VNTB - Sự tồn vong của dân tộc Việt Nam
Ts Trần Văn Luyến (VNTB) Tài nguyên của một quốc gia được phân loại thành tài nguyên cứng và tài nguyên mềm. Khoáng sản, đất, rừng, biển cho đến vùng lãnh thổ và lãnh hải là tài nguyên cứng. Nguồn nhân lực là tài nguyên mềm. Tài nguyên mềm được chia thành sức mạnh cơ bắp và năng lực chất xám. Dân tộc Việt chưa biết khai thác tài nguyên mềm nên mãi lận đận dù rằng trong lịch sử đã nhiều lần hiển hách.
Tại sao đến nay, ta vẫn nghèo, vẫn nhục?
Chúng ta có tiềm năng trí tuệ rất to lớn trên tất cả mọi lĩnh vực từ khoa học đến nghệ thuật, từ quân sự đến kinh tế chính trị. Điểm lại tất cả các cuộc thi thố tài năng trên thế giới vài chục năm trở lại đây học sinh sinh viên Việt Nam bao giờ cũng chiếm được thứ hạng rất cao. Trong hàng ngũ mười danh tướng từ cổ chí kim cũng có mặt đến hai người Việt Nam. Trong danh sách danh nhân văn hóa của thế giới cũng có người Việt Nam. Chúng ta cũng có các nhà khoa học được thế giới kính trọng. Tất cả những điều này cùng với thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vừa qua và thành tựu những năm đổi mới là niềm tự hào dân tộc.
Nhưng chúng ta không thể phát triển chỉ với niềm tự hào dân tộc và phát triển bằng niềm tự hào dân tộc. Đấy là nguồn sinh lực động viên và khích lệ mỗi người dân hôm nay tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta phải thấy nỗi nhục nghèo nàn như nỗi nhục mất nước mỗi khi chúng ta vay nợ nước ngoài. Bởi vì vay nợ là bị lệ thuộc vào những điều kiện của người cho vay (thời hạn trả, lãi suất …). Tại sao chúng ta không phải là kẻ cho vay mà lại là người xin vay để phải mang công mắc nợ? Chúng ta có thể trả nợ đúng hạn hay lại phải để cho con cháu chúng ta phải trả. Điều đó không những hổ thẹn với tổ tông mà còn ngượng ngùng với con cháu.
Dân tộc độc lập: chưa đủ
Dân tộc độc lập chưa đủ, chúng ta phải phấn đấu cho cuộc sống của nhân dân ấm no hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể ngẩng cao đầu khi chúng ta bằng vai phải lứa với các quốc gia tiền tiến trong khu vực và trên thế giới.
Ngày nay, khái niệm độc lập có thể đã khác xưa, chúng ta được độc lập về mặt quốc gia nhưng nếu không khéo chúng ta sẽ lại rơi vào vòng lệ thuộc kiểu hiện đại là nơi cung cấp nguyên vật liệu và nhân công rẻ mạt cho tư bản nước ngoài.
Người Nhật dạy con em họ “nước ta nghèo về tài nguyên trong lòng đất nhưng rất giàu ý chí quật cường và tài năng sáng tạo, chúng ta là con cháu Thiên hòang nên phải xứng đáng với tổ tiên”. Sau 30 năm cam chịu kiếp bảo hộ về quân sự do thất bại ở thế chiến thứ hai, ngày nay có nơi nào trên thế giới mà người Nhật không đặt chân đến bằng hàng hóa của họ.
Chính sự quật cường của truyền thống dân tộc và tài năng sáng tạo đã khơi nguồn cho sức phát triển của người Nhật và họ đã làm được công cuộc chinh phục thế giới mà thế hệ cha anh của họ dù phải tốn rất nhiều máu xương vẫn cam chịu thất bại nhục nhã. Chúng ta cũng có ý chí quật cường, cũng đầy tiềm năng sáng tạo, chúng ta có thể được như người Nhật chăng?
Mấy nghìn năm phong kiến phương Bắc và các thế lực thù địch đã không tiêu diệt nổi dân tộc Việt Nam. Chúng ta vẫn hiên ngang tồn tại và có hẳn một nền Văn hóa mang bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Không thiếu nhân tài, nhưng không biết sử dụng nhân tài còn tệ hơn gấp nhiều lần. Đó là sự lãng phí cao nhất, lãng phí chất xám và sự lãng phí này là cơ sở trực tiếp cho sự suy vong của dân tộc.
Do đó, để huy động được hết mọi tiềm năng sáng tạo trong mỗi con dân Việt Nam. Chúng ta phải cởi bỏ tất cả các trói buộc để cho mọi nguồn sáng tạo có thể phát sinh và phát triển. Nếu không, thì sự trì trệ kéo dài, tệ quan liêu cửa quyền, nạn tham nhũng vô hạn độ sẽ đưa cả dân tộc đi đến bước đường cùng.
Nhiều nghị quyết, chỉ thị và chất xám vẫn chảy?
Suy cho cùng sự tồn vong của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng trí thức. Để tạo điều kiện cho nhân tài được phát triển, điều đầu tiên là phải trọng dụng (chính sách chiêu hiền đãi sỹ). Trọng dụng trước hết là kính trọng rồi mới sử dụng. Ngày xưa Lưu Bang lập đài bái kiếm Hàn Tín, Lưu Huyền Đức ba lần cầu Gia Cát Lượng, Lê Thái Tông lập Quốc Tử Giám (1442) đúc văn bia ghi công trạng kẻ sỹ tại Văn miếu, Nguyễn Huệ thân hành lên núi thỉnh xin cao kiến La Sơn Phu Tử. Gần hơn, Tiến sỹ (ông Nghè) vinh quy được áo mũ Vua ban, võng lọng về làng. Hồ Chí Minh chiêu tập được rất nhiều trí thức bất kể nguồn gốc xuất thân để tiến hành thành công trường kỳ kháng chiến lần thứ nhất.
Ngày nay dù rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về khoa học công nghệ, về trí thức đã ra đời, nhưng xem ra vẫn chưa đem lại hiệu quả bao nhiêu. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Nếu chúng ta nói được và đã nói nhiều lần mà chưa làm được, phải chăng đó là lực bất tòng tâm, hay đó là nói suông, hay trên thì cứ nói, dưới làm khác đi, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hay là tại các văn bản đó chưa nhắm đúng vào vấn đề cốt lõi như chỉ thị khoán 10 trong nông nghiệp?
Cũng giống như các chính sách khác của Đảng đã khơi dậy tiềm năng trong toàn dân để từ một nước thiếu ăn ta đã tự túc được lương thực và xuất khẩu gạo, để từ một nước được coi là thù địch ta đã là bè bạn khắp năm châu. Chính sách đối với khoa học và công nghệ cần một quyết tâm cao hơn, dễ đi vào lòng người hơn phải xuất phát trứơc hết từ việc tôn trọng trí thức trong việc lo cho họ từ cuộc sống riêng đến lo cho họ một chỗ làm đủ điều kiện để phát huy năng lực. Đến lúc đó mới hy vọng thu được các kết quả. Chăm lo cho trí thức cũng là chăm lo cho tương lai của dân tộc, đấy là chính sách khuyến học cụ thể nhất.
Đã đến lúc phải đưa hiểu biết và tri thức thành khẩu hiệu sống hàng ngày: “Ngu dốt là nguồn gốc của nghèo nàn và lạc hậu”, “Nhân tài là báu vật của quốc gia”. Nhưng không phải chỉ có khẩu hiệu, phải đưa được chính sách vào cuộc sống bằng cách trả lương sòng phẳng theo trình độ và năng lực làm việc. Khi thấy Tiến sỹ chỉ đủ sống đạm bạc qua ngày thì chẳng có một học sinh nào dám mơ trở thành Tiến sỹ và mọi chuyện khuyến học trở thành nhạt phèo chẳng một ai thèm quan tâm.
Nó là nguy cơ, bởi thế kỷ 21 và sau này, trí thức sẽ là lực lượng lao động chính trên bình diện toàn xã hội.
Đạo đức, văn minh và tư duy đổi mới
Đảng cộng sản Việt Nam tự nhận là đạo đức là văn minh nhưng xem ra mới chỉ biết khai thác tài nguyên cứng và sử dụng lao động cơ bắp mà chưa biết, chưa dám hay không đủ khả năng sử dụng chất xám.
Những chiến dịch cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, đốt sách sau 30/4/1975, cải tạo tư bản tư doanh, toàn dân vào hợp tác xã là những ví dụ cho thấy cứ mỗi lần chúng ta đối xử tệ với nguồn chất xám của dân tộc là mỗi lần chúng ta tiêu hao nguyên khí nước nhà và hậu quả là chúng ta tụt dốc.
Những chiến dịch này hoặc là bắt chước hoặc là học tập theo các chỉ thị của cố vấn Tàu và na ná như những chiến dịch của Stalin ở Liên Xô cũ hồi những năm trước và sau thế chiến thứ II. Phải chăng nó bắt nguồn từ lý thuyết hình thái kinh tế xã hội nói về mối tương quan giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Người ta muốn thủ tiêu các quan hệ sản xuất lỗi thời: phong kiến và tư bản cũng như đại diện đi kèm của chúng (dân tộc mại bản, tầng lớp tiểu tư sản mà chủ yếu là văn nghệ sĩ, trí thức) để chỉ còn các giai cấp cách mạng công nhân và đồng minh tự nhiên của nó: nông dân.
Điều này thể hiện rõ nhất trên đảng kỳ: lá cờ chỉ có búa và liềm. Rõ ràng rằng với đảng kỳ như vậy thì người ta chỉ muốn giành lấy chính quyền để xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng sức mạnh cơ bắp của lien minh công - nông. Đâu cần đến tầng lớp tinh hoa của nhân loại, những người sở hữu và sử dụng năng lực chất xám. Đây chính là nguyên nhân nước ta chưa phát triển hoặc đã phát triển hết khả năng mà tài nguyên cứng và sức lao động cơ bắp làm được.
Đổi mới lần này, nếu có, ở đại hội XII của đảng cộng sản Việt Nam sẽ là đổi mới tư duy - khai thác bằng được nguồn chất xám vô tận của trí tuệ Việt. Đây cũng là mong muốn của 90 triệu con dân nước Việt và là lời kêu gọi của non sông đầu thế kỷ 21. Dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển vững mạnh hay bị diệt vong bởi kẻ thù truyền kiếp.
Nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam có đáp ứng lại lời kêu gọi này hay không?
http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-su-ton-vong-cua-dan-toc-viet-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét