Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Ba lời kết từ Đại tá Tân Tử Lăng

Hoàng Đình Trí - Ba lời kết của Đại tá Trung Quốc Tân Tử Lăng

  • Bởi Admin
    799 lượt đọc
    07/08/2015
    0 phản hồi
         
    Hoàng Đình Trí
    Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia XHCN láng giềng, có mối quan hệ đặc biệt tựa như môi và răng và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “hễ môi hở thì răng lạnh“, còn theo thơ Tố Hữu thì “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao“. Mọi thời tiết chính trị ở nước bạn đều tác động đến nước ta. Vì vậy xin giới thiệu tóm tắt 3 lời kết của Đại tá TQ Tân Tử Lăng trong cuốn sách của ông, tên là “Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội“, để bạn đọc hiểu phần nào tình hình chính trị ở Trung Quốc, kể từ khi thành lập nước CHNDTH năm 1949 đến khi Lãnh tụ Mao Trạch Đông chết năm 1976 và xu hướng chính trị ở TQ từ hồi đó đến nay, thông cảm với người dân Trung Quốc và lường trước những điều hay hoặc dở có thể ảnh hưởng đến chúng ta.
    Tân Tử Lăng nhập ngũ năm 1950, nghỉ hưu năm 1994 với quân hàm Đại tá. Trước khi nghỉ hưu, ông là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện quân sự cấp cao, Đại học quân chính, Đại học quốc phòng Trung Quốc.
    Cuốn sách nói trên gồm lời giới thiệu của Việt Nam thông tấn xã, lời nói đầu của tác giả, 39 chương và 3 lời kết; đã được VNTTX dịch và in sang tiếng Việt, đang có trên Thư viện điện tử Việt Nam thư quán. Bạn đọc có thể tìm sách theo mẫu tự M9.
    Bối cảnh ra đời của cuốn sách là bên cạnh những thành tựu của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc là những tệ nạn xã hội (khá giống Việt Nam) , trong đó nổi bật là nạn tham nhũng bất khả diệt trừ; hình thành những tập đoàn lợi ích được thể chế, chính sách, luật pháp bảo hộ; sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, làm cho dân chúng Trung Hoa bất mãn. Phái cực tả trong ĐCSTQ đang lợi dụng và kích động tâm lý bất mãn của dân chúng, đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông với lý lẽ rằng “hiện nay chỉ có tư tưởng Mao Trạch Đông mới đem lại lối thoát cho Trung Quốc“, rằng “Đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch đông phát động không sai“ và đả kích cuộc cải cách mở cửa ở TQ là phục hồi chủ nghĩa tư bản, phản bội chủ nghĩa xã hội do Mao đem lại, nhằm phát động một cuộc Đại cách mạng văn hóa lần thứ 2.
    Đã có những cuộc mít tinh tại 18 thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… với các khẩu hiệu thời kỳ Đại cách mạng văn hóa.
    Tân Tử Lăng cho rằng đây là ẩn họa lớn của Trung Quốc. Đã đến lúc phải khách quan đánh giá công lao và sai lầm của Mao, đánh giá Chủ nghĩa xã hội dựa vào bạo lực của Mao, đánh giá quá trình từ Chủ nghĩa xã hội không tưởng đến Chủ nghĩa xã hội phong kiến của Mao, đánh giá cuộc Đại cách mạng văn hóa do Mao đã phát động, đồng thời giải thích rõ CNXH mang màu sắc của Trung Quốc là gì, lối thoát của Trung Quốc hiện nay là gì.
    Theo Tân Tử Lăng, năm 1994, Ban tuyên truyền của ĐCSTQ, Viện Khoa học xã hội TQ, Ủy ban giáo dục quốc gia TQ đã kết hợp, thăm dò dư luận xã hội và đã công bố kết quả đánh giá chung là Mao Trạch Đông có 3 phần công lao và 7 phần sai lầm. Sau khi thành lập nước CHNDTH, Mao Trạch Đông
    đã thành lập ở TQ thể chế chính trị 1 đảng. ĐCSTQ đặt trên Quốc hội và Lãnh tụ Mao đứng trên đảng. Mao đã cai trị đất nước TQ theo tư tưởng Karl Marx kết hợp chuyên chế bạo lực của vua Tần Thủy Hoàng, đưa TQ đi theo Chủ nghĩa xã hội phong kiến là thứ phản động và lạc hậu hơn Chủ nghĩa xã hội không tưởng, vì nó nấp sau chiêu bài CNXH để thực hiện nền độc tài chuyên chế và thể chế gia đình trị, cha truyền con nối của phong kiến (vào cuối đời, Mao tìm mọi cách truyền ngôi chủ tịch đảng cho vợ là Giang Thanh, rồi cháu là Mao Viễn Tân) .
    Phong trào Đại tiến vọt và cuộc Đại cách mạng văn hóa do Mao phát động là sự phát triển ác tính của CNXH phong kiến của Mao. Chỉ 3 năm Đại tiến vọt, số người chết đói là 37, 55 triệu người. Đã xảy ra nạn ăn thịt người ở nhiều nơi. Thiệt hại kinh tế là 120 tỉ Nhân dân tệ. 10 năm Đại cách mạng văn hóa có 10 triệu người bị đấu tố, 2 triệu người chết, thiệt hại 800 tỉ NDT. Như vậy trong 27 năm, từ khi thành lập nước CHNDTH 1949 đến khi Mao chết 1976, không có nội chiến, không có thiên tai lớn, số người TQ chết bất bình thường là 57, 55 triệu người. Kể cả thiệt hại giảm sút thu nhập quốc dân ở thời kỳ này 500 tỉ NDT thì tổng thiệt hại là 1. 420 tỉ NDT, gấp 2 lần tổng vốn đầu tư XDCB của nhà nước TQ trong thời gian đó. Dự trữ ngoại tệ chỉ còn 38. 000 USD. Nền kinh tế TQ sau Đại cách mạng văn hóa thật sự mấp mé bờ vực sụp đổ. CNXH phong kiến đã đưa dân chúng TQ xuống địa ngục trần gian, cảnh báo cho những ai còn muốn đi tìm thế giới đại đồng trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản của Marx và Engels thì sửng sốt mà dừng lại.
    Ở phần cuối của cuốn sách, Tân Tử Lăng đã đưa ra 3 lời kết:
    - Một là: Giai cấp tư sản là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến chứ không phải là giai cấp công nhân.
    - Hai là: Lối thoát cho Trung Quốc là con đường thứ ba, thực hiện chủ nghĩa xã hội dân chủ, đổi tên đảng là Đảng xã hội dân chủ.
    - Ba là: Cải cách mở cửa ở TQ là phủ định chủ nghĩa xã hội phong kiến của Mao, phủ định đường lối cai trị cực tả dựa vào bạo lực của Mao.
    Trong lời kết thứ nhất, Tân Tử Lăng viết:
    Đại hội lần thứ 16 năm 2002 của ĐCSTQ xác định đảng phải đại diện cho sự phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến và lực lượng sản xuất tiên tiến ở TQ trong giai đoạn hiện nay là kinh tế tư nhân.
    Lực lượng sản xuất và lực lượng sản xuất tiên tiến là 2 khái niệm khác nhau. Công nhân đại diện cho lực lương sản xuất nhưng không đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Lịch sử phát triển lực lượng sản xuất đã chứng minh rằng do bản năng, công nhân phản đối việc đưa máy móc vào lĩnh vực sản xuất mà máy móc là kết tinh của những thành tựu khoa học kỹ thuật của loài người. Điều đó có nghĩa là công nhân phản đối sự phát triển lực lượng sản xuất, phản đối việc làm tăng thêm của cải xã hội, cũng tức là phản đối tiến bộ xã hội. Engels cũng phản đối việc đưa máy móc vào lĩnh vực sản xuất. Trong tập 1 Tư bản luận, chính Marx cũng coi máy móc là lực lượng thù đich của giai cấp công nhân. Đó là mầm mống của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Marx và Engels, có hại cho sự phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến. Đó cũng là phần sai lầm trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Chính giai cấp tư sản mà những người cộng sản muốn đánh đổ, được thôi thúc bởi lợi nhuận siêu ngạch, là người nhiệt tình nhất, tích cực nhất, chấp nhận rủi ro để chuyển những thành quả nghiên cứu và phát triển thành lực lượng sản xuất. Họ là người thúc đẩy, tổ chức và lãnh đạo việc chuyển những thành tựu khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất, là người nắm vị trí chủ đạo trong các xí nghiệp hiện đại. Họ vừa đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, vừa đại diện cho quan hệ sản xuất tiên tiến, lại là người phổ cập kỹ thuật mới, thiết bị mới, vật liệu mới vào sản xuất. Như vậy lực lượng sản xuất tiên tiến nằm ngay trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vận dụng tốt lực lượng này thì có thể làm tăng thêm tổng lượng của cải xã hội, năng cao mức sống cho mọi thành viên trong xã hội.
    Khi khoa học kỹ thuật chuyển hóa thành thiết bị máy móc, dùng vào các việc khác nhau thì chúng trở thành một lực lượng sản xuất tiên tiến, tồn tại độc lập, tách khỏi công nhân, trở thành nguồn giá trị thặng dư độc lập. Ở thời kỳ đại công nghiệp, máy móc thiết bị là chủ thể của lao động, công nhân chỉ giữ vai trò phụ, là trợ thủ của máy móc thiết bị. Tự động hóa sản xuất và trí năng hóa sản xuất ngày càng mở rộng trong lĩnh vực sản xuất vật chất thì lý luận của Marx về nhà tư bản bóc lột công nhân dần dần bị thu hẹp phạm vi và sẽ hoàn toàn không còn tác dụng nữa. Theo Tân Tử Lăng, ở đây cần xét theo 2 phía. Nếu nhận thức theo quan điểm đạo đức thuần túy thì chế độ tư hữu dựa trên bóc lột là vô nhân đạo. Nhưng nhận thức từ góc độ duy vật lịch sử thì chế độ tư hữu và bóc lột đều là sản phẩm của lịch sử, đi theo bước chân phát triển của lịch sử. Chì khi lực lượng sản xuất phát triển cao thì hiện tượng bóc lột mới bị tiêu vong vì nó là hiện tượng lịch sử, tồn tại tương ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Con đường đúng để xóa bỏ nghèo đói là phải phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến mà lực lượng đó chỉ có thể phát triển đầy đủ bên trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
    Marx và Engels một mặt thì đúng lý khi viết Tuyên ngôn Đảng cộng sản, rằng: ”Giai cấp tư sản đã sáng tạo ra phương thức sản xuất tiên tiến nhất trong lịch sử loài người“ nhưng mặt khác hai ông lại sai lầm khi đề xướng cuộc cách mạng xã hội là một phong trào XHCN dựa vào bạo lực, dưới ngọn cờ giải phóng giai cấp công nhân, phá hủy lực lượng sản xuất tiên tiến đó, để rồi các tín đồ vĩ đại của hai ông từ Lenin đến Stalin, Mao Trạch Đông đều lầm đường lạc lối đi theo chủ nghĩa xã hội bạo lực ấy, thứ chủ nghĩa đã được truyền bá trên khắp thế giới từ hơn 100 năm nay mà vẫn chưa cải tạo được một ngóc ngách nào, cuối cùng đã biến mất khỏi vũ đài lịch sử cùng với sự tan rã của Liên bang Xô Viết, còn giai cấp tư sản đại diện cho chế độ tư hữu và lực lượng sản xuất tiên tiến, dù bị chửi rủa là yêu quái thì cuối cùng vẫn được loài người chấp nhận.
    Trong lời kết thứ hai, Tân Tử Lăng viết:
    Lênin và người kế tục ông là Stalin đã phát triển chủ nghĩa Blanqui (phái bạo lực trong quốc tế 1) , tạo ra 1 thể chế cực quyền, bóp nghẹt sức sống của toàn xã hội Liên Xô, đưa đến suy thoái toàn diện, từ kinh tế đến chính trị, khoa học kỹ thuật, cuối cùng ngọn đèn Cách mạng tháng mười đã vụt tắt. Quan điểm của Tuyên ngôn Đảng cộng sản cho rằng phải đập tan thế giới cũ, hoàn toàn đoạn tuyệt với mọi thứ truyền thống để xây dựng CNXH là một thứ lâu đài hoàn toàn mới trong lịch sử loài người, trên mảnh đất trống không là một quan điểm cực kỳ hoang đường. Sau khi đã cùng Marx công bố Tuyên ngôn của Đảng cộng sản vào năm 1848, đến năm 1893, Engels đã suy nghĩ lại và viết trong cuốn “ Đấu tranh giai cấp ở Pháp “ rằng: “ Lịch sử chứng tỏ chúng ta đã từng mắc sai lầm, quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là ảo tưởng “. Vì vậy, theo Tân Tử Lăng, lối thoát hiện nay của Trung Quốc, sau khi từ bỏ chủ nghĩa xã hội phong kiến của Mao là đi theo con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ mà Thụy Điển là một mô hình đang thành công. Tiếp thu chủ nghĩa xã hội dân chủ là tiếp thu tinh túy “ lấy con người làm gốc “ của chủ nghĩa đó. Trong khi thúc đẩy sự phát triển, đặt nhiệm vụ bảo vệ công bằng xã hội ở một vị trí xứng đáng. Đó là con đường thứ ba, để phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, con đường hòa giải mối mâu thuẫn giữa chế độ XHCN và chế độ tư bản chủ nghĩa, hòa giải mối mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, theo một quá trình tiến hóa hòa bình. Đổi tên đảng thành Đảng dân chủ xã hội, tham gia trào lưu quốc tế xã hội, xác lập vị trí lịch sử chính thống của cuộc cải cách mở cửa, tạo ra môi trường quốc tế tốt nhất cho Trung Quốc cất cánh.
    Trong lời kết thứ ba, Tân Tử Lăng viết:
    Cuộc cải cách mở cửa ở TQ phải phủ định CNXH phong kiến của Mao, phủ định đường lối cai trị cực tả dựa vào bạo lực của Mao. Có vạch rõ ranh giới như thế, cuộc cải cách mở cửa mới có địa vị lịch sử chính thống để mở ra con đường mới. Tuy nhiên, theo Tân Tử Lăng, thực chất chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội dân chủ với thực tiễn công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, trong khi thực hiện kinh tế thị trường, các khóa lãnh đạo của TQ đều ra sức duy trì vị trí chủ đạo của kinh tế quốc doanh, coi đó là trận địa cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, để đối phó với phái cực tả trong đảng rằng họ vẫn bảo vệ đường lối đi theo CNXH của Mao Trạch Đông. Vì vậy phải tiến hành một cuộc chuyển đổi ý thức hệ sâu sắc, công khai tuyên bố từ bỏ những giáo điều tả khuynh, từ Marx, Engels, Lenin, Stalin đến Mao Trạch Đông. Đó là những lý luận đã mấy chục năm nay dẫn Trung Quốc đi vào con đường sai lầm, nghèo nàn, rối loạn và chuyên chế mà đến nay vẫn còn cản trở cuộc cải cách mở cửa. Phải nắm vững tư tưởng “ Ba đại diện “, thu hẹp 3 sự chênh lệch lớn đang tồn tại trong xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa công nhân và nông dân, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, loại bỏ di chứng và ảnh hưởng của tệ sùng bái cá nhân, tạo dựng ý thức hệ hài hòa với trào lưu dân chủ thế giới, hình thành lý luận cầm quyền hoàn chỉnh, cầm quyền dân chủ, cầm quyền liêm khiết, đưa lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ vào điều lệ đảng và hiến pháp. Cũng theo Tân Tử Lăng, hầu hết những tệ nạn xã hội xuất hiện trong thời kỳ cải cách mở cửa làm dân chúng bất bình đều có nguyên nhân là thực hiện kinh tế thị trường không đồng bộ với dân chủ hóa chính trị. Do đó, nếu không cải cách thể chế chính trị, không thực hiện hiến chính dân chủ, sẽ không sớm thì muộn, nổ ra cuộc Đại cách mạng văn hóa lần thứ hai. Khi đó, với tính chất dã man, tàn khốc, không tưởng, nó sẽ phá tan tất cả những gì hiện có là những thành tựu do cuộc cải cách mở cửa đem lại.
    Tân Tử Lăng cho biết ông viết cuốn sách này ở tuổi 70. Ông đã trải qua hành trình của chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã từng là thần tượng của ông hồi trẻ. Từ ý nghĩa đó, ông phải gánh một phần trách nhiệm và xuất phát từ trách nhiệm ấy, ông thấy có bổn phận kể lại với thế hệ trẻ về lịch sử chân thực mà ông đã trải qua./.

  • https://www.danluan.org/tin-tuc/20150806/hoang-dinh-tri-ba-loi-ket-cua-dai-ta-trung-quoc-tan-tu-lang

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét