Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Nên đánh giá ra sao về vụ Hiroshima?

Rupert Wingfield-Hayes

  • 5 tháng 8 2015
Hoa Kỳ luôn nói rằng thả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki là cần thiết để dẫn tới kết thúc Đại chiến Thế giới II. Nhưng điều đó đã không tính tới cái giá khủng khiếp về nhân mạng.
Tôi gặp một người đàn ông khá trẻ tại Hiroshima. Anh tên là Jamal Maddox, sinh viên tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ.
Đứng gần địa điểm nổi tiếng, mái vòm bom nguyên tử A-bomb Dome, tôi hỏi Jamal liệu chuyến tới thăm Hiroshima có làm thay đổi cách nhìn của anh về việc Mỹ thả bom hạt nhân xuống thành phố này hồi 70 năm về trước không.
"Đó là một câu hỏi khó," cuối cùng anh nói. "Tôi nghĩ rằng xã hội chúng ta cần xem lại điểm này trong lịch sử và cần tự hỏi mình làm thế nào Mỹ lại cho rằng việc phá hủy hoàn toàn các thành phố, thả bom xuống các thành phố là điều nên làm được."
Đó không phải điều mà người Mỹ thường nói về Hiroshima.
Quan niệm chung tại Hoa Kỳ là việc thả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki đã chấm dứt cuộc chiến, và do đó là điều thỏa đáng - chấm hết.
Rõ ràng đây là một cách quan niệm tiện lợi. Nhưng đây là điều được các lãnh đạo Mỹ đưa ra sau cuộc chiến, nhằm biện hộ cho những gì nước Mỹ đã làm. Và những gì họ đã làm, dù là tính theo bất kỳ biện pháp nào, là rất khủng khiếp.
Việc đó không phải khởi đầu vào ngày 6/8. Nó đã bắt đầu từ hàng tháng trước cuộc trút bom xuống Tokyo.
Hôm 9/3/1945, 25 cây số vuông của Tokyo đã bị phá hủy trong một trận bão lửa khủng khiếp. Số người chết rất cao, thậm chí còn cao hơn so với ngày đầu tiên ở Hiroshima. Từ tháng Tư tới tháng Bảy, việc ném bom dữ dội tiếp tục diễn ra ở các nơi khác trên đất Nhật.
Hiroshima trở nên tan hoang sau khi bị thả bom hạt nhân
Rồi đến Hiroshima.
Hiroshima không phải là mục tiêu quân sự. Đội bay Enola Gay không nhắm vào các cảng, hay các cơ sở công nghiệp lớn.
Mục tiêu của họ là trung tâm địa lý của thành phố. Trái bom được đặt chế độ nổ ở vị trí 500 met phía trên mặt đất nhằm tạo hiệu ứng phá hủy lớn nhất.
Trên mặt đất, nhiều người sống sót sau vụ nổ ban đầu, nhưng bị mắc kẹt trong đống nhà cửa đổ nát, dưới những rầm gỗ và những mái ngói nặng nề. Sau đó, lửa bùng cháy.
Không ai biết chắc được là đã có bao nhiêu người thiệt mạng trong ngày đầu tiên. Ước tính ban đầu đưa ra con số 70 ngàn. Hơn 80% là thường dân.
Nếu bạn tìm kiếm cụm từ "Hiroshima in colour" trên mạng, bạn sẽ thấy một số đoạn phim đáng chú ý, hiện đang được lưu giữ trong tàng thư quốc gia của Hoa Kỳ.
Một nhóm gồm các nhân viên quân sự Mỹ và đoàn làm phim Nhật Bản đã quay hơn 20 giờ những gì xảy ra trong tháng Ba 1946. Đó là những đoạn hình ảnh đầy đủ nhất, chi tiết nhất về hậu quả của cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên.
Đáng chú ý là những thước phim đó đã không được đưa ra cho công chúng cho tới tận đầu thập niên 1980. Nó được đánh dấu mật và bị chính quyền Mỹ cất giấu trong suốt hơn 30 năm.
Thay vào đó, người dân Mỹ được nói cho nghe rằng việc ném bom Hiroshima và Nagasaki là nỗ lực khoa học vĩ đại, đưa đến chiến thắng nhanh chóng và giúp cứu sống hàng trăm ngàn sinh mạng ở cả hai phía.

Cái giá về sinh mạng

Các lãnh đạo Nhật Bản đã bị chỉ trích một cách đúng đắn về việc họ cứ tiếp tục xóa mờ đi tội ác của Nhật trong thời Đại chiến Thế giới II tại Trung Quốc, Triều Tiên và Đông Nam Á.
Một điều chính xác nữa, là việc ném bom khủng khiếp đó không phải là do Hoa Kỳ làm đầu tiên.
Phát xít Đức đã dùng nó tại Guernica hồi 1937, và lại dùng lần nữa với các thành phố của Anh vào 1940.
Nhật đã ném bom Trùng Khánh trong thời gian sáu năm. Anh thì phá hủy Dresden và nhiều thành phố khác của Đức.
Nhưng không chiến dịch ném bom nào trong Đại chiến Thế giới II lại dồn dập vào việc tàn phá đời sống thường dân như việc Mỹ ném bom Nhật Bản trong 1945. Số người chết vào khoảng từ 300 ngàn đến 900 ngàn.
Như Jamal Maddox nói với tôi rất rõ, là làm sao một đất nước tham chiến nhằm cứu nền văn minh lại có thể đi đến kết cục thảm sát hàng ngàn dân thường?

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/08/150804_hiroshima_atomic_bombing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét