Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Lối mòn tư duy: sinh con rồi mới sinh cha

Tuần Việt Nam - Lối mòn tư duy 'sinh con rồi mới sinh cha'

  • Bởi CM
    1.083 lượt đọc
    06/08/2015
    3 phản hồi
         
    Lan Anh thực hiện
    LTS: Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu Kì 2 Tọa đàm 30 năm cải cách: Nhìn từ áp lực của thể chế với sự tham gia của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông.
    Nhà báo Lan Anh: Trong giai đoạn đầu của 30 năm qua, luồng gió Đổi mới đã tạo ra một sự chuyển đổi rất ngoạn mục cho Việt Nam, nhưng quãng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã bị chững lại, bị lúng túng là vì sao?
    Ông Vũ Ngọc Hoàng: Hơn một nửa thời gian đầu luồng gió đổi mới đã tạo ra động lực phát triển to lớn, nhưng đúng là sau đó, động lực này đã giảm dần, mất dần.
    Thực ra cũng là qui luật bình thường của cuộc sống. Không phải động lực nào cũng trường tồn mãi mãi. Có những thứ, có những cách chỉ phát huy tác dụng trong một giai đoạn thôi, và muốn duy trì phải tiếp tục đổi mới cho phù hợp thực tiễn, không thể dừng lại, không thể nửa vời được.
    Lênin có nói một ý hay là có những khuyết điểm hiện tại do sự kéo dài quá mức cần thiết của cái ưu điểm trước đó. Tăng trưởng theo chiều rộng ở giai đoạn trước là cần thiết, nay nếu cứ cách ấy thì càng rơi nhanh vào “bẫy” thu nhập trung bình thấp.
    Có thể nói lĩnh vực đổi mới nhiều nhất là kinh tế, nhưng đến giờ cũng mới đi nửa đường. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, để đổi mới kinh tế thành công, chúng ta cần phải đổi mới song hành, thậm chí có mặt còn phải vượt trước, về tư duy lý luận, về thể chế kinh tế, cả về chính trị nữa, nhất là cơ chế phát huy dân chủ, kiểm soát quyền lực, minh bạch thông tin.

    Ông Vũ Ngọc Hoàng: "Hiện tại, theo tôi nghĩ, Việt Nam có hai việc quan trọng bậc nhất là phải chống cho được tham nhũng, “lợi ích nhóm” và chống lối tư duy bảo thủ". Ảnh: Thu Hà
    Ví dụ, chỉ riêng chỗ khu vực doanh nghiệp nào tham gia vai trò chủ đạo, như thế nào là chủ đạo, phải ứng xử thế nào, thì chúng ta cũng đang nghĩ khác nhau và khác các nước. Và việc chồng chéo, chồng lấn khái niệm và chức năng giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, giữa kinh tế nhà nước và kinh tế doanh nghiệp nữa. Rõ ràng, chúng ta đang có lúng túng về lý luận, lý luận chưa đi trước để định hướng cho công việc, mà lạc hậu, đi sau, thậm chí có mặt còn gây trở ngại.
    Về mặt khoa học, khách quan, người ta thường làm rõ tất cả nội hàm, đặc điểm rồi mới khẳng định tên gọi. Nhưng ta thì vẫn không ít lối tư duy và cách làm cũ, đặt ra một cái tên trước, rồi ra sức chứng minh, ra sức lập luận đó là chuẩn. Làm ngược, thành ra lúng túng, chững lại, mất dần động lực.
    Ông Mai Liêm Trực: Những việc chưa làm được còn rất là nhiều. Trước hết là về thể chế kinh tế. Ngần ấy năm thụ hưởng thành công của nền kinh tế thị trường rồi mà chúng ta vẫn còn rất lừng khừng trong tư duy.
    Đánh giá về kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng các lợi thế về kinh tế ở ta đã kịch trần rồi. Trong 20 năm đầu đổi mới, chúng ta đã đạt tới 8 - 9% tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng 10 năm qua chỉ đạt 5-6%, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng phát triển của đất nước.
    Tại sao Trung Quốc trong suốt 30- 40 năm người ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn ta rất nhiều. Họ cũng có những khó khăn, có những mâu thuẫn nội tại, có những điểm yếu này, điểm yếu khác, nhưng rõ ràng, họ thành công hơn ta.
    Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chậm chạp trong Đổi mới. Ngay cả đổi mới cơ chế kinh tế là lĩnh vực đổi mới mạnh mẽ nhất trong 30 năm qua nhưng chúng ta cứ lừng khừng, thiếu quyết tâm bứt phá.
    Hãy nhìn vào tư duy và cách thức quản lý doanh nghiệp nhà nước của chúng ta mấy chục năm qua. Các Tổng công ty 90, Tổng công ty 91, Tập đoàn kinh tế các ngành như Điện lực (EVN), Bưu chính viễn thông (VNPT), Hàng hải (Vinashin, Vinalines), Dầu khí (Petrolimex) trực thuộc các Bộ quản lý ngành, rồi đưa lên trực thuộc Chính phủ, nay lại chuyển cho các Bộ quản lý.
    Rõ ràng chúng ta còn rất lúng túng trong tư duy và quyết tâm đổi mới, làm chậm quá trình phát triển.

    Ông Mai Liêm Trực: "Nếu tư duy theo kiểu bảo hoàng như vua chúa ngày xưa, luẩn quẩn, loanh quanh, chỉ lo giữ cho mình, chỉ lo lợi ích của một nhóm quần thần nho nhỏ thì làm sao có thể dám làm một cuộc đổi mới như hồi năm 1986". Ảnh: Thu Hà
    Nhà báo Lan Anh: Chúng ta từng có những người được xem là rất bảo thủ, nhưng họ lại là những hạt nhân đóng góp quan trọng để tạo ra cuộc đổi mới năm 1986.
    Ông Mai Liêm Trực: Đúng vậy, nhưng những người đó đã cho thấy rằng họ có một thái độ lắng nghe, một thái độ trách nhiệm với quốc gia, họ có cái tâm với đất nước, và tấm lòng lo cho dân.
    Thực tế cho thấy họ dám vượt qua chính mình, dám lăn vào thực tiễn. Họ là Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, họ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nếu họ cứ bảo thủ, trì trệ, không dám nhìn thẳng vào sự thật thì làm sao chúng ta có được cuộc đổi mới hồi năm 1986.
    Tôi cho rằng tư duy quản trị quốc gia muốn đi đến thành công phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Còn nếu tư duy theo kiểu bảo hoàng như vua chúa ngày xưa, luẩn quẩn, loanh quanh, chỉ lo giữ cho mình, chỉ lo lợi ích của một nhóm quần thần nho nhỏ thì làm sao có thể dám làm một cuộc đổi mới như hồi năm 1986.
    Nếu chỉ là vấn đề cơm ăn, áo mặc thì cơ bản chúng ta đã đạt rồi. Nhưng mà điều đó không có nghĩa dân ta đã giàu, nước ta đã mạnh như mục tiêu Đảng tự đặt ra khi hiệu triệu người dân. Rõ ràng, sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn tụt hậu rất xa so với các nước, có cùng điểm xuất phát như chúng ta hồi đó do chúng ta vẫn chưa dám đổi mới triệt để, vẫn lừng khừng, lúng túng trong mớ tư duy không còn phù hợp.
    Hệ luỵ là chúng ta vẫn chưa đạt yêu cầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế như chúng ta đặt ra và chúng ta còn thua xa thế giới về quản trị xã hội, về giáo dục và về văn hóa.

    Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
    Chúng ta đã đặt ra mục tiêu nhà nước pháp quyền nhưng rồi hành động của chúng ta khiến khó đạt được điều đó. Đã là nhà nước pháp quyền thì phải thượng tôn pháp luật, thượng tôn hiến pháp. Chỉ khi nào hiến pháp được coi là luật mẹ, không gì có thể đứng cao hơn hiến pháp thì khi đó ta mới có đạt được mục tiêu nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
    Nhà báo Lan Anh: Trên thế giới có những quốc gia thành công, nhưng cũng có quốc gia thất bại? Theo các vị, điều gì quyết định cho sự thành, bại này
    Ông Vũ Ngọc Hoàng: Mỗi quốc gia có một hoàn cảnh khác nhau nhưng nói chung nó phụ thuộc rất nhiều vào tư duy lãnh đạo.
    Chúng ta đã rất thành công trong thời chiến, trong văn hóa giữ nước. Nếu không có những bộ óc giỏi thì làm sao một nước Việt Nam nhỏ bé có thể đương đầu và chiến thắng đối với các cường quốc phương Tây như vậy được.
    Sau chiến tranh, chúng ta đã đuối dần về năng lực lãnh đạo cho quốc gia phát triển, mặc dù giai đoạn đầu của đổi mới có khá lên nhưng chưa nhiều và sau đó chựng lại. Đây là thực tế nhiều người đã thấy và chúng ta đều đã thấm.
    Thời chiến khác thời bình, thời nay khác thời xưa, hôm qua khác hôm nay. Chúng ta đã đổi mới, chúng ta đang cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn với những tư duy quản trị quốc gia phù hợp xu thế kinh tế thị trường, kinh tế tri thức, phát triển theo chiều sâu và hội nhập, đảm bảo hiệu quả hơn, bền vững hơn.
    Khoa học hệ thống đã chứng minh hệ thống nào đóng kín thì hệ thống đó sẽ thoái hóa, chỉ có hệ thống mở thì mới tự hoàn thiện và phát triển được. Thế giới tự nhiên, cây cỏ cũng phải có sự trao đổi chất, cũng phải có sự thích nghi bén nhạy với môi trường thì mới tồn tại được, còn không nó sẽ tự triệt tiêu, tự thoái hoá. Con người và các tổ chức kinh tế xã hội cũng vậy thôi, nếu không có tư duy mở thì không phát triển được, tự kìm hãm dẫn đến thoái hóa.
    Hiện tại, theo tôi nghĩ, Việt Nam có hai việc quan trọng bậc nhất là phải chống cho được tham nhũng, “lợi ích nhóm” và chống lối tư duy bảo thủ, không chịu đổi mới để đất nước và dân tộc phát triển, xã hội tốt đẹp hơn, Đảng cũng trong sạch và vững mạnh hơn, lấy lại lòng tin của nhân dân.
    Việc đổi mới tư duy của cả một dân tộc, đầu tiên phải từ ban lãnh đạo thì mới có thể tạo ra sức bật cho cả một cộng đồng. Và tư duy cũng là cán bộ, làm ra cơ chế cũng là cán bộ và quyết tâm thực hiện cũng là cán bộ. Nên cuối cùng cốt lõi vấn đề vẫn là cán bộ.
    Nhưng để có cán bộ tốt thì phải có cơ chế tranh cử và tuyển chọn tốt, và cơ chế ấy muốn có được thì phải có tư duy mới. Như vậy, cán bộ tốt, có tư duy đổi mới, không bị “lợi ích nhóm” sẽ là việc có tính quyết định.
    Nước ta có một thực tế lịch sử mà có lần tôi đã chia sẻ trên Tuần Việt Nam là, khi đất nước lâm nguy thì nhân tài tụ về giúp nước. Nhưng khi hoà bình rồi, thống nhất rồi thì nhân tài lại dạt ra, mờ nhạt dần.
    Trường hợp Nguyễn Trãi là một ví dụ, khi gian thần nhiều, nịnh thần nhiều, thì người tài, người trung khó phát huy tác dụng, thậm chí bị loại bỏ. Nước ta muốn sánh vai với các cường quốc thì không thể không chú ý hàng đầu việc sử dụng hiền tài, nhân tài – nguyên khí của quốc gia.
    Sau khi đất nước thống nhất đến giờ, trong chúng ta có một bộ phận đã bị thoái hóa. Theo thời gian bộ phần này đang tăng dần từ chỗ một số cán bộ, rồi một bộ phận, một bộ phận không nhỏ, rồi trong bộ phận không nhỏ ấy lại có những cán bộ to, thành “bầy sâu” – như cách nói của một vị lãnh đạo cấp cao.
    Chính bản thân chúng ta cũng thấy được mối nguy này, tự thừa nhận là có chuyện đó. Và cũng tích cực chống tham nhũng, nhất là thời gian gần đây. Vậy mà vẫn chưa thể nào thoát ra được, chưa ngăn chặn được bởi do cái quan trọng nhất mà ta đang thiếu đó là vấn đề kiểm soát quyền lực. Sự sụp đổ của Liên Xô, một thành trì cách mạng là bài học còn nguyên giá trị về cái giá phải trả do không kiểm soát quyền lực.
    Ông Mai Liêm Trực: Đã có một quyển sách rất hay về chuyên đề này “Vì sao các quốc gia thất bại”.
    Thể chế chính là nền tảng để một quốc gia phát triển thành bại hay là thành công; để người dân hạnh phúc hay là bất hạnh. Nhưng thể chế cũng do chính con người tạo ra. Khi thể chể bộc lộ những yếu kém, đưa đất nước đến khủng hoảng thì sẽ xuất hiện những con người tiên phong, dám thay đổi thể chế cũ để đưa đất nước đi lên.
    Cuộc đổi mới thể chế kinh tế năm 1986 là minh chứng rất rõ điều đó.
    Cách nay vài năm, tôi đã nói trên VietNamNet rất rõ rằng, một quốc gia may mắn hay bất hạnh là đều do sự lãnh đạo. Nếu lãnh đạo mạnh, sạch và có tầm nhìn thì quốc gia sẽ có cơ hội phát triển, còn không thì ngược lại.
    Nếu lật giở lại lịch sử chúng ta sẽ thấy một thực tế của chính chúng ta thời chính phủ cụ Hồ. Lúc đó, 90% dân số mù chữ (dân trí thấp), trong khi quan trí trong chính phủ của Cụ toàn là những người rất trí tuệ như các ông Võ Nguyên Giáp, Phan Kế Toại, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phan Anh…. Họ là những trí giả bậc cao mặc dù không có nhiều bằng cấp như bây giờ.
    Người Singapore may mắn có được chính phủ mạnh - sạch và có tầm nhìn thì đất nước phát triển. Người Iraq có Saddam Hussen rất mạnh, nhưng không sạch, không có tầm nhìn nên kết quả thế nào, chúng ta đều đã thấy.
    Cuộc sống sòng phẳng thế đó.

  • https://www.danluan.org/tin-tuc/20150806/tuan-viet-nam-loi-mon-tu-duy-sinh-con-roi-moi-sinh-cha

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét