Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

TPP giúp Việt nam cởi mở hơn về chính trị?

TPP giúp VN cởi mở hơn về chính trị?

  • 24 tháng 8 2015
Image copyrightReuters
Việc được đưa vào thỏa thuận thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 40 năm kết thúc chiến tranh, với nhiều người Việt Nam, vừa là cơ hội, vừa là mối nguy, tờ Washington Post bình luận.
Tờ báo có ảnh hưởng nói điều khiến một số người quan ngại là việc tự do thương mại và có những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ với Việt nam sẽ củng cố cho chính quyền cộng sản, đồng thời đem lại cho Việt Nam cơ hội rũ bỏ những yếu kém trong hồ sơ vi phạm nhân quyền.
Mặt khác, người ta hy vọng rằng sự gắn bó nhiều hơn với nền dân chủ tư bản lớn nhất thế giới sẽ thúc đẩy Việt Nam cởi mở hơn về chính trị, Washington Post viết.
Vào lúc này, Việt Nam có vẻ như đang nới lỏng ít nhiều việc kiểm soát chính trị, với việc trả tự do cho 50 trong tổng số 160 tù nhân lương tâm và ít quấy nhiễu các nhà bất đồng chính kiến hơn so với trước.
Washington Post nói một số gương mặt nổi bật thuộc giới xã hội dân sự Việt Nam cho rằng Hà Nội miễn cưỡng làm vậy trong quá trình đàm phán TPP nhằm không làm mất đi sự ủng hộ của Washington.

Công cụ kinh tế hay chính trị?

Washington Post dẫn lời ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, người được trả tự do hồi năm ngoái sau sáu năm ngồi tù, nói chính quyền cộng sản cũng đã nới lỏng hồi một thập niên về trước, khi Việt Nam còn đang theo đuổi quy chế thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rồi lại siết chặt với chiến dịch đàn áp trở lại khi Hoa Kỳ và các nước khác chuyển sự chú ý sang các nơi khác.
Image copyrightGetty
Image captionCông đoàn độc lập là một trong những vấn đề Việt Nam vấp phải trong quá trình đàm phán TPP
Điều đó khiến các nhà hoạt động nhân quyền e ngại trong việc tỏ ý ủng hộ TPP.
Hiện giới lãnh đạo có vẻ như đang chia rẽ về một loạt các vấn đề chính sách, cả đối nội lẫn đối ngoại. Hà Nội đang cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ nhằm đối phó với tham vọng trong khu vực của Trung Quốc. Những lý do trên có lẽ sẽ khiến Việt Nam phải thận trọng hơn bao giờ hết.
Theo Washington Post thì tùy thuộc vào sức nặng và khả năng thực thi của các điều khoản trong TPP về vấn đê tôn trọng công đoàn độc lập và các quyền căn bản khác, hiệp định này có thể giúp thúc đẩy tự do cho các nước như Việt Nam, và có thể sẽ đặt ra những căn cứ vững chắc hơn về luật pháp quốc tế.
Điều đó sẽ khiến giới chức Hoa Kỳ khó làm ngơ trước các vi phạm so với trước. Nói cách khác, tuy là một công cụ kinh tế nhưng TPP cũng sẽ là một phương tiện chính trị hữu hiệu, theo đánh giá của Washington Post.
Tuy nhiên, từ cách nhìn chính thống của Việt Nam thì "trên bàn đàm phán, TPP chỉ thương lượng các vấn đề về kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ chứ không đặt ra vấn đề áp đặt về thể chế chính trị", trang điện tử Quân đội Nhân dân viết.
"Không một ai, một thế lực nào có thể ép buộc Việt Nam hành động đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc."
Đặc biệt, chủ đề công đoàn độc lập gây tranh cãi là điều đã được Việt Nam và các nước khác "tìm ra giải pháp thích hợp", Quân đội Nhân dân viết thêm, trong lúc những người phản đối chỉ nhằm "lợi dụng" để "phục vụ cho mục đích chính trị hòng thay đổi chế độ ở Việt Nam".

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150824_vietnam_tpp_openess

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét