Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Kịch bản tác động lên nền kinh tế Việt nam khi gia nhập TPP


Đầu tư của Việt Nam, Nhật Bản sẽ tăng mạnh trong khi Trung Quốc và các nước EU sẽ giảm là kịch bản được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách đưa ra dưới tác động của TPP.




Hội thảo đánh giá tác động TPP, AEC lên kinh tế vĩ mô, ngành chăn nuôi Việt Nam

Sáng 3/8, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi.

Theo đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, đối với toàn bộ nền kinh tế, trong hầu hết các kịch bản mô phỏng sử dụng mô hình GE, Việt Nam là nước có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo %. 

Tuy nhiên, tác động từ AEC chỉ ở mức nhỏ trong khi ảnh hưởng của TPP lên nền kinh tế là lớn hơn nhiều lần. 

Về đầu tư, mức tăng đầu tư của Việt Nam là ấn tượng nhất trong các nước, xấp xỉ mức tăng của Nhật Bản và gần gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia và Mỹ (tính theo giá trị). 

Trong khi đó, nhóm các nước nằm ngoài AEC và TPP sẽ bị suy giảm đầu tư đặc biệt là Trung Quốc và EU.

Theo kết quả mô phỏng lên đầu tư, trong kịch bản % thay đổi của Việt Nam là 30,62%, Nhật Bản là 0,99% trong khi đó Trung Quốc là -0,42%, EU là -0,32%.

Tương ứng thay đổi về giá trị Việt Nam là 12,97 tỷ USD, Nhật Bản là 11,87 tỷ USD trong khi Trung Quốc là -14,26 tỷ USD, EU là -10,35 tỷ USD.

Về cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thu hẹp của các ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp. 

Trong khi đó, nền kinh tế sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và những ngành ít thương mại đặc biệt là dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng. 

Trong các kịch bản đánh giá tác động khi TPP có hiệu lực kết quả mô phỏng cho thấy thương mại Việt Nam với các nước TPP tăng lên. 

Trong khi đó, đối với các nước ngoài TPP Việt Nam có xu hướng tăng cường nhập khẩu và giảm nhẹ xuất khẩu. 

Nguyên nhân của sự sụt giảm theo nhóm chuyên gia VEPR có thể do sản xuất trong nước giảm ở một loạt cách ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng cảnh báo đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tăng mạnh đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI.

"Việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ chẳng hạn xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, hàng hoá trung gian, công nghiệp chế biến nhằm tận dụng những lợi ích mà TPP mang lại.

Gia tăng về tiêu dùng và đầu tư đến từ ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, da giày tăng sản lượng xuất khẩu tuy nhiên các ngành đòi hỏi lao động giá rẻ để thu hút đầu tư.

"Một khi mức lương của Việt Nam tăng liên tục những nhà đầu tư nước ngoài không bám rễ tại đay có thể sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nước khác làm điểm đến mới cho đầu tư", ông Nguyễn Đức Thành cảnh báo.

Ngoài ra, báo cáo của VEPR cũng lưu ý khi TPP thực thi các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến doanh thu từ thuế giảm điều này ảnh hưởng đến thu ngân sách khiến Chính phủ tìm cách bù đắp thâm hụt bằng các nguồn khác như tăng thuế, vay nợ, cắt giảm đầu tư công…

Song nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, một số chính sách có thể cản trở nỗ lực hồi phục của nền kinh tế, tăng khả năng xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Theo Nguyên Thảo (Bizlive)
http://www.ijavn.org/2015/08/kich-ban-tac-ong-len-nen-kinh-te-viet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét