Thảo Vy
(VNTB) - Lượng giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán kiểu “bà nội trợ” này chiếm đến 80% hoạt động mua bán chứng khoán hàng ngày tại Trung Quốc.
Đối với các hộ gia đình Trung Quốc, hoạt động mua bán chứng khoán còn trở nên dễ dàng hơn bao hết khi smartphone (điện thoại thông minh) ra đời, cùng với các ứng dụng môi giới miễn phí của các tập đoàn lớn.
Chỉ trong 12 tháng tính đến tháng 6-2015, chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng 150% và trở thành một hoạt động kinh tế hấp dẫn, thu hút đến hơn 90 triệu nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Riêng trong năm 2014, chứng khoán đã tạo cơ hội cho hơn 1 triệu người trở thành triệu phú (bằng đồng nhân dân tệ, NDT).
“Chơi” chứng khoán như… đánh đề
Đầu năm 2006, sàn chứng khoán ở TP.HCM chỉ có 36 công ty niêm yết, nhưng vốn ước tính đã lên đến 1,5 tỉ đô la. Khi ấy, nhiều người tin rằng có đến 3000 công ty có cổ phiếu được mua bán chuyển nhượng một cách phi chính thức (thị trường OTC – over the counter), và nhiều công ty trong số này chuẩn bị lên sàn. Đã vậy, một phúc trình công bố tháng 2-2006 của công ty Merrill Lynch đã làm tăng mối quan tâm đến thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Họ nói Việt Nam đang “bắt đầu đem lại cái đã được hứa hẹn từ một thập niên qua”. Báo cáo thúc giục hãy mua cổ phiếu ở Việt Nam “cho quỹ của bạn, cho bạn hay cho con của bạn”.
Đầu tháng 5-2006, báo chí ở TP.HCM bắt đầu có những phân tích cảnh báo “khi mà giá cổ phiếu cứ tăng vù vù thoát ly hoàn toàn khỏi hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết thì thị trường chứng khoán đã bị biến thành một sòng bạc thực sự với phần lớn những người chơi không có nhiều kiến thức về chứng khoán”. Một số người chơi chứng khoán bắt đầu than phiền rằng với quá nhiều người “nghiệp dư” nhập sàn, thị trường trở nên không quản lý được. Họ cũng hồ nghi về chất lượng kiểm toán tình hình tài chính của một số công ty.
Ở Trung Quốc cũng không khác mấy. Lượng giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán kiểu “bà nội trợ” này chiếm đến 80% hoạt động mua bán chứng khoán hàng ngày tại Trung Quốc. Ngoài nhu cầu giải trí – kiểu “mốt thời thượng”, nhiều người Trung Quốc coi “chơi” chứng khoán còn là cách kiếm thêm nhu nhập, nhất là những lao động trẻ có bằng cấp nhưng thu nhập thấp, hay những người có lương hưu ít ỏi, những người bị “trắng tay” do vỡ bong bóng bất động sản. Những khoản lãi chóng mặt nhờ “lướt sóng” trên các sàn chứng khoán Trung Quốc đã làm các nhà đầu tư chủ yếu là tư nhân, thậm chí nhiều người chấp nhận đi vay với lãi suất cao để đầu tư. Nếu tại Mỹ chỉ có khoảng 3% nhà đầu tư đi vay để “chơi” chứng khoán thì tỷ lệ đó tại Trung Quốc là 8%.
Hiệu ứng domino
Cũng tương tự Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc không có nhiều kiến thức về thị trường, cứ thấy giá lên là mua vào rồi vài tuần sau lại bán ra khi thấy giá xuống. Tâm lý đám đông có thể “thổi” giá cổ phiếu tăng gấp ba trong thời gian rất ngắn, nhưng vì không có giá trị thực nên trò chơi may rủi ấy đã làm hơn 3.000 tỷ USD tan thành mây khói chỉ trong ba tuần cuối tháng 6 và tuần đầu tháng 7-2015.
Có thể nói sau phiên đổ dốc ngày 8-7 (giảm 8,2%) nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc thị trường đã từng bước phục hồi và niềm tin đã trở lại. Đáng tiếc là nhà đầu tư lại một phen hốt hoảng khi chứng kiến phiên 27-7 mất điểm mạnh nhất trong hơn 8 năm (giảm 8,48%) do các số liệu kinh tế yếu kém. Chỉ số PMI tháng bảy của ngành chế tạo thấp nhất từ tháng 4-2014, lợi nhuận của các công ty công nghiệp trong tháng 6-2015 giảm 0,3% càng gây thêm quan ngại về thực trạng kinh tế Trung Quốc, kéo mây đen che phủ thị trường.
Tuy nhiên, do chỉ số chứng khoán trên thị trường Trung Quốc trong giai đoạn 6/2014 - 6/2015 đã tăng 150%, nên bất chấp đợt trượt dốc vừa qua trung bình các nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn có lãi 60 - 70% so với thời điểm cuối tháng 6-2014.
Theo Ngân hàng American Bank Merrill Lynch, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, nhiều cổ đông lớn đã bán đi lượng cổ phiếu có giá trị khoảng 360 tỷ NDT (58 tỷ USD), so với con số 190 tỷ NDT trong cả năm 2014. Nếu như trước đây phần lớn số tiền này chảy vào các nguồn như trái phiếu của Mỹ và các đồng tiền an toàn như đồng franc Thụy Sỹ, thì nay là vào các thương vụ mua bán bất động sản ở nước ngoài. Brian Ward, người đứng đầu bộ phận dịch vụ đầu tư và thị trường vốn châu Mỹ của Công ty bất động sản Colliers International, cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 5 tỷ USD vào bất động sản Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2015, hơn hẳn con số 4 tỷ USD trong cả năm 2014.
Trong ngắn hạn, các thị trường quốc tế hầu như không bị ảnh hưởng do Trung Quốc có một hệ thống tài chính khép kín. Giới đầu tư nước ngoài chưa được tham gia rộng rãi vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và các doanh nghiệp tiên tiến của nước này đã huy động vốn trên các thị trường Hong Kong hay phương Tây, kể cả New York. Giới đầu tư nước ngoài chỉ chiếm có 2% thị trường Trung Quốc nên họ không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, nếu tình hình kinh tế Trung Quốc sa sút thì các nước khác sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Lý do là Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu lớn của thế giới, nên khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn các nước khác sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư khá mạnh ra nước ngoài nên nếu họ rút vốn thì cũng gây bất lợi cho các nước khác.
http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-chung-khoan-tin-on-trung-quoc-lao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét