành nước dân chủ, và chia ra thành nhiều quốc gia như trước đây. Chiến dịch thông tin về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là thông tin cho người dân Việt Nam và người dân Trung Quốc về quá trình chiếm đoạt bất hợp pháp của Trung Quốc tại Hoàng Sa của Việt Nam.
Lựa chọn quốc hiệu “Cộng hòa Việt Nam” hợp lí hơn cả vì tên này ngắn gọn, hiện đại, đồng thời thể hiện những đổi thay về chính trị.
2. Thẩm quyền của Tổng thống
Ứng cử viên của các đảng phái chính trị có quyền tranh cử Tổng thống, các công dân trên 30 tuổi không vi phạm pháp luật, không có dấu hiệu tâm thần, nếu tập hợp được 50.000 chữ kí ủng hộ, đều có quyền ra ứng cử Tổng thống.
Tổng thống được nhân dân bầu trực tiếp. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổng thống là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, và biển đảo, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tổng thống phải bảo vệ các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.
Tổng thống Cộng hòa Việt Nam là tổng tư lệnh các lực lượng quân đội, nhưng quyền tuyên bố chiến tranh, quyền gửi quân đội ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thượng viện. Tổng thống và Thủ tướng có quyền kí kết các hiệp ước quốc tế, nội dung các hiệp ước này phải được thảo luận trước đó tại hai viện. Không có sự đồng ý của Thượng viện và Quốc hội, các hiệp ước quốc tế, công hàm ngoại giao… đều không có giá trị.
Tổng thống Cộng hòa Việt Nam có quyền triệu tập Hội nghị Diên Hồng, khi lãnh thổ, vùng kinh tế đặc quyền, các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam bị nước ngoài đe dọa, hay khi Nhà nước muốn hỏi ý kiến nhân dân về các vấn đề quan trọng. Các đại diện đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước, tụ họp tại thủ đô Hà Nội. Trong trường hợp khẩn cấp, Tổng thống sẽ hỏi ý kiến các thành viên chính phủ, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội, Tòa án Hiến pháp. Tổng thống sẽ có quyết định ngay sau cuộc họp. Thượng viện và Quốc hội sau đó được triệu tập khẩn cấp để thông qua một đạo luật giải quyết tình hình đất nước trong tình hình khó khăn.
Tổng thống có quyền tổ chức trưng cầu dân ý, theo sáng kiến của các thành viên chính phủ và các nghị sĩ tại hai viện. Trong cùng 1 năm, Nhà nước không được tổ chức hơn 2 lần trưng cầu dân ý, nội dung trưng cầu dân ý phải đề cập những vấn đề quan trọng về quốc kế dân sinh.
Tổng thống không có quyền đưa ra các dự luật, Tổng thống có quyền phủ quyết các dự luật của Nghị viện hay yêu cầu Nghị viện thảo luận thêm một lần nữa về dự luật trước khi ban hành, Nghị viện không được khước từ đề nghị của Tổng thống. Khi dự luật bị phủ quyết, nếu hai viện lại thông qua với 2/3 số phiếu. Tổng thống buộc phải kí để ban hành dự luật. Nếu Tổng thống từ chối, dự luật sẽ có hiệu lực 10 ngày sau đó.
Tổng thống có quyền bổ nhiệm các viên chức cao cấp, khen tặng và ban thưởng các chức danh cao quý, huân huy chương cho các cá nhân xuất sắc. Tổng thống đại diện cho Nhà nước trong các hội nghị quốc tế. Tổng thống có quyền đặc xá. Tổng thống không bị xét xử trong các vụ việc dân sự bình thường. Tổng thống sẽ bị xét xử như tất cả các công dân khác, sau khi nhiệm kỳ kết thúc. Khi Tổng thống mắc phải các lỗi nghiêm trọng như tham nhũng, lạm dụng quyền lực, phản bội, phạm tội hình sự. 50 Đại biểu Quốc hội, 50 Thượng nghị sĩ được hai viện bầu ra để xét xử Tổng thống. Nếu Tổng thống bị kết án và bị phế truất. Chủ tịch Quốc hội sẽ tạm thời đảm nhiệm chức năng của Tổng thống, cho đến khi nhân dân bầu ra Tổng thống mới.
Chính phủ có thể thông qua một nghị định có giá trị như một đạo luật. Thượng viện và Quốc hội sẽ bỏ phiếu ủng hộ, nếu đa số nghị sĩ tán thành, nghị định của Chính phủ sẽ được ban hành và có giá trị như một đạo luật trong một khoảng thời gian quy định. Nghị định sẽ hết hiệu lực, nếu một đạo luật có cùng nội dung được ban hành trong khoảng thời gian này. Khi nghị định đã hết thời hạn được phép lưu hành, nếu Chính phủ thấy cần gia hạn thêm, hai viện sẽ bỏ phiếu chấp nhận hoặc không đồng ý. Nếu Chính phủ không có đề nghị gì, nghị định sẽ không còn giá trị như một đạo luật, và sẽ trở lại là một nghị định thông thường.
3. Thẩm quyền của Nghị viện
Nghị viện gồm có Thượng viện và Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội có nhiệm kì 5 năm, được nhân ra bầu chọn trực tiếp, các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm, được các tỉnh và thành phố bầu chọn gián tiếp. Các nghị sĩ được phép bầu lại. (Luật tổ chức của Quốc hội và Thượng viện quy định thể lệ bầu cử và tiêu chuẩn của các ứng cử viên, cũng như việc kê khai tài sản khi trở thành nghị sĩ và khi chấm dứt vai trò này).
Các dự luật được Chính phủ và các nghị sĩ biên soạn phải được thông qua ở cả hai viện với đa số phiếu. Nếu dự luật được thông qua ngay lần thảo luận đầu tiên với đa số phiếu, đạo luật sẽ được ban hành muộn nhất trong thời gian 2 tuần. Đạo luật sẽ bị treo nếu các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của đạo luật. Nếu 1 trong 2 viện không thông qua dự luật, dự luật sẽ được thảo luận và biên soạn lại. Hai viện sẽ bỏ phiếu lần thứ 2. Nếu 1 trong 2 viện không chấp nhận hoặc cả 2 viện không thông qua. Một ủy ban hòa giải gồm 20 Thượng nghị sĩ và 20 đại biểu Quốc hội được chỉ định để bàn bạc thêm về dự luật. Sau đó dự luật sẽ được trình Thượng viện và Quốc hội lần thứ 3. Dự luật sẽ được Hai viện thông qua hoặc phản đối. Trong trường hợp này, dự luật sẽ được ban hành, hoặc sẽ không được đề cập đến nữa. Nghị viện không có trách nhiệm bàn thêm về dự luật lần thứ 4.
4. Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp có 11 thành viên, có nhiệm kì 9 năm và không được bầu lại. 3 thẩm phán được Tổng thống cử ra, 3 thẩm phán khác được Chủ tịch Thượng viện cử, 3 thành viên được Chủ tịch Quốc hội bầu ra, 2 người còn lại do Thủ tướng lựa chọn. Thượng viện sẽ có ý kiến về việc lựa chọn các thẩm phán ở Tòa án Hiến pháp, nếu Thượng viện phản đối, các nhà lãnh đạo phải chọn người khác. Các thành viên của Tòa án Hiến pháp không được phép kiêm nhiệm bất kì chức vụ nào khác, họ không thể bị bãi chức trong thời gian nhiệm kì, trừ khi bị Tòa án đặc biệt của Nghị viện xét xử. Các quyết định của Tòa án Hiến pháp có giá trị áp đặt đối với tất cả các cơ quan công quyền, và không thể khiếu nại.
Thẩm phán ở Tòa án Hiến pháp là các nhà luật học, các nhà nghiên cứu chính trị, các giáo sư, tiến sĩ luật, các luật sư có ít nhất 15 năm kinh nghiệm. Tòa án Hiến pháp có nhiệm vụ loại bỏ các đạo luật vi hiến trước và sau khi ban hành. Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch quốc hội, một nhóm đông đảo các nghị sĩ đối lập, tất cả các cá nhân này đều có quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của đạo luật trước khi ban hành. Đề nghị giám sát luật sau khi ban hành thuộc về quyền lợi của các công dân, nếu trong một vụ tranh chấp, công dân nhận thấy một trong những điều khoản được Hiến pháp bảo vệ, bị vi phạm và điều này ảnh hưởng đến chính họ. Công dân có quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp can thiệp để bảo vệ quyền lợi của họ được Hiến pháp công nhận. Đơn đề nghị của công dân phải đề cập những nội dung nghiêm túc, được Hiến pháp bảo vệ, chủ đề cần giải quyết phải là vấn đề mới, chưa được Tòa án Hiến pháp đưa ra quyết định, nội dung cần xem xét phải liên quan trực tiếp đến vụ việc.
Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền công bố kết quả các cuộc bầu cử Nghị viện và bầu cử Tổng thống, đồng thời giải quyết tranh chấp về kết quả bầu cử, xem xét tính hợp pháp của các cuộc bầu cử và bãi bỏ kết quả khi có gian lận.
Tòa án Hiến pháp có trụ sở tại thủ đô Hà Nội. Thẩm phán giữ vai trò độc lập khi đưa ra quyết định. Tòa án Hiến pháp là cơ quan tư pháp đặc biệt không chịu sức ép của bất kì cá nhân hay tổ chức nào. Ngân sách của Tòa án Hiến pháp do Nhà nước chu cấp, các khoản chi tiêu sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin vào dịp cuối năm.
5. Các nguyên tắc không thể thay đổi trong Hiến pháp
Tư pháp giữ vai trò độc lập, tam quyền phân lập, các đảng phái được tự do hoạt động là những nguyên tắc không thể sửa đổi trong Hiến pháp.
6. Vai trò của quân đội
Nhiệm vụ vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và đòi lại Hoàng Sa vào thời điểm thuận lợi. Quân đội đảm bảo các hoạt động đánh bắt và khai thác của Việt Nam trong vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý. Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai bão lụt. Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình dưới sự điều hành của Liên hiệp quốc. Quân đội Việt Nam hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ và có thể tiến đến một Liên minh chiến lược lâu dài.
7. Sửa đổi điều 4 Hiến pháp năm 1992
Các đảng phái phải tôn trọng luật pháp. Cạnh tranh chính trị lành mạnh góp phần đảm bảo nền dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Các đảng phái vi phạm các nguyên tắc được Hiến pháp công nhận, vi phạm luật pháp sẽ bị cấm hoạt động.
Kết luận
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thu hút được mối quan tâm của nhiều người Việt Nam, nhiều ý kiến chân thành đã được gửi đến các cơ quan Nhà nước. Kiến nghị 72 là một ví dụ tiêu biểu, bản thân là một luật gia, tôi thấy cần có trách nhiệm góp ý với Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1992. Sẽ có người cho rằng, việc đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp là điều không cần thiết, vì tất cả những gì trái với ý Đảng sẽ không được ghi vào Hiến pháp. Nhưng là công dân Việt Nam có chút ít hiểu biết về luật pháp, tôi không thể không có ý kiến. Với trách nhiệm của mình, tôi đưa ra những điều mình hiểu và mong muốn các nhà lãnh đạo Việt Nam nhân cơ hội này sẽ tiến hành cải tổ chính trị, tạo đà cho đất nước phát triển. Mọi quyết định của họ sẽ được lịch sự đánh giá và ghi nhận công lao. Lịch sử cũng sẽ phán xét những việc làm của họ cũng như thái độ của họ trước tình hình khủng hoảng kinh tế, chính trị và niềm tin hiện nay ở Việt Nam vì lịch sử vốn công bằng, lịch sử không thay đổi được. Những gì đã diễn ra là câu chuyện của ngày hôm qua. Nhưng còn hôm nay và ngày mai, các thế hệ tiếp theo sẽ sống ra sao? tương lai của đất nước sẽ ra sao? Khi người Việt Nam hôm nay chưa biết xây dựng cho mình một thể chế dân chủ, để trí tuệ Việt Nam có cơ hội tỏa sáng, để văn hóa Việt Nam có nhiều thành tựu sánh vai với các nước lớn trên thế giới. Việt Nam là đất nước dễ tiếp nhận cái mới, con người Việt Nam có sức sống mãnh liệt. Tiếp thu những tiến bộ của thế giới không phải là điều khó, nhưng cái khó nhất là quyết tâm đổi mới của những người có trách nhiệm, điều này không dễ, vì hệ thống chính trị của Việt Nam đã vận hành từ gần 7 thập kỉ nay như vậy. Phải có lòng yêu nước nông nàn và mạnh dạn đổi mới, những người có trách nhiệm mới tháo gỡ được khó khăn này.
Phan Thành Đạt
Tài liệu tham khảo
10. De l’Esprit des lois, Montesquieu,1748
11. Les régimes politiques occidentaux, Jean-Louis Quermonne, Éditions du Seuil
12. Droit constitutionnel, Bernard CHANTEBOUT, 28 e édition, SIREY
13. Droit constitutionnel, Francis Hamon, Michel Troper, 32 e édition, L.G.D.J
Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp cho Cùng Viết Hiến Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét