Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 45
BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ
ĐI HAY Ở? – LUẬT DI TRÚ MỚI – SCHABOWSKI: CUỘC HỌP BÁO ĐỊNH MỆNH – “MỞ CỬA RA, DẸP BỨC TƯỜNG ĐI” – “RẤT CĂNG THẲNG” – MỞ CHỐT KIỂM SOÁT – HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI – LIÊN XÔ KHÔNG HAY BIẾT – GORBACHEV BÌNH THẢN, ÁI NGẠI – BUSH ẤP ÚNG – CIA VÀ CNN – KOHL, VỀ VUI ĐÚNG CHỖ
***
Đông Berlin. Thứ năm, ngày 9 tháng 11, năm 1989
ĐI HAY Ở?
1.
TRONG THẾ BỊ ĐỘNG, CHÍNH QUYỀN ĐÔNG ĐỨC đã mở cửa Bức tường Berlin vì nhầm lẫn. Điều đó đáng lẽ đã không xảy ra, ít nhất là không xảy ra vào ngày thứ năm hôm ấy, hoặc không xảy ra giống như thế. Một nhà ngoại giao hàng đầu nhận xét đây là “một trong những nhầm lẫn hành chính lớn nhất trong … lịch sử”, và nhầm lẫn đó đã khiến nhà nước Đông Đức trên thực tế không còn tồn tại vào khoảng 10 giờ 45 phút, tối thứ năm 9/11/1989.
Sáng hôm ấy, một sáng cuối thu khá bình thường, trời nhiều mây xám, có chút sương mù, nhiệt độ khoảng 10 độ C, không khí hơi có mùi lưu huỳnh, vì ô nhiễm thường bao trùm thành phố mỗi khi gió đông thổi về. Trong nhiều tuần qua, không khí bất ổn cũng bao trùm Đông Đức, nhưng không có gì báo hiệu hôm nay sẽ là ngày trọng đại.
Chính quyền vẫn ì ạch theo đuôi sự việc và cố thích ứng với tình hình, từng ngày một. Quần chúng vẫn trong tình trạng nổi dậy đấu tranh thường trực, nhưng là đấu tranh ôn hòa. Họ vẫn đi làm tám tiếng mỗi ngày, và chỉ “làm cách mạng” vào buổi tối. Không một ngày nào nhà máy phải đóng cửa trong thời kỳ được gọi là die Wende (Bước ngoặt) này.
2.
Trong khi đó, đất nước cứ mất người như mất máu. Họ ra đi qua ngả Tiệp Khắc. Và Tiệp Khắc lúc này, vì không kham nổi số lượng người tị nạn quá lớn, đang đe dọa sẽ đóng cửa biên giới với Đông Đức. Người dân Đông Đức “xuất hành” đã tạo cảm hứng cho người dân Tiệp Khắc nổi dậy chống giới lãnh đạo bảo thủ Stalinnist tại nước mình. Dân chúng ở Praha và Bratislavia nôn nóng theo dõi các biến cố ở Berlin với nhiều mong đợi lớn lao.
Các nhân vật đối lập ở Đông Đức cũng lo ngại khi thấy đồng bào của họ ồ ạt ra đi. Những câu khôi hài như “Ai đi cuối cùng, nhớ tắt đèn nhé” nghe vui tai nhưng lại phản ảnh một thực trạng không vui là giờ đây những dịch vụ trong đời sống hàng ngày đang khựng lại nghiêm trọng. Tại Berlin, một số trường học phải đóng cửa vì quá nhiều thầy cô và học sinh đã đi mất. Bệnh viện cũng vắng bác sĩ.
Sáng 9/11/1989, tờ báo Đảng Neues Deutschland (Nước Đức mới) cho đăng lời kêu gọi khẩn thiết của những người bất đồng chính kiến ôn hòa, xin mọi người ở lại Đông Đức vì đất nước cần họ: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc. Chúng tôi thấy hàng ngàn người bỏ nước ra đi mỗi ngày. Chúng tôi biết các chính sách thất bại đã làm người dân mất niềm tin. Chúng tôi biết lời nói thật vô dụng trong việc ngăn cản dòng chảy ồ ạt kia, nhưng chúng tôi không còn phương tiện nào khác ngoài lời nói. Những người ra đi làm hy vọng của chúng ta bé lại. Chúng tôi xin mọi người hãy ở lại với đất nước, hãy ở lại cùng chúng tôi”.[i]
*
LUẬT DI TRÚ MỚI
3.
Các giới chức, gồm cả hai sĩ quan Stasi nhắc tới trong chương trước, làm việc ngày đêm để soạn thảo luật di trú mới mà chính quyền hy vọng sẽ là chiếc van xả bớt áp lực.
Vào phút chót, bản thảo dự luật phải được viết lại toàn bộ vì lúc đầu chỉ nhằm vào những di dân thường trực, thiếu quy định về những người muốn qua Tây Đức thăm thân nhân hoặc du lịch ngắn hạn.
Bản thảo cuối cùng không có khoản nào tuyên bố mở cửa Bức tường Berlin. Luật chỉ nói rằng bất cứ ai có hộ chiếu và thị thực xuất cảnh (visa) đều có thể rời Đông Đức dài hoặc ngắn hạn, qua một cửa khẩu giữa Đông Đức và Tây Berlin, hoặc giữa Đông Đức và Tây Đức. Người Đông Đức vẫn phải nộp đơn xin phép xuất cảnh tại phòng xuất nhập cảnh, điều đó có nghĩa luật mới được thiết kế để bảo đảm nhà nước vẫn có thể phần nào kiểm soát được số người ra đi. Và luật ghi rõ sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ sáu 10/11/1989.
4.
Gần trưa thứ năm 9/11, Tổng Bí thư Egon Krenz lần đầu thấy văn bản dự luật, ông đọc lướt qua và tỏ vẻ hài lòng. Ông không thấy khoản luật nào có thể được diễn giải rằng công dân Đông Đức cứ đến một chốt kiểm soát dọc Bức tường Berlin và sẽ được phép đi qua. Người dân vẫn phải nộp đơn xin xuất cảnh trước khi được phép đi. Krenz không quá phấn khích với đề xuất mới này, nhưng ông tin nó sẽ cho ông thêm thời gian, sẽ giúp tháo ngòi vấn đề di dân, và từ ngày mai sẽ có những hàng người trật tự đứng trước phòng xuất nhập cảnh, và người xếp hàng sẽ biết ơn Egon Krenz đã cho phép họ qua phương Tây.
Krenz đưa dự luật di trú ra thảo luận với những lãnh đạo chóp bu vào khoảng 4 giờ chiều trong trụ sở Đảng tại Werderscher Markt. Ông bảo họ Liên Xô sẽ chấp thuận luật mới này – dù chưa cho Liên Xô biết bất cứ chi tiết nào – và ông cho rằng đó là điều tốt nhất họ có thể đạt được trong thời gian eo hẹp như thế. Sau này kể lại, ông nói: “Dù làm gì trong tình huống đó, chúng tôi cũng sẽ làm sai thôi. Tôi đọc từng câu một, đọc chậm rãi nhấn mạnh từng câu một, để không ai có thể bảo là họ không hiểu”. Và luật di trú mới đã được mọi người đồng ý thông qua.[ii]
5.
Vào khoảng 5 giờ 40 chiều, Gunter Schabowski đến văn phòng Krenz. Trong hai tuần rưỡi qua, từ khi Honecker bị loại bỏ, Schabowski đã tổ chức họp báo hàng ngày, như một phần của chính sách glasnost (cởi mở) mới mà chế độ cộng sản Đông Đức đang tiến hành. Khi chủ trì họp báo, ông cho thấy mình là một người đáng tin cậy, an toàn, lưu loát và khá nhanh nhạy. Buổi sáng cùng ngày, Schabowski đã không có mặt trong buổi họp duyệt luật di trú mới, tuy ông biết họ đã thảo luận những gì.
Schabowski bảo Krenz mình sắp đến chỗ họp báo và hỏi có điều gì đáng chú ý ông cần biết không. Krenz đưa cho ông toàn văn luật di trú mới và bản thông cáo báo chí đi kèm. Schabowski kể lại: “Krenz đưa giấy tờ cho tôi vả bảo ‘Này cậu, cái này sẽ giúp chúng ta khối điều tốt đấy’ … Tôi cầm theo, đọc lướt qua khi ngồi xe đến chỗ họp báo và đặt nó qua một bên, cạnh những giấy tờ khác”.[iii]
*
SCHABOWSKI: CUỘC HỌP BÁO ĐỊNH MỆNH
6.
Schabowski đến Trung tâm Báo chí Quốc tế Berlin tại Mohrenstrasse gần 6 giờ tối, vẻ kiệt sức. Ông bắt đầu thấm mệt vì những căng thẳng đã trải trong vài tuần qua, thời gian đó ông ăn ít, ngủ ít, nhưng lại cố làm việc quá sức. Dù đã xuất hiện trong hàng chục cuộc họp báo tương tự, ông vẫn thấy chút hồi hộp vì phải nói năng trước bao nhiêu phóng viên phương Tây và ống kính truyền hình.
Cuộc họp báo bắt đầu đúng 6 giờ tối và hầu hết nội dung đều xoay quanh những việc lặt vặt về cải cách hành chính và thay đổi nhân sự các bộ trong chính quyền. Gần một tiếng trôi qua trước khi Schabowski nói đến đề tài luật di trú mới, và ông bắt đầu đọc văn bản luật mà ông giải thích là “sẽ làm cho mọi người dân Đông Đức có thể rời đất nước qua các cửa khẩu biên giới Đông Đức”.
Đến lúc đó, ông vẫn chưa có ý niệm gì về trận bão sắp ập đến. Các phóng viên yêu cầu ông nói rõ hơn. Ông đặt chiếc kính lão có tròng bán nguyệt lên mũi rồi đọc bản thông cáo báo chí:
“Có nghĩa là các cá nhân đi ra nước ngoài có thể làm đơn xin phép mà không cần đáp ứng đầy đủ các qui định trước đây về việc xin visa, cũng không cần chứng minh mục đích chuyến đi hoặc quan hệ gia đình. Các cơ quan xuất nhập cảnh sẽ cấp phép sau một thời gian ngắn … Các bộ phận chịu trách nhiệm cấp hộ chiếu và kiểm soát hộ khẩu thuộc Công an Nhân dân cấp quận huyện … được chỉ thị là phải nhanh chóng cấp visa cho người di trú dài hạn, không được trì hoãn”.
7.
Vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nhà báo sau này tự nhận mình là người đã đặt câu hỏi then chốt góp phần chọc thủng Bức tường Berlin, nhưng hầu hết hiện nay đều cho rằng người đặt câu hỏi đó chính là nhà báo Mỹ Tom Brokaw, phóng viên đài NBC. Giữa những tiếng bàn tán nháo nhào chung quanh, ông cất tiếng hỏi: “Khi nào thì quy định mới bắt đầu có hiệu quả?”..
Lúc này, Schabowski vã mồ hôi hột, hoang mang. Ông kiểm tra giấy tờ trước mặt, rồi xáo mớ giấy tờ khác ông cầm trên tay. Sau vài giây im lặng, ông đáp: “Theo tôi được biết, điều này… à… ngay lập tức, không trì hoãn”. Ông đã không đọc thấy là luật lệ mới sẽ chỉ có hiệu lực vào ngày mai, hoặc tin này bị cấm phổ biến, cho đến chiều ngày mai.[iv]
Một số “thuyết âm mưu” màu mè và ly kỳ đã tìm cách lý giải việc Schabowski tuyên bố hớ hênh là do: Ông bị tình báo Mỹ CIA mua chuộc, bị các đại gia truyền thông Tây Đức mua chuộc, hoặc bị bọn lừa đảo tại Điện Kremlin mua chuộc. Một trong những giới chức của Đảng Cộng sản chịu trách nhiệm soạn thảo luật di trú mới nói rằng: “Không ai trong hàng ngũ đảng viên cộng sản cao cấp có thể tin được đây chỉ là một vụ phát ngôn bừa bãi rất tầm thường”. Nhưng sự thật lại đúng là như vậy.
8.
Họp báo kết lúc ngay sau 7 giờ tối, Schabowski đồng ý để phóng viên Brokaw phỏng vấn trực tiếp. Ông vẫn hoang mang và không chắc chắn về luật lệ mới, nên trong khi phỏng vấn ông đã yêu cầu trợ lý cho ông xem lại văn bản lần nữa. Nhưng ông vẫn công bố tương tự là luật mới sẽ có hiệu lực “ngay lập tức”. Brokaw hỏi, cụ thể hơn: “Vậy quần chúng có thể đi qua Bức tường không?”.[v]
Những khoảnh khắc ngập ngừng, do dự hoặc lẫn lộn của Schabowski dĩ nhiên đã bị cắt xén khỏi bản phát hình cuối cùng. Lúc 7 giờ 30 phút tối, các hãng thông tấn toàn thế giới đồng loạt đưa tin về việc Berlin mở cửa biên giới, nhưng truyền hình Tây Đức lại tỏ vẻ dè dặt bất thường trước tin này trong vài phút đầu tiên. Chương trình Hôm nay của Đài Truyền hình Tây Đức ZDF xếp tin Đông Đức có luật di trú mới ở vị trí thứ sáu sau những tin khác.
Nhưng vào lúc 8 giờ tối, Đài Truyền hình Tây Đức ARD, được hàng triệu người Đông Đức đón xem, loan báo rằng: “đây là một ngày lịch sử”. Thông tín viên Hans Joachim Friedrichs, được khán giả Tây Đức lẫn Đông Đức tin cậy, tuyên bố rằng: “Nước Cộng hòa Dân chủ Đức đang mở cửa biên giới … Các cửa ngõ tại Bức tường Berlin đã mở ra”.
***
“MỞ CỬA RA, DẸP BỨC TƯỜNG ĐI”
9.
Bản tin vừa dứt thì đông đảo người dân Đông Đức đã đến các chốt kiểm soát chính để xem thực hư ra sao. Đám đông lớn nhất tụ tập tại Bornholmer Strasse, phía bắc Berlin, nằm gần một khu dân cư lớn, từ các căn hộ chung cư nhìn ra có thể thấy chốt kiểm soát dẫn vào “Khu vực Pháp” tại Berlin.
Người chỉ huy lực lượng biên phòng tại chốt kiểm soát, Trung tá Harald Jager, đã không xem được cuộc họp báo của Schabowski và chỉ nghe tin tức loáng thoáng. Khi quần chúng kéo đến trước cổng và đòi quyền đi lại “như Schabowski nói là được”, Jager liền gọi điện cho cấp trên xin ý kiến.
Jager kể lại: “Tôi bảo họ không thể đi được vì theo luật lệ mới, họ phải có hộ chiếu và visa, không có thì không đi được. Tôi bảo họ về nhà và hôm sau trở lại. Một số nghe lời tôi, đi khỏi”. Nhưng đại đa số đã tiếp tục ở lại và chờ đợi. Họ la lớn: “Mở cửa ra, mở cửa ra. Dẹp Bức tường đi. Dẹp Bức tường đi”.[vi]
Họ không phải là người muốn di dân qua nước khác để ở luôn. Rudigger Rosendahl, một nhà nghiên cứu hóa học sống gần chốt kiểm soát có mặt trong đám đông, cho biết:
“Chúng tôi chỉ muốn xem mình có qua được không mà thôi, chỉ muốn xem cuộc sống phía bên kia nó ra làm sao. Dân chúng nói với lính gác ‘Đừng lo! Không đi lâu đâu, chúng tôi chỉ muốn qua xem phố Ku’damm* một lát rồi về.’ Điều quan trọng là lúc đó chúng tôi không còn thấy sợ hãi nữa. Mọi sự đã thay đổi trong vài tuần vừa qua. Trước giờ, hễ thấy ai mặc đồng phục là chúng tôi sợ, đây là lần đầu tiên nỗi sợ hãi quen thuộc đó bỗng dưng biến mất. Thật tuyệt vời khi thấy người dân bình thường đôi co với lính tráng và mật vụ, đòi lại cái quyền mà người ta nói là họ có”.[vii]
Khoảng nửa giờ sau, Trung tá chỉ huy Jager nhận được lệnh, và lệnh này cho thấy bộ mặt tàn nhẫn, lừa đảo và ngạo mạn của chính quyền Đông Đức vẫn chưa hề biến mất. Ông được lệnh tìm ra những “phần tử hung hăng nhất” trong đám đông có mặt tại chốt kiểm soát, ghi lại tên tuổi của họ rồi cho họ đi qua, nhưng phải đóng một con dấu đặc biệt vào hình của họ. Điều này có nghĩa họ sẽ không được phép trở về Đông Đức nữa. Nhà nước, trên thực đế đang tước quyền công dân của họ. Jager tuân lệnh, nhưng thận trọng hơn, ông “cho cả một vài người ‘không hung hăng’ đi qua luôn”.
Khoảng 9 giờ 20 tối, có từ 250 đến 300 người đã được phép đi qua. Nhưng, hàng ngàn người khác theo sau họ đang dồn về cánh cổng, càng lúc họ càng giận dữ vì phải chờ đợi.
*
“RẤT CĂNG THẲNG”
10.
Cách đó 3 km, không khí cũng căng thẳng không kém tại Chốt Kiểm soát Charlie – một trong những biểu tượng quan trọng của Chiến tranh Lạnh, được biết tới qua hàng loạt phim trinh thám. Điểm này nằm ngay trung tâm thương mại của thành phố Berlin. Trạm tàu điện ngầm U-Bahn nằm cách đó vài mét liên tục đổ người đến nơi. Khi rời ga tàu điện ngầm họ phải đi vào một đường hẻm chật.
Chốt Kiểm soát Charlie là chốt dẫn vào “Khu vực Mỹ” tại Berlin, một trong những chỗ hiếm hoi nơi lính Mỹ và lính Đông Đức vẫn có thể nhìn thẳng vào mắt nhau, tuy được huấn luyện để xem nhau như kẻ thù không đội trời chung. Đại tá Gunter Moll, chỉ huy lực lượng biên phòng Đông Đức tại đây, cuống cuồng gọi điện lên cấp trên xin lệnh, nhưng họ liên tục bảo ông chờ. Họ bảo ông một số quân tiếp viện sẽ được gửi đến và ông phải cố gắng giữ gìn trật tự.
Đến 9 giờ 30 phút tối, đám đông đã lên đến 2.000 người tại đường hẻm chật chội ngoài ga tàu điện ngầm. Đại tá Moll kể: “Tôi bố trí một số lính tiếp viện đứng thành hàng ngang để chặn người lại”. Lúc đó, chỉ huy trưởng quân Mỹ, Thiếu tá Bernie Godek, nhìn cảnh tượng này từ phía bên kia Chốt Kiểm soát và tỏ ra “rất căng thẳng”. Thiếu tá Godek nói: “Họ hành xử như thường lệ. Họ đứng trước đường vạch trắng phân chia hai bên, với đội hình quen thuộc và với khuôn mặt lạnh lùng. Gần như họ không quan tâm đến những gì xảy ra trước mặt. Chúng tôi đã thấy … điều tương tự trước đây, nhưng lo lắng về những gì có thể xảy ra, vì chúng tôi thực sự không biết họ sắp sửa làm gì”.[viii]
11.
Ban đầu, cả Egon Krenz và các nhà lãnh đạo Đảng khác cũng không biết mình sắp sửa làm gì. Họ hoàn toàn bất ngờ về những gì đang diễn ra, vì không bao giờ nghĩ rằng điều họ quyết định sáng hôm đó lại khơi mào cho một làn sóng người đổ về biên giới ồ ạt đến thế.
Krenz một mình lui về văn phòng tại trụ sở Đảng và ở đó chờ đợi. Các báo cáo gửi về cho thấy toàn bộ sáu chốt kiểm soát trong thành phố Berlin đều đã bị đám đông bủa vây. Krenz dễ dàng thấy là không thể ngăn làn sóng người, nhưng ông cũng không đưa ra được bất cứ mệnh lệnh nào.
Truyền hình Đông Đức liên tục phát những thông báo nghe thật vô vọng: “Do yêu cầu của nhiều công dân, chúng tôi xin loan báo cho mọi người lần nữa rằng chiếu theo luật di trú mới … phải xin phép mới đi ra nước ngoài được”. Quần chúng phớt lờ thông báo này. Người dân Đông Đức hiểu ngay rằng một điều gì đó hết sức phi thường và tuyệt vời sắp sửa xảy ra. Rosendahl, đứng gần các cánh cổng tại khu vực Chốt Kiểm soát Bornholmer Strasse, nói rằng: “Truyền hình Tây Đức cho chúng tôi biết rằng Bức tường đã mở. Chúng tôi có thể thấy trên thực tế không phải vậy, nhưng tôi biết cứ cái đà này thì không gì ngăn cản nổi, và chúng tôi không còn phải chờ lâu nữa”.[ix]
*
MỞ CHỐT KIỂM SOÁT
12.
Lúc 10 giờ 30 tối, ít nhất 20.000 người đã đến chật cứng trước Chốt Kiểm soát Bornholmer Strasse. Nhiều người đến bằng xe và họ bỏ xe trên phố, gần như chặn luôn đường lui. Trung tá Jager khẳng định: “không thể giữ được nữa và chúng tôi không thể tiếp tục mãi thế này”. Cứ mỗi lần ông xin lệnh, ông lại được lệnh cứ chờ. Nhưng mọi sự đã quá cấp bách. Jager nói:
“Tôi chỉ nghĩ làm sao tránh đổ máu. Có quá nhiều người ở đây, chật cứng, không thể tiến không thể lùi. Nếu hoảng loạn xảy ra người ta chắc chắn sẽ đè lên nhau mà chết. Chúng tôi có súng ngắn và tôi đã ra lệnh không được dùng súng. Nhưng nếu chẳng may ai đó mất bình tĩnh thì sao? Một phát súng chỉ thiên … cũng có thể bắt đầu điều gì đó tôi không tưởng tượng được. Tôi báo cho cấp trên là tôi không thể giữ Chốt Kiểm soát lâu hơn nữa”.
Và thế là Jager ra lệnh cho hai người lính của ông nhấc cao thanh chắn sơn màu trắng đỏ và quơ tay ra hiệu để đám đông đi qua, giữa tiếng hò reo hoan hô vang dội.
Một tiếng đồng hồ sau, tại Chốt Kiểm soát Charlie, Gunter Moll cũng đưa ra quyết định tương tự, một cách độc lập, vì không có cấp trên nào ra lệnh. Mọi sự bắt đầu khi một đèn pha vụt tắt – trong hàng ngàn đèn pha chung quanh – và một người lính của ông bỗng giật mình hốt hoảng, đề phòng tai nạn vì hoảng loạn, ông lập tức ra lệnh cho tất cả binh sĩ lui về tập trung sau Bức tường.
Viên chỉ huy người Mỹ, Thiếu tá Godek, nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên. Lính biên phòng không hề hung hăng, nhưng họ cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có thể thấy điều này dễ dàng. Họ không rút lui theo đội hình, ban đầu vài người lính lui cùng lúc, rồi cả một sóng người rút lui”.
Vài phút sau, Moll cho mở cổng Chốt Kiểm soát Charlie, hoang mang tự hỏi không biết ông đã canh gác tại đó suốt 20 năm qua là để làm gì.
*
HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI
13.
Bên phía tây Bức tường Berlin, rất đông người đã tụ lại, họ chờ đợi khấp khởi với hoa, sâm banh cùng những cánh tay mở rộng để chào đón đồng bào từ Đông Đức qua.
Tại Chốt Kiểm soát Invalidenstrasse, những nhóm người đầu tiên từ Đông Đức qua đã gặp người dân Tây Đức vui mừng ùa tới từ phía bên kia, trên khoảnh đất mà trước đó mấy phút còn là vành đai trắng bất khả xâm phạm. Vài chục người dân Tây Berlin leo lên Bức tường cạnh Khải Hoàn Môn Brandenburg – xây từ cuối thế kỷ 18 như biểu tượng của nước Đức thống nhất – và bắt đầu trêu đùa lính biên phòng Đông Đức. Mới sáng hôm đó họ có thể đã bị bắn nếu tìm cách đến gần Bức tường, giờ thì lính mặc kệ họ.
Đến nửa đêm, tất cả sáu chốt kiểm soát đều mở ra và 12.000 lính biên phòng đã được lệnh rút về trại. Người dân đã thực sự nắm quyền và giành lại được thành phố của mình.
Một nhóm thanh niên Đông Đức đến hòa cùng “các bạn phía Tây” tại Khải Hoàn Môn Brandenburg khoảng 0 giờ 15 phút sáng. Họ nhảy múa với nhau trên Bức tường. Khi công an Đông Đức chĩa vòi rồng phun nước buộc họ xuống thì một người trong số đã vô tình giương chiếc dù ra chống đỡ, tạo nên một hình ảnh hết sức mạnh mẽ được phát trực tiếp đến khắp thế giới qua truyền hình, một phương tiện truyền thông đóng góp rất nhiều cho khoảnh khắc cách mạng tại Berlin. Vị Thị trưởng Berlin, một người bình thường vốn nhạt nhẽo, lúc đó nói một câu để đời, diễn tả được đúng tâm trạng của người dân: “Người Đức chúng tôi bây giờ là dân tộc hạnh phúc nhất thế giới”.
Anh Rosendahl nói: “Tôi nghĩ hầu hết chúng tôi làm chung một việc, đó là ngay khi qua được biên giới đêm đó, sau khi bước qua đường biên trắng, chúng tôi đều nhìn lên trời và hít một hơi thật sâu. Không khí không khác bao nhiêu nhưng chúng tôi biết giờ đây tất cả đã khác. Rồi trở lại thực tế, chúng tôi uống sâm-banh các bạn Tây Đức mang tặng … tất cả đều vui quá, phấn khích quá, cũng có phần hoang dã”.
14.
Đó là buổi liên hoan đường phố lớn nhất thế giới. Nhưng không dành cho mọi người. Hầu hết các thủ lĩnh Đảng đều đang ẩn náu trong khu dinh thự biệt lập Wandlitz**, và đang nằm trên giường ngủ giữa đêm. Người vợ gốc Nga của Schabowski, bà Irina, để ý thấy gần như không nhà nào còn sáng đèn trong khu vực có gần 30 biệt thự này. Có lẽ bà rất muốn hỏi chồng vì sao lời ông nói vô tình trong cuộc họp báo sáng nay đã khiến Bức tường sụp đổ, nhưng lúc đó ông là một trong số ít lãnh tụ Đảng cao cấp nhất còn đang ở trong thành phố. Mẹ của bà Irina, đã cao tuổi, thức dậy giữa đêm và hỏi con gái chuyện ồn ào trên TV là chuyện gì. Irina nói với bà:
“Họ mở cửa biên giới rồi mẹ ạ.
“Vậy là bây giờ sẽ có chủ nghĩa tư bản à?
“Đúng, đại loại là thế ạ.
“Vậy à, nếu thế thì tao sẽ sống thêm vài năm nữa, xem mặt mũi nó ra sao”.[x]
***
LIÊN XÔ KHÔNG HAY BIẾT
15.
Suốt 40 năm qua, Liên Xô đã xem Đông Đức là phần thưởng giá trị nhất họ có được trong đế quốc của mình, là nơi họ đã đổ nhiều máu xương nhất mới giành được cuối Thế chiến II. Đông Đức cũng tồn tại như một biểu tượng vững chắc cho quyền lực Liên Xô, chiếm vị trí then chốt trong bài toán quyền lợi chiến lược của Liên Xô, vì thế không được để điều gì quan trọng xảy ra tại Đông Đức mà Liên Xô không biết trước hoặc không duyệt trước.
Nhưng, không bất cứ lãnh tụ nào ở Moscow đã quá xem trọng Đông Đức vào ngày Đông Đức thoát khỏi quỹ đạo Xô-viết một cách thật êm thắm.
Mikhail Gorbachev không biết Bức tường Berlin đã sụp đổ cho đến khi ông thức dậy vào buổi sáng, sau đêm sự kiện xảy ra. Lạ thay, không ai tại Điện Kremlin nghĩ đến việc báo cho ông biết sớm hơn. KGB có một trong những trạm liên lạc lớn nhất tại Berlin, nhưng đã không ai cảnh báo cho Trung tâm Moscow biết là vào cuối ngày hôm đó Moscow có thể mất quyền kiểm soát Berlin.
Buổi chiều trước khi biến cố xảy ra, các lãnh tụ cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn họp nhau trong căn phòng gỗ nâu thường gặp, để bàn những chuyện thường bàn. Trong cuộc họp, không ai bàn đến tình hình Đông Đức. Họ chỉ nói về những thay đổi có thể có trong hiến pháp Liên Xô, về những bước có thể dẫn đến ly khai tại nước cộng hòa Lithuania và một loạt các vấn đề nhỏ khác sẽ được đưa ra bàn tại Quốc hội trong thời gian tới.
Moscow không dự đoán được khủng hoảng sẽ xảy ra tại Berlin. Thực ra, khủng hoảng đã xảy ra gần như mỗi ngày ở Đông Đức trong những ngày đó, nên họ không nghĩ mối đe dọa kế tiếp liên quan đến sự tồn vong của nhà nước Đông Đức sẽ xảy ra chỉ trong vài giờ nữa.
16.
Trợ lý của Krenz nói với Đại sứ Liên Xô Vyacheslav Kochemasov về kế hoạch cho dân Đông Đức đi thẳng đến Tây Đức, thay vì đi vòng qua ngả Hungary hoặc Tiệp Khắc. Ông Đại sứ báo cho Bộ Ngoại giao Liên Xô, và Bộ Ngoại giao không phản đối.
Nhưng, Đại sứ Quán Liên Xô lại không biết gì về kế hoạch mở cửa Bức tường cho người Đông Đức qua lại. Kochemasov nghĩ điều đó thật nhạy cảm, và chính quyền Liên Xô phải được biết Đông Đức đã lên kế hoạch này. Nó ảnh hưởng đến tình trạng bốn nước có mặt tại Berlin, mà theo đó, ít ra trên lý thuyết, Berlin vẫn bị Liên Xô và ba nước đồng minh phương Tây khác phân chia.
Kochemasov đinh ninh rằng vấn đề đã được Krenz và Gorbachev thảo luận khi họ gặp nhau vào tuần trước, dù Đại sứ Quán không được thông báo, hoặc là hai lãnh tụ đã nói chuyện với nhau qua đường điện thoại trực tiếp giữa trụ sở Đảng ở Berlin và Điện Kremlin. Tuy vậy, ông Đại sứ vẫn muốn kiểm tra lại.
17.
Sau cuộc họp báo do Schabowski chủ trì, Đại sứ Kochemasov đã gọi cho Tổng Bí thư Gorbachev và Ngoại trưởng Shevardnadze để bàn về vấn đề Berlin. Nhưng ông được báo rằng cả hai đang rất bận không thể tiếp chuyện ông. Ông chỉ còn cách xem sự việc diễn biến qua truyền hình.
Theo lời Phó Đại sứ Liên Xô tại Berlin, Igor Maksimichev, vào khoảng 5 giờ sáng giờ Berlin (7 giờ sáng Moscow), Tòa Đại sứ Liên Xô ở Berlin nhận được cú điện thoại của một viên chức Bộ Ngoại giao gọi từ Moscow với giọng điệu hoảng hốt: “Chuyện gì đang xảy ra ở Bức tường thế?”. Viên chính ủy tại Tòa Đại sứ nói họ tin rằng Moscow đã biết rõ mọi chuyện. Người gọi từ Moscow vặn lại: “Nhưng tất cả những việc này có được chúng tôi chấp thuận hay chưa?”. Rõ ràng là vào ngày của những lầm lẫn và tai nạn này tại Berlin, đã không có ai cập nhật tình hình cho Liên Xô.
Quá 6 giờ 15 sáng, sau đêm Bức tường đổ, một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Đông Đức gọi cho Đại sứ Kochemasov, báo với ông rằng: “Đêm qua, chúng tôi bị áp lực phải đưa ra quyết định. Vì bất cứ sự trì hoãn nào cũng có thể gây ra những hậu quả hết sức nguy hiểm”.[xi]
*
GORBACHEV BÌNH THẢN, ÁI NGẠI
18.
Khi Gorbachev được báo tin vào sáng hôm sau, theo lời các trợ lý, ông tỏ vẻ thoải mái một cách đáng ngạc nhiên. Ông không còn xem Berlin là ưu tiên hàng đầu, nhưng ông không lường được là Bức tường sẽ sụp đổ, nhất là theo cái cách đầy kịch tính như đã diễn ra. Ông bảo Krenz: “Anh đưa ra quyết định đúng, vì làm sao anh bắn hạ được những người dân Đức chỉ muốn đi qua biên giới gặp bà con người Đức khác mà thôi … chính sách phải thay đổi”.
Tuy nhiên, đến cuối ngày hôm đó, Gorbachev bắt đầu lo lắng hơn. Ông không muốn thấy có một nước Đức thống nhất. Ông nghĩ người dân Liên Xô sẽ không chấp nhận điều này và sẽ tạo áp lực lớn buộc ông ngưng nó lại.
Ông thường nói nước Đức khó thống nhất, ít nhất cũng vài chục năm nữa, nếu có. Ông từng nói như thế cách đây vài tuần, khi gặp riêng Willy Brandt, cựu Thủ thướng Tây Đức, cũng là Thị trưởng Berlin trong gần hết thập niên 1950. Trong một bài diễn văn vào tháng trước, ông cũng nói điều tương tự. Còn bây giờ, việc này bỗng hoàn toàn có thể xảy ra sớm.
Giữa sáng hôm đó, ông gửi văn thư cho Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl, khuyến cáo ông “đừng làm bất ổn thêm tình hình ở Đức”. Gorbachev cũng gửi một thông điệp tuyệt mật và khẩn khoản đến Tổng thống Mỹ Bush, Thủ tướng Anh Thatcher, và Tổng thống Pháp Mitterand, nói rằng:
“Nếu Cộng hòa Liên bang Đức ra tuyên bố … nhằm khuấy động quần chúng bác bỏ thực tại hậu chiến, nghĩa là sự tồn tại của hai nước Đức, thì sự cực đoan chính trị này sẽ được xem như nỗ lực gây bất ổn cho … Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng thời phá hoại tiến trình dân chủ hóa hiện nay … không chỉ tại Trung Âu, mà còn tại các phần khác của thế giới”.
Hai trong số người nhận thư đồng ý với ông, đó là Thủ tướng Anh Thatcher và Tổng thống Pháp Mitterand. Nhưng các cố vấn của Gorbachev, trong buổi sáng hôm đó, đều nói với ông rằng nếu người dân Đức thực sự muốn đất nước thống nhất, thì Liên Xô sẽ không thể làm gì để đảo ngược tình hình, trừ khi gây chiến tranh.[xii]
*
BUSH ẤP ÚNG
19.
Phản ứng của Tổng thống Bush ngày hôm trước, với những diễn biến kịch tính tại Berlin, làm nhiều người Mỹ phải ngạc nhiên thất vọng.
Không hùng biện nổi danh và không tạo ra câu chữ để đời đã đành, chỉ xét theo chuẩn tẻ nhạt vốn có của bản thân Bush cũng đã tỏ ra mờ nhạt. Nhiều năm qua, các tiền nhiệm của ông đã tìm được không ít từ ngữ trang trọng và sâu sắc chỉ để nói rằng họ hy vọng ngày trọng đại sẽ xảy ra, góp phần thay đổi bộ mặt thế giới. Vậy mà bây giờ, khi nó xảy ra, Tổng thống Bush, lãnh tụ của Thế giới Tự do, đã không nói được câu gì để truyền cảm hứng cho mọi người, hoặc ít ra để tỏ ra mình vui mừng.
Thông thường, văn phòng báo chí của Bush sẽ tự tay chọn một ít phóng viên đến Phòng Bầu dục để phỏng vấn ông. Những người phụ trách viết diễn văn cho ông yêu cầu phóng viên xem phần lớn những gì được nói trong buổi phỏng vấn là không chính thức. Trước báo chí, Bush ấp a ấp úng, lúng túng nói cho có trong 30 phút khôi hài, dài dòng.
Một phóng viên hỏi có phải vụ việc có nghĩa là Bức màn Sắt đã kết thúc? Bush trả lời lòng thòng, nửa nạc nửa mỡ: “Vâng, tôi không nghĩ một sự kiện đơn lẻ nào lại là kết thúc của điều anh có thể gọi là Bức màn Sắt, nhưng rõ ràng đây là một bước tiến rất dài kể từ những ngày khó khăn nhất của Bức màn Sắt, một đoạn đường rất dài từ đó đến nay”.
Vậy ông có bao giờ tưởng tượng việc này sẽ xảy ra không? Bush nói: “Tôi không dự đoán được, nhưng còn tưởng tượng ư? Có đấy”.
Khi được vặn hỏi là sao ông có vẻ không vui mừng bao nhiêu trước sự kiện trọng đại này, Bush nói: “Tôi không phải là mẫu người giàu cảm xúc … Tôi rất hài lòng chứ. Và tôi cũng rất hài lòng về nhiều diễn biến khác nữa … Và như thế, nếu tôi không mừng quýnh lên, thì có lẽ vì trời cũng đã và đang tối rồi, và vì tôi cảm thấy rất tốt về điều đó”.
Bush biết ngay ông đã trượt mất cơ hội ghi bàn. Nhưng sau này ông giải thích rằng ưu tiên hàng đầu của ông không phải là tỏ ra phấn khích thái quá hoặc ra vẻ chiến thắng, vì ông sợ kích động Liên Xô phản ứng mạnh, ông nói: “Việc ngu ngốc nhất mà bất cứ Tổng thống nào cũng có thể làm là đi đến đó, leo lên Bức tường nhảy nhót, rồi đưa hai ngón tay chiến thắng lên cao như trêu ngươi Liên Xô. Ai biết Liên Xô sẽ phản ứng ra sao?”.[xiii]
*
CIA VÀ CNN
20.
Bush thú nhận riêng với cố vấn của ông rằng chỉ khi ông xem truyền hình, thấy Bức tường sụp đổ, ông mới hiểu rằng Liên Xô thực lòng muốn từ bỏ đế quốc. Ông nói: “Nếu … họ để mặc phe cộng sản sụp đổ tại Berlin, điều đó có nghĩa họ hết sức nghiêm túc trong ý định của mình”.
Đêm hôm đó, các nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia, trong số có Condoleezza Rice, đã làm việc chặt chẽ với CIA để tìm thông tin mới nhất từ Berlin. Nhưng, như nhà phân tích cao cấp của CIA về khối Xô-viết, ông Milt Bearden, thú nhận thì CIA đã không thể cung cấp thông tin cập nhật về tình hình.
Bearden nói: “Sự thật tàn nhẫn là chúng tôi không có bất cứ gián điệp nào tại chỗ để giúp chúng tôi hiểu thêm tình hình … về các kế hoạch ở Đông Đức, hoặc ở Điện Kremlin. Thực ra thì CNN, chứ không phải CIA, đã giúp Washington nắm được tình hình ở Berlin. Bức tường Berlin sụp đổ là phát pháo đầu tiên khai mào cuộc cạnh tranh không lời giữa CIA và CNN, một cuộc cạnh tranh sẽ còn kéo dài suốt những năm cuối của Chiến tranh Lạnh. CIA không có nhân viên tình báo tại chỗ … không ai trong số người của chúng tôi tại các thủ đô Đông Âu và Liên Xô đang ở vị trí có thể cho chúng tôi biết rõ tình hình tại đây”.[xiv]
*
KOHL, VỀ VUI ĐÚNG CHỖ
21.
Khi Bức tường đổ, Thủ tướng Đức Helmut Kohl đang có mặt tại Warsaw, Ba Lan.
Sớm hôm đó ông có các cuộc hội đàm với tân Thủ tướng Ba Lan Tadeusz Mazowiecki, và nói chuyện riêng với Lech Walesa. Thủ tướng Đức và Walesa nói chuyện ăn ý và thoải mái, dù hai người có bất đồng đôi chút khi bàn về Đông Đức. Walesa nói: “Ông biết không, Bức tường sẽ sụp đổ sớm. Tôi không biết khi nào, nhưng tôi thực lòng nghĩ là sớm, chắc trong vài tuần nữa”.
Kohl cười rung cả chiếc bụng phệ, rồi đáp: “Không, thật đó, tôi không nghĩ vậy đâu. Anh còn trẻ quá và anh không hiểu một số điều. Việc gì cũng có tiến trình lịch sử của nó và vụ sụp đổ này sẽ mất nhiều năm nữa”.
Ngay đêm hôm đó, Kohl đã phải vội vã cắt ngắn chuyến công du. Ông đùa: “Tôi vui sai chỗ mất rồi”. Và ông đi xuyên qua Bonn đến Tây Berlin, nơi những cuộc liên hoan tưng bừng mới chỉ bắt đầu.[xv]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Báo Neues Deutschland, ngày 9/11/1989
[ii] Egon Krenz, Herbst ’89 (Neues Leben, Berlin, 1999), tr. 130-34; phỏng vấn Krenz, Fall of the Wall series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 6
[iii] Phỏng vấn Schabowski, Fall of the Wall series, LHCMA, box 5
[iv] Bản ghi đầy đủ nội dung họp báo được lưu tại CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[v] Theo một số nhà báo có mặt tại cuộc họp báo; cũng được ghi lại trong USNSA (US National Security Archive, George Washington University, Washington DC), Cold War Files
[vi] Cold War series, LHCMA, box 6
* Ku’damm: Kurfurstendamm, con phố sầm uất nhất Berlin, được xem như Đại lộ Champs-Elysees của Berlin. (ND)
[vii] Nhân vật nói chuyện với tác giả, tháng 1/2008
[viii] Cold War series, LHCMA, box 7
[ix] Nhân vật nói chuyện với tác giả, tháng 1/2008
** Khu Wandlitz là khu dinh thự sang trọng dành riêng cho các lãnh tụ sinh sống, nằm ở ngoại ô Berlin, biệt lập với dân thường, có đầy đủ các dịch vụ cung ứng.
[x] Như trích trong Anne Mc Elvoy, The Saddled Cow (Faber & Faber, London, 1992), tr. 189
[xi] Phỏng vấn Đại sứ Kochemasov trên báo Moscow News, ngày 29/11/1992; và Igor Maksimichev trên báoNezavisimaya Gazeta, ngày 10-11/11/1993
[xii] GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow), điện tín gửi Helmut Kohl
[xiii] Michael Beschloss và Strobe Talbott, At the Highest Level (Little, Brown, New York, 1993), tr. 257-61
[xiv] Milt Bearden, The Main Enemy (Century, London, 2003), tr. 206-7
[xv] USNSA, End of the Cold War file
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/37007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét