Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Phụ nữ Việt ở Đài loan: Bạo lực gia đình

Hạnh Ly

  • 1 tháng 7 2015
Tôi đến gặp Thảo ở tiệm móng tay trong khu dân cư nhỏ ở Đài Bắc vào buổi chiều thứ Bảy oi bức.
Trong lúc hai đồng nghiệp của mình quần thảo giữa thành phố với chiếc máy quay, tôi tới tìm hiểu nhân vật của mình.
Trước khi qua Đài Loan, tôi đã nói chuyện đôi lần với cô qua điện thoại và không lần nào có được câu trả lời chắc chắn xem liệu cô có đồng ý cho chúng tôi tới quay phim hay không.
Thảo đặc biệt đông khách vào chiều hôm đó, tôi chỉ có khoảng 15 phút trò chuyện trong lúc cô gắn lông mi giả cho một phụ nữ Đài Loan.
Thời gian còn lại, tôi bập bẹ mấy câu tiếng Trung mới học để nói chuyện với Nam, con trai Thảo, nhưng cậu bé chỉ ngồi quan sát từ góc cửa hàng.
Toàn bộ người làm trong tiệm là phụ nữ Việt Nam, một vài người sang theo dạng lấy chồng với người Đài, chủ yếu là người miền Tây.
Lát sau, con gái của Thảo, Ánh Thu, đi học thêm về. Cô bé nói được nhiều tiếng Việt hơn anh trai. Ngay lập tức tôi thấy mình có sự gắn kết kỳ lạ với cô bé này.
Thảo là người khó đoán. Trong suốt thời gian dành ở cửa hàng, tôi không thể đoán biết trước cô sẽ như thế nào trước ống kính, là điều hiếm khi xảy ra với tôi trong những chuyến quay phim.
Cô cười nhiều, vui vẻ, biết chăm sóc bản thân, nhưng luôn tránh nói chi tiết về giai đoạn cuộc đời với người chồng Đài Loan.

Đậu phụ thối

Hai con của Thảo: Trung Nam và Ánh Thu
Chính Ánh Thu là người giúp tôi kết nối với gia đình Thảo. Đi học về, bé đói bụng, cả nhà mời tôi món đặc sản Đài Loan: đậu phụ thối.
Bước vào căn bếp ngay phía sau cửa hàng, mùi đậu phụ thối quả thật khó chịu, dù trước khi sang sống ở Anh Quốc tôi vẫn luôn say mê các loại mắm của Việt Nam.
Tôi vừa ăn vừa gật gù khen thơm ngon. Trong lúc đắm chìm trong bữa đậu phụ, tôi, Nam và Ánh Thu đã thân nhau hơn nhiều.
Thảo từ đó cũng có vẻ cởi mở hơn, và cuối cùng, cô cũng hẹn cho chúng tôi tới nhà quay và phỏng vấn.
Vốn vẫn tự tin là người dễ dàng đọc và cảm được nhân vật của mình, tôi bỗng đứng trước Thảo, một phụ nữ có lẽ chọn khép mình trước người lạ, như để bảo vệ cảm xúc, tình cảm của mình sau khi đã trải qua nhiều tổn thương.
Hai ngày sau đó, cả đoàn lục tục sắp đồ từ 5 giờ sáng để kịp tới nhà cô trước khi bọn trẻ đi học.
ChiChu chắc do còn ngái ngủ, bấm nhầm chuông cửa nhà đối diện, nhưng người đàn ông vận áo may ô, quần đùi đã rất lịch sự nói không sao, còn vẫy chào tạm biệt.
Cả đoàn lại vác đồ sang bên kia, lần này Nam ra mở cửa. Tuy mới 14 tuổi Nam đã cao lớn như người trưởng thành. ChiChu lại tưởng nhầm nhà, hoảng hốt bỏ đi. Tôi vừa hô lên vừa cười ngặt nghẽo: “Không sao, bé Nam đây rồi!”
Căn hộ của mẹ con Thảo sạch sẽ nhưng tối giản tới mức đáng ngạc nhiên. Nó cho thấy chủ nhà có lẽ không dành nhiều thời gian ở đây.

Phỏng vấn

ChiChu (giữa) rất thích selfie. Neal quay phim (góc trái), Hạnh Ly (đứng cạnh Thảo mặc áo vàng), và hai con của Thảo
Phản ứng của mỗi nhân vật trước máy quay mỗi khác. Có người đang vui vẻ nhanh nhẹn, thấy máy quay bỗng cứng đơ. Riêng cả nhà Thảo rất tự nhiên, đi ra đi vào, ôm nhau, nói chuyện, chuẩn bị sách vở.
Thảo còn nhân đó sửa sang mái tóc bù xù của tôi cho gọn ghẽ và khuyên tôi về Sài Gòn nên thử xăm môi, xăm lông mày.
Đưa Nam đi học xong Thảo mới quay lại đưa bé Thu đi. Ánh Thu ôm chầm lấy tôi nói bằng tiếng Việt ngọng nghịu: “Mai cô quay lại không? Con đi học đến 9 giờ tối mới về, con làm sao gặp cô?”
Tôi chỉ biết ôm bé thật chặt. Biết nói sao đây, mỗi chuyến quay phim thường chóng vánh. Những mối liên hệ với nhân vật vừa được hình thành, vừa thân nhau, đã phải rời xa.
Căn hộ vắng trẻ con yên tĩnh hẳn.
Rất khó để chọn được góc phỏng vấn với hậu cảnh đẹp và làm toát lên được cuộc sống, cá tính của nhân vật trong căn hộ tường trắng nhờ và gạch men cũng trắng.
ChiChu thậm chí còn leo lên giường ngủ của Thảo và có sáng kiến phỏng vấn cô ngồi trên giường.
Nhưng rồi chúng tôi cũng quyết định để Thảo ngồi bên bàn học của bọn trẻ, và lấy hậu cảnh mờ mờ là đám khăn mặt, quần áo đang phơi đằng sau.
Trong suốt cuộc phỏng vấn, Thảo vẫn không muốn kể chi tiết về những gì đã diễn ra giữa cô với người chồng nghiện rượu. Cô cho rằng, chuyện đã qua, giờ nhắc lại khác gì “nói xấu người ta”, giờ hai người đã đường ai nấy đi.
Tuy nhiên, tổ chức từ thiện giới thiệu Thảo với chúng tôi nói Thảo từng bị chấn thương và trường hợp của cô nghiêm trọng tới mức, cô được đưa vào diện bảo vệ an ninh, người chồng cũ phải giữ khoảng cách 100 mét.
Trên đường đưa tôi ra bắt taxi, cô kể người chồng cũ thường xuyên đánh đập cô mỗi khi lên cơn say. Cô quyết định ly hôn nhưng chồng không chịu ký do tranh chấp tài sản. Sau gần năm năm, cô nói, “không hiểu sao tự nhiên lại ký đơn ly dị”.
Thảo ở khóa dạy nghề làm móng tay. Cô cũng đoạt nhiều giải thưởng khác nhau ở Đài Loan trong lĩnh vực này
Có thể cảm được nội tâm cứng rắn của Duy Thảo toát ra rất mạnh mẽ, từ cách cô kiềm giữ cảm xúc cho tới nội dung trả lời phỏng vấn.
Với cô, những khó khăn, đau buồn xảy ra trong cuộc đời mỗi người đều có nguyên do và vai trò của nó, và thế mới là đời. Nên, không việc gì phải ngồi đó mà luyến tiếc cho những gì đã qua, Thảo chọn cách tự lập vươn lên và dành hết tương lai của mình cho các con.
Nhưng hai khoảnh khắc duy nhất tôi thấy Thảo bộc lộ vẻ yếu đuối của mình là khi tôi hỏi cô về quan hệ giữa hai bé với người cha, và khi cô kể về thời thơ ấu không có được cuộc sống đầy đủ.
Mắt đỏ hoe và môi run run, nhưng không một giọt nước mắt trào ra. Cô chỉ quay mặt đi, nuốt nước mắt vào trong và tiếp tục câu chuyện.
Trong cuộc phỏng vấn cô cũng nhiều lần nhắc tới tiền, kiếm tiền, có đủ điều kiện. Niềm tự hào của cô là hai đứa trẻ học hành giỏi giang, và căn hộ do chính cô mua không qua trả góp.
Ở Đài Bắc đa số người dân vẫn thuê nhà do giá nhà và thuế mua bán bất động sản cao mà giá thuê rẻ. Chính phủ Đài Loan muốn hạn chế người dân mua bán nhà đất do không còn nhiều đất xây dựng cho nhà riêng, Chichu giải thích.
Duy Thảo nói với tôi, không có tiền thì “không ai dám ở gần, bạn bè không mà người thân cũng không”. Khi cô rời Đắk Lắk từ năm 18 tuổi, mơ ước cuộc sống của mình sẽ “cao sang như trong phim nước ngoài”.

Đàn ông

Các chị em ở tiệm Duy Thảo say sưa chụp ảnh với Neal, quay phim của đoàn
Ngày cuối cùng tôi gặp Thảo ở Đài Bắc là khi chúng tôi tới ghi hình ở tiệm của cô. Hôm đó chỉ có tôi với cậu quay phim. ChiChu phải ở lại giải quyết một số thay đổi bất thường.
Cả tiệm giờ trưa vắng chỉ toàn phụ nữ và một, hai khách người Đài Loan. Cậu quay phim người Anh đi loanh quanh cửa hàng quay mấy lọ sơn móng tay, bảng giá v.v..
Mấy chị em bắt đầu tâm sự về đàn ông. Trong số những người làm ở tiệm cũng có một, hai người đã ly dị chồng người Đài Loan. Các chị rối rít trêu đòi tôi giới thiệu mấy anh người Anh.
Thảo rất thích đi du lịch
Nhưng cũng chính những người đó nói đàn ông Đài Loan thực ra không xấu, và còn tốt hơn khối đàn ông Việt Nam “ở nông thôn, coi thường phụ nữ và say xỉn tối ngày”.
Cũng chính những phụ nữ đó muốn giới thiệu cho bạn bè, chị em gái Việt Nam khác qua Đài Loan lấy chồng hoặc lao động.
Riêng Thảo, tôi hỏi cô có khi nào thấy cô đơn không, cô chỉ lắc đầu cười và nói cô quá bận với cửa hàng và con cái.
“Vậy có phải chị đã sợ đàn ông?” – “Đàn ông hả, đàn ông thì thôi xin đầu hàng,” Thảo giơ hai tay lên ra hiệu xin hàng và cười lớn.
Sau toàn bộ thời gian Thảo dành cho chúng tôi, tôi ngầm cảm thấy rằng, có lẽ chính ước mơ thoát ra khỏi ngôi làng nhỏ ở Đắk Lắk đã thôi thúc cô gái Việt Nam tới Đài Loan.
Cô nói một ngày kia cô sẽ đi châu Âu, sẽ sang nước Anh để được biết thêm thế giới.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/07/150630_phu_nu_vietnam_dailoan_duythao_blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét