Trong nhà máy sản xuất bóng đèn Tokyo Shibaura Electric Co ngày 25-1-1951 (AP)
Những ngày này, báo chí nói nhiều về sự kiện Hiroshima và Nagasaki nhưng gần như không tờ báo nào, kể cả Mỹ, đề cập đến sự phục hưng ngoạn mục của Nhật sau Thế chiến thứ hai. Sau 1945, Nhật tiêu điều tan nát với hơn 3 triệu người chết, khoảng 40% nhà máy và hạ tầng công nghiệp bị phá hủy; sản lượng công nghiệp rơi xuống mức bằng 15 năm trước. Năm 1950, thu nhập bình quân đầu người Nhật bằng Ethiopia và Somalia và kém hơn Ấn Độ 40%. Khắp nước Nhật vẫn còn nạn đói. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles từng nói, Nhật không thể kỳ vọng trở thành nhà xuất khẩu cho thị trường Mỹ vì “họ không làm được những thứ chúng ta cần”. Năm 1951, GNP Nhật là 14,2 tỉ USD, bằng ½ Tây Đức, ít hơn Anh ba lần, và chỉ bằng 4,2% Mỹ.
Tuy nhiên, một thập niên sau, sản lượng kinh tế đã bắt đầu ngang bằng giai đoạn trước chiến tranh. Từ 1953-1965, GDP tăng hơn 9%/năm; sản xuất và khai thác khoáng sản tăng 13%; xây dựng 11%; hạ tầng 12%... Không đầy 20 năm sau chiến tranh, Nhật đã khiến thế giới kinh ngạc khi xuất hiện với một diện mạo hiện đại lộng lẫy qua việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 1964. Đó cũng là năm ra đời tàu điện cao tốc shinkansen. Đến 1965, khu vực công nghiệp sản xuất đã sử dụng hơn 41% nhân lực (chỉ 26% cho nông nghiệp). Năm 1970, Nhật đã qua mặt tất cả nền kinh tế châu Âu, chiếm hơn 20% GNP Mỹ. Năm 1975, 30 năm sau chiến tranh, kinh tế Nhật đã hơn gấp đôi Anh. Và đến 1980, kinh tế Nhật đã trị giá 1.040 tỉ USD. Cụ thể, GNP Tây Đức tăng gấp 28,5 lần từ 1951-1980; Pháp 18,7 lần trong cùng thời gian; Anh 12,7 lần; Mỹ 8 lần; trong khi Nhật 73 lần!
Điều gì giúp Nhật làm nên kỳ tích không tưởng? Tinh thần tôn trọng duy tân và mở cửa là những yếu tố chính giúp Nhật lập được một nền tảng vững như bàn thạch cho phát triển kinh tế. Từ thời Minh Trị (1868-1912), người Nhật đã đón nhận những tư tưởng khoáng đạt từ phương Tây khi khuyến khích thế hệ trẻ tiếp thu cái hay trong kiến thức khoa học phương Tây. Giai đoạn này, hàng ngàn sinh viên Nhật đã được gửi sang Mỹ và châu Âu; trong khi Nhật thuê hơn 3.000 người phương Tây đến nước họ để dạy khoa học hiện đại, toán, kỹ thuật và ngôn ngữ.
Sau năm 1945, tinh thần duy tân Minh Trị, thật ra được thai nghén từ thời tướng quân Tokugawa (1600–1868), bắt đầu tái hiện, bằng chính sách giáo dục với mục tiêu tối thượng là hiện đại hóa đất nước. Ý chí kỷ luật cùng chính sách đề cao giáo dục đã trở thành hai trong số yếu tố bản lề mang lại sự thịnh vượng cho Nhật sau Thế chiến thứ hai. Công nghiệp Nhật bùng nổ, một phần, còn nhờ “triết lý” riêng cho hệ thống doanh nghiệp: Kaizen (“Cải thiện”), tức phải đổi mới và cải tiến liên tục. Cuối cùng, sự ổn định chính trị với hệ thống chính trị dân chủ cũng là yếu tố quan trọng giúp Nhật xây dựng được kỳ tích đáng nể nhất lịch sử châu Á hiện đại. Dù ý chí người dân có bằng thép đi nữa thì cũng chẳng giúp được gì cho công cuộc khôi phục và xây dựng, nếu nguồn vốn tái thiết quốc gia bị cắt xén do tham nhũng. Không thể nào và không bao giờ có thể kiến thiết được quốc gia, một cách bền vững, nếu hệ thống chính trị vừa phi dân chủ lại vừa tham nhũng nặng nề.
...
Tokyo chụp từ trên không trung ngày 5-8-1955 (AP)
Sinh viên được sử dụng làm “công nhân đẩy” để nhét hành khách lên tàu hỏa tại Tokyo (Library of Congress)
Cô Tomiko Kawabata với chiếc tivi 8 inch mà Sony bắt đầu sản xuất hàng loạt vào ngày 5-1-1960 (AP)
Nguồn:
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150809/manh-kim-tinh-than-nhat-ban
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét