“Ôi! Cái đất nước gì mà quái lạ, chó mèo còn quan trọng hơn người.” “Ôi! Cái đất nước gì bất ổn! Tuần nào cũng có biểu tình, hôm thì nhóm này, mai lại tới nhóm khác xuống đường, chả yên bình tí tèo nào! Như vậy thì sao mà yên ổn làm ăn?”
Người Việt dưới chế độ cộng sản vẫn thường khó hiểu với những điều mắt thấy, tai nghe ở những đất nước tự do như vậy đó. Phần lớn người dân chúng ta quen với cảnh luồn cúi, vâng dạ với chính quyền, trong suy nghĩ mình chỉ là thân phận dân đen, rồi suốt ngày nhìn thấy trên bề mặt cảnh yên lặng mà không biết rằng nó có được là do sợ hãi, vô cảm, rồi lầm tưởng về mình và thế giới xung, nên thấy cảnh sinh hoạt của một xã hội tự do thì xem họ giống như một giống dân khó hiểu, nhiều người còn bảo là lạc hậu. Tôi ban đầu cũng thấy không quen với cảnh sinh hoạt của đất nước tự do, nhưng rồi ngồi ngoài quan sát, nghiền ngẫm thì mới phát giác ra rằng: giá trị của tự do mang đến cho con người thật tuyệt vời.
Chỉ có một xã hội có tự do, quyền con người được luật pháp tôn trọng và bảo vệ, thì quyền lợi của những con vật thú cưng mới được như vậy. Nói cho vui thì quyền lợi của mấy chú thú cưng chỉ là ăn theo quyền con người mà thôi. Không chỉ thể, khi xã hội có tự do người dân cũng trở nên nhạy bén và phản ứng tích cực hơn với các vấn đề xã hội, các vấn đề chính trị. Đặc biệt là tầng lớp trẻ, tôi thấy họ nhạy bén với các quyết định của chính phủ một cách tuyệt vời. Tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình của tầng lớp sinh viên về các quyết định của chính quyền như vấn đề kinh tế, hay ban hành những cải cách giáo dục có vẻ có lợi cho một nhóm người…
Nhìn người thì ngẫm tới mình! Khi bắt đầu có những nhận thức mới về tình hình xã hội, trong đầu tôi luôn có một trăn trở về sự tồn tại của ĐCS ở VN. Tại sao chế độ độc tài này có thể tồn tại khi mà thế giới ngoài kia đã và đang chối bỏ nó từ gốc tới ngọn? Tại sao người dân VN mình lại tuân phục chính quyền như vậy, trong khi phần lớn người dân trên thế giới được sống trong tự do, hiểu rõ quyền của mình, và hiểu rõ vị trí của chính quyền trong xã hội như thế nào? Cho đến hôm nay câu hỏi đó vẫn đeo bám, và thật khó để tìm một câu trả lời chính xác cho vấn đề trên. Tôi nghĩ nhiều người đã viết về nó, bàn về nó, ở đó tôi thấy họ vẽ lên chế độ này là một chế độ tàn ác, giỏi tuyên truyền mị dân. Có nhiều người bảo tại dân trí VN mình thấp, không hiểu về quyền lợi, và trách nhiệm của mình trong xã hội. Tôi nghĩ cả hai nguyên nhân trên đều đúng, nhưng nó chưa đủ đối với tôi, tôi chưa thấy thỏa mãn, vì thế tôi muốn góp một chút suy tư của mình, nhằm trả lời cho câu hỏi trên.
Trước khi bàn về sự tuân phục của dân VN với chế độ cộng sản, tôi muốn mời mọi người gọi đúng danh xưng cho chính quyền cộng sản, đúng như những gì nó đang thể hiện. Tôi không thích tính mập mờ, cái gì đúng với bản chất của nó, thì phải gọi đúng tên nó. Cái bàn mà gọi là cái ghế, con voi gọi là con chuột, con chim gọi là con thằn lằn thì không thể nào chấp nhận được. Mọi vật tồn tại đều có bản chất riêng của nó, vì thế hãy gọi đúng tên nó như nó là. Cũng không vì trong hiến pháp ghi rằng chính quyền này là chính quyền của dân, do dân, và vì dân, thì dù chính quyền muốn làm trời làm đất chi thì đó vẫn là chính quyền của nhân dân. Nếu con chuột khoác trên mình bộ lông con mèo, mà có thể gọi nó là mèo chứ không phải chuột thì đúng là nhầm lẫn tai hại, và ngớ ngẫn.
Vậy chính quyền cộng sản là chính quyền của dân, do dân, vì dân, hay là một chính quyền độc tài? Chưa hề có một chính quyền nhân dân nào, mà lại đi bắt bớ, khủng bố, bỏ tù những người khác quan điểm với mình? Không thể nào có một chính quyền nhân dân, mà lại cướp đi tự do, quyền con người của họ? Không thể nào có một chính quyền nhân dân, mà lại cai trị bằng nỗi sợ hãi, bằng bạo lực, bằng lừa dối? Và chưa bao giờ có một chính quyền nhân dân, lại bắt bớ những người chống ngoại xâm, và xem ngoại xâm là bạn, là hàng xóm? Cuối cùng là chính quyền này chưa bao giờ được nhân dân bầu lên, nó chỉ là chỉnh quyền chỉ định, đề cử từ Đảng Cộng Sản. Tất cả những gì đang thể hiện chỉ cho thấy bản chất của một chính quyền độc tài. Vì thế, tên của chính quyền độc tài sẽ được thay thể cho cụm từ chính quyền cộng sản trong bài viết này.
TẠI SAO DÂN CHÚNG VIỆT NAM LẠI TUÂN PHỤC CHÍNH QUYỀN ĐỘC TÀI?
Tôi nghĩ một chế độ độc tài có thể cầm quyền được khi và chỉ khi họ điều khiển được phần lớn người dân trong xã hội. Tôi không dùng từ kiểm soát, mà tôi dùng từ điều khiển, y như chúng ta điều khiển đồ chơi điện tử của mình. Tôi nghĩ chế độ này luôn chủ động trong các trò chơi chính trị với người dân, họ biết rõ dân chúng cần gì, ghét gì, lo gì, muốn gì bởi đơn giản họ ở trong đầu phần lớn người dân chúng ta. Nhưng làm thế nào chính quyền có thể điều khiển người dân?
Để có thể điều khiển dân chúng, thiết nghĩ họ cần điều khiển tư tưởng, hay nói chính xác là họ biến ý muốn của họ, quyền lợi của họ một cách nào đó chính là tư tưởng hợp lý trong chúng ta. Tư tưởng chúng ta sinh ra ý tưởng, ý tưởng tạo ra ý chí, ý chí thúc đẩy chúng ta hành động. Vậy tư tưởng đến từ đâu? Tư tưởng đến từ gia đình, nhà trường, xã hội, từ kinh nghiêm cuộc sống, từ tôn giáo. Tất cả những vật liệu trên tạo ra tư tưởng, nên chỉ cần chính quyền kiểm soát những thứ đó thì có thể tạo ra được một số lớn dân chúng theo ý muốn. Vậy thật sự thì chính quyền này cần những gì trong thành phần xã hội, để biến họ, quyền lợi của họ, sự tồn tại của họ thành tư tưởng hợp lý trong đầu người dân?
NẮM QUYỀN GIÁO DỤC!
Giáo dục chính là điều đầu tiền để chính quyền tạo ra những con người tuân phục họ. Bởi thế, ở VN không có những trường học do tư nhân thành lập từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông là như vậy. Đến cả đại học nếu có được thành lập cũng phải nằm dưới quyền kiểm soát của bộ giáo dục, và bị theo dõi rất chặt chẽ từ người của bộ này. Chúng ta thừa hiểu được tầm quan trọng của giáo dục trong tiến trình phát triển một con người, vì phần lớn những tư tưởng giáo điều được nuôi dưỡng, và lớn lên trong thời gian nay.
Nắm được giáo dục, cũng là nắm được 50% thành công để tạo ra những con người theo ý muốn của chính quyền. Không khó hiểu phần lớn những người VN trong giai đoạn cắp sách tới trường, lại thường rất sủng mộ Hồ Chí Minh, và tin tưởng vào ĐCS. Ở giai đoạn này, phần lớn học sinh VN bị nhồi vào đầu những điều vô lý nhưng lại được dạy là rất bình thường: Yêu tổ quốc, yêu đất nước là yêu đảng, nghe theo đảng. Chống đảng, dù có vì dân, vì đất nước, vì tổ quốc thì là phản bội tổ quốc, phản động, người xấu. Thế nhưng, đời sống một con người đâu thể mãi bó hẹp trong môi trường giáo dục, và cũng đâu chỉ tiếp nhận tư tưởng từ giáo dục nhà trường, ở ngoài kia cũng là một nơi để tư tưởng của họ được nảy sinh, phát triển. Vì thế, điều thứ hai cần làm để điều khiển tư tưởng, đó chính là kiểm soát báo chí, truyền thanh, truyền hình, và nay là cả Internet.
KIỂM SOÁT THÔNG TIN!
Thông tin được tiếp nhận qua các giác quan, và cả từ kinh nghiệm sống. Khi chúng ta được đón nhận những thông tin đúng sự thật, chúng ta sẽ có được những tư tưởng đúng đắn, và sẽ có hành động hợp lý, và chính đáng. Nhưng khi thông tin bị bóp méo, bị kiểm duyệt, thì cái mà chúng ta tiếp nhận lại là những viên gạch, những thanh sắt nhốt chúng ta trong một vùng ý thức nào đó. Bởi thế, để có thể điều khiển người dân, chính quyền độc tài cấm các tờ báo, các truyền hình, truyền thanh tư nhân. Và hầu hết, các cơ quan truyền thông đều bị kiểm soát của ban tuyên giáo, một cơ quan đại diện cho tiếng nói nhất quán của ĐCSVN, hay đúng hơn là quyền lợi của giới lãnh đạo.
Đương nhiên, việc kiểm soát thông tin trong thời đại Internet đúng là một việc làm không hề dễ như chưa có nó. Để có thể làm mất ảnh hưởng của những thông tin trái chiều trên mạng xã hội, chính quyền lại chơi trò tung hỏa mù. Tung thật nhiều tin có tính chất mờ hồ lên mạng, khiến người đọc nhiều khi khó phân biệt được đâu thật, đâu giả. Và đó là cách làm cho tâm trí chúng ta nghi ngờ những tư tưởng của mình, và đa số chọn cách chờ đợi sự thật rõ ràng, mới bắt đầu hành động. Điều kì là ở con người là tư tưởng nhiều khi tự nó phát triển, cho cả khi bị nhốt kín trong 1 vùng không gian và thời gian nào đó. Để ngăn chặn những tư tưởng tự do này, chính quyền độc tài cần nỗi sợ hãi.
CAI TRỊ BẰNG NỖI SỢ HÃI
Cai trị bằng nổi sợ hãi nói ra có vẻ trừu tượng, hiểu đơn giản là biến lực lượng công an, quân đội thành công cụ đàn áp người dân. Tư tưởng con người dù rất quan trọng để hình thành nên một nhân cách, nhưng hầu như nó luôn cúi phục các bản năng của mình. Một trong những bản năng đó, phải nói đến là bản năng sống. Trước khi chọn lựa một hành động gì, phần lớn chúng ta thường tự hỏi mình: cái này có lợi gì cho ta không? Nếu hành động điều này thì lợi ít hay hại ít? Nó làm tốn hại gì đến mình, gia đình mình không? Đó chính là sự trỗi dậy của bản năng sống khi chúng ta đứng trước những hành động mà mình chưa nắm bắt rõ vấn đề.
Không phải có những người bình thường họ rất yếu ớt, rất lười biếng, nhưng khi bản năng sống bị nguy hãi, hay ở trong những tình huống cận kề giữa sống và chết, chúng ta thấy họ thật mạnh mẽ, và phi thường đó sao. Đó chính là bản năng sống. Hiểu rõ được vấn đề đó, chính quyền này đã lan truyền nỗi sợ hãi trong dân chúng, cho thấy sự tàn ác của lực lượng an ninh, để bất kì kẻ nào muốn nổi loạn đều phải đắn đo suy nghĩ. Và hầu như, phần lớn chấp nhận im lặng để được yên thân.
Chống đối, dù chống đối hình thức nào đều bị đàn áp, khủng bố, trù dập. Những câu chuyện hàng ngày chúng ta đọc trên báo chí, trên mạng xã hội có thể nó tố cáo tội ác chính quyền, nhưng nó cũng giúp lan truyền nỗi sợ hãi đến dân chúng. Kiểm soát tư tưởng bằng nỗi sợ còn hưu hiệu hơn bằng văn học, thơ ca, âm nhạc, hay bất kì một hình thức tuyên truyền nào khác.
Bên cạnh độc quyền giáo dục, độc quyền thông tin, độc quyền sử dụng bạo lực để điều khiển tư tưởng người dân, chính quyền độc tài cần độc quyền sở hữu tài sản quốc gia, trong đó có đất, nước, xăng dầu, điện… Bởi đơn giản, khi những nhu cầu căn bản như ăn uống mà còn bị phụ thuộc vào chính quyền, thì dân chúng bắt buộc phải dẹp bỏ những tư tưởng chống đối. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là: từ khi chính quyền này mở cửa với thế giới bên ngoài, dẹp bỏ nền kinh tế tập trung, và chấp nhận nền kinh tế thị trường, dù còn rất méo mó vì phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì đã tạo ra một tầng lớp dân chúng có của ăn, của để.
Khi những nhu cầu căn bản không còn là vấn đề trong cuộc sống, bình thường chúng ta sẽ hướng đến những nhu cầu cao hơn. Để điều khiển đám dân chúng giàu có này, chính quyền lại lôi về những tư tưởng bên tây, bên tàu cho dân chúng đua đòi. Bọn họ lôi về những tư tưởng này, nhưng lại bóp méo chúng, biến chúng thành những tư tưởng có lợi cho sự tồn tại của họ. Không phải dân chúng VN ngày hôm nay, có một phần lớn người trẻ chỉ biết sống hướng thụ một cách điên rồ đó sao. Đua đòi cách sống của người Mỹ, người Nhật nhưng lại học trên bề mặt, áp dụng một cách khờ khạo đến ngu dại, mà chẳng hiểu rõ về chủ nghĩa thực dụng là gì? Hướng thụ là gì? Hay hiện sinh là gì?
Nhiều người thường đổ lổi cách sống hoang dại trên của một đại bộ phận dân chúng VN là của các nước tư bản, mà không hiểu đó lại là ý đồ của chính quyền, họ truyền tuyền tư tưởng này đến với đám người lắm tiền nhiều của qua phim ảnh, báo chí. Một mặt thì giả vờ lên án trên các diễn đàn, nhưng mặt khác thì khuyến khích họ sống như thế mới là thời đại, phong cách, cá tính…
Viết ra những dòng này không phải là đổ lổi hết tất cả mọi vấn nạn xã hội lên đầu chính quyền độc tài, một phần trách nhiệm cũng thuộc về chúng ta, những người luôn bị động trong cuộc chiến chống độc tài. Hãy hiểu rõ mình, và hiểu rõ kẻ thù đó vẫn luôn là phương châm của người viết, và hi vọng bài viết dù chỉ là một chút suy tư nhưng phần nào đó để các bạn có cái nhìn đúng về chế độ độc tài. Họ có thật sự ngu dốt, ngớ ngẩn, thần kinh như những gì chúng ta đang mạt sát họ từng ngày trên các trang mạng hay không? Hay đó lại chỉ là một trò chơi khác trong việc điều khiển các tư tưởng của chúng ta.
Đã đến lúc những người yêu tự do, yêu quyền con người, ủng hộ dân chủ phải thay đổi cách đối đầu với chính quyền độc tài. Đừng bị động để họ ra trò chơi, rồi để chúng ta tung hứng, mà hãy chủ động hơn trong vai trò phản biện của mình. Thiết nghĩ, chỉ có ở thể chủ động, chúng ta mới biết mình đang ở đâu trong cuộc chiến chống độc tài, và mới biết nên phát động phong trào, chiến dịch nào? Có tinh thần chống độc tài, yêu các giá trị tự do thôi chưa đủ, mà còn phải hiểu rõ về nó, và hiểu rõ về mình, thì mới hi vọng đến một ngày VN thật sự tự do, và con người VN mới sống đúng địa vị là một con người.
Chủ đề: Chính trị - xã hội
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150809/chuyen-to-tat-tai-sao-che-do-doc-tai-co-the-ton-tai-o-viet-nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét