Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 46
BULGARIA: ĐẢO CHÍNH
YẾU HƠN TƯỞNG TƯỢNG – ĐÀN ÁP NHÓM MÔI TRƯỜNG ECOGLASNOST – BỘ TỨ ÂM MƯU: BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH, THỦ TƯỚNG, NGOẠI TRƯỞNG, BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG – ĐÁNH TIẾNG VỚI MOSCOW – BẮT ĐẦU: CÁO TRẠNG CỦA NGOẠI TRƯỞNG – TỪ CHỨC HAY LÀ CHẾT – THOÁI VỊ, THAM QUYỀN VÀ PHẢN ỨNG
***
Thủ đô Sofia. Thứ sáu, ngày 10 tháng 11, năm 1989
YẾU HƠN TƯỞNG TƯỢNG
1.
TRONG KHI THẾ GIỚI ĐANG CHÚ Ý theo dõi tình hình Berlin thì có tin nhà độc tài cai trị Bulgaria 30 năm bị lật đổ trong một cuộc đảo chính gọn gàng, có kế hoạch.
Nhà độc tài Todor Zhivkov không bị lật đổ vì quyền lực nhân dân trên đường phố như ở Berlin. Ông cũng không thương lượng để thoái vị như người cộng sản đã làm ở Ba Lan và Hungary. Ông mất ngôi trong một cuộc cách mạng cung đình do một nhóm nhỏ những tay chân cao cấp nhất của ông tiến hành.
Một trong những kẻ bợ đỡ ông trước đây, giờ tham gia nhóm đảo chính, nói Zhivkov có “bản năng ‘đánh hơi nguy hiểm’ như một con lợn rừng”. Nhưng nhà độc tài thối nát ở thủ đô Sofia này lại xem thường những âm mưu chống lại mình, vì nếu không, ông đã tìm cách ngăn cản. Tuy vậy, cuối cùng ông đã phải ngoan ngoãn ra đi, vì sợ bị giết.
Có một trùng hợp thích đáng là biểu tượng của chế độ cộng sản già nua rệu rã ở Sofia đã bị lật đổ hai tiếng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Cả hai đều yếu hơn người ta tưởng nhiều.
*
ĐÀN ÁP NHÓM MÔI TRƯỜNG ECOGLASNOST
2.
Áp lực từ các lực lượng đối lập ngoài Đảng có vai trò trong việc loại bỏ Zhivkov nhưng chỉ là vai phụ. Nội bộ giới lãnh đạo tuy có chia rẽ khi đối phó với phe đối lập đang lớn mạnh, nhưng với Zhivkov, đối lập vẫn chỉ là một phiền phức nhỏ, chưa phải là một lực lượng cách mạng làm ông lo ngại.
Nhân cuộc họp thượng đỉnh về môi trường của Hội nghị An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE) diễn ra tại Sofia trong hai tuần, bắt đầu từ 16/10/1989, các nhà vận động cho dân quyền đã tận[1] dụng cơ hội để quảng bá đường lối của họ. Krassen Stanchev, một trong những người sáng lập nhóm Ecoglasnost (cởi mở về môi trường), nói:
“Chúng tôi nhận thấy đây là một cơ hội tuyệt vời để thế giới biết đến chúng tôi nhiều hơn. Vì sẽ có các chính trị gia, quan chức và nhà báo nước ngoài đến đây, công an và lực lượng an ninh không thể ngăn cản chúng tôi tiếp cận các đại biểu này. Chúng tôi vẫn hoạt động vì những vấn đề môi trường, như vụ dự án xây đập thủy điện và Tu viện Rila. Nhưng đó chỉ là một cái cớ, hoạt động của chúng tôi thực ra là chống chế độ nói chung và ai cũng biết điều này”.[1]
3.
Lần đầu tiên Ecoglasnost được phép tổ chức họp báo với báo giới trong nước và phương Tây. Ecoglasnost cũng được phép tổ chức các cuộc hội họp công cộng, dù số người tham dự chỉ thưa thớt. Họ tổ chức các cuộc biểu tình chống ô nhiễm, đã lên đến mức khủng khiếp tại Biển Đen, và tổ chức các buổi chiếu bộ phim chống ô nhiễm có tên Breath (thở).
Tại Crystal Garden (Vườn Thủy tinh), một điểm đông người ngay trung tâm thủ đô Sofia, họ được phép đặt một bàn thu thập chữ ký cho kiến nghị về môi trường. Suốt 12 ngày, họ bị an ninh theo dõi chặt nhưng không bị quấy nhiễu. Đến ngày thứ năm 26/10/1989, Zhivkov mất kiên nhẫn. Nhân viên mật vụ Durzhavna Sigurnost (DS – An ninh Quốc gia) yêu cầu các nhà hoạt động Ecoglasnost và người ủng hộ rời trung tâm Sofia, di chuyển đến một địa điểm xa xôi, ở ngoại ô thành phố. Nhưng họ từ chối.
Ít phút sau 12 giờ trưa, dân quân mặc đồng phục và côn đồ do mật vụ DS điều động đã nhào vào giải tán cuộc biểu tình một cách dã man, đánh đập và bắt đi 40 người ngay trước mắt các nhà ngoại giao, các đại biểu dự hội nghị đến từ Mỹ, Pháp và các nhà báo nước ngoài. Sau đó, họ còn vây bắt và tấn công khoảng hơn 30 nhà hoạt động đối lập khác, đưa họ lên xe, chở về vùng quê, rồi thả họ xuống để họ tự đi bộ về Sofia. Một phụ nữ bị thương nặng ở vùng bụng. Hầu hết bị kết án những tội danh lặt vặt, ngoại trừ một người là Lyubimor Sobadijev, đối mặt với nguy cơ bị truy tố tội danh gián điệp, có thể bị tử hình.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều chục năm qua, nhà cầm quyền mạnh tay bạo động đến mức đó, và việc này đã làm người dân Bulgaria chấn động. Tuy tuân phục và thờ ơ đã thành quán tính, người dân vẫn không thể thờ ơ khi thấy máu đổ trên đường phố.
4.
Các yếu nhân nước ngoài tại hội nghị phản ứng nhanh chóng và không ngoài dự kiến. Tất cả mọi chính quyền có đại diện tại CSCE, kể cả Liên Xô, đều phản đối vụ đàn áp. Các đại biểu dọa sẽ bước ra, bỏ ngang hội nghị.
Zhivkov không muốn phản ứng quốc tế gay gắt sẽ dẫn đến việc cô lập Bulgaria, nên ngày hôm sau, Bộ trưởng Môi trường Nikolai Dyulgerov đã bị buộc phải hạ mình xin lỗi công khai, thú nhận rằng các lực lượng an ninh đã “vượt qua mức giới hạn”. Tuy nhiên, thiệt hại không thể cứu vãn.
Có những bàn tán xôn xao chưa từng có trong hàng ngũ Đảng viên rằng đã đến lúc lãnh tụ Zhivkov phải ra đi. Tại một viện nghiên cứu gồm toàn đảng viên cộng sản, các đảng viên đã cùng ký một kiến nghị yêu cầu Zhivkov từ chức. Chỉ vài tuần trước, việc này còn là một vi phạm không thể nào chấp nhận được, nhưng giờ đây lực lượng an ninh lại không làm gì những đảng viên tham gia ký tên. Đó là dấu hiệu cho thấy lãnh tụ tối cao đã yếu thế.
***
BỘ TỨ ÂM MƯU: BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH, THỦ TƯỚNG, NGOẠI TRƯỞNG, BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG
5.
Nhóm âm mưu đảo chính xem đây là thời điểm để hành động.
Nhân vật tích cực nhất trong họ là Bộ trưởng Tài chính Andrei Lukanov, một nhân vật sắc sảo, 51 tuổi, tóc bạch kim, nói lưu loát bảy thứ tiếng, trong nhiều năm là người được Zhivkov ưu ái, ngược lại ông cũng nịnh hót Zhivkov hết mức. Sinh ra tại Liên Xô, ông được cất nhắc thăng tiến trong chế độ Sofia nhờ khả năng nịnh hót bợ đỡ quy mô lớn, và cũng nhờ các mối quan hệ lớn với Điện Kremlin. Lukanov là nhân vật chính trong âm mưu lật đổ, nhưng mọi người trong nhóm lại quyết định chọn Petar Mladenov là người kế vị Zhivkov.
Mladenov là một chuyên gia, ôn hòa, 53 tuổi, được lòng nhiều người trong Đảng và tạo được hình ảnh là một nhân vật cải cách. Ông là Ngoại trưởng Bulgaria gần 20 năm, được ngưỡng mộ trong các chuyến công du quốc tế như một người tỉnh táo, một gương mặt có thể tin cậy được của chế độ đối với thế giới bên ngoài.
Nhân vật kế tiếp là Thủ tướng Georgi Atanasov, được xem như một con số không bên cạnh Zhivkov, một anh cạo giấy khả năng trung bình, nhưng tham vọng không hề tầm thường.
Tuy nhiên, nhân vật chủ chốt lại là Bộ trưởng Quốc phòng suốt 20 năm qua, Dobri Dzhurov, người có nhiệm vụ bảo đảm sao cho Zhivkov không thể phản công. Dzhurov là bạn thân và bạn nhậu lâu năm của Zhivkov. Nhân vật 73 tuổi, thô lỗ, cục cằn này là một trong vài người nhà độc tài Zhivkov cảm thấy có thể tin cậy được.
Cả nhóm đảo chính cho rằng cách duy nhất để bảo vệ vị thế của họ là lật đổ Zhivkov, như người Hungary đã loại bỏ Kadar, người Đông Đức đã lật đổ Honecker.
Nhưng họ còn có một lý do cá nhân khác, đó là họ tin rằng Zhivkov đang thực hiện kế hoạch đưa con trai lên làm người kế vị. Con trai Zhivkov, Vladimir, năm đó 40 tuổi, đã được bố đề bạt để thăng quan tiến chức nhanh chóng trong hệ thống Đảng vài năm qua. Trước đó, Zhivkov đã chuẩn bị cho cô con gái Ludmilla thông minh và có cá tính lên nắm quyền cao chức trọng, nhưng cô đã chết bất ngờ vào năm 1981, trong một tình huống bí ẩn khi mới 39 tuổi. Thế là từ đó đến nay, mọi hy vọng của ông đều dồn vào Vladimir, người mà Thủ tướng Atanasov cho rằng: “Tất cả chúng tôi đều xem là khờ dại”. Điều này cho thấy ganh ghét và tham vọng là động lực thúc đẩy âm mưu đảo chính.[2]
6.
Từ tháng 5/1989, khi Zhivkov tung ra chiến dịch trục xuất người gốc Thổ, bộ tứ vừa kể đã bàn mưu tính kế theo cách bất thường. Họ không thể gặp nhau công khai, vì sợ gián điệp riêng của Zhivkov nghi ngờ lập tức. Lukanov nói:
“Chúng tôi như đang sống trong một ngôi nhà kính trong suốt, bị theo dõi thường trực. Ai cũng biết mọi điều chúng tôi nói đều được ghi lại, và vì biết mình bị nghe lén, chúng tôi chỉ nói toàn chuyện kinh doanh, chuyện cá nhân. Những gì kín đáo thì chúng tôi thường viết lên giấy rồi giúi qua bàn cho nhau. Đương nhiên không thể gọi điện cho nhau. Chúng tôi không thể tin ai khác”.
Họ phải hẹn gặp nhau ngoài đường phố, nơi khó có thể nghe lén. Vỉa hè cũng là nơi họ đạt được thỏa thuận cuối cùng và rất quan trọng với Bộ trưởng Quốc phòng Dzhurov, khi ông đồng ý tham gia đảo chính.
*
ĐÁNH TIẾNG VỚI MOSCOW
7.
Lukanov và Mladenov tin rằng họ cần Moscow cho phép trước khi tiến hành. Việc đánh tiếng với Moscow cũng phải rất thận trọng. Mladenov đã đích thân báo riêng cho Gorbachev biết ý định tại cuộc họp thượng đỉnh của Khối Warsaw, diễn ra tại Bucharest ngày 7/7/1989. Sự việc diễn ra như sau: Mladenov cầm trong tay một quyển sách của Gorbachev, đợi đến giờ giải lao giữa giờ, ông đến trước Gorbachev và xin ông ký tên vào sách làm kỷ niệm. Mladenov kể lại:
“Rồi Gorbachev nói, ‘Tôi muốn nói chuyện với anh’. Chúng tôi lui vào một góc không có ai khác … Theo hệ thống làm việc của chúng tôi, không thể tưởng tượng được cảnh một Ngoại trưởng, chứ không phải Tổng Bí thư, đến nói chuyện riêng với Gorbachev. Đúng lẽ, tôi không được phép gặp riêng ông … Tôi báo cho Gorbachev rằng chúng tôi dự định thực hiện vụ thay đổi này … ông nói ‘Việc này hoàn toàn là của các anh. Các anh phải tự giải quyết lấy.’ Rất có thể Zhivkov mang máng biết chúng tôi đang làm gì, vì ông có trực giác rất nhạy bén. Nhưng … có chứng cớ chuyện đó thật hay không lại là việc khác”.[3]
8.
Ba nhân vật tại Liên Xô được thông báo xuyên suốt diễn tiến vụ này là Gorbachev, Yakovlev và Shevardnadze. Tại Sofia, Đại sứ Liên Xô, Viktor Sharapov, cũng biết âm mưu đảo chính. Biết nhưng họ không giữ vai trò tích cực nào, ngoại trừ chúc nhóm tổ chức may mắn.
Họ cố tình không cho mật vụ KGB biết vì sợ thông tin bị lộ. Không ai ở trụ sở KGB tại Lubyanka có thông tin. Tướng Vladilen Fyodorov, đại diện KGB thường trú ở Sofia, cũng không biết gì cho đến khi xem tin tức trên truyền hình vào ngày hôm sau.
Vì tình báo Liên Xô và Bulgaria thường hoạt động rất gắn bó với nhau – từng hợp tác với nhau trong vô số vụ, như vụ giết nhà văn Georgi Markov – nên những người âm mưu đảo chính muốn hoàn toàn chắc chắn rằng lực lượng An ninh Quốc gia Bulgaria (mật vụ DS) không biết bất cứ điều gì về kịch bản sẽ diễn ra.
*
BẮT ĐẦU: CÁO TRẠNG CỦA NGOẠI TRƯỞNG
9.
Màn chót của kịch bản bắt đầu vào ngày 24/10/1989, khi Mladenov đột ngột từ chức Ngoại trưởng. Zhivkov lo lắng sâu sắc, cố thuyết phục Mladenov từ bỏ ý định nhưng sức thuyết phục của ông lần này không còn tác dụng.
Mladenov gửi thư đến toàn bộ các lãnh tụ lão thành của Đảng Cộng sản, và ông biết rất rõ rằng lá thư sẽ được lan truyền rộng rãi khắp thủ đô Sofia. Lá thư là một cáo trạng đả phá mạnh mẽ sự nghiệp lãnh đạo của Zhivkov, và cả tính cách của Zhivkov nữa. Lá thư viết:
“Todor Zhivkov … đã đưa đất nước chúng ta lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và chính trị sâu sắc. Ông dư biết rằng đường lối chính trị của ông – gồm cả những điều quỷ quyệt và chiêu trò vặt vãnh giúp ông và gia đình nắm quyền bằng mọi giá càng lâu càng tốt – đã thành công trong việc cô lập Bulgaria với thế giới bên ngoài. Chúng ta thậm chí bị cô lập với cả Liên Xô, và chúng ta chỉ còn lại một mình, trong cùng cái “máng lợn” với nhà độc tài Ceausescu … Zhivkov đã đẩy Bulgaria ra khỏi trào lưu của thời đại.
“Thật không dễ dàng khi phải làm Bộ trưởng Ngoại giao trong một đất nước như thế, do một lãnh tụ như thế cầm đầu. Thế giới đã thay đổi … và nếu Bulgaria muốn hội nhập với phần còn lại của thế giới, Bulgaria phải làm việc theo cách hiện đại.
“Cũng như tất cả mọi người, tôi cho rằng mình có một hình ảnh đúng đắn về tư cách đạo đức của Todor Zhivkov. Tôi biết ông sẽ không ngưng lại trước bất cứ điều gì, kể cả trước những tội ác tàn bạo nhất, khi điều mà ông coi trọng hơn cả là quyền lực của ông bị xúc phạm … Tôi cũng không loại trừ khả năng ông sẽ dùng các biện pháp vật lý để trả thù tôi, hoặc người trong gia đình tôi …”.[4]
Mladenov kể ông đã thận trọng gửi một bản sao lá thư đến Gorbachev “vì tôi muốn ở đó có một tài liệu cho lịch sử sau này, phòng khi có việc gì xảy đến cho chúng tôi”.
Về phần Zhivkov, vì muốn biết chắc Liên Xô sẽ ủng hộ mình, vào ngày 30/10/1989, ông đã gửi một thông điệp cho Gorbachev xin gặp ông gấp tại Moscow. Gorbachev từ chối, nói rằng ông quá bận, không gặp được, và cho biết ông luôn “trung lập” trong việc nội bộ của Sofia, vốn hoàn toàn là việc Bulgaria phải tự giải quyết.[5]
*
TỪ CHỨC HAY LÀ CHẾT
10.
Zhivkov lúc đó uống rượu nhiều hơn bình thường và khó ngủ. Ông luôn là người mạnh mẽ, khỏe khoắn gần như cả đời mình, nhưng đến nay ông bắt đầu xuống sức, dù chưa quỵ ngã.
Ông gặp người bạn thân, Bộ trưởng Quốc phòng Dzhurov, vào khoảng 10 giờ sáng ngày thứ tư 8/11/1989. Và Dzhurov đã ra một đòn nặng tay, ông bảo Zhivkov đã đến lúc bước xuống, và hiện có đủ số thành viên ban lãnh đạo tối cao sẵn sàng biểu quyết buộc ông rời vị trí nếu ông không từ chức.
Zhivkov tìm cách hoãn binh, ông hy vọng có thể tổ chức phản công chống lại nhóm âm mưu. Ông phân bua: “Khi tôi muốn nghỉ vào năm ngoái và hỏi mọi người tôi có nên từ chức hay không thì ai cũng bảo không. Bây giờ mọi người lại bảo có. Một năm qua chuyện gì đã xảy ra vậy? Tôi sẵn sàng từ chức, sẽ đi sớm thôi, nhưng chưa phải lúc này. Tôi phải làm xong một vài việc đã”.
Theo lời Lukanov, nhóm âm mưu biết rằng thời điểm “phải là bây giờ hoặc không khi nào nữa”. Lukanov nói với Atanasov và Dzhurov rằng: “Chúng ta không chấp nhận bất cứ trì hoãn nào … Nếu cho Zhivkov một tuần thì tất cả mọi việc sẽ đổ bể và chúng ta cũng tiêu luôn”. Lúc đó, Mladenov đang ở Trung Quốc và chỉ có thể về đến nơi vào đêm sau.
11.
Đêm 8/11/1989, Zhivkov tìm cách tập hợp lực lượng ủng hộ mình nhưng vô vọng. Bộ trưởng Quốc phòng Dzhruov vẫn nắm chặt quân đội. Lãnh đạo của các lực lượng dân quân và của cả mật vụ An ninh Quốc gia, vốn trung thành với Zhivkov hàng chục năm nay, đều nói họ không thể ủng hộ ông nữa.
Một buổi họp của ban lãnh đạo tại trụ sở Đảng ở trung tâm Sofia được triệu tập lúc 5 giờ chiều ngày 9/11/1989. Nhóm âm mưu cho ông cơ hội cuối cùng để từ chức.
Trước đó, lúc 4 giờ chiều, Dzhurov đã cho Zhivkov biết rằng các đơn vị quân đội trung thành với Bộ Quốc phòng đang canh gác mọi lối ra khỏi tòa nhà, và cảnh báo ông rằng nếu ông tiếp tục chống lại những gì là tất yếu và không tự nguyện từ chức thì sẽ có một nghị quyết, không những để loại trừ ông mà còn để xử tử ông nữa. Cuối cùng, Zhivkov chịu thua, nước mắt như mưa. Một tiếng sau ông ngồi vào ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgaria lần cuối cùng.
Ông nói ông đã già yếu, bệnh hoạn và mong muốn được rời khỏi nhiệm vụ. Ông từ chức, nhưng vẫn muốn chơi lá bài cuối cùng. Ông đề nghị đưa Thủ tướng Atanasov lên thay ông. Nhưng Zhivkov hỏng luôn lá bài cuối. Atanasov từ chối và đề nghị Mladenov lên thay.
*
THOÁI VỊ, THAM QUYỀN VÀ PHẢN ỨNG
12.
Ngày hôm sau, 10/11/1989, trong một phiên họp Đảng rộng rãi hơn, đơn từ chức của Zhivkov được chính thức chấp nhận, và Mladenov được chính thức bầu vào vị trí thay thế ông.
Giây phút cuối cùng của Zhivkov cho thấy ông đứng một mình, tại thang máy, chờ rời tòa nhà. Nhân vật đã nắm quyền sinh sát tại Bulgaria trong 35 năm qua, đã loại bỏ hàng ngàn đối thủ, và đã bị tố cáo là biển thủ gần 100 triệu đô-la Mỹ gửi trong các ngân hàng Thụy Sĩ cho bản thân và gia đình, giờ đây trông thật thảm hại.
Mladenov đến cạnh ông nói lời an ủi. Mặt Zhivkov sáng lên trong chốc lát và lấy lại được phong cách vốn có. Mladenov kể: “Rồi ông bắt đầu đưa ra một loạt yêu cầu … rằng ông có thể tiếp tục ở trong căn nhà được cấp riêng ở Banyka, gần Sofia được không … Ông có thể có một nhà nhỏ hơn được không … rồi ông hỏi tiền hưu của ông thế nào … tôi bảo ông muốn làm gì thì làm”.[6]
13.
Chế độ độc tài Zhivkov đã chấm dứt. Nhưng những người cộng sản vẫn cố nắm giữ quyền lực độc tôn. Mladenov cho thấy ông và các thủ lĩnh khác của Đảng vẫn muốn tiếp tục nắm quyền như cũ.
Rõ ràng, người hưởng lợi sau cuộc đảo chính này chỉ là những người đã lật đổ Zhivkov. Người dân Bulgaria thấy mình bị lừa dối. Họ xem truyền hình Liên Xô và đã thấy những đám đông xuống đường tại Berlin. Thế là một làn sóng biểu tình lan ra cả nước với quy mô chưa từng thấy trước đây.
Stefan Tafrov, người phát ngôn của một tổ chức vừa được vội vã thành lập, Liên minh các Lực lượng Dân chủ – sau này ông trở thành Đại sứ của Bulgaria tại Anh và Mỹ – nói: “Cuộc đảo chính có lợi cho họ. Nhưng chúng tôi phải tìm điều gì có lợi cho chúng tôi”.
Và những cuộc biểu tình khổng lồ diễn ra suốt ba tuần sau đó đã buộc Mladenov, như đã buộc các nhà lãnh đạo Đông Đức trước đó, phải khuất phục và bắt đầu đàm phán nghiêm chỉnh với phía đối lập, và chấp thuận tổ chức bầu cử tự do vào mùa xuân 1990 sắp tới.[7]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
Dịch giả gửi BVN
[1] Tác giả nói chuyện với Krassan Stanchev, Sofia, tháng 10/2007
[2] David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995), tr. 325; tác giả nói chuyện với Lukanov, Sofia, tháng 4/1991, và với Ruman Danov, Sofia, tháng 10/2007
[3] Jacques Levesque, The Enigma of 1989: The USSR and the Liberation of Eastern Europe (University of California Press, 1997), tr. 217-20
[4] Tài liệu lưu trữ của Quốc hội Bulgaria, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, hồ sơ tháng 10/1989, Sofia
[5] Lukanov nói chuyện với tác giả, Sofia, tháng 4/1991
[6] David Pryce-Jones, sđd, tr. 325-30; tác giả nói chuyện với Lukanov, Sofia, tháng 4/1991
[7] Tác giả nói chuyện với Stefan Fratrov, Sofia, tháng 11/1989, và với Ionni Pojarleff, Sofia, tháng 10/2007
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/37034
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét