Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Vị tướng đánh bại Hitler

 
Zhukov là anh hùng nhưng cuộc đời cũng truân chuyên
Zhukov là anh hùng nhưng cuộc đời cũng truân chuyên
Nguyên soái Georgi Zhukov là vị chỉ huy Hồng Quân Liên Xô từ chỗ sắp sửa bị đánh bại tại Stalingrad sang thế đẩy lùi quân phát xít Đức về tận Berlin, nơi chế độ Đức quốc xã sụp đổ.
Ông trở thành người anh hùng của Liên bang Xô-viết nhưng Stalin, và sau đó là Khrushchev, vô cùng đố kỵ với tầm vóc của ông. Họ đã buộc ông đảm nhận một loạt các công việc tầm thường và cố gắng để tên ông nằm ngoài các cuốn sách lịch sử.
Khi nguyên soái Zhukov qua đời năm 1974, Chính quyền Xô-viết đã phục hồi lại công trạng to lớn của ông và cử hành lễ tang trọng thể theo nghi lễ quốc gia - khoảng một triệu người tham dự lễ tang và một vài người đã thiệt mạng bởi sự hỗn loạn của đám đông.
Nhà quân sự thiên tài
Nhưng ở phương Tây, tên tuổi của nguyên soái Zhukov vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Và cuốn sách của Albert Axell mang tên: “Zhukov: Vị tướng đánh bại Hitler” ra mắt năm 2003, được viết với sự giúp đỡ của hai con gái ngài Đại tướng là một nỗ lực nhằm đưa mọi thứ trở về đúng vị trí của nó.
Stalingrad là điểm bước ngoặt của cuộc chiến
Axell tin rằng Zhukov là nhà quân sự thiên tài, sánh ngang với Napoleon và Alexander đại đế.
Đến nay, Học viện quân sự Hoa kỳ West Point và Học viện quân sự Hoàng gia Anh Sandhurst cũng như các Học viện quân sự hàng đầu của Nga vẫn đang nghiên cứu về vai trò lãnh đạo của ông trong suốt “cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
Nhưng Axell cũng làm sáng tỏ cuộc đối đầu còn ít được biết đến năm 1939, được cho rằng đã làm thay đổi quá trình lịch sử.
Zhukov đã chỉ huy quân đội Xô-viết đánh bại cuộc xâm lược nguy hiểm của quân Nhật tại Kalkin-Gol thuộc Mongolia.
Và theo Axell, điều đặc biệt ấn tượng chính là khi Đức quốc xã xâm lược Liên bang Xô -viết vào mùa hè năm 1941, Nhật Bản đã quyết định không tham gia cùng quân đội Đức mà quay sang tấn công Mỹ.
Zhukov là một trong số ít các vị chỉ huy Hồng Quân thoát khỏi sự thanh trừ của Stalin vào cuối những năm 1930.
Sau đó ông đã chỉ huy Hồng Quân giành chiến thắng tại Stalingrad và Kursk, đồng thời giải vây cho Leningrad và bảo vệ Moscow trước quân Đức quốc xã. Chính ông cũng là người lên kế hoạch chiếm Berlin và khiến Hitler sụp đổ.
Sự đố kỵ của Stalin
Nhưng sau cuộc chiến, Stalin trở nên đố kỵ với Zhukov và trưởng mật vụ của Stalin là Lavrenti Beria đã tìm cách nguỵ tạo một số tội danh giả buộc tội Zhukov.
Zhukov thực sự trở thành một người vô danh đến khi Stalin chết vào năm 1953. Cũng chính thời điểm này ông là người chỉ huy vụ bắt giữ và thi hành án tử hình Beria.
Nhưng Khrushchev là người tiếp theo đã buộc Zhukov từ một vị Bộ trưởng quốc phòng trở thành một nhân vật không có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
“Đảng Cộng Sản đã thành công trong việc không để công luận biết đến hình ảnh của Zhukov, nhưng họ không có cách nào loại ông ra khỏi trái tim những người lính Hồng Quân”, đại sứ Ấn Độ tại Moscow, Krishna Menon, viết năm 1957.
Vào cuối những năm 1960, Zhukov được phục hồi chức vụ và ông bắt đầu viết hồi ký.
Các nhà kiểm duyệt đã cắt giảm 1/10 cuốn hồi ký dầy 1500 trang của ông.
Ông cũng bị buộc phải thêm vào cuốn hồi ký phần viết hoàn toàn không có thật về ông Leonid Brezhnev, người sau này là lãnh đạo Đảng Cộng Sản, trong thời gian chiến tranh.
Leonid Brezhnev muốn tên mình được gắn với người anh hùng vĩ đại Zhukov trong tâm trí công luận.
Ngày nay, chỉ có những đảng viên cộng sản then chốt và lão thành tôn vinh Stalin, tất cả người dân Nga vẫn coi Zhukov là một vị anh hùng dân tộc.
Nhà ái quốc
“Giống như tất cả các vị tướng lĩnh cao cấp, Zhukov là một người cộng sản trung thành. Ông coi bản thân là một đảng viên tốt nhưng ông cũng là một nhà quân sự và trên tất cả, ông là một người ái quốc”, Axell nói.
Khi được hỏi các kỹ năng tài tình của Zhukov là gì, Axell nói: “Ông là nhà chiến lược và nghi binh tài ba, ông là nhà kế hoạch thiên tài, đồng thời có khả năng thôi thúc binh sỹ. Nhưng ông cũng là người nhẫn tâm, cực kỳ nghiêm khắc và không khoan dung”.
Cuốn sách của Axell cũng tiết lộ tình bạn sâu sắc giữa Zhukov và Tướng Eisenhower, người sau này là tổng thống Hoa kỳ.
Axell chỉ ra hai người bạn này, sau chiến tranh, đã hợp tác tốt đẹp với nhau trong việc giám sát sự chiếm đóng nước Đức và tự hỏi liệu Chiến Tranh Lạnh có xảy ra nếu hai bên đã không rút các tổng tư lệnh của họ.
http://www.bbc.com/vietnamese/worldnews/story/2005/05/050508_zhukov.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét