Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

“Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”

Nguyễn Văn Tuấn

Đó là câu thơ hay của Tố Hữu viết vào năm 1969, khóc Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Chúng ta biết rằng hiện nay Việt Nam đang nóng lên với cơn sốt tượng đài. Tôi mới “phát hiện” một qui luật rất thú vị: những địa phương nào nghèo nhất cũng chính là những địa phương có tượng đài nhiều nhất, đặc biệt là tượng đài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngạc nhiên?
Có thể nói rằng Việt Nam đang có một trào lưu xây tượng đài và di tích. Nơi nơi xây tượng. Từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1). Ngoài tượng đài Hồ Chí Minh, người ta còn xây văn miếu và đài tưởng niệm khác. Hãy thử liệt kê một số địa phương nổi cộm xuất hiện trên báo chí:
  • Sơn La: dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, tốn 1400 tỉ đồng.
    • Lai Châu: Tượng đài Hồ Chí Minh về thăm Lai Châu (2009), chi phí 41.5 tỉ.
    • Tuyên Quang: Tượng đài Hồ Chí Minh với các dân tộc Tuyên Quang (2015), chi phí 200 tỉ.
    • Hà Giang: Tượng đài Thanh niên xung phong, tốn 46 tỉ đồng.
    • Điện Biên: Tượng đài Điện Biên Phủ, chi phí 51 tỉ (rút ruột 30%).
    • Lào Cai: Tượng đài biểu tượng văn hóa, chi phí?
    • Hà Tĩnh: Xây Văn Miếu, 80 tỉ đồng.
    • Nghệ An: Khu di tích Hoàng Thị Loan (chi phí?), đền thờ Nguyễn Sinh Sắc (tốn 73 tỉ đồng) và chị em Chủ tịchHồ Chí Minh (không thấy nói tốn bao nhiêu).
    • Quảng Nam: Tượng mẹ Việt Nam Anh hùng, tốn 411 tỉ đồng.
    • Vĩnh Phúc: Xây Văn Miếu, tốn 300 tỉ đồng.
    • Quảng Ninh: Xây tượng đài biểu tượng văn hoá, tốn 25 tỉ đồng (mới bị sét đánh).
    • Sài Gòn: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tốn 7 tỉ đồng.
Nhìn qua danh sách trên, chúng ta thấy sốc nhất và nổi nhất vẫn là Sơn La đòi xây tượng đài với cái giá 1400 tỉ đồng. Nhưng thấy gì qua các địa danh có những tượng đài và khu di tích trên? Ngoại trừ Sài Gòn, đó là những tỉnh nghèo nhất nước. Xin minh chứng: số liệu của Ngân hàng Thế giới mới công bố cho thấy tỉ lệ dân nghèo như sau (2):
Sơn La: tỉ lệ nghèo 64%
Lai Châu: 76%
Tuyên Quang: 40%
Hà Giang: 71%
Điện Biên: 71%
Lào Cai: 57%
Hà Tĩnh: 22%
Nghệ An: 27%
Quảng Nam: 23%
Vĩnh Phúc: 12%
Quảng Ninh: 12%
Sài Gòn: 3%

Những số liệu trên đây cho thấy hai qui luật chung là tỉnh càng nghèo thì càng xây nhiều tượng đài hoặc khu di tích, và chi phí thuộc vào hàng đắt nhất. Chỉ có một ngoại lệ trong danh sách trên là Sài Gòn xây tượng chỉ tốn 7 tỉ đồng. (Thật ra, tôi dùng chữ “chỉ” là đáng bị ném đá). Còn một qui luật phụ nữa là các tỉnh có vẻ thích xây những tượng đài gì có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nơi như Nghệ An xây khu di tích thờ luôn cả chị em của ông! Qui luật hai này cho thấy ông cụ tuy qua đời đã lâu nhưng uy danh của ông vẫn có thể giúp các tỉnh nghèo có dịp kiếm chác. Chợt nhớ đến những vần thơ bất hủ của Tố Hữu khi thi sĩ Khóc Bác (3):
[…]
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
[…]
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác – Lênin, thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Tôi nghĩ các địa phương xây tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nên khắc những vần thơ này dưới chân tượng hay một nơi nào đó uy nghiêm nhất.
====
http://www.boxitvn.net/bai/36403

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét