Thị trường lại xuống dốc Bắc Kinh vẫn lúng túng
Ngô Nhân Dụng
Thị trường Chứng khoán Thượng Hải lại tụt dốc ba ngày liền, mặc dù Bắc Kinh đã làm đủ cách để nâng lên. Người mất tiền nhiều nhất ở Trung Quốc có lẽ là ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin,王健林), Chủ tịch Tổng công ty Vạn Đạt Đại Liên (Wanda Dalian, 万达大连), với tài sản hơn 42 tỷ Mỹ kim, được coi là cá nhân giầu nhất châu Á. Chỉ trong hai ngày đầu tuần lễ, giá cổ phiếu ông làm chủ mất giá 3,6 tỷ Đô la. Kể từ ngày 12 tháng Sáu, khi thị trường lên cao nhất, Vương Kiện Lâm đã mất 9 tỷ Đô la!
Nhưng không riêng gì người Trung Hoa trong lục địa mất tiền. Người nước ngoài cũng gặp khốn khó khi Bắc Kinh thất bại trong việc điều hành nền kinh tế. Một thí dụ là công nghiệp nước Đức, nước xuất cảng nhiều nhất sang Trung Quốc trong số 28 quốc gia khối Liên hiệp Âu châu (EU). Năm 2007, hàng Đức bán sang Trung Quốc trị giá bằng 3,1% tổng số hàng xuất khẩu; năm 2014 đã tăng lên thành 6,6%; chủ yếu là bán xe hơi và các loại máy móc lớn. Trong nửa đầu năm 2015, số xuất cảng sang nước Tàu không tăng nhiều hơn con số bán sang Hy Lạp, một nước đang lâm cảnh khủng hoảng. Máy móc bán sang Tàu đã giảm mất gần 5%. Một thị trường đang đem lại nhiều lợi nhuận đã trở thành một gánh nặng vì các công ty Đức đã đầu tư quá nhiều khi trông mong bán hàng cho Trung Quốc. Năm ngoái Công ty chế tạo thang máy Thyssen Krupp Elevator bán hơn một tỷ Euro sang Tàu, chiếm 16% tổng số sản xuất. Năm nay số bán giảm, việc thu hồi vốn đầu tư sẽ chậm lại. Volkswagen tiên đoán số sản xuất cho thị trường Trung Hoa sẽ thấp hơn năm ngoái. Lần đầu tiên trong mười năm, số xe BMW bán ở Trung Quốc đã giảm bớt Trong ba tháng đầu năm 2015 số đầu tư của các công ty Đức giảm, tổng sản lượng nội địa sẽ bị cắt 0,1%! Nhưng công nghiệp Đức còn bị thiệt hại qua ngả khác nữa. Vì các công ty Đức đã đổ vào Brazil 19 tỷ Euro rồi chứng kiến kinh tế Brazil xuống dốc vì không còn bán được quặng mỏ và đậu nành sang Trung Quốc nhiều như trước! Trong hai năm qua giá quặng sắt mà Brazil vẫn bán sang Tàu bị tụt mất 60% vì các nhà máy thép Trung Quốc không bán được hàng.
Ông Vương Kiện Lâm mất gần 10 tỷ Mỹ kim vì giá chứng khoán xuống, đó chỉ là bề nổi. Các công ty Đức thiệt hại vì cả nền kinh tế Trung Quốc xuống, đó mới là mối nguy lớn. Trong thời gian tới, chính quyền Bắc Kinh sẽ không cần lo vấn đề Thị trường Chứng khoán nữa, nhưng họ sẽ đối phó với cảnh kinh tế giảm tốc độ thế nào, đó sẽ là mối lo của cả thế giới.
Khả năng điều khiển bị lung lay
Thị trường Chứng khoán tụt dốc lần thứ hai là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Bắc Kinh đang lúng túng trong việc “điều hành” kinh tế, mà trên căn bản đảng Cộng sản vẫn muốn duy trì quyền điều khiển theo truyền thống kinh tế tập trung trước khi đổi mới năm 1978.
Gần hai tháng trước, các Thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến đã xuống giá đột ngột, Bắc Kinh tìm cách nâng lên giá cổ phiếu với nhiều biện pháp không bình thường: Ra lệnh người mua không được mua, người bán phải ngưng bán, và đưa thêm tiền cho người ta vay để mua cổ phiếu! Trên thế giới chưa có một chính phủ nào can thiệp vào giá cả trên Thị trường Chứng khoán như thế! Nhưng các giải pháp bất thường này mất hiệu lực. Từ ngày Thứ Hai 24 tháng Tám, Chỉ số Thượng Hải lại tụt xuống, trong hai ngày mất 8,5%, đến Nhật báo Nhân Dân (Bắc Kinh) phải đặt tên là ngày Thứ Hai Đen. Hôm sau thị trường xuống thêm 7,6% và sau khi Ngân hàng Trung ương (Nhân Dân Ngân hàng) đã cắt lãi suất vẫn mất thêm 1,3% nữa. Tổng cộng giá trị các công ty Trung Quốc đã giảm 42% kể từ giữa tháng Sáu, 3.300 tỷ Mỹ kim biến mất, các nhà đầu tư nhỏ cháy túi!
Đợt tụt giá thứ nhì trong vòng hai tháng này diễn ra sau quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ vào tuần trước. Sau khi đã hạ giá đồng Nguyên trong hai ngày liền, tới ngày thứ tư Ngân hàng Trung ương phải tăng giá để chặn không cho tiền xuống quá thấp. Việc hạ giá đồng Nguyên so với Mỹ kim nhằm giúp cho hàng xuất cảng dễ cạnh tranh hơn, cho thấy Bắc Kinh bắt đầu lo lắng, phải hy sinh giá trị đồng tiền để gia tăng sản xuất.
Vào cuối tuần, Bắc Kinh ban hành thêm một giải pháp nữa để nâng giá chứng khoán, là cho phép các quỹ hưu bổng được dùng tới 30% tiền đầu tư để mua cổ phiếu. Khắp trên thế giới, thường các quỹ hưu bổng không được phép mua cổ phiếu mà chỉ được đầu tư vào trái phiếu, vì ai cũng biết thị trường cổ phiếu lên xuống bất thường, trong khi bổn phận của các quỹ hưu bổng là bảo vệ tiền vốn do giới lao động đóng góp, để dành chờ khi về hưu sẽ rút ra. Khi chính quyền ‘cho phép” các quỹ hưu bổng mua cổ phiếu thì người ta hiểu ngầm rằng họ sẽ “ra lệnh miệng” cho các nhà quản lý phải chấp nhận rủi ro mà đi mua cổ phiếu. Riêng quyết định phá lệ này có thể sẽ đưa vào thị trường thêm 550 tỷ Đô la để mua các cổ phiếu đang lo xuống giá. Nhưng trong ngày Thứ Sáu, 21 tháng Tám, các con số thống kê được công bố cho thấy sức sản xuất không tăng lên như ý muốn, hậu quả là sau hai ngày cuối tuần thị trường mở cửa là cổ phiếu bắt đầu xuống thảm hại hơn.
Để cứu vãn Thị trường Chứng khoán lần thứ nhì, Nhân Dân Ngân hàng lại cắt lãi suất một phần tư điểm, xuống 4,6% một năm, và cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay nhiều hơn bằng cách giảm bớt số tiền dự trữ bắt buộc xuống 18%, giảm bớt nửa điểm. Cả hai biện pháp nhằm giúp các ngân hàng cho vay dễ dàng hơn, có thể đưa thêm tiền cho những người muốn vay để mua cổ phiếu. Chỉ cần giảm 0,50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng cho phép các ngân hàng cho vay thêm 678 tỷ đồng Nguyên, tương đương với 106 tỷ Đô la.
Lãi suất chỉ giảm bớt 0,25% khiến nhiều người chỉ trích là cắt giảm ít quá. Nhưng đây là lần thứ năm Nhân Dân Ngân hàng cắt lãi suất kể từ cuối năm ngoái, mỗi lần đều chủ ý cho các ngân hàng đưa thêm tiền vào thị trường. Chủ tịch Ngân hàng Chu Tiểu Xuyên khó lòng cắt lãi suất nhiều hơn, vì số nợ trong cả nền kinh tế đã lên quá cao đến mức nguy hiểm. Riêng số nợ của các chính quyền địa phương đã lớn bằng tổng sản lượng nội địa của cả nước Đức, hơn 680 ngàn tỷ Đô la! Hơn nữa, nếu cắt lãi suất nhiều hơn thì sẽ thổi phồng quả bóng địa ốc lên trong khi sức căng đã quá lớn, chỉ lo quả bóng bùng nổ. Ông Chu Tiểu Xuyên có thể đã cưỡng lại áp lực của Tập Cận Bình khi quyết định nới lỏng tiền tệ có chừng mực, tránh những tai họa lớn khó kiềm chế hơn.
Sau các biện pháp tiền tệ trên, Bắc Kinh đã sử dụng thêm một vũ khí tâm lý để trấn an giới đầu tư trong nước. Ủy hội Giám sát Chứng khoán (China Securities Regulatory Commission, tên đầy đủ là Trung Quốc Chứng khoán Giám đốc Quản lý ủy viên hội, 中國証券監督管理委員會) loan báo đã mở cuộc điều tra năm công ty môi giới chứng khoán lớn nhất. Rất khó kết tội các công ty này vì họ bán quá quá nhiều cổ phiếu khiến thị trường tụt dốc, vì việc mua bán là quyết định tự nhiên của tất cả những người kinh doanh. Cho nên một tội danh chung được nêu ra là các công ty môi giới đã “không điều tra để xác định danh tính các người mua bán cổ phiếu, như luật định.” Ba người cấp giám đốc công ty Citic (Trung Quốc Chứng Khoán, 中信证券股份有限公司đã bị bắt giam, vì tội “bán non cổ phiếu” với ý phá hoại. Bán non, short selling, tức là bán những cổ phiếu mình đi mượn, hẹn sẽ trả lại bằng cổ phiếu trong một thời gian ngắn sau đó. Người bán non tin rằng giá cổ phiếu đang xuống, đến khi phải trả thì họ mua được các cổ phiếu đó với giá thấp hơn lúc mượn và bán. Đây là một hành động hợp pháp tại các thị trường khắp thế giới, kể cả Trung Quốc.
Hành động điều tra và bắt giam này có tác dụng trấn an dư luận, cho thấy chính quyền vẫn đang làm chủ tình hình. Vì trong một chế độ công an trị thì mỗi khi gặp cơn khủng hoảng khi thấy công an đang làm việc người ta cảm thấy an tâm hơn! Sau khi các biện pháp tài chánh của nhà nước không đạt được hiệu quả họ mong muốn, loan báo các vụ điều tra và bắt giam của công an khiến người dân thường nghĩ chính phủ của họ đang hành động mạnh hơn! Lòng tin tưởng tăng lên trong ngày Thứ Năm 27 tháng Tám, Thị trường Thượng Hải tăng lên được 5,3%; qua ngày Thứ Sáu lại tăng thêm 4,8%. Sau một tuần lễ, chỉ số Thượng Hải chỉ còn tụt giá 8% thôi. Đằng sau thị trường, chính quyền đã thúc đẩy việc mua cổ phiếu để hỗ trợ cho tâm lý lạc quan này, vì ngày 3 tháng Chín trong tuần tới họ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm “70 năm Chiến thắng Nhật” với một cuộc diễn binh vĩ đại. Việc can thiệp trực tiếp để nâng thị trường lên một cách giả tạo như vậy, là điều rất nguy hiểm. Vì nếu đó là sự thật đúng như tin đồn, thì sẽ khiến cho công chúng càng thêm mất niềm tin vào Ngân hàng Trung ương. Khi nhà nước in thêm tiền để mua và nâng giá cổ phiếu, thì giá trị của chính đồng tiền sẽ bị nghi ngờ.
Bắc Kinh cũng cần trấn an thị trường vì sau hai tháng khủng hoảng, người ta thấy khả năng kiểm soát của chính quyền rất yếu và tỏ ra lúng túng. Công chúng mất tin tưởng vào khả năng điều hành của giới lãnh đạo. Trong ba thập niên qua, món võ chính của họ là xuất cảng thật nhiều và bỏ tiền ra xây dựng thật nhiều, từ cơ xưởng sản xuất tới hạ tầng cơ sở. Hai món võ này đã thi triển hết nội lực. Tháng Bẩy vừa qua hàng xuất cảng giảm bớt 8,3%, và trong bẩy tháng đầu năm đơn mua hàng đặt cho các nhà máy giảm 17%. Từ sáu năm qua, lần đầu tiên số bán điện thoại di động “smart phone” đã giảm đi. Trong ba tháng quý thứ nhì năm 2015 các cuộc đình công và biểu tình của giới lao động đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Giới lãnh đạo trung ương đang mất khả năng điều khiển chính guồng máy họ đang cầm tay lái. Chương trình chống tham nhũng được Tập Cận Bình tung ra để loại bỏ các đối thủ trong phe Giang Trạch Dân khiến nhiều quan chức dè dặt không dám tiến hành các dự án, chỉ sợ phạm những sơ hở để chính họ bị tố tham nhũng. Nhiều quan chức cũng cố tình chọn thái độ dè dặt để chống đối, làm cho cả guồng máy đình trệ. Tháng Tư 2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lớn tiếng chỉ trích các địa phương không đầu tư nhanh theo tốc độ như ý trung ương. Các ngân hàng của nhà nước cũng vậy. Ngân hàng Phát triển có dự án cho vay 1.160 tỷ đồng Nguyên (181 tỷ Đô la Mỹ) nhưng trong nửa năm mới đem cho vay được 72 tỷ. Ngân hàng Phát triển Nông Nghiệp hứa sẽ tháo khoán 46 tỷ, nhưng chỉ cho vay được gần 3 tỷ.
Trong khi giới lãnh đạo lo bơm thêm tiền cứu vãn Thị trường Chứng khoán thì họ lại làm cho một mối đe dọa khác trở nên nguy hiểm hơn, là quả bom nợ đang đè nặng trên cả hệ thống tài chánh.
Bom nợ vẫn đe dọa
Với tổng sản lượng nội địa (GDP) hơn 10 ngàn tỷ Mỹ kim mỗi năm, tổng số nợ hiện nay lớn gần gấp ba, lên tới 28 ngàn tỷ, bằng 280% GDP, tăng từ tỷ lệ 100% vào năm 2008.
Nợ tăng gấp bốn lần từ năm 2007. Hiện tượng này được khơi ngòi từ phản ứng của Bắc Kinh khi kinh tế thế giới rơi vào cơn khủng hoảng năm 2008, phát xuất từ cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ, lan sang Châu Âu. Họ đưa 800 tỷ Mỹ kim vào thị trường, nhờ thế nền kinh tế Trung Quốc không suy thoái. Nhưng số tiền “kích thích” đó được sử dụng như thế nào? Dùng trong thế mõ “trấn sơn” của đảng là xây dựng, xây dựng. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước được vay nợ với lãi suất thấp đổ tiền vào xi măng, thép, nhôm, xây dựng thật nhiều. Từ đó quả bóng địa ốc căng lên dần dần.
Bắc Kinh đối phó với cơn khủng hoảng địa ốc bằng cách chuyển trọng tâm qua Thị trường Chứng khoán. Trong lúc hạn chế bớt số tiền cho vay để xây nhà, các ngân hàng của nhà nước đem tiền cho các nhà đầu tư mua chứng khoán. Đồng thời, guồng máy báo đài cùng thúc đẩy việc làm giầu bằng chứng khoán. Không cần lệnh từ cấp trên, các nhà báo đã có thể viết bài ca tụng các công ty hay các người đầu tư, khi nhận được các phong bì, tạo nên ảo tưởng những cách làm giầu nhanh chóng.
Hậu quả là quả bom nợ lớn lên trong thị trường địa ốc lại được tăng thêm với những món nợ mới trong giới đầu tư chứng khoán. Một nền kinh tế không thể sống bằng nợ mãi mãi. Khi các món nợ tăng lên, sẽ tới lúc chúng tác hại.
Tỷ lệ tổng số nợ lớn bằng 280% GDP đáng lo ngại, nhưng tốc độ gia tăng của các món nợ còn là những tín hiệu báo động mạnh hơn nữa. Năm 2010, số nợ của các công ty tư và các cá nhân ở Trung Quốc đã tăng lên một số tương đương với 35% GDP. Để so sánh, chỉ cần nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế ở Nhật Bản những năm 1990 phát nổ khi số nợ tăng lên mỗi năm lớn bằng 25% GDP. Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2007 khi tổng số nợ tăng thêm cũng bằng 15% GDP.
Có thể nói đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc gặp một cơn khủng hoảng theo lối kinh tế tư bản. Nhưng các biện pháp cứu chữa của họ lại rút ra từ túi kinh nghiệm của kinh tế hoạch định tập trung: Dùng mệnh lệnh, dùng ngân sách quốc gia để điều khiển thị trường, không tăng các món nợ trong lãnh vực địa ốc để cho nợ trong lãnh vực chứng khoán tăng nhanh hơn. Ra lệnh các quỹ hưu bổng mua, ra lệnh các doanh nghiệp ngưng bán cổ phiếu để giữ giá, vân vân. Đây là do kinh nghiệm điều hành kinh tế thời “Trước Đặng Tiểu Bình,” khi nhà nước đề ra các chỉ tiêu sản xuất thép, sản xuất số tấn thóc lúa, số đôi giầy, dép, vân vân. Phương pháp đó không hiệu quả!
Bơm tiền vào nền kinh tế cũng giống như bón phân vào ruộng, càng nhiều thì hiệu quả càng thấp hơn, nhiều quá thì cây cũng chết. Trước cơn khủng hoảng 2008, mỗi đồng Nguyên đem cho vay có thể sẽ sinh ra thêm các sản vật trị giá năm đồng Nguyên trong vòng sáu năm. Trong sáu năm từ 2008, mỗi đồng Nguyên bơm vào làm tín dụng chỉ sinh ra thêm được ba đồng Nguyên mới. Hiện nay, quả bom nợ chưa nổ bùng vì tất cả các người quyết định trong nền kinh tế đều nhận lệnh từ một trung ương: Người vay, người cho vay. Một ngân hàng của nhà nước sẽ không bắt một công ty thép của nhà nước phải tuyên bố phá sản. Các con nợ lớn nhất là các cấp chính quyền địa phương, các nhà xây cất đường cầu và nhà cửa, và các xí nghiệp quốc doanh. Số ngoại tệ dụ trữ 3,700 tỷ Mỹ kim cũng là một cái đệm an toàn. Tình trạng này giúp cho Bắc Kinh mua thêm được thời gian để giải tỏa gánh nặng nợ nần trong ngắn hạn. Nhưng tình trạng này cũng không thể kéo dài mãi mãi.
Trong thời gian chạy chữa đó, giới lãnh đạo phải lo bảo vệ mức sống của người dân, nhất là giới trung lưu ở thành thị. Hiện nay lợi tức bình quân một người Trung Hoa, tính theo mãi lực chứ không theo tỷ giá hối đoái (PPP), khoảng 12.000 Đô la, bằng một phần ba lợi tức PPP của dân Nam Hàn.
Cả thế giới lo lắng
Cơn khủng hoảng thị trường sau đợt giảm giá đồng Nguyên khiến thị trường ngoại hối trên thế giới chuyển động. Vì sau khi thị trường Thượng Hải xuống, mọi người đều lo kinh tế Trung Quốc đang suy yếu hơn là các số thống kê chính thức; kinh tế của các nước giao dịch với Trung Quốc cũng lo sẽ xuống. Giá chứng khoán khắp nơi đều xuống, người ta bán để lấy tiền đầu tư vào những nơi an toàn hơn. Vì thế tiền tệ nhiều nước xuống giá trong khi đồng Yen của Nhật Bản và đồng Franc Thụy Sĩ lên giá.
Đô la Mỹ biến chuyển theo chiều hướng khác. Trong mấy ngày đầu, đồng Đô la Mỹ xuống giá vì thị trường tiên đoán trước cảnh kinh tế Trung Quốc xuống dốc, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Federal Reserve, hay Fed) sẽ không tăng lãi suất như đã được tiên liệu trong tháng Chín này. Gần một năm qua, Đô la Mỹ lên giá vì kinh tế Mỹ hồi phục và mọi người đoán Fed sắp tăng lãi suất để ngăn chặn trước nạn lạm phát. Khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu xuống và nhiều nước sẽ xuống theo, Fed có thể sẽ không tăng lãi suất trong mấy tháng tới nữa, để khỏi gây khó khăn cho cả thế giới. Bởi vì nếu lãi suất ở Mỹ tăng lên thì nhiều nhà đầu tư khắp các nước sẽ tìm mua các chứng khoán Mỹ; tiền vốn sẽ đổ vào nước Mỹ trong khi bao nhiêu nước khác sẽ thiếu vốn rất cần để chống đỡ trong lúc đang gặp khó khăn. Nếu Fed tăng lãi suất, đồng Đô la sẽ lên giá, gây thêm khó khăn cho các nước đang phát triển theo cách khác, là họ sẽ phải lo trả nợ nhiều hơn. Hầu hết các món nợ vay từ nước ngoài đều vay bằng Mỹ kim. Khi Mỹ kim lên giá, các con nợ sẽ phải đổi lấy Mỹ kim với giá cao hơn, thêm một nỗi khó khăn nữa trong tình cảnh vốn đã bi quan. Chính vì thế, khi cơn khủng hoảng thị trường ở Trung Quốc diễn ra ba ngày liên tiếp thì thị trường thế giới đoán rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không tăng lãi suất trong tháng Chín này, đồng Đô la Mỹ đã xuống giá.
Cả thế giới đang theo dõi tình hình kinh tế nước Trung Hoa vì tất cả các nước hiện nay đang liên hệ chặt chẽ với nhau. Với 1.3 tỷ người, đây là một thị trường lớn. Nếu mỗi người dân Trung Quốc bớt chi tiêu 10% thì công nghiệp và nông nghiệp các nước khác sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc đã từng nhập cảng 58% số quặng sắt, 58% số đậu nành, 31% số đồng thau, 15% số dầu lửa và 32% các mạch bán dẫn (integrated circuits) sản xuất trên thế giới để lắp các máy móc điện tử. Công ty Bloomberg tính một chỉ số thương mại thế giới dựa trên 22 khoáng chất và nông sản, chỉ số này hiện xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tất cả những nước cung cấp tiếp liệu cho hơn một tỷ người Trung Hoa sẽ cùng xuống dốc với khách hàng của họ. Những nước này gồm từ Brazil qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới Phi châu, Úc châu.
Nước Mỹ có lẽ bị ảnh hưởng nhẹ nhất. Đối với các công ty Mỹ trong nằm trong danh sách của chỉ số SP500, số thu nhờ giao dịch với Trung Quốc chỉ lớn bằng 2% tổng số bán của họ trên toàn thế giới. Số xuất cảng từ Mỹ sang Tàu chỉ bằng 1% GDP; nếu có giảm bớt 10% thì cũng không đáng lo. Chủ tịch công ty Apple mới họp nhân viên thông báo rằng chi nhánh ở Trung Quốc vẫn yêu cầu gửi thêm hàng, mặc dù số điện thoại di động bán ở Trung Quốc đã giảm! Nhưng khi kinh tế các nước ở châu Mỹ La tinh, châu Âu, châu Á xuống thì họ cũng chính là những khách hàng của Mỹ! Cho nên nước Mỹ cũng khó bình chân như vại!
Tổng sản lượng nội địa Trung Quốc lớn hiện nay lớn bằng 15% GDP cả thế giới, cho nên khi kinh tế Trung Quốc xuống thì nhiều nước cũng bị vạ lây. Năm 1990, khi Nhật Bản bắt đầu khủng hoảng, GDP của Nhật cũng vào khoảng 15% GDP cả thế giới. Nhưng trong thời gian đó, thế giới không lo lắng như đang lo ảnh hưởng của cơn suy thoái có thể diễn ra tại Trung Quốc bây giờ. Lý do vì khi có nhiều thông tin minh bạch thì mối lo lắng về rủi ro sẽ giảm đi. Nước Nhật theo một chế độ tự do dân chủ như các nước trong khối G 7 khác, báo chí được tự do điều tra và loan báo các tin tức nên nhà nước không thể hành động trong vòng bí mật. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản độc lập với chính phủ trong việc quyết định chính sách tiền tệ, lãi suất, các quyết định được thông báo nhanh chóng với lời giải thích đầy đủ theo nhu cầu của công chúng. Những người nắm quyền ở Nhật Bản đều chịu trách nhiệm trước dân chúng cho nên họ bắt buộc phải hành động một cách minh bạch công khai.
Tai hại vì thiếu minh bạch công khai
Guồng máy kinh tế Trung Quốc khác hẳn, không bao giờ minh bạch công khai, đó là một nguyên nhân khiến mối lo của cả thế giới nặng nề hơn. Các quyết định kinh tế ở Bắc Kinh đều diễn ra trong vòng bí mật, các phiên họp bàn về chính sách tiền tệ lãi suất không bao giờ được tiết lộ cho bên ngoài biết; trong khi biên bản mỗi phiên họp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ đều được công bố đầy đủ, hai tháng sau khi họp.
Ngân hàng Trung ương các nước lớn đều độc lập với chính phủ, để tự do quyết định theo nhu cầu bảo đảm giá trị đồng tiền ổn định. Phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều công bố họ nắm giữ ỷ lệ lạm phát ở một mức nào đó, thí dụ 2%, để các doanh nghiệp định kế hoạch làm ăn. Ở Trung Quốc thì không; Bộ Chính trị ảnh hưởng mạnh trên Ngân hàng Trung ương cho nên người ta không thể tiên đoán các chính sách của Nhân Dân Ngân hàng dựa trên các lý luận thuần túy kinh tế; giống như khi thị trường thế giới tiên đoán Ngân hàng Trung ương Mỹ sắp tăng lãi suất.
Dân Trung Quốc không được biết các lãnh tụ quyết định về vận mệnh kinh tế của họ như thế nào, truyền thống bí mật đó bắt đầu từ thời Mao Trạch Đông, vẫn chưa thay đổi. Khi Lâm Bưu, người được chỉ định kế vị Mao chết trên đường chạy trốn qua Nga, hai tháng sau người dân Tàu mới biết tin! Trong nền kinh tế thị trường, thông tin là một yếu tố quan trọng nhất, để người tiêu thụ cũng như nhà sản xuất quyết định.
Các con số thống kê kinh tế của Bắc Kinh cũng bị nghi ngờ, ngay cả chính quyền Trung Quốc cũng nghi ngờ lẫn nhau. Từ nhiều năm qua, cơ quan thống kê ở Bắc Kinh đã chấm dứt không sử dụng các con số do các tỉnh cung cấp! Cho nên nếu cộng các con số về tổng sản lượng nội địa của các tỉnh chúng ta sẽ thấy nó lớn hơn con số về GDP của cả nước! Không ai có thể tin tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc cứ đứng mãi chung quanh con số 4,1%, hết tháng này qua năm khác!
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thú nhận chính ông cũng không tin vào các số thống kê, mà ông gọi là “nhân tạo.” Khi đứng đầu tỉnh Liêu Ninh, năm 2007 ông Lý Khắc Cường khuyên mọi người hãy kiểm tra con số tổng sản lượng nội địa bằng các số tiêu thụ điện, số hàng chuyên chở qua hỏa xa, số tiền vay ngân hàng, vân vân.
Những số thống kê kinh tế Trung Quốc còn khó sử dụng vì không đầy đủ. Thí dụ, họ cho biết quỹ dự trữ ngoại tệ là 3.7 ngàn tỷ Mỹ kim, nhưng không ai biết trong số đó bao nhiêu tỷ, hay hàng trăm tỷ đã được cho vay, cho ai, dưới hình thức nào. Thói quen giữ bí mật khiến các nước khác khó làm ăn với Trung Quốc. Một viên chức bộ Tài chính Mỹ nhận xét: “Với các nước trong nhóm G 7 hay G 20, tôi có thể gọi điện thoại nói chuyện với họ, hỏi nhau tin tức một cách thẳng thắn, thành thật, có thể gọi mỗi tuần một lần. Còn với chính phủ Trung Quốc thì mình không biết phải gọi cho ai. Không thể biết những ai là người quyết định các chính sách nào!”
Vì vậy, các nhà kinh tế thế giới đều nghi ngờ con số 7% mà Bắc Kinh thông báo là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã đạt được. Công ty Capital Economics ở London, Anh quốc, đã nghiên cứu cc con số tiêu thụ điện, số hành khách và vận tải đường bộ, đường thủy, số nhà cửa xây cất, vân vân và đi tới con số mức tăng trưởng khoảng 4,8%. Công ty Lombard Street Research, cũng ở London, tính toán theo cách khác, đưa ra tỷ lệ 3,7%.
Tình trạng thông tin thiếu minh bạch công khai như trên gây tai hại cho chính nền kinh tế Trung Quốc. Các lãnh tụ Trung Nam Hải bàn bạc chính sách tiền tệ và kinh tế trong vòng bí mật cho nên họ có thể quyết định chỉ để thỏa mãn nhu cầu chính trị nhất thời, theo nhu cầu của những người đang cầm quyền chứ không vì lợi ích cho kinh tế quốc dân. Chế độ độc tài chuyên chế khiến cho không ai có thể theo dõi, giám sát và ảnh hưởng tới các quyết định của họ.
Vì vậy, khi dân chúng bắt đầu bớt tin tưởng, thì mối nghi ngờ càng trầm trọng hơn. Những con sụt giá của Thị trường Chứng khoán trong hai tháng qua, và cảnh lúng túng đối phó của chính quyền, cũng như quyết định phá giá đồng Nguyên một cách vụng về khiến người dân Trung Hoa càng mất tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế của Đảng Cộng sản. Những vụ nổ ở Thiên Tân và tỉnh Sơn Đông càng lung lay thêm niềm tin tưởng đang bị xói mòn đó.
Nhân lễ hội “Chiến thắng Phát xít Nhật” trong tuần tới, dân Trung Quốc sẽ được nghỉ ba ngày. Sau đó, khi Thị trường Chứng khoán mở cửa, chúng ta sẽ có cơ hội xem các biện pháp của chính quyền Bắc Kinh có hiệu lực tới đâu và phản ứng của dân Trung Hoa như thế nào. Việc theo dõi này cũng lý thú không khác gì đọc truyện Tam Quốc!
27-8-2015
N.N.D
Tác giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/37136
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét