Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Xây dựng tượng đài hoành tráng để làm gì?

Xây tượng đài hoành tráng để làm gì?


Xuân Hùng, cộng tác viên Dân Luận
1.400 tỷ đồng làm được những gì trong lúc đất nước còn khó khăn này? Ảnh Dân Luận.
Tưởng người ta quy hoạch khi nào thì trả hết nợ, khi nào thì dân hết nghèo, khi nào ở bệnh viện không còn tình trạng bệnh nhân nằm chung giường, khi nào phụ nữ thôi ra nước ngoài bán dâm, khi nào... Những không, lại bàn tính xây bao nhiêu tượng đài, to như thế nào, hoành tráng như thế nào. Trời đất thật không hiểu nổi, một đất nước nghèo đói, nợ nần chồng chất, luôn đi xin viện trợ, mà không lo đầu tư làm ăn, cứ làm những việc không cần thiết, hao tiền tốn của.
Theo quy hoạch phát triển văn hóa nghệ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, từ năm 2011 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang khẩn trương lập quy hoạch hệ thống tượng đài, tranh đài: ví dụ Bắc Giang sẽ xây mới 17 tượng đài, tranh đài hoành tráng với kinh phí ước tính 142 tỷ đồng. Nghệ An giai đoạn 2014 - 2030 kinh phí dự toán xây tượng đài, tranh đài là 460 tỷ đồng cho xây mới và 30 tỷ đồng cho việc nâng cấp. Hà Nội có tổng cộng 34 tượng đài nhưng trong 15 năm tới thành phố sẽ bổ sung khoảng 35 tượng đài nữa.
Theo thống kê ban đầu từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cả nước hiện có 360 công trình tượng đài, kể cả các công trình được xây dựng từ trước năm 1975. Theo quy hoạch, thì trong tương lai (2030) số lượng tượng đài sẽ không ngừng tăng lên. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện có khoảng 103 cái, được xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước. Theo đề xuất đưa vào Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 xây thêm 58 tượng đài.
Khi Quảng Nam xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng với kinh phí xây dựng lên đến 411 tỷ đồng, có thể được xem là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á Nhưng danh hiệu đó có lẽ sắp phải nhường cho Sơn La. Khi vừa qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ra Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP. Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Không biết với đà thi đua như thế này, trong tương lai chúng ta sẽ có những tượng đài tầm cỡ thế giới, không chừng vượt qua cả Triều Tiên.
Quy mô là vậy, hoành tráng là vậy nhưng chất lượng công trình thì sao?
Với tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng, công trình được khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng sau 3 tháng khánh thành đã xuống cấp. Qua điều tra, công trình đã sử dụng đồng phế liệu, bớt xén vật tư, công trình lịch sử tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã bị rút ruột gần 100 tấn đồng, gây thất thoát gần 2,7 tỷ đồng. Cán bộ liên quan đến các sai phạm trong quá trình xây dựng đã bị xử lý.
Cũng do chất lượng công trình, chỉ sau 1 tuần diễn ra lễ khánh thành, phần gạch trước mặt tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng bị vỡ, bong tróc.
Tượng đài cao 18m, nặng hơn 1.000 tấn, tổng đầu tư 25 tỷ đồng, bị sét đánh sập chóp sau - Đông Triều (Quảng Ninh) do không có hệ thống chống sét.
Trong khi cả nước mỗi năm có trên 75.000 người chết vì ung thư, gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, có khoảng 2,2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng (là một trong 20 quốc gia có lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi nhiều nhất thế giới), có hàng triệu người đang phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm ( 70% dân cư đô thị và 40% ở nông thôn được cấp nước sạch) ...sao không để tiền lo đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân có phải tốt hơn không.
Câu chuyện em Phạm Thị Nhung, 10 tuổi, học sinh lớp 3 vì thường xuyên nhịn ăn sáng đi học, nên khi trên đường đi học về vì quá đói, té xe rơi xuống sông chết đuối - Vũ Quang, Hà Tĩnh (Pháp luật, 27/9/2014) hay Câu chuyện chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân treo cổ chết để lấy tiền phúng viếng cho con học - An Xuyên, TP Cà Mau (pháp luật, 6/5/2013). Câu chuyện trẻ em chui vào túi nilon, đu dây, bơi sông, bám bè... vượt sông để đến trường ở Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Komtum (vtc.vn, 18/3/2014).... Đời sống người dân khổ cực như vậy xây tượng đài hoành tráng để làm gì?
Dân nghèo cả nước không cần tượng đài ông nọ bà kia, cái họ cần là có việc làm, được ăn no, được mặc ấm, được chăm sóc y tế khi ốm đau...người dân không thể nhìn những tượng đài hoành tráng đó mà hết đói được.

Xuân Hùng
http://www.ijavn.org/2015/08/xay-tuong-ai-hoanh-trang-e-lam-gi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét