Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Lần đầu tiên quan chức Việt nam tiết lộ chuyện nghe lén

Lê Dung / SBTN

 “Ta trước đây chuyện này cũng nhiều, tôi được biết như thế. Nghe không sót ông nào. Cái nghe này rất nguy hiểm, mình nói dài dòng văn tự từ đầu đến cuối, nhưng họ trích cái đoạn nói khác ý của mình là chết, ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị. Tôi rất băn khoăn ở chỗ đó, nói thật với các đồng chí như thế” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ‘tâm tư’ trong buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội VN về dự án “Luật an toàn thông tin mạng” chiều 12/8/2015.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội CSVN Huỳnh Ngọc Sơn 
Ngay trước đó, ông Sơn đã nêu ra một thí dụ hết sức thời sự, đó là trường hợp một nhân viên của Mỹ là Snowden chạy sang Nga đã tung tin về chuyện nghe lén thông tin đối với lãnh đạo nhiều quốc gia.
Theo nhiều dư luận, cơ chế nghe lén qua điện thoại và xâm nhập thư điện tử đã phổ biến ở VN từ nhiều năm qua, nhưng hầu như tất cả vẫn trong vòng bí mật, được dựa vào một quy định rất mơ hồ là ‘biện pháp nghiệp vụ’ và ‘trường hợp đặc biệt’ của ngành công an. Giới hoạt động dân chủ và nhân quyền là nạn nhân rất thường xuyên của chuyện nghe lén. Nhiều nhà hoạt động dân chủ cho biết điện thoại của họ nằm trong tình trạng ‘muốn cắt lúc nào thì cắt’ trong lúc đàm thoại. Có những cuộc phỏng vấn của báo đài nước ngoài với họ đã phải gọi đi gọi lại hàng chục lần.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao cho tới lúc này, một quan chức có trách nhiệm của VN mới thổ lộ một chút bí mật về cơ chế nghe lén? Phải chăng đã đến lúc mà giới quan chức trung cao không còn cảm giác an toàn thông tin và buộc phải tìm cách che chắn? Hay sau sự kiện chấn động blog Chân dung quyền lực vào đầu năm 2015, không một máy điện thoại cá nhân của quan chức nào còn an ninh?
Luật tiếp cận thông tin là một lý cớ hợp lý và rất thời sự để những quan chức lo sợ bị nghe lén dựa vào và thúc đẩy để ‘bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân’. Có tin cho biết trong thời gian qua, một số quan chức cấp cao đã liên tục đổi máy điện thoại cầm tay và dùng máy đời mới nhất, an toàn nhất. Thậm chí có quan chức còn âm thầm từ bỏ thói quen dùng điện thoại di động.
Theo quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân ‘được pháp luật bảo vệ và tôn trọng’. Hành vi sử dụng thiết bị nghe lén, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông của tổ chức, cá nhân thuộc một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009. Người vi phạm tùy theo mục đích, tính chất và mức độ có thể bị xử trị hành chính hoặc hình sự.
Nhưng đó chỉ là luật, trong khi thực tế lại khác biệt rất xa. Không hiểu từ đây đến đại hội đảng 12 vào đầu năm 2016, Luật tiếp cận thông tin sẽ được ‘tiếp cận’ như thế nào, để trước tiên ngăn chặn tình trạng ‘nghe không sót ông nào’ đối với những quan chức chóp bu.
L.D.
http://www.boxitvn.net/bai/36696

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét