Báo VN đăng bài về Nguyễn Hữu Đang
- 6 tháng 8 2015
Lần đầu tiên, một tờ báo ở Hà Nội đăng tư liệu nhiều kỳ về ông Nguyễn Hữu Đang, được xem là trụ cột của phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Hôm 5/8, báo điện tử Dân Sinh thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội gây bất ngờ khi khởi đăng loạt bài 30 kỳ với chủ đề ‘Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng’.
Nguyễn Hữu Đang là một trong những khuôn mặt trí thức dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ can trường nhất tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Là cột trụ của phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông Đang đã bị bắt, bị cầm tù, quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 59 năm, từ tháng 4/1958 đến tháng 2/2007, khi ông mất.
Lâu nay, các tư liệu về ông Đang cũng như những nhân vật khác trong phong trào Nhân văn Giai phẩm bị cho là chủ đề ‘cấm kỵ’ trên mặt báo.
Trong lời mở đầu về loạt bài, báo Dân Sinh mô tả “Nguyễn Hữu Đang có một số phận đặc biệt:
Từ người dựng lễ đài, Trưởng ban tổ chức Lễ Độc Lập, để ra mắt quốc dân đồng bào Chính phủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, là người đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Lễ đài, nâng ấn kiếm của chế độ phong kiến lên cho Cụ Hồ để Cụ Hồ tuyên bố: “Lưỡi kiếm này để trừng trị những tên hại dân, phản quốc”.
Vậy mà sau đó, Nguyễn Hữu Đang lại “vướng” vào vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, bị kết án tù 15 năm, ra tù tiếp tục bị quản thúc hơn 15 năm nữa. Cuối đời, Nguyễn Hữu Đang được phục hồi chế độ “Lão thành cách mạng”. Câu chuyện Nguyễn Hữu Đang mang đến cho chúng ta rất nhiều chiêm nghiệm và những bài học thấm thía…”.
Đăng và chịu trách nhiệm
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt vào chiều 6/8, ông Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Dân Sinh cho biết: “Chúng tôi tin rằng Nguyễn Hữu Đang là nhân vật mà mọi người muốn tìm hiểu, nghe nhiều về ông. Chúng tôi quyết định đăng tư liệu về ông Đang nhân dịp Cách mạng tháng 8 vì cuộc đời của ông có nhiều nỗi niềm trong giai đoạn này”.
Theo ông Phong, loạt bài dài kỳ này được trích từ cuốn sách ‘Người đeo lục lạc’ chưa ấn hành của nhà văn Võ Bá Cường - một nhà văn người Thái Bình có nhiều công sức tìm hiểu, chắp nối và nghiên cứu về Nguyễn Hữu Đang. Ông Cường cũng chính là tác giả của cuốn sách 'Chuyện tướng Độ' do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2007.
Ông Phong giải thích loạt bài được viết theo dạng ‘tiểu thuyết tư liệu’, theo đó nhà văn tiếp xúc với những nhân vật thật và tư liệu để xây dựng lên câu chuyện ‘có một phần yếu tố hư cấu nhưng gần với đời sống’.
Khi được hỏi có quan ngại việc loạt bài về ông Đang có thể bị Bộ Thông tin - Truyền thông tạm dừng giữa chừng hay không, ông Phong nói: “Tôi tin là sẽ không có ai ngăn cấm đăng bài về ông Đang. Báo chí ở Việt Nam không có kiểm duyệt. Chúng tôi có quyền lựa chọn nhân vật và câu chuyện để đăng. Và chúng tôi chịu trách nhiệm về những gì mình đăng tải”.
Ông Phong chia sẻ, loạt bài ‘Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng’ tuy mới khởi đăng nhưng đã đón nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn đọc, nhất là những nhà văn.
‘Vẻ đẹp tiết tháo của người trí thức’
Báo Dân Sinh còn dẫn bức thư của ông Đang ngày 1/6/1990 gửi Dương Thu Hương mà báo này mô tả là ‘nhà văn bất đồng chính kiến, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài’.
Bức thư có đoạn: "Viết đến đây, tôi không nghĩ về tôi; tự thương mình đã rơi vào cái hố duy ý chí từ tuổi mười lăm, rồi cứ thế càng ngày càng cuồng tín, hợm mình, tham thắng, khi biết đến cái bí quyết sống "tri túc" lấy làm đủ của đạo học thì đã muộn".
Báo Dân Sinh viết thêm: “Chiêm nghiệm từ câu chuyện Nguyễn Hữu Đang, chúng ta càng nhận ra những bước đi vĩ đại của quá trình phát triển cách mạng, nhận ra vẻ đẹp tiết tháo của người trí thức và nhận ra cả những kinh nghiệm sống trong đóng góp và phản biện cho hiện tại và tương lai…”.
Tháng 4/1958, Nguyễn Hữu Đang bị bắt cùng một số trí thức, văn nghệ sỹ liên quan trong vụ "Nhân văn - Giai phẩm". Tháng 1/1960, ông bị kết án 15 năm tù, ra tù ông tiếp tục bị quản thúc tại quê nhà hơn 15 năm.
Trong kỳ 1 - ‘Mưa thanh xuân’ đăng trên báo Dân Sinh có đoạn:
"Nguyễn Hữu Đang là người không vợ, không con, không nhà không cửa, không một lần chung chăn chung chiếu với người mình yêu và người yêu mình, cũng là người duy nhất ở Việt Nam không nghe thấy tiếng máy bay, tiếng bom Mỹ, không biết ở bên ngoài có cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì lúc đó ông nằm liệt trong hang đá ăn mắm dòi, gạo mục, uống nước suối.
Chỉ riêng sức chịu đựng không có người đàn bà nương tựa về tâm hồn trong lúc ông bị đánh tơi tả ấy phải chắp tay vái "cụ" ba vái. Và chúng ta tự hỏi: "Trên thế gian này có ai cô đơn hơn Nguyễn Hữu Đang không?" chỉ thấy nổi lên ở ông điều cay cực, oan trái mà ông vẫn bình thản ngồi đọc sách, dịch sách, tìm thấy trong Lão Tử, Trang Tử điều gì để thanh thản sống bám lấy cuộc đời thô nhám này. Ông biết chịu đựng và sống có chừng mực.
Ông bảo: "Đời là cuộc chơi nhưng chơi không cay cú" nên lúc ông bị đày đọa, ông coi đó là cuộc chơi nên cũng không hề hé răng hé lợi kêu than, tố khổ. Cái đáng quan tâm nhất trong cuộc đời cô đơn của ông, công việc gì thuộc phạm trù tư tưởng ông cố làm được tất cả, thắng tất cả với cá nhân mình. Nhưng cái đáng sợ nhất ở ông sau khi chịu tù 30 năm về ông không biết sợ cái gì cả…".
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150806_nguyen_huu_dang_news_vietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét