Tâm sự hai người Công giáo vừa ra tù
- 6 giờ trước
Hai trong số 14 bị cáo trong nhóm thanh niên Công giáo và Tin Lành ở vụ xử “âm mưu lật đổ chính quyền” hồi 2013 tại Việt Nam vừa được trả tự do sau bốn năm tù.
“Trở về sau bốn năm tù, tôi không thấy tiếc điều gì. Tôi tự hào về bốn năm tù đó,” ông Gioan Nguyễn Văn Oai nói với BBC Tiếng Việt.
Ông Paulus Lê Sơn thì nói thời gian ở tù là lúc ông “cảm nhận được sâu sắc hơn nhiều” về những “khó khăn đau khổ nhất của con người, cả về tâm hồn lẫn thể xác”.
Ông Nguyễn Văn Oai bị bắt cùng hai người khác hồi cuối 7/2011 khi tất cả cùng vừa từ Thái Lan trở về sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Lê Sơn bị bắt sau đó ít hôm, 8/2011.
Phán quyết sơ thẩm ra án tù 13 năm cho ông Lê Sơn, là một trong những mức án nặng nhất, và án tù 4 năm cho ông Nguyễn Văn Oai.
Tại phiên phúc thẩm tháng 5/2013, ông Lê Sơn được giảm án vì "đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội".
'Tôi là người của đảng Việt Tân'
Ông Oai đã không đệ đơn kháng án, bởi: “Tôi nghĩ những vụ án như vụ của chúng tôi thì dù là huyện, tỉnh hay trung ương xử thì đều là một, bản án đã ở trong túi rồi. Tôi để họ thích đưa tôi đi đâu thì đi.”
Nhắc tới cáo buộc nêu trong phiên xử hồi 2013 theo đó xác định các bị cáo là thành viên của Việt Tân, một đảng phái chính trị của người Việt hải ngoại, ông Oai nói:
“14 người ra đứng trước phiên tòa cùng nhau, theo tôi biết thì mỗi người đều đấu tranh cho dân chủ nhưng họ có phải là người của Việt Tân hay không thì tôi không biết.”
“Riêng bản thân tôi là người của đảng Việt Tân. Tôi công nhận tôi là đảng Việt Tân. Đảng Việt Tân của chúng tôi rất mong được xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ.”
Ông Oai cho biết trong số những người cùng bị đưa ra xét xử, ông với một số người là “anh em quen biết, bạn học, đồng nghiệp... ở gần nhau và thường xuyên liên lạc, làm việc với nhau”, còn một số người khác thì ông “không quen biết”.
Tuy vậy, ông nói vụ án “âm mưu lật đổ chính quyền” đã khiến ông “cùng muốn chia sẻ, gánh vác” với những người chưa quen biết đó về “những kết quả, trách nhiệm mà người ta đã buộc vào cho chúng tôi”.
“Mặc dù không biết nhau nhưng đã [trong hoàn cảnh] như thế rồi thì anh em đồng lòng để vượt qua khó khăn.”
“Tôi nghĩ là tất cả những người bị đưa ra trong phiên tòa đó đều mong cho đất nước Việt Nam có một nền dân chủ thật sự trong tương lai.”
‘Không chấp nhận quản chế’
Ông Nguyễn Văn Oai nói ông “đã không chịu nhận bất kỳ tội gì”, và không chấp nhận ký bất kỳ loại văn bản, giấy tờ nào, kể cả giấy cho ông được tự do.
“Khi ra tù, họ yêu cầu tôi ký giấy xuất trại, tức giấy chứng nhận ra tù. Tôi trả lời là ‘các ông bắt tôi thế nào thì thả tôi ra như thế, nếu muốn giữ lại thì tôi sẵn sàng ở lại chứ tôi không ký gì hết’. Họ đã gây khó dễ từ chiều ngày 1 tới sáng ngày 2/8. Sau đó tới hơn 11 giờ trưa họ mới cho về.”
Theo bản án, cả ông Nguyễn Văn Oai và ông Lê Sơn đều phải chịu bốn năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Cả hai người đều khẳng định họ không quan tâm tới lệnh quản chế.
“Trước khi tôi được về khoảng một tháng, bên an ninh đòi tôi viết cam kết là khi trở về phải chịu quản chế. Tôi trả lời là tôi chẳng cam kết gì cả. Trước khi tôi về, họ nói ‘anh về phải chịu sự kiểm duyệt của công an, đi đâu thì phải xin phép’. Nhưng bản thân tôi không quan tâm tới điều đó,” ông Oai nói.
“Nếu có việc phải đi ra khỏi địa phương, tôi sẽ vẫn cứ đi như một người bình thường. Họ chặn lại hay xử lý thế nào là việc của họ.”
Ông Lê Sơn cũng có cùng quan điểm. Ông nói: “Thực hiện quản chế là quyền của họ, còn tôi sẽ thực hiện tất cả các quyền mà một con người được có theo lẽ tự nhiên. Đó là quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc.”
‘Không thay đổi’
Về kế hoạch cho tương lai, ông Nguyễn Văn Oai nói ông chưa có dự kiến gì, nhưng “trái tim tôi hướng về nền dân chủ cho Việt Nam”.
“Tôi sẽ góp sức cùng các tổ chức quan tâm tới vấn đề nhân quyền Việt Nam để làm sao cho Việt Nam sớm có nền dân chủ thực sự,” ông Oai nói.
Nhìn lại việc được giảm án trong phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Sơn "hy vọng là dư luận sẽ hiểu được điều này... Tôi không khai báo, công nhận gì cả, bởi những việc làm của tôi không phải là tội lỗi, không trái luân thường đạo lý... tôi chỉ muốn góp phần xây dựng đất nước."
Ông Lê Sơn nói trước ngày xử phúc thẩm ba hôm, Bộ Công an cử người tới gặp ông và khuyên nên viết, ký nhận một số chuyện để được nhẹ tội, giảm án. Đó cũng là lúc ông được biết tin mẹ đã qua đời từ trước đó hơn một năm.
"Lòng tôi đau đớn, tâm trí tôi bị hoảng loạn... Và rồi tôi làm theo ý họ. Đó là những giây phút tôi ngã lòng," ông nói.
"Sau đó, tĩnh tâm lại, tôi nghĩ rằng cuộc sống là một cuộc trải nghiệm mà chúng ta phải bước đi dù có đau khổ tới mức nào," ông nói với BBC.
“Trước khi bị bắt, cách nhìn nhận của tôi là theo đức tin, tôi phải sống theo lẽ công chính, công bình bác ái và yêu thương. Tôi phải lên tiếng cho công bình, lẽ phải, cho sự tự do mà Thượng Đế ban tặng cho con người. Sau bốn năm bị giam cầm, tôi trưởng thành lên nhiều lắm. Tôi hiểu những điều đó sâu sắc hơn rất nhiều.”
“Trước khi bị bắt, tôi có gặp bà Lê Thị Công Nhân. Bà ấy nói với tôi, ‘Những sự đau khổ nhất, ghê gớm nhất, những gì con người không tưởng tượng được trong tù thì chị đã gặp.’ Nhưng khi ở trong tù, tôi lại thấy những điều bà Lê Thị Công Nhân chia sẻ với tôi vẫn là chưa đủ. Những điều khó khăn đau khổ mà tôi cảm nhận được còn sâu sắc hơn nhiều.”
Được biết trong tháng Tám này, sẽ có hai người nữa trong cùng vụ án được trả tự do, gồm các ông Thái Văn Dung và ông Trần Minh Nhật. Một người nữa, ông Nguyễn Đình Cương, sẽ mãn hạn tù vào tháng Mười Hai.
Ba người này cùng bị mức án bốn năm tù ở phiên sơ thẩm, và y án trong phiên phúc thẩm.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150804_thanh_nien_cong_giao_released
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét