Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở Á châu (12)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch
Hoàng Việt hiệu đính
Chương 5
Được miếng và tay không: Dầu khí ở Biển Đông

(Something and Nothing: Oil and Gas in the South China Sea)
Tháng 8 năm 1990, Đông Nam Á đã trở nên rất phấn khởi về việc “Trung Quốc trở lại”. Đã một năm kể từ khi vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn và nhiều nhân vật có ảnh hưởng nghĩ rằng đã tới lúc quay lại với việc [bang giao]. Phô trương ầm ĩ, một trong những người đằng sau vụ thảm sát, Thủ tướng Lý Bằng, đã bắt tay vào một chuyến thăm khu vực 9 ngày. Điểm dừng chân thứ hai của ông là Singapore và sau các nghi thức lịch sự thông thường và bữa quốc yến, vào ngày 13 tháng 8, ông đã chủ trì một cuộc họp báo. Hầu hết các câu hỏi tập trung vào việc hai nước sẽ nối lại quan hệ ngoại giao và vài nhà báo lưu ý tới thông báo có vẻ thân thiện của Lý Bằng rằng Trung Quốc đã “sẵn sàng cùng với các nước Đông Nam Á nỗ lực phát triển Quần đảo Nam Sa, trước mắt gác lại vấn đề chủ quyền”. Đó không phải là một nhận xét khơi khơi mà là tuyên bố công khai đầu tiên của một chính sách vốn được Đặng Tiểu Bình cổ võ trong cuộc đàm phán với Nhật Bản về Biển Hoa Đông vào tháng 10 năm 1978, và sau đó cũng nêu lên với các lãnh đạo Philippines trong các cuộc gặp riêng trong năm 1986 và 1988: “Thế hệ này không đủ khôn ngoan để giải quyết một vấn đề khó khăn như vậy. Sẽ là một ý tưởng hay cậy vào sự khôn ngoan các thế hệ sau giải quyết”. Tuyên bố này cũng là cơ sở của chính sách nhà nước của Trung Quốc đối với cả Biển Hoa Đông và Biển Đông kể từ đó.
Năm 1990, lãnh đạo Trung Quốc băn khoăn về năng lượng. Sau 30 năm Trung Quốc tự túc về dầu, nhờ mỏ trên đất liền ở Daqing (Đại Khánh), rõ ràng là nhu cầu ngày càng tăng lên do cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình sẽ mau chóng vượt quá sản xuất. Đất nước cần nguồn cung mới. Tháng 4 năm 1987 các nhà khoa học Trung Quốc khảo sát nhiều phần của Biển Đông và sau đó nhanh chóng tuyên bố sự tồn tại của “dự trữ dầu và khí đốt phong phú ở bãi ngầm Zengmu [Tăng Mẫu /James]” ngoài khơi bờ biển Borneo. Tháng 12 năm 1989, tờ Trung Quốc Nhật Báo cho biết tính toán chính thức rằng quần đảo Trường Sa chứa 25 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 105 tỷ thùng dầu và vùng bãi ngầm James cho thêm 91 tỷ thùng. Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo chính trị khác đã bắt đầu nói tới Biển Đông như câu trả lời cho cuộc khủng hoảng đang lờ mờ hiện ra. Chủ đề đó được nhiều tiếng nói chủ chốt trong các lĩnh vực năng lượng và quân đội khuếch đại thêm. Jiefangjun bao (Báo Giải Phóng Quân), tờ báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đăng một loạt bài từ năm 1987 đến 1990 gắn kết tầm quan trọng thiêng liêng của việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia với các lập luận thực dụng ủng hộ việc thu vén tài nguyên ở Biển Đông.
Đông Nam Á không để ý tới những bàn luận này. Trung Quốc ở quá xa và thiếu phương tiện lẫn kỹ năng để phát triển bất cứ điều gì xa bờ quá vài hải lí. Khi Lý Bằng đề xuất cùng phát triển ở Trường Sa, điều đó được hiểu như là một đề xuất vô nghĩa. Ý kiến sẽ thay đổi. Chủ trương của Đặng Tiểu Bình gồm nhiều thứ hơn là chỉ có việc gác lại bất đồng. Dạng thức đầy đủ của nó có ba thành tố: “chủ quyền thuộc chúng ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”(chủ quyền thuộc ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát), trong đó thành tố đầu tiên là có ý nghĩa nhất. Thật ra, điều đó có nghĩa là bất kỳ nước nào muốn phát triển tài nguyên biển nằm trong đường “chữ U” sẽ phải hoặc thừa nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh hoặc trực tiếp thách thức sự hiện diện thực tế của Bắc Kinh. Vì không nước nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc, tuyên bố Lý Bằng ở Singapore đã trở thành nền tảng cho các tranh chấp hiện nay. Cho đến lúc đó, mối quan tâm của Bắc Kinh có vẻ chỉ giới hạn vào các đảo và rạn đá mà họ chiếm đóng vào năm 1974 và 1987-8. Sau năm 1990, trở nên rõ ràng rằng nhiều nhóm lợi ích ở Bắc Kinh muốn thực thi chủ thuyết “chủ quyền thuộc chúng ta” trên toàn bộ diện tích nằm trong đường chữ U. Đứng đầu trong số đó là Công Ty Dầu Khí Ngoài Khơi Quốc Gia Trung Quốc, CNOOC. Nhưng kẻ thúc CNOOC thực hiện bước đi đầu tiên lại là một người Mỹ.
**********
Năm 1992, một người Mỹ thuộc bang Colorado đã thay đổi trò chơi ở Biển Đông qua việc thực hiện thuật giả kim hiện đại: biến hư không thành vàng. Ông ta đã viết lại các quy tắc của thăm dò dầu ở Đông Nam Á, đưa hai nước đến sát lằn ranh của xung đột rồi bước ra với vài triệu đô la. Trong quá trình này, Trung Quốclần đầu tiên đã làm rõ rằng yêu sách đường “chữ U” không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một tuyên bố về ý định tương lai và các nước láng giềng mới hiểu rằng việc Trung Quốc tìm kiếm an ninh năng lượng sẽ đe doạ an ninh năng lượng của chính họ. Nhưng câu chuyện của cuộc chiến tài nguyên của Đông Nam Á có một khởi đầu khó có thể xảy ra. Nó bắt đầu vào năm 1969 với một thanh niên đi bộ nhiều dặm đến câu lạc bộ Country Denver để dự phỏng vấn cho một học bổng học làm trợ lý người chơi golf (golf caddy).
Cha mẹ Randall C. Thompson li dị và không người nào có khả năng sắm xe hơi vì vậy Thompson phải tự lo đi phỏng vấn. Anh đã rớt phỏng vấn, nhưng một thành viên trong nhóm phỏng vấn, ấn tượng bởi tính quả quyết của chàng thanh niên, đã thuyết phục các thành viên khác cho anh ta đi học khoa học chính trị ở trường Đại học Colorado. Người ân đó là Sonny Brinkerhoff, gia đình sở hữu Công ty Brinkerhoff Drilling. Mùa hè sau Brinkerhoff định cho 50 người được học bổng làm việc ở các giếng dầu của mình ở Wyoming.Thompson là người duy nhất nộp đơn. Anh ta thích công việc và cũng làm việc cho Brinkerhoff hè năm sau. Hè sau đó, anh tốt nghiệp và đến gặp Brinkerhoff lần nữa. Cuối hôm đó, Thompson đã có được việc làm như là một landman (tìm các nơi có mỏ tiềm năng có dầu và đàm phán quyền thăm dò) cho Amoco Corporation.
Thompson đã học việc sáu năm rồi tiếp tục công việc, bị đuổi việc, bỏ một công việc khác, bị đuổi một lần nữa và bỏ một công việc thứ năm. Anh không thích làm việc cho người khác nên vào năm 1980, anh đã trở lại gặp Sonny Brinkerhoff. Anh bước ra khỏi văn phòng của Brinkerhoff ở tuổi 31 với quyền nắm tài sản sản xuất dầu mỏ trị giá tới $ 1 triệu: Crestone Energy ra đời. Thật không dễ dàng. Với giá dầu chỉ hơn chục đô la mỗi thùng, Crestone chỉ chực sụp đỗ. Nhưng vào năm 1989, Thompson đã bắt một cú điện thoại làm thay đổi cuộc sống của anh. Edward Durkee là chuyên viên dầu hỏa người Colorado và là một trong 30 nhà đầu tư ban đầu trong Crestone. Năm 1989, ông làm việc cho công ty Thụy Điển Lundin Oil, công ty này đang tìm cách giảm bớt quan tâm ở Philippines. Durkee nói với Thompson rằng đó là một điều chắc chắn: “Tới đây ngay bây giờ nếu không tôi sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với anh nữa”. Ngày hôm sau, Thompson và luật sư của ông trên máy bay đến Manila.
Durkee đã sắp xếp tất cả mọi thứ. Chín ngày sau, ngày 4 tháng 9 năm 1989, Crestone đã mua giấy phép thăm dò của Lundin và ngay lập tức bán được 40 % cổ phần cho một tập đoàn của 7 công ty Philippines. Thompson rời Manila với một vali đầy tiền mặt. Bây giờ Crestone sở hữu đa số cổ phần trong lô thăm dò GSEC 54 nằm ngoài khơi đảo Palawan. Nó chiếm một diện tích khoảng một triệu rưỡi ha: từ các mỏ hiện có của Philippines chạy dài tới biên giới với Malaysia. Crestone và các đối tác của nó đã duyệt qua các dữ liệu địa chấn cũ, tìm kiếm bằng chứng về dầu có thể thu hồi được. Tình hình có vẻ sáng sủa. Chỉ bảy tháng sau đó, vào tháng 4 năm 1990, họ đã bán được 70 % cổ phần của lô đó cho British Petroleum (BP) nhận vài triệu đô la. Crestone có thêm một va li đầy tiền mặt. Một năm sau đó, vào tháng 4 năm 1991, BP tìm thấy dầu, nhưng không ở số lượng thương mại và một năm sau đó đã bỏ Philippines hoàn toàn, trả lại quyền cho tập đoàn của Crestone. Về mặt công nghiệp dầu thì chẳng có gì ở đó, nhưng Thompson lại thành công biến nó thành vàng.
Quan trọng hơn cho khu vực, Thompson đã phát hiện ra Biển Đông. Tại bữa tiệc sau khi BP ký kết, trong ngôi nhà của đại sứ Anh tại Manila, bia chảy và lưỡi lỏng ra. Thompson nhớ lại “Rượu đã nói dù lưỡi lẽ ra phải giữ bí mật, và mọi người đều nói rằng Việt Nam sẽ là điểm nóng và những nhân viên BP cho biết với rất nhiều lời, đó là vùng nước sâu ở quần đảo Trường Sa. Ngày hôm sau tôi đến thư viện để tìm xem quần đảo Trường Sa ở đâu”. Năm 1990 Việt Nam còn nằm ngoài giới hạn đối với các công ty dầu khí Mỹ vì cấm vận thương mại thời chiến của Mỹ vẫn chưa bãi bỏ. BP và một số công ty khác của châu Âu đã bắt đầu đánh hơi xung quanh, nhưngchỉ có người Nga thực sự bơm được dầu lên. Những ký ức về một sự bùng nổ dầu ngắn trong những tháng lụi tàn của chiến tranh Việt Nam vẫn còn sót lại và đó là tất cả điều kích thích mà Thompson cần. Anh đã dành ba tuần sau buổi tiếp của đại sứ Anh để truy tìm các hồ sơ địa chất và các khảo sát cũ. Cuối cùng, anh quyết định chọn một mảng đáy biển nằm giữa bờ biển Việt Nam và đảo Trường Sa Việt Nam đang đóng bao gồm Bãi Phúc Nguyên (Prince Consort) và Bãi Tư Chính (Vanguard). Nhưng thay vì đến Việt Nam, Thompson đã biết mọi thứ về “đường chữ U” nên đặt hi vọng vào Trung Quốc thay vào.
Tháng 4 năm 1991 Thompson đi đến Viện Hải Dương Nam Hải tại Quảng Châu để xem xét các khảo sát địa chấn đã được làm rùm beng lên một vài năm trước đây. “Họ chỉ cho tôi một vài cấu trúc, tôi đã phấn khởi về điều đó và sau đó tôi đã thực hiện thêm một số nghiên cứu”. Ông đi gặp từng người rồi mời ăn tối, cố thuyết phục Trung Quốc coi Crestone đúng mức, mãi cho đến tháng 2 năm 1992, sau nhiều thảo luận ở cấp cao nhất ở Bắc Kinh, cuối cùng ông đã đưa ra đề nghị với ban quản trị CNOOC. Thompson nhờ hai cố vấn xác định chính xác mảng đáy biển ông muốn được nhượng quyền: cố vấn ban đầu của ông Ed Durkee và Daniel J. Dzurek, cựu Trưởng Ban Biên Giới của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Hình dạng của lô họ vẽ giống như một khẩu súng ngắn với chỗ cầm tay chỉ về phía Nam và nòng chỉ về phía Đông. Chu vi kỳ lạ đó cố bao gồm các khu vực có khả năng có dầu trong khi chạm vào chứ không vượt quá các đường yêu sách của Indonesia, Malaysia và Brunei ở bốn chỗ. “Tôi nhờ Ed Durkee phác thảo lô này theo quan điểm kỹ thuật và nhờ Dan Dzurek phác thảo theo quan điểm chính trị. Chúng tôi đã hết sức cẩn thận để không phạm vào vùng biển của Philippines, hay của Indonesia, Malaysia và Brunei,” Thompson nhớ lại. Nếu lô của ông trông giống như một vũ khí thì nó chỉ nhắm vào Việt Nam.
Cùng tháng đó Thompson dốc hết ý tưởng của mình với CNOOC, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua “Luật về Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp Lãnh hải”. Luật này chính thức hoá “Tuyên bố về Lãnh Hải” của Trung Quốc năm 1958 (xem Chương 4), qua đó tuyên bố chủ quyền Bãi Ngầm Macclesfield, hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tạo cơ sở pháp lý – ít nhất là trong mắt của Bắc Kinh – cho việc cho thuê nhượng các lô thăm dò xa đất liền. Mảnh đáy biển làm Thompson quan tâm nằm ngoài khơi chỉ cách bờ biển Việt Nam 250 km và cách các bãi biển của Trung Quốc hơn 1 000 km. Sự táo tợn đến mức kinh khiếp, ngay cả CNOOC cũng thấy quá sức mình – về kỹ thuật và về chính trị. Thompson cho biết ông đã phải ra sức thuyết phục CNOOC nhượng quyền mà không qua đấu giá, qua việc cảnh báo ban quản trị rằng công khai sẽ chỉ tạo ra rắc rối với Việt Nam.
Tại thời điểm đó Crestone có bốn nhân viên: Thompson, một thư kí, một nhân viên tiếp tân và một kế toán bán thời gian. Cuối cùng ông đã đạt được thỏa thuận. CNOOC đã trao một trong những công ty dầu nhỏ nhất thế giới quyền đối với một khu vực biển rộng lớn: 25 155 km². Crestone chỉ phải trả $50 000. Trung Quốc gọi lô đó là “Wan An Bei-21” (WAB-21/Vạn An Bắc 21). Theo thỏa thuận này, CNOOC sẽ cung cấp dữ liệu địa vật lý hiện có của họ và giữ lại quyền được mua 51 % thuê nhượng vào một thời điểm sau này nếu lô cho thấy có lợi nhuận. Crestone sẽ tiến hành khảo sát địa chấn thêm và trang trải các chi phí phát triển. Đối với các lãnh đạo chính trị Trung Quốc, Thompson là điều mơ biến thành sự thật. Ở đây là một người, người Mỹ, lại sẵn sàng khẳng định trên thực tế yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Crestone sẽ nhận lấy mọi búa rìu dư luận trong khi CNOOC có thể ngồi nhìn.
WAB-21 hầu như nằm hoàn toàn trong EEZ của VN
Thompson lạc quan về mỏ dầu tiềm năng và lơ là về hiểm nguy chính trị. Khi Crestone ký hợp đồng thuê nhượng vào ngày 8 tháng 5 năm 1992, ông nói với các phóng viên, ông tin rằng có “cách vượt quá 1,5 tỷ thùng dầu” trong lô này và rằng ông “thà tìm kiếm dầu khí tại một khu vực có tiềm năng cao, rủi ro kỹ thuật thấp và chính trị xấu hơn là nơi ngược lại”. Ông cũng thấy vui sướng với cam kết của các nhà chức trách Trung Quốc dùng toàn bộ sức mạnh hải quân của họ để bảo vệ yêu sách của mình, nếu xảy ra cuộc đối đầu với Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ giữ khoảng cách. Một nhà ngoại giao Mỹ đã tham dự lễ ký kết tại Bắc Kinh, nhưng toà đại sứ từ chối bất kỳ sự dính dáng nào trong các cuộc đàm phán của Crestone. Thật ra, Thompson nói rằng trong những ngày sau khi ký kết cả Bộ Ngoại Giao Mỹ lẫn CIA đều gọi ông để cố tìm hiểu ông muốn theo đuổi cái gì. Đặc biệt Bộ Ngoại Giao đã quan ngại – cảnh báo Thompson phải để nhân viên Mỹ và trang thiết bị nằm ngoài lô vì có nguy cơ bị Việt Nam tóm giữ.
Vì lý do nhạy cảm chính trị, Thompson có thể làm chậm rãi: Crestone không bắt buộc phải khoan giếng nào trong bảy năm. Trong khi đó, Việt Nam trút sự tức giận của họ, với việc đưa ra các phản đối chính thức với chính phủ Trung Quốc và đăng các bài báo buộc tội. Một cuộc chiến tranh bằng lời kéo dài trong một năm rưỡi. Suốt thời gian đó Crestone tiếp tục công việc chuẩn bị của mình. Sau đó, vào tháng 12 năm 1993, Thompson đã được mời tới Hà Nội hội đàm với TS Hồ Sĩ Thoảng, chủ tịch công ty dầu khí quốc doanh của Việt Nam, PetroVietnam. Ông được đề xuất một thỏa thuận: tiến hành liên doanh, nhưng chỉ khi ông hủy bỏ hợp đồng hiện có với CNOOC. Thompson từ chối, và Việt Nam trở nên giận dữ hơn. Họ chuẩn bị để triển khai với các đồng minh lớn hơn nhiều so với Crestone.
Trong một vài năm các công ty của Mỹ đã bận bịu với việc cố dàn xếp các thoả thuận làm ăn tại Việt Nam. Trong số đó có Mobil – nóng lòng trở lại một khu mỏ tiềm năng mà họ đã xác định ra lần đầu tiên ngay trước khi Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975: khu vực mà họ gọi là Blue Dragon (Thanh Long) bên trong khu mà Việt Nam, gọi dân giả hơn là Lô 5.1b. Dù nó không chồng lấn lên WAB-21, nó vẫn nằm trong “đường chữ U”. Cùng lúc đó, PetroVietnam cũng đang đàm phán với một công ty lớn của Mỹ, Conoco, về các lô 133, 134 và 135 mà chắc chắn chồng lấn WAB-21. Gần đó, Atlantic Richfield và British Gas sắp bắt đầu khoan trong một lô khác của Việt Nam mà Trung Quốc cũng yêu sách. Tuy nhiên, không ai có vẻ lo ngại về nguy cơ làm Bắc Kinh nổi giận. Ngày 3 tháng 2 năm 1994, ngày mà các công ty này đã phải chờ đợi đã đến: Hoa Kỳ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại lên Việt Nam và họ vội vã ký hợp đồng.
Tuy nhiên, Crestone đã quả quyết là công ty đầu tiên giành được trên thực tế thị phần của mình. Khoảng tháng 4 năm 1994, bạn bè Thompson ở Viện Hải Dương Nam Hải đã sẵn sàng vào cuộc. Viện đã được tài trợ và được Bắc Kinh bật đèn xanh để thực hiện một vòng công tác khảo sát địa chấn mới ở khu vực phía Bắc Biển Đông. Thompson đã thuyết phục họ thay đổi vị trí – và hướng về WAB-21. Khi Mobil và các đối tác Nhật Bản chuẩn bị để chính thức ký thỏa thuận Blue Dragon với PetroVietnam, Thompson và viện này đang cần mẫn làm việc ngoài biển. Hôm Thứ Ba ngày 19 tháng 4, khi việc ký kết tiến tới ở Nhà Khách Quân đội tại Hà Nội, Crestone thông báo đã bắt đầu công việc khảo sát địa chấn ở WAB-21 và đang lên kế hoạch để khoan giếng thăm dò đầu tiên của mình, với sự hậu thuẫn hết lòng củaTrung Quốc.
Mobil rõ ràng đã không đánh giá thật nghiêm túc hoạt động Crestone: ít ra không đủ nghiêm túc để ngăn mình (và các đối tác Nhật Bản) trao $ 27 triệu đổi lấy các quyền đối với lô của họ. Tuy nhiên, theo giám đốc truyền thông lúc đó R. Thomas Collins của Mobil, PetroVietnam cụ thể yêu cầu công ty thông báo rằng họ quay trở lại khu vực mà trước đây đã thăm dò theo một giấy phép từ chính quyền Nam Việt Nam trước đó để tăng sức mạnh tuyên bố. Ngoài biển, mọi thứ đang trở nên gay go.
Các tàu Trung Quốc không bao giờ kết thúc cuộc khảo sát của mình. Theo Thompson, sau bốn ngày thu thập dữ liệu, ba tàu hải quân Việt Nam xuất hiện và bắn ngang mũi của nó. “Tôi đang ở trên một tàu Trung Quốc, không ai biết nói tiếng Anh, bị bắn bởi một chiếc tàu Việt Nam, ở đó cũng chẳng ai nói tiếng Anh,” ông nhớ lại. Sau một bế tắc kéo dài hai ngày, Thompson và thuyền trưởng của con tàu quyết định không có lý do gì để tiếp tục và quay trở lại Quảng Châu. Dù ban đầu TQ hứa sẽ hậu thuẫn hoàn toàn, hải quân họ đã không xuất hiện. “Họ không muốn một cuộc đối đầu,” Thompson nói. Nhưng Bắc Kinh chỉ chờ thời.
Ngay sau khi Trung Quốc rút lui, PetroVietnam vội vã khẳng định chủ quyền đối với cùng mảnh biển. Ngày 17 tháng 5 năm 1994, Tam Đảo, một giàn khoan thuộc công ty Vietsovpetro liên doanh với Nga, di chuyển đến Bãi Tư Chính (Vanguard). Khu vực này, Lô 135 theo Việt Nam, là một lô mà Conoco đang có ý định thuê nhượng, mặc dù nó nằm bên trong góc Tây Nam lô WAB-21 của Crestones. Bây giờ thì tới phiên Trung Quốc hành động. Họ triển khai hai tàu nhưng không cố đuổi giàn khoan đi. Thay vào đó họ bao vây: chặn nguồn cung cấp dung dịch khoan và thực phẩm. Chi tiết về những gì xảy ra là sơ sài nhưng nhân viên giàn khoan bị mắc kẹt trong cuộc bao vây trong nhiều tuần. Theo Ian Cross, lúc đó làm tư vấn cho Integrated Exploration and Development Services ở Singapore, họ khoan xuống khoảng 3 000 mét, nhưng không tìm thấy dầu. Theo Thompson, “họ không biết họ đang làm gì, giàn khoan không đặt đúng vị trí. Họ chỉ ra đi để chứng minh chủ quyền”. Chắc chắn Vietsovpetro không bao giờ công bố về những điều họ tìm thấy.
Luật lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc, công việc khảo sát dầu, hợp đồng với Crestone và nhiều biểu thị về vẻ nghiêm túc của Bắc Kinh đối với yêu sách “đường chữ U” đã làm các chính phủ khu vực Đông Nam Á lo lắng sâu đậm. Trong một lúc nào đó, sáu thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận xem liệu có nên để Việt Nam tham gia hàng ngũ của họ không. Có rất nhiều yếu tố để xem xét nhưng khi việc đối đầu về dầu leo thang thì ngoại giao cũng tăng tốc. Một loạt các chuyến thăm và các cuộc họp trong tháng 4 và tháng5 năm 1994 đã dẫn tới một thông báo vào ngày 11 tháng 7 rằng Việt Nam sẽ được mời tham gia – mặc dù VN không chính thức nộp đơn gia nhập. Ngày 19 tháng 7, tin tức về vụ bế tắcTam Đảo bị rò rỉ ra thế giới bên ngoài ngay khi những chuẩn bị cuối cùng cho cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN đã được thực hiện, ở đó lời mời chính thức sẽ được chuyển tới Việt Nam. Một tuần sau cuộc họp, quân đội Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận công khai trên đảo Hải Nam phô diễn, theo lời của các phương tiện truyền thông chính thức, gần như toàn bộ các loại vũ khí, thiết bị và kỹ thuật. Một cách làm mạnh tay như vậy chỉ làm tăng nỗi lo lắng của Đông Nam Á về ý đồ của Trung Quốc.
Lời mời của ASEAN có thể châm ngòi cho một sự thay đổi đột ngột về chiến thuật của Bắc Kinh. Ngày 5 tháng 9 năm 1994, sau một tháng với các cuộc thảo luận kín, TQ thông báo rằng Giang Trạch Dân sẽ thực hiện chuyến thăm VN lần đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc. Và vào cuối tháng đó, Trung Quốc cũng đã đề xuất cho Việt Nam vay $170 triệu để tân trang các nhà máy sản xuất lạc hậu. Cả hai bên đều quyết tâm hàn gắn mối quan hệ. Một lý do có thể là để làm dịu mối quan hệ với ASEAN nhưng lý do khác có lẽ là Bắc Kinh đã làm xong việc bí mật chuẩn bị để chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) (xem Chương 3). Khoảng thời gian này, từ Manila tin tức rò rỉ rằng Alcorn Petroleum đã bắt đầu công việc khảo sát trong một khu vực tranh chấp của Biển Đông, khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ngoài khơi Philippines. Có lẽ việc xuống thang với Việt Nam chỉ đơn giản là một mưu đồ để chia rẻ đối phương tiềm năng để dễ bề hành động. Điều này cũng giải thích lý do vì sao vào tháng 1 năm 1995, khi sự cố Đá Vành Khăn diễn ra, nhà chức trách Trung Quốc đã bảo Crestone nên làm công việc thăm dò chậm lại.
Tình thế bị bế tắc. Thompson không có vốn để phát triển bất kỳ mỏ tiềm năng nào thành mỏ khai thác thương mại. Crestone cần một công ty có cùng thái độ chẳng màn tới rủi ro chính trị và có cái túi sâu hơn. Cái mà Thompson gì cần là một công ty như Benton Oil and Gas: một công ty kỳ cựu của thời gay go và hỗn loạn Nga hậu-Xô Viết Năm 1996, trên nền của sự bùng nổ dầu, giá cổ phiếu của Benton tăng gấp ba lần: nó đã sẵn sàng cho một mảnh hành động ở Biển Đông. Ngày 24 tháng 9 năm 1996 Benton đã đồng ý mua Crestone với giá $ 15,45 triệu. Thỏa thuận này được ký kết vào ngày 6 tháng 12 với Benton ghi nhận rằng “tài sản chính của Crestone là một hợp đồng dầu khí với CNOOC”. Đó là Lô WAB-21 mà từ đó chưa có một thùng dầu nào đã được rút lên. Một lần nữa, Randall C. Thompson đã xoay xở để biến “một số không” về mặt thương mại thành một đống vàng lớn. Các cổ đông của Crestone, bây giờ trong đó có khoảng 130 doanh nghiệp, cũng kiếm được một đống gọn gàng. Số phận Benton không phải quá hồng. Năm 1998 và 1999, với giá dầu sụt giảm còn $ 12 một thùng, Công ty Benton đã buộc phải ghi lỗ một con số sửng sốt là $ 204 triệu. Benton cầm cự bằng cách bán tài sản. Nhưng vào giữa tháng 8 năm 1999, người sáng lập công ty Alex Benton đã đệ đơn xin phá sản cá nhân và tháng 9, ông đã bị buộc phải từ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành.
Ngày 14 tháng 5 năm 2002 Benton Oil and Gas đổi tên thành Harvest Natural Resources, làm cho nghe giống như một nhà sản xuất bánh granola hơn là một công ty dầu khí với thiên hướng về rủi ro chính trị. Nó vẫn nắm quyền thuê nhượng của Trung Quốc đối với Lô WAB-21 mặc dù hiện nay nó đánh giá quyền này thấp hơn nhiều. Năm 2002 họ cắt đi $ 13,4 triệu USD giá trị quyền đó (gần 90 % khoản tiền nó trả để mua lại vào năm 1996). Tuy nhiên, họ vẫn nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó tình hình sẽ có thể tốt lên. Giữa năm 2003 và 2008 họ đã chi $ 661 000 cho thăm dò và thu thập dữ liệu trong lô này và có lẽ nhiều hơn kể từ đó, mặc dù họ không còn nêu từng mục các khoản chi trong báo cáo hàng năm. Randall Thompson hưởng một cuộc sống tốt đẹp ở Colorado, dẫn các cháu đi câu cá. Ông ta vẫn còn tích cực trong việc làm ăn về dầu và tại thời điểm viết sách, đang tìm những mỏ tiềm năng mới ngoài khơi Italy, Morocco, New Zealand và Nam Phi. Ông vẫn còn sở hữu các quyền tới 4,5 % của số tiền thu được của Lô WAB-21 – nếu nó được khoan vào lúc nào đó.
**********
Đột phá đầu tiên của CNOOC vào vùng biển tranh chấp không cho ra tí dầu nào và tệ hại hơn, làm cho Đông Nam Á đoàn kết lại trong báo động. Trong 13 năm, đề xuất của Lý Bằng về cùng khai thác đã bị lịch sự phớt lờ, các chính phủ khác không sẵn sàng để gác vấn đề chủ quyền. Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tiếp tục cho thuê các vùng biển ngoài khơi của họ cho các công ty dầu khí quốc tế và lô của Crestones vẫn là một sự bất thường. Không có nhu cầu phải tìm kiếm bất kỳ kiểu phát triển chung nào với Bắc Kinh. Nhưng trong năm 2003 có một chính phủ đã xé rào. Đáng ngạc nhiên đó lại là quốc gia, cho đến khi đó, đã từng cổ vũ mạnh mẽ nhất một mặt trận ASEAN thống nhất chống các vi phạm của Trung Quốc: Philippines. Một nhóm nhỏ đầu não chính trị ở Manila đã bày vẽ việc đảo ngược chính sách này, gần như là một sáng kiến tư riêng. Họ qua mặt các cấu trúc hoạch định chính sách của chính phủ và thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc – và khu vực – theo một tiến trình hoàn toàn khác.
Năm 2003, Jose de Venecia là Chủ Tịch Viện Đại Biểu, Hạ viện của Philippines, và là chủ tịch đảng cầm quyền, the Lakas-Christian Muslim Democrats (đảng những người Dân chủ Hồi giáo Công giáo Lakas). Lúc còn thanh niên, ông đã làm ra được nhiều tiền qua việc cung ứng lao động Philippines cho các nhà thầu ở Trung Đông và sau đó, ông tham gia vào việc thăm dò dầu đầu tiên ngoài khơi đảo Palawan. Với tiền bạc, quan hệ gia đình và thế lực chính trị, ông là một lực lượng quan trọng trong chính trị Philippines. Ông cũng đưa ra quan điểm về phát triển quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc thông qua, cùng nhiều thứ khác, Hội Nghị Quốc Tế các Đảng Chính Trị Châu Á (ICAPP) mà ông xướng ra vào năm 2000, và Hiệp Hội các Quốc Hội Châu Á vì Hòa Bình (AAPP) mà ông là chủ tịch.
Năm 2003 Gloria Macapagal Arroyo đã làm Tổng thống Philippines được hai năm, trong thời gian đó  thương mại với Trung Quốc – chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô – đã tăng gấp ba lần: từ $ 1,8 tỷ trong năm 2001 lên $ 5,3 tỷ vào năm 2003. Với việc Mỹ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Trung Quốc đã nhìn thấy một lối mở. Năm 2001, Bắc Kinh đề xuất cấp $ 400 triệu vốn vay ưu đãi cho các dự án NorthRail (đường sắt Bắc) nối Manila với căn cứ không quân cũ của Mỹ tại Khu Kinh Tế Clark. Cuối cùng khi dự án động thổ vào ngày 5 tháng 4 năm 2004, bài phát biểu chính dành rất nhiều lời cảm ơn chính phủ Trung Quốc, được đọc bởi người đề xướng chính: Jose de Venecia.
Giống như de Venecia, Eduardo Manalac từng là thành viên của đội khoan giếng dầu ngoài khơi đầu tiên của Philippines năm 1974. Không giống như de Venecia, Manalac vẫn ở lại trong ngành dầu khí, trải qua 28 năm với công ty Mỹ Phillips Petroleum, kể cả 7 năm với tư cách là Giám Đốc Thăm Dò ở Trung Quốc. Năm 2000, ông đã giúp khám phá mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc (trong Vịnh Bột Hải – cách xa mọi tranh chấp biên giới quốc tế) và được trao tặng cả “Giải Thưởng Hữu Nghị” của Chính Phủ Trung Quốc lẫn “Giải Nhân Viên Điển Hình” của CNOOC. Là một chuyên gia, Manalac biết chính xác ngành dầu Philippines bị lỗi điều gì. Sau khi nghỉ hưu với Phillips, ông dành khả năng phục vụ cho đất nước của mình như một cách “để đáp trả học phí đại học giá rẻ mà tôi đã từng hưởng” và tháng 3 năm 2003, được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Năng Lượng. Dù là hai con người khác biệt với những quan tâm khác biệt, Manalac và de Venecia đồng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc làm cả khu vực giật mình.
Manalac biết rõ Trung Quốc nhưng muốn lĩnh vực dầu khí của Philippines có khả năng tự lực. Ông cho rằng vấn đề thật ra là chuyện nội bộ: các tập đoàn nhỏ của các công ty địa phương tiếp cận được với Bộ Năng Lượng nhưng không đủ vốn để đầu tư vào thăm dò. Họ lấn át các đối thủ quốc tế vốn có thể sẵn sàng mạo hiểm một vài trăm triệu đô la để khoan một cái giếng trong các vùng biển chưa được khoan thử. Năm 2003, Manalac tổ chức vòng đấu thầu minh bạch lần đầu tiên của Philippines để cố gắng và thu hút các công ty lớn thăm dò ngoài khơi. ExxonMobil giành được quyền đối với khu vực của biển Sulu nhưng không ai quan tâm đến Biển Đông. Manalac tin rằng các khu mỏ tiềm năng là tốt, nhưng, nếu khi nào muốn thoát khỏi việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ nhập khẩu thì Philippines phải cần một cách tiếp cận khác, một cách tiếp cận có tính đến tình hình địa chính trị. “Tôi có cảm giác là không ai trong số những tay to mặt lớn dám vào một khu vực khi có nhiều yêu sách [lãnh thổ]. Đó vốn là vùng biển sâu nên sẽ đòi hỏi một lượng vốn lớn để khoan và phát triển”, ông nhớ lại. “Tôi hỏi liệu Tổng Thống sẽ ủng hộ một ý tưởng theo đó chúng ta sẽ cùng với các nước khác đang yêu sách thực hiện một nỗ lực phát triển chung. Và bà nói ủng hộ”.
Trong khi đó de Venecia chăm chút mối quan hệ của mình với các lãnh đạo Trung Quốc. Tháng 4 năm 2002, ông đã tổ chức cuộc họp hàng năm thứ ba của AAPP ở Bắc Kinh và tháng 3 năm 2003, ông là người đứng đầu phái đoàn chính phủ đến hội chợ thương mại đầu tiên của Philippines ở Shanghai (Thượng Hải). Tháng 9 năm 2003, ông tiếp Wu Bangguo (Ngô Bang Quốc), vừa là đối tác vừa là người đứng đầu Quốc Hội Trung Quốc và cũng là chủ tịch của AAPP. Trong thời gian ở Manila, Ngô Bang Quốc chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ $ 1 tỷ giữa ngân hàng trung ương hai nước (nhằm mục đích bảo vệ Philippines chống lại khả năng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 lặp lại) và phát biểu trước một cuộc họp của các lãnh đạo quốc hội. Sau đó de Venecia nói với các nhà báo rằng “Ông Ngô đã đề xuất một chương trình thăm dò và phát triển chung trong quần đảo Trường Sa”. De Venecia tán thành ý tưởng đó, qua việc nói rằng “những khu vực này đang nằm chờ và chúng ta cũng có thể để chúng mở ra cho việc cùng chia sẻ lợi nhuận hoặc chia sẻ lợi nhuận nhiều bên cho tất cả”. Và có thoả thuận rằng một công ty khai thác dầu lớn của Trung Quốc sẽ gửi một phái đoàn đến Manila trong tháng 11. Ngày 10 tháng 11 năm 2003, thư về ý định tham gia vào chương trình hợp tác xét duyệt, đánh giá và lượng định các dữ liệu địa chất, địa vật lý và kỹ thuật có sẵn khác có liên quan để xác định tiềm năng dầu khí của khu vực này đến hạn để ký kết giữa Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Philippines (PNOC) và CNOOC.
Lặng lẽ, Manalac và giám đốc điều hành CNOOC đã vẽ ra ranh giới của một khu vực thăm dò. Ranh giới phía Tây phải tránh vùng biển của Malaysia nhưng giới hạn phía Bắc và phía Đông là chỉ là vấn đề giữa hai bên. Cuối cùng nó bao phủ một diện tích 143 000 km² ở phía Bắc và phía Tây Palawan – bao gồm, nhưng vươn khỏi vùng biển cạn Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Manalac biết ý tưởng chia sẻ tài nguyên là đầy tranh cãi cả trong nước lẫn ở nước ngoài, nhưng với tư cách giám đốc PNOC ông đã giải thích sau đó, “30 % của một cái gì đó thì tốt hơn 100 % của chẳng có gì”. Vấn đề là cấu trúc thỏa thuận này là như thế nào để tránh tất cả những cạm bẫy tiềm năng về chính trị của Philippines và ngoại giao của ASEAN. Manalac yêu cầu được chuyển sang Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Philippines để thỏa thuận với CNOOC có thể được cấu trúc như một thoả thuận thương mại chứ không phải là một sự sắp xếp liên chính phủ. Đó là một mẹo vặt vì cả hai công ty đều là doanh nghiệp nhà nước.
Tháng 7 năm 2004, khi Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (bạn bè và kẻ thù của bà gọi tắt là GMA) đã rút đội quân nhỏ của Philippines khỏi Iraq, quan hệ với Washington trở nên lạnh giá rõ rệt. Bà phản ứng bằng cách tìm kiếm việc bắt tay toàn diện với Trung Quốc và kênh để liên hệ là Jose de Venecia. Ông đã sắp xếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng cai tổ chức Đại Hội thứ ba của Hội Nghị Quốc Tế Các Đảng Chính Trị Châu Á ở Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2004, và tháng 8 GMA đã bất ngờ được mời đến để đưa ra một trong các phát biểu quan trọng. Ngày 18 tháng 8, GMA sắp xếp lại nội các của mình và chuyển Eduardo Manalac từ nhiệm vụ Thứ Trưởng Năng lượng sang làm Chủ tịch PNOC. Năm ngày sau đó de Venecia nói với các phóng viên rằng GMA sẽ vận động cho việc thăm dò chung với Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh. “Chúng ta không nên cho phép những khác biệt khu vực ngăn cản chúng ta phát triển,” ông nói sau khi đưa ra bài phát biểu về tác động của giá dầu cao vào nền kinh tế của Philippines. Tuần sau, vào ngày 1 tháng 9, Manalac, bây giờ không còn là một thành viên của chính phủ, ký kết cái được gọi là Hiệp Định Thăm Dò Địa Chấn Biển Chung (Joint Marine Seismic Undertaking) với người bạn cũ của mình, Chủ tịch Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, Fu Chengyu (傅成玉[PhóThành Ngọc]).
Hiệp Định Thăm Dò Địa Chấn Biển Chung hoặc JMSU là đứa con tinh thần của một nhóm nhỏ thân cận GMA. Giáo sư Aileen Baviera, một trong những nhà phân tích khu vực thạo tin của Philippines nhất, cho biết Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị loại ra trong suốt quá trình đàm phán. Trong khi một số người ủng hộ JMSU, kể cả Manalac, được thúc đẩy bởi mong muốn cải thiện an ninh năng lượng của đất nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu thì những người khác có những quan tâm ít cao cả hơn. De Venecia dường như thích đề cao vị trí của mình như là một nhà môi giới quyền lực và người gác cổng cho đầu tư của Trung Quốc vào Philippines. (Các thoả thuận như vậy đã tuân thủ thích đáng, đặc biệt trong các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng 4 năm 2005 và Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 1 năm 2007.) Ngoài ra còn có một nhóm doanh nhân quan tâm đến việc ký kết các thoả thuận làm ăn hấp dẫn với các công ty Trung Quốc. Nhóm này nhất thiết có cả chồng của GMA, con trai của Jose de Venecia và những người khác trong nhóm của họ. Bè nhóm chủ chốt này dường như đã nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của nước này và uốn cong nó theo lợi ích riêng của họ.
Bên ngoài các biệt thự của Manila, phản ứng là sự kinh ngạc. Các nhà ngoại giao ASEAN muốn biết tại sao Philippines lại xem thường yêu cầu đoàn kết khu vực.có tính nguyên tắc nhiều năm. Việt Nam đã cáu tiết. Trong sáu tháng, VN đã nện các nhà ngoại giao Philippines với những phản kháng nhưng cuối cùng quyết định rằng tham gia vào cuộc khảo sát sẽ tốt hơn là không tham gia. Ngày 14 tháng 3 năm 2005, PetroVietnam ký kết tham gia Hiệp Định Khảo Sát Địa Chấn Biển Chung mở rộng kéo dài ba năm. CNOOC sẽ điều hành các cuộc khảo sát, PetroVietnam sẽ xử lý dữ liệu tại một trung tâm hợp tác với công ty Fairfield của Mỹ, và Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Philippines, chẳng có gì nhiều để góp vào, cho biết sẽ tổ chức việc phân tích. Ngày 1 tháng 9 một tàu khảo sát cũ của CNOOC, tàu Nanhai 502 (Nam Hải 502), rời Quảng Đông với các chuyên gia ba nước trên tàu. Hơn 75 ngày sau, họ thu thập được 11 000 km dữ liệu địa chấn, bao phủ toàn bộ khu vực JMSU. Ngày 16 tháng 11, tàu đậu tại cảng tiếp liệu của PNOC ở Batangas, phía Nam Manila, ở đó Eduardo Manalac tuyên bố rằng “những căng thẳng chính trị là chuyện lịch sử”. Những người khác sẽ thấy điều đó không phải như thế.
Đến tháng 1 năm 2007, một vài mỏ tiềm năng đầy hứa hẹn đã được xác định, do đó giai đoạn hai của các khảo sát chi tiết hơn đã được đưa ra bàn. Bộ Ngoại Giao phản đối và mãi cho đến tháng 6 Tổng Thống mới cấp phép cho giai đoạn 2. Khoảng thời gian đó GMA bị nhấn chìm bởi một làn sóng cáo buộc tham nhũng liên quan đến bà, chồng bà, người đứng đầu Ủy ban bầu cử và các dự án được viện trợ Trung Quốc tài trợ. Tuy nhiên, giai đoạn 2 vẫn tiến tới, thu thập thông tin chi tiết hơn về các khu vực cụ thể của đáy biển. Kế hoạch cho giai đoạn 3 đã được thực hiện: xếp đặt vị trí để khoan thăm dò. Nhưng sau đó, vào tháng 1 năm 2008, nhà báo kỳ cựu Barry Wain đã viết một bài báo cho Far Eastern Economic Review cáo buộc chính phủ của GMA có “các nhượng bộ kinh khiếp” trong JMSU và chỉ trích các điều khoản và điều kiện bí mật của nó. Bài viết này được đội quân ngày càng đông những người chỉ trích GMA chợp lấy và JMSU đã trở nên nhớp nhúa bởi nó liên quan đến Trung Quốc và các dự án hạ tầng cơ sở hư hỏng do tham nhũng.
Khi những cáo buộc lan rộng và đấu đá nội bộ trở nên tồi tệ, các kiến trúc sư của JMSU đã bị đẩy ra ngoài. Manalac tiếp tục những nỗ lực của mình để làm trong sạch lĩnh vực dầu của Philippines bằng cách cắt các mối quan hệ ấm cúng giữa các công ty năng lượng địa phương và Bộ Năng lượng. Ông bất tuân GMA, trao một hợp đồng dầu không liên quan cho công ty Mitra của Malaysia, chứ không trao cho công ty có quan hệ với chồng của GMA. Chán ngán với tham nhũng đang diễn ra, ông đã từ chức ở Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Philippines vào tháng 11 năm 2006. De Venecia bị mất chức Chủ Tịch Hạ Viện vào tháng 2 năm 2008 sau khi con trai của ông buộc tội chồng của GMA tham nhũng trong một dự án cơ sở hạ tầng về băng thông rộng (broadband)do Trung Quốc tài trợ. Thỏa thuận JMSU đã chết chìm trong biển, khả năng về việc gia hạn bi lạc mất giữa các màn kịch nhẹ diễn ra trên sân khấu chính trị ở Philippines. Nó hết hạn vào ngày 1 tháng 7 năm 2008 mà không một ai đang nắm quyền chuẩn bị lý lẽ cho việc gia hạn nó.
Manalac vẫn coi Công Tác Thăm Dò Địa Chấn Chung là một thành công: dù sao thì nó cũng đã cho phép Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines chia bớt chi phí cho một cuộc khảo sát mà nó muốn làm và không có nguy cơ đối đầu trên biển. Theo quan điểm của Trung Quốc, thành công chỉ là một phần. Lần đầu tiên hai chính phủ ASEAN đã gác sang một bên vấn đề chủ quyền và cho thấy một mô hình phát triển chung. Tuy nhiên, một lần nữa, phía Đông Nam Á đối lập đã phá ngang các cơ hội thực sự làm ra dầu của CNOOC. Không rõ là giấy phép cho giai đoạn 3 của JMSU đã được cấp chưa.
Thay vào đó, chính phủ các nước khác tiếp tục phớt lờ đề xuất của Lý Bằng và nhượng nhiều lô bên trong “đường chữ U” cho các công ty quốc tế theo cách riêng của họ. Nhưng trong thời gian hoạt động của JMSU, tăng trưởng kinh tế tăng vọt của Trung Quốc đã bắt đầu cho nó ảnh hưởng lớn hơn. Nếu JMSU là một củ cà rốt của Trung Quốc để thúc đẩy việc cùng phát triển ở Biển Đông, thì bây giờ Bắc Kinh đã có một cây gậy để vung vào các công ty không chịu nghe theo họ.
B.H.
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/37064

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét