Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 43
ĐÔNG ĐỨC: KỶ NIỆM 40 NĂM VÀ ĐẢO CHÍNH
CHUYẾN ĐI BẤT ĐẮC DĨ – CỤC DIỆN THẾ GIỚI VÀ 4-MEGABYTE – “GORBY, CỨU CHÚNG TÔI” – ÁN BINH BẤT ĐỘNG 380.000 QUÂN – BIỂU TÌNH CẢ NƯỚC – “CỘNG HÒA DÂN BIỂU TÌNH ĐỨC” – CHỈ THỊ SỐ 1/89: DÙNG VŨ KHÍ – NHẠC TRƯỞNG KURT MASUR – LEIPZIG: KHOẢNH KHẮC NGHẸT THỞ – HỘI NHÀ VĂN, ĐOÀN THANH NIÊN LÊN TIẾNG – ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH – NGÀY TÀN CỦA TỔNG BÍ THƯ
***
Đông Berlin. Thứ bảy, ngày 7 tháng 10, năm 1989
CHUYẾN ĐI BẤT ĐẮC DĨ
1.
NẾU CÓ ĐIỀU GÌ LÃNH TỤ LIÊN XÔ GORBACHEV không muốn làm nhất vào cuối tuần 7/10/1989 thì đó là việc đi Đông Berlin. Ông đã phàn nàn về chuyến đi này nhiều lần với cố vấn đối ngoại Anatoli Chernyaev, nhưng rõ ràng đây là việc không thể né tránh. Là lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô, ông không thể vắng mặt trong lễ kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Đông Đức.
Gorbachev vẫn nghĩ Đông Đức ra đời là cần thiết và quan trọng cho quyền lợi của Liên Xô, bây giờ cũng như trước đây, nhưng ông ghê sợ một Đông Đức biến dạng như hiện tại, và đặc biệt ông ghét lãnh tụ Đông Đức Honecker và nhóm tay chân bảo thủ kiểu Stalin vây quanh.
Gorbachev còn nghe rằng dù sức khỏe tồi tệ, Honecker vẫn nói về việc giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức thêm một nhiệm kỳ nữa, kể từ năm sau. Gorbachev nghĩ điều đó không được phép xảy ra, dù ông nhấn mạnh là Liên Xô sẽ không làm gì trực tiếp để loại bỏ Honecker. Khi đến Đông Berlin dịp này, Gorbachev quyết tâm sẽ cho Honecker và quần thần biết ông nghĩ gì về họ.[1]
2.
Đông Đức đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho đại lễ kỷ niệm. Đa số lãnh tụ hàng đầu của thế giới cộng sản sẽ có mặt. Với Honecker, đây là một sự kiện vô cùng trọng đại, một cơ hội đỉnh cao để khẳng định thành quả ông đạt được, một dịp để thế giới công nhận Cộng hòa Dân chủ Đức là một nước quan trọng.
Honecker chưa bao giờ được khen là khiêm tốn, lần này cũng vậy, ông kiên quyết yêu cầu không được để điều gì sai sót xảy ra trong đại lễ, và không được trình bày sơ sài vai trò của ông trong việc đưa Đông Đức đến thành công sáng ngời.
Trong vài ngày qua, mật vụ Stasi đã bắt một số người được cho là gây rối ở Berlin, tức những lãnh tụ đối lập mà nếu không bị khống chế sẽ có thể làm hỏng đại lễ bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình chống đối. Honecker được bảo đảm rằng sẽ không có bất cứ vấn đề bất ngờ nào xảy ra.
*
CỤC DIỆN THẾ GIỚI VÀ 4-MEGABYTE
3.
Gorbachev đến nơi vào đêm trước đại lễ và đã có những cuộc nói chuyện với Honecker. Nhưng, các cuộc chuyện trò diễn ra không êm đẹp, theo lời Joachim Hermann, người có mặt tại chỗ. Hermann kể: “Giống như hai người nói chuyện với nhau, nhưng họ lại nói về những điều hoàn toàn khác biệt, chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu”.
Vẫn theo Hermann, Honecker cay đắng vì Liên Xô đối xử với Đông Đức không ra gì, rồi “bỗng nhiên cắt đứt mối quan hệ … thân thiện bấy lâu nay và phụ rẫy chúng tôi bằng cái cách còn tệ hơn cách đối xử với kẻ thù hạng bét”.
Gorbachev cũng gặp các nhân vật lãnh đạo Đông Đức khác trong một buổi hội kiến mà cả phía Liên Xô lẫn phía Đông Đức đều cho là “ngượng ngùng đến nhức nhối”.
Trong buổi gặp gỡ, như thường làm gần đây, Gorbachev diễn thuyết một cách uyên bác về “tư duy mới”, về hình thái mới của một thế giới đã thay da đổi thịt, và về việc Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đây là một bài diễn thuyết tiêu biểu, cho thấy “bức tranh toàn cục” của Gorbachev. Và rồi, Gorbachev xoi mói nhìn Honecker khi nói: “Cuộc sống sẽ trừng phạt những ai chậm chân, lẹt đẹt phía sau”. Ý ông là gì, ai cũng hiểu.[2]
4.
Honecker đáp lời bằng hàng loạt những con số thống kê nghe rất kêu, cho thấy thành tựu độc đáo của Đông Đức với tư cách là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, và cách thức Đông Đức đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bằng chứng là “chúng tôi, không bao lâu nữa, với công nghiệp kỹ thuật cao và hiện đại của mình, sẽ sản xuất một bộ vi xử lý máy tính có dung lượng 4-megabyte.”
Các nhân vật khác trong ban lãnh đạo của Honecker nghe xong bỗng chết điếng người và bắt đầu xì xầm. Như Trưởng ban Kế hoạch Nhà nước Đông Đức Gerhard Schurer nhận xét: “Chúng tôi không thể tin được khi nghe ông nói thế … một bên là Gorbachev nói về số phận của thế giới, trong khi bên này Tổng Bí thư của chúng tôi lại nói về con chip vi tính”.
Những lãnh đạo khác thì gần như tuyệt vọng, chẳng hạn Schabowski, ông nói: “Chúng tôi nhìn như bọn khốn kiếp, và hành xử như bọn dốt nát. Đáng lẽ chúng tôi đã phải đập tay xuống bàn mà nói: “Erich, ông không được làm thế”. Nhưng đó chỉ là nghĩ cho vui thôi. Nếu làm thật chúng tôi sẽ bị khử ngay lập tức, và sự việc sẽ vỡ ra thành một vụ bê bối lùm xùm”.
Tuy vậy, một âm mưu loại trừ Honecker đã thành hình ngay ngày hôm ấy. Nhưng, mọi sự cũng đã quá trễ.[3]
*
“GORBY, CỨU CHÚNG TÔI”
5.
Một điểm nhấn của đại lễ 40 năm Quốc khánh là cuộc đốt đuốc tuần hành đi khắp Berlin. Xe tăng, vũ khí và các ban quân nhạc diễu hành qua trước các vị khách mời đứng trên khán đài danh dự, theo sau là hàng hàng lớp lớp các đoàn viên lực lưỡng của Đoàn Thanh niên Cộng sản, có tên tiếng Đức là Frei Deutsche Jugend (FDJ – Thanh niên Đức Tự do), mặc áo xanh dương, đeo khăn đỏ.
Họ được xem là những chàng trai cô gái, những người con ngoan bậc nhất của công chức cán bộ, được sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc của Đảng. Nhưng giờ đây, nhiều người lại hô to: “Gorby, cứu chúng tôi. Gorby, cứu chúng tôi.”
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan, Mieczyslaw Rakowski, lúc đó đứng bên cạnh Gorbachev trên khán đài, hỏi Gorbachev có hiểu câu khẩu hiệu có nghĩa gì không. Gorbachev nói ông không biết tiếng Đức nhưng có lẽ cũng hiểu được. Rakowski đáp: “Các bạn kêu gọi “Gorbachev, hãy cứu chúng tôi”. Và nên nhớ đó là thành phần tinh túy của Đảng. Đến mức này thì thôi, hết thật rồi”.
Honecker ban đầu hoàn toàn hoang mang, rồi bắt đầu hiểu điều gì đang diễn ra. Trước nỗi sỉ nhục công khai này, ông như bị tổn thương nhiều hơn là giận dữ.
6.
Khi rời Berlin, Gorbachev rõ ràng tỏ ra ủng hộ việc các quan chức Đảng viên hành động để loại bỏ Honecker. Đại sứ Liên Xô tại Đông Đức Kochemasov cho Gorbachev biết “các đồng chí đang lên kế hoạch” để loại trừ vị lãnh tụ già. Gorbachev bảo ông Đại sứ cứ quan sát và nghe ngóng, nhưng đừng trực tiếp tham gia. Theo lời kể của Đại sứ, Gorbachev đặt vấn đề: “Phải làm gì với Honecker đây? Honecker không chịu nghe bất cứ điều gì. Vì vậy, phải để ông ta thấy được mọi hậu quả liên quan. Nhưng việc này chúng ta không được nhúng tay vào. Họ phải tự làm lấy.”[4]
*
ÁN BINH BẤT ĐỘNG 380.000 QUÂN
7.
Vào thời điểm này, có 380.000 quân Liên Xô đóng trên lãnh thổ Đông Đức. Đây là lực lượng mà giới lãnh đạo Đông Đức tin cậy sẽ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa đến cùng, và sẽ bảo vệ giới lãnh đạo Đảng nếu họ thực sự gặp nguy hiểm do “bọn phản cách mạng” gây ra. Nhưng hiện giờ, Gorbachev muốn tuyệt đối chắc chắn rằng lính Liên Xô sẽ không bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào có thể có giữa chế độ Đông Đức và người dân của họ.
Cuối ngày hôm đó, Đại sứ Kochemasov gọi cho Tướng Boris Snetkov, chỉ huy lực lượng Liên Xô tại Đông Đức. Tướng Snetkov, 65 tuổi, giọng khàn, cựu binh Thế chiến II, sắp về hưu, là một vị tướng được lòng binh sĩ. Ông cũng không muốn phải động binh để dẹp những người biểu tình đang hô vang “Gorby, hãy cứu chúng tôi”. Snetkov vui mừng khi nghe đề nghị của vị Đại sứ.
Kochemasov nói: “Chúng ta phải nghĩ về cách phản ứng trước những biến động có thể xảy ra trên đường phố. Tình hình rất nghiêm trọng và tôi xin ông hãy lập tức ra lệnh cho mọi binh lính quay trở về doanh trại càng sớm càng tốt. Ông phải ngưng ngay mọi cuộc điều binh và ngưng mọi chuyến bay quân sự nếu có thể. Không được can thiệp bằng bất cứ cách nào đến những diễn biến trong nội bộ Đông Đức. Cứ để chúng xảy ra”.
Là một vị tướng chuyên nghiệp, Snetkow kiểm tra chéo với Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô và nhận được lệnh tương tự của cấp trên tại Moscow.[5]
***
BIỂU TÌNH CẢ NƯỚC
8.
Chỉ một tiếng sau khi Gorbachev rời Đông Đức đêm đó, các cuộc biểu tình đã đồng loạt diễn ra tại các thành phố và thị trấn trên cả nước. Chính quyền phản ứng mạnh bằng bạo lực hiếm thấy so với vài tuần trước. Tại quận Prenzlauer Berg, Đông Berlin, hàng ngàn người tụ tập và hô vang khẩu hiệu đã thành nổi tiếng hôm đó “Gorby, cứu chúng tôi”.
Khi họ diễu hành đến Hội đồng Quốc gia, một dinh thự nguy nga, họ bị một đoàn xe tải công an chặn lại. Vài giây sau, trùm mật vụ Erich Mielke, 81 tuổi, rời chiếc xe có kính chống đạn với vẻ rất nóng nảy. Được người chỉ huy phản gián nội địa, Tướng Gunter Katsch, hộ tống, Mielke lớn tiếng ra lệnh cho công an: “Đánh đi, đánh cho bọn lợn này nghe lời”.
Công an nhào vào đám đông, đánh đập và bắt đi nhiều người. Ở nơi khác tại Đông Berlin, công an và dân quân tấn công người biểu tình bằng chó và vòi rồng, phá vỡ cuộc diễu hành thắp đuốc bên ngoài Nhà thờ Gethsemane, nơi có chín thanh niên đã tuyệt thực qua đến ngày thứ tư.
Tổng cộng toàn Đông Berlin, có 1.067 người bị bắt đêm đó và ngày hôm sau. Nhiều người sau này kể lại họ đã phải qua một đêm rất dài bị những tay mật vụ Stasi tra khảo, hành hạ, đánh đập.
Khoảng 200 người biểu tình bị bắt tại trung tâm Dresden. Họ bị đưa về các doanh trại của công an chống bạo động và bị đánh đập không thương xót. Nữ sinh viên Catrin Ulbricht có mặt trong số bị bắt kể lại:
“Khi chúng tôi ra khỏi xe thùng, chúng tôi bị tách làm hai, đàn bà bên phải, đàn ông bên trái. Rồi tôi thấy một nhà dài như nhà để xe, đàn ông thanh niên bị đưa vào đó, bắt đứng dựa vào tường, dạng hai chân ra rồi bị đánh dã man. Phụ nữ chúng tôi bị đưa vào một nơi giống như nhà tắm tập thể, và ở đó cũng bị đánh dã man không kém.”[6]
*
“CỘNG HÒA DÂN BIỂU TÌNH ĐỨC”
9.
Cuộc đọ sức lớn nhất xảy ra vào đêm hôm sau, đêm 9/10/1989, ở Leipzig, trung tâm của biểu tình trong những tuần lễ vừa qua. Bất chấp bạo lực của công an và Stasi cuối tuần rồi, phe đối lập nhất quyết tiếp tục biểu tình thắp nến đêm thứ hai hàng tuần như thường lệ.
Như vẫn làm, họ dự tính sẽ bắt đầu cuộc diễu hành từ Nhà thờ Thánh Nikolai, và đi theo chiều kim đồng hồ trên đường vòng nội đô. Họ hy vọng đây sẽ là cuộc tụ tập lớn nhất tính đến nay, trong một chiến dịch chống đối đại quy mô.
Một trong những người sáng lập tổ chức “Dân chủ Ngay”, anh Ulrike Poppe, kể lại rằng: “Lúc đó, chúng tôi sợ chứ. Tôi không dũng cảm, nhưng tôi giận dữ và quyết chí … Nhiều người sợ rằng chính quyền sẽ mạnh tay như Trung Quốc mới đây, rằng họ sẽ dùng vũ khí. Điều đó có thể xảy ra. Cũng có lúc chúng tôi nghĩ quân Liên Xô có thể xuất hiện. Chúng tôi sợ một phần vì quân đội, công an, mật vụ được trang bị vũ khí đầy đủ và sẵn sàng đàn áp. Chúng tôi phải chấp nhận việc họ đáp trả bằng bạo lực”. Nhưng, số người tham gia tuần hành đã gia tăng nhanh chóng đến độ phe đối lập gọi đùa, đổi tên nước từ “Cộng hòa Dân chủ Đức” thành “Cộng hòa Dân Biểu tình Đức”.[7]
Nội bộ giới lãnh đạo chia rẽ. Honecker muốn dẹp biểu tình bằng biện pháp mạnh, nhưng ông lại không đưa ra một chỉ thị cụ thể nào vào thời điểm thích hợp cho quân đội hoặc mật vụ Stasi nổ súng vào quần chúng.
Rõ ràng là đến lúc này, quyền lực của Honecker đang tan biến nhanh. Một trong những trợ lý của ông nhận xét: “Ngay cả khi ông đưa ra được một chỉ thị, thì chỉ thị ấy cũng sẽ không được thi hành”.
Không chỉ ông, bà Margot, vợ ông, người vẫn thường nói “Chúng ta phải bảo vệ xã hội chủ nghĩa bằng mọi cách. Bằng lời nói, việc làm và, đúng vậy, bằng cả vũ khí nữa”, cũng chỉ có quyền lực giới hạn trên đất nước này.[8]
*
CHỈ THỊ SỐ 1/89: DÙNG VŨ KHÍ
10.
Trùm mật vụ Mielke thực ra đã ban hành một mật lệnh, cho phép quân của ông bắn bỏ “bọn gây rối”. Không tham khảo ý kiến bất cứ ai trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng, ông tự ý ban hành mật lệnh có tên “Chỉ thị Số 1/89” vào sáng chủ nhật 8/10/1989. Mật lệnh có đoạn như sau:
“Các cuộc tụ tập đông người trái phép của những lực lượng thù địch, chống đối và … phần tử gây rối nhằm phá hoại an ninh trật tự của nước ta đang ngày càng trầm trọng về bản chất và kéo theo những nguy hiểm nghiêm trọng hơn.
“Vì vậy, tôi ra lệnh thực hiện: 1. Tình trạng “báo động toàn phần” … đối với mọi đơn vị, cho đến khi có thông báo khác. Thành viên của lực lượng vũ trang chính quy phải luôn mang vũ khí bên mình những khi hữu sự … Các lực lượng dự bị cũng phải có đủ quân số và phải ở trong tình trạng sẵn sàng, có khả năng can thiệp nhanh … và phải dùng các biện pháp tấn công để trấn áp và phá vỡ những cuộc biểu tình trái phép.”[9]
Trong hai tuần vừa qua, quân đội Đông Đức được đặt trong tình trạng báo động cao độ, nhưng binh lính chưa được huy động để đối phó với bất cứ cuộc biểu tình nào.
Thông thường, lính mới nhập ngũ bị cắt đứt gần như toàn phần với thế giới bên ngoài. Klaus-Peter Renneberg, đại úy thuộc một trung đoàn bộ binh – cũng là chính ủy trung đoàn, anh có nhiệm vụ vừa chính trị vừa quân sự là làm cho binh lính các cấp nắm vững ý thức hệ chính thống và biết tuân lệnh – anh cho biết việc cắt đứt liên hệ giữa tân binh với bên ngoài “là một điều ngu xuẩn. Các sĩ quan cấp cao cứ cho rằng họ có thể bưng bít thông tin về thế giới bên ngoài đối với lính mình … Lính không được nghe đài phát thanh, không được nhận thư, và được khuyến cáo hạn chế dùng điện thoại để liên lạc với gia đình hoặc bạn bè. Chiếc ti-vi trong phòng ăn trung đoàn bị đem đi mất, đây là điều buồn cười vì ai nấy đều biết việc gì đang diễn ra trên đất nước này, trong khi truyền thông nhà nước chỉ nói là đã nổ ra một số vụ rắc rối với các phần tử phản cách mạng muốn phá hoại nhà nước”.
Binh lính được cấp cho gấp đôi cơ số đạn, tức 120 viên thay vì 60 viên đạn như bình thường, và được cấp thêm một bộ sơ cứu thương. Đêm đó, một trung đoàn lính dù thiện chiến đã được phái đến Leipzig với lệnh nắm giữ vị trí ngay bên ngoài trung tâm thành phố. Các bệnh viện được lệnh gửi trả tất cả các bệnh nhân thông thường về nhà, dành sẵn chỗ trống cho khi hữu sự, và được cấp thêm một lượng máu và huyết thanh dự trữ. Tờ báo Đảng tại địa phương Die Leipziger Volkszeitung chạy một bài xã luận tuyên bố: “Chúng ta sẽ chiến đấu chống lại những kẻ thù của đất nước, bằng vũ khí nếu cần thiết”.[10]
*
NHẠC TRƯỞNG KURT MASUR
11.
Khi tất cả mọi sự gần như đã đâu vào đấy cho một cuộc đụng độ bạo động ở Leipzig cuối ngày hôm ấy, thì một nhạc sĩ lại là người chỉ huy mang lại kết cuộc ôn hòa.
Nhạc trưởng Kurt Masur là một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất Đông Đức. Là Giám đốc Nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Leipzig Gewandhaus đình đám thế giới, ông là người được chế độ ưu đãi và dành cho nhiều giải thưởng.
Ông không là Đảng viên và luôn giữ một sự im lặng có chủ đích về mặt chính trị, trong khi trở thành một trong những người diễn tấu xuất sắc nhất dòng nhạc Đức thời kỳ Lãng mạn. Ông cũng để mặc bộ máy tuyên truyền nhắc đến ông như là một ngôi sao làm rạng danh Đông Đức.
Lúc này, 62 tuổi, với hàm râu trắng gọn đẹp tiêu biểu, ông bắt đầu lên tiếng những khi cần thiết. Vào mùa hè, khi một số nhạc sĩ đường phố bị bắt tại Leipzig, ông đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền.
Ông kinh hãi trước viễn cảnh một cuộc xung đột đẫm máu sẽ xảy ra tại Leipzig. Nếu xung đột xảy ra, có lẽ nó sẽ xảy ra ngay bên ngoài Nhà hát Gewandhaus có thiết kế tân cổ điển thú vị, nằm trên đường vành đai chính của thành phố.
Trong những đêm thứ hai trước đó, các đoàn người biểu tình thường diễu hành ngang qua nhà hát khoảng 7 giờ 45 tối, trùng với giờ ông đang chỉ huy dàn nhạc bên trong.
12.
Masur đã nói chuyện với những nhân vật quan trọng tại Leipzig để tìm cách tránh đổ máu. Ông gọi cho Mục sư Tin lành Peter Zimmermann và diễn viên Bernd Lutz Lange, cả hai đều tham gia một vài nhóm đối lập ôn hòa trong thành phố.
Các thủ lĩnh Đảng tại Leipzig cũng sốt sắng muốn tránh đổ máu không kém. Bí thư Đảng ủy Leipzig, ông Helmut Hackenburg, lúc đó đang bị bệnh, nhưng hai quan chức cao cấp khác là Wilhelm Pomment và Roland Wotzel đã đến gặp Masur và các nhà hoạt động đối lập, nội điều này thôi đã là một hành động có tính cách mạng. Chính sách của Đảng luôn là không chấp nhận đối thoại với phe đối lập, nên họ đã không báo với cơ quan đầu não của Đảng tại Berlin về cuộc gặp mặt này.
Họ cùng nhau thảo ra lời kêu gọi các bên ôn hòa và bình tĩnh, họ cùng ký tên và lời kêu gọi được phát đi phát lại trên đài phát thanh cứ mỗi 30 phút, bắt đầu từ 3 giờ chiều, với giọng đọc của chỉ huy Kurt Masur:
“Tất cả chúng ta đều cần một cuộc thảo luận tự do về tương lai chủ nghĩa xã hội trên đất nước chúng ta. Vì vậy … hôm nay, chúng tôi cam kết dồn toàn bộ sức mạnh và thẩm quyền của mình để bảo đảm cuộc đối thoại này sẽ diễn ra, không chỉ ở Leipzig, mà còn với chính quyền trung ương. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hết sức thận trọng, để cuộc đối thoại hòa bình trở thành hiện thực”.
*
LEIPZIG: KHOẢNH KHẮC NGHẸT THỞ
13.
Không rõ lời kêu gọi có được lắng nghe không, vì quân đội vẫn chuẩn bị tiến vào trung tâm thành phố. Hans Illing là hạ sĩ quan thuộc một trung đoàn bộ binh đóng tại doanh trại quân đội chính ngoại ô Leipzig. Chiều hôm đó, lính trong doanh trại biết họ đã được lệnh dàn quân tại ga xe lửa Leipzig, nằm ngay trên lộ trình của đoàn biểu tình, và việc của Illing là lấy vũ khí trong kho phát cho lính. Anh kể lại:
“Tôi cấp cho họ gậy cao su cứng, lá chắn, mũ bảo hiểm, và cấp cho các sĩ quan súng ngắn, loại Makarov 9 ly, với đạn thật. Mỗi sĩ quan nhận được ít nhất hai băng đạn … Rồi một đại đội trưởng đến nơi ra lệnh giao cho họ súng AK lấy từ xe thùng vừa được chở tới … Cảnh tượng trong doanh trại thật thảm hại, các cậu lính trẻ nằm trên giường khóc vì các cậu biết vợ mình, bố mẹ mình sẽ ở trong đám người biểu tình kia. Lòng họ rối bời”. Bản thân Illing cũng biết mẹ và cha dượng của anh có thể ở trong đoàn diễu hành. Anh nói: “Tôi gọi điện cho bố mẹ bảo họ rằng đừng đi ra ngoài hôm đó … vì sẽ nguy hiểm lắm, người ta sẽ bắn đạn thật đấy”.[11]
Hơn 70.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Nhà thờ Thánh Nikolai vào khoảng 5 giờ chiều, và theo lời Aram Radomski, người tham gia biểu tình, “không khí lúc đó cực kỳ căng thẳng. Không ai trong chúng tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không ai biết người ta có bắn chúng tôi không. Chúng tôi chỉ biết là nếu chúng tôi không có mặt ở đó, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy chúng tôi bỏ cuộc, và đây là điều chúng tôi không thể nào làm được”.[12]
14.
Trong trụ sở Đảng tại Leipzig, các lãnh đạo vẫn chờ chỉ thị từ Berlin. Phó Bí thư Thành ủy Leipzig, ông Roland Wotzel, người đã gặp Masur và cùng ký lời kêu gọi trấn tĩnh trước đó, kể lại rằng:
“Chúng tôi gọi điện liên tục. Chúng tôi cho họ biết về lời kêu gọi trấn tĩnh của chúng tôi và cố gắng thuyết phục các lãnh đạo tối cao, nhưng họ không đưa ra câu trả lời lập tức. Chúng tôi bắt được liên lạc với cá nhân ông Egon Krenz. Ông bảo sẽ gọi lại sau. Và chúng tôi chờ đợi. Nhưng tình hình đã tới mức hết sức nghiêm trọng. Đoàn biểu tình đã tiến tới nhà ga xe lửa, nơi tập trung hầu hết lực lượng quân sự, nhưng vẫn chưa có chỉ thị nào từ trên. Cuối cùng thì Bí thư Thành ủy Leipzig, ông Helmut Hackenburg, đã ra lệnh rút toàn bộ binh lính, và để cho đoàn người biểu tình đi qua yên lành. Đúng là toát mồ hôi hột”.
Cùng lúc đó, Tướng Gerhard Stassenburg, chỉ huy trưởng công an Leipzig, ra lệnh cho lực lượng công an cứ để cho đoàn diễu hành đi qua và không cần can thiệp, chỉ bắn trong trường hợp cần tự vệ.[13]
Egon Krenz sau đó một mực cho rằng ông là người đã giải nguy hôm đó và việc cho biểu tình tiếp tục là quyết định của chính ông. Ông cho biết đã nói chuyện với Đại sứ Liên Xô Kochemasov và Đại sứ khuyên ông cứ để cho cuộc biểu tình tuần hành diễn ra. Nhưng Krenz đã không gọi điện thoại trả lời các lãnh đạo Đảng ở Leipzig lúc đó đang chờ, và ông chỉ gọi cho họ nửa giờ sau khi họ đã ra quyết định không can thiệp. Krenz hơi ngượng khi bắt đầu nói chuyện với Bí thư Thành ủy Hackenburg. Rồi ông nói Hackenburg đã đưa ra quyết định hoàn toàn chính xác và Đảng đồng ý với quyết định này.
Đây chính là một bước ngoặt quan trọng cho tình hình Đông Đức, khi người dân biết rằng chế độ không còn đủ ý chí hoặc sức mạnh để duy trì quyền lực nữa.
***
HỘI NHÀ VĂN, ĐOÀN THANH NIÊN LÊN TIẾNG
15.
Erich Honecker tại vị thêm được một tuần. Phe âm mưu lật đổ gần như đã mài dao chờ sẵn, nhưng chính người biểu tình ở Leipzig đã kết liễu số phận của Honecker.
18 năm qua, Honecker chưa hề bị chỉ trích công khai bao giờ. Còn lúc này, có cả một làn sóng phê phán đến từ mọi thành phần ngay trong nội bộ Đảng.
Hội Nhà văn, tuy là hội do nhà nước thành lập và hậu thuẫn, đã lên tiếng kêu gọi tiến hành “những thay đổi có tính cách mạng” và khẳng định rằng điều đáng sợ “không phải là cải cách, mà là nỗi sợ cải cách”. Chủ tịch Hội Nhà văn, Hermann Kant, một trong những người cộng sản Đông Đức có ảnh hưởng nhất, viết lá thư ngỏ kêu gọi giới lãnh đạo Đảng phải “tự kiểm”.
Tờ báo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Junge Welt, đã làm một việc tày trời là in lá thư ngỏ này trên báo. Kant kêu gọi Honecker đối thoại với phe đối lập và “dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, cho dù chúng ta không thích những cá nhân tham gia, hoặc, trong tư cách là người cộng sản, chúng ta khó chịu với một số ý tưởng của họ”. Hai Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Dresden và Leipzig cũng lên tiếng kêu gọi đối thoại.
Thế nhưng, Honecker vẫn không lay chuyển. Ông nói: “Chỉ cần nhượng bộ một ly là mọi sự sẽ sụp đổ”.
*
ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH
16.
Vì sao mất quá lâu trước khi các đồng chí của Honecker quay lưng lại với ông?
Thực ra, đã có một số bước được tiến hành để loại bỏ ông vào tháng 2/1989, nhưng âm mưu đổ bể. Trưởng ban Kế hoạch Gerhard Schurer, một trong những lãnh tụ quyền lực nhất chế độ, đã thảo luận việc loại trừ Honecker với Egon Krenz. Lúc đó Krenz dường như là người kế vị Honecker duy nhất có thể được đa số các lãnh tụ lão thành chấp thuận.
Schurer nói với Krenz rằng: “Tôi có một đề nghị cho anh. Tôi già rồi và dù sao cũng sắp về hưu, chẳng bao lâu nữa là đi thôi. Tôi sẽ yêu cầu … loại bỏ Honecker. Dĩ nhiên, anh không thể can thiệp hoặc nói “Tôi muốn làm Tổng Bí thư” được. Nhưng tôi có thể đề bạt anh. Tôi sẵn sàng làm việc này vì nếu không Đông Đức sẽ tiêu tùng”. Hai ông bàn với nhau suốt ba tiếng đồng hồ tại khu nghỉ dưỡng đồng quê của Schurer ở Thuringia, Dierhagen.
Nhưng cuối cùng Krenz nói ông chưa sẵn sàng để lật đổ “người cha đỡ đầu của tôi và người thầy chính trị của tôi. Tôi không làm được. Phải có một giải pháp sinh học nào đó cho vấn đề này”.[14]
17.
Krenz có thể đã đi được một bước ngoạn mục trong thời gian Honecker bệnh nặng, nhưng ông lưỡng lự. Ông quyết định chờ đến khi đại lễ 40 năm Quốc khánh xong xuôi, vì Honecker xem đó là dịp “vô cùng quan trọng” với sự nghiệp chính trị của mình. Krenz chờ không phải vì tốt bụng, nhạy cảm và quan tâm đến Honecker. Krenz là người tham vọng, ông lưỡng lự vì chưa chắc chắn về thực lực của mình. Nhưng đến lúc này, ông hiểu rằng không thể trì hoãn nữa, không thể ngồi chờ “giải pháp sinh học” sẽ đến bằng cái chết của Honecker, vì chờ Honecker chết có thể mất nhiều năm. Ông phải hành động ngay bây giờ. Và cũng vì “bây giờ” tình hình quá căng thẳng, như Schabowski kể lại: “Có quá nhiều thứ có thể xảy ra vì tai nạn. Chẳng hạn trong một cuộc biểu tình ai đó ném một hòn đá trúng một anh lính, thế là một anh lính khác hốt hoảng, hoặc máu hiếu chiến nổi lên, bắt đầu bắn nhau. Nếu điều đó xảy ra tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều nguy, vì họ sẽ xử ngay các Đảng viên chúng tôi và treo cổ trên cây cho chết”.[15]
18.
Những người tham gia âm mưu đảo chính khác gồm có Siegfried Lorenz, Bí thư Thành ủy tại Karl Marx Stadt; một nhân vật bất ngờ ủng hộ đảo chính là trùm mật vụ Stasi, Erich Mielke, đây là nước cờ để ông bảo vệ vị thế của mình. Một nhân vật nữa là Harry Tisch, người đứng đầu các nghiệp đoàn Đông Đức và có quyền lực lớn, Tisch đứng sau lưng hỗ trợ cuộc đảo chính. Thủ tướng Willi Stoph cũng thế.
Tisch đến Moscow và mật báo cho tùy tùng của Gorbachev rằng nước cờ kia là không tránh khỏi. Phản ứng tức thời của Gorbachev rất khác thường đối với một lãnh tụ Liên Xô: Ông báo cho Shevardnadze biết tin, nhưng không báo cho lãnh tụ cộng sản nào khác tại Moscow. Ông cũng không tham khảo bất cứ nhân vật hàng đầu nào trong “khối thịnh vượng chung xã hội chủ nghĩa”. Theo lời người cố vấn chính cho Gorbachev về nước Đức, ý nghĩ đầu tiên của Gorbachev khi nghe tin là bàn việc này với Thủ tướng Tây Đức Kohl và Tổng thống Mỹ Bush.[16]
*
NGÀY TÀN CỦA TỔNG BÍ THƯ
19.
Đêm thứ hai 16/10/1989, Honecker và hầu hết các nhân vật cộng sản cao cấp nhất gặp nhau trong phòng họp ở trụ sở Đảng và xem truyền hình Tây Đức trực tiếp tường trình biểu tình tại Leipzig.
Tại Leipzig lúc này, một đám đông khổng lồ lên đến 120.000 người, không còn sợ chính quyền sẽ dùng vũ lực đàn áp nữa, đã xuống đường biểu tình. Đây là một trong hàng chục cuộc biểu tình diễn ra ở cách thành phố và đô thị trên toàn Đông Đức đêm hôm đó. Họ hô to các khẩu hiệu “Gorby, Gorby”, “Wir sind das Volk” (Chúng tôi là Dân), và một khẩu hiện lần đầu tiên Honecker nghe thấy: “Đập tan bức tường”.
Honecker lập đi lập lại: “Đến lúc này rồi, phải làm gì đó”. Tham mưu Trưởng quân đội, Tướng Fritz Streletz, từ chối thẳng thừng việc mang lính của ông ra đàn áp người biểu tình ôn hòa. Tướng Streletz nói: “Chúng tôi không làm gì được. Chúng tôi sẽ để cho mọi việc diễn ra theo cách thức ôn hòa của nó”.[17]
20.
Ban lãnh đạo Đông Đức hẹn gặp nhau tại trụ sở Đảng vào buổi sáng hôm sau, thứ ba 17/10/1989. Lúc bình minh, trùm mật vụ Mielke gọi điện cho sĩ quan mật vụ chịu trách nhiệm an ninh tòa nhà, ra lệnh cho anh phải bảo đảm bố trí chung quanh phòng họp chính những nhân viên hoàn toàn đáng tin cậy. Mielke không muốn Honecker triệu tập vệ binh riêng đến nơi trong lúc âm mưu “ám sát chính trị” nhắm vào Honecker đang diễn ra.
Phe đảo chính lên kế hoạch cẩn thận đến từng chi tiết. Vào lúc 10 giờ sáng, khi mọi người ổn định để bắt đầu họp, Thủ tướng Stoph khai pháo. Ông nói: “Thưa đồng chí Tổng Bí thư Erich, tôi đề nghị một nội dung mới được đưa thêm vào đầu chương trình nghị sự. Đó là việc miễn nhiệm, cho ông Erich Honecker rời khỏi trách nhiệm Tổng Bí thư, và bầu chọn Egon Krenz lên thay thế”.
21.
Honecker không thể ngờ sự việc diễn ra như thế. Ông nghĩ mình vẫn còn thời gian để tiếp tục. Nhưng ông không để mặt mình biến sắc. Làm như không có việc gì xảy ra, ông đơn giản phớt lờ đề nghị của Thủ tướng Stoph và nói: “Cứ bắt đầu với chương trình nghị sự có sẵn”.
Một số người lên tiếng phản đối. Honecker hắng giọng, nói: “Thôi được, hãy nghe xem mọi người nói gì”. Đầu tiên, ông mời các lãnh đạo lão thành, những người ông tin là sẽ ủng hộ ông. Nhưng từng người một, tất cả họ đều chống lại ông. Họ đã ngoan ngoãn tuân lệnh ông bao nhiêu năm nay, nhưng giờ phút này, không có một tiếng nói nào cất lên bênh vực ông.
Kết quả biểu quyết cho thấy tất cả mọi người đều chống lại ông. Và theo một nghi thức lâu năm của các Đảng Cộng sản, ông phải làm bổn phận cuối cùng là thể hiện sự nhất trí với mọi người là đưa tay lên biểu quyết chống lại chính bản thân ông.
Bộ trưởng Công nhiệp Mittag và Bộ trưởng Tuyên truyền Hermann cũng bị loại trừ cùng lúc, và Krenz được tất cả nhất trí chọn làm Tổng Bí thư.
22.
Không nói một lời, Honecker rời phòng họp và trở về phòng làm việc của mình để gọi hai cuộc điện thoại.
Cuộc thứ nhất ông gọi cho Đại sứ Liên Xô tại Đông Đức: “Xin chào, tôi, đồng chí Honecker đây. Tôi muốn nói thẳng với ông luôn … rằng mọi người đã quyết định cho tôi rời khỏi nhiệm vụ. Quyết định là nhất trí tuyệt đối”.
Vài phút sau, ông gọi cho vợ mình: “Bà ạ, việc đó đã xảy ra rồi”. Ông thu gom một số đồ dùng cá nhân và yêu cầu tài xế chở ông về căn biệt thự tại Wandlitz. Từ đó, Honecker không bao giờ trở lại trụ sở Đảng lần nào nữa.[18]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
PT
[1] Nhật ký Chernayev trong hồ sơ lưu trữ tại GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow), tháng 10/1989
[2] Phỏng vấn Hermann, Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 6; Schabowski trong Fall of the Wall series, LHCMA, box 6
[3] Schabowski nói chuyện với tác giả
[4] Nhật ký Chernayev, GF, tháng 10/1989
[5] Phỏng vấn trong Fall of the Wall series, LHCMA, box 5
[6] Báo Observer, London, ngày 22/10/1989
[7] Cold War series, LHCMA, box 6
[8] Như trích trong Anne Mc Elvoy, The Saddled Cow (Faber & Faber, London, 1992), tr. 168
[9] Lệnh số MfS, ZAIG, Nr 451/89 như trích trong “Ich Liebe euch doch alle …” Befehle und Lagerberrichte des Mfs, tr. 372-5
[10] Nhân vật nói chuyện với tác giả, Berlin, tháng 10/2007
[11] Fall of the Wall series, LHCMA, box 7
[12] Nhân vật nói chuyện với tác giả, Berlin, tháng 10/2007
[13] Fall of the Wall series, LHCMA, box 9
[14] Charles Maier, Dissolution: The Crisis of Communism and the End of East Germany (Princeton University Press, 1997), tr. 157
[15] Gunter Schabowski, Das Politburo (Rowohlt, Reinbeck, 1990), tr. 79-96
[16] Nhật ký Chernayev, GF, tháng 10/1989
[17] Nobert Potzl, Erich Honecker, Eine Deutsche Biographie (Deutsche VerlagsAnstalt, Stuttgart, 2002), tr. 323-6
[18] Về cuộc đảo chính Honecker, xem Nobert Potzl, sđd; Gunter Schabowski, sđd; và Egon Krenz, Herbst ’89 (Neues Leben, Berlin, 1999)
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/36935
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét