Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Khi trạm thu phí bủa vây


Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là khu trọng điểm kinh tế phía Nam, đang bị 40 trạm thu phí “bủa vây”, và sắp tới đây, lại thêm 4 trạm nữa.

Khi trạm thu phí bủa vây
Ảnh minh họa

Từ Đồng Nai vào TP Hồ Chí Minh chỉ 40 km, nhưng một chiếc xe 7 chỗ ngồi phải “cống” cho 3 trạm thu phí tổng cộng 100 ngàn đồng, cao hơn nhiều số tiền xăng để đi qua quãng đường đó.

 Từ Hà Nội đi Nam Định chỉ 90 km, nhưng phải qua 3 trạm thu phí: Trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ có độ dài 30 km, phí thu cho một chiếc xe 7 chỗ là 45 ngàn đồng; Trạm Cầu Giẽ - Liêm Tuyền có độ dài 20 km, phí xe 7 chỗ 30 ngàn đồng; Trạm Liêm Tuyền - Nam Định 28 km, phí cho một chiếc xe 7 chỗ 20 ngàn nữa, tổng cộng 95 ngàn đồng.

 Nếu dấn thêm 22 km nữa sang đến TP Thái Bình, thì thêm 30 ngàn phí qua cầu Tân Đệ, thành 125 ngàn đồng. Tức là mỗi km bình quân hết hơn 1 ngàn đồng. Với xe trên 7 chỗ hoặc xe khách, xe tải… thì mức phí còn “khủng” hơn nhiều.

 Trạm thu phí càng dầy, thì cái túi của doanh nghiệp, của người dân càng teo tóp. Kinh tế đất nước còn khó khăn, các doanh nghiệp còn đang phải bươn chải trong muôn vàn khó khăn để tồn tại, để hoạt động, thu nhập của người dân chưa cao.

 Chi phí vận chuyển được tính vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, và cuối cùng thì đều đổ lên đầu người dân, tức là người tiêu dùng. Chi phí qua các trạm thu phí của doanh nghiệp vận tải hành khách, cuối cùng cũng đổ lên đầu người đi xe.

 Tóm lại là từ người tiêu dùng đến người sử dụng dịch vụ đều phải gù lưng “cõng” phí của các trạm thu phí đó.

 Không ai phản đối chủ trương xã hội hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng xã hội hóa kiểu gì cũng phải tính đến sức chịu đựng của người dân. Thu phí như vậy, dân làm sao chịu nổi. 

 Và chủ trương xã hội hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng hình như đang bị “biến dạng” một cách nguy hiểm. 

Trong khi các thông tư số 90/2004 và 159/2013 của Bộ Tài chính quy định: Cự ly tối thiểu giữa hai trạm thu phí phải là 70 km, thì trên thực tế, bằng việc bố trí dầy đặc các trạm thu phí, người ta đã bỏ qua những quy định của các thông tư này.

  Từ Hà Nội về TP Thái Bình, đoạn đường chỉ 112 km, mà đã có tới 4 trạm thu phí, nghĩa là chưa đầy 30 km một trạm.

 Để ngụy biện cho việc đặt trạm thu phí dầy đặc đó, nhiều cơ quan chức năng và địa phương cho rằng những thông tư trên của Bộ Tài chính quy định… không cụ thể, nên không thể áp dụng được.

 Điều kỳ lạ là trước những sự việc sờ sờ ra đó, mà cả Bộ Tài chính lẫn Bộ GT-VT đều không có ý kiến gì.

 “Không nói thì ai cũng hiểu rằng lợi nhuận của việc làm đường, thu phí đều chảy vào túi doanh nghiệp. Mà không phải doanh nghiệp nào cũng được làm đường, thu phí. Những gì tạo gánh nặng cho dân thì phải thay đổi cho phù hợp. Mọi việc nằm trong tay lãnh đạo các ngành, các địa phương. Vấn đề là họ có muốn thay đổi hay không mà thôi”.

 Xin mượn lời của một bạn đọc để làm cái kết cho bài báo này.

Theo Vũ Hữu Sự (Nông Nghiệp)
http://www.ijavn.org/2015/08/khi-tram-thu-phi-bua-vay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét