Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Ghi chép về Cải cách Điền địa ở Bắc ninh 1955-1956 (5)

Trần Dần

Tháng 9 28, 2014
Phạm Thị Hoài biên soạn
Đợt 4: 76 xã Bái Bắc
Con giết bố mẹ: 26 vụ
Vợ giết chồng: 7 vụ
Anh em giết nhau: 14 vụ
Chú giết cháu: 4 vụ
Bố giết con: 1 vụ
Đốt nhà: 86 vụ
*
Đoàn ủy Bái Bắc bị kiểm thảo đợt 4
- Không nhận thức rõ địch, cho rằng những vụ án mạng là do cán bộ làm sai chính sách;
- Xong lại lệch sang mặt khác, đề ra những khẩu hiệu sai: „Nắm vững phương châm đánh địch để tiến hành CCRĐ“, „Thông qua chống phá địch để hoàn thành CCRĐ“…;
- Đội bắt rễ người tổ chức cũ mà tốt thì thôi. Xấu thì lại phê phán là dựa vào tổ chức cũ. Đội bảo: Trên nói thế nào cũng được.
- Chỉ căn cứ con số người tổ chức cũ mà phê phán là dựa vào tổ chức cũ;
- Nhận định sai: Tổ chức cũ là hỏng nghiêm trọng (đúng), nhưng cá biệt người trong tổ chức cũ vẫn tốt. Cá biệt là sai. Chính ra là rất nhiều người tổ chức cũ tốt.
- Hỏi cái gì cứ trả lời: Về đi xâu nữa đi. Không biết đi xâu thế nào?
Tỉnh phê bình đoàn ủy
Phượng Mao nhiều ngụy quân ngụy quyền. Đồng chí Cần (đoàn ủy cụm trưởng) không có kế hoạch gì, cứ bảo tránh tổ chức cũ, đi sâu tìm người tốt. Đội hoang mang, tìm đâu ra người trắng như tờ giấy trắng. Không bị bắt thì bị tù, không tù thì ngụy. Loanh quanh đường vòng mãi. Bước 2 cũng không kết nạp được đảng viên. Chỉ vì lý do muốn người trắng như giấy trắng. Chật vật quá. Trên cứ thúc, đề mức 10 người. Gạn lắm chỉ được 5 là cùng. Đoàn ủy chỉ lấy nguyên tắc, lấy mốc mà ép xuống.
Tỉnh: „Chết thật rồi anh Cần ạ. Họ đi hết cả, tình hình ruộng đất không ai nắm được. Anh làm thế nào giúp đỡ cụ thể chúng tôi mới làm được.“
Cần: „Cứ về đi xâu phát động quần chúng xem, nhất định còn có người biết.“
Ông Cần đi, ông Đạt đến thay, mang theo một cái mức của đoàn ủy là mức ruộng đất năm 1936. Chỉ những mức là mức, đội càng hoang mang.
Về gia đình nhà Sợi (lang thuốc) năm lần bẩy lượt đồng chí Cần cũng không duyệt cho là địa chủ, cứ cho là tiểu thương. Đội đành cứ để Sợi là tiểu thương.
Lương phê bình đoàn ủy
Duyệt cho bắt người xong thì đồng chí đoàn ủy khác lại phê bình. Cho tổ chống phá xuống, chưa làm được gì lại cho rút đi.
X phê bình đoàn ủy
Đồng chí Cần: „Xóm này 80 người thì mức chỉ độ 4 địa chủ thôi.“ Thế là đội chỉ cố quy lấy 4 địa chủ. Lọt mất Sợi.
Thông tri sản xuất bước 3 bước 4 chống đói. Chỉ thấy thông tri. Người chống đói giỏi chả thấy khen thưởng. Nội san chỉ phê phán cán bộ nhiều quá, thiếu động viên.
Y phê bình đoàn ủy
Lên hồ sơ ác bá Sợi rồi, phát động xóm mà lên hồ sơ, lên duyệt, đồng chí Cần không duyệt, cứ bảo: Ác bá thì sao xóm này không có tay sai?
[...] Trên cứ giáng xuống chỉ thị nào, mức nọ mức kia nào. Làm đoàn ủy như vậy thì cũng dễ. Trình bày ra thì chi ủy lại xua tay đi. Khuếch khoác lung tung.
*
Chết
Bà cụ chết
Treo cổ trên đống gio. Chân đứng khom khom đụng đất, Da mặt nhợt nhạt răn reo, nhưng không sưng to. Gióng chân chảy máu. Dư luận là bà cụ trước có thuê mướn người làm, phát ruộng thu tô. Gióng chân chảy máu là do gà mổ. (Bị địch lấy đá đập vào âm hộ, máu chảy xuống tận chân.)
Chị Nguyễn Thị Tiến bị giết
Bần nông bị giết để bịt đầu mối chính trị.[...] Sao mà ở xã ta chết nhiều thế? Vẫn cứ tiến hành trên cái việc là truy bá, hồ sơ.
Chị Tính bị chết
Trung nông. Địch chui vào làm thống kê, đẩy lên phú nông. Không ai đi lại nữa, nhà vắng. Trước có đi buôn tề, nên biết chúng nó ăn uống, họp hành.
Cái xóm Lãn Chanh này từ trước vẫn tốt, nó để giết lan tràn tới, rồi thì các xóm Đồng khác cũng sẽ xảy ra nữa.
Anh Xuyên bần nông
Hôm ấy lập tòa án xử các vụ đầu. [...] 10 giờ trưa họp xóm, ban nãy Xuyên lại đem một khẩu súng đi họp. Rồi tới đình, chỉ có một mình thì bị bắn chết. Khám: Mái đình có lỗ hổng. Gáy Xuyên có một viên đạn xiên ra loe loét tới mắt.
Nhận thức là do địch thì cũng chết, lại phải bới ra. Nhận thức không phải là địch thì cũng chết với trên. Dư luận: hóc đạn mà chết. [...]
Tên Nhất chết
Ba nữ du kích gác, nó trốn mất. Ra bờ sông treo cổ. [...] Đội còn loay hoay diện tích sản lượng trên giao cho. Nhân dân thắc mắc: không biết đội về làm ăn ra sao mà chết người nhiều thế? Các công việc bù đầu, cuốn đi: phát triển Đảng, du kích, tòa án…
Phú nông Mẫu treo cổ không chết
Tôi giật mình sợ quá, chết mãi thế này, không thiết cơm nước gì nữa.
Lại một vụ đốt nhà thôn Yên Bộ [...] Giết trung nông Trạch [...]
*
Kiểm thảo Tỉnh, Đội phó Phượng Mao
Người loắt choắt. Nét mặt dễ thương. Trông cả người giống một trai làng nhanh nhẹn, thực thà, mặt thông minh. Riêng có một cái răng vàng, điểm cho toàn bộ người một cái nét lõng lạc, không hợp. Áo sơ mi trắng ở trong bẻ cổ ra ngoài áo nâu, ngoài cùng vận áo trấn thủ xanh do Đoàn ủy cấp cho cốt cán. Tay có đeo nhẫn vàng. Một cái đồng hồ Vi-la Vi-lắc dây đen. Cộng với cái răng vàng là 3 cái diện trên người. Ăn nói to tát, hơi mạnh mà sắc, đầy nhiệt tình tin tưởng, thực thà mà lại ngây thơ giản đơn. Lôi cuốn được người nghe, sự ngây thơ đôi lúc làm người nghe bật cười, thi thoảng khó chịu vì sự giản đơn gần tới máy móc.
Sơ qua một vài cái lý lịch và hoàn cảnh gia đình: Ông bà chết cả, quê Thái Bình. Thày mẹ lên Thái Nguyên làm mỏ, rồi về làm tá điền, làm bãi. Được tạm cấp 1,2 mẫu.
Vào bộ đội, yếu sức trên cho về. Làm thuê, đào mài mót sắn. Bốn em gái lấy chồng cả.
Chi ủy phân công cho ở xóm trọng điểm, xóm Mao Yên. Năm người (Thành, Lương, Tỉnh…), mỗi người một ngả thăm nghèo hỏi khổ. Một buổi chiều không bắt được rễ đã nản. Xóm này hết người tốt rồi.
Tìm được chị Phức. Hai mẹ con đi ở nhờ. Chị Phức mắt kém, người bẩn thỉu, con ốm. Không chắc chị này về sau có công tác được không? Ghê chị này bửn.
Không thấy định hoạt động gì cả. Có lẽ giảm tô đã đánh hết địch. Quần chúng xóm này thuần. Tư tưởng rất là thoải mái. [...]
Hết bước 1 [...], Tỉnh được đề bạt đội phó. Đêm lo. Chữ nghĩa kém, lãnh đạo chưa làm bao giờ. Giá ở trên cứ cho lãnh đạo một xóm thì nhẹ nhàng, chứ cả xóm thì vất vả.
Xóm Dộc chết một em bé, cháy nhà Đụt. Tỉnh cương quyết là địch. Nhưng qua một thời gian không tìm ra lại nghĩ hai vấn đề. Có khi là địch! Có khi là ông Đụt làm cháy và em bé kia đi chăn trâu bị chết đuối.
Đả vào bần cố nông, thí dụ bà Thông cố nông, bà Trọng bần nông, anh Mưu Đảng viên cũ. Tư tưởng thành kiến Đảng viên cũ. Họp đêm về họ tới thắc mắc thì chỉ giải quyết qua loa, xua về để đi ngủ. Họ thắc mắc, bất mãn, đi nói bừa đi. Cho là địch, chứ bần cố nông không có người thế.
[...] Trong Ban chấp hành đội có 3. Cho mình là người ngồi giữa ông Khương với ông Thành. Hợp ông Thành, không hợp ông Khương vì thấy ông ấy nói nhiều, ông ấy có văn hóa cao, ông ấy còn giỏi hơn cả ông Thành thì hợp tính với ông Thành thôi. Nên họp là hay đồng ý ông Thành. Ông Khương đâm ra thiểu số.
Quên không làm nhiệm vụ xây dựng Đảng, mặc dầu Bác nói: „Nhân dân được ruộng, Đảng phải được cán bộ trong sạch.“ Người đi tù, người bị bắt, người toét mắt, khó lòng vào Đảng cả. Cả xóm không ai được kết nạp.
[...] Không thực sự ba cùng. [...] Hôm bão Đảng bảo phải về đêm báo cho nhân dân chống nhà. Về chỉ dặn gọi loa là chống nhà thôi, không nói bão. Cả cái xóm Lại Phố Mới đổ mấy chục nóc. Xóm Yên có chuẩn bị nên chỉ đổ 7 nóc. Lúc bão nhà xiêu cũng mặc kệ, bỏ sang nhà khác. Sau ra điếm. Vì sợ nhà đổ chết.
Không biết sao mà trên đặt cho ruộng mình nhiều như thế này? Trên không biết có sắp xếp tính toán không? Chết cái thằng ở dưới thôi.
Mong nó là địa chủ mà không lên được. Gạn mãi cho nó lên phú nông. Đấu mãi giờ mới thấy là đấu chệch (Doanh, Thiện giờ chỉ là trung nông). Lại lọt tên Tràng là phú nông Quốc dân Đảng xuống trung nông. Vẫn đi họp xóm.
Ra họp xóm thấy anh em lóng ngóng nên cứ làm lấy.
Bắt vít nó lại, không có hôm nay nó đốt mất mấy cái nhà. Mai hãy thỉnh thị cũng được.
Lãnh đạo tư tưởng cán bộ nói thẳng ra là tôi không làm được.
Chia ruộng xấu cho cốt cán, ép lấy, bảo là phải gương mẫu.
[...] Đối với cán bộ thì nóng. Bực mình khó chịu. Họ lên báo cáo đã có tư tưởng ấn định ngay là làm láo báo cáo hay. Chỉ có một cách là thúc, đốc cho nhanh.[...] Làm việc luộm thuộm. Tối nay làm việc gì? Chưa định. Tính hấp tấp. [...] Chạy hết xóm này xóm khác, đốc, thúc, nóng nảy. Mai tao cho nó làm bản kiểm thảo mày ạ. Nó phát biểu nghênh ngang lắm.
Chi ủy lãnh đạo: Chúng ta nên phê phán đồng chỉ Tỉnh căn bản là thiếu tự tin. Tất cả như trên là do thiếu tự tin.
Kết luận: Đồng chí Tỉnh không tự tin ở mình, không tự tin ở bần cố nông, không tự tin ở anh em cán bộ, không tự tin ở trên.
*
Mức của trên
Anh cán bộ A: Chúng ta phải tra diện bình sản làm sao cho đúng được cái mức của trên.
Cán bộ B: Khoan đã. Sao lại cho đúng mức của trên? Chúng ta cứ tra diện bình sản cho đúng cái sự thực mới phải chứ. Sự thực có thể cao hơn, có thể thấp hơn mức của trên cũng mặc kệ. Thế mới phải chứ.
Cán bộ A tịt, nhưng mà ấm ức.
*
Tay sai tích cực
Anh ta là bần nông, độc có hai vợ chồng, trước có đi ngụy binh và có chân trong Quốc dân Đảng. Khi cải cách, bọn địa chủ dọa anh ta những liên quan nọ kia, lại vung của ra, đi đến chỗ anh ta nhận làm hai việc cho chúng: một là hiếp dâm, hai là ăn cắp. Mục đích làm cho nông dân hoang mang không đi họp hành, đi đồng. Nhà có ba người thì chỉ dám đi một hoặc hai, còn một hoặc hai phải ở nhà coi nhà.
Tối hôm đó anh xông vào nhà chị X. Chị có một mình, anh đè chị ra hiếp. Xong chạy ra, chị X đuổi theo nắm áo kêu làng nước. Chị X nhận được mặt anh ta rồi. Anh đấm một quả chị X ngã quay, xong chạy biến. Lát sau anh vác một cái bị gạo về nhà. Anh ta vào một nhà khác ăn cắp gạo, liền một lúc làm luôn hai việc.
Chị X cũng chỉ cho là anh ta nứng tình, chị đi tìm mách vợ anh ta. Vợ thấy chồng xách bị gạo về thì mừng, nhưng biết chuyện anh ta hiếp chị X thì cắn nhá chồng suốt đêm. Anh ta cứ im thin thít, quay mặt vào tường ngủ khì.
Chị vợ tìm đến đội kiện chồng. Đội cũng chỉ coi là một vụ hủ hóa mà thôi. Mãi sau mới vỡ chuyện.
*
Tổng kết
Em tổng kết là trong CCRĐ nhà em bị rút 3 sào ruộng.
Tôi tổng kết là tôi ủng hộ nhân dân đấu tranh nay đã thắng lợi, người được ruộng người được trâu, tôi chỉ được mỗi quả núi Đáp Cầu. Tôi chỉ xin đội chia cho 500 mua thuốc rỏ mắt, thức toét ra cả mấy tháng.
Tôi là trung nông, kỳ này được rút số ruộng công quá mức bình quân nhân khẩu. Tôi được cái thắng lợi là là tình thương yêu giai cấp, rút ruộng ra cho anh em bần cố nông. Tôi được cái thắng lợi nữa là ưu thế chính trị đi học, đi hội nghị, tự do đi lại.
*
Nói tố lên
Bọn chúng nó phá hoại hòa bình. Nó tuyên truyền cho dân rằng nay mai có máy cày Liên Xô sang nhiều, trâu bò không cần dùng đến nữa. Chúng nó lại tuyên truyền tinh vi đến như vậy, tưởng như là hay lắm Kết quả thế nào? Nhân dân vui sướng quá, bán cả trâu, có người đem trâu ra thịt mất. Đúng thế. Có con trâu 11 vạn mà chỉ bán thốc bán tháo có 5,6 vạn thôi!
*
Vụ án Bình Dương
Anh là cán bộ miền Nam, không rõ lai lịch thế nào, chỉ biết là tính rất hăng. Máu nóng thanh niên. Mê lý tưởng. Cả đội Bình Dương dùng nhục hình. Anh phản đối, độc thân: „Tôi cương quyết bảo vệ chính sách.“
Ở Bình Dương địch gây ra mười mấy án mạng. Sau đội tìm ra một tên „ác bá Quốc dân Đảng“. Và một số „tay sai“. Đội xử trí tay sai, đấu ác bá, kết án tử hình. Anh phản đối: „Ác bá gì? Đó là trung nông. Tay sai gì? Vì họ thấy là đánh vào trung nông, họ phản ứng.“ Anh khăng khăng một mực như vậy. Trong hội nghị tổng kết, những khi liên hệ anh liên hệ ngược lại cả toàn đội. „Tôi không thể nói khác được.“. Sau anh trình lên trên, nói với ĐDKỳ [1], với Hồ Việt Thắng. Trên cho một phái đoàn kiểm tra lại vụ án trên.
Đảng ủy thì lại đồng thời đình chỉ học tập của anh. Mời lên Đảng ủy, ở ban tổ chức. Bảo rằng: Không phải giam giữ kỷ luật gì đâu, nhưng mà còn đang xét thì anh ở trên này có lợi hơn. Bảo thế, nhưng thực tế anh lại thấy có cán bộ tới đưa anh giấy bút bảo „kiểm thảo“. Anh nói: „Tôi có tội gì mà kiểm thảo? Óc tôi bây giờ chịu.“ Anh nhất định không kiểm thảo.
Đi một bước lại có người theo. Bạn bè không được tới thăm hỏi. Anh bảo: „Thế ra tao bị xử lý à? Người ta đối với tao hơn với ác bá à? Tao bảo vệ chính sách đi đến nước này à?“
Câu chuyện chưa có kết luận.
*
Tảo hôn
Chị cốt cán 20 tuổi. Đi họp. Vào Đảng. Vào Ủy ban.
Trong khi đó đức ông chồng 13 tuổi trèo me bẻ sấu. Đánh đáo. Đánh nhau. Người ta kêu ngoài ngõ: „Có chồng mà không biết dạy à. Để nó bẻ cả chuối nhà người ta rồi.“ Lát nữa lại có em bé khác chạc 12 tuổi ôm mặt sưng vêu vào mách chị: „Nó đánh em thế này đây.“
Chị cốt cán đang đun rơm thổi cơm bỗng dưng mắt đỏ hoe, có nước. Vì khói hay sao?
*
Sợ địch quá
Anh cán bộ X đêm nằm bắt hai du kích nằm ngủ bên. Đề phòng địch ném lựu đạn hay bóp cổ ám sát mất cái thân cán bộ nhân dân.
Đêm tối, anh X bỗng choàng tỉnh. Trời khuya gió lộng. Nghe gió nó rít mà ghê người. Bóng đen dày đặc, bóng đen kia mang trong mình bao nhiêu hăm dọa. Lục cục… Tiếng chuột chạy, như tiếng chân người. Hay là tiếng chân người thực? X lắng nghe, trống ngực thình thình. Chết mất thôi. Có tiếng người xì xào xì xào… X giật thót mình. Tiếng nghe quen quá, như là tiếng hai anh du kích kia. Họ bàn gì với nhau? Sao họ không ngủ? X lắng tai, vẫn không nghe thấy gì. X bò ra vách cửa. Kìa hai đứa đang ngồi lù lù ở hè, bàn tán nhỏ to cái gì. X cố mãi mới nghe thấy lõm bõm: Mày… bắt… Tao… bắt… Mày… khỏe… Tao… yếu…
X toát mổ hôi. Chúng nó bàn nhau bắt mình rồi. X run quá. Chân như rời khỏi người. Ở đây thì chết. X nghiến răng, lấy hết sức chỉ huy mình, chạy vụt ra ngoài. Vừa chạy vừa kêu Ối làng nước ôi nó giết tôi… Làng nước ôi!
Làng nước kéo đến. Người ta bắt hai anh du kích kia đưa lên công an.
Hai anh kia có phải là phản động chăng? Truy ép mãi, thì ra chỉ là: Hai anh kia không ngủ được, tán gẫu, hỏi nhau mày ăn mấy bát tao ăn bằng này bát, mày ăn khỏe tao ăn yếu. Anh X bị địch ám ảnh quá, thần hồn nát thần tính mới nghe ra như vậy, chứ có ai định ám sát người cán bộ của Đảng ấy đâu?
*
Tư tưởng thành tích
Đem một bần nông, thổi phồng khuyết điểm, quy thành cường hào gian ác, xử tử hình. Anh nào cũng muốn xóm mình có bá. Lại muốn bá xóm mình thật ác, lắm tội, thành bá xã, bá vùng. Lại muốn bá xóm mình càng bị xử nặng càng thành tích. Cán bộ tranh nhau cho bá mình nặng tội.
Anh nào cũng muốn cho rễ xóm mình trở nên những bí thư, chủ tịch. Cán bộ tranh nhau cho rễ được kết nạp, được đề bạt.
(Còn tiếp)
© 2014 pro&contra

[1] Nguyên văn chữ viết tắt, tôi không chắc chắn, vì trong số các nhà lãnh đạo ở chức vụ tương đối cao thời gian này có ông Đào Duy Kỳ, nhưng theo hiểu biết của tôi thì ông hoạt động ở một lĩnh vực khác. Vậy xin để nguyên dạng viết tắt. (Chú thích của người biên soạn)
ShareSHARE
http://www.procontra.asia/?p=4902

Ghi chép về Cải cách Điền địa ở Bắc ninh 1955-1956 (4)

Trần Dần

Tháng 9 27, 2014
Phạm Thị Hoài biên soạn
Con giết mẹ ở Tiên Hưng, Thái Bình
Bảo là vợ ngã ao mà chết, nhưng sao vợ chết chồng lại bỏ đi? Đội mới xem chỗ cầu ao, thấy nông không đến một thước thì không thể chết đuối được. Mà chết thì phải quẫy, đằng này bèo không bị bới lộn lên gì cả.
Nữ đội phó khám tử thi. Người con gái cứ khóc bù lu bù loa. Nhưng nhìn kỹ ít nước mắt lắm. Có lúc không có nước mắt mà vẫn kêu. Quái, nó là con sao không biết thương mẹ? Mà sao nó cứ ôm lấy đầu mẹ nó? Khám đầu không được, gạt nó ra nó lại xô vào ôm chằm lấy đầu mẹ nó. Gạt hẳn ra khám đầu, thấy một vết dao. Thế tức là có án mạng chứ không phải tự vẫn. Cô con cũng ngã ngửa người ra. Ừ thế là có người giết mẹ tôi.
Phát động nhân dân: Cô con gái là người không tốt. Nó 27-28 tuổi, đã lấy chồng, cứ chửi mẹ chăm chẳm cả ngày. Sao nó biết mẹ nó chết ở ao, nó ra đúng chỗ mà tìm (không phải cầu ao).
Truy mãi, cô con gái đành phải thú là do một tên phú nông Quốc dân Đảng xúi giục: mẹ mày là địa chủ, nhân dân nó truy tố thì hết của, chi bằng giết mẹ đi, không còn trông vào đâu nữa thì mới giữ được của mà ăn.
*
Cả làng đóng cùm
Xã Dược Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh truy bức lung tung, bắt tới 23 bần cố trung nông. Sửa sai xử ra thì chỉ có một tên là Thiệu phải đi tù. Một vài người thì có liên quan vụ án, còn đa số là oan.
Du kích cứ lên cầu Tây vác gỗ về. Rồi thợ mộc cứ côm cốp đóng cùm vang ầm cả làng lên.
*
Địa chủ ngủ với em gái
Ở Thái Nguyên. Địa chủ lôi em gái vào chuồng trâu hiếp. Em gái nói, nhỡ chửa thì chết mất. Địa chủ bảo, chị mày tao ngủ như bổ củi cũng chẳng chửa nữa là.
Đang khi đó chị người ở dắt trâu về, thấy địa chủ còn đang ngủ với em gái. Chị sợ quá định quay trâu ra, tên địa chủ gọi giật lại, xong thấy hắn đứng lên lấy cái vác cày đập một cái, cô em vỡ sọ chết. Hắn bảo, mày trông gương đấy, nếu mà nói lộ ra ông sẽ giết tươi. Sau đó hắn thủ tiêu người em gái, ném xuống ao, làm như chết đuối.
Vụ án mạng giấu mãi 10 năm, tới ngày CCRĐ chị người ở mới dám nói ra.
*
Chê vợ
Anh ta là Đảng viên. Năng lực có thể là xã đội hay chi ủy viên. Nhưng phải cái tội trai gái nên anh em không trao cho nhiệm vụ xứng đáng. Anh lên huyện, lên tỉnh, hay đi bộ đội, đi đâu cũng phải trả về vì mỗi lý do là cứ thấy gái là tít mắt lại, lăng nhăng.
Anh có vợ, được một con. Anh khăng khăng đề nghị chi ủy giải quyết cho tôi. Anh đòi ly dị vợ. Không có chúng tôi không thể sống với nhau được. Không biết có phải vì anh yêu cô nào khác không thì không rõ. Kể về trai gái thì anh ấy có hàng trăm vụ biết đâu mà lần.
Chi ủy khó cư xử quá. Không biết làm thế nào. Năm lần bảy lượt đề nghị lên huyện, để huyện giải quyết cho, chứ không thì hai bên không có hạnh phúc mà tương lai càng khổ, chi bằng giải quyết sớm đi cho họ, mỗi người một đằng xây dựng cuộc đời cho nó còn sớm sủa. Huyện lắc đầu, vì không có lý do chính đáng nào cả. Chị vợ thì lại không đồng ý bỏ. Thế mới rầy rà. Một lần anh ta đã thắt cổ, xong mẹ và vợ cứu được kịp thời.
Chuyện chê vợ đó đã lằng nhằng 4 năm nay rồi vẫn chưa giải quyết xong. Đến nay vẫn vậy. Hiện giờ anh ấy có nói thêm một lý do: Vợ tôi là cháu địa chủ, tôi muốn dứt khoát hẳn đi!
*
Tư tưởng cán bộ muốn có rễ tốt
- Phát triển anh này, nó ngụy binh thì sau này không thể được kết nạp. Mà mình là cán bộ tổ chức lại vớ phải rễ thế này thì còn ra thế nào?
- Rễ mình mà không nổi thì công tác mình còn thành tích gì nữa?
- Bỏ mẹ! Mấy ngày rồi mà chưa có rễ. Không có rễ tốt, phen này lại khuyết điểm!
*
Oan là tổ chức cũ
Sau giảm tô, anh cốt cán Lụt được lên chủ tịch. Đội giảm tô đi có dặn: Địa chủ đã thoái tô thì cho nó bán gà lợn của nó.
Nhất trời nhì đội, anh cốt cán tuân theo.
Tổ quốc tế về kiểm tra thôn quê, tỉnh rồi huyện có lệnh: Kẻ biển tự do đi lại, đổi giấy thông hành trắng ra giấy xanh như mọi người cho địa chủ. Mục đích là tỏ ra mình bảo đảm quyền tự do đi lại.
Anh cốt cán Lụt tích cực thi hành.
Xong lại có lệnh đảm bảo thóc thuế nông nghiệp. Lệnh rằng: Nếu địa chủ nó không có nhân công thì mình phải tìm nhân công chuyển cho nhanh thóc thuế của nó, và phải đảm bảo tiền công cho anh em nhân công.
Lụt lại thi hành nhanh chóng.
Đến khi đội cải cách về mới thành vấn đề. Nhất trời nhì đội, cả quần chúng, cả đội cũng tự nhìn mình như thế. Đội nghe thấy dư luận: anh cốt cán lên làm chủ tịch, không biết sao lại cho địa chủ bán lợn gà phân tán tài sản, cấp giấy thông hành xanh cho nó, lại còn vận động nông dân gánh thóc thuế cho nó. Đội kết luận: anh Lụt này bị nó mua chuộc thành tay sai địa chủ rồi. Tổ chức cũ ấy xấu, con người tổ chức cũ ấy cũng hỏng. Âm mưu địa chủ ghê thật.
Dĩ nhiên từ đó anh Lụt mất tín nhiệm, đội cũng chẳng nói gì với anh, anh cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết rằng tự nhiên đội chẳng hỏi han gì anh nữa. Anh bị bỏ rơi.
Viết chuyện này, bà con sẽ phê bình người viết và sẽ khối thắc mắc, nào tại sao lệnh của trên mà đội không biết, tại sao đội giảm tô với ủy ban huyện với đội cải cách không thống nhất. Nào tại sao đội cải cách không đi xâu mà đã kết luận hấp tấp. Nào tại sao anh Lụt không biết mà thanh minh.
Cuộc đời nó như vậy đó, sự thực nó trớ trêu chứ có phải tại người viết bịa đặt ra đâu?
*
Liên quan địa chủ
Bà Toán goá chồng, trung nông, tự dưng bụng to ra, bà con điều tra là bà Toán có chửa với địa chủ Tâm goá vợ. Sau lại thấy nhà bà có con lợn của địa chủ Tâm. Bà con xì xào: nhận của phân tán của địa chủ.
Bà Toán bị coi là tay sai địa chủ, bà con kể ra lắm tội, từ cái việc bà Toán mất con gà vén váy chửi đổng cũng bị coi là lập mưu vờ mất gà để chia rẽ nông dân, v.v… Cán bộ bước tới ngõ định vào là bà con đã kéo áo: Tay sai địa chủ đấy… Liên quan đấy…
Về sau điều tra lại thì ra địa chủ Tâm lại xuống trung nông… Cán bộ giảng giải chính sách đoàn kết trung nông. Bà Toán lại đi họp. Những chuyện thông dâm và nhận lợn không ai nói tới nữa. Mà người ta lại nói tới những đức tốt của bà Toán, những nỗi khổ của bà. Bà trở nên loại tích cực, chuỗi tốt! Từ cái việc bà mất con gà vén váy chửi đổng người ta cũng bảo thế là đúng rồi của đau con xót, và người ta quy, chắc lại tay sai địa chủ nào nó ăn cắp gà của bà để gây chia rẽ nông dân thôi.
*
Đấu bị hở miếng
„Mày hiếp tao.“
„Đâu nào? Có ai làm chứng?“
Chị ấy mới kể cụ thể, nào những cởi dải rút, đè ra, v.v… Nó bảo: „Thế về sau chị chả đồng ý, cứ rên hừ hừ là gì?“
„Mày có hiếp tao không?“
„Có.“
„Hiếp thế nào?“
Nó trâng tráo kể ra, lại xen những cái xỏ lá vào: „Tôi hiếp một lần, lần sau chị ấy đồng ý…“
*
Địa chủ Hàm
Mới 28 tuổi. Cách mạng thì mới 18 tuổi. Nó vào Bình dân Học vụ. Xong làm ông giáo đến nay. Đời hắn không làm gì rõ ràng tội ác. Làng xóm vẫn sợ hắn vì uy thế từ đời ông làm chánh tổng, đời cha làm lý trưởng.
„Thưa trên là có đội, dưới là các cụ ông cụ bà anh chị em tức là nông dân, tôi đã biết lỗi lầm địa chủ là không tốt, thì của cải chúng tôi không nhận trưng mua nữa, chúng tôi ủng hộ bà con và chính phủ cả!“
„Của mày đâu mà mày ủng hộ?“
„Không phải của tôi nhưng tôi ủng hộ cái việc trưng mua ấy.“
*
Lo lên bá
Đội truy bá. Sự thực toàn những tiểu bá, bá xóm cả. Nhưng cả đội đã sốt ruột. Các xã người ta cờ giong trống đánh, đấu bá cứ ầm ầm cả lên rồi. Xã mình mãi không tìm ra bá xã mà đấu. Nên cứ sốt vó cả lên.
„Cứ quy nó là bá xã cũng được chứ sao? Nó cũng có dính dáng đến một xóm khác Ở chỗ: nó đem đánh vịt qua xóm người ta, xong chửi mắng bà con cho vịt nó đi đấy thôi?“
Một anh cãi: „Có một tội xíu ấy quy lên bá xã làm sao được?“
Nhiều tiếng khác: „Cứ quy mẹ nó lên. Cũng chẳng oan ức gì chúng nó mà sợ.“
Thế là quy lên bá xã.
*
Trung nông quy lên phú nông
Đối với nhà Tiều, bà con tố rất nhiều những thái độ những cư xử những tội tình lầm lỗi từ mấy đời. Cũng có cả bóc lột nữa.
Lương phụ trách lên biểu. Lương lấy biểu mãi vẫn không thấy đủ tiêu chuẩn, công xá gạn mãi cũng không đủ 240 công.
Thành là đội trưởng cứ bảo: „Cố lấy biểu mà quy cho nó lên phú nông.“
„Nhưng mà tôi đã cố mãi rồi không đủ. Thì chi ủy phải xét lại cho kỹ. Không thể lên phú nông được.“
Thành lườm: „Cậu thì cứ hẹp hòi, cò kè công xá mãi. Quy lên phú nông thì có lợi cho CCRĐ, trường hợp đặc biệt còn tiếc gì mà không quy?“
Lương trình bày cặn kẽ bao nhiêu công… bao nhiêu công… Nào đã gạn mãi. Nào đã cố mãi mà không được.
Thành bảo: „Cái thằng Tiều ấy mà không quy lên phú nông được thì tiếc lắm nhỉ.“
Sau cứ quy lên phú nông.
*
Địa chủ Sợi là lang thuốc
Diên là cán bộ xóm đã cùng cốt cán điều tra lên biểu địa chủ Sợi. Ruộng đất đủ tiêu chuẩn mà không có lao động. Chỉ mắc cái là Sợi có nghề bốc thuốc. Nhưng Sợi bốc thuốc từ 49 về trước, từ 49 thì hắn chỉ bán sì sằng tí thuốc cam, cả nhà có mấy cái lọ bằng nắm tay nhì nhằng. Theo bà con thì hắn sống bằng tô. Đến 53 thì hắn chết. Còn vợ vẫn bán thuốc cam và cho phát canh 7 mẫu ruộng.
Diên báo cáo lên, trên chi ủy cứ gạt đi. Người ta có nghề thuốc, quy là tiểu thương thôi. „Một mình tôi cãi chả lại“, thế là Diên chịu lép vế. Giải thích lại cho bà con, không ai chịu cả.
Chi ủy đang bận lắm vấn đề. Bí thư nhìn con số địa chủ đã quy là 23, so với 392 gia đình thì tỷ lệ là 4,7 % rồi. Nếu quy thêm 1 người nữa thì vượt tỷ lệ. Bí thư lo vượt tỷ lệ, lo không biết nói với trên thế nào. Cụm lại bắt kiểm tra lại hết cả thì chậm hết, công tác lại kém cả… Bí thư cứ gạt đi, không cho lên biểu Sợi.
Mãi sau có kiểm tra của Đoàn. Diên lại trình bày thắc mắc của mình và của cốt cán. Cuối cùng lên biểu địa chủ Sợi. [...]
*
Bần cố nông
Anh ta là bần cố nông, cán bộ cơ quan, có tính tự ái và bảo thủ đặc biệt.
Một hôm có lệnh: Sớm mai các tổ đi ra lấy gỗ, mỗi tổ khiêng một cây gỗ về để chống nhà.
Khi đó đã 9, 10 giờ đêm thì được lệnh ấy. Không biết anh ta nghĩ thế nào, có thể là sợ đến mai thì các tổ khác nó lấy hết mất, có thể là anh muốn tổ anh được đi đầu tích cực. Nhưng có cái là anh khua anh em dậy. „Các cậu này, có lệnh ra khiêng gỗ.“
Một anh nói giọng khó chịu: „Lệnh là sớm mai khiêng chứ đêm hôm thế này thì khiêng cái quỷ gì?“ Anh tổ trưởng cứ khăng khăng: „Chúng ta ngại một tí, sớm mai lại vẫn phải khiêng, chi bằng khiêng sớm đi là hơn. Phàm cái việc gì làm sớm vẫn hơn là muộn.“
Một anh là giáo viên bình dân học vụ (Quyết) mới đem lý lẽ ra: „Bây giờ đêm, đường thì tối lại phải lội qua suối thì một là ướt hết, hai là lâu, đường xá tối mò đi một bước khó bằng đi mưới bước ban ngày. Tôi đề nghị để đến sớm mai đỡ tốn công hơn. Chứ khiêng đêm nay thì không thể khiêng được.“
„Sao đồng chí lại bảo là không khiêng được? Đồng chí không tin ở anh em à?“
„Sao lại không tin? Nhất định khiêng đêm thì không khiêng được.“
Anh ta phát cáu: „Thế là đồng chí không tin ở anh em. Đồng chí không tin ở lực lượng bần cố nông à?“
Quyết cũng tức mình: „Tôi tin ở bần cố nông nhưng tôi không tin ở anh. Anh chủ trương sai lầm lắm.“
Thế là cãi vã hồi lâu. Anh tổ trưởng nhất định khăng khăng úp cho Quyết là không tin ở bần cố nông. Anh em phải xúm vào can ngăn. [...]
Anh ta có cái là rất tự tin ở bản chất bần cố nông của mình. Một hôm cãi nhau về vấn đề văn hoá, anh khăng khăng rằng: „Tôi chả có văn hoá gì mà tôi vẫn làm kế toán cơ quan được. Vì tôi là bần cố nông. Ối anh trung nông, ối anh tư bản chữ nghĩa nhiều mà chả làm được.“
Quyết vặn: „Thế kế toán có mấy loại, mấy mục?“
Anh ta ấp úng. Song quật lại: „Cái đó chẳng cần biết cũng vẫn làm được.“
Quyết tức là anh ta tự cao tự đại cứ muốn gạt hết các thành phần khác, vơ vào cả cho mình.  Quyết cười giễu: „Thế không phải là anh biết làm kế toán. Anh chỉ biết làm có tính cộng tính trừ. Như vậy có làm cũng như lối mèo ăn cứt mà thôi.“
Anh em cười ồ cả lên. Vì ai cũng khó chịu cái anh chàng tự tôn giai cấp một cách hẹp hòi quá đáng. Anh chàng ức lắm nhưng vẫn không chịu: „Vâng vâng các anh là thành phần trên, các anh giỏi. Chúng tôi chỉ là bần cố nông dốt nát thôi. Thế Đảng dựa vào các anh tiểu tư sản hay dựa vào chúng tôi?“ Mọi người vẫn cười, lấp cả lý lẽ của anh chàng. Anh ta vẫn nói trong tiếng cười ầm ầm: „Vâng vâng các anh trí thức, các anh thành phần trên.“
Anh nói dai dẳng lắm (có phải đó là tinh thần bền bỉ kiên quyết đấu tranh của bần cố nông không?). Nhiều khi anh kêu ca về điểm „chỉ thấy nói nâng đỡ bần cố nông mà không thấy thực tế đâu cả“. Anh nói „nâng đỡ“ và anh hiểu ngầm là: không thấy đề bạt anh vào lãnh đạo, không thấy kết nạp anh vào Đảng. Kỳ chỉnh huấn, anh đã tố khổ căm thù, các chị ở cơ quan phải khóc cơ mà? Cán bộ phải bồi dưỡng anh ngày đêm, nhất nhất liên hệ về nông thôn gần như chỉ có anh, chứ cơ quan đa phần là tiểu tư sản biết gì về nông thôn?
Một lần Bí thư tuyên bố thể lệ bầu tổ trưởng học tập. Bí thư cũng có cái trâng tráo là nói trắng ra: „Các đồng chí cũng nên thông cảm, tổ trưởng thì nên bầu sao cho tiện việc lãnh đạo của Đảng…“
Bí thư lãnh đạo bầu bán như vậy. Anh ta ức lắm. Có phải vì anh đã lăm le đem cái bần cố nông ra mà giành lấy chức tổ trưởng! Anh mới giơ tay: „Tôi có ý kiến. Nếu như vậy thì chỉ bầu người trong Đảng thôi chứ không bầu quần chúng à?“
Anh em khi nãy đang tức vì lời tuyên bố sỗ sàng của Bí thư, nhưng bây giờ vì ghét anh kia nên lại trút cả sự tức bực lên đầu anh. Người ta xì xào: „Bí thư nói thế là phải rồi, còn gì mà thắc mắc. Bầu như thế là đúng rồi còn gì nữa?…“
*
Giả bảng vàng danh dự
Một gia đình trung nông có 3 con đi bộ đội, được bảng vàng. Kỳ CCRĐ, gia đình đó cố xin đổi cho 10 thước ruộng tốt, đội cải cách không cho, lấy cớ là không thiếu không chia mà cũng không đổi cách gì cả.
Gia đình ấy đâm bất mãn, đem cái bảng vàng lên giả chính phủ. Họ cần thực tế nâng đỡ hơn là cần bảng vàng bảng bạc.
*
Chia ruộng
Đã nhắc anh em cố nông dăm lần bẩy lượt, học đi học lại mãi rằng: Nhận trước thì phải nhận có gần có xa, có xấu có tốt.
Ừ ào cả. Thông cả. Đến buổi tự nhận, cố nông ưu tiên tự nhận ruộng cả buổi tối, nhận chưa xong thì đã thấy hết cả ruộng thứ nhất, thứ nhì và ruộng gần. Bần nông xì xào, trung nông thở dài.
Đấy cứ bảo để anh em tự giác. Thông chỉ thông cái mồm chứ không thông cái bụng tham. Tối ấy phải ngường lại. Hôm sau cho học tập. Tối sau lại chia. Suốt từ chiều đến sáng trắng ra mới xong. [...]
*
Một anh thanh niên
Trước ở du kích, anh ta bị chính trị viên xã đội chèn ép nhiều bề. Ruộng nương là một, bị chính trị viên xã đội cắm mất. Tình yêu là hai, anh ta yêu một chị nữ du kích, chính trị viên xã đội không bằng lòng. Anh ta cứ yêu, đi lại lén lút. Một lần bị vỡ lở, anh ta bị đem ra chi bộ kiểm thảo và khai trừ vị tội hủ hoá. Anh ức lắm. Mẹ nó! Người ta yêu nhau nó cấm, người ta yêu nhau mà gọi là hủ hoá!
Anh ta bỏ làng đi bộ đội địa phương. Kỳ cải cách, anh nhất định xin về xã. Một là lấy người yêu cũ, hai là trả thù. Anh không nói với trên rõ ý anh như vậy, mà chỉ xoáy mạnh vào chỗ có thù ruộng đất. Trên cho về.
Anh ta rất tích cực. Về sau tìm ra được chính trị viên xã đội là một địa chủ, loại tiểu bá. Nhưng người yêu cũ thì đã đi yêu một người khác. Anh ta buồn, lòng ước mối thù không thỏa mãn hoàn toàn. Lại vác ba lô về đơn vị.
Đội cải cách không bắt rễ vào anh vì cho là lý lịch không trong sạch. Anh ức lắm. Anh có lý của anh. Người ta yêu nhau thì không có gì là không trong sạch cả. Những kẻ cấm đoán người ta mới là kẻ bẩn thỉu.
*
Từ ngữ
Cán bộ: „Tại sao thằng hào Thức nó lại sướng cao độ thế?“
Chị cốt cán: „Nó sướng cao độ thế là vì nhà nó đi bóc lột nhân dân.“
Cán bộ: „Thế tại sao chị lại khổ cao độ thế?“
Chị cốt cán: „Em khổ cao độ thế là vì em bị nó bóc lột em trên một cái vấn đề đi ở cho nó mười mấy năm.“ „Hôm nay em không đi họp được vì nhà em nó cứ khống chế em.“
Chúng ta không được phóng tay lỏng lẻo, mà phải phóng tay chặt chẽ.
Bần cố nông là con đẻ Cụ Hồ, dân nghèo là con nuôi thôi, nên mới đề ra chiếu cố.
Vì giai cấp địa chủ bóc lột mấy nghìn năm nay nên chị Phước mới bị toét mắt.
(Còn tiếp)
© 2014 pro&contra
ShareSHARE
http://www.procontra.asia/?p=4891

Ghi chép về Cải cách Điền địa ở Bắc ninh 1955-1956 (3)

Trần Dần

Tháng 9 23, 2014
Phạm Thị Hoài biên soạn
5 sào là bần. 1 mẫu là trung. Tới mẫu rưỡi là phú. Mẫu rưỡi trở lên là địa.
Ai có tội thì ta cứ nói ra. Nếu là địa chủ thì ta đánh, nếu là phú nông thì ta liên hiệp, nếu là trung nông thì ta đoàn kết. [...] Vào nhà trung nông chỉ ngấp ngỏm chân trước chân sau, chén nước cũng không uống cho hết, câu chuyện chẳng buồn nói cho xong. Hỏi rằng cái thằng quan hai là một chức to rồi mà anh ta còn giết được thì có gì mà liên quan. [...] Cả thôn sống bằng lương ngụy binh. [...] Nghe nói đội cải cách về các em rất mong chờ, các em rất là xu hướng. Chị này nói lên là: Em mà không bị chỉ điểm bắt một tháng thì em còn trong sạch nhất làng cơ. Cãi lại xã đội vô kỷ luật. Vợ: Nhà em thì nó đần độn lắm biết gì mà hỏi, có thì hỏi mẹ em với em ấy. Em xin thú thực với anh là em cũng có liên quan. Em là cháu thằng địa chủ Phái, nên hồi giảm tô em không được vào Nông hội.
Liên quan hai ba bề chứ không phải một bề. Tôi có lên tôi xé xác cái thằng địa chủ ấy ra chứ bà con lại bảo tôi liên quan. Bây giờ đội về con lại cắn nhá mẹ: đấy, con bảo mà, giữ của địa chủ bây giờ liên quan. [...] Liên quan em địa chủ thì cắt sinh hoạt. Vợ con khóc vì sợ liên quan, gặp đội cứ lủi, đầu cúi đi cum cúp, không tránh được thì chắp tay lạy.
*
Con địa chủ lấy ai?
Cả làng chả ai thèm mó tới. Có nhà 5 chị nhoai nhoai ra cả rồi, chị lớn 24, cô bé 17. Của ấy rồi mõm cả ra thôi. Chúng lại phải mõm nhau. Địa chủ lấy địa chủ. Hễ cứ bị quy là địa chủ là con gái dâu nó bỏ về, hoặc con trai rể nó bỏ đi. Nhiều vụ lấy cớ là địa chủ mà bỏ nhau.
*
Không lấy địa chủ
Một đám cưới đang cưới. Nhà gái lo sao cứ nhũng nhẵng, không chịu cử người nào ra làm lễ tuyên bố. Mà cứ thấy túm tụm, xì xào, bàn bạc, lằng nhằng. Mãi sau một bà mới dài mồm ra: „Nghĩa là thưa bà con, chẳng phải là chúng tôi phản hôn. Dưng mà cái thời thế này cần phải cẩn thận, thân con gái chỉ có một lần…“
Đám cưới biết có chuyện khó khăn. Bà ấy vào câu chuyện: „Số là họ nhà gái chúng tôi hôm qua mới nhận được một cái thư có nói về thành phần của chú rể. Thì chúng tôi rất là hoang mang nghi ngờ. Cho nên chúng tôi rất là khổ tâm khó bề cư xử. Nhỡ ra rồi lại thông gia liên quan thì khổ cho con gái chúng tôi.“
Họ nhà giai, bạn bè nhà giai là các nhà giáo (vì chú rể chính là một nhà giáo) mới giải thích mãi. Các nhà giáo nói thì dài lắm, lằng nhằng, lý sự, ai không nghe cũng phải cố mà nghe (dù rằng nhiều khi nghe không ra).
Họ nhà gái căn vặn mãi đến điều: Thế ông nhà ta làm gì? Thế nhỡ ông nhà ta là địa chủ thì có liên quan không? Chù rể đã đi làm với chính phủ rồi thì liệu có sao không? Tại sao không lấy vợ ở quê (Phú Thọ) mà lại lấy vợ ở mãi Thái Nguyên này? (Nhà gái nghe thư bảo là anh ta vì thành phần nên ế vợ, ở quê nhà không gái nào thèm lấy, mới phải đi mò ở xa!) Vân vân.
Các nhà giáo uốn lưỡi khoa môi. Và dĩ nhiên lưỡi một nhà giáo bằng 2, 3 lưỡi đàn bà, thì ở đây số nhà giáo còn đông hơn nhà gái, cuối cùng các nhà giáo giúp được chú rể khắc phục mọi khó khăn hoàn thành đám cưới.
*
Một cán bộ tuyên truyền và con gái địa chủ
Thái Nguyên. Cán bộ tuyên truyền cứ khăng khăng đòi cơ quan cho lấy cô ta vì: Tôi cũng là con địa chủ nên không hỏi vợ được, không cô nào thèm lấy, tôi chỉ còn món ấy thôi.
*
Chê vợ là con địa chủ
Đã hỏi rổi, sau điều tra lại, phát hiện ra vấn đề bất thường, chú rể mới ngãng ra, chê cô vợ chưa cưới là con địa chủ. Xong phá đám cưới.
Ít lâu sau phát động quần chúng thì chính anh chê vợ kia cũng lại là con địa chủ. Thế mời rầy ra.
*
Một chị nữ bí thư Đảng
Nữ bí thư Đảng. Sau CCRĐ, cấp trên mới mối lái gán chị cho anh cán bộ đội trưởng, phó gì đấy. Không biết cái cấp trên nào đã chống địa chủ mà lại có lối ép duyên ấy, nhưng tiếc rằng sự thực trong cuộc đời lại đầy rẫy những kiểu cấp trên như vậy.
Chị cũng không bằng lòng. Mà lại yêu một thanh niên khác ở xã không lấy gì làm loại A, không phải cốt cán, không phải cán bộ, không phải Đảng viên, nhưng cũng không phải là lạc hậu phản động hay liên quan gì cả. Tóm lại là một thanh niên trung bình. Hai bên bí mật thề non hẹn biển. Sự ân ái không biết đã cụ thể chưa, nhưng rõ rệt là tinh thần yêu đương đã sâu sắc và chân thực lắm.
Cấp trên cứ ép mãi. Nào lý luận đả thông riêng. Nào anh thanh niên kia chỉ là cục đất, anh đội trưởng kia mới là cục vàng, xứng đôi phải lứa (môn đăng hộ đối mới). Nào Đảng viên thì phải gắn bó với Đảng viên (công thức nữa, không biết do cái quan điểm hôn nhân nào đặt ra).
Không những chỉ lý sự mà cấp trên song song tiến hành giải quyết về tổ chức: nào tung dư luận, nào bố trí người đả thông, nào bạn bè đồng và dưới cấp, nào ngăn trở theo dõi, nào quyết nghị nữa. Quyết nghị rất khôn ngoan: Không phải là cấm đoán, nhưng chuyện giữa chị và anh thanh niên kia chưa chính thức, Đảng còn xét thì phải đình chỉ lại đã… Dĩ nhiên trong khi đình chỉ mặt ấy lại thì cấp trên lại cố xúc tiến cái mặt kia. Thò thụt mà lại.
Cuối cùng ra sao?
Chị nữ bí thư làm lá đơn xin cho tôi ra khỏi Đảng. Vì như vậy các đồng chí chèn ép tôi nhiều quá.
Thế mới rối chuyện. Nó mới xé ra, xé toang ra cái màn hắc ám. Lôi thôi quá. Kết cục câu chuyện tôi không được biết nó xoay ra thế nào.
*
Chia quả thực
Căm thù địa chủ thì có, nhưng thương yêu giai cấp thì chưa có (người ta bảo vì chưa được học). Nên khi chia quả thực thì bà con tranh giành nhau í ỏm. Cán bộ lúng túng mới nghĩ ra những cái mưu thật là lúng túng.
Chia nồi: Cán bộ bịt mắt bắt dê, nhân dân gọi tên bà Noã chẳng hạn thì cán bộ chỉ vào đống nồi, phải cái nào thì bà Noã phải nhận cái đấy.
Chia cuốc: Cán bộ lấy vải trùm lên đống cuốc chỉ còn thòi cái cán ra, ai cũng chỉ trông thấy có cán, lấy cái nào ra thì là lấy cái ấy, không được chê cùn chê mẻ gì nữa.
Kết quả: Người nghèo được cái nồi thủng, cái cuốc mẻ. Người khá hơn được cái nồi tốt, cái cuốc sắc. Cuộc đời trớ trêu hay là cái mưu của cán bộ kia trớ trêu?
*
Vì lập trường quá nên mất ba lô
Anh ta là đội phó CCRĐ. Một kiểu đội phó hay nói những lập trường tư tưởng nọ kia, anh ta có tài là nhiều chuyện bằng móng tay anh có thể phân tích phê phán thành bằng con bò, kết luận thành quả núi.
Đến khi đi bắt rễ thấy anh cứ long đong ba lô trên lưng vào nhà này lại ra, sang nhà kia lại bỏ. Anh ta báo cáo, toàn thấy những anh này ngụy binh tổ chức cũ kiên quyết không dựa, những chị kia là cháu địa chủ có liên quan, vậy không thể là rễ tốt v.v… Cứ vậy hết ngày nọ ngày kia.
Một hôm anh ta vào nhà anh Lã là người đại lao đại khổ. Tuổi trên dưới 30. Người như cục đất. Anh đội phó đã mừng. Nhưng cũng còn cảnh giác, nhìn xa thấy rộng con đường phát triển sau này, nên anh ta thử hỏi: „Một tháng bao nhiêu ngày?“
Anh Lã đáp: „30 ngày.“
„Thế một năm bao nhiêu tháng?“
Anh Lã đáp: „30 tháng.“ Không biết anh Lã nói đùa hay nói thực. Hay là do trình độ anh như vậy.
Nhưng trình độ anh đội phó thì anh bèn phân tích: „Con người như thế này có bồi dưỡng lắm thì về sau cũng chẳng có triển vọng gì cả. Lớn bằng ấy tuổi đầu mà ngu như vậy.“
Anh đội phó lại xách ba lô đi. Vì cảnh giác nên ba lô cứ phải trên lưng, chưa có sở vững, tin cẩn mà gửi ba lô được. Hôm đó là ngày thứ 13 rồi. Trong khi đó các anh em khác đều đã có rễ cả: nơi ăn chốn ở, ba lô không phải vác vai, công tác phấn khởi.
Anh đội phó sốt ruột, tìm một bụi cây giấu ba lô, để đi tìm rễ, tìm „con người đại lao đại khổ, có triển vọng“, vừa là để nhỡ có gặp anh em nào, họ thấy ba lô đeo vai thì họ cười chết.
Sẩm tối về bụi tìm thì thấy mất ba lô.
Về sau anh Lã do một cán bộ khác dìu dắt trở nên cốt cán, rồi vào Đảng.
*
Kéo xe xách cặp cho địa chủ gọi là hầu chân trong liên quan. Có anh đi ngụy (đã chết), khi ốm anh cho mấy chén thuốc cũng cho là liên quan. Hai vợ cho là hủ hóa không trong sạch. Cho thúng khoai mới, khen địa chủ, thế là bị gọi là liên quan.
*
Đánh vợ bị bắt giam
Một anh cãi nhau với vợ, đánh vợ. Vợ mếu, bù lu bù loa: „Tao ra tao trình với đội cho mày.“ Chồng chửi: „Mày ra mày trình với bố mày thì cứ ra mà trình!“
Thế là đội bắt anh ấy lên, cho là tay chân địa chủ, phá hoại nói láo.
*
Truy bức
Mày có lựu đạn phải không?
Vâng.
Bao nhiêu quả?
27.
Ở đâu?
Em chôn ngoài đồng.
Còn mới không?
Nó rung rúc thôi.
Đào mãi chả thấy. Truy bức mãi không thể thấy lựu đạn gì cả, chỉ thấy: „Vì em bị đánh đau quá em khai bừa như vậy.“
*
Một hầm vũ khí
„Chúng em có một hầm vũ khí, 50 bộc phá, 100 lựu đạn, súng ống mấy chục khẩu.“
30 du kích đào suốt một buổi không thấy gì. Đào mãi không thấy vũ khí nhưng lại thấy sự thực là: „Vì em đau quá nên em khai bừa như vậy.“
*
Tên Lê Tâm xã Bình Dương
Nhà nghèo vợ đần. Hắn dan díu với Thị Út, là một thị lắm của, lắm trâu bò ruộng nương. Thị này lại có chồng rồi.
Lê Tâm mưu mô: giết vợ. Bỏ thuốc độc, vờ là thuốc đau bụng cho chồng Thị Út. Bên giết vợ, bên giết chồng, 3 ngày sau chúng lấy nhau.
Đồi với nhân dân không có điều tiếng gì. Văn tự chữ nghĩa khá, hắn dạy trẻ, giúp mọi người làm đơn từ, viết thư. Phân tán của cải về các con từ 1953. Mưu cho vợ nay đi ở nhà này một bữa, khi phát động giảm tô tố khổ còn được chia quả thực. Hay đâu hắn ở Quốc dân Đảng từ 1925. Hiện nay là Trung ương ủy viên. Kỳ CCRĐ một tay hắn mưu ra 9 vụ án mạng.
Lê Tâm bức tử một trung nông, một địa chủ. Giết xong vứt dao dọa: Bây giờ là phải kín như bưng. Mày mà nói là tao giết chết. Nói ban sáng thì ban trưa tao giết. Nói ban chiều thì tối tao giết. Lại dọa vợ khổ chủ: Mày mà nói thì tao giết cả nhà. Nhưng mà nếu nó truy quá thì cứ khai ra thằng Ninh ấy (Ninh là một bần nông tích cực).
*
Vụ ông Khương xã Bình Dương
Kỳ phát động giảm tô lên phú nông, do Chắc Chỉ tố. Kỳ CCRĐ lên địa chủ cũng do Chắc Chỉ tố. Trước có thù với Chắc Chỉ: Khi Chỉ đi vắng, Khương có đoạt một bụi tre, sau về kiện cáo nhau mà Khương vẫn được kiện.
Từ khi Khương lên địa chủ đâm ra rầu rĩ. Có người thấy bảo: chỉ một vài ngày là xong.
Một đêm địa chủ Khương chết ở dưới ao nhà hắn ta, mặc quần áo nâu mới. Đội CCRĐ cho là hắn hoang mang chán đời, sợ đấu nên tự vẫn. Đoàn cũng đặt nghi vấn, vì ở xã có xảy nhiều vụ đột xuất lắm rồi.
Điều tra Trác là trung nông, nhà bên cạnh. Trác bảo đêm có nghe tiếng trẻ khóc và người con lớn của Dung bảo: „Khóc gì! Tao đâm chết cả bây giờ“.
Đội nghi, cho là gia đình Khương giết ông ta đi chăng?
Phát động gia đình: vợ Khương, Dung. 5 ngày liền không được câu nào. Dung bảo không nói câu ấy mà chỉ nói rằng: Nín đi em, đừng làm ồn ban đêm lên đi em. Đội cho là nói dối.
Phát động Chắc Chỉ. Cũng không nói được câu gì. Vụ án kín như bưng. Sau đội đặt vấn đề đi ngược lại điều tra: Ai tố Khương lên phú nông và lên địa chủ? Chính gia đình Khương là thành phần gì?
Sau xét ra: Chính là Chắc Chỉ đã tố Khương lên phú nông, và rồi lại lên địa chủ. Chứ chính thực Khương là trung nông. Vụ án đã hơi có manh mối. Bà vợ Khương mới nhớ ra đêm trước đêm chồng bị giết thì gần sáng chồng đi đái vào, bà tỉnh giấc. Ông có bảo: „Quái sao nhà ta có người?“. „Làm gì có?“. „Có chứ, tôi nhìn như bố con Chắc Chỉ, nó lủi ra vườn mất.“
Xét lý lịch Chắc Chỉ, bà con cho biết anh ta cùng khổ thực (đi ở, gồng thuê gánh mướn). Nhưng năm Pháp chiếm không biết sao anh ta lên ở bốt Gia Thọ với tên Hồng là trùm Quốc dân Đảng. Những tề, lý trưởng v.v. về sau có muốn gặp Hồng đều phải qua tay Chắc Chỉ, phải lễ lạp. Con gái Chắc Chỉ cũng có vấn đề với nhân dân. Một lần bà con tập hợp, sắp đi ra vùng tự do đi dân công, tên con gái này biến đi một lúc về phía bốt Gia Thọ, lúc sau Tây ập về bắt đồng bào. Tóm lại Chắc Chỉ lai lịch không tốt, nhân dân coi là chó săn của Pháp trước kia.
Đội đi sát Chắc Chỉ, chất vấn, giải thích chính sách khoan hồng, căn vặn. Mãi Chắc Chỉ mới khai là do tên Trác. Cán bộ bảo: Nếu đem Trác đối chiếu với anh mà hắn bảo có cả anh nữa thì sao? Chắc Chỉ im không nói gì.
Lại giải thích. Tận sau hắn mới chịu thú cả. Là do phú nông Tậu bày mưu. Phú nông Tậu tới nhà bảo lâu nay không thấy đến chơi. Chắc Chỉ: „Vì ông là phú nông, muốn đến lắm lại sợ nhân dân. Nhà cửa túng thiếu lắm mà cũng không dám đến vay như khi xưa.“ „Tối anh đến cũng được, lấy một ít thóc. Còn số nợ cũ thì bây giờ tôi lên phú nông mà đòi nông dân thì không có được, vậy coi như là tuyên bố bỏ đi, anh không phải nghĩ tới nữa.“
Khi hắn bước ra, hắn quay lại: „Nhưng mà anh đến lấy thóc thì cồng kềnh, nhân dân nó lại dòm ngó, thì lấy tiền vậy.“ Hắn giúi cho 3 vạn. Về sau hắn bàn là cả cánh ta khéo nguy mất. Trác liệu rồi lên địa chủ, tôi cũng lên địa chủ mất. Còn anh thì cũng chẳng thoát. Ở đồn bốt như thế, con gái anh lại là gián điệp như thế, nhân dân với người ta theo dõi ghi chép từng ngày. Họ sẽ moi ra, phen này chết cả lũ. Trác, Chắc Chỉ đều lo. Bây giờ có cách nào? Chỉ có cách giết tên Khương đi. Nó cùng bọn mình nhưng nó ngả nghiêng lắm. Ta quy cho nó lên địa chủ xong giết đi là hết manh mối. – Nhỡ lộ thì sao? – Nó đã là địa chủ mà chết đi thì ai người ta còn để ý, đội nó cũng sẽ bỏ qua đi chứ.
Thế là giết. Nhỡ ra có lộ thì phải ai tai ấy, đừng có khai mà chết. Bây giờ nó chỉ phát động thôi chứ không nhục hình tra khảo gì đâu mà sợ.
(Còn tiếp)
© 2014 pro&contra
ShareSHARE
http://www.procontra.asia/?p=4860