Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 42
ĐÔNG ĐỨC: NGƯỜI ĐI TỊ NẠN, KẺ Ở XUỐNG ĐƯỜNG
ĐÀM PHÁN BÍ MẬT – HƠN 100.000 NGƯỜI RA ĐI – TIỀN KHÔNG? – “NGƯỜI HUNG TỐT BỤNG” – ĐÔNG ĐỨC: “NHƯ THẾ LÀ PHẢN BỘI” – TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC ĐẢNG: “BỊ ĐỘNG THẾ?” – MỞ BIÊN GIỚI ÁO-HUNG – THỨC TỈNH: 150.000 NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ – LEIPZIG, THÀNH PHỐ BỊ BỎ RƠI – BIỂU TÌNH TỐI THỨ HAI, NHÀ THỜ NIKOLAI – MIELKE “NẮM ĐẤM” – “CHÚNG TÔI Ở LẠI” – TRONG TÒA ĐẠI SỨ TÂY ĐỨC Ở PRAHA – JAKES CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN – CÔ GIÁO SPANNAUS – HONECKER RA ĐÒN – TÁM CHUYẾN TÀU GÂY BẤT ỔN – ĐẾN ĐÍCH
***
Schloss Gymnich và Bonn. Thứ sáu, ngày 24 tháng 8, năm 1989
ĐÀM PHÁN BÍ MẬT
1.
ÍT PHÚT SAU 7 GIỜ SÁNG ngày 24/8/1989, trong vòng bí mật tuyệt đối, Thủ tướng Hungary Miklos Nemeth và Ngoại trưởng Hungary Gyula Horn đã đáp máy bay từ Budapest qua Tây Đức, đến thủ đô Bonn. Họ muốn càng ít người biết nơi họ đến càng tốt. Nơi họ đến là tòa lâu đài có từ thời trung cổ tại Schloss Gymnich, cách Bonn 25 km về phía nam, nơi chính quyền Tây Đức thường tiến hành các hội nghị ngoại giao cấp cao.
Hai ngày trước, Thủ tướng Nemeth đã yêu cầu Đại sứ Hungary tại Bonn, Istvan Horvath, sắp xếp cuộc gặp sớm nhất có thể với Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl. Nemeth kể lại: “Chúng tôi không nói sẽ họp về việc gì, chỉ nói cuộc họp rất quan trọng, không chỉ cho chúng tôi mà cho họ nữa.” Phía Hungary còn đưa thêm một yêu cầu khác, đó là Tây Đức giữ bí mật tuyệt đối cuộc họp này. Đặc biệt, họ không muốn Đông Đức biết cuộc họp diễn ra, cho đến khi đã xong xuôi.
*
HƠN 100.000 NGƯỜI RA ĐI
2.
Vậy là sau nhiều tuần lưỡng lự, cuối cùng Nemeth đã đưa ra được một quyết định dứt khoát để giải quyết vấn đề người tị nạn Đông Đức có mặt tại Hungary, và ông muốn Tây Đức là nước đầu tiên biết ý định của ông.
Ông đi thẳng vào vấn đề và câu đầu tiên ông nói với Thủ tướng Kohl là: “Chúng tôi quyết định cho phép công dân Đông Đức ra đi tự do, chủ yếu vì lý do nhân đạo. Có lẽ ông cần chuẩn bị đón nhận 100.000 hoặc 150.000 công dân mới, và họ sẽ đến rất nhanh.”
Thoạt nghe, Thủ tướng Kohl và Ngoại trưởng kỳ cựu Hans Dietrich Genscher nửa tin nửa ngờ. Dường như họ nghĩ một điều lớn lao và tốt lành đến thế không thể xảy ra dễ dàng như vậy. Sự kiện trọng đại này đương nhiên sẽ giúp khẳng định trước dư luận rằng đường lối của Tây Đức trong 40 năm qua là đúng, nhưng đồng thời là một cú trời giáng cho chế độ Đông Đức.
3.
Nemeth giải thích rằng ngoài lý do nhân đạo, còn có những lý do nội bộ nghiêm trọng khiến ông đi đến quyết định. Vấn đề nội bộ là Hungary không thể gánh vác một số quá đông người tị nạn đổ về nước họ. Ông nói: “Chúng tôi không chờ được nữa, phải giải quyết ngay, và đây là giải pháp tốt nhất của chúng tôi. Gần đây đã có một số người tị nạn xô xát với lính biên phòng.” Ông nói những vụ xô xát tương tự chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa, nếu không hành động nhanh chóng.
Thủ tướng và Ngoại trưởng Tây Đức cảm thấy được thuyết phục một phần, nhưng họ cần hiểu rõ thêm. Ngoại trưởng Genscher năm tuần trước bị một cơn đau tim nặng phải nằm bệnh, nhưng vì buổi họp quan trọng hôm nay ông phải rời giường bệnh đến dự. Là người sành sỏi trong việc thương lượng với Đông Âu, ông hỏi một câu then chốt: Liên Xô có biết vụ này không?
Nemeth đáp: “Không, họ không biết, chưa biết thì đúng hơn, và chúng tôi sẽ không cho họ biết cho đến khi quý vị nói với chúng tôi rằng quý vị đã chuẩn bị xong việc đón tiếp người tị nạn.” Nemeth cũng nói Liên Xô chắc chắn sẽ không phản đối, vì khi Liên Xô nói vấn đề biên giới là việc các nước trực tiếp liên quan phải giải quyết với nhau thì ông tin Liên Xô nói thật.
4.
Hai chính khách Tây Đức cũng bắt đầu tin điều trọng đại họ đang nghe là thật. Đại đa số người Đức, Đông cũng như Tây, đều khát khao ngày Bức tường không chia đôi họ nữa và giây phút đó đang đến gần. Thủ tướng Kohl, vốn luôn sôi nổi, nở một nụ cười rạng rỡ. Ngoại trưởng Genscher sau này kể rằng ông lành bệnh nhanh chóng hơn sau đó, từ khi biết chắc Hungary thực lòng về vấn đề tị nạn.
Họ bắt đầu thảo luận các chi tiết liên quan. Thủ tướng Nemeth nói chính phủ của ông sẽ một lần nữa tìm cách thuyết phục để Đông Đức cho phép người tị nạn ra đi, nhưng không mong sẽ đạt được kết quả gì. Và nếu Đông Đức từ chối, luật sư của Nemeth cho biết, Hungary có thể “treo” Hiệp ước Berlin-Budapest về quyền đi lại, bằng cách lập luận rằng từ ngày ký kết Hiệp ước đến nay, bản chất vấn đề đã thay đổi.
Phía Tây Đức cam kết sẽ rất nhanh chóng thành lập các trung tâm đón tiếp và điều các đoàn xe đến chở người tị nạn. Họ cũng chấp nhận luôn một ngoại lệ là cho phép xe Trabant được lưu thông tại Tây Đức, là việc không thể xảy ra trong điều kiện thông thường vì xe Trabant Đông Đức luôn phun khói xối xả, vi phạm luật chống ô nhiễm môi trường của Tây Đức.[1]
*
TIỀN KHÔNG?
5.
Về sau, có một tranh cãi nảy lửa về hội đàm Schloss Gymnich kể trên, và mấu chốt của tranh cãi là câu hỏi: Hungary có nhận tiền để mở cửa biên giới cho người Đông Đức hay không?
Một bên nhất quyết nói Hungary được cho vay một tỉ Đức-mã với điều khoản thanh toán hào phóng và linh động. Nhưng không có bất cứ ghi nhận nào trong các biên bản cuộc họp cho thấy có khoản đó. Hungary cũng luôn luôn bác bỏ thông tin này.
Nemeth kể: “Hai, ba lần trong cuộc họp, Thủ tướng Tây Đức hỏi tôi rằng ‘Vậy bây giờ, ông có muốn tôi làm gì không?’ có lẽ ông nghĩ tôi đòi tiền, nên tôi nói: ‘Không, không có tiền bạc gì cả, tôi không đòi tiền ông.’”
Ngược lại là khác, Nemeth kể, ông đã yêu cầu chính quyền Tây Đức công khai hủy bỏ thỏa thuận cho vay đang được Hungary thương lượng với các ngân hàng Tây Đức, ông nói: “Tôi không muốn bị công chúng Hungary lẫn quốc tế cho rằng chúng tôi làm việc này chỉ vì tiền. Chúng tôi không như vậy.”
Tuy nhiên, năm tuần sau hội nghị nói trên, để chứng tỏ thiện chí, Tây Đức đã cung cấp cho Hungary một khoản vay lên đến một tỉ Đức-mã, với 500 triệu Đức-mã từ chính quyền Liên bang Đức và phần còn lại từ chính quyền Tiểu bang North Rhine-Westphalia.[2]
*
“NGƯỜI HUNG TỐT BỤNG”
6.
Sau cuộc gặp mặt, Thủ tướng Kohl nói chuyện ngay với Gorbachev. Kohl hài lòng vì phía Hungary đã cho ông biết sự thật như họ đánh giá, nhưng ông vẫn muốn chắc chắn không có gì nhầm lẫn ở đây. Ông không muốn khơi mào một cuộc đối đầu với Liên Xô vì vấn đề người tị nạn Đông Đức.
Nhưng liệu Liên Xô có sẵn sàng chấp nhận sự việc này hay không, một sự việc có thể chọc thủng Bức màn Sắt?
Gorbachev chấp thuận, nhưng chấp thuận một cách gián tiếp, bằng cách đưa ra nhận xét này về vấn đề người tị nạn: “Đúng vậy, người Hung rất tốt bụng.”[3]
***
ĐÔNG ĐỨC: “NHƯ THẾ LÀ PHẢN BỘI”
7.
Báo tin cho Đông Đức khó hơn báo tin cho Tây Đức, ít nhất theo cách nhìn của Hungary. Sáu ngày sau cuộc gặp Schloss Gymnich, Ngoại trưởng Hungary, Gyula Horn, đến Berlin để nói chuyện thẳng thắn với chính quyền Đông Đức.
Tổng Bí thư Honecker vẫn chưa hồi phục sau khi giải phẫu và Thủ tướng Willi Stoph, 75 tuổi, cũng không được khỏe. Horn gặp người đồng nhiệm, Ngoại trưởng Đông Đức Oskar Fischer, vào buổi sáng này thứ năm 31/8/1989. Ngay từ đầu, cuộc gặp gỡ đã không suôn sẻ.
Cũng nên biết đôi điều về Ngoại trưởng Hungary, ông Gyula Horn. Horn có tiếng là một người theo khuynh hướng tự do kể từ mùa hè 1989, nhờ vai trò của ông trong việc mở cửa biên giới Hungary cho người tị nạn Đông Đức. Nhưng ban đầu, nhân vật 57 tuổi này đã có thái độ nước đôi trong việc cho phép người tị nạn Đông Đức rời Hungary qua phương Tây. Ông mập mờ, né tránh vấn đề trong nhiều tuần lễ. Là người tham vọng nhưng ôn hòa, Horn tin rằng một việc chỉ đúng đắn khi được đại đa số các nhà lãnh đạo Hungary chấp thuận, và khi họ chấp thuận rồi, ông sẽ hết lòng cổ vũ cho chính sách đó như thể nó là của mình.
8.
Khi gặp nhau, Ngoại trưởng Đông Đức Fischer yêu cầu Hungary phải tuân theo đúng tinh thần và từng câu chữ của Hiệp ước 1969 giữa hai nước Đông Đức – Hungary. Nhưng Horn đáp tốt nhất là Đông và Tây Đức đi đến một thỏa thuận về việc này. Rồi Fischer lập lại cam kết rằng nếu người tị nạn tự nguyện hồi hương về Đông Đức bây giờ, “họ sẽ không bị trừng phạt”. Horn đáp: “Người tị nạn Đông Đức không tin chính phủ Đông Đức của ông”.
Khi Horn thêm rằng chỉ trong vài ngày nữa, Hungary sẽ cho toàn bộ người tị nạn đi qua phương Tây thì Fischer bùng nổ, ông nói: “Như thế là phản bội. Các ông bỏ rơi Đông Đức trong lúc hoạn nạn và đi theo phía bên kia. Các ông sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng.”
Sau đó cùng ngày, Horn có một cuộc gặp gỡ cũng đắng lòng không kém với người cầm trịch nền kinh tế Đông Đức, Gunter Mittag. Tại buổi gặp, Horn nói Hungary không muốn có quan hệ xấu với Đông Đức, nhưng Hungary cũng “không thể chấp nhận những giải pháp vô nhân đạo cho vấn đề tị nạn.”[4]
*
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC ĐẢNG: “BỊ ĐỘNG THẾ?”
9.
Đông Đức phản ứng mạnh. Họ gửi văn thư phản đối với lời lẽ giận dữ đến Budapest và Moscow. Nhưng họ hiểu mình sẽ không làm được gì nếu Liên Xô không đứng về phía họ.
Ngoại trưởng Đông Đức Fischer đề nghị tất cả các Ngoại trưởng Khối Warsaw về Berlin họp thượng đỉnh để có thể cùng nhau tạo áp lực đối với Hungary. Nhưng Ba Lan từ chối thẳng, Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze cũng không muốn đi. Không có Liên Xô, Đông Đức phải hủy họp thượng đỉnh.
Khi các lãnh đạo Đảng ở Berlin họp lại vào sáng thứ ba 5/9/1989, bao trùm không khí là sự cay cú và cảm giác bất lực. Trùm mật vụ Stasi, Erich Mielke, lớn tiếng: “Hungary đang phản bội chủ nghĩa xã hội.” Thủ tướng Stoph tuy chưa khỏe hẳn vẫn gượng dậy từ giường bệnh và cáu kỉnh lên án Hungary đang đóng vai trò tích cực “trong âm mưu phá hoại thâm độc của Tây Đức”.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Heinz Kessler gợi ý rằng chắc hẳn giới trẻ có lý do nào đó để phàn nàn về cuộc sống Đông Đức, nhất là khi thấy ở Tây Đức có nhiều cơ hội thực sự cho họ hơn, thì các thủ lĩnh khác nổi cơn thịnh nộ. Horst Dohlus, trưởng Ban Tổ chức Đảng, nói: “Sao ta lại để mình bị động như thế? Ta phải tự vệ để không thối chí … Sao ngày càng có nhiều người hỏi: chủ nghĩa xã hội tồn tại thế nào đây?”[5]
*
MỞ BIÊN GIỚI ÁO-HUNG
10.
Chủ nhật 10/9/1989, Ngoại trưởng Hungary Gyula Horn chính thức thông báo rằng bắt đầu từ nửa đêm, mọi lệnh cấm tại biên giới sẽ được bãi bỏ. Trước đó, rất nhiều đoàn xe buýt đã được chính phủ Tây Đức gửi đến Hungary để đưa người tị nạn đi xuyên Áo đến Bavaria, Tây Đức, nơi họ sẽ đương nhiên được cấp quốc tịch Tây Đức. Trong ngày đầu tiên mở cửa, 8.100 người đã đi qua biên giới. Trong ba ngày sau đó, con số lên đến 18.000 người.
Sau cuộc gặp ở Lâu đài Gymnich kể trên, trên chuyến bay trở về Hungary, Thủ tướng Nemeth có chút hoang mang, không biết việc mình làm có đúng không. Ông kể lại: “Một trong những cố vấn của tôi thấy vậy, đến nói với tôi rằng ‘ông biết không, có lẽ dư luận sẽ không nhận ra tầm quan trọng của quyết định này ngay lập tức, mà phải chờ năm hoặc mười năm nữa.’”
Nhưng, không cần chờ lâu, tầm quan trọng của quyết định mở cửa biên giới đã được các nước cả Trung Âu lẫn Đông Âu nhận thấy chỉ trong vài tuần.[6]
***
THỨC TỈNH: 150.000 NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ
11.
Phe đối lập ở Đông Đức được củng cố. Từ một vài nhóm vận động cho hòa bình và các hội nhóm tôn giáo nhỏ lẻ bị Stasi theo dõi thường trực, số người giờ đây mạnh dạn thách thức chế độ gia tăng nhanh chóng.
Tiến sĩ Matthias Mueller, một nghiên cứu sinh hậu đại học tại Đại học Humboldt ở Berlin nhận xét: “Chúng tôi thấy việc mở cửa biên giới và cách hành xử của Hungary là một dấu hiệu cho thấy điểm yếu của chế độ Đông Đức – thực ra đó chính ‘là’ dấu hiệu suy yếu. Chính quyền dường như không còn kiểm soát được toàn bộ tình hình. Điều đó tạo ra một thay đổi lớn lao trong tâm lý của rất nhiều người. Đây là thời điểm then chốt.”
Nhưng, phe đối lập vẫn tiếp tục lễ độ, trật tự và lịch sự một cách lỗi thời theo kiểu Đông Đức truyền thống. Ví dụ như nhóm Tân Diễn đàn, được thành lập vào ngày 11/9/1989, một ngày sau khi Hungary cho phép người tị nạn ra đi, và trong vài tuần qua đã trở thành một trong những nhóm đối lập lớn nhất. Tất cả mục tiêu của họ, vào lúc đầu, được diễn tả bằng ngôn ngữ ôn hòa nhất có thể, chỉ là được “đối thoại” với chính quyền.
Việc đầu tiên họ làm là nộp đơn lên tòa xin tư cách pháp nhân. Từ một góc nhìn nào đó, có thể ví như họ nộp đơn xin phép bắt đầu một cuộc cách mạng. Điều này cho thấy văn hóa tuân phục tại Đông Đức vẫn còn quá sâu đậm. Tòa ra phán quyết bác đơn, nói rằng: “Mục tiêu và mục đích của đương đơn … mâu thuẫn với Hiến pháp nước Cộng hòa Dân chủ Đức, và đại diện cho lập trường thù địch với Nhà nước … vì vậy đơn đăng ký của đương đơn là vi phạm pháp luật.”
Vẫn có một số thành viên chủ chốt của Tân Diễn đàn nghĩ rằng chiến thuật tốt nhất là tiếp tục con đường pháp lý và nộp đơn kháng cáo. Reinhard Schult, một trong những nhà sáng lập Tân Diễn đàn, cho biết: “Chúng tôi phải thận trọng. Mục tiêu của chúng tôi là lập hội. Chúng tôi không muốn, và cũng không thể, thành lập đảng phái.”
Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày đã có 150.000 người ký kiến nghị đòi hỏi được “đối thoại” với chế độ. Gần như cả nước cuối cùng đã tỉnh dậy. Schult nói: “Chúng tôi không tưởng tưởng điều đó có thể xảy ra. Nó làm chúng tôi choáng ngợp. Chúng tôi không có văn phòng, không điện thoại, chỉ có căn hộ của mình … cũng không có thời giờ vì phần lớn chúng tôi ban ngày đi làm, mất 8 tiếng 45 phút mỗi ngày trong nhà máy hay văn phòng.”
12.
Jan Lassig, một nhà tổ chức của Tân Diễn đàn đến từ Leipzig nói trong vài năm qua ông đã quen con số vài chục người đến họp, với những khuôn mặt giống nhau tham gia nhiều nhóm khác nhau. Ông nói: “Nhưng bây giờ, bỗng nhiên có quá nhiều người tham gia vào phong trào của chúng tôi nên mọi sự không còn đơn giản nữa. Có thể có cả 1.000 người đến họp và họ đều muốn làm một điều gì đó cụ thể. Nhưng chúng tôi lại chưa thực sự có một chương trình hay một đường lối hành động nào.”[7]
***
LEIPZIG, THÀNH PHỐ BỊ BỎ RƠI
13.
Các cuộc biểu tình ban đêm lại bắt đầu tại Nhà thờ Thánh Nikolai (Nikolaikirche) ở Leipzig, sau thời gian tạm ngưng vào tháng 8/1989.
Cũng nên biết rằng Leipzig, thành phố lớn thứ hai tại Đông Đức, gần như đã trở nên một thành phố chết và chế độ để mặc nó suy tàn. Leipzig từng là một trung tâm công nghiệp lớn có hơn 700.000 cư dân, nhưng trong năm năm qua khoảng 20% dân số đã bỏ đi. Phần lớn họ đến sinh sống tại các thành phố khác ở Đông Đức, và gần đây, một số lớn người dân bỏ qua phương Tây. Ở ngoại ô thành phố, rất nhiều cửa tiệm bị ốp ván bít kín, nhiều nhà cửa bỏ hoang vô chủ và đường xá nham nhở ổ gà, tất cả tạo cảm giác nơi đây bị phá hủy.
Tuy vậy, Leipzig vẫn còn một khu trung tâm nhỏ nhưng đẹp, có nhiều dinh thự ấn tượng với những con đường nội bộ rộng vây quanh. Đây là nơi những người biểu tình thắp nến và diễu hành, luôn luôn trong im lặng, khoảng trên dưới một tiếng, bắt đầu lúc 6 giờ tối. Đoàn người biểu tình tạo thành một cảnh tượng nghiêm trang, họ kêu gọi hòa bình và giải trừ vũ khí. Thỉnh thoảng một số người biểu tình giương cao biểu ngữ chống tàn phá môi trường.
14.
Ngay cả theo chuẩn Đông Đức, Leipzig cũng là một nơi ô nhiễm nặng. Hàng triệu tấn đi-ô-xít lưu huỳnh được thải vào không khí gần đó mỗi năm. Nước trong các hồ chứa và sông ngòi bị ô nhiễm nặng. Một báo cáo chính thức, được giữ tuyệt mật, cho thấy nguồn nước cung cấp cho thành phố có chứa đến 20 hóa chất lạ, loại chỉ được phép mua theo toa bác sĩ, và có lượng thủy ngân cao gấp 10 lần lượng thủy ngân trong nguồn nước ở Tây Đức.
Các nhà báo và nhà khoa học tiến hành điều tra về tỉ lệ cao bất thường những người mắc các chứng bệnh ung thư, hô hấp và da liễu khắp thành phố đã bị bắt giam khi xác lập được rằng những chứng bệnh trên là do việc khai thác mỏ than nâu gần đó gây ra – than nâu góp phần sản xuất hai phần ba sản lượng điện của Đông Đức.
*
BIỂU TÌNH TỐI THỨ HAI, NHÀ THỜ NIKOLAI
15.
Từ tháng 9/1989, hàng ngàn người chưa từng tham gia cuộc biểu tình nào trước đây đã cùng xuống đường. Leipzig trở thành tâm điểm của phe đối lập toàn quốc. Chế độ bó tay, không có giải pháp. Bệnh tình của Honecker tạo ra một lỗ hổng quyền lực không lấp được.
Tối ngày 18/9/1989, khoảng 15.000 người tham dự cuộc diễu hành tối thứ hai, khởi hành từ Nhà thờ Thánh Nikolai. Đây là cuộc biểu tình không chính thức lớn nhất Đông Đức kể từ những cuộc nổi dậy năm 1953. Như thường lệ, người biểu tình đã thắp nến diễu hành hoàn toàn trong ôn hòa, tuy có ồn ào hơn trước đây chút ít. Nhưng công an và mật vụ thường phục đã bắt đi gần 100 người biểu tình khi thấy họ hô những khẩu hiệu chống chế độ. Xe thùng công an chở người bị bắt đâm thẳng vào đám đông, làm bị thương nặng cả chục người khác.
Sự kiện khiến nội bộ Đảng cầm quyền rạn nứt. Phần lớn các nhà lãnh đạo không muốn dùng bạo lực đối đầu với người biểu tình, nhất là trong ba tuần trước lễ kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Đông Đức. Những nghi lễ rất hoành tráng đã được tập dượt để mừng thành công của “chủ nghĩa xã hội trong thực tế”. Đông đảo thượng khách từ khắp các nước cộng sản sẽ đến dự, trong đó có cả Mikhail Gorbachev.
*
MIELKE “NẮM ĐẤM”
16.
Trùm mật vụ Stasi là một trong ít người muốn dùng nắm đấm để giải quyết bất ổn. Mielke liên tục thúc giục sử dụng các biện pháp bạo lực “để giải quyết một vụ phản cách mạng đang diễn ra trong lòng Đông Đức”.
Trong một chỉ thị kín, không để các đồng chí lãnh tụ Đảng biết, Mielke ra lệnh cho các sĩ quan cao cấp Stasi sử dụng biện pháp mạnh chống người biểu tình, ông nói: “Những lực lượng thù địch và các nhóm chống đối đã tạo ra được một thế lực nào đó và đang sử dụng mọi biện pháp để thay đổi cán cân quyền lực.”
Ông còn nói Đông Đức đang rơi vào tình trạng tương tự như Trung Quốc hai tháng trước. Ông nói: “Tình hình ở đây bây giờ tương tự và phải được xử lý bằng tất cả mọi phương tiện cũng như biện pháp cần thiết. Cần phải khen ngợi các đồng chí Trung Quốc. Họ đã dẹp yên được cuộc biểu tình trước khi mọi việc vuột khỏi tầm tay.” Theo lời kể của Rainer Wiegand, người đứng đầu lực lượng phản gián, Mielke đã lệnh cho một số sĩ quan chỉ huy chuẩn bị kế hoạch thành lập các đội đặc nhiệm để tấn công người biểu tình, phân tán đám đông ra thành ba nhóm và bắt người cầm đầu biểu tình.
17.
Sĩ quan tại hiện trường báo cáo về cho ông rằng tinh thần và cảm xúc của quần chúng tại Leipzig đang sôi sục, không chỉ trong hàng ngũ người biểu tình, mà còn trong các công sở và nhà máy toàn thành phố.
Chỉ huy trưởng Stasi tại Leipzig, Trung tướng Giegfried Gehlert, nói với Mielke rằng: “Tình hình rất tệ, thưa Đồng chí Bộ trưởng … dư luận bàn tán râm ran về mọi việc đang diễn ra, có việc đúng có việc không. Điều đặc biệt đáng ngại là trào lưu này xảy ra ngay trong nội bộ Đảng. Về quyền lực, thưa Đồng chí Bộ trưởng, chúng ta vẫn nắm trong tay, nhưng phải hết sức đề cao cảnh giác. Chỉ cần một tai nạn chỗ này chỗ nọ … chỉ cần một mồi lửa nhỏ thôi là đủ gây ra những vấn đề nghiêm trọng.”
Khi gặp lãnh đạo Đảng, Mielke đề nghị dùng biện pháp mạnh chống người biểu tình Leipzig, nhưng ông đã bị các vị lãnh đạo Đảng biểu quyết từ chối.[8]
***
“CHÚNG TÔI Ở LẠI”
18.
Vào đầu mùa hè 1989, Erich Honecker tuyên bố: “Tôi sẽ không nhỏ một giọt nước mắt nào cho những ai bỏ nước ra đi.” Ông không khóc cho họ, nhưng phía đối lập thì có.
Ulrike Poppe, một trong những người thành lập nhóm đấu tranh cho nhân quyền có tên “Dân chủ Ngay” vào giữa thập niên 1980, cho biết:
“Bạn thân của tôi cũng ra đi, họ là những người tôi rất thân. Chúng tôi nhớ họ, nhưng hiểu vì sao họ đi, có quá nhiều lý do khiến họ không ở Đông Đức được nữa. Bản thân chúng tôi cũng nghĩ về việc mình còn ở đây được bao lâu và đặt ra hạn chót cho mình. Tôi bảo: nếu biết chắc mình phải vào tù, hoặc nếu họ tịch biên tài sản ít ỏi của chúng tôi, hoặc nếu họ đóng cửa các nhà trẻ do chúng tôi tự mở, thì đó sẽ là lúc tôi ra đi. Nhưng tất cả những điều này đã xảy ra rồi, và chúng tôi vẫn quyết định ở lại. Có lẽ chỉ vì chúng tôi cảm thấy có rất nhiều người khác nữa có cùng ước muốn và chúng tôi phải ở lại để làm gì đó. Dù sao, ở đâu đó, vẫn còn có hy vọng.”
Sau khi Hungary giúp cắt thủng Bức màn Sắt, khẩu hiệu hùng hồn nhất tại các cuộc biểu tình là “Chúng tôi ở lại” và điều đó góp phần duy trì hy vọng cho các nhóm đối lập.[9]
***
TRONG TÒA ĐẠI SỨ TÂY ĐỨC Ở PRAHA
19.
Một số muốn ở lại, nhưng nhiều người Đông Đức vẫn mơ bỏ nước ra đi. Sau khi Hungary mở cửa biên giới cho công dân Đông Đức, chính quyền Tiệp Khắc, dưới áp lực của Berlin, đã phải đóng cửa biên giới với Hungary, không cho người Đông Đức đi qua. Nhưng chẳng mấy chốc, Tiệp Khắc đã phải hối tiếc vì việc này.
Sau khi biên giới đóng cửa, người Đông Đức bị kẹt bên trong Tiệp Khắc đã đi thẳng đến Praha và bao vây Tòa Đại sứ Tây Đức, đặt tại Cung điện Lobkovitz, Quận Lâu đài, thủ đô Praha.
Chính quyền Tiệp Khắc không muốn gặp rắc rối ngoại giao với Đông Đức, và ban lãnh đạo theo lề lối bảo thủ tân-Stalin vốn có cảm tình với chế độ Berlin. Nhưng họ cho rằng họ không có nhiệm vụ giám sát người tị nạn Đông Đức. Họ tìm cách ngăn người tị nạn đổ về Tòa Đại sứ, nhưng đã bỏ cuộc nhanh chóng.
Rất nhiều xe Trabant bị bỏ lại trên đường phố Praha trong khi khoảng 3.000 người chen chúc nhau bên trong Cung điện Lobkovitz. Đây là một cung điện rộng lớn và sang trọng, nhưng không được thiết kế để chứa đông người như thế.
Thời tiết khá ôn hòa, nên rất nhiều người dựng lều ngay trong khu vườn lớn. Bất cứ người Đông Đức nào cũng được Tòa Đại sứ Tây Đức đón nhận, nhưng chỉ ít lâu sau, điều kiện sinh hoạt ở đây đã trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh.
*
JAKES CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN
20.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Milos Jakes nói với Berlin ông không muốn lãnh thêm vụ này, vì ông đang gặp đủ thứ khó khăn.
Mới cuối tháng trước, tháng 8/1989, công an chống bạo động đã bắt nhiều người biểu tình tại Quảng trường Wenceslas, khi 4.000 người xuống đường kỷ niệm 21 năm ngày Khối Warsaw xua quân đè bẹp Mùa xuân Praha.
Trước đó, cuối tháng 5/1989, Vaclav Havel đã được trả tự do sau khi ở tù bốn tháng rưỡi, tức một nửa án tù chín tháng. Lập tức, ông tiếp tục làm công việc bỏ dở trước khi bị bắt là viết về tình hình đất nước cho truyền thông phương Tây.
Trong vòng hai tuần, ông phổ biến một bản tuyên cáo của phe đối lập Tiệp Khắc, có tên là “Vài câu ngắn ngủi”*, kêu gọi chính quyền đối thoại với phe đối lập và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Havel và các nhà đấu tranh cho nhân quyền khác cũng đòi hỏi chính quyền Tiệp Khắc cho người Đông Đức được tự do đi qua phương Tây.
*
CÔ GIÁO SPANNAUS
21.
Trong số người tị nạn tại Tòa Đại sứ Tây Đức có một cô giáo tên Birgit Spannaus, cô quyết định ra đi vì không muốn thấy con gái mình lớn lên trong xã hội Đông Đức. Cô không dám nói với ai rằng cô đi Tiệp Khắc, và khi ra nhà ga, cô đã cẩn thận mua cả vé lượt về. Ngay khi đặt chân đến Praha, cô và con gái đến ngay Tòa Đại sứ Tây Đức. Cô kể lại như sau:
“Tôi có xem tin tức trên truyền hình và thấy Tòa Đại sứ được canh gác cẩn thận. Nhưng sau khu vườn lớn của Tòa Đại sứ lại là một công viên. Chúng tôi bèn chờ đến tối … rồi đến công viên, giả vờ như đi dạo. Chúng tôi thấy hàng rào Tòa Đại sứ … và leo lên.
“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy đến cho mình. Chúng tôi không biết trong đó có công an Tiệp Khắc hoặc thậm chí mật vụ Stasi hay không. Đó là điều sợ nhất. Chúng tôi nghĩ hàng rào dễ leo, nhưng không phải thế.
“Một số người có mặt trong Tòa Đại sứ hỏi tôi ‘Chị muốn vào phải không? Chờ chút, chúng tôi đi lấy thang.’ Rồi chúng tôi trèo qua được … và có mặt trong khuôn viên Tòa Đại sứ.
“Chỗ nào cũng đầy người … họ ngủ trên bậc thang. Phòng nào cũng chật cứng giường với giường. Có rất nhiều trẻ con khóc lóc các kiểu. Không khí ngột ngạt. Ồn ào nữa. Ai nấy bất an …
“Chúng tôi tìm được phòng trên tầng thượng, ở chung với một gia đình khác có ba con nhỏ. Họ đã ở đó mấy tuần liền. Trên sàn gần như không có chỗ để chân, chỗ nào cũng trải đầy nệm.”
Tuy thấy phấn chấn và đầy hy vọng, nhưng cô giáo chưa cảm thấy an toàn, vì vẫn phải chờ đợi các chính khách đưa ra giải pháp về số phận người tị nạn.[10]
*
HONECKER RA ĐÒN
22.
Tổng Bí thư Đông Đức Erich Honecker trở lại bàn làm việc vào tuần thứ ba của tháng 9/1989. Các bác sĩ giải phẫu khám phá ra một khối ung thư khác trên cơ thể ông, lần này khối u nằm ở ruột kết. Họ giải phẫu cắt khối u và tuyên bố ông đủ sức khỏe để có thể ngồi vào vị trí cao nhất trong các đại lễ kỷ niệm 40 năm Quốc khánh sắp tới.
Ông bắt đầu thương lượng ngay với Tiệp Khắc về vụ người tị nạn Đông Đức đang ở trong Tòa Đại sứ Tây Đức tại Praha. Tổng Bí thư Milos Jakes nói với Honecker rằng Đông Đức phải đạt được thỏa thuận với Tây Đức “để Tiệp Khắc chúng tôi khỏi mắc vào vụ này và để đưa dân của ông ra khỏi Praha. Đây không phải là vấn đề của chúng tôi. Chúng tôi có thể hỗ trợ, nhưng vấn đề phải được giải quyết nhanh chóng.” Nhân vật thứ ba trong cuộc thỏa thuận này là Ngoại trưởng Tây Đức Hans Dietrich Genscher, lúc đó đang ở New York để dự Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc. Một cách miễn cưỡng, Honecker cuối cùng nói ông sẵn sàng để cho “bọn phản bội” trong Tòa Đại sứ Tây Đức được đi qua phương Tây.
Mặc dù người tị nạn Đông Đức có thể đi thẳng qua Tây Đức trên những chuyến xe lửa thông thường, nhưng Honecker nhất quyết yêu cầu họ phải đi qua Đông Đức trước khi đến Tây Đức, để mọi người có ấn tượng là Đông Đức chủ động trục xuất họ. Ông yêu cầu họ được di chuyển trong những chuyến tàu hỏa bít kín. Tại nơi trung chuyển, công an Đông Đức sẽ chính thức tịch thu Chứng minh Nhân dân và tước bỏ quốc tịch của họ. Họ làm việc này để làm nhục người tị nạn, và làm ra vẻ chế độ vẫn đang kiểm soát được mọi sự.
Một bài xã luận trên tờ báo ĐảngNeues Deutschland viết rằng: “Bằng hành động của mình, chúng đã chà đạp lên mọi giá trị đạo đức và tự tách mình ra khỏi xã hội chúng ta.” Đây là bài báo mà trưởng ngành tuyên giáo Joachim Hermann nói do đích thân Honecker đọc cho nhà báo viết.[11]
23.
Các đồng chí của Tổng Bí thư Honecker không biết gì về thỏa thuận ông đạt được với Tiệp Khắc và Tây Đức về việc buộc người tị nạn đi ngang qua Đông Đức.
Đêm thứ sáu 29/9/1989, hầu hết các nhà lãnh đạo cao cấp đều có mặt tại Nhà hát Quốc gia, ở Unter den Linden, để dự đêm biểu diễn trọng thể mừng Quốc khánh nước Trung Hoa cộng sản. Honecker, vẫn còn đau nhưng trấn an mọi người mình đã khỏe, sau đó mời họ vào phòng tiếp tân Apollo lộng lẫy để hội ý, tại đây Honecker cho họ biết “thông tin về một vụ việc vô cùng cấp bách”.
Ông mô tả kế hoạch di tản người tị nạn qua ngả Đông Đức, và gần như xem đây là một chiến thắng ngoại giao. Tuy nhiên, theo lời Gunter Schabowski**, hầu hết các đồng chí của ông thấy ngay đó là một sai lầm tệ hại. Schabowski nói: “Nhiều người chúng tôi thấy cuộc xuất hành này, do chúng tôi tổ chức, là chứng cớ cho thấy đất nước này bất lực.”
Từ lúc đó trở đi, một nhóm trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất chế độ nhận thấy cần phải thay thế Honecker sớm. Nhưng họ không làm gì hết. Schabowski nhận xét “thật vô ích nếu cứ nhập nhằng quanh co mãi. Nhưng chúng tôi cứ thế.”[12]
Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Tây Đức Genscher bay qua Praha để thông báo cho người tị nạn về thỏa thuận ông đạt được với Honecker. Đây là một trong những việc khó khăn nhất và nhiều cảm xúc nhất mà ông từng làm. Ông kể lại: “Phải nói là tôi đến nơi … với cảm xúc rối bời hoàn toàn. Phải nói với họ sao đây? Một mặt họ sẽ cực kỳ vui sướng vì có thể đi, nhưng mặt khác tôi phải cho họ biết hành trình của họ sẽ trải qua vài giờ đi ngang qua Đông Đức. Họ có chấp nhận bảo đảm của tôi là đi qua Đông Đức sẽ an toàn không?” Tuy vậy, người tị nạn Đông Đức cũng hiểu họ không còn con đường nào khác. Và họ cũng không thể ở Tòa Đại sứ mãi được.[13]
*
TÁM CHUYẾN TÀU GÂY BẤT ỔN
24.
Đầu giờ chiều ngày thứ hai 2/10/1989, vài trăm người tị nạn nhóm đầu tiên được đưa lên xe buýt bắt đầu hành trình. Tâm trạng mọi người đều căng thẳng. Họ được chở đến một nhà ga nhỏ ở ngoại ô Praha, và chờ đợi.
Cô giáo Birgit Spannaus nhớ lại: “Chúng tôi chờ vài giờ trước khi xe lửa đến. Và rồi có một chút hoảng loạn. Ban đầu, có ai đó nói thảng thốt: ‘Chúng tôi không đi nữa, vụ này là phản bội. Chúng tôi sợ lắm.’ Một quan chức Tây Đức phải cố trấn an chúng tôi. Ông nói ông sẽ đi cùng với chúng tôi, và mỗi chuyến xe lửa rời Praha như vậy sẽ có một đồng nghiệp Tây Đức của ông trên tàu, để bảo đảm an toàn.”
Vẫn theo lời cô giáo Spannaus, qua đến Đông Đức không bao lâu thì “tàu dừng lại. Hai người đàn ông mở cửa ra, họ nói: ‘Xin chào, chúng tôi là công an và chúng tôi sẽ thu hồi Chứng minh Nhân dân của mọi người ngay bây giờ.’ Tôi không thể nào quên được hình ảnh công an cúi xuống sàn nhặt giấy tờ, vì mọi người vứt bừa giấy tờ xuống chân. Cảm giác của tôi lúc đó là ‘này, từ nay, các ông không còn hù dọa tôi được nữa nhé’.”[14]
25.
Người Đông Đức vẫy tay chúc mừng người tị nạn dọc tuyến đường cho đến khi tám chuyến xe lửa bít kín đến được Dresden, thành phố Đông Đức lớn đầu tiên bên kia biên giới. Dọc theo đường tàu là một vệt dài trắng giấy vụn, người tị nạn trên tàu đã xé giấy tờ tùy thân, xé hộ chiếu Đông Đức và xé những đồng tiền Đông Đức-mã giá trị không hơn giấy lộn vứt vung vãi bên đường.
Chính quyền yêu cầu người dân Đông Đức không được chào đón những chuyến tàu tị nạn. Nhưng hơn 1.500 người biểu tình, phần lớn là giới trẻ, đã bất chấp lệnh cấm, xông qua hàng rào công an và tìm mọi cách leo lên tàu. Công an gần như không thể kiềm chế được đám đông, còn đám đông thì ném gạch đá vào công an. Gần như mọi cửa sổ tại nhà ga Dresden đều vỡ toang, phần lớn nhà chờ bị phá hủy, hàng chục người bị thương. Một người biểu tình ngã xuống dưới tàu khi tàu chuyển bánh, khiến anh đứt lìa hai chân.
Các cuộc biểu tình còn thu hút đông người hơn nữa sau khi tám đoàn tàu đã đi qua. Công nhân nhà máy và những người lớn tuổi bình thường cũng tham gia biểu tình cùng giới trẻ. Công an ra lệnh giải tán nhưng họ bất tuân. Hai bên cầm cự trong nhiều giờ nhưng đáng kể nhất là công an không có hành động nào khác hơn.
Đêm hôm đó, trong buổi biểu tình thắp nến tại Leipzig, khoảng 12.000 người biểu tình đã được phép diễu hành ôn hòa trên con đường nội đô quanh thành phố.
*
ĐẾN ĐÍCH
26.
Khi những chuyến tàu tị nạn đến nơi tại Hof, Bavaria, Tây Đức, đông đảo người dân Tây Đức đã phấn kích chào đón đồng bào Đông Đức như đón anh chị em ruột thịt. Quả là một cuộc chào đón vỡ òa cảm xúc, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Cộng hòa Liên bang Đức và cùng lúc phát sóng về cho khán giả Đông Đức.
Chỉ vài giờ sau đó, lại có thêm hàng ngàn người dân Berlin và Leipzig chất đồ đạc lên những chiếc xe Trabant và Wartburg của họ và đi qua phía đông, tiến về Tiệp Khắc.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of The Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
PT
[1] Documente zur Deutschlandpolitik: Deutsche Einheit, Sonderedition aus den Akten des Bundeskanzleramtes, 1988/1989, document 28; phỏng vấn Miklos Nemeth, Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 9
[2] Phỏng vấn Nemeth, như trên
[3] GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow), biên bản cuộc điện đàm giữa Gorbachev và Kohl, ngày 25/8/1989
[4] BA SPMO (Bundesarchiv, Stiftung Archiv der Parteien und Massenorganisationen der DDR), Krenz’s office IV 2/2.039/76; Gunter Schabowski, Das Politburo (Rowholt, Reinbeck, 1990)
[5] BA SPMO, Krenz’s office, biên bản cuộc họp Bộ Chính trị ngày 5/9, IV 2/2.039/77
[6] Phỏng vấn Miklos Nemeth, Cold War series, LHCMA, box 9
[7] Tác giả nói chuyện với Matthias Mueller và Reinhard Schult, Berlin, tháng 11/2007; Charles Maier,Dissolution: The Crisis of Communism and the End of East Germany (Princeton University Press, 1997), tr. 168; phỏng vấn Jan Lassig, Fall of the Wall series, LHCMA, box 5
[8] “Ich Liebe euch doche alle …” Befehle und Lageberichte des MfS, tr. 450-66
[9] Phỏng vấn Đức Giáo hoàng, Fall of the Wall series, LHCMA, box 7
* Tuyên cáo “Vài câu ngắn ngủi” có thể được xem như phiên bản mới của tuyên cáo có tên “Hai ngàn chữ” được nhà văn kiêm nhà báo Ludvik Vaculik công bố vào Mùa Xuân Praha 1968. (ND)
[10] Fall of the Wall series, LHCMA, box 11
[11] Báo Neues Deutschland, ngày 12/9/1989
** Gunter Schabowski sau này nổi tiếng vì nhầm lẫn trong họp báo công bố mở cửa Bức tường Berlin. Ông từng là Tổng Biên tập tờ báo Đảng “Neues Deutschland”. Năm 1985, ông trở thành Bí thư Thành ủy Đông Berlin và có chân trong Bộ Chính trị. (ND)
[12] Gunter Schabowski, Das Politburo (Rowohlt, Reinbeck, 1990), tr. 127
[13] Fall of the Wall series, LHCMA, box 4
[14] Cold War series, LHCMA, box 7
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/36913
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét