Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Vì sao có thư từ ông Võ Văn Kiệt?

Vì sao có thư của ông Võ Văn Kiệt?

  • 10 tháng 8 2015
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đón Thượng nghị sỹ Mỹ Tom Harkin thăm Hà Nội 3/07/1995
Bước vào tuổi 80, tôi không ít những ký ức vui và buồn. Một trong những ký ức đeo đuổi tôi dai dẳng nhất, đó là bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 09-08-1995 gửi Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ông kiến nghị Đảng phải thay đổi gần như tất cả, để trở thành một đảng khác, ngõ hầu có thể đưa đất nước lên con đường của phát triển.
Vậy, bức thư 09-08-1995 nói gì và đất nước chúng ta hôm nay đang đối mặt với những vấn đề gì?
Dưới đây xin nêu lên vài suy nghĩ.

Bối cảnh và nội dung bức thư:

Mười năm đầu tiên của đổi mới trong kinh tế (1986 – 1995) có thể được xem là thời kỳ kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục nhất cho đến nay, với nghĩa (a)các chỉ số của tăng trưởng và phát triển có thể nói là rất hài hòa, (b)kinh tế thị trường được phát huy, và (c)nhà nước chỉ thực hiện sự can thiệp tối thiểu phải có, vì không khí dân chủ trong kinh tế thời ấy một phần, và sự thật là vì còn thiếu nhiều luật lệ.
Quá trình phát triển nói trên làm xuất hiện trong giới lãnh đạo nỗi lo kinh tế thị trường có thể uy hiếp sự tồn vong của chế độ chính trị, mặt khác nạn tham nhũng bắt đầu nở rộ - gốc gác không phải do kinh tế thị trường; cha đẻ của tệ nạn này là quyền đứng trên luật pháp của chế độ chính trị một đảng.
Trong tình hình ấy, Bộ Chính trị quyết định họp Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 – 25-01-1994), một hiện tượng bất thường chưa hề có thời bình, nhắm “chấn chỉnh” hướng phát triển của đất nước.
Hội nghị này nêu lên bốn nguy cơ: (1) tụt hậu về kinh tế, (2) chệch hướng chủ nghĩa xã hội, (3) tham nhũng, (4) diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Song hội nghị đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ chệch hướng và nguy cơ diễn biến hòa bình.
Đây cũng là thời kỳ trong lãnh đạo Đảng có những quan điểm khác nhau quyết liệt chung quanh các vấn đề sinh tử: chiến lược phát triển, hội nhập quốc tế, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đàm phán gia nhập WTO...
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu ra nhiều vấn đề quốc tế
Sự xoay đổi của hội nghị này tác động nghiêm trọng tiến trình đổi mới tiếp, tăng cường xu thế bảo thủ. Từ đây trở đi kinh tế Việt Nam đi vào chu kỳ trồi – sụt nối nhau liên tiếp (khoảng 5 - 6 năm / chu kỳ, nghĩa là khá ngắn, luôn dao động), mặc dù kinh tế Việt Nam ngày một phát triển cao hơn và hội nhập sâu hơn.
Tình hình trên chi phối sâu sắc quá trình chuẩn bị Đại hội VIII, làm mất đà phát triển kinh tế năng động vừa mới gây dừng lên được; trong khi đó lãnh đạo Đảng thiếu sự nhìn nhận đúng và thống nhất về con đường phát triển mà đất nước đòi hỏi. Đấy là bối cảnh thôi thúc viết bức thư ngày 09-08-1995.
Vào thời điểm soạn thảo thư, hầu như toàn bộ công việc chuẩn bị Đại hội VIII đã lên khuôn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, theo hướng đã được Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII ấn định (bốn nguy cơ). Nghĩa là rất khó có cơ hội thay đổi hướng đi hoặc đưa ra những luồng suy nghĩ khác.
Giữa lúc này trong Đảng lại xảy ra sự cố một số vị lãnh đạo bảo thủ muốn đưa Nguyễn Hà Phan lên làm thủ tướng vào dịp Đại hội VIII sắp họp (28-06 đến 01-07-1996), khiến cho mọi chuyện thêm phức tạp.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu rõ thực tế đã đóng khung này, song ông cố tận dụng những điều kiện hạn chế còn cho phép, nêu lên bốn 4 vấn đề hệ trọng yêu cầu Bộ Chính trị xem xét:
(1) Phải nhìn nhận lại để hiểu đúng cái thế giới chúng ta đang sống và quyết tâm hội nhập,
(2) Chệch hướng hay không chệch hướng xã hội chủ nghĩa?
(3) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước,
(4) Đổi mới xây dựng Đảng.
Xin lưu ý, thư được viết ra cách đây 20 năm, nên không thể thoát ly được sự ràng buộc khắt khe của hoàn cảnh khách quan và sự hạn chế của nhận thức lúc ấy.

Nội dung cốt lõi của bức thư là:

Phải hiểu đúng thế giới, để từ đó xem lại và xác định cho đúng con đường phát triển của đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế giới hôm nay phải được bắt đầu từ xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, muốn thế Đảng phải thay đổi toàn diện.
Phần nhìn nhận lại thế giới nêu lên sự cần thiết phải loại bỏ cách nhìn ý thức hệ, nhận thức rõ những xu thế mới trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, sự cần thiết Việt Nam phải chủ động tham gia vào quá trình này để xây dựng và bảo vệ đất nước, không được phép bỏ lỡ cơ hội này.
Đáng chú ý trong phần này, bức thư đặt vấn đề phải nhìn rõ thực chất của bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại (Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên), không thể được xem như một dạng còn tồn tại của chủ nghĩa xã hội, trong khi đó quan hệ Việt – Trung có không ít điểm nóng.
Phần mổ xẻ câu hỏi “chệch hướng hay không chệch hướng?” nhấn mạnh:
"Phải kiên định kinh tế thị trường với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế, tạo động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, không thể chỉ một chiều nhấn mạnh kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Nguy cơ chệch hướng nằm trong tình trạng làm ăn trái pháp luật và tham nhũng, trong kinh tế ngầm, trong các mafia… mặc dù chỗ nào cũng có các tổ chức cơ sở Đảng. Chệch hướng không nằm ở đâu khác."
Phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước nêu lên những yếu kém nghiêm trọng trong hệ thống nhà nước, đi tới kết luận phải hoàn thiện và phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền với đầy đủ các phần lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhấn mạnh Đảng trong bộ máy và hệ thống của nhà nước pháp quyền phải thực hiện đúng vai trò lãnh đạo là:
Làm cho bộ máy và hệ thống nhà nước thực hiện được các chức năng của nó, Đảng nhất thiết không được làm thay.
Qua đời năm 2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại nhiều băn khoăn về chính trị Việt Nam
Phần đổi mới xây dựng Đảng xác định: để hoàn thành được nhiệm vụ, nhất thiết phải đổi mới xây dựng Đảng (a) về đường lối và (b)về tổ chức.
Đổi mới về đường lối: Phải lựa chọn con đường dân tộc và dân chủ để phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc, đồng thời tạo ra cho nước ta khả năng tập hợp lực lượng mới trong thế giới ngày nay. Đảng cần đặc biệt quan tâm nâng cao dân trí, giáo dục, phát huy và bảo vệ quyền công dân để phát huy sức mạnh của cả nước, đẩy mạnh giáo dục đảng viên về chủ nghĩa yêu nước với nội dung sớm làm cho đất nước giầu mạnh.
Đổi mới về tổ chức: Cần xắp xếp lại các tổ chức và đổi mới sinh hoạt đảng để khắc phục tình trạng bất cập nghiêm trọng của đảng viên và của tổ chức; cần loại bỏ nguyên tắc “dân chủ tập trung” rất công thức và được vận dụng tùy tiện, để thay thế bằng nguyên tắc triệt để phát huy dân chủ trong Đảng, tuyệt đối trung thành với Điều lệ Đảng, phục tùng các nghị quyết của Đảng.
Có thể kết luận: Cả bốn vấn đề nêu trong bức thư 09-08-1995 đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự đối với đất nước cũng như đối với Đảng, thậm chí đang trở nên vô cùng bức xúc trong tình hình và nhiệm vụ mới mà đất nước đang phải đối mặt.
Ông Nguyễn Trung là cựu đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan. BBC sẽ giới thiệu tiếp các phần sau của bài này trên mục Diễn đàn của chúng tôi.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150810_nguyen_trung_vo_van_kiet_letter_part1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét