Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở Á châu (11)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch
Hoàng Việt hiệu đính

Chương 4  (tiếp theo)
Đá và những chỗ rắn khác:
Biển Đông và Luật quốc tế


(Rocks and Other Hard Places: The South China Sea and International Law)

Vào lúc CHNDTH bước chân vào Quần đảo Trường Sa năm 1987, tất cả các vùng đất khô ráo trên mặt biển đều đã bị chiếm đóng. Chỉ còn các rạn đá cằn cỗi, rõ ràng không thể duy trì việc cư trú của con người nếu không thêm vào hàng trăm tấn bê tông và thép và nguồn cung cấp từ các tàu tiếp tế thường xuyên. Cuộc sống là đặc biệt gian khổ ở các tiền đồn. Mặc dù các báo cáo của truyền thông Trung Quốc luôn luôn miêu tả những người cư ngụ trong những pháo đài biển như những người hùng mặt đỏ hồng tràn đầy nhiệt huyết yêu nước và đạo đức xã hội chủ nghĩa, đôi khi họ lại vô tình tiết lộ thêm về sự thật. Chẳng hạn, một bài báo tháng 3 trên báo PLA Daily (báo QĐND) ca ngợi những sáng tạo của một nhóm binh lính kỳ cựu đóng quân trên đảo Chữ Thập (Yongshu Jiao / Fiery Cross Reef) khi cố gắng để làm vui lên một lính mới đến, Chen Hao. Sinh nhật Chen gần kề nhưng không có bơ hay trứng trên rạn đá nên họ làm cho anh ta một chiếc bánh bằng đậu phụ. Phản ứng của Chen đối với món bánh kẹo đã không được ghi lại. Trong tháng 6 năm 1994, đài phát thanh Trung Quốc tường thuật rằng những người lính ở tiền đồn “đã từng có vết lở trong miệng vì trong thời gian dài không ăn rau xanh” – một triệu chứng sớm của bệnh scurvy (thiếu vitamin C) – và mô tả những người này ở suốt trong công sự bê tông trong hơn một năm.

Nhiều bài viết gần đây, trong khi ca ngợi các phát triển mới, cũng nói với chúng ta điều gì đó về sự không thoả mái đang tiếp diễn của cuộc sống. Một bài báo tháng 6 năm 2012 trong PLA Daily cổ vũ việc cung cấp các thiết bị nhà bếp có tính năng chống ẩm và chống rỉ sét”, “các tấm chắn cách âm cho máy phát điện” và các tấm kính bảo vệ ngăn bức xạ cực tím. Điều này dường như hàm ý rằng đồ đạc bằng kim loại đang bị han rỉ đi, rằng binh sĩ đang sống ở gần máy móc công nghiệp lớn và bị loà mắt. Hầu như tất cả các hình ảnh chính thức của các pháo đài trên rạn đá đều được chụp vào một ngày trời trong, yên tĩnh khi bầu trời có màu xanh tươi sáng còn biển thì trong trẻo và yên ắng. Nhưng đối với hầu hết thời gian trong năm thì nhiệt độ hoặc 30° C và ẩm ướt không thể chịu được, hoặc có gió mùa thổi theo hướng này hay hướng khác. Từ tháng 10 tới tháng 1 có bão định kỳ – với sức gió 200 km/h và sóng đôi khi đủ lớn để đánh cao khỏi đầu những người đóng trên đảo.

Tại thời điểm viết sách, Trung Quốc đã có lô cốt xây trên 8 rạn san hô ở Quần đảo Trường Sa: Châu Viên (Cuarteron /Huayang Jiao [Hoa Dương tiêu]), Chữ Thập (Fiery Cross /Yongshu Dao [Vĩnh Thử đảo]), Gaven Bắc (Nanxun Jiao [Nam Huân tiều]) và Gaven Nam (Xinan Jiao [Tây Nam tiều]), Gạc Ma (Johnson South /Chigua Jiao [Xích Qua tiều]), Kennan (Dongmen Jiao [Đông Môn tiều]), Vành Khăn (Mischief /Meiji Jiao [Mỹ Tế tiều]) và Subi (Zhubi Jiao [Chử Bích tiều]). Công việc xây dựng cũng đang được tiến hành tại rạn đá thứ chín, Eldad Reef (Anda Jiao 安达礁 [An Đạt tiều]). Không có công trình nào được thiết kế với tính thẩm Mỹ trong đầu: chúng là các cấu trúc để sinh tồn được xây dựng để chịu được sóng, gió và tấn công quân sự. Một số có đủ chỗ trống để đặt một vòng bóng rổ hay một bàn bóng bàn và luôn có một sàn đáp máy bay trực thăng cho tập tai chi (thái cực quyền) nhưng không có cơ hội cho trò chơi bóng đá trên bất kỳ rạn đá nào trong số đó. Không như các đảo do Philippines kiểm soát có thể là khu bảo tồn thiên nhiên, mục đích rõ ràng của các cấu trúc Trung Quốc là để kiểm soát vùng biển xung quanh chúng. Chúng tua tủa với mái vòm radar, các đĩa vệ tinh và các ụ súng.

Không có không gian để thư giãn ngoài trời, người Trung Quốc quay vào bên trong. Máy Karaoke và trò chơi video có tại chỗ cho một lúc nào đó nhưng hiện nay kết nối vệ tinh cho binh lính truy cập vào internet – chính thức dùng cho việc học tập trực tuyến nhưng có lẽ cũng cho các mục đích ít đòi hỏi trí óc hơn. Trong vài năm qua, tất cả các nước tranh chấp đang tiến hành một cuộc chiến tranh hậu cần – với nhau và với các yếu tố với nhau – để cung cấp vùng phủ sóng điện thoại di động tốt nhất ở các đảo. Việt Nam là nước đi bước đầu tiên, lắp đặt một trạm cơ sở tháng 7 năm 2006. Kể từ đó, Trung Quốc đã làm việc cật lực để bắt kịp. Hệ thống đầu tiên của họ ở Quần đảo Trường Sa đã đi vào hoạt động năm 2011 và vào tháng 1 năm 2013, China Telecom tự hào tuyên bố rằng tiền đồn lớn nhất, đá Chữ Thập, bây giờ có kết nối điện thoại di động 3G hoạt động và họ đang bận với việc triển khai vùng phủ sóng ra cho các đơn vị đồn trú khác. Trên khắp quần đảo binh lính và ngư dân bây giờ có được sự lựa chọn các công ty điện thoại quốc gia cạnh tranh nhau. Philippines là nước còn xa phía sau những nước khác, nhưng ít ra là lính Philippines trên Parola (Northeast Cay [Song Tử Đông]) có thể vay nhờ tín hiệu từ đối thủ Việt Nam trên đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) để gọi về nhà.
.
*
Nếu như được yêu cầu phân xử quyền sở hữu hợp pháp của Quần đảo Trường Sa, Tòa án Quốc tế (ICJ) sẽ phải làm sáng tỏ một mạng chằng chịt các yêu sách. Sáu quốc gia có thể sẽ hăng hái dự phần: Pháp – dựa vào phát hiện và chiếm đóng năm 1933 và tái chiếm đóng tháng 10 năm 1946; Philippines – dựa trên tuyên cáo của Phó Tổng thống Quirino tháng 7 năm 1946 (và có thể thêm các hoạt động của Hoa Kỳ như thế lực thực dân trong thập niên 1930); THDQ (Đài Loan) dựa trên chiếm đóng trong tháng 12 năm 1946 và các hoạt động kể từ đó (mặc dù từ khi không còn được thừa nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc, họ không thể trực tiếp trình bày vụ việc); CHNDTH – cũng dựa vào các hành động của THDQ và quyền là quốc gia kế thừa hợp pháp của nó do họ tự nhận; và Việt Nam – dựa trên việc cho mình là nhà nước kế thừa của Đông Dương thuộc Pháp và các hành động của nó từ đó.

Điều đầu tiên tòa án sẽ cần phải quyết định sẽ là “ngày định hạn” (critical date) – thời điểm mà tại đó các sự kiện trọng yếu đều đã diễn ra hết và các tranh chấp đã kết tụ. Việc lựa chọn ngày này thường có tính quyết định đối với kết quả. Ví dụ, nếu như tòa án được yêu cầu phán quyết về chủ quyền đảo Ba Bình hồi năm 1947 thì có lẽ toà sẽ có phán quyết nghiêng về Pháp trên cở sở rằng Paris đã khẳng định rõ ràng tuyên bố của mình và chiếm đóng (theo nghĩa pháp lí) đảo này trước bất cứ nước nào khác. Nhưng nếu hỏi câu hỏi đó bây giờ, các thẩm phán có thể quyết định gôm nhiều sự kiện gần đây vào – đặc biệt là việc Pháp rõ ràng không duy trì yêu sách của mình trong 60 năm qua – điều này có lẽ sẽ có lợi cho THDQ.

Ngày định hạn còn có một ý nghĩa liên quan khác: nó cũng là thời điểm mà sau đó hành động của các bên trong tranh chấp không có hiệu lực trong mắt của luật pháp quốc tế. Vì tranh chấp đã kết tụ – tất cả các bên đã tỏ rõ vị trí của mình – việc xây dựng một đường băng hoặc sáp nhập các đảo vào tỉnh mới hay vẽ chúng trên một bản đồ mới sẽ không có chút trọng lượng nào với các thẩm phán tại ICJ. Trong trường hợp của Biển Đông, ngày định hạn chắc chắn sẽ rơi vào một vài thập niên trước đây. Phần cơ bản về luật học này dường như không được các bên tranh chấp các đảo thông hiểu nên họ vẫn cứ thực hiên những cử chỉ không thích hợp và phản đối về những cử chỉ không thích hợp do các bên khác thực hiện mặc dù các cử chỉ này dường như không mang bất kỳ ý nghĩa nào trong luật pháp quốc tế. Chúng chỉ đơn giản là một chiêu lừa đảo trong canh bạc khổng lồ của họ.

Nếu các bên đã chọn để đặt câu hỏi thì ICJ có thể được yêu cầu phán quyết về việc liệu một tuyên bố chủ quyền đối với đảo Ba Bình có giá trị là một tuyên bố hợp lệ chỉ đối với một đảo, đối với các đảo liền kề xung quanh đó hoặc đối với toàn bộ Quần đảo Trường Sa. Có các tiền lệ. Ví dụ, trong phán quyết về tư cách của đảo Greenland Đông năm 1933, ICJ đã quyết định, thật ra một quốc gia không cần phải chiếm đóng thực tế tất cả các phần của một đảo xa xôi và khó khăn để khẳng định chủ quyền toàn bộ đảo đó. Nếu tiền lệ này được theo thì có thể một phán quyết về chủ quyền đảo Ba Bình cũng sẽ áp dụng cho các thể địa lý khác của đảo san hô vòng mà nó nằm trên – có tên là bãi Tizard. Chúng bao gồm các đảo do Việt Nam chiếm đóng đảo Nam Yết (Namyit), đá Sơn Ca (Sand Cay) và đá Núi Thị (Petley Reef ) và các đảo do cộng sản Trung Quốc chiếm đóng đá Ga Ven (Nanxun Jiao và Xinan Jiao) và đá Eldad (Anda Jiao) mà tất cả đều nằm cách nhau vài cây số. Tuy nhiên, tòa án cũng có thể phán rằng đây là những đảo riêng biệt theo các yêu sách riêng biệt.

Câu hỏi bùng nổ hơn là liệu một phán quyết vể đảo Ba Bình sẽ áp dụng cho tất cả các đảo khác trong Quần đảo Trường Sa hay không. Việt Nam và cả hai nước Trung Hoa đều nói về yêu sách của mình trong khung tối đa này, tuyên bố rằng họ có chủ quyền trên toàn bộ Quần đảo “Trường Sa” hay “Nam Sa” tương ứng. Philippines cũng nói tương tự, mặc dù chỉ đối với một bộ phận của Quần đảo Trường Sa mà họ gọi là “nhóm đảo Kalayaan” (bao gồm đảo Ba Bình). Nếu tất cả các quốc gia đều giữ nguyên vị thế của họ và yêu cầu tòa án cho phán quyết về các đảo như một toàn thể thì quyền sở hữu đảo Trường Sa, Thị Tứ và tất cả các đảo khác có lẽ sẽ rơi vào quốc gia nào có yêu sách tốt nhất đối với đảo Ba Bình. Do đã kiểm soát đảo này trong suốt nhất của 70 năm qua, nên kẻ chiến thắng rất có khả năng là THDQ (Đài Loan). Khi đó CHNDTH (Bắc Kinh) sẽ cần phải tranh luận rằng họ có quyền hợp pháp để kế thừa yêu sách của THDQ – mở nắp một hủ dòi (một tình huống không mấy dễ chịu- ND).

Đảo Ba Bình sẽ là mục trung tâm của danh mục tài sản của bất kỳ bên yêu sách nào của Biển Đông và rõ ràng được cả Trung Hoa cộng sản lẫn Việt Nam thèm muốn. Những người trú đóng luôn chất chứa một nỗi sợ hãi bị xâm chiếm và một cảm giác dễ bị xâm hại. Ba Bình là một dấu chấm trong đại dương với các láng giềng thù địch bao quanh. Hành trình từ cảng Đài Loan gần nhất là Cao Hùng (Kaohsiung) tới đó dài 1 400 km, mất ba ngày trong thời tiết tốt và lâu hơn nữa nếu gặp bão. Chính phủ Đài Loan đã phải vật vã để tạo ra một bản sắc vừa hòa bình trong ý định nhưng cũng vừa kiên quyết trong phòng thủ cho hòn đảo. Không giống như đảo Trường Sa, Thị Tứ hay Phú Lâm có rất ít sự vờ vĩnh về cuộc sống dân sự trên đảo Ba Bình: chẳng hạn không có trường cho trẻ con hoặc khách sạn du lịch.

Năm 1999, để cố gắng xuống thang căng thẳng đang tăng ở Biển Đông, chính phủ ở Đài Bắc thông báo rằng họ rút lính thủy đánh bộ khỏi đảo này và thay bằng cảnh sát biển. Nhưng đó không là cảnh sát biển bình thường: họ được vũ trang bằng súng cối 120 mm và pháo 40 mm và được huấn luyện trong quân đội. Tháng 9 năm 2012 họ đã tổ chức tập trận bắn đạn thật để cho thấy họ sẽ chống trả một lực lượng xâm chiếm như thế nào. Giống như hai đảo lớn nhất trong Quần đảo Trường Sa, nét chính của đảo Ba Bình là một đường băng, chiếm 1 200 mét trong 1 400 mét chiều dài của đảo. Nó được xây dựng chỉ trong 273 ngày và chính thức khánh thành với chuyến bay đến thăm của Tổng thống Trần Thuỷ Biển (Chen Shuibian) một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Trần Thuỷ Biển tuyên bố cơ sở này dành cho mục đích nhân đạo – giúp đỡ trong việc giải cứu ngư dân bị mắc nạn nhưng ít ai tin ông ta. Tranh cãi về đường băng đã diễn ra trong 15 năm qua, ngưng đi hay bắt đầu lại mỗi khi mối quan hệ với Bắc Kinh ấm nồng hay lạnh nhạt đi. Việc mở đường băng là một cử chỉ chứng tỏ Trần Thuỷ Biển ủng hộ cho một Đài Loan độc lập hơn. Dù vậy nó không giúp ông thắng cử.

Đảo này chỉ rộng 370 mét, nhưng có nguồn nước ngọt riêng và được phủ bằng thảm thực vật tự nhiên. Rõ ràng ít nhất nó có thể phục vụ việc sinh sống tối thiểu của con người, mặc dù đơn vị trú đóng 120 người ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ Đài Loan chuyển tới. Khu ăn ở, các ụ phòng thủ, chỗ thu năng lượng mặt trời (nhằm giảm lượng diesel cần để chạy máy phát điện trên đảo) và một khu vực bảo tồn cho loài rùa biển xanh đang bị đe dọa nằm ở các dải đất hai bên đường băng.

Tóm lại, vị thế của Đài Loan trên đảo Ba Bình là an toàn. Do đó theo ý nghĩa pháp lí, điều có thể tốt hơn cho Việt Nam và Philippines là họ nên điều chỉnh vị thế của mình, không tiếp tục tìm kiếm chủ quyền đối với nhóm lớn các đảo mà chỉ đối với các thể địa lý có tên cụ thể. Khi đó Việt Nam có thể có khả năng cho thấy yêu sách mạnh mẽ nhất đối với đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn) và có khả năng đối với các đảo khác, còn Philippines đối với đảo Thị Tứ (Pagasa) và cũng có khả năng đối với các đảo khác, thông qua lịch sử về chiếm đóng và sử dụng lâu dài. Điều tương tự cũng có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc cho Quần đảo Hoàng Sa – với tuyên bố của Việt Nam mạnh hơn đối với nhóm Trăng Khuyết (Crescent) và tuyên bố của Trung Quốc mạnh hơn đối với nhóm An Vĩnh (Amphitrite). Tuy nhiên, việc rút lại yêu sách bao gồm mọi thứ thành yêu sách nhỏ hơn sẽ đòi hỏi bản lĩnh chính trị thật cao khi đối mặt với cơn sốt dân tộc chủ nghĩa.

*

Tự hào dân tộc là một trong những lý do tại sao các nước xung quanh Biển Đông tiêu phí máu và của cải để chiếm các rạn san hô và đảo nhưng cũng đã có những động cơ kinh tế ngay từ những tuyên bố đầu tiên thay mặt người đào phân chim Anh trong thập niên 1870. Những ngày đó, ngoài phân chim khai thác được và biến thành phân bón, những đảo này tự thân hầu như chẳng chứa thứ gì có giá trị. Malaysia biến đá Hoa Lau (Swallow Reef), mà họ gọi là Layang Layang, thành khu du lịch bơi lặn với một khách sạn và hồ bơi (bên cạnh các doanh trại, đường băng và bến cảng hải quân) nhưng đây là nơi duy nhất ở Biển Đông đi gần tới việc chuyển ra lợi nhuận. Ngoài tầm quan trọng chiến lược có phần đánh giá quá cao của chúng (xem Chương 8), các mỏm đá và đảo bây giờ chỉ có giá trị nhờ các vùng biển bao quanh chúng. Đó là kết quả của khuôn khổ mới luật pháp quốc tế mới phát triển lên trong nửa thế kỷ qua. Lần này, không như các quy tắc điều tiết việc thu tóm lãnh thổ, không ai trong số các bên tranh chấp có thể tranh luận rằng họ là nạn nhân của các quy tắc do các giáo hoàng thời trung cổ hay các nước đế quốc thế kỷ XIX soạn ra.

Ngày 3 tháng 12 năm 1973 các thành viên của Liên Hiệp Quốc ngồi ở New York để dự thảo Công ước mới về Luật Biển. Những người thừa kế John Selden và Hugo Grotius đã dành 9 năm tiếp theo để tranh luận về việc các đại dương thuộc về ai. Các cuộc thảo luận đã chịu dấu ấn của tình thế chính trị lúc đó. Chiến tranh ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn cuối cùng; CHNDTH vẫn là một thành viên tương đối mới của Liên Hiệp Quốc; THDQ (Đài Loan) vừa mất ghế tại Liên Hiệp Quốc. Các cuộc đàm phán UNCLOS đã trở thành nơi diễn ra các cuộc tranh luận chiến tranh lạnh giữa tư bản và cộng sản, và cả giữa những nước ủng hộ quyền tự do trên biển và những nước muốn chặn những kẻ khác ở ngoài – và cách xa các nguồn tài nguyên “của họ”.

Vì các cuộc đàm phán UNCLOS kéo dài, một thỏa hiệp nổi lên xung quanh khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và cách nó có thể được xác định và tuyên bố. EEZ không là lãnh thổ nhưng các quốc gia ven biển sẽ có quyền khai thác và điều tiết các nguồn tài nguyên bay trên đó, bơi lội trong đó, nằm trên đáy biển và chôn vùi bên dưới đó. Khi các nhà ngoại giao tranh cãi, giá dầu tăng và các chính phủ nắm được các tác động. Ai sở hữu đảo sẽ sở hữu các quyền đối với tôm cá, khoáng chất và hydrocarbon xung quanh nó. Khi công nghệ phát triển, các chính phủ đã ra nhiều hợp đồng sang nhượng dầu ngoài khơi và các công ty thăm dò bắt đầu khảo sát và khoan ngày càng xa đất liền. UNCLOS đã nâng giá các cổ phần trong Biển Đông lên đáng kể.

Vào thời điểm các cuộc đàm phán cuối cùng kết thúc, tại Montego Bay ở Jamaica vào ngày 10 tháng 12 năm 1982, các chính phủ trên thế giới đã đồng ý rằng các quốc gia ven biển có thể tuyên bố một lãnh hải rộng 12 hải lý (22 km), một EEZ ra đến 200 hải lý (370 km) và có thể một thềm lục địa mở rộng xa hơn. Họ cũng đã phác thảo ra một số nguyên tắc chung cho những gì được và không được tính là lãnh thổ. UNCLOS định nghĩa ba loại thể địa lý biển: “đảo” (island) có thể phục vụ việc cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng; “[đảo] đá”(rock) (kể cả bãi cát và rạn san hô trên mặt nước khi thủy triều cao) không thể phục vụ được như đảo và “bãi triều thấp” (low-tide elevation), như tên cho thấy, chỉ khô ráo khi thuỷ triều thấp. Mặc dù định nghĩa chính xác về việc cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng chưa xác định, mỗi loại thể địa lý biển đã được ưu đãi với các quyền bất khả xâm phạm nhất định. Đảo được coi như đất liền và tạo ra cả lãnh hải 12 hải lý lẫn EEZ 200 hải lí. Đảo đá tạo ra một lãnh hải 12 hải lý nhưng không có EEZ. Bãi triều thấp không tạo ra gì cả, trừ khi nằm trong vòng 12 hải lý của một mảnh đất hay một đảo đá, trong trường hợp đó chúng có thể được sử dụng cho việc vẽ điểm cơ sở mà lãnh hải và EEZ có thể đo từ đó ra. Liên quan tới các tài nguyên biển, sự khác biệt giữa đảo và đảo đá là rất lớn. Một đảo đá tạo ra một vùng lãnh hải tiềm năng chỉ khoảng 452 hải lý vuông (≈ π × 12²). Một đảo tạo ra vùng lãnh hải như thế mà còn thêm một vùng đặc quyền kinh tế tiềm năng ít nhất 125 600 hải lý vuông (≈ π × 200²).

Ngày 22 tháng 1 năm 2013, chính phủ Philippines đã cố gắng thay đổi các điều kiện trong các tranh chấp ở Biển Đông qua việc loại bỏ các lập luận đã có về quyền lịch sử đối với lãnh thổ và đi theo các lập luận mới dựa trên UNCLOS. Thay vì tổ chức các cuộc tranh luận có tính cảm xúc về các yêu sách đối với khu vực biển rộng lớn, họ đã cố tập trung chúng vào các mảnh biển cụ thể dựa trên khoảng cách từ các mảnh đất cụ thể. Bộ hồ sơ 20 trang nộp cho Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague nói rõ rằng Philippines không tìm kiếm một phán quyết về các yêu sách lịch sử đối với các đảo, hoặc đối với bất kỳ ranh giới biển nào mà thuần tuý đối với các thể địa lý tạo nên đảo và đảo đá, và do đó có thể được phân loại như là “lãnh thổ”, và đối với những loại khu vực biển nào có thể vẽ ra hợp pháp từ đó. Chính quyền Manila hi vọng PCA sẽ phán quyết rằng không có một thể địa lý nào do CHNDTH chiếm đóng là đảo có khả năng duy trì việc cư trú của con người hay đời sống kinh tế và vì thế không thể tạo ra EEZ.

Bằng cách hướng trọng tài vào những vấn đề này, Philippines rõ ràng đã tìm cách để bất kỳ yêu sách lịch sử nào đối với tất cả các vùng biển bên trong “đường chữ U” dựa trên sự giải thích của Trung Quốc theo những mô thức truyền thống của luật pháp quốc tế – đều bị phán là không hợp lệ. Bất kể nước nào sở hữu mỗi đảo đá, quyền trên biển sẽ bị giới hạn – quá lắm là – tới một bán kính 12 hải lý xung quanh mỗi thể địa lí. Điều này sẽ cho phép Philippines phát triển dầu và đánh cá ở các vùng biển trong EEZ của mình, miễn là các tài nguyên này nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tiềm năng của mỗi thể địa lý do Trung Quốc chiếm đóng. Một tòa án khác có thể sẽ đưa ra phán quyết về quyền sở hữu vào một thời điểm sau này.

Lúc Trung Quốc tham gia buổi tiệc ở Quần đảo Trường Sa vào những năm cuối thập niên 1980, các bàn tốt nhất đã bị choán hết: chỉ còn những chỗ ngồi rẻ tiền sót lại. Năm trong số 8 thể địa lý CHNDTH chiếm được quá lắm chỉ là các bãi triều thấp (Vành Khăn, Kennan, Subi, Gaven Bắc và Gaven Nam). Ba thể địa lý còn lại, hồ sơ Philippines lập luận, quá lắm chỉ là các đảo đá nên chúng chỉ tạo ra một lãnh hải 12 hải lý và không có EEZ. UNCLOS rất rành mạch: trên một bãi triều thấp bạn xây pháo đài lớn cỡ nào chẳng phải điều là quan trọng; nếu như thể địa lý tự nhiên bên dưới pháo đài đó nằm dưới mặt nước khi triều cao thì nó không tạo ra lãnh thổ biển nào. Điều này cũng đúng cho tất cả các thể địa lý do Malaysia chiếm đóng (bao gồm Đá Hoa Lau  / Swallow Reef), hầu hết các thể địa lý do Việt Nam kiểm soát và ít nhất 3 trong số thể địa lý mà Philippines sở hữu. Được xây dựng trên bãi triều thấp hoặc rạn đá, chúng không được tính là đảo hay thậm chí là đảo đá theo UNCLOS.

Philippines, Việt Nam và THDQ (Đài Loan) đang kiểm soát một số thể địa lý có thể được phân loại là đảo và do đó được hưởng một EEZ. Nhưng để chứng minh với tòa án họ sẽ cần phải xác lập rằng các đảo này có thể, theo câu chữ của UNCLOS, “duy trì việc cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng của chính chúng”. Chính vì vậy mà cả 3 nước đều đi những bước dài trong việc phát triển các cơ sở dân sự bất cứ nơi nào họ có thể: nhà ở và trường học rõ ràng là hình thức cư trú của con người còn vựa cá và các kế hoạch du lịch là những hình thức của đời sống kinh tế. Tất cả các học sinh đang học bảng cửu chương trên đảo Thị Tứ / Pagasa, và tất cả các nhà sư đang tụng kinh cầu nguyện trên đảo Trường Sa [Lớn], theo cách nhỏ nhoi của riêng mình, đều đang giúp tăng trọng lượng cho yêu sách biển của đất nước họ.

Không có trẻ em đang học bất cứ điều gì trên bãi Scarborough nhưng trong tháng 4 năm 2007 một nhóm đàn ông trưởng thành đã dành một tuần đến chơi trên đó. Họ là những người đam mê vô tuyến nghiệp dư – “DXers” – những người tranh đua phát sóng từ các địa điểm khắc nghiệt nhất. Họ từ Hồng Kông ra đi trên một tàu hợp đồng mang theo tất cả những thứ họ sẽ cần: thiết bị vô tuyến và dĩ nhiên có antenna nhưng cũng có cả các tấm ván, tấm gỗ, máy phát điện, dù và áo phao. Đây là đoàn DX thứ tư đến bãi cạn này tính từ năm 1994 nên các diễn viên này biết khá rõ những gì mong đợi. Nhưng khi đến nơi, họ hầu như chẳng tìm thấy gì ở đó. Khi thủy triều cao, chỉ sáu mỏm đá nhô lên trên biển: không có mỏm đá nào cao hơn hai mét, nhiều nhất, chỉ rộng ba hoặc bốn mét. Họ bày trí để làm việc. Để thoả điều kiện cho tư cách DX, việc truyền đi phải được thực hiện trên chính các mỏm đá nhưng không có một chỗ phẳng ở bất cứ nơi nào. Dùng các tấm ván, họ xoay xở để dựng một sàn nhỏ trên mỗi mỏm đá – chỉ vừa đủ cho một bàn và ghế, máy phát điện, một máy vô tuyến và một chiếc dù. Sau đó làm việc theo ca họ phát sóng cho các đồng bạn DX trên toàn thế giới trong 5 ngày.

Đối với người ngoài cuộc, đó có vẻ là một cách tiêu phí ngày nghỉ kỳ dị và khó hiểu nhưng chuyến đi là kết quả của một trận chiến lâu dài và đầy xúc cảm có nhiều tiếng vọng của các tranh chấp địa chính trị ở Biển Đông. Đã có nhiều tranh luận dài trong cộng đồng DX về việc liệu bãi Scarborough có thoả điều kiện về “tư cách đất nước mới” – một nhãn hiệu sẽ mở khóa một dòng lũ ủng hộ từ những người có sở thích muốn thêm một vạch khắc vào cột giường máy thu vô tuyến của họ. Tháng 6 năm 1995, một ủy ban của Liên đoàn tiếp vận vô tuyến đã cố gắng áp đặt quy tắc về kích thước tối thiểu cho các đảo để loại không xem xét Scarborough. Nó lặp lại các từ ngữ của UNCLOS, và tuyên bố rằng đảo đá không thể duy trì việc cư trú của con người không được xét “tư cách nước DXCC”. Tuy nhiên, các DX mạo hiểm đó và những người ủng hộ họ đã vận động để quyết định đó bị đảo ngược- và 7 tháng sau đó họ đã thành công. Nhưng, như các DXer nói trên đã chứng minh một cách thuyết phục, bãi Scarborough hoàn toàn không có khả năng phục vụ việc cư trú của con người. Ngay cả với gỗ, máy phát điện và dù che nó là dứt khoát không hiếu khách nhiều hơn một vài giờ một lần. Có một quy tắc cụ thể cho loại thể địa lý này trong UNCLOS: nó là một đảo đá, vì vậy nó sẽ tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý nhưng không có EEZ hay thềm lục địa.

Không có điều gì trong số này ngăn cản các nhà chức trách biển Trung Quốc dừng việc tiêu phí một số lượng cực lớn nỗ lực để giành lấy quyền kiểm soát bãi Scarborough từ tay Philippines trong năm 2012. Một bế tắc bắt đầu vào ngày 10 tháng 4 khi cảnh sát biển (tuần duyên) Philippines cố ngăn không cho 8 tàu cá Trung Quốc tóm lấy một lượng lớn san hô, trai khổng lồ và cá mập sống. Hai tàu hải giám lớn Trung Quốc sau đó đến ngăn chặn không để các ngư dân này bị bắt giữ. Philippines phái tàu chiến lớn nhất, là BRPGregorio del Pilar (một tàu tuần duyên cũ của Mỹ đóng vào năm 1965), trước khi xem xét lại quyết định và thay thế nó bằng các tàu cảnh sát biển. Với một cơn bão đến gần kề, cả hai chính phủ đồng ý rút tàu đi – nhưng chỉ có Philippines thực hiện, để lại cho Trung Quốc quyền kiểm soát thực tế bãi cạn này.

Có một loại thể địa lý khác xuất hiện trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng không có trong lời văn của UNCLOS: thể địa lý ngầm. Theo UNCLOS hoàn toàn không có cơ sở để bất kỳ nước nào đòi hỏi chủ quyền một bãi cạn hay bãi ngầm nằm bên dưới mặt nước khi triều thấp: chúng đơn giản chỉ là một phần của đáy biển. Điều 5 của UNCLOS phát biểu rằng đường cơ sở thông thường để tính vùng lãnh hải là ngấn triều thấp. Thể địa lý ngầm, theo định nghĩa, không có ngấn triều thấp và do đó không thể có một lãnh hải của riêng mình. Nhưng điều đó không ngăn cản việc Trung Quốc khẳng định một tuyên bố lãnh thổ dựa trên quyền lịch sử đối với bãi ngầm Macclesfield và bãi ngầm James (Zengmu Ansha/Tăng Mẫu ám sa) – cả hai đều nằm bên dưới mặt biển. Như chúng ta đã thấy trong Chương 2, điểm cạn nhất của bãi ngầm James cách mặt biển 22 mét và địa vị của nó như là điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc có lẽ xuất phát từ lỗi biên dịch của một ủy ban của chính phủ Trung Hoa năm 1935. Nó nằm ngoài khơi cách bờ biển Borneo 107 km và cách bờ biển của đảo Hải Nam hơn 1 500 km. Nó rõ ràng nằm xa bên ngoài bất kỳ vùng lãnh hải nào mà Trung Quốc có thể đòi hỏi được theo UNCLOS. Tuy nhiên, sức mạnh của tình cảm dân tộc ngăn không cho Bắc Kinh thực hiện việc rút lui một cách cảm nhận được khỏi vị thế vô nghĩa này. Ngay cả bây giờ, các tàu hải quân Trung Quốc trên đường tuần tra chống hải tặc ngoài khơi Somalia vẫn đi vòng ngang qua bãi ngầm này để cho thấy chủ quyền của Trung Quốc đối với nó. Nhưng vì không có chỗ đất khô ráo nào để có thể dựng công trình chính thức trên đó, thay vì vậy họ phải thả chúng xuống từ phía hông tàu. Bây giờ có một nhúm bia chủ quyền của Trung Quốc đang nằm trên đáy biển bên dưới. Tháng 3 năm 2013 và tháng 1 năm 2014 tàu hải quân Trung Quốc đã tổ chức diễn tập quân sự ở bãi ngầm này – đổ thêm gạch đá vụn vào một đống hỗn độn.

Điều thú vị là, trong một tranh chấp biển khác Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng rằng thể địa lý ngầm có thể có tư cách lãnh thổ. Đá Socotra, còn gọi là đá Ieodo hoặc Suyan, nằm dưới mặt nước khoảng 5 mét ở Hoàng Hải, gần cách đều hai bờ biển Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một trạm nghiên cứu đại dương trên đó, kích động các phản đối từ Bắc Kinh, nhưng vào ngày 12 tháng 3 năm 2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng Trung Quốc và Hàn Quốc có một sự đồng thuận về đá Suyan, đó là đá này không có tư cách lãnh thổ và hai bên không có tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, sự đồng thuận này dường như không áp dụng cho bãi ngầm James hay cho thể địa lý ngầm lớn hơn nhiều: bãi ngầm Macclesfield.

Bãi ngầm Macclesfield gần Trung Quốc hơn nhiều và cũng lớn hơn rất nhiều so với bãi ngầm James: dài khoảng 140 km và rộng 60 km. Nó cũng gần mặt biển hơn một chút: Điểm cạn nhất của nó là chỉ có 9 mét dưới những con sóng. Trong bảng kê tên chính thức ngăn nắp thông qua vào năm 1947, bãi Macclesfield là Quần đảo Cát Giữa – Zhongsha Qundao [Trung Sa Quần đảo] – để khớp với các Quần đảo Cát Tây (Xisha [Tây Sa] hay Hoàng Sa), Cát Đông (Dongsha [Đông Sa] hay Pratas) và Cát Nam (Nansha [Nam Sa] hay Trường Sa). Nhưng Quần đảo Trung Sa chỉ là một công trình địa lý hư cấu. Theo cách nói chính thức của Trung Quốc, họ gom bãi Macclesfield với một số thể địa lý ngầm khác giữa bãi Helen ở phía Bắc và bãi Dreyer ở phía Nam vào thành một nhóm. Tranh cãi nhất là họ gôm cả bãi Scarborough ở phía Đông vào, đó là phần của duy nhất của Trung Sa nhô lên trên mặt biển. Tuy nhiên, các bản đồ đáy biển cho thấy rõ ràng rằng khu vực đó không có Quần đảo nào theo nghĩa đã được chấp nhận của từ này: không có chuỗi đảo nào mà chỉ có các thể địa lý ngầm tách biệt bởi khu vực biển rộng lớn của một số trong những vùng biển sâu nhất của hành tinh. Không một thể địa lý ngầm nào trong số đó có thể tạo ra EEZ. Chỉ có bãi Scarborough may lắm mới có thể tạo ra lãnh hải 12 hải lí.

Theo UNCLOS không có căn cứ nào để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi ngầm James, bãi ngầm Macclesfield hoặc các khu vực biển bên ngoài 12 hải lý từ bất kỳ thể địa lý nổi bên trong đường chữ U. Đơn giản là trong UNCLOS không có đề cập nào đến các quyền lịch sử, ngoại trừ liên quan đến các khu vực trong vùng lãnh hải của một nước quần đảo – mà Trung Quốc không phải là một nước loại này. Qua việc phê chuẩn UNCLOS – mà họ đã thực hiện năm 1996 – Trung Quốc đã ký loại đi quyền đòi hỏi quyền lợi lịch sử trong EEZ của các nước khác – ít nhất là theo UNCLOS. Thay vào đó, một số quan chức nhà nước Trung Quốc đã cố tranh luận dựa theo dạng truyền thống của luật quốc tế: tranh cãi rằng các nhà thám hiểm và ngư dân Trung Quốc đã đi lang thang các vùng nước của Biển Đông trong nhiều thế kỷ và những hoạt động đó cung cấp một cơ sở để yêu sách toàn bộ đất đai- và toàn bộ biển – trong đường chữ U. Nói cách khác, họ đang cố gắng sử dụng một hình thức cũ của luật quốc tế để cố phủ nhận bất kỳ phán quyết nào dựa trên UNCLOS. Ở mức cực đoan nhất, việc huy động lập luận này dường như là một nỗ lực để viết lại luật quốc tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc và hợp pháp hóa yêu sách lãnh thổ đối với tất cả mọi thứ bên trong đường chữ U. Hầu hết các học giả về chủ đề này đều xem lập luận này là có khe hở về căn cứ lịch sử và hời hợt về cơ sở pháp lý nhưng nếu Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết ngã theo yêu cầu do Philippines nộp vào năm 2013 thì đó có thể trở thành chỗ dựa chính cho yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Có nhiều hơn về điều này trong Chương 9.

**********

Vậy tác động trên Biển Đông như một toàn thể sẽ là gì nếu, do một liên kết bất ngờ các lực lượng địa chính trị, các yêu sách lịch sử được đưa ra Tòa án Quốc tế và tất cả các bên đồng ý tôn trọng kết quả? Rõ ràng chúng ta không thể biết chắc chắn, nhưng một hướng dẫn xuất sắc về kết quả có thể xảy ra là từ giáo sư Robert Beckman của Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore. Ông quan sát các tranh chấp trong một phần tư thế kỷ từ văn phòng của mình bên cạnh vườn thực vật quốc gia và đã đi đến một số kết luận. Qua xem xét các phán quyết trước đây của ICJ, ông thấy rằng tác động của tất cả các việc thu tóm đảo trong vòng nửa thế kỷ qua thực sự là nhỏ nhoi một cách đáng ngạc nhiên. ICJ thường hoài nghi đối với đòi hỏi EEZ lớn đưa ra dựa trên cơ sở các đảo hay đảo đá nhỏ khi chúng chồng lấn với các yêu sách từ một bờ biển đất liền hay đảo lớn hơn. Theo cách nói của Beckmans, “đó không chỉ đơn giản là một câu hỏi về vẽ một trung tuyến giữa các đảo và lãnh thổ đất liền”. Ví dụ, trong một phán quyết cho tranh chấp giữa Romania và Ukraina đối với đảo có tên đáng báo động là Rắn (Serpents) ở biển Đen, ICJ chú ý tới độ dài tương đối của các đường bờ biển có liên quan. Nói cách khác, họ coi mấy trăm cây số bờ biển đất liền của Romania là có nhiều ý nghĩa hơn chu vi 2 km của đảo Rắn. Biên giới quốc tế vạch được không tính tới đảo này ngoài việc cho nó lãnh hải tiêu chuẩn 12 hải lí. Một phán quyết khác của ICJ, vào tháng 10 năm 2012, cho một tranh chấp tương tự đối với các đảo của Colombia ngoài khơi bờ biển Nicaragua, xác nhận nguyên tắc cho rằng độ dài tương đối của các đường bờ biển là một yếu tố quan trọng trong việc phân xử ranh giới biển.

Tình hình ở Biển Đông phức tạp hơn ở biển Đen hoặc biển Caribbean do số lượng của các đảo, đảo đá và các bên tranh chấp có liên quan nhiều hơn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể hiểu được rằng ICJ sẽ có cách tiếp cận tương tự. Ngay cả nếu chúng ta giả định trường hợp xảy ra tình huống tồi tệ nhất (theo mắt của các nước Đông Nam Á), – đó là mọi đảo đá và đảo trên Biển Đông được trao cho Trung Quốc – điều đó sẽ không dẫn đến những mảng lớn EEZ của mỗi quốc gia ven biển sẽ được trao cho Bắc Kinh. Theo Beckman có nhiều khả năng rằng EEZ vẽ từ các đảo này sẽ mở rộng theo cách khác – hướng vào trung tâm của biển và do đó sẽ làm giảm đi hoặc loại bỏ hoàn toàn các túi biển quốc tế nằm giữa Biển Đông. Kết quả – trong “kịch bản Bắc Kinh lấy tất” này – sẽ là một khu vực EEZ của Trung Quốc có dạng chiếc diều chạy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc bao quanh bởi các EEZ của tất cả các quốc gia ven biển khác. Một phán quyết hạn chế hơn, chỉ trao đảo Ba Bình trong Quần đảo Trường Sa và trọn Quần đảo Hoàng Sa cho một Trung Hoa hợp nhất, sẽ có một hiệu quả tương tự, dù nhỏ hơn.

Tuy nhiên, đưa vấn đề này ra ICJ sẽ đòi hỏi sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp và vì không ai có thể tin chắc vào kết quả, nên có rất ít động lực để đồng ý. Một chính phủ “làm mất” lãnh thổ theo một phán quyết quốc tế sẽ phải chính thức nhượng quyền đối với các nguồn tài nguyên ở đó và có thể chờ đợi để chịu cơn thịnh nộ của những bộ phận tức giận trong dân chúng. Những rủi ro chính trị là rất lớn. Tuy nhiên, có những dấu hiệu thỏa hiệp thầm lặng giữa các bên tranh chấp Đông Nam Á. Tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam nộp cho LHQ một tuyên bố chung về thềm lục địa mở rộng của họ bỏ qua câu hỏi về đảo nào thuộc quốc gia nào và chỉ đơn giản đo khoảng cách từ các đường bờ biển tương ứng. Kể từ năm 2009 Philippines đã sửa đổi yêu sách dàn trải của họ đối với một khu vực rộng lớn của Biển Đông (nhóm đảo Kalayaan) thành yêu sách đối với các đảo cụ thể (dựa trên tuyên bố lịch sử) và các khu vực biển cụ thể tính từ chúng theo các quy tắc quy định trong UNCLOS. Nhưng Trung Quốc có nhiều thứ để mất nhất từ việc điều chỉnh yêu sách của mình cho tương thích với UNCLOS vì kết quả sẽ phân mãnh đường chữ U thành một loạt các khu nhỏ hơn quanh các đảo cụ thể. Trong khi chính phủ Trung Quốc như một toàn thể tiếp tục duy trì sự mơ hồ chiến lược về việc đường này thực sự có nghĩa là gì, các thành phần chủ chốt bên trong (quân đội, các công ty dầu mỏ và các tỉnh ven biển phía Nam) tiếp tục hành động trên cơ sở rằng Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách lãnh thổ lịch sử đối với toàn bộ Biển Đông.

Tất cả các bên tranh chấp đều khẳng định yêu sách lịch sử đối với các rạn san hô, đảo đá và đảo mà họ đang chiếm giữ và hầu hết trong số họ (Việt Nam, Philippines và cả hai nước Trung Hoa – nhưng không có Malaysia hay Brunei) cũng đều yêu sách toàn bộ hoặc một số thể địa lý khác. Những yêu sách lãnh thổ này được dựa trên các chuẩn mực truyền thống của luật pháp quốc tế: chiếm đóng, thời hiệu, chuyển nhượng và bồi tụ. Trước khi có thể bắt đầu bất kỳ tiến trình giải quyết nào, các bên tham gia sẽ phải quyết định xem liệu tòa án sẽ nghe lập luận lịch sử trước và đưa ra phán quyết rằng những đá và đảo nào đúng lẽ thuộc về quốc gia nào hoặc liệu toà sẽ chừa lại những lập luận đó để nghe sau và chỉ đưa ra các phán quyết dựa trên UNCLOS về các khu vực biển và sẽ giải quyết quyền sở hữu sau này. Trong khi các kết quả của điều trước là rất không chắc chắn, điều sau nói chung có lợi cho các bên tranh chấp Đông Nam Á hơn là Trung Quốc. Do đó Bắc Kinh gia tăng nói về quyền lịch sử còn Đông Nam Á nói nhiều về UNCLOS.

Từ lâu các quy tắc của luật pháp quốc tế dành ưu tiên cho những kẻ chinh phục và khai phá của thế kỷ trước. Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc là một nỗ lực để khôi phục lại sự cân bằng và cho các quốc gia ven biển quyền kiểm soát nhiều hơn các nguồn tài nguyên trong vùng biển bao quanh họ. Nhưng địa lý trái đất không đồng đều. Sự sắp xếp của các lục địa và biên giới quốc gia đã để cho một số nước ven biển có quyền sử dụng những khoảng biển to lớn còn những nước khác với quyền sử dụng ít hơn nhiều. Ví dụ, EEZ của Nhật Bản kéo dài ra Thái Bình Dương trong khi EEZ của Trung Quốc bị Nhật Bản chắn lại, và xa về phía Nam cũng bị Philippines và Việt Nam chắn lối. Cảm giác bất công về địa lí, bị làm trầm trọng thêm bởi nỗi uất ức dân tộc với một thế kỷ đất nước bị làm nhục (quốc sỉ), giải thích vì sao Trung Quốc luôn đeo đẳng “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở thành chuyên gia trong việc sử dụng ngôn ngữ mập mờ trong việc thoả mãn tối thiểu các nghĩa vụ quốc tế của mình trong khi vẫn để ngõ càng nhiều càng tốt các lựa chọn tương lai của họ. Trung Quốc chỉ giành được lợi thế pháp lý tối thiểu từ các rạn san hô họ chiếm giữ nhưng nếu không thực sự đặt chân ở Trường Sa thì lập luận về lãnh thổ của họ sẽ thuần là lý thuyết. Những tiền đồn đã cho Bắc Kinh một chỗ ngồi ở đầu bàn, chỗ mà chính trị thực dụng (realpolitk) luôn luôn là quan trọng hơn so với luật pháp quốc tế.

Richard Spratly 170 năm trước tự do săn lùng bất cứ mảng biển nào mà ông nghĩ rằng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Đèn và môi ở Châu Mỹ và Châu Âu sáng lên với dầu và các thành phần Mỹ phẩm mà ông và những người săn cá voi của các nước giàu có khác thu hoạch được. Kết quả là sự suy giảm thảm khốc của dân số cá voi. Việc tìm kiếm một loại dầu khác và nỗi lo sợ về xảy ra một cuộc đấu không quy tắc tương tự cuối cùng đã dẫn các chính phủ trên thế giới tới việc đồng ý với các quy tắc về cách phân chia tài nguyên biển thế giới. Nhưng ở Biển Đông việc săn lùng dầu đang còn tiếp tục là một nguồn bất ổn lâu dài … như chúng ta sẽ thấy kế tiếp.

B.H.
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/37036

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét