Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 39
BUSH ĐẾN ĐÔNG ÂU, BA LAN LẬP CHÍNH PHỦ MỚI
KHÔNG ĐI ĐỂ VỖ NGỰC – KHÔNG MUỐN TÁI PHẠM – TỔNG THỐNG “THÂN CỘNG”? – ĐỐI LẬP BẤT BÌNH – BUSH GẶP WALESA, KHÔNG VUI – BUSH ĐẾN HUNGARY, CHUỘNG BẢO THỦ – “ĐỪNG ĐI XA QUÁ, ĐỪNG ĐI NHANH QUÁ” – ĐỒNG CHÍ TỔNG THỐNG JARUZELSKI – CHÍNH PHỦ NÀO? – WALESA: CÔNG ĐOÀN CHƯA SẴN SÀNG – MAZOWIECKI: “NHANH LÊN, NHƯNG TỪ TỪ THÔI” – MICHNIK: “ANH TỔNG THỐNG, TÔI THỦ TƯỚNG” – WALESA QUYẾT ĐỊNH BẤT NGỜ – JARUZELSKI: “NẮM QUÂN SỰ, BẠI CHÍNH TRỊ” – HAI ĐIỀU KIỆN VÀ MỘT “QUẢ BOM” – CEAUSESCU KÊU CỨU – GORBACHEV: “ĐỪNG LO”
***
Warsaw, Ba Lan. Thứ hai, ngày 10 tháng 7, năm 1989
KHÔNG ĐI ĐỂ VỖ NGỰC
1.
CHÍNH TỔNG THỐNG MỸ GEORGE BUSH, thuộc Đảng Cộng hòa, là người đã thuyết phục được Tướng cộng sản Jaruzelski ứng cử Tổng thống Ba Lan. Cũng vì Bush lo rằng những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra tại Ba Lan và Hungary có thể vượt tầm kiểm soát và dẫn đến bất ổn nghiêm trọng.
Chuyến viếng thăm hai nước Đông Âu đã được lên kế hoạch từ khi ông nhậm chức, nhưng từ đó đến nay, nhiều thay đổi có tính cách mạng đã diễn ra. Ông từng thổ lộ với các trợ lý thân cận như bà Condoleezza Rice rằng không biết những biến động kia có “quá sức chịu đựng của ‘thị trường’ không”. Một số cố vấn của ông ngạc nhiên khi nghe nhận định này, nhưng họ hiểu ông nói vậy là vì bản tính ông luôn thận trọng.
Bush nói với người viết diễn văn chuẩn bị bài cho chuyến công du rằng: “Đây không phải là chuyến đi khải hoàn để tôi chạy quanh vỗ ngực xưng mình là người chiến thắng … Tôi không muốn nói những gì nảy lửa hoặc kích động. Tôi không muốn việc mình làm sẽ gây khó khăn cho Gorbachev và những người khác. Tôi không muốn làm xốn mắt Gorbachev.” Ngược lại, để đạt được những lợi ích cao hơn, ông chấp nhận rủi ro bị xem như một người “lấy cần cù bù khả năng”.
*
KHÔNG MUỐN TÁI PHẠM
2.
Bush nhắc đi nhắc lại nhiều lần với nhân viên rằng ông không muốn phạm lại sai lầm của Tổng thống Eisenhower vào năm 1956. Năm đó, Mỹ khuyến khích những nhà cách mạng Hungary nổi dậy, nhưng khi Liên Xô đem xe tăng xâm lăng Hungary thì những người nổi dậy lại bị bỏ rơi. Ông nói:
“Tôi muốn thận trọng. Những cuộc nổi dậy đầy kịch tính ở Đông Đức năm 1953, ở Hungary năm 1956, và ở Tiệp Khắc năm 1968 luôn luôn ám ảnh tôi … Tôi không muốn khuyến khích những diễn biến có thể dẫn tới bạo động và vượt tầm kiểm soát mà lúc đó chúng ta không thể, hoặc không muốn, hỗ trợ, khiến những người nổi dậy bị bỏ rơi ngay giữa chiến lũy của họ. Tôi hy vọng có thể khích lệ một cuộc giải phóng nào đó … nhưng không kéo theo một cuộc đàn áp nội bộ, như từng xảy ra tại Ba Lan năm 1982, hoặc kích động một phản ứng mạnh của Liên Xô”.
Tại Warsaw và Budapest, hai nơi ông sẽ đến thăm, ông không muốn “xúi giục bất ổn … hoặc vô tình kích thích bất ổn … Nếu đám đông khổng lồ tụ tập với ý định bày tỏ sự chống đối Liên Xô thống trị thì sự việc có thể vượt tầm kiểm soát. Cuộc đón tiếp nồng nhiệt có thể biến thành bạo loạn … với những hậu quả tai hại, tác động xấu lên tinh thần lạc quan chung và những tiến bộ đã bắt đầu lan ra toàn khu vực.”[1]
*
TỔNG THỐNG “THÂN CỘNG”?
3.
Tổng thống và phái đoàn đến nơi vào tối hôm trước. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Tướng Scowcroft nhớ lại đêm đó thật oi bức, không khí có độ ẩm cao.
Ông kể: “Hệ thống máy lạnh trong khách sạn chúng tôi ở không kham nổi thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ trong phòng cao hơn ngoài trời, cửa sổ thì, theo đúng thiết kế, không mở được. Thế là có vấn đề, rất thực tế. Cuối cùng tôi tìm được cách chống cửa sổ lên và kéo nệm xuống sàn nơi có … chút gió thổi vào. Khách sạn phân trần rằng không có đủ … điện để máy lạnh chạy đàng hoàng. Đây đúng là một lời nhắc nhở không mấy vui cho thấy kinh tế Ba Lan lạc hậu đến mức nào.”[2]
4.
Sau một đêm mất ngủ, hơn 9 giờ sáng, Tổng thống Bush gặp Tướng Jaruzelski tại Cung điện Belvedere.
Họ từng gặp nhau hai năm trước, khi Bush còn là Phó Tổng thống và ông ghé qua Ba Lan trong một chuyến đi ngắn. Lúc đó, Bush khuyên Jaruzelski nên hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết và đàm phán với họ, nhưng Jaruzelski né tránh đề nghị này và tuyên bố rằng việc đó chẳng khác nào “bảo chính quyền tự sát”. Tuy vậy, Bush thích Jaruzelski, tôn trọng và nghĩ ông là người sắc sảo. Bush mô tả với cố vấn của mình rằng Jaruzelski là một “người xuất chúng”. Đến nay, Tướng Jaruzelski đã hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết, nên Tổng thống Mỹ không muốn bỗng nhiên Jaruzelski và chế độ cộng sản bị loại ra ngoài. Bush tin rằng Jaruzelski “có thể là một thế lực giúp duy trì ổn định”.
Thật nghịch lý: Trong gần một nửa thế kỷ qua, Mỹ đã tìm mọi cách để các nước chư hầu thoát khỏi quỹ đạo Liên Xô. Họ đã chi hàng triệu đô-la cho quốc phòng, tình báo và tuyên truyền nhằm mục đích này. Hiện nay, một số chế độ đang bị dân chúng ghê tởm và chao đảo bên bờ sụp đổ. Chưa đầy một tháng trước, lần đầu tiên trong 60 năm, người dân Ba Lan nếm được hương vị dân chủ khi họ đồng loạt bỏ phiếu chống lại giới lãnh đạo cộng sản. Vậy mà giờ đây Tổng thống Mỹ lại muốn cộng sản tiếp tục nắm quyền, ít nhất trong một thời gian nữa.
Tổng thống Bush, người siêu thận trọng, cho rằng đó là cách để Đông Âu không rơi vào tình trạng vô chính phủ.
5.
Cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Bush và Tướng Jaruzelski sáng nay thật lạ. Vị Tướng nói ông đã suy nghĩ cặn kẽ nhưng giờ ông e ngại ra tranh cử Tổng thống và sợ đối đầu với thất bại nhục nhã. Ông nói thất bại là “không thể chấp nhận được. Tôi không thể thắng nếu Công đoàn Đoàn kết không ủng hộ, và tôi không nghĩ họ sẽ ủng hộ tôi. Ông nghĩ tôi nên làm gì đây?” Bush đáp ngay rằng Jaruzelski nên ra tranh cử.
Sau này Bush kể lại: “Tôi nói với ông rằng việc ông không ra tranh cử có thể vô tình dẫn đến bất ổn nghiêm trọng, và tôi thuyết phục ông xem xét lại.” Bush công nhận rằng chuyện Tổng thống Mỹ đi khuyên lãnh tụ cộng sản cao cấp ra tranh cử mang lại một cảm giác bất thường. Bush tiếp: “Nhưng tôi cảm thấy Jaruzelski dày dạn kinh nghiệm là mối hy vọng tốt nhất để Ba Lan có thể thay đổi một cách ôn hòa.”
Một ngày rưỡi sau đó, Bush tiếp tục ca ngợi tinh thần yêu nước của Jaruzelski khi cải cách Ba Lan. Phe đối lập thất vọng sâu sắc. Phần lớn các trí thức trong Công đoàn Đoàn kết đều ủng hộ Mỹ một cách tự nhiên, nhưng khi nghe được những điều Bush nói với Jaruzelski, họ bộc lộ ngay sự thất vọng.[3]
*
ĐỐI LẬP BẤT BÌNH
6.
Phe đối lập càng giận dữ hơn khi biết chi tiết về khoản viện trợ 100 triệu đô-la Mỹ Bush vừa thông báo. Tổng thống Mỹ biết rõ khoản này rất nhỏ. Ngoại trưởng James Baker, bà Condoleezza Rice và Tướng Scowcroft đều đã thúc đẩy để có một khoản viện trợ hào phóng hơn, như một cách để khích lệ Ba Lan thay đổi theo hướng dân chủ, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Nicholas Brady nói tiền đã cạn. Brady còn nói: “Chúng ta không thể cứ thế đổ tiền vào lỗ chuột chui không đáy”, và Tổng thống Bush nghe theo ông.
Bush loan báo khoản viện trợ này trong một diễn văn trước các nghị sĩ Công đoàn Đoàn kết tại Quốc hội, cùng với khoản hỗ trợ thêm 15 triệu đô-la để giúp làm sạch môi trường bị ô nhiễm quanh thành phố Krakow. Khi Bush nói xong, mọi người im lặng, không ai phản ứng.
Không chỉ không vui, cả các quan chức chính quyền lẫn thành viên Công đoàn Đoàn kết còn nổi giận khi biết John Sununu, Tham mưu Trưởng của Tổng thống Mỹ, đã nói với các phóng viên rằng: cho Ba Lan thêm tiền “giống như đưa tiền cho một đứa bé trai đang đi mua bánh kẹo … nó sẽ không đủ kỷ luật tự giác để dùng tiền khôn khéo”.[4]
*
BUSH GẶP WALESA, KHÔNG VUI
7.
Ngày hôm sau, Bush bay đến Gdansk gặp Lech Walesa. Tổng thống Bush không thích và không tin cậy lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết, điều này ngược với việc ông càng lúc càng thông cảm và ưa thích Jaruzleski. Bush cho rằng Walesa quá viễn vông, giống Don Quixote, quá cấp tiến, không đủ cứng cáp, cũng chưa đáng tin cậy.
Hai năm trước họ đã gặp nhau. Lúc đó, Bush hỏi Walesa nghĩ gì nếu Công đoàn Đoàn kết được hợp pháp hóa, và Bush đã sửng sốt khi nghe Walesa trả lời. Walesa nói nếu điều không tưởng đó xảy ra thì “đó sẽ là thảm họa với chúng tôi” vì Công đoàn Đoàn kết có thể bị đổ lỗi làm suy sụp nền kinh tế Ba Lan.
Lần này, Bush và bà Barbara vợ ông đã có một bữa ăn trưa cũng không vui trong căn hộ khiêm tốn của Walesa, do Danuta, vợ Walesa nấu. Bữa ăn đã kết thúc bằng một cuộc tranh luận suýt nữa thành to tiếng. Walesa phàn nàn rằng khoản viện trợ kia là “kinh quá, không ra gì” và tuyên bố Ba Lan xứng đáng được đối xử phóng khoáng hơn nhiều. Walesa muốn có 10 tỉ đô-la Mỹ trong vòng ba năm để vực dậy nền kinh tế Ba lan. Khi Bush trả lời điều đó không thể được thì lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết đã giận dữ, nói rằng nếu thế thì nghèo đói có thể sẽ tràn lan và sẽ có thất nghiệp quy mô lớn, và “chúng tôi sẽ lâm vào nội chiến. Chúng tôi đã đến đường cùng.”[5]
*
BUSH ĐẾN HUNGARY, CHUỘNG BẢO THỦ
8.
Rời Ba Lan căng thẳng, Tổng thống Bush được chào đón nồng nhiệt tại Budapest.
Chuyên cơ Airforce One của Tổng thống Mỹ đáp xuống sân bay giữa một trận bão lớn. Hàng ngàn người đến nơi chào đón khiến ông phấn chấn, nhất là sau chuyến viếng thăm nhiều khó khăn tại Gdansk.
Bush ít khi nào diễn trò trước ống kính, nhưng lần này ông bắt được một cơ hội tốt để tạo hình ảnh: Sau khi từ cửa máy bay bước xuống bậc thang giữa cơn mưa quất mạnh, ông đã lấy áo khoác trao cho một phụ nữ lớn tuổi khoác tránh mưa*. Toàn thân ông ướt sũng sau khi đi một đoạn trên đường băng bắt tay các vị chủ nhà ra đón tiếp.
Khi Bush bắt đầu vào việc thì, cũng như ở Ba Lan, ông làm việc dễ dàng với những nhân vật bảo thủ của chế độ cộng sản hơn là với những nhân vật cấp tiến của phe đối lập. Khi được tặng một mẫu nhỏ hàng rào kẽm gai, cắt từ Bức màn Sắt, ông nói ông đã cảm động rơi nước mắt. Ông ca tụng chính quyền Hungary đã ra lệnh tháo bỏ hàng rào, chứ không ca tụng phe đối lập đã tạo áp lực để chính quyền tháo bỏ hàng rào.
Bộ ba quyền lực nhất lúc đó tại Hungary, gồm Nemeth, Grosz và nhà kinh tế Rezso Nyers, đã tạo được ấn tượng tốt với Bush, và Bush hứa Mỹ sẽ ủng hộ họ. Bush nói: “Chúng tôi ủng hộ quý vị. Những gì quý vị làm là tốt, đó là điều chúng tôi luôn mong muốn. Chúng tôi sẽ không làm việc gì gây phức tạp cho quý vị. Chúng tôi biết chúng tôi càng thân thiện với Liên Xô bao nhiêu thì mọi sự cũng sẽ tốt hơn cho quý vị bấy nhiêu … Chúng tôi không định đẩy quý vị vào thế phải chọn giữa Đông và Tây.”[6]
*
“ĐỪNG ĐI XA QUÁ, ĐỪNG ĐI NHANH QUÁ”
9.
Cuối ngày hôm đó, Bush được sắp xếp để gặp gỡ các nhân vật đối lập tại nhà riêng của Đại sứ Mỹ ở Hungary, Mark Palmer. Buổi tiệc cũng không vui vẻ.
Imre Pozsgay nói với Bush rằng phe cộng sản sẽ mất quyền lực vào giây phút họ công bố một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ông nói: “Đảng Cộng sản của tôi thay đổi quá ít và quá trễ”. Nhưng Bush nghe xong lại lo lắng ra mặt.
Trong ba năm qua, Đại sứ Palmer đã tạo được quan hệ tốt với những nhà bất đồng và với những nhân vật cộng sản cấp tiến, nhưng hôm đó, sự “thận trọng quá mức” của Bush và của Ngoại trưởng James Baker, cấp trên trực tiếp của Palmer trong ngành ngoại giao, làm ông thấy bực dọc.
Palmer kể: “Bush và Baker cứ khuyến cáo các nhân vật này … trong phòng khách nhà tôi … đừng đi xa quá, cũng đừng đi nhanh quá.” Khi Bush nói với các nhà bất đồng rằng chính quyền cộng sản “đang đi đúng đường. Nước của quý vị đang đi từng bước thận trọng chứ không vội vàng, và chắc chắn đó là đường lối khôn ngoan” thì cử tọa của ông đã công khai lộ vẻ sửng sốt.
10.
Theo lời Palmer, cũng có một cú sốc văn hóa, vì Bush gần như đã “trông mặt mà bắt hình dong”. Chuyện như sau:
Triết gia Janos Kis, người đỡ đầu các hoạt động ngầm tại Hungary, có mặt tại buổi gặp gỡ. Ông là người có tầm ảnh hưởng rất lớn với những nhà bất đồng chính kiến trong thế giới cộng sản, và nhìn vẻ bề ngoài, ông đúng là một mẫu trí thức Trung Âu tiêu biểu. Palmer kể: “Khi tôi giới thiệu Tổng thống và James Baker cho Janos Kis, phản ứng của họ có vẻ như muốn hỏi: Ủa! Cái ông lạ mặt có râu quai nón, nhìn cứ như Woody Allen này là ai?” Bush sau đó nói với các trợ lý: “Những vị này không đúng là người có thể điều hành đất nước. Ít nhất là chưa. Họ chưa sẵn sàng.”
Trong khi đó, Bush lại cho rằng những người cộng sản ông gặp đang ở vị trí tốt hơn hẳn, để mang lại dân chủ và kinh tế thị trường tự do cho Hungary.[7]
***
ĐỒNG CHÍ TỔNG THỐNG JARUZELSKI
11.
Bush có ảnh hưởng lớn đối với Jaruzelski, nên sau khi phái đoàn Mỹ vừa rời Ba Lan là ông thông báo sẽ ra tranh cử Tổng thống Ba Lan. Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, John Davis, cũng có ảnh hưởng trong việc thuyết phục Công đoàn Đoàn kết giúp Jaruzelski thắng cử. Walesa thì tin rằng Liên Xô cũng như quân đội và lực lượng an ninh Ba Lan sẽ không chấp nhận bất cứ ứng cử viên nào khác ngoài Jaruzelski. Vì vậy, Walesa thỏa thuận với Jaruzelski rằng ông sẽ bảo đảm để Jaruzelski thắng cử.
Nhưng đó là một chiến thắng khít khao. Walesa đã phải tạo áp lực với các nghị sĩ Công đoàn Đoàn kết vừa được bầu vào Quốc hội để họ bỏ phiếu trắng khi bầu cử. Nhiều người không chịu: Làm sao họ có thể giúp ủng hộ một người đã một thời bỏ tù họ và làm gia đình họ khốn khổ?
Cuối cùng, Walesa cũng thuyết phục được bảy người đồng ý. Ông bảo họ: “Hãy bỏ phiếu bằng lương tâm của mình”, và giải thích rằng Công đoàn Đoàn kết cần đạt được thỏa thuận có giá trị “sống chết” này. Một trong những nghị sĩ của Công đoàn Đoàn kết cho biết: “Chúng tôi bằng mặt, nhưng không bằng lòng, nhưng cuối cùng cũng xong.”
Trong thời gian bỏ phiếu, khi thấy Jaruzelski có nguy cơ thất cử, các nhà hoạt động của Công đoàn Đoàn kết đã phải chạy ra các quán rượu, tìm các nghị sĩ về để bỏ phiếu cho Jaruzelski. Ông chiến thắng chỉ với một phiếu hơn.
Vào ngày 19/7/1989, Tướng Jaruzelski, người dựng lên chế độ độc tài quân phiệt tại Ba Lan, trở thành Tổng thống được chọn lựa một cách dân chủ đầu tiên của Ba Lan.[8]
*
CHÍNH PHỦ NÀO?
12.
Một trong những thủ lĩnh cộng sản khôn ngoan nhất của Ba Lan là Janusz Reykowski, nguyên giáo sư tâm lý ở Warsaw và là người thương lượng chính của Đảng tại đàm phán Bàn tròn. Ông nói: “Có rất nhiều sách giáo khoa Mác-xít Lênin-nít nói về việc cướp chính quyền, nhưng không có cuốn nào nói về việc từ bỏ quyền lực.”
Thực vậy, một tháng sau ngày 19/7/1989 đã diễn ra những cuộc thương lượng gian khó, và Ba Lan được nếm thử hương vị dân chủ đại nghị đúng nghĩa đầu tiên, kể từ thập niên 1920. Cũng có thể nói dân chủ đại nghị tại Ba Lan lúc bấy giờ không phải luôn đẹp đẽ suôn sẻ.
Jaruzelski là Tổng thống, nhưng ông không có một chính phủ trong tay để làm việc. Cũng nên nhắc lại là tuy từ bỏ vị trí lãnh tụ Đảng Cộng sản [vào ngày 29/7/1989], nhưng Jaruzelski không từ bỏ ý tưởng rằng phe cộng sản sẽ tiếp tục nắm quyền ở Ba Lan.
Thứ ba 25/7/1989, Jaruzelski triệu tập Walesa đến và mời Walesa tham gia vào chính phủ mà ông gọi là “Chính phủ Đại Liên hiệp” do Đảng Cộng sản Lãnh đạo. Theo dự định của ông, Đảng Cộng sản sẽ giữ những vị trí cao nhất, Công đoàn Đoàn kết có thể nắm bốn vị trí Bộ trưởng thứ yếu tại các bộ: Y tế, Môi trường, Nhà đất, Công nghiệp. Jaruzelski nói: Công đoàn Đoàn kết cần lớn lên dần để có thể nắm quyền lực”. Walesa từ chối lập tức và dứt khoát không nhượng bộ.
Một tuần sau, Jaruzelski bổ nhiệm Kiszczak làm Thủ tướng, nhưng sự ủng hộ dành cho Đảng Cộng sản đã mất gần hết. Kiszczak, ông trùm cũ của lực lượng an ninh nhà nước, không thể lập được một chính phủ. Ngay một số những Đảng viên trung kiên cũng không chịu phục vụ ông hoặc những chính khách mặc quân phục khác, là những người mà Kiszczak cho rằng có thể đưa Ba Lan bước vào một bình minh dân chủ mới.[9]
*
WALESA: CÔNG ĐOÀN CHƯA SẴN SÀNG
13.
Walesa không có ý định đưa Công đoàn Đoàn kết vào vị trí nào trong chính phủ, mặc dù ông đã suy tính nhiều về các vị trí có được sau vòng bầu cử thứ hai, diễn ra hôm Chủ nhật 18/6/1989. Công đoàn Đoàn kết chỉ mất một ghế được phép tranh cử tại Hạ viện (Sejm), [tương đương 34/35 ghế được phép tranh cử, trên tổng số 100 ghế tại Hạ viện], và nắm đến 99 trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện. Cũng nên nhắc rằng nhân vật thắng cử thứ 100 tại Thượng viện là một người ngoại hạng, một cựu Đảng viên, sau trở thành doanh nhân triệu phú, ông nói đã chi 100.000 đô-la Mỹ để tranh cử, cả một gia tài lớn tại Ba Lan lúc bấy giờ.
Walesa từng nói trước khi có các cuộc bầu cử rằng: “Chúng ta là một nghiệp đoàn … Điều chúng ta muốn là được tự chủ và độc lập với chính quyền. Hãy cứ để phe cộng sản nắm quyền”. Sự thận trọng của ông một phần là để cho Liên Xô yên tâm. Ông không chắc Liên Xô sẽ cho Công đoàn Đoàn kết lên nắm quyền hay không, và ông cũng không muốn khiêu khích họ. Dù Gorbachev đã nói toàn những điều chí lý nhưng Walesa vẫn không thể tin tưởng Liên Xô hoàn toàn, vì họ vẫn có hàng ngàn quân đóng trên đất Ba Lan.
Ngoài ra, Walesa cũng không chắc Công đoàn Đoàn kết đã có đủ bản lĩnh để sẵn sàng nắm quyền hay chưa. Như một nhân vật hàng đầu của Công đoàn từng nửa đùa nửa thật nói: “Lech Walesa xứng đáng được một Giải Nobel Hòa bình thứ hai, vì đã giữ được hòa bình trong nội bộ Công đoàn Đoàn kết.” Thực vậy, từ đầu Công đoàn đã có những phe phái khác nhau, nhưng hiếm khi nào mâu thuẫn lại căng thẳng như bây giờ, khi phe cộng sản đang bên bờ tan vỡ.[10]
*
MAZOWIECKI: “NHANH LÊN, NHƯNG TỪ TỪ THÔI”
14.
Một số lãnh tụ có ảnh hưởng trong giai đoạn đầu của Công đoàn Đoàn kết, năm 1980, thì chống lại việc Công đoàn Đoàn kết thành lập chính phủ.
Họ có một đại diện tuyệt vời là nhà trí thức Công giáo Tadeusz Mazowiecki, một người mềm mỏng, nghiêm trang và sâu sắc. Ông năm đó 62 tuổi, vợ đã mất, ông ở chung căn hộ nhỏ cùng hai con trai. Từ khi chiến dịch bầu cử bắt đầu đến nay, hầu như ông không có giờ để ngủ, có thể nói vui rằng ông sống không cần ăn, chỉ cần hút thuốc lá và tiêu hao năng lượng dự trữ.
Mazowiecki tin rằng chưa đến lúc chín muồi để Công đoàn Đoàn kết tham gia chính quyền. Ông chủ trương Công đoàn Đoàn kết nên giữ vai trò đối lập, học tập cách làm nghị sĩ quốc hội và chuẩn bị để lên nắm chính quyền sau cuộc bầu cử bốn năm nữa. Ông cho rằng sẽ là một sai lầm nếu tham gia chính quyền khi “công an và quân đội vẫn nằm trong tay Đảng cầm quyền”, và ông cũng nghĩ rằng nếu Công đoàn Đoàn kết tham gia chính quyền bây giờ, họ có thể sẽ bị đổ tội làm hỗn loạn nền kinh tế Ba Lan.
Ông nói: “Chúng ta có nhiều người khôn ngoan trong hàng ngũ của mình, rất nhiều là đàng khác, họ là những trí thức biết nhiều về lịch sử, triết học, văn học, thần học. Nhưng chúng ta lại không có người biết cách để tiến hành công việc, để tổ chức, để điều khiển chính quyền địa phương và các bộ ngành nhà nước. Chúng ta cần có thời gian để học làm những việc đó. Tôi nghĩ chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng.”
Là một tiếng nói luôn ôn hòa và có tình có lý, Mazowiecki lập luận như thế trên tờ báo ông làm chủ biên, tờTygodnik Solidarnosc (Tuần báo Công đoàn Đoàn kết), trong một bài báo có tên “Nhanh lên, nhưng từ từ thôi.”[11]
*
MICHNIK: “ANH TỔNG THỐNG, TÔI THỦ TƯỚNG”
15.
Adam Michnik, một trong những tiếng nói sáng tạo nhất của phe đối lập Ba Lan, lại bất đồng sâu sắc với lập luận trên.
Ông nghĩ Công đoàn Đoàn kết nên nắm lấy những gì họ có thể nắm được, khi đang có cơ hội. Người dân Ba Lan bao nhiêu năm nay ao ước được thấy người cộng sản rời khỏi chính quyền, và nay họ sẽ không muốn thấy điều gì khác hơn. Lạm phát đã vượt tầm kiểm soát và ở mức gần 500% và đã không có bất cứ quyết định nào được đưa ra khi cuộc khủng hoảng hiến pháp hiện nay đang diễn ra. Ông biết Công đoàn Đoàn kết có một số nhà kinh tế trẻ rất sáng giá, do Leszek Balcerowicz cầm đầu, người đã nói rằng những biện pháp khẩn cấp, cấp tiến, đau đớn nếu cần, tức “liệu pháp gây sốc”, cần phải được thi hành ngay lập tức, trong vài ngày, để cứu vãn cho nền kinh tế khỏi sụp đổ.
Michnik đưa ra một công thức tóm gọn trong câu “Anh Tổng thống, Tôi Thủ tướng”. Điều này có nghĩa Công đoàn Đoàn kết nên cầm đầu một chính phủ liên hiệp trong vai trò Thủ tướng, trong khi Jaruzelski ở vị trí Tổng thống.
Walesa cuối cùng đồng ý đứng về phía Michnik. Bản thân Walesa biết rằng Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II ủng hộ Công đoàn Đoàn kết lên nắm quyền nếu họ có cơ hội. Đức Giáo hoàng cũng nghĩ rằng nếu đế quốc Xô-viết bị đánh bại bằng những cách thức ôn hòa và dân chủ, thì điều đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến người dân toàn cõi Đông Âu.
*
WALESA QUYẾT ĐỊNH BẤT NGỜ
16.
Walesa giải quyết vấn đề bằng cách nhìn vào bài toán số ghế trong quốc hội. Với thói quen quyết đoán, ông một mình đưa ra quyết định dứt khoát, không cần hỏi ý kiến các cố vấn và trợ lý, những người ông cho là nhiều khi làm ông lẫn lộn.
Ông trở về căn hộ của mình tại Gdansk và trong buổi tối ngày 7/8/1989, đưa ra một tuyên bố gửi cho thông tấn xã Ba Lan. Qua bản tuyên bố, ông mời hai đảng đàn em của Đảng Cộng sản – là Đảng Nông dân và Đảng Dân chủ – hãy cắt đứt quan hệ có tính lệ thuộc với Đảng Cộng sản và cùng Công đoàn Đoàn kết thành lập một chính phủ mới. Khi cả ba hợp lại, họ sẽ chiếm được 55 ghế (trên tổng số 100 ghế) tại Hạ viện.
Tuyên bố của Walesa gây sốc trong hàng ngũ lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết. Gần như ông đã không hỏi ý bất cứ ai trong hàng ngũ lãnh đạo Công đoàn. Tuy nhiên quyết định bất ngờ đầy kịch tính này đã có hiệu quả.
Ban đầu thì lãnh tụ Đảng Nông dân, Roman Malinowski, và lãnh tụ Đảng Dân chủ, Jerzy Jozwiak, đã rất hoài nghi về cách dàn xếp này. Họ là hai công chức lão thành, tóc đã bạc, là bù nhìn cho giới lãnh đạo cộng sản nhiều năm trời. Với họ, tuân lệnh đã là một thói quen, và họ hoàn toàn không quen tư duy độc lập. Nhưng các đảng viên của họ đã thuyết phục họ chấp nhận đề nghị. Bản thân họ cũng thấy rằng chẳng bao lâu nữa, họ sẽ bị gạt qua một bên nếu bây giờ không chấp nhận hợp tác.
*
JARUZELSKI: “NẮM QUÂN SỰ, BẠI CHÍNH TRỊ”
17.
Jaruzelski không thích cách dàn xếp vừa kể. Rakowski, lúc này là tân lãnh tụ Đảng Cộng sản, khuyên ông bác bỏ nó. Trong khi đó, Jerzy Orban, phát ngôn viên của Jaruzelski suốt nhiều năm, nói với ông rằng nếu phe cộng sản trở thành phe đối lập trong chính quyền thì họ sẽ đánh mất quyền lực, và “mất toàn bộ, mất vĩnh viễn”.
Tuy nhiên, Tướng Jaruzelski, một người thực tế, rất biết ông không còn chọn lựa nào khác. Chưa đầy hai tuần trước, ông đã nói với các lãnh tụ của Khối Warsaw rằng:
“Công đoàn Đoàn kết xộc vào cuộc đời chúng ta như một cơn bão lớn. Chúng ta phải tìm ra cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại mà không dùng vũ lực, không đổ máu. Chúng ta không thể nào đi mãi trên con đường đã khiến chúng ta cắt đứt quan hệ với giai cấp công nhân … đã xé toạc vết nứt giữa đôi bên, một vết nứt rất khó hàn gắn. Đảng là người bảo đảm cho sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, nhưng Đảng tuyệt đối không phải là một ông vua chuyên quyền. Tôi phải thú nhận rằng chúng ta đã trở thành một ông vua chuyên quyền, cư xử như một ông vua chuyên quyền. Ông vua đó lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng ra lệnh và chỉ đạo. Đúng, chúng ta vẫn điều khiển guồng máy quân sự, nhưng chúng ta đã thất bại về mặt chính trị.” [12]
***
HAI ĐIỀU KIỆN VÀ MỘT QUẢ BOM
18.
Chiều ngày thứ sáu 18/8/1989, Jaruzelski bảo Walesa rằng ông chấp thuận một chính quyền do Công đoàn Đoàn kết cầm đầu, với hai điều kiện.
Ông nói: “Lo ngại của chúng tôi, cũng như của Liên Xô và các nước Khối Warsaw khác, là … nếu Ba Lan sẽ rời khối xã hội chủ nghĩa thì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra.” Về điều kiện thứ hai, Tướng Jaruzelski khẩn khoản yêu cầu Walesa để cho Đảng Cộng sản Ba Lan giữ lại hai ghế Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước hai đề nghị này, Walesa đồng ý.
Tối hôm đó, trên truyền hình, Walesa thông báo: “Ba Lan không thể quên mình đang nằm ở vị trí địa lý nào và mình có bổn phận gì, với ai. Chúng ta đều đang ở trong Khối Warsaw. Và điều đó sẽ không thay đổi”.
Dĩ nhiên, đó chưa phải là lời trấn an Liên Xô hay ho nhất, nhưng Walesa được Jaruzelski bảo đảm rằng như thế là đủ để Walesa được Kremlin “ban phép”.
19.
Nhưng rồi Walesa lại gây chấn động dư luận, như thả một quả bom.
Trong suốt thời gian thương lượng vừa qua, ai nấy đều nghĩ Walesa sẽ là người cầm đầu chính phủ. Mazowiecki, Kuron và hầu hết giới lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết thúc giục ông trở thành Thủ tướng. Khi các nghị sĩ Công đoàn Đoàn kết họp lại để thông qua chính phủ liên hiệp, họ nghĩ mình sẽ bỏ phiếu để duyệt cho Walesa lên làm Thủ tướng.
Nhưng, Walesa tuyên bố ông không có ý định làm Thủ tướng. Ông nói, hơi “giả nai”, rằng: “Tôi muốn mình cứ là công nhân … một người của quần chúng. Tôi muốn ở lại với đám đông, tôi thuộc về họ”.
Lý do chính có lẽ là vì ông biết bất cứ ai cầm đầu chính phủ mới sẽ chẳng được cảm ơn hoặc được ưa chuộng chỉ sau một hoặc hai năm. Ông không muốn liên quan trực tiếp đến những khó khăn đau đớn chắc chắn sẽ xảy ra khi thực hiện “liệu pháp sốc” mà ông hình dung sẽ khiến nhiều nhà máy đóng cửa và nhiều công nhân đã khổ sổ sẽ còn khổ hơn nữa vì mất việc. Ngay Xưởng Đóng tàu Lenin cũng có lịch đóng cửa một phần, trong khuôn khổ chính sách thắt lưng buộc bụng đang được các nhà kinh tế Công đoàn Đoàn kết và cộng sản thảo luận.
Vì vậy, Walesa sẽ tự tay chọn một Thủ tướng, để đưa ra những quyết định khó khăn, trong chính quyền không cộng sản đầu tiên suốt 40 năm qua của Khối Xô-viết. Và như thế Walesa có thể tỏ ra mình đứng bên trên chính trị, vì không cần một chức vụ chính thức.
Lech Walesa lúc này trở thành người quyền lực nhất Ba Lan, và mọi người đều biết.[13]
***
CEAUSESCU KÊU CỨU
20.
Khoảng nửa đêm ngày Jaruzelski đồng ý cho hình thành chính quyền do Công đoàn Đoàn kết cầm đầu, Bộ Ngoại giao Liên Xô nhận được bức điện khẩn từ Bucharest, thủ đô Rumani.
Đó là bức điện của Nicolae Ceausescu, ông đã cuống cuồng gửi điện đến thủ đô các nước Khối Warsaw thúc giục họ can thiệp “để cứu chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan”. Ông tố cáo Công đoàn Đoàn kết là “tay sai của chủ nghĩa đế quốc quốc tế”.
Bức điện gửi đến Ba Lan kêu gọi Tướng Jaruzelski thành lập “chính quyền cứu nguy tổ quốc”. Trong thông điệp gửi Liên Xô, Ceausescu, người 21 năm trước từng lên án việc Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc là can thiệp vào việc nội bộ của một quốc gia độc lập, giờ đây lại kêu gọi một “hành động quân sự tập thể” chống lại Ba Lan. Ông yêu cầu Ngoại trưởng Shevardnadze có mặt ở Bucharest để hội đàm về cuộc khủng hoảng trong phe xã hội chủ nghĩa, và muốn một cuộc họp thượng đỉnh tức tốc để đặt kế hoạch can thiệp vào Ba Lan.
21.
Ceausescu không phải là nhà độc tài duy nhất ở Đông Âu cảm thấy lo lắng. Trong cuộc họp thượng đỉnh tháng trước của Khối Warsaw, Honecker, Ceausescu và Milos Jakes đã thành lập một mặt trận thống nhất để vận động Gorbachev chặn đứng cú trượt dài tại Ba Lan và Hungary.
Honecker cảnh báo đó là một “mối nguy hiểm lớn cho chủ nghĩa cộng sản, và cho tất cả chúng ta ở đây.” Gorbachev trả lời như sau: “Nỗi lo sợ rằng chủ nghĩa xã hội bị đe dọa … là không có căn cứ. Và những ai sợ hãi thì tốt hơn họ nên chờ xem, vì perestroika mới chỉ bắt đầu … Chúng ta đang dịch chuyển từ một trật tự quốc tế này qua một trật tự quốc tế khác”.
Câu trả lời, dĩ nhiên, khiến họ phẫn nộ.
*
GORBACHEV: “ĐỪNG LO”
22.
Khi những diễn biến trọng đại vừa kể đang xảy ra tại Ba Lan thì hầu hết giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó đang đi nghỉ mát.
Gorbachev đang nghỉ ở một biệt thự ven biển Foros vùng Crimea. Ông lo lắng về các vấn đề nội bộ nhiều hơn về những diễn biến ở nước ngoài, kể cả những diễn biến đầy kịch tính và có tính cách mạng như đang diễn ra tại Ba Lan.
Ông đã chấp thuận cho Jaruzelski làm những gì Jaruzelski nghĩ là tốt nhất, và quyết tâm không can thiệp. Chính sách này được Alexander Yakovlev, một trong những người kiến tạo chính sách của Gorbachev, đưa ra và được Gorbachev tuân thủ theo đúng tinh thần và từng câu chữ. Yakovlev nói: “Chúng ta đơn giản chỉ là ngưng, không đạo đức giả nữa. Bao năm qua, chúng ta đã nói với toàn thế giới rằng những quốc gia này đều tự do và độc lập, mặc dù rõ ràng là họ không hề độc lập hoặc tự do. Vì vậy, không cần đưa ra một quyết định trọng đại nào, chúng ta chỉ cần áp dụng những gì là chính sách đã được chính thức công bố.”
Khi Gorbachev nghe được yêu cầu của Ceausescu, ông chỉ nói đơn giản với các trợ lý rằng: “Đừng lo, Ceausescu đang lo cho sinh mạng của chính ông ấy”, rồi ông tiếp tục tập trung vào các vấn đề nội bộ của Liên Xô. Đó mới là những vấn đề làm ông bận tâm trong năm qua, không phải vấn đề tại các nước chư hầu.[14]
Ngoại trưởng Shevardnadze lúc này đang nghỉ mát ở Georgia. Cố vấn chính của ông, Sergei Taransenko, trình ông xem bức điện của Ceausescu khi ông đang nằm tắm nắng ngoài bãi biển. Taransenko kể lại:
“Ông đón nhận tin này một cách nhẹ nhàng. Rõ ràng là ông sẽ không có hành động nào hết. Ông nói: ‘Quên nó đi.’ Rồi chúng tôi tiếp tục ở trên bãi biển và bắt đầu nói chuyện chung chung và trao đổi với nhau, trong khi thân thể vẫn đang mặc quần áo bơi. Ông nói: ‘Cậu có biết điều gì sắp xảy ra không? Đó là chúng ta sẽ mất các đồng minh của ta, mất Khối Warsaw. Các nước này sẽ đi theo con đường của họ … Đúng, chúng ta sẽ khổ. Chúng ta sẽ mất việc.’ Thực ra không khó để hình dung đế quốc sẽ sụp đổ. Đế quốc của chúng tôi đã hết thời rồi. Nhưng chúng tôi không nghĩ nó lại sụp đổ sớm như vậy.”[15]
V.S.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[1] Michael Beschloss và Strobe Talbott, At the Highest Level (Little, Brown, New York, 1993), tr. 186-9; George H. W. Bush và Brent Scowcroft, A World Transformed (Knopf, New York, 1998), tr. 144-50
[2] George H. W. Bush và Brent Scowcroft, A World Transformed (Knopf, New York, 1998), tr. 152
[3] Như trên, tr. 157
[4] Báo Gazeta Wyborcza, ngày 11/7/1989
[5] Tác giả nói chuyện với Tadeusz Mazowiecki, Warsaw, tháng 10/1995; Michael Beschloss và Strobe Talbott, sđd, tr. 170-72
* thực ra chiếc áo khoác này ông mượn của một trong những mật vụ bảo vệ ông.
[6] George H. W. Bush và Brent Scowcroft, sđd, tr. 157
[7] Phỏng vấn Palmer, lưu trữ tại Foreign Affairs Oral History collection of the Association for Diplomatic Studies and Training, Library of Congress, Washington DC
[8] Tác giả nói chuyện với Mazowiecki, Warsaw, tháng 10/1995
[9] Timothy Garton Ash, “Poland After Solidarity”, New York Review of Books, ngày 13/6/1991; tác giả nói chuyện với Jerzy Urban, Warsaw, tháng 10/1995
[10] Báo Gazeta Wyborcza, ngày 3/8/1989
[11] Tác giả nói chuyện với Mazowiecki, Warsaw, tháng 10/1995
[12] Tường trình bài diễn văn của Jaruzelski trong Malcom Byrne và Vojtech Mastny (eds), A Cardboard Castle? An Inside History of the Warsaw Pact (Central European University Press, Budapest, 2005)
[13] Bronislaw Geremek, Rok 1989 – opowiada, Jacek Zakowski pyta (The Year 1989 – Bronislaw Geremek Advocates, Jack Zakowski Asks, bản dịch tiếng Pháp có tên La Rupture (Seuil, Paris, 1991))
[14] Như trích trong Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997), tr. 288
[15] Phỏng vấn Tarasenko, tháng 3/1999, OHCW (Oral History of the Cold War) – Russian Academy of Sciences, Moscow
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/36742
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét