Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Tượng đài cụ Hồ


1. Bác còn, chc l tuôrơi?
Thanh Sơn
Rừng vàng biển bạc bao la
Trung ương ‘ăn’ hết, Sơn La ‘ăn’ gì?
Họp nhau cùng oẳn tù tì:
Xây tượng đài Bác tức thì thông qua!
Dự án các ‘Trạng’ vẽ ra
‘Mẹ Việt Nam’(1) cũng chạy xa Tượng này!
Văn Miếu (2) Vĩnh Phúc mới xây
So với Tượng này xách dép lên đi!
Gần ngàn rưởi tỉ dự chi (3)
So Trung ương bé tí tí thôi mà!
Các khoản bỏ túi quan ta
Cũng vài trăm tỉ chia ra… mỏng tèo?
Ơn Bác, Đảng được ‘ăn’ theo
Đồng bào Tây Bắc đã nghèo, nghèo hơn…
Lại vào ‘cùng cốc, thâm sơn’
Củ dong củ sắn thay cơm sớm chiều!
Các cháu “muôn vàn thương yêu”
Lại đu dây để qua nhiều suối sông
Chiến công nối tiếp chiến công
Kỷ lục Ghi nét kính dâng lên Người?
Bác còn chắc lệ tuôn rơi
Thương dân mình sống cuộc đời thảm thương?
Các cháu cắp sách đến trường
Lại bắt thêm nhái, ễnh ương lót lòng…
Leo lẻo “Ý Đảng lòng Dân”
Một lũ dối trá vì Thân thôi mà!
Thương dân Trời cũng khóc oà
Như ngày tiễn Bác đi xa… Bác ời…
Mong Bác đang ở trên Trời
Lệnh xuống Hạ giới:
– “Tức thời dừng ngay!
Cứ ‘ăn’ theo Bác thế này
Có ngày cả lũ chúng mày… trôi sông!”
Ngày 4/8/2015
T.S.
Chú thích:
  1. (1) Tượng đài Mẹ Việt Nam (Quảng Nam)- 411 tỷ
  2. (2) Văn Miếu (Vĩnh Phúc)- 300 tỷ
  3. (3) Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc (Sơn La)- 1400 tỷ
Bài thơ ‘ăn’ theo bài Dừng ngay những dự án tượng đài tham nhũngcủa nhà văn Phạm Đình Trọng
Nguồn: https://badamxoevietnam2.wordpress.com/2015/08/04/bac-con-chac-le-tuon-roi/#more-10173

2. Áo vải và tượng đồng
Hiệu Minh
 
Tượng cụ Hồ trên đảo Cô Tô. Ảnh: HM
Mấy hôm nay Hà Nội trời mưa tầm tã, sáng mưa, chiều mưa, đêm rả rích, nhớ mùa thu 1969 ngày cụ Hồ ra đi, mưa cũng nhiều như vậy.
Tố Hữu viết bài thơ “Bác ơi” có lẽ từ đáy lòng “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa / Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.
Những người yêu cụ Hồ, tin tưởng vào chế độ trong sạch, hướng về tương lai tươi đẹp, từng trải qua những ngày tháng đó đều nhớ cảm xúc này, một cảm xúc thật của hàng triệu người Việt trong những ngày đau thương.
Cụ Hồ hiện lên trong thơ như một hình ảnh đẹp trong mắt người dân “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son / Mong manh áo vải hồn muôn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
Khi đó câu thơ “Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” bị đồn đại là chỉ trích cuộc Cách mạng văn hóa xây quá nhiều tượng Mao Trạch Đông, nghe nói phía Trung Quốc đã phản ứng.
Sau nửa thập kỷ, du khách thăm Trung Quốc vẫn còn thấy nhiều nhiều tượng Mao Trạch Đông khắp thôn làng ngõ xóm, nhưng có lẽ sự kính trọng của dân chúng không còn như thuở được tô bằng lớp vàng son.
Suy cho cùng Tố Hữu rất có lý khi nhận ra “áo vải hồn muôn trượng” hơn “tượng đồng phơi những lối mòn”. Nếu biết thêm cuộc cách mạng nồi da nấu thịt đó đã giết oan uổng hàng chục triệu sinh mạng thì những bức tượng kia sẽ tàn lụi với thời gian, một ngày nào đó sẽ biến mất khỏi thế gian này như đã từng xảy ra với hàng ngàn bức tượng Lê Nin ở Đông Âu.
Mấy tháng qua tôi có dịp đi nhiều tỉnh từ Nam tới Bắc, từ miền Trung tới Tây Bắc xa xôi, ra tận đảo Cô Tô rồi Quan Lạn, đâu đâu cũng thấy tượng cụ Hồ, nhà thờ cụ Hồ. Ngay trong khu tượng đài Củ Chi, tại chính điện xây theo kiểu Hoa nhưng trong có tượng cụ Hồ to và choán hết cả gian nhà, hương khói nghi ngút.
Trước cửa tòa thị chính UBNDTP HCM từng có tượng cụ Hồ ngồi với  thiếu nhi nay được thay bằng cụ Hồ đứng, motive quen thuộc, vầng trán cao, tay giơ lên trời, trong khi tượng ngồi với thiếu nhi trông thân thiện và gần gũi với đời thường.
Dường như hàng trăm tượng cụ Hồ dựng khắp nơi chưa đủ, mới đây tỉnh Sơn La vừa ra Nghị quyết thông qua “Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP. Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng”. Trước đó Hà Giang, Tuyên Quang và nhiều tỉnh còn rất nghèo vẫn xây dựng tượng đài cụ Hồ hoành tráng.
TPO đưa tin hồi tháng 4 “Nhu cầu dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện vẫn rất lớn, ít nhất có thêm 58 đề xuất xin dựng tượng đài Bác trong thời gian tới. Tuy nhiên nhiều người lo ngại làn sóng dựng tượng tràn lan mà lại nhân bản từ một mẫu”.
Có nên dựng nhiều tượng đài Hồ Chí Minh như hiện nay? Số lượng hay chất lượng? Liệu những khu tượng đài giá hàng ngàn tỷ có thể thu hút khách du lịch, chưa kể kinh phí bảo trì không nhỏ, lẽ ra kinh phí đó cần dành cho giáo dục, y tế, người về hưu, người cần trợ cấp xã hội. Những câu hỏi mà các nhà lập kế hoạch cho cụ Hồ sống mãi bằng tượng đài nên nghĩ trước khi duyệt kinh phí.
Ảnh: HM
Có lẽ nhiều người tin, nếu sống lại cụ Hồ sẽ không đồng ý để tượng của mình xây tràn lan như thế này, chưa kể tính thẩm mỹ của nhiều khu tượng đài đặt ra nhiều câu hỏi về tác giả có trình độ về kiến trúc đền đài hay không. Nơi duy nhất cụ đồng ý khi còn sống có tượng cụ trên đảo Cô Tô ngay sát biên giới Trung Quốc được coi là biểu tượng hải phận Việt Nam.
Hình ảnh cụ Hồ trong phần đông dân chúng là một người giản dị, sống có đạo đức và chẳng có chút gì cho riêng mình. Dù là tuyên truyền thì hãy để hình ảnh đẹp ấy sống mãi trong trái tim thế hệ sau.
Những người hay rao giảng trên bục về đạo đức Hồ Chí Minh không tham ô, trộm cắp, độc ác với đồng chí, thì Hồ Chí Minh sẽ muôn đời sống mãi mà không cần đến tượng đài và đền chùa, phao phí tiền bạc của người nghèo, hay những câu khẩu hiệu giăng đầy giữa phố đông người.
Viết entry ngắn này đợi trời mưa tạnh để đi làm chứng minh thư cho cu Luck vì con đã 14 tuổi. Có lẽ con không hiểu cha nó ở vào tuổi con bây giờ từng rớt nước mắt khi nghe câu thơ “Mong manh áo vải hồn muôn trượng…” trên loa làng vào một ngày mưa tầm tã tháng 8-1969.
“Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Anh: Báo Tuyên Quang
Hôm nay lòng người viết bài này mưa vẫn rơi như thời tiết Hà Nội dù ngày buồn dân tộc ấy đã qua gần nửa thế kỷ, một phần thương người đi xa, một phần thấy áo vải đang được thay bằng những tượng đồng phơi những lối mòn.
H.M.
Nguồn: http://hieuminh.org/2015/08/04/ao-vai-va-tuong-dong/
http://www.ijavn.org/2015/08/tuong-ai-cu-ho.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét