Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 40
HUNGARY: DÒNG XE TRABANT, VẤN ĐỀ TỊ NẠN
120.000 NGƯỜI TỊ NẠN VÀ VỊ HOÀNG THÂN – CHUẨN BỊ DÃ NGOẠI, DÒNG NGƯỜI TRÀN ĐẾN – LỆNH LÀM NGƠ, CHUYẾN ĐI CỦA SYLVIA – HUNGARY KHÔNG THỂ NGỒI IM – MẬT VỤ ĐÔNG ĐỨC THEO DÕI NGƯỜI TỊ NẠN – LIÊN XÔ PHẢN ỨNG RA SAO? – MẬT VÀ BỌNG ĐÁI LÃNH TỤ HONECKER – CUỘC XUẤT HÀNH VÀ BÁO CHÍ LỀ ĐẢNG – MOSCOW: SẼ KHÔNG XẤU ĐÂU
***
Sopron, miền tây Hungary. Ngày 19 tháng 8, năm 1989
120.000 NGƯỜI TỊ NẠN VÀ VỊ HOÀNG THÂN
1.
Ý TƯỞNG “DÃ NGOẠI LIÊN ÂU” XUẤT PHÁT từ Hoàng thân Otto von Habsburg, con cả của Hoàng đế Karl I, vị Hoàng đế Áo-Hung cuối cùng.
Hoàng thân Habsburg, 77 tuổi, là một thành viên bảo thủ được tin cậy của Quốc hội Châu Âu, một chiến binh Chiến tranh Lạnh nhiệt thành trong nhiều thập niên với lòng đam mê và nhạy bén về truyền thông. Năm nay, 1989, ông nhìn thấy cơ hội để mọi người biết đến cảnh ngộ của người tị nạn Đông Đức đang đổ về Hungary, và cơ hội làm khó những chế độ cộng sản đang cản trở người tị nạn đến nước Áo tìm tự do.
Số người tị nạn lúc này lên tới 85.000 người, chưa kể 35.000 người Rumani khác bỏ trốn khỏi chế độ Ceausescu khắc nghiệt. Con số ngày càng tăng, gây ra một cuộc khủng hoảng về vấn đề nhân đạo ngay tại Hungary và đẩy chính quyền vào thế lưỡng nan. Trong nhiều tuần, chính quyền bối rối không biết phải làm gì với người tị nạn. Họ hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, và họ sẽ tránh được cuộc đối đầu nghiêm trọng với các đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em tại Đông Đức. Nhưng đây rõ ràng chỉ là ước mơ hão.
Hoàng thân Habsburg bị cấm đặt chân đến Hungary mãi đến mùa thu 1988. Lý do cũng dễ hiểu, ông là con vua và hiện vẫn còn một số người Hungary trung thành với hoàng gia. Họ thỉnh thoảng giương cờ và phù hiệu hoàng gia Habsburg trong các cuộc biểu tình, như biểu tình chống xây đập ngang Sông Danube và biểu tình đòi chính quyền đối xử tử tế hơn với người tị nạn gốc Hung đến từ Transylvania thuộc Rumani. Dù đây là một nhóm có hoạt động rất nhỏ nhưng để ngăn ngừa trước mọi rủi ro, chế độ đã cấm ông không được vào Hungary trong nhiều thập niên.
Năm 1989, Hoàng thân Habsburg có thể ra vào Hungary tùy thích, và ông đã cùng với các nhóm nhân quyền Hungary, nhóm đối lập “Diễn đàn Dân chủ” lên kế hoạch tổ chức một “ngày liên hoan, chia tay Bức màn Sắt”. Trong ngày này, họ sẽ dựng một chiếc cổng khổng lồ làm biểu tượng ngay tại biên giới, gần thị trấn cổ Sopron có phong cách kiến trúc baroque.
Trong ngày dã ngoại này sẽ có các phái đoàn từ Hungary và từ Áo đến dự. Họ dự tính khoảng 3 giờ chiều, các phái đoàn, đứng trước và sau cổng, sẽ bước qua cổng và hoán đổi bên cho nhau, một hành vi biểu tượng quyền tự do đi lại. Quần chúng được khuyến khích đến xem, ăn uống và nâng ly chúc mừng sự kiện.
Sự kiện đã được quảng bá chính thức là “Cuộc Dã ngoại Liên Âu”, nơi mọi người có thể liên hoan mừng tự do ngoài trời trong một ngày nắng đẹp, gần chỗ mà vài tháng trước lính biên phòng Hungary đã tháo bỏ hàng rào kẽm gai gắn điện dọc biên giới Áo-Hung, ngăn cách Đông-Tây.
*
CHUẨN BỊ DÃ NGOẠI, DÒNG NGƯỜI TRÀN ĐẾN
2.
Ban đầu, buổi dã ngoại được dự kiến sẽ là một sự kiện có quy mô nhỏ, có thể được báo chí chú ý chút ít tại Áo và Hungary, nhưng từ khi Imre Pozsgay tham gia như nhà đồng bảo trợ thì sự kiện lớn hơn hẳn. Ông đề nghị biến buổi lễ kỷ niệm thú vị nhưng khiêm tốn này thành một sự kiện truyền thông tầm vóc quốc tế có ảnh hưởng sâu đậm trên toàn đế quốc Xô-viết.[1]
Pozsgay được xem là lãnh tụ của những người cộng sản cải cách. Ông có lợi về mặt chính trị khi cho thấy ông hết lòng ủng hộ người tị nạn. Pozsgay táo bạo và quyết liệt, ít nhất như ông tự thấy, hoàn toàn tương phản với các đồng chí bảo thủ ở Budapest từ đầu đến giờ luôn thiếu quả quyết và yếu kém.
Ông thương lượng để chính quyền mở “chiếc cổng biểu tượng” trong bốn tiếng đống hồ buổi chiều ngày dã ngoại. Ông còn đạt được một thỏa thuận không chính thức với Bộ trưởng Nội vụ Istvan Horvath, một người bạn cũ và là người cộng sản cải cách thân cận ông nhất, quy định rằng lính biên phòng sẽ để mặc cho người Đông Đức vượt biên trái phép, ít nhất vài giờ trong ngày.
Không ai muốn cuộc dã ngoại hôm đó là một cuộc vượt biên ồ ạt từ Hungary. Hoàng thân Habsburg tin rằng chỉ cần vài chục người đến được Áo an toàn là ông toại nguyện, và rồi hàng ngàn người khác có thể sẽ noi theo sau này.
3.
Dòng xe Trabant di tản tiếp tục lên đường, từ Hồ Balaton đến gần biên giới miền tây Hungary. Có thể nói trong 40 năm qua, chế độ vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được dòng máu phiêu lưu của người Đông Đức, nên tại nhà, ai nấy đều âm thầm dự trữ xăng dư, một phần cũng vì động cơ xe Trabant hai thì ít hao xăng.
Ngoài xe Trabant, còn có nhiều người tị nạn mỗi ngày đến nơi bằng xe lửa, xe buýt, mang theo lỉnh kỉnh chăn chiếu, lều trại, nồi niêu. Các tờ rơi bằng tiếng Đức quảng bá cuộc “dã ngoại” kèm theo cả bản đồ cho mọi người biết phải đi đến đâu để có thể “cắt được một phần Bức màn Sắt”.
Theo lời Gyula Kovacs, người đứng đầu lực lượng biên phòng Hungary, vài ngày trước hôm dã ngoại đã có một số lớn, khoảng gần 9.000 người, có mặt tại các lán trại và nhà nghỉ có chỗ ăn ngủ quanh thị trấn cổ Sopron.
Kovacs cho biết: “Cả thị trấn gần như tràn ngập người Đông Đức … Căng thẳng không kém là Hội chữ Thập Đỏ Áo và các cơ quan khác của Áo, họ cũng dựng lều trại ở ngay bên kia biên giới … Rõ ràng là họ dự trù sẽ có rất đông người Đông Đức vượt biên qua.”[2]
*
LỆNH LÀM NGƠ, CHUYẾN ĐI CỦA SYLVIA
4.
Ngoại trưởng Tây Đức Hans Dietrich Genscher gửi rất nhiều nhân viên Lãnh sự Quán bổ sung đến Sopron “để giúp đỡ đồng bào người Đức mọi cách có thể”. Việc này trở thành áp lực cho lính biên phòng, vì họ phải thận trọng hơn khi biết việc mình làm sẽ bị các nhà ngoại giao nước ngoài xăm soi.
Nhưng lính biên phòng Hungary, hầu hết còn trẻ và mới nhập ngũ, hoàn toàn không có ý định dùng vũ lực đối với người tị nạn, vì chỉ huy Kovacs đã ra lệnh cho lính của ông rất rõ ràng.
Kovacs kể lại: “Chúng tôi ra chỉ thị rằng sẽ không bố trí lính biên phòng tại khu vực dã ngoại. Tại khu vực cách xa chỗ dã ngoại, nếu lính biên phòng gặp bất cứ người Đông Đức nào tìm cách vượt biên thì phải ra lệnh cho họ dừng lại và quay về. Nếu họ quay về thì tốt. Nếu họ không quay về … thì OK, chúng tôi chỉ việc đếm xem có bao nhiêu người vượt biên, và sau đó tiếp tục công việc bình thường.”[3]
Tuy nhiên, người Đông Đức muốn vượt biên thì hồi hộp, sợ hãi. Họ không thể biết lính biên phòng Hungary đã nhận được lệnh gì. Cho đến thời điểm đó, người dân Hungary nói chung rất hào phóng với họ. Nhưng chế độ, tuy tỏ ra đồng cảm với hoàn cảnh của họ, lại không giúp được gì đáng kể. Nhưng ít nhất, họ vẫn chưa bị trả về Đông Đức.
5.
Cặp vợ chồng giáo viên Đông Đức đến từ Berlin, chị Sylvia và anh Harry Lux, đã rời nhà hơn một tháng trước với bé trai Danny bảy tuổi. Ngay khi nghe nói đến Buổi Dã ngoại Liên Âu, họ đã quyết tâm tìm cách đến được nước Áo trong ngày dã ngoại. Họ đi xe lửa và đến được Sopron, cách Budapest 120 km về phía tây, khi trời vừa sáng. Chị Sylvia kể lại:
“Bên ngoài ga xe lửa, có hai hoặc ba chiếc taxi mở cửa chờ sẵn … mọi sự đều được sắp đặt hoàn hảo đến nỗi tôi tự hỏi sao họ làm được như thế. Rồi họ đưa chúng tôi đến một căn phòng trong khách sạn, nơi chúng tôi tạm trốn để chờ đợi …
“Chúng tôi phải chờ đến 3 giờ chiều là lúc các cấp lớn đến làm lễ mở cổng. Chúng tôi chờ lâu đến phát bịnh và run sợ, thời gian cứ kéo dài như không bao giờ hết.
“Chờ xong, chúng tôi được chở thẳng đến buổi dã ngoại … Nhưng có quá nhiều người với đủ mọi quốc tịch khác nhau đến nỗi chúng tôi nghĩ mình đã đến quá trễ … rằng mọi sự đã xong hết rồi …
“Thế là chúng tôi rời khu dã ngoại, đi sâu vào một vùng quê mà chúng tôi cho là nằm ngay biên giới, như ghi trên bản đồ.
“Khi vừa băng qua một dốc cao, chúng tôi gặp một nhân viên Lãnh sự Quán Tây Đức tại Budapest, chúng tôi nhận ra ông và ông cũng biết chúng tôi … ông nói ‘A! Gia đình Lux đây rồi, nhanh lên, có mấy anh lính biên phòng ở sẵn phía trước, họ vừa nhấc hàng rào kẽm gai cho cả nhà đấy. May mắn nhé.’
“Chồng tôi bồng Danny trên tay và chúng tôi vội vã đi tiếp. Đúng là có các anh biên phòng ở đó và một đoạn hàng rào kẽm gai đã được nhấc lên để người ta có thể chui qua.”
Sylvia bỗng dừng lại trước lỗ hổng hàng rào, phía bên kia hàng rào có một số người Áo đứng quan sát. Sylvia kể tiếp:
“Tôi không thể ngờ đây là giây phút chúng tôi chờ đợi. Một người phía bên kia nói ‘mạnh dạn lên, chị qua được mà’ … từ bên kia hàng rào anh ta đưa tay nắm lấy tôi và kéo tôi qua …
“Qua đến nơi, anh bắt tay tôi, nói: ‘Bây giờ, chị được tự do rồi!’ Tôi hỏi: ‘Có thật không, họ không đến đây bắt chúng tôi trở về chứ?’
“Và chúng tôi cứ thế ôm nhau mà khóc.”[4]
*
HUNGARY KHÔNG THỂ NGỒI IM
6.
Ngày hôm đó, hơn 600 người đến được nước Áo nhờ đi qua chiếc cổng “biểu tượng”, và khoảng 1.400 người khác nhờ vượt qua biên giới tại các khu vực gần đó. Đó chưa phải là con số quá lớn, và chỉ trong một hai ngày, số người tị nạn tương tự lại đổ vào Hungary.
Đài truyền hình Đông Đức không đưa hình ảnh dã ngoại nào nhưng lại đưa tin “một số công dân Cộng hòa Dân chủ Đức đã bị Cộng hòa Liên bang Đức dụ dỗ và trả tiền để di dân, nhằm mục tiêu bôi xấu chế độ ta.”
Chính quyền Hungary lúc này nhận ra họ không thể ngồi bất động lâu hơn nữa. Chính Thủ tướng Miklos Nemeth đã nhận ra điều này, tận mắt. Ông kể: “Hôm đó tôi đến thăm một người bạn vô tình ở gần nhà Tổng Lãnh sự Tây Đức. Tôi phải bước qua những thân người nằm ngổn ngang trên lối đi, họ nằm chờ đến sáng, đến khi Lãnh sự Quán Tây Đức mở cửa … để xin hộ chiếu Tây Đức. Vậy là tôi đã tận mắt thấy vấn đề, và chúng tôi phải đưa ra một giải pháp dứt khoát thôi.”
*
MẬT VỤ ĐÔNG ĐỨC THEO DÕI NGƯỜI TỊ NẠN
7.
Một số cuộc quậy phá đã diễn ra ở vài nơi tại Budapest và nhà cầm quyền không thể trì hoãn nữa. Đông Đức muốn gửi máy bay và xe lửa qua Hungary để đưa công dân về nước.
Về việc đưa người về, Thủ tướng Nemeth nói: “Chúng tôi từ chối. Chúng tôi nói với Đông Đức rằng việc các ông qua Hungary lùng người rồi đưa về nước là tuyệt đối không thể được!” Nhưng Đông Đức được phép gửi các “nhà quan sát ngoại giao” qua Hungary. Những nhà “ngoại giao” này hóa ra là nhân viên mật vụ Stasi, họ qua để theo dõi người tị nạn.
Tại một trung tâm tạm trú của người tị nạn – đây là một nhà thờ nằm trên bờ Buda của Sông Danube, do Nam tước Phu nhân Csilla von Boeselager và linh mục Công giáo Imre Kozma điều hành – một đại úy Stasi đến yêu cầu bà Nam tước Boeselager cho tên tuổi của mọi người tá túc trong trung tâm, hoặc bất cứ ai từng qua đây trong những tuần vừa qua. Bà Boeselager nổi giận trước yêu cầu này và từ chối thẳng thừng.
Nhưng Stasi vẫn được mở văn phòng dã chiến trong chiếc xe thùng đậu trên đường hông, ngoài cổng trung tâm. Từ đó, mật vụ bắt đầu chụp hình người ra vào trung tâm. Nhưng dần dần, một đám đông người tị nạn giận dữ đã tụ lại, la hét phản đối và ném đá vào họ. Công an địa phương được gọi đến để giữ trật tự. Đêm hôm sau, chiếc xe thùng bị đập phá và hôm sau nữa, chiếc xe được rút đi mất hút.[5]
*
LIÊN XÔ PHẢN ỨNG RA SAO?
8.
Các nước phương Tây gây áp lực yêu cầu chính quyền Hungary cho người Đông Đức được ra đi. Mỹ tạo áp lực mạnh, Đại sứ Mỹ Mark Palmer, yêu cầu gặp Ngoại trưởng Gyula Horn. Ông Palmer kể: “Tôi nói với ông ta rằng nếu chính quyền Hungary cho hồi hương người Đông Đức thì họ có thể quên hết mấy chuyện thương mại và đầu tư của Mỹ đi.”
Trong khi đó, tuy có những dấu hiệu khích lệ từ Moscow trong nhiều tháng qua, Hungary vẫn không chắc Liên Xô sẽ làm gì nếu họ cho phép người Đông Đức đi qua phương Tây. Họ hiểu việc này sẽ có hậu quả nghiêm trọng đến tình hình toàn khối Xô-viết.[6]
Laszlo Kovacs, Phó Ngoại trưởng Hungary, cho biết: “Chúng tôi lo lắng, không biết Liên Xô sẽ phản ứng ra sao, nhưng biết chắc Đông Đức sẽ cay cú. Chúng tôi lường trước những trả đũa kinh tế từ Đông Đức nên đã chuẩn bị đối phó. Nhưng chúng tôi thực sự bất an với thái độ của Moscow.”
Sau vài tuần phân vân, Hungary gửi một văn thư đến Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze, thận trọng đề nghị rằng họ đang dự định mở cửa biên giới. Kovacs kể tiếp: “Chúng tôi nhận ngay được hồi đáp, đơn giản họ nói rằng ‘Đây là việc chỉ liên quan đến Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức và Tây Đức mà thôi.’”[7]
***
MẬT VÀ BỌNG ĐÁI LÃNH TỤ HONECKER
9.
Tại Berlin, chính quyền Đông Đức tê liệt vì bệnh tình nghiêm trọng của Erich Honecker. Ngày 8/7/1989, tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo Khối Warsaw – năm nay được tổ chức tại Bucharest, Rumani – Honecker đã đột ngột ngất đi trong đau đớn, không lâu sau khi đọc diễn văn báo hiệu một nguy cơ lớn đang đe dọa chủ nghĩa cộng sản, người ta thấy ông lấy tay ôm lưng và phần bụng bên phải.
Ông được cấp tốc đưa đến bệnh viện tốt nhất thành phố, nơi dành riêng cho các Đảng viên cao cấp nhất, tại đây ông được chẩn đoán là túi mật có sạn. Sau một đêm, ông được đưa về Berlin bằng máy bay. Tại đây, bệnh viện nhanh chóng phát hiện rằng bệnh trạng của ông còn nguy hiểm hơn nhiều: Ông bị khối ung thư trong bọng đái và phải phẫu thuật gấp.
Honecker không thể làm việc gì trong nhiều tuần, dân chúng không biết gì về bệnh tình của ông vì thông tin bị giấu kín. Trong những chế độ độc tài như Đông Đức, không ai được phép đưa ra một quyết định quan trọng nào nếu nhà lãnh đạo cao nhất không phê duyệt.
Gunter Schabowski, một quan chức cao cấp và tên tuổi sau này gắn liền với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, cho biết: “Trong một thời gian dài, chúng tôi không thể nói gì về cuộc khủng hoảng tị nạn vì Honecker vắng mặt. Chúng tôi mất ăn mất ngủ vì nó, nhưng thấy bất lực. Chúng tôi chỉ còn cách bảo nhau thôi thì cứ chờ, đến khi ông ấy đi làm lại.”
Nhưng ông bệnh nặng suốt mùa hè và mọi nỗ lực trong ban lãnh đạo để thảo luận về vấn đề lớn nhất nước này đều phải xếp xó, chờ đến cuối tháng 9/1989.
10.
Ngoại trưởng Đông Đức Oskar Fischer gửi công văn ngoại giao đến Budapest yêu cầu hồi hương công dân Đông Đức đã “ở quá hạn được phép theo quy định của hộ chiếu”.
Ông nhắc nhở người đồng nhiệm Horn rằng ngoài thỏa thuận giữa các nước trong Khối Warsaw rằng họ sẽ cam kết tôn trọng luật lệ đi lại của nhau, còn có một hiệp ước giữa hai nước ký ngày 20/6/1969 khẳng định thỏa thuận trên. Nhưng Ngoại trưởng Horn đáp rằng một hiệp ước quốc tế, như Quy chế Tị nạn Geneva, có giá trị phủ quyết các thỏa ước song phương. Thế là hai bên lâm vào thế bí.
Ngoại trưởng Đông Đức Fischer chuyển qua nói chuyện với giới chức Tây Đức, nhưng các cuộc thương lượng cũng không đi đến đâu.
*
CUỘC XUẤT HÀNH VÀ BÁO CHÍ LỀ ĐẢNG
11.
“Cuộc Xuất hành”, như người dân Đông Đức thường gọi, là đề tài được bàn tán trong cả nước. Matthias Mueller, một sinh viên khoa sử tại Berlin, nhận xét: “Gia đình nào cũng vậy, ít nhất một người sẽ đặt câu hỏi: Nhà mình nên đi hoặc nên ở lại mà hy vọng? Đúng ra, chọn đi hay ở đều khó vì có những người căm ghét chế độ nhưng họ vẫn còn bạn bè, gia đình, công việc họ yêu thích và nhà cửa phải bỏ lại nếu ra đi. Cuộc Xuất hành được nhắc đến trong mọi ngõ ngách đời sống”.
Không những thế, nó còn chiếm lĩnh tin tức thời sự trên truyền hình Tây Đức. Ngày nào cũng có những bản tường trình từ Hungary về người tị nạn và hình ảnh về dòng xe Trabant, với những cuộc phỏng vấn chủ yếu là các gia đình trẻ trên đường ra đi.[8] Ngược lại, tin tức truyền hình Đông Đức hầu như không hề nhắc đến việc này.
Phóng viên truyền thanh Ferdinand Nor nói rằng lệnh trên ban xuống là phải im lặng, nhưng rồi “khi không thể nào che giấu hiện tượng những căn hộ vắng chủ, những văn phòng làm việc thiếu người và những trường lớp thiếu thầy cô, chúng tôi phải bắt đầu tố cáo người tị nạn là bọn ngu dốt về chính trị và là ‘bọn tội phạm’”.
Mùa hè năm đó, ban lãnh đạo Đảng ra lệnh cho các phóng viên tờ báo Đảng Neues Deutshland (ND – Nước Đức Mới) rằng:
“Nhiệm vụ của ta là quảng bá giá trị của chủ nghĩa xã hội và phơi bày tội ác của chủ nghĩa tư bản. Ta không được phổ biến thông tin về các cuộc xung đột với người nước ngoài trong nội địa nước ta … Ta phải bác bỏ những nhận định nói về nạn khan hiếm hàng hóa … Chủ đề “Cuộc Xuất hành” không được phép chiếm lĩnh dư luận tại Công hòa Dân chủ Đức. Những sự kiện đó tác dụng xấu đến hình ảnh nước ta.
“Thành quả không thể tưởng tượng được của 40 năm theo đường lối xã hội chủ nghĩa tại Cộng hòa Dân chủ Đức đang bị đặt nghi vấn, với sự tiếp tay của truyền thông phương Tây, nhưng không thể đồng hóa Cộng hòa Dân chủ Đức với chủ nghĩa cộng sản thời khủng hoảng. Ta không được để mình bị kích động …
“Ta cũng không được nhắc gì đến những người từ phương Tây trở về Cộng hòa Dân chủ Đức.”[9]
*
MOSCOW: SẼ KHÔNG XẤU ĐÂU
12.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô không muốn giúp gì cho chế độ Đông Đức. Họ còn nghĩ cuộc khủng hoảng tị nạn là “điều tốt” vì có thể làm Berlin nghĩ lại, loại bỏ Honecker và kích thích cải tổ.
Ngoại trưởng Đông Đức Fischer gặp riêng Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze. Ngoại trưởng Liên Xô bảo Fischer nên cho phép di dân tự do, ông nói: “Sẽ không xấu đâu. Nó còn cất bớt gánh nặng kinh tế cho anh nữa. Anh nên nói chuyện với các nhóm đối lập, như các đồng chí hiện đang làm ở các nước khác.”
Khi trở về Berlin, Fischer nói với các đồng chí rằng họ không còn có thể trông mong Moscow giúp gì nữa, trong cuộc khủng hoảng sống còn này của nhà nước Đông Đức.[10]
V.S.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[1] Phỏng vấn Otto von Habsburg, Fall of the Wall series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 6
[2] Tác giả nói chuyện với Miklos Haraszti và Agnes Gergely, tháng 4/2004; Fall of the Wall series, LHCMA, box 4
[3] Tác giả nói chuyện với Maria Vasarhelyi; Fall of the Wall series, LHCMA, box 4
[4] Cold War series, LHCMA, box 9
[5] Như trên, box 4
[6] Phỏng vấn Palmer, Foreign Affairs Oral History collection, Library of Congress, Washington DC; Kovacs, như trích trong Jacques Levesque, The Enigma of 1989: The USSR and the Liberation of Eastern Europe(University of California Press, 1997), tr. 187
[7] Fall of the Wall series, LHCMA, box 3
[8] Tác giả nói chuyện với Dr Matthias Mueller, Berlin, tháng 11/2007
[9] Như trích trong Anne Mc Elvoy, The Saddled Cow (Faber & Faber, London, 1992), tr. 168
[10] BA SPMO (Bundesarchiv, Stiftung Archiv der Parteien und Massenorganisationen der DDR), Krenz’s office mIV 2/2.039/77
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/36753
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét