Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Những lời phát biểu của Tổng Thống Ngô Đình Ziệm


Trần Quốc Việt (Danlambao) - Nhân dịp năm mươi năm ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệmcùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị sát hại trong cuộc đảo chính đẫm máu vào ngày 2 tháng 11, 1963, chúng tôi sưu tầm và trích dịch một số lời phát biểu sau của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Phát biểu tại National Press Club ở Washington, Hoa Kỳ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thích chủ nghĩa trung lập, tức phong trào không liên kết, Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói:

“ Vì cộng sản không trung lập, chúng ta không thể trung lập.”

New York Times, ngày 11 tháng Năm, 1957

Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp kỷ niệm bảy năm ngày cầm quyền tại Sài Gòn:

“Liệu ta có thể vẫn còn trung lập khi đối diện với sự quyết tâm hủy diệt có hệ thống này? Ta phải cương quyết bác bỏ và chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản cuồng tín hiếu chiến, kẻ thù của nhân loại, thay vì để cho mình bị tê liệt bởi sự tuyên truyền dối trá của cộng sản.”

New York Times, ngày 8 tháng Bảy, 1961

Tổng Thống Ngô Đình Diệm:

“Mục đích duy nhất của tôi là nước Việt Nam độc lập thật sự.”

New York Times, ngày 12 tháng Năm, 1957

Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu tại Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Viễn Đông-Hoa Kỳ ở Detroit về chương trình cải cách ruộng đất qua đó ruộng đất được cấp cho những nông dân không có ruộng:

“Qua chương trình này, chúng tôi đáp lại những lời tuyên bố dối trá của cộng sản về cải cách ruộng đất. Chúng tôi cấp ruộng đất cho nông dân và chúng tôi thực hiện được điều này mà không cần đến những cách thức cưỡng chế và tịch thu vô nhân đạo.”

Harrison E. Salisbury, New York Times, ngày 15 tháng Năm, 1957

Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu tại Sài Gòn vào ngày 29 tháng Ba 1957 nhân dịp đón tiếp các đoàn đại biểu tham dự Đại hội lần thứ ba của Liên Minh Các Nhân Dân Chống Cộng Châu Á:

“Đối diện với nỗ lực phá hoại của cộng sản, chúng ta phải tuyên bố rằng những quy luật chi phối sự tiến bộ của nhân loại không chỉ mang tính chất kinh tế, rằng sự tiến bộ như thế cũng và trên hết được chi phối bởi những quy luật về đạo đức.

Chúng ta hãy dùng tình thương để chống lại sự căm thù mà cộng sản rao giảng. Lịch sử dạy chúng ta rằng sớm hay muộn cuối cùng chính sẽ thắng tà, sự thật sẽ thắng dối trá, tình thương sẽ thắng hận thù.”

Nguồn: Wilson Center Digital Archive
http://digitalarchive.wilsoncenter.org/document/118361

Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp khánh thành Đập Đồng Cam ở Tuy Hòa vào ngày 17 tháng Chín, 1955:

“Chúng ta hiện nay đang tiếp tục cuộc chiến đấu lớn lao để hoàn thiện nền độc lập của quốc gia chúng ta và để đảm bảo tự do của nhân dân chúng ta. Cuộc đời của chúng ta, tự do của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta và cuộc đời, tự do, và hạnh phúc của con cháu chúng ta đều phụ thuộc vào cuộc chiến đấu này. Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía nam của Trung Cộng. Hơn nữa nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi sống dưới ách độc tài do Mạc Tư Khoa tạo ra và sẽ bị tước mất tôn giáo, tổ quốc và gia đình.”

Nguồn: Major Policy Speeches by President Ngo Dinh Diem
Vietnam Center and Archive.

Trần Quốc Việt 

__________________________________

Phụ lục:

1. Cộng Sản vui mừng trước cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

“Nhà báo Úc Wilfred Burchett kể rằng những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam chào đón cuộc đảo chánh như “món quà”. “Người Mỹ đã làm chuyện mà chúng tôi đã không thể nào làm được trong chín năm trời, đó là loại bỏ Diệm.”

Nguồn: Mark Moyar, JFK and the Seeds of Disaster in Vietnam, The Wall Street Journal 11/1/ 2013

2. Lời cảm ơn của Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự giúp đỡ của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với sáu chục ngàn người Tây Tạng vượt núi Hymalayas sang tị nạn ở Ấn Độ vào năm 1959 sau khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng

“Các tổ chức cứu trợ thiện nguyện ở nhiều nước đã giúp đỡ tiền bạc, hay thực phẩm, áo quần, hay thuốc men. Chính phủ các nước Anh, Mỹ, Úc, và Tân Tây Lan đã gởi quà để giúp chúng tôi giáo dục trẻ em, và chính phủ Nam Việt Nam đã gởi cho chúng tôi gạo. Chúng tôi rất cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái này.”

Nguồn: My Land and My People, Memoirs of the Dalai Lama of Tibet, Potala Corporation, New York 1962, trang 225.

Giá như còn Ông Ziệm


Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - (Kính dân hương hồn cố TT Ngô Đình Diệm)

Nếu người dân Miền Nam “nhờ” mất nước vào tay CS mới thấm thía “được” thế nào là “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như chuyện Kiều, thì hắn tự cho rằng nhờ sống đến nay để nhìn lại đời mình, hắn mới biết thương tiếc ông Ngô Đình Diệm hơn.

Năm mươi năm trước, đúng ngày này, mùng 2 tháng 11, khi cái radio Ấp Chiến lược mà hắn không chịu rời tai từ khi có tin đảo chánh loan tin TT Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã chết, hắn đã rơm rớm nước mắt.

Hắn khóc thương Ông chẳng phải vì người ta vừa giết đi một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng vì người ta giết mất “Cụ Diệm” đang ngự trị thân thương trong lòng hắn từ nhiều năm qua. “Cụ Diệm” đến với hắn khi hắn tuổi mười hai mười ba gì đó tại làng quê mới dựng lên bằng lều bạt giữa núi rừng Cao Nguyên heo hút để cùng đứng với đồng bào trong mưa phùn gió núi để hiệp dâng thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Hắn “ấn tượng” mãi Cụ Diệm với khuôn mặt nhân hậu và mấy tấm ảnh màu do tay Cụ chụp in ra liền sau đó 5 phút cho đồng bào xem thật là “hiện đại”. Rồi mấy năm sau đêm Noel đó, khi thấy nơi trường tư thục hắn đang học ngoài thị xã chưng lên tường cái đồ án ngôi trường mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và một nửa tài khoản để thực hiện do Tổng Thống tặng (đương nhiên là tiền của dân, nhưng thay vì tặng cho bản thân hay cho người thân) hắn lại thêm “ấn tượng” Cụ Diệm...

Ngày Cụ Diệm mất, hắn thương tiếc Cụ chỉ vì bấy nhiêu. Năm mươi năm sau nhìn lại, hắn càng thương tiếc nhiều hơn vị Tổng Thống đầu tiên của nền Cộng hòa Việt Nam vì công ơn Người.

Trước hết hắn là một trong triệu người chạy thoát từ địa ngục trên Đất Bắc được đồng bào Miền Nam cưu mang, và nhờ chính quyền VNCH do Ông lãnh sắp xếp lo toan để từ đó có được một cuộc đời hơn hẳn những người bên kia vĩ tuyến 17 về mọi mặt mà hôm nay đã quá rõ ràng, ai ai có chút thiện tâm thiện ý trước sự thật cũng đều dễ dàng nhìn thấy. Nhưng điều quý báu nhất là hắn đã được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản do TT Diệm chủ trương, trái hẳn với nền giáo dục vô đạo phi nhân ông Hồ du nhập cưỡng chế mà các thế hệ đang phải chịu trận dưới sự cai trị của chế độ CS hôm nay, khiến đạo lý ông cha, văn hóa tổ tiên, truyền thống dân tộc đang bị phá tanh banh tan nát, như mọi người đang than vãn than van.

Đã hơn một lần cùng với cha, anh suýt chết vì máy bay giặc trước Hiệp định Genève nên oán giày đinh của quân Pháp, kinh nghiệm thời CCRĐ thành kỵ dép râu đã đành. Nhưng hắn cũng chẳng ưa gì giày bốt- đờ- xô Mỹ. Giá như TT Ngô Đình Diệm không bị đám tướng phản tặc làm tay sai cho ngoại bang giết, ít ra hắn đã không phải chứng kiến đạo quân viễn chinh mới nghêng ngang đầy phố thị nhìn đám học trò nữ của hắn trên đường đến trường như hạng gái bán hoa. Rồi đồng Đô la đỏ làm xanh mặt đồng bạc Việt Nam vì mất giá khiến đời sống đang êm đềm ổng định dưới thời TT Ngô Đình Diệm nay đảo lộn. Miền Nam bổng lên ngôi giai cấp mới “Me Mỹ”. “Nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng”...

Thời kỳ hậu “Cách Mạng 1/11”, càng về sau càng vang vọng đâu đó, câu “Giá như còn ông Diệm!”

Giá như còn ông Diệm, chắc hắn đã không phải sống cuộc đời ly hương hiện tại mà hắn luôn luôn thấy cô độc, như lời Cervantès, “L’exité par tout est seul”.

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) 

Nhân việc sắp thành lập Viện Khổng Tử ở Việt nam, điểm qua vài ghi nhận về các Viện Khổng Tử ở Bắc Mỹ và Australia trên báo The Nation

H. H.

“Các Viện Khổng Tử [VKT] kiểm duyệt những cuộc tranh luận chính trị và hạn chế tự do trao đổi ý tưởng. Vậy thì tại sao các trường đại học Mỹ lại đỡ đầu chúng?”.
Câu hỏi in đậm trên đầu bài báo của The Nation (xem ở đây) có lẽ khá dễ trả lời: Nhà nước TQ chi đậm cho các VKT của họ, đổi lấy những thoả thuận pro-Trung được ký kết với các đại học Mỹ và và giữ kín với công chúng. Một thí dụ: Trường Stanford nhận 4 triệu đôla từ Hanban (Hán ban – Hội đồng tiếng Hán quốc tế), cơ quan trách nhiệm tối cao của các VKT, trong đó: 1 triệu cho các hội thảo, 1 triệu cho các học bổng nghiên cứu sau đại học, 2 triệu chi tiêu cho các giáo sư.
Chương trình của VKT tại các đại học Bắc Mỹ và Australia chủ yếu là dạy tiếng Trung và văn hoá Trung Hoa, ngoài ra nó bảo trợ nhiều hoạt động ngoại khoá đa dạng bao gồm triển lãm, nói chuyện, hội thảo, chiếu phim và lễ hội Trung Hoa, tài trợ các dự án nghiên cứu liên quan đến TQ.
Được biết số VKT trên khắp thế giới hiện là khoảng 400, không kể các “lớp học về Khổng Tử” với số lượng khoảng 600 tại các trường trung và tiểu học.
Các VKT trên toàn cầu có quy chế hết sức chặt chẽ, được kiểm soát thống nhất từ Bắc Kinh bởi Hanban.
Mặc dù các tài liệu chính thức nói Hanban là bộ phận của Bộ Giáo dục TQ, nhưng thực ra nó là một hội đồng gồm quan chức 12 bộ ngành (Ngoại giao, Giáo dục, Tài chính, Văn hoá, Phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước, Cục Báo chí Xuất bản…) do Phó Thủ tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị Lưu Duyên Đông (Liu Yandong) trực tiếp lãnh đạo. Nó là công cụ của ĐCS mang danh một tổ chức giáo dục quốc tế.
Hanban giành quyền cung cấp sách giáo khoa, giảng viên, chương trình, và chỉ định người TQ làm đồng giám đốc (cùng với một người của đại học sở tại). Hanban làm mọi việc để các VKT rọi một “ánh sáng đúng” về TQ, hay nói trắng ra như Uỷ viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân (Li Changchun) thì VKT là “một phần quan trọng của thiết chế tuyên truyền hải ngoại của TQ”.
Lý Trường Xuân và Lưu Duyên Đông bắt tay các sinh viên VKT tại Đại hội VKT lần thứ 5 ngày 10/12/2010 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Bắc Kinh. Ảnh: VTV
Trong các thoả thuận của VKT với các trường ĐH Mỹ có điều 5, yêu cầu hoạt động của VKT phải tuân theo phong tục, luật lệ của TQ cũng như của nước sở tại. Tờ Nation nêu câu hỏi: Làm sao có thể chấp nhận điều này ở một nước như Hoa Kỳ trong khi luật pháp TQ kết tội hình sự các phát biểu về chính trị và niềm tin, là những gì được bảo vệ bởi Tu chính án số 1 Hoa Kỳ. Vậy nếu các ĐH Mỹ chấp nhận điều 5 trong thoả thuận với VKT, họ sẽ là đồng loã về tội phân biệt đối xử khi tuyển dụng (discriminatory hiring) hay vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Một chi tiết tinh vi trong chương trình học của VKT đã được một vạch ra: quy định sử dụng chữ Trung văn chuẩn do nhà nước TQ ban hành sẽ tự nhiên đào thải mọi văn bản không được nhà nước chuyển tự, từ cổ văn cho đến các văn bản của ngưòi Hoa ngoài đại lục như Đài Loan, Hồng Kông…
Lưu Duyên Đông trong hội nghị Tổng bộ các VKT tháng 12/2011. Ảnh: Hanban News
Các VKT áp dụng những “vùng cấm” mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt cho đời sống công cộng: không bàn về Đạt Lai Lạt Ma, không mời Đạt Lai Lạt Ma đến trường, không nói đến Tây Tạng, Đài Loan, đến quân đội TQ, đến sự đấu đá trong cấp lãnh đạo TQ, cùng rất nhiều húy kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn, việc bỏ tù các người bất đồng, phong trào dân chủ, các nhà văn bị vào sổ đen, sự thao túng đồng nhân dân tệ, ô nhiễm môi trường, phong trào đòi tự trị ở Tân Cương… Gần đây, có chỉ thị rõ ràng từ Bắc Kinh cấm 7 đề tài thảo luận trong các lớp tiếng Trung quốc tế trong đó có vấn đề những giá trị phổ quát, tự do báo chí và những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ.
Các VKT còn công khai vận động chính trị như: VKT ở ĐH North Carolina, ở ĐH Sydney đã vận động để ngăn cản Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện. Khi đến Sydney, vị này đã phải nói ngoài khuôn viên trường ĐH và trong lúc ấy, VKT tài trợ cho một buổi thuyết giảng của một GS người Hoa từng tuyên bố công khai Tây Tạng là bộ phận của TQ. VKT ở ĐH Waterloo huy động sinh viên biểu tình ủng hộ chính quyền TQ đàn áp cuộc nổi dậy của Tây Tạng. VKT ở ĐH McMaster và ĐH Tel Aviv đã gặp rắc rối với chính quyền địa phương vì những hoạt động chống Pháp Luân Công.
Cũng vừa mới đây, trang mạng tiếng Anh chính thức của Hanban công bố những yêu cầu tuyển giảng viên tiếng Trung hải ngoại, trong đó nói rõ “những người dự tuyển không được có hồ sơ tham gia Pháp Luân Công hay những tổ chức bất hợp pháp khác hay có tiền án, tiền sự”. Tờ Nation hài hước: cứ theo những chuẩn này, một người như Lưu Hiểu Ba, Khôi nguyên Nobel Hoà Bình, sẽ không bao giờ có cơ may được làm giảng viên tiếng Trung tại VKT!
Những hoạt động tuyên truyền chính trị cuả VKT bị phản ứng ở nhiều nơi trên thế giới. Một video về chiến tranh Triều Tiên nhan đề “Cuộc chiến chống đế quốc Mỹ gây hấn và trợ giúp Nam Hàn” vừa bị rút khỏi trang mạng của Hanban sau khi các GS Trường Kinh tế London lên tiếng chất vấn về các học liệu của VKT dặt ở trường này từ 2007.
Tháng 6 năm 2011, một kiến nghị với hơn 4000 chữ ký được gửi lên Nghị viện bang New South Wales (Australia) đòi rút các lớp học của VKT đặt tại một số trường công lập. Lý do là chính quyền đã thừa nhận rằng những đề tài có ý kiến trái ngược như vụ thảm sát Thiên An Môn và hồ sơ nhân quyền TQ sẽ không được thảo luận trong chương trình của VKT. Bản kiến nghị tuyên bố rằng chính quyền ngoại quốc không được quyết định những gì được dạy trong các trường học của bang New South Walesvà không được đưa tuyên truyèn vào chương trình học.Tháng 10 năm 2011, nghị sĩ Jamie Parker của Đảng Xanh lại đưa ra một kiến nghị có khảng 10.000 chữ ký ủng hộ những yêu cầu trên.
Gần đây có hai sự cố liên quan đến các VKT ở ĐH MacMaster và Waterloo, Canada.
Năm học này, trường McMaster kết thúc thoả thuận với VKT sau khi có khiếu kiện về việc phân biệt đối xử trong tuyển dụng tại Toà án Nhân quyền Ontario. Một giảng viên tiếng Trung, cô Sonia Zhao, thưa VKT ở trường này vì trong hợp đồng mà VKT yêu cầu cô ký, có khoản đòi hỏi cô từ bỏ Pháp Luân Công thì mới được tuyển dụng. Cô tuyên bố: “Trong thời gian huấn luyện tại Bắc Kinh, họ đã bảo tôi đừng nói đến chuyện Tây Tạng hay các đề tài nhạy cảm khác… Nếu học viên cứ cố nài, thì cô chỉ việc tìm cách chuyển đề tài hoặc nói cái gì mà ĐCS thích.”
Một vụ khác nổ ra ở ĐH Waterloo, ông hiệu trưởng trường này không được biết các hợp đồng mà giảng viên VKT đã ký và không kiểm soát được nội dung của những hợp dồng ấy. Có lẽ điều đó giải thích vì sao có cuộc vận động của viên giám đốc người TQ huy động sinh viên bảo vệ hành động của TQ ở Tây Tạng. Năm 2008, khi TQ đàn áp cuộc nổi dậy của Tây Tạng, cô Yan Li, nguyên là phóng viên Tân Hoa Xã, đã tập họp sinh viên VKT ở ĐH Waterloo để “cùng hành động chống lại truyền thông Canada” đã phản ánh mạnh mẽ cuộc trấn áp. Yan Li lên lớp giảng về tình hình Tây Tạng theo ý cô, sử dụng một bản đồ TQ bao gồm Tây Tạng. Thế là sinh viên tung ra một chiến dịch chống lại truyền thông Canada, họ coi tivi, báo chí, mạng… đã xuyên tạc tình hình để bênh vực phe nổi dậy ở Tây Tạng. Chiến dịch thành công đến nỗi tivi phải lên tiếng xin lỗi vì đã trình bày tình hình chưa khách quan!
Viết đến đây tôi rùng mình khi liên tưởng (chắc không xa sự thực): một ngày nào đó, một cô giảng viên xinh đẹp người TQ của VKT tại Hà Nội giảng cho học viên Việt Nam về Trường Sa, Hoàng Sa, sử dụng chiếc bản đồ “đường lưỡi bò”!!! Chuyện gì sẽ xảy ra??? 
H. H. 
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Giang hồ bồ tát

Tháng 10 29, 2013
The Economist
Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch
1.
Robert Webster Ford (1923-2013) sinh ra ở Anh, đến Tây Tạng từ năm 1945, và trở thành người phương Tây đầu tiên làm công chức cho chính quyền tại đây. Khi Trung Quốc xua quân chiếm Tây Tạng năm 1950, thay vì bỏ đi, ông chọn ở lại cùng người Tạng. Và ông bị quân Trung Quốc bắt, giam tù, tra tấn, cải tạo tư tưởng suốt năm năm.
Câu chuyện của ông được kể lại trong cuốn tự truyện Captured in Tibet (Bị bắt ở Tây Tạng) xuất bản năm 1957, bản ở Mỹ có tên Wind Between the Worlds (Gió giữa ta bà thế giới), năm 1990 tái bản dưới tên The Occupation (Cuộc chiếm đóng) với lời tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
2.
Bài được dịch dưới đây tuy ngắn gọn, nhưng lại như một cuốn phim ngắn cô đọng nhiều chi tiết và tình tiết. Đọc xong, hình ảnh Robert Ford cứ ám ảnh tôi, gợi nhiều suy nghĩ, và tôi xin phép được chia sẻ đôi điều ở đây.
Tuy không được truyền thông đại chúng nói tới bao nhiêu nhưng Robert Ford thật đáng chú ý, có lẽ vì ông đại diện cho một “cách làm người” khác. Cái cách của những gã “giang hồ” rời bỏ nước mình, sống, làm việc và sẵn sàng chết cho chính nghĩa ở một nước khác.
Nhưng đó mới chỉ là một vế, vì giang hồ cũng có năm bảy đường. Ford gợi nhớ đến con đường của những người nổi tiếng khác trong “giới”, tuy được truyền thông đại chúng tung hô, nhưng chưa hẳn đã thực sự xứng đáng, hoặc cần, chú ý.
Đường của Ché Guevara là một:
Ché sinh ở Argentina, làm bạn và làm cách mạng với Fidel Castro ở Cuba, rồi làm tiếp cách mạng ở Congo, Bolivia, cuối cùng chết ở Bolivia. Mặc dù trong thời Chiến tranh Lạnh, Ché trở thành một thứ James Dean của cách mạng (Ché cũng chết trẻ, lúc 39 tuổi), và được “phong thánh” (trẻ em Cuba mỗi sáng đều đọc câu “em mơ thành Ché”), con người thật của người hùng này ngày càng lộ rõ:
“Guevara không phải là một chàng lãng mạn theo đạo Chúa, mà là một tay Mác-xít tàn nhẫn và giáo điều, cũng không đại diện cho giải phóng, mà là đại diện cho một nền độc tài chuyên chính mới. Ở Sierra Maestra [Cuba] ông cho bắn bỏ những kẻ bị tình nghi là phản bội cách mạng; sau chiến thắng, Castro giao cho ông chịu trách nhiệm đội xử bắn, tử hình ‘những tên phản cách mạng’; khi làm bộ trưởng công nghiệp [Cuba], Guevara cổ xúy chính sách truất hữu triệt để, tịch biên đến miếng đất nông nghiệp cuối cùng, đến cửa hàng tư nhân cuối cùng. Việc ông cổ vũ cho chiến tranh du kích, bất kể tình hình chính trị có phù hợp hay không, đã đẩy hàng ngàn thanh niên Châu Mỹ La Tinh đầy ắp lý tưởng vào chỗ chết, đã giúp dựng nên các chế độ độc tài tàn ác và làm trì hoãn tiến trình đi đến dân chủ.” [i]
Ford khác Ché ở nhiều điều. Một điều nhỏ là Ford cũng từng “phượt” đó đây trên mô-tô như Ché, nhưng trong khi nhật ký mô-tô của Ché trở thành best-seller một thời, được làm phim, thì Ford phượt rồi lại chán, và ông quyết định không đi nữa, mà ở lại Tây Tạng, ngay khi quân xâm lược Trung Quốc tràn vào. Có lẽ, “ở lại” trong trường hợp này mới là thứ “giang hồ” tuyệt đỉnh.
3.
Cũng có một con đường giang hồ khác, của một người phương Tây khác, tên là Heinrich Harrer (1912-2006), nhà leo núi thám hiểm người Áo, có mặt ở Tây Tạng cùng thời với Ford, trước khi Trung Quốc xâm lăng. Chuyện của Harrer được kể lại trong phim Seven Years in Tibet (Bảy năm ở Tây Tạng), do tài tử Brad Pitt điển trai giữ vai chính, và Jean-Jacques Annaud đạo diễn (Annaud cũng là đạo diễn phimL’Amant (Người tình) quay tại Việt Nam).
Nếu so với Ford thì chuyện của Harrer quá bình yên và bình thường. Nhưng vì sao Harrer lên phim, Ford thì chìm? Câu trả lời có lẽ nằm ở công thức sản xuất phim theo kiểu Hollywood: Phương Tây thích làm phim về nước ngoài nếu, và chỉ nếu, có người phương Tây trong phim, nhất là ông Tây này phải giữ một vai trò “chiếu trên”, như góp phần “khai hóa” dân bản xứ chẳng hạn (hoặc trong trường hợp phimNgười tình, nhân vật nữ phương Tây đã làm anh da vàng… điêu đứng). Hình tượng đó kín đáo làm khán giả phương Tây thấy thỏa mãn “tự ái dân tộc” hơn, và như thế sẽ mua vé xem phim nhiều hơn. Chuyện của Harrer đáp ứng điều này, ông là “thầy” dậy Anh văn, và nhiều thứ khác của phương Tây, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Còn Ford, dù rất hay, lại là chuyện của một ông Tây hòa vào đám đông, và bị những tên cai tù (da vàng) trù dập. Harrer cũng giang hồ, nhưng là giang hồ “cung đình”, trong khi Ford là giang hồ… “chìm”.[ii]
4.
Con đường của Robert Ford Tây Tạng – tên rất dễ nhầm với Robert Redford, tài tử thành công trong phim Out of Africa (Rời Phi Châu) – gợi ra hình ảnh của một thiền sư rời chùa, rời tháp ngà, xuống núi, “thõng tay vào chợ”.
Có lẽ, với Ford, và những người như ông, sống – gồm cả sẵn sàng hy sinh để sống cho ra hồn – là một chọn lựa hoàn toàn có ý thức và tự nguyện, chứ không phải một phản xạ thụ động và đối phó. Họ sống thật với mình, chứ không “diễn” cho người khác xem và sung sướng vì mình long lanh trong mắt người khác. Và vì không diễn nên họ thanh thản như không. Thấy họ “hay” cũng được, bảo họ “ngu” cũng xong. Chuẩn mực xã hội không đo được họ.
Sau này, Robert Ford phục vụ cho Bộ Ngoại giao Anh, có lúc đã làm việc ở Việt Nam. Về hưu, ông đấu tranh cho Tây Tạng. Ông từng sắp xếp để Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp hoàng gia Anh. Và Lạt Ma đã đích thân chủ trì lễ tưởng niệm khi Ford qua đời. Tháng ba năm nay, chính quyền lưu vong Tây Tạng đã trả lại cho ông khoản lương còn thiếu từ năm 1950, tương đương 100 đô-la. Rất có thể loài người cũng nợ những người như Ford một khoản “lương” nào đó, chỉ vì họ tồn tại.
Tôi tin những gã giang hồ một mình như thế. Họ vẫn đang lang bạt đâu đó, giữa núi rừng, hoang mạc, ruộng đồng, làng chài hay phố thị. Họ có thể ngồi uống trà đá hay bia hơi ở bàn cạnh tôi trong quán bình dân tối qua, hay cọ vai vào bạn trên chuyến xe buýt vượt qua con đường nhiều ổ gà sáng nay.
______________
Robert Ford, người Anh, chuyên viên radio Tây Tạng Tự do, qua đời ngày 20/9, thọ 90 tuổi.
So với những quan chức khác của chính quyền Tây Tạng, ông dường như một mình một cõi. Áo không nâu sồng, tóc không kết bím, tai không khoen dài. Ngược lại, ông để tóc húi cao sau gáy và trên tai, lại mặc bộ quần áo vét cứng đờ, rất khó cho người mặc khom sâu cúi chào, ngồi chéo chân trên đất, hay co chân leo lên lưng ngựa. Ngoài đường, ai nấy chăm chăm nhìn tóc ông hoe hoe vàng. Những bạn thân người Tạng cũng không dám dùng chung dầu gội của ông, vì sợ dùng xong tóc họ cũng sẽ vàng hoe hoe như thế.
Robert Ford được người Tây Tạng mướn vào năm 1948 để dựng nên hệ thống thông tin hiện đại cho Tây Tạng: ít nhất là hiện đại hơn những con đường mòn in chân lừa đi, ngoằn ngoèo vắt ngang những dãy núi cao nhất thế giới. Việc của ông, với lời chúc phúc của Đạt Lai Lạt Ma, là gắn kết khu vực trọng yếu Chamdo ở phía đông với thủ đô Lhasa, và kết nối Tây Tạng với thế giới bên ngoài. Vô tình, ông cũng giúp Tây Tạng phần nào đứng vững như một đất nước tự do trước những đợt tấn công xâm nhập của Trung Quốc. Người dân Tây Tạng gọi ông là Phodo Kusho (Ford Esquire, Ngài Ford). Còn người Trung Quốc, khi bắt được ông, lại gọi ông là gián điệp tay sai đế quốc.
Cuộc sống của ông ở Chamdo thật lạ lùng, nhưng cũng rất khắc nghiệt. Ông phải gắng uống vô số những tách trà bơ, và loại bia“chang” khó nhằn đặc sản. Một lá thư gửi về Anh mất năm tuần mới đến, ngay một thông điệp gửi đến Lhasa cũng mất 15 ngày. Nhưng kết nối qua radio không chuyên lại giúp ông quen biết nhiều bạn bè trên thế giới, và trong một lần may mắn, ông quen được một anh thợ may cùng quê hương Burton-on-Trent. Nhờ vậy, khi điều kiện cho phép, ông có thể nói chuyện với bố mẹ vào mỗi thứ tư.
Huấn luyện cho người dân Tây Tạng hiểu radio là gì còn khó hơn. Người bình dân cứ tìm “cái ông nằm trong cái hộp”; các quan chức cao cấp thì cứ hay cúi mình trước micro và choàng khăn trắng cho micro để tỏ lòng tôn kính. Ở Chamdo, cũng chẳng mấy ai có đồng hồ để có thể hẹn giờ nghe đài. Thay vào đó, ông phải tính giờ truyền thanh của mình theo vị trí mặt trời lên xuống.
Khi quân đội Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng vào năm 1950, ông được yêu cầu treo những giải cờ cầu nguyện lên cột ăng-ten phát thanh, vì để chống lại súng máy và đại pháo của quân Trung Quốc, người dân Tây Tạng hầu hết chỉ biết khẩn cầu thần thánh. Họ sợ máy bay trên trời có thể khuấy động các vị thần trên tầng cao. Ford tham gia những nghi lễ ông có thể tham gia, nhưng chưa bao giờ thấy mình là một phần của tôn giáo nơi đây. Có lẽ ông không chỉ là người Anh cô đơn nhất trên thế giới, như ông viết, mà còn là người Thiên Chúa giáo cô độc nhất.
Vào tháng 10, 1950, Chamdo thất thủ. Phodo Kusho lúc ấy có thể bỏ trốn khỏi Tây Tạng, nhưng không, ông đến Tây Tạng để phiêu lưu mạo hiểm kia mà – sau khi đã không thỏa mãn với những cuộc phiêu lưu phượt trên mô-tô, hay làm huấn luyện viên phát thanh cho RAF (Không lực Hoàng gia Anh), hoặc khi được phái đến làm việc tại Ấn Độ năm 1943. Bên cạnh đó, ông thấy không thể bỏ rơi các nhân viên, cũng là những người bạn Tạng của mình. Ít nhất, việc ông ở lại cũng góp phần cho thế giới bên ngoài biết rằng Tây Tạng đã không buông xuôi hay ngoan ngoãn đầu hàng. Ông đến Lhasa bằng cách vượt một chặng đường 4.500 mét xuyên qua những khe núi vách đá dựng đứng, phần lớn trong đêm, để rồi đến cuối đường, ông lại lọt vào tay quân Trung Quốc phục sẵn. Ông bị tống giam, trải qua không biết bao nhiêu cuộc tra vấn suốt năm năm trời.
Cai ngục đinh ninh rằng ông đã đầu độc Lạt Ma Geda, tu sĩ Tây Tạng thân Trung Quốc. Thực ra thì Ford đã không chịu chữa trị cho Geda, dù ông là “thầy thuốc” tốt nhất có được lúc bấy giờ ở Chamdo, nhờ ông học cứu thương khi còn là hướng đạo sinh; ngược lại, các thầy tu lo chữa bệnh cũng chỉ có thể đề xuất cách điều trị tốt nhất cho Geda là uống nước tiểu của Đạt Lai Lạt Ma.
Ngoài ra, hoạt động phát thanh của ông cũng làm cai tù Trung Quốc nghĩ ông là gián điệp, một việc ông không hề liên quan. Họ lập luận rằng: Nước Anh sẽ phản ứng thế nào, nếu Trung Quốc cử người đến xúi giục ly khai ở xứ Wales? Còn những thông điệp mã hóa kia trong báo cáo hàng ngày của ông có nghĩa là gì, chẳng hạn như dòng mật mã “SRI OM CONDK PR”? Ford cố giải thích: đó chẳng qua là “Sorry old man, conditions poor” (Xin lỗi bố già, tình hình bết bát quá). Kẻ tra vấn ông phản bác lập tức: “Bố láo! “Sorry” mà đánh vần thế à?”
Tôi trung của các vị
Quân Trung Quốc không giết ông. Thay vào đó, họ cố biến ông thành người cộng sản thuần thành bằng những cuộc tra tấn tâm lý liên tiếp. Điều kiện giam giữ khắc nghiệt dần, cho đến khi ông bị biệt giam trong căn phòng dưới gầm cầu thang đầy chuột. Khủng bố tinh thần cũng ngày càng tăng cường độ, cho đến khi cứ mỗi sáng thức dậy, ông lại bụng bảo dạ không biết hôm nay người ta có đem mình ra bắn bỏ hay không. Lần hồi, ông biết chắc rằng chỉ còn cách nhận tội (dù là nhận một cách giả tạo và chỉ nhận một phần) mới có thể thoát chết và đầu óc không phát điên. Thế là ông tự nạp vào đầu mớ ngôn ngữ Mao-ít, cũng leo lẻo lên án chủ nghĩa đế quốc, cũng tự phê, tự thú đã phạm tội trong tư tưởng ra sao. Không chỉ phải làm tất cả những thứ ấy, ông còn phải cho thấy mình “thành khẩn, chấp hành đường lối, và trên hết là thật tình cải tạo” ra sao.
Sau bốn năm, ông được phép viết thư cho bố mẹ vốn nghĩ rằng ông đã chết rồi. Một năm sau, ông được xem là đã cải tạo xong, và bị trục xuất qua Hong Kong. Ở Hong Kong, ông biết tin “một nhóm những con người dũng cảm đã chinh phục ngọn Everest”, chứ ngọn núi không được chinh phục “nhờ Đảng quang vinh hoặc nhờ Mao Chủ tịch vĩ đại”. Ông bắt đầu giải độc đầu óc mình, làm lại từ đầu.
Sau này, lúc nghỉ hưu, rời khỏi công việc trong ngành ngoại giao nước Anh, ông trở thành người đấu tranh rất mạnh mẽ và thẳng thắn cho quyền lợi Tây Tạng. Qua nhiều năm, vị thế của ông trở nên quan trọng: Ông là nhân chứng phương Tây duy nhất còn sống sót đã sống tận nơi, xem tận mắt đất nước Tây Tạng trước khi Trung Quốc xâm chiếm, ông cũng ở vị trí rất tốt để phản bác lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ chiếm đóng: Thì đúng rồi, Trung Quốc đã cải thiện được mức sống cho dân; thì đúng rồi, tiến bộ của nước Tây Tạng cổ xưa đã diễn ra, tuy hơi chậm chạp; nhưng theo ông, “không thể lấy một người máy, dù no nê khỏe mạnh, để thay thế một con người.”
Bạn của ông, đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, đã chủ trì nghi lễ tưởng niệm ông. Trước đó vài tháng, ông đã trở thành một trong số ít người ngoại quốc làm công chức cho chính quyền Tây Tạng được tặng danh hiệu cao quý nhất của đất nước này, Giải thưởng Ánh sáng từ Sự thật. Và ông cũng được trả nốt số lương còn sót lại là một tờ 100 srang mà chính quyền Tây Tạng nợ ông từ trước khi ông bị bắt.
Ảnh:  Robert W. Ford khi bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt năm 1950.
Nguồn: “Robert Ford”, The Economist, số ra ngày 5 tháng 10, 2013. Tựa của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra


[i] “Che Guevara – A modern saint and sinner. Why the Che myth is bad for the left” (Ché Guevara – thánh nhân và tội nhân kiểu mới. Vì sao huyền thoại Ché không tốt cho cánh tả), The Economist, số ra ngày 11 tháng 10, 2007.
[ii] Cả Harrer và Ford đều được Đức Đạt Lai Lạt Ma trao Giải Ánh sáng từ Sự Thật”. Harrer nhận giải năm 2002, vì nỗ lực của ông trong việc trình bày cho thế giới biết tình hình Tây Tạng. Ford nhận giải vào tháng 4, năm 2013, vì “không ngừng vận động cho chính nghĩa Tây Tạng trong hơn nửa thế kỷ”.
ShareSHARE
http://www.procontra.asia/?p=3555

Tại sao dân chủ vẫn thắng: Phê bình bài diễn thuyết “Chuyện hai chế độ chính trị” của Eric X. Li

Tháng 10 22, 2013
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh)
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Đầu năm nay, nhà kinh tế học Yasheng Huang [Hoàng Á Sinh] (xem bài diễn thuyết TED Talk năm 2011 của ông) tranh luận với Eric X. Li [Lý Thế Mặc] trên tạp chí Foreign Affairs về một vấn đề tương tự bài diễn thuyết TED Talk. TED Blog yêu cầu giáo sư Hoàng mở rộng lập luận của ông trong cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra với Li.
Thử hình dung lẫn lộn hai phát ngôn sau đây của một bác sĩ chuyên về ung thư: 1) “Anh có thể chết vì ung thư” và 2) “Tôi muốn anh chết vì ung thư.” Không khó nhận ra sự khác biệt căn bản giữa hai phát ngôn này. Phát ngôn thứ nhất là một lời tiên đoán – phát ngôn này nói rằng một việc có thể xảy ra với một số điều kiện nhất định (trong trường hợp này là chết nếu bị ung thư). Phát ngôn thứ hai là một sở nguyện, một ao ước, hay một ý muốn về một thế giới theo sở thích cụ thể của một người.
Ai lại có thể phạm một sai lầm căn bản khi nhầm lẫn hai loại phát ngôn này? Nhiều người lắm, trong đó có Eric X. Li, trong bài diễn thuyết TED Talk hôm nay. Đại luận thuyết của Marx đã ăn sâu vào đầu Li – và đầu tôi thời niên thiếu và thời thanh niên trong thập niên 1960 và 1970 – là một phát ngôn chuẩn tắc. Khi Marx nảy ra những tư tưởng về sự tiến hóa của các xã hội loài người, trên thế giới chưa có một quốc gia nào giống chút đỉnh như chế độ cộng sản mà ông cổ xúy. Chế độ cộng sản theo hình dung của Marx không có quyền tư hữu hay bất cứ kiểu quyền sở hữu nào. Tiền cũng không có mặt trong chế độ đó. Phiên bản chủ nghĩa cộng sản của Marx chưa bao giờ, và rất có thể sẽ chẳng bao giờ, trở thành hiện thực. Marx “tiên đoán” dựa trên suy diễn; và những người kế thừa ông tiên đoán bằng cách áp đặt ước muốn của họ, được thực hiện bằng quyền lực và bạo lực.
Ngược lại, cái luận thuyết dường như được mớm cho Li khi ông là một “anh chàng hippie Berkeley” thì dựa trên kinh nghiệm thực tế của các vấn đề con người. Chúng ta đã có hàng trăm năm kinh nghiệm với dân chủ và hàng trăm quốc gia / năm có các quá trình chuyển tiếp sang dân chủ và cai trị bằng dân chủ. Phát ngôn cho rằng các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu lên là một phát ngôn thực chứng– đó là một tiên đoán dựa trên dữ liệu. Trong thập niên 1960, khoảng 25 phần trăm các nước trên thế giới có chế độ dân chủ; tỉ lệ hiện nay là 63 phần trăm. Có rất nhiều trường hợp các chế độ độc tài chuyển sang chế độ dân chủ hơn là ngược lại. Những nước còn lại trên thế giới đã thể hiện rõ ràng ý muốn có chế độ dân chủ. NhưMinxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã cho biết, trong 25 nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc mà chưa tự do hay tự do một phần, 21 nước sống nhờ tài nguyên thiên nhiên. Nhưng đó là những ngoại lệ giúp chứng minh quy tắc – các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu hơn. Ngày nay không có quốc gia nào được xếp vào nhóm giàu nhất có chế độ toàn trị độc đảng. (Singapore là một trường hợp chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.) Dù Li có thích hay không, các quốc gia đó dường như đều có đích đến như nhau.
Các nền dân chủ có tham nhũng hay không? Li nghĩ vậy. Ông trích dẫn Chỉ số của Minh bạch Quốc tế (TI) để chứng minh quan điểm của mình. Số liệu TI cho thấy Trung Quốc có thứ hạng cao nhiều chế độ dân chủ. Cũng có lý.
Tôi luôn nghĩ rằng có hơi mỉa mai khi dùng số liệu về tính minh bạch để biện hộ cho một chế độ chính trị xây trên nền tảng mờ ám. Ngoài chuyện mỉa mai, nên nhớ rằng bản thân chỉ số TI là sản phẩm của chế độ chính trị mà Li quá coi thường – chế độ dân chủ (nói cho đúng là dân chủ kiểu Đức). Điều này nhấn mạnh một điểm căn bản – chúng ta biết rất nhiều về tham nhũng ở các chế độ dân chủ hơn chúng ta biết về tham nhũng ở các nước toàn trị vì các chế độ dân chủ, theo định nghĩa, có tính minh bạch cao hơn và họ có nhiều dữ liệu hơn về tính minh bạch. Tuy tôi tin những so sánh về tham nhũng giữa các nước dân chủ, việc so sánh một cách máy móc tham nhũng ở Trung Quốc với tham nhũng ở các chế độ dân chủ, như Li đã làm rất nhiều lần, là phạm sai lầm căn bản. Phương pháp của ông nhầm lẫn hai hiệu ứng – mức độ minh bạch của một quốc gia và mức độ tham nhũng của một quốc gia. Tôi không muốn nói là các chế độ dân chủ nhất thiết phải trong sạch hơn Trung Quốc; tôi chỉ muốn nói rằng cách Li dùng dữ liệu của TI không phải căn cứ để rút ra kết luận theo một trong hai hướng. Cách đúng đắn để rút ra kết luận về vấn đề này là nhận định rằng với cùng một mức độ minh bạch (và cùng mức độ về nhiều thứ khác, trong đó có thu nhập), Trung Quốc có – hay không có – tham nhũng nhiều hơn các chế độ dân chủ.
Chỉ cần một ví dụ đơn giản là đủ minh họa ý này. Năm 2010, hai doanh nhân Ấn Độ lập một trang mạng gọi là I Paid a Bribe (Tôi hối lộ). Trang mạng này kêu gọi người ta đăng nặc danh những trường hợp công dân Ấn Độ phải bỏ tiền ra để hối lộ. Đến tháng 8/2012, trang mạng này đã ghi nhận hơn 20.000 vụ tham nhũng. Một số doanh nhân Trung Quốc cố gắng bắt chước: Họ lập trang I Made a Bribe (Tôi hối lộ) và 522phone.com. Nhưng hai trang mạng này nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc đóng. Kết luận đúng ở đây không phải, theo như kiểu lập luận của Li, là Trung Quốc trong sạch hơn Ấn Độ vì Trung Quốc không có bài đăng trên mạng nào về các vụ tham nhũng trong khi Ấn Độ có khoảng 20.000 vụ được đăng lên.
Dù tôi rất tôn trọng công lao của Minh bạch Quốc tế, dữ liệu của tổ chức này rất kém trong việc xử lý điểm khác biệt căn bản về mức cảm nhận tham nhũng (perception of corruption) và mức độ tham nhũng thực sự xảy ra (incidence of corruption). Các chế độ dân chủ có tính minh bạch cao hơn – về những cái tốt và cái xấu của chúng – hơn các chế độ toàn trị. Chúng ta biết nhiều hơn về nạn tham nhũng ở Ấn Độ một phần vì chế độ Ấn Độ minh bạch hơn, và có một giới bình luận nhiều chuyện không ngại phê phán và chỉ trích chính phủ (và trong một vài trường hợp, gắn máy quay phim trong phòng khách sạn để ghi cảnh đưa tiền đút lót cho các chính khách). Ngoài ra, tham nhũng ở cấp thấp dễ quan sát hơn tham nhũng ở cấp cao nhất trong hệ thống tôn ti chính trị. Chỉ số TI phát hiện trò tham nhũng của một cảnh sát viên tên Barun ở Chennai dễ hơn là phát hiện tội tham nhũng của một ủy viên Bộ Chính trị tên Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những yếu tố này, chứ không phải bản thân nạn tham nhũng, có thể giải thích phần lớn những khác biệt về thứ hạng TI giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Vẫn dùng số liệu của TI, Li thích chỉ ra rằng những nước như Indonesia, Argentina và Philippines vừa là chế độ dân chủ vừa khét tiếng về tham nhũng. Ông thường bỏ sót các dữ kiện quan trọng khi đề cập đến vấn đề này. Phải, các quốc gia này là những nền dân chủ, vào năm 2013, nhưng những nước này đã được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự nhẫn tâm trong mấy chục năm trước khi chuyển sang dân chủ. Chính chế độ chuyên quyền của các quốc gia này đã sinh ra và dung dưỡng nạn tham nhũng. (Còn nhớ 3.000 đôi giày của bà Marcos?) Tham nhũng giống như ung thư, đã thành di căn và ăn sâu. Tuy ta có lý do hoàn toàn chính đáng để phê phán các nền dân chủ mới vì không kịp thời diệt tận gốc nạn tham nhũng, nhưng nhầm lẫn các khó khăn của việc chữa trị nạn tham nhũng ăn sâu với nguyên nhân sâu xa của nó thì cũng hệt như nói rằng một bệnh nhân ung thư bị mắc bệnh ung thư sau khi nhập viện để làm hóa trị.
Nhóm những kẻ tham nhũng trắng trợn nhất thế giới chỉ toàn những kẻ chuyên quyền. Theo một báo cáo của TI, tính đến năm 2004, ba lãnh tụ cầm quyền bòn rút quốc dân nhiều nhất là Suharto, Marcos và Mobutu. Ba nhà độc tài này đã cướp bóc tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim từ người dân bần cùng ở nước họ. Đương nhiên các chế độ dân chủ không miễn dịch với nạn tham nhũng, nhưng tôi nghĩ họ phải cố gắng cật lực hơn nữa mới mong theo kịp những nhà độc tài này.
Li hết sức tin tưởng ở chế độ Trung Quốc. Trước hết ông lập luận rằng chế độ này được đa số dân chúng Trung Quốc ủng hộ. Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của báo Financial Times nói rằng 93 phần trăm thanh niên Trung Quốc lạc quan về tương lai của họ. Tôi đã xem những mức đánh giá tín nhiệm cao này do Li và nhiều người khác dùng làm bằng chứng cho thấy chế độ Trung Quốc lành mạnh và vững vàng, nhưng tôi không hiểu tại sao Li lại dừng ở mức 93%. Sao không đi tới cùng, 100% luôn? Ở một nước không có tự do ngôn luận, yêu cầu người dân trực tiếp đánh giá thành tích của các vị lãnh đạo thì cũng giống như yêu cầu người dân làm bài thi chỉ có một lựa chọn trả lời duy nhất. Số liệu trưng cầu dân ý dành cho Erich Honecker và Kim Jong-un hẳn phải khiến các vị lãnh đạo Trung Quốc xấu hổ.
(Tôi cũng xin chú thích một chút để khuyến cáo về cách nên và không nên sử dụng số liệu khảo sát ở Trung Quốc. Tôi đã làm nhiều nghiên cứu khảo sát ở Trung Quốc, và tôi luôn thấy ngượng vì khó lý giải được các kết quả khảo sát. Ngoài các áp lực chính trị thường hướng các câu trả lời theo một chiều nhất định, một trở ngại khác là người trả lời khảo sát ở Trung Quốc đôi khi xem làm khảo sát giống như làm bài thi. Bài thi ở Trung Quốc có câu trả lời chuẩn, và đôi khi người trả lời khảo sát ở Trung Quốc điền vào mẫu khảo sát bằng cách cố gắng đoán xem câu trả lời “chuẩn” là gì, chứ không phải bày tỏ ý kiến của chính họ. Tôi thường khuyến cáo không nên sử dụng một cách ngây thơ số liệu khảo sát ở Trung Quốc.)
Li cũng ca ngợi khả năng thích ứng của chế độ chính trị Trung Quốc. Tôi xin trích:
“Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép doanh nhân tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền. Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Giờ thử hình dung ta kể câu chuyện sau đây để tung hô “khả năng thích ứng” của Nga chẳng hạn: Nước Nga hay dân tộc Nga đều có khả năng thích ứng rất cao. “Các chính sách” của Nga đã có phạm vi “rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại”, từ trại tù gulag đến phong trào khủng bố đỏ của Stalin, rồi tập thể hóa, rồi kế hoạch hóa tập trung, rồi glasnost và perestroika, rồi tư hữu hóa, rồi chủ nghĩa tư bản bè phái, rồi chế độ dân chủ phi tự do dưới thời Putin, điều không tưởng trong thời kỳ Lenin cầm quyền. Như vậy, nước Nga “tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Tôi xin nói rõ và dứt khoát – cách Li lý giải về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống y hệt cách tôi nói về Nga. Điểm khác biệt duy nhất là Li nói đến một tổ chức chính trị – ĐCSTQ – còn tôi nói về một nước có chủ quyền.
Thính giả TED vỗ tay tán thưởng bài diễn thuyết của Li – nhiều lần là đằng khác. Nếu Li đã so sánh ví von về Nga, chẳng biết thính giả có còn tán thưởng nồng nhiệt nữa hay không. Lý do rất đơn giản: Thính giả TED hiểu tường tận tình hình xáo trộn, bạo lực và con số người chết cao ngất trời trong thời cai trị của Liên Xô. Trong cuốn sách của ông có nhan đề The Better Angels of our Nature (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất con người chúng ta),[i] Steven Pinker trích dẫn kết quả nghiên cứu của các học giả khác cho thấy chế độ Liên Xô đã giết 62 triệu người dân của chính mình. Thiết nghĩ cái từ “sửa sai” có phần nói nhẹ đi mức độ biến đổi to lớn từ chế độ sát nhân, diệt chủng của Stalin sang nước Nga ngày nay tuy còn nhiều vấn đề và khó khăn nhưng dù sao vẫn có dân chủ.
Tôi không biết một anh chàng hippie Berkeley học gì ở trường, nhưng ở Cambridge, Massachusetts, nơi tôi đã học và nay theo nghiệp làm giáo sư, tôi đã học – và hiện nay dạy – hàng ngày rằng ngôn từ thực sự có ý nghĩa. Đối với tôi, tự sửa sai có ít nhất hai hàm ý. Thứ nhất, tự sửa sai là việc sửa sai do chính bản thân thực hiện. Đúng là các chính sách của Mao bị những người kế tục “sửa sai” hay thậm chí đảo ngược, như Li đã đề cập, nhưng nói đây là “sự tự sửa sai” nghĩa là sao? Những chính sách vô cùng tai hại của Mao vẫn còn trong những ngày xế bóng của ông ngay cả khi Mao Chủ tịch nằm liệt giường trong trạng thái thực vật, và người kế vị ông – lên nắm quyền thông qua một thay đổi gần như là đảo chính – chỉ dám sửa đổi các chính sách của Mao sau khi đã biết chắc Mao không sống nổi nữa. Nếu đây là một ví dụ của việc tự sửa sai, vậy đúng ra cái gì không phải là một hành động tự sửa sai? Gần như mỗi ví dụ thay đổi chính sách mà Li nêu ra trong bài diễn thuyết của mình đều được thực hiện bởi người kế vị người đã khởi xướng cái chính sách bị sửa đổi. (Trong nhiều trường hợp, thậm chí không phải do người kế vị liền sau đó.) Đây là một định nghĩa kỳ cục về việc tự sửa sai. Cái này có gồm kiểu tự sửa sai khi những bài toán làm sai mà tôi chưa sửa thuở nhỏ nay đang được con tôi sửa?
Nghĩa thứ hai của tự sửa sai liên quan đến hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa, chứ không chỉ là danh tính của người thực hiện chỉnh sửa. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể tự nguyện sửa lỗi chính tả hay phép toán làm sai của mình, hoặc có thể đành phải sửa sau khi bị cô giáo quất mạnh mấy phát vào tay. Trong cả hai tình huống, danh tính của người chỉnh sửa là một – đứa học trò 10 tuổi – nhưng hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa lại khác hẳn nhau. Ta thường sẽ xếp tình huống thứ nhất vào loại “tự sửa sai”, còn tình huống thứ hai vào loại ép buộc, cưỡng bách, hay như trong trường hợp này, bạo lực. Nói cách khác, tự sửa sai hàm ý sự tự nguyện của người thực hiện chỉnh sửa, chứ không phải bị ép buộc hay cưỡng bách, không phải vì không còn cách nào hơn là phải chỉnh sửa. Yếu tố chọn lựa là một thành phần thiết yếu của định nghĩa về tự sửa sai.
Tôi xin cung cấp thêm vài chi tiết bị bỏ sót cho những ai vỗ tay tán thưởng khi Li gọi giai đoạn 64 năm của chế độ độc đảng ở Trung Quốc là giai đoạn của những trường hợp tự sửa sai nối tiếp nhau. Từ năm 1949 đến 2012, ĐCSTQ đã có sáu lãnh tụ tối cao. Trong sáu người này, hai vị bị phế truất một cách đột ngột và không kèn không trống (và một trong hai vị này bị hạ bệ mà không được xét xử đúng quy trình, thậm chí theo các thủ tục của chính ĐCSTQ). Một vị thứ ba mất hết quyền lực và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi chết. Vậy là 3 trong 6 vị không nắm quyền cho trọn nhiệm kỳ dự trù của họ. Hai trong số những người được Mao chọn kế vị chết trong khi tại chức, một người thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay khi ông tìm cách trốn sang Liên Xô, còn người kia bị tra tấn đến chết và bị chôn với tên giả. À, tôi đã nhắc đến con số ước tính 30 triệu người đã chết do chủ trương Đại Nhảy vọt tai hại của Mao, và có lẽ là hàng triệu người đã chết do bạo lực của Cách mạng Văn hóa chưa nhỉ? Vả lại, bạn có biết Mao không những vẫn tiếp tục mà còn đẩy nhanh các chính sách Đại Nhảy vọt sau khi những bằng chứng về mức độ [tác hại] của nạn đói [thời kỳ 1958-1962][ii] đã rõ như ban ngày?
Li gọi những thay đổi chính sách này sau những biến động đau đớn này là “những hành động tự sửa sai”. Cách lý giải của ông là một thực thể gọi là ĐCSTQ, chứ không phải ai khác, thực hiện những thay đổi chính sách này. Trước hết, sở dĩ như vậy có phải là do chẳng có ai khác được phép có cơ hội thực hiện những thay đổi chính sách này? Thứ hai, lối suy nghĩ cứ chú trọng đến ai thực hiện thay đổi chính sách chứ không phải hoàn cảnh diễn ra thay đổi chính sách quả là không ổn. Ta thử mở rộng logic của Li thêm một chút nữa. Liệu chúng ta có phải định nghĩa lại Phong trào Độc lập Mỹ là một hành động tự sửa sai của người Anh? Hay có lẽ gọi việc nhượng quyền cai trị của đế quốc Anh cho Ấn Độ là một hành động tự sửa sai khác của người Anh? Liệu chúng ta có phải mô tả lại sự đầu hàng của người Nhật để kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là hành động tự sửa sai của người Nhật? Đúng là có hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki và bao chuyện nữa, nhưng chẳng phải các đại diện của Nhật hoàng Hirohito đã ký Văn kiện Nhật Đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri hay sao?
Đã là búa thì nhìn gì cũng nghĩ là đinh. Li nhìn thấy các căn bệnh của các chế độ dân chủ ở khắp nơi – khủng hoảng tài chính ở Châu Âu và Mỹ, nền chính trị tiền bạc và nạn tham nhũng. Tôi đồng ý ngay là nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru. Nhưng ta nên hiểu thật rõ bằng cách nào và lý do tại sao nền chính trị tiền bạc là một cỗ máy hỏng hóc. Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ – một người một phiếu. Để nhất quán về logic, lẽ ra Li nên tung hô nền chính trị tiền bạc vì nó đưa Mỹ đi sang hướng của nền chính trị kiểu chuyên quyền mà ông quá say mê.
Điều này có thể là một tiết lộ gây sốc cho Li, nhưng các nền dân chủ Mỹ và Châu Âu không sáng chế ra khủng hoảng tài chính. Nhiều chế độ chuyên quyền đã trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trầm trọng. Ví dụ như Indonesia năm 1997 và nhiều chế độ quân phiệt ở Châu Mỹ La tinh trong thập niên 1970 và 1980. Những chế độ chuyên quyền duy nhất không bị khủng hoảng tài chính rõ rệt là các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như Romania và Đông Đức. Nhưng sở dĩ như vậy hoàn toàn là do họ không đáp ứng điều kiện tối thiểu để có khủng hoảng tài chính – là phải có một hệ thống tài chính. Những hậu quả của khiếm khuyết này thì ai cũng biết rồi – thay vì những trồi sụt lớn tuần hoàn theo chu kỳ, những nước này bị đình trệ kinh tế lâu dài. Một nhà đầu tư vốn mạo hiểm chẳng phát đạt nổi trong chế độ đó.
Li nói ông đã nghiên cứu khả năng đạt thành tích của các chế độ dân chủ. Ít nhất là trong bài diễn thuyết này, bằng chứng cho thấy ông đã nghiên cứu chưa được thuyết phục cho lắm. Không có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia phải trả giá kinh tế vì có tính dân chủ. (Cũng nên lưu ý rằng cũng không có bằng chứng toàn cầu đáng thuyết phục cho thấy các chế độ dân chủ nhất thiết phải đạt thành tích tăng trưởng kinh tế tốt hơn các chế độ chuyên quyền. Có nơi có, có nơi không. Kết luận tùy từng trường hợp.) Nhưng về các lĩnh vực dịch vụ công, bằng chứng cho thấy các chế độ dân chủ nhỉnh hơn. Hai học giả David Lake và Matthew Baum chứng minh rằng các chế độ dân chủ ưu việt các quốc gia chuyên quyền về cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như y tế và giáo dục. Không chỉ các nền dân chủ lâu đời có thành tựu tốt hơn; mà cả các nước chuyển sang dân chủ cũng có cải thiện tức khắc về cung cấp các dịch vụ công này, và các nước quay trở lại với chế độ chuyên quyền thường bị sa sút.
Li đổ lỗi tình trạng tăng trưởng thấp ở Châu Âu và ở Mỹ cho dân chủ. Tôi hiểu tại sao ông có quan điểm này, vì đây là sai lầm phổ biến của những người quan sát hời hợt – Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 8 hay 9 phần trăm, còn Mỹ tăng trưởng với tỉ lệ 1 hoặc 2 phần trăm. Ông đang nhầm lẫn một hiệu ứng toán học của việc tăng trưởng thấp do cơ số lớn với một hiệu ứng chính trị của việc dân chủ kìm hãm tăng trưởng. Vì các quốc gia dân chủ thường giàu hơn và có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều, nên họ khó mà có tỉ lệ tăng trưởng bằng với các nước nghèo – và chuyên quyền – có GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều. Tôi xin đưa ra một so sánh ví von. Một cậu bé 15 tuổi có nhiều khả năng tự đi xem phim hay đi chơi với bạn bè hơn một cậu bé 10 tuổi vì cậu ta lớn tuổi hơn và trưởng thành hơn. Cũng có thể là cậu ta không lớn nhanh bằng cậu bé 10 tuổi vì cậu ta đã gần hơn với đỉnh của chiều cao con người. Quả là ngớ ngẩn nếu nhận xét, theo logic của Li, rằng cậu bé 15 tuổi lớn chậm hơn vì cậu tự đi xem phim.
Li nói rất rõ rằng ông ghét dân chủ, hơn là về các lý do khiến ông ghét dân chủ. Li bác bỏ dân chủ với lý do văn hóa. Trong bài diễn thuyết, ông khẳng định dân chủ là một khái niệm xa lạ đối với văn hóa Trung Hoa. Quan điểm này suýt nữa nghe buồn cười nếu không có những hàm ý gián tiếp. Như tôi vẫn hiểu xưa nay, vốn mạo hiểm là một khái niệm nhập ngoại nhưng dường như điều đó không cản trở Li theo nghiệp này và giàu lên nhờ nó. (Mà hình như “Eric” cũng là gốc gác nước ngoài phải không nhỉ? Tôi có thể sai về điểm này.) Ngược lại, Li có nhất nhất tôn trọng từng nguyên tắc của văn hóa và truyền thống Trung Hoa? Liệu Li có phản đối việc bãi bỏ tập quán bó chân của phụ nữ Trung Quốc?
Có một thực tế đơn giản là người Trung Quốc đã chấp nhận nhiều khái niệm và tập quán nước ngoài. (Xin nhắc một chút: đối với người Trung Quốc, chủ nghĩa Marx cũng Tây phương không kém Adam Smith.) Sẽ hoàn toàn chính đáng nếu ta tranh luận về những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào Trung Quốc nên chấp nhận, áp dụng hay phỏng theo, nhưng cuộc tranh luận này là về những tư tưởng mà Trung Quốc nên áp dụng, chứ không phải về việc liệu Trung Quốc có nên áp dụng bất cứ tư tưởng và tập quán nước ngoài nào hay không.
Nếu vấn đề là về những tư tưởng nào hay những tập quán nào nên áp dụng hay bác bỏ, thì khác với Li, tôi không cảm thấy đủ tự tin để biết chính xác những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào mà 1,3 tỉ dân Trung Quốc muốn theo hay muốn bác bỏ. Về mặt logic, một lập luận mang tính văn hóa để phản bác dân chủ không khiến người Trung Quốc không có được dân chủ, mà dẫn đến một phương hướng hành động để người dân Trung Quốc tự quyết định về các ưu điểm hay nhược điểm của dân chủ. Hơn nữa, nếu chính người Trung Quốc tự nguyện bác bỏ dân chủ, thì việc gì phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để chống và cấm đoán dân chủ? Không có cách nào tốt hơn để tiêu xài số tiền này hay sao?
Cho đến nay cuộc tranh luận này chưa diễn ra ở Trung Quốc, vì muốn có cuộc tranh luận này thì trước tiên phải có chút ít dân chủ cái đã. Nhưng nó đã diễn ra ở những môi trường Trung Hoa khác, và kết quả của những cuộc tranh luận đó là giữa văn hóa Trung Hoa và dân chủ về căn bản không xung khắc nhau. Hong Kong, dù không có chế độ dân chủ bầu cử, có tự do báo chí và chế độ pháp trị, và chẳng có bằng chứng nào cho thấy nơi này rơi vào cảnh hỗn loạn hay vô chính phủ. Đài Loan ngày nay có một nền dân chủ đầy sức sống, và nhiều người Đại lục sang thăm Đài Loan thường ngạc nhiên khi thấy xã hội Đài Loan không chỉ có dân chủ mà còn tôn trọng truyền thống Trung Hoa hơn nhiều so với Đại lục. (Xưa nay tôi luôn cảm thấy những người tin rằng dân chủ và văn hóa Trung Hoa xung khắc với nhau là những người thầm ủng hộ độc lập cho Đài Loan. Họ không xem người Đài Loan là Trung Hoa.)
Quả thật bản thân Li đã chấp nhận một số cải cách chính trị thường được xem là “Tây phương”. Các tổ chức phi chính phủ thì được, và thậm chí đôi chút tự do báo chí cũng được. Ông cũng ủng hộ đôi chút dân chủ trong nội bộ Đảng. Đó đều là những bước đúng đắn để đạt đến chế độ Trung Quốc có tính dân chủ hơn chế độ của Mao, và tôi ủng hộ cả hai tay. Chúng tôi khác biệt ở chỗ tôi cho rằng quyền tự do bỏ phiếu và cạnh tranh đa đảng là những bước mở rộng tự nhiên và hợp lý của những cải cách ban đầu này, trong khi Li vạch một ranh giới rõ rệt giữa các cải cách chính trị đã diễn ra và những cải cách chính trị tiềm năng mà một số người trong chúng ta đã cổ xúy. Dù gắng hết sức, tôi vẫn không thấy có gì khác biệt trên nguyên tắc giữa những cải cách một phần này và những cải cách hoàn chỉnh hơn có bao gồm dân chủ.
Li có một cách kỳ lạ để phản đối dân chủ: Ông phản đối nhiều cơ chế vận hành của dân chủ. Đặc biệt, ông có ác cảm với việc bỏ phiếu. Nhưng vấn đề là bỏ phiếu chỉ là cách để thực thi dân chủ, và ngay cả Li cũng ủng hộ có đôi chút dân chủ. Ví dụ, ông ủng hộ dân chủ trong nội bộ Đảng. Được, tôi cũng vậy; nhưng làm sao ta thực thi dân chủ trong nội bộ Đảng nếu không có bỏ phiếu? Như vậy hơi giống như ca ngợi môn thể thao quần vợt nhưng lại lên án việc dùng vợt để chơi môn này.
Li chưa đưa ra được một lập luận mạch lạc và hợp lý cho các quan điểm của mình về dân chủ. Tôi ngờ rằng, dù tôi không có bằng chứng trực tiếp, có một phương án đơn giản – ủng hộ các cải cách mà ĐCSTQ ủng hộ và phản đối các cải cách mà ĐCSTQ phản đối. Làm bộ làm tịch như vậy thì cũng ổn, nhưng đó không phải là một lập luận có nguyên tắc về bất cứ điều gì.
Nói vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng có một cuộc tranh luận quyết liệt về dân chủ là điều hoàn toàn lành mạnh và thực sự cần thiết – nhưng cuộc tranh luận đó phải dựa trên số liệu, dữ kiện, logic là lý luận. Theo tiêu chí này, bài diễn thuyết của Li chưa khởi xướng cuộc tranh luận đó.
Tuy nhiên, về mặt này, chế độ dân chủ và chế độ chuyên quyền không đối xứng nhau. Trong một chế độ dân chủ, ta có thể tranh luận và phê phán cả dân chủ lẫn chuyên quyền, như Li đã làm khi ông chê George W. Bush (tôi rất khoái chỗ này) và như tôi làm ở đây. Nhưng những người trong một chế độ chuyên quyền chỉ có thể phê phán dân chủ mà thôi. (Có tin kể rằng khi được thông báo có những người biểu tình la hét “Đả đảo Reagan” trước Nhà Trắng mà chính quyền Mỹ chẳng làm được gì với họ, Brezhnev nói với Reagan, “Có những người la hét ‘Đả đảo Reagan’ trên Quảng trường Đỏ và tôi sẽ chẳng làm gì với họ cả.”) Tôi chẳng có ác cảm gì với những người phê phán giới cầm quyền và tỏ ra nghi ngờ về dân chủ. Thực ra, khả năng làm được điều đó trong một nền dân chủ chính là sức mạnh của dân chủ, và một nguyên nhân quan trọng của tiến bộ nhân loại. Copernicus là Copernicus vì ông lật đổ, chứ không phải vì ông tái tạo thiên văn học Ptolemy. Nhưng với cùng tiêu chí đó, tôi quả thật có ác cảm với những người không thấy ưu điểm của việc cung cấp quyền tự do mà họ đang có cho những người hiện chưa có quyền tự do đó.
Giống như Li, tôi không thích giọng điệu cứu tinh mà một số người dùng để ủng hộ dân chủ. Tôi ủng hộ dân chủ vì những lý do thực dụng. Lợi ích quan trọng nhất của dân chủ là nó có khả năng chế ngự bạo lực. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature, tác giả Pinker cung cấp những số liệu thống kê đáng kinh ngạc: Trong thế kỷ 20, các chế độ toàn trị gây ra 138 triệu cái chết, trong đó có 110 triệu ở các nước cộng sản. Các chế độ chuyên quyền làm chết thêm 28 triệu người nữa. Các chế độ dân chủ làm chết 2 triệu người, chủ yếu ở các thuộc địa của họ cũng như những vụ phong tỏa thực phẩm và đánh bom dân sự trong chiến tranh. Như Pinker đã đề cập, các chế độ dân chủ thậm chí gặp khó khăn trong việc xử tử những kẻ giết người hàng loạt. Theo lập luận của Pinker, các chế độ dân chủ có “một mớ bòng bong các giới hạn về thể chế, nên một vị lãnh tụ không thể chỉ việc hứng chí huy động quân đội hay dân quân dàn trải khắp nước rồi bắt đầu sát hại hàng loạt dân thường.”
Ngược lại với những điều dường như Li được chỉ bảo khi ông là một anh chàng hippie Berkeley, ý đồ của dân chủ không phải là dân chủ dẫn đến một cõi Niết bàn, mà là dân chủ có thể giúp ngăn chặn một địa ngục trần gian. Dân chủ còn nhiều, nhiều vấn đề. Chức năng bảo hiểm này của dân chủ – về giảm thiểu các thảm họa – thường bị lãng quên hoặc bị xem là đương nhiên, nhưng đây là lý do quan trọng nhất khiến dân chủ ưu việt hơn tất cả mọi chế độ chính trị khác từng được loài người phát minh cho đến nay. Biết đâu một ngày nào đó sẽ có một chế độ tốt hơn dân chủ, nhưng chế độ chính trị của Trung Quốc, theo cách diễn đạt của Li, không phải là một trong những chế độ đó.
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) là Giáo sư Kinh tế Chính trị và Quản trị Quốc tế tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Viện Công nghệMassachusetts (MIT) và là nhà sáng lập cả Phòng Nghiên cứu Trung Quốc lẫn Phòng Nghiên cứu Ấn Độ ở trường Sloan của MIT. Các bài viết của ông đã đăng trên The Guardian, Foreign Policy, Forbes, và gần đây nhất là trên Foreign Affairs, nơi ông tranh luận với Eric X. Li về một chủ đề tương tự. Năm 2011, giáo sư Huang nói chuyện ở diễn đàn TEDGlobal về dân chủ và tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra

[i] Xem bài phỏng vấn tác giả giới thiệu sách ở đây. (N.D.)
[ii] Xem thêm về Nạn đói lớn ở đây. (N.D.)
ShareSHARE
http://www.procontra.asia/?p=3517