Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Vì sao người Vienna sáng tạo và hạnh phúc?

Eric Weiner

  • 26 tháng 7 2015
Trong những thế kỷ trước, Vienna chói sáng với tư cách là thành phố sáng tạo nhất thế giới. Đây là nơi ra đời của Mozart và Freud và một số những thiên tài khác của thế giới.
Ngày nay Vienna không có được tầm ảnh hưởng toàn cầu như vậy nữa cũng như nó không có được nền văn hóa đa ngôn ngữ như của London. Nhưng nó có một thứ khác: sự lười nhác, hay ‘sự lười biếng sáng tạo’ theo cách gọi của tôi. Đây là một lời khen vì đó là một sự lười nhác đặc biệt và đáng được hâm mộ.

Cuộc sống và công việc

Thư giãn ở Cafe Hawelka (Ảnh: Dieter Nagl/AFP/Getty Images)
Trong một chuyến đi mới đây đến Vienna, tôi đã ngồi uống cà phê với Dardis McNamee, biên tập viên của tờ The Vienna Review và cư dân lâu năm của thành phố.
“Cái chính của Vienna không phải và chưa bao giờ là công việc," bà nói với tôi, “Cái chính ở Vienna là cuộc sống. Bạn có thể biết người dân Vienna trong nhiều năm và bạn không thật sự biết họ làm gì để kiếm sống.”
“Đó không phải là vì bạn không hỏi,” McNamee giải thích, “Mà đó không phải là những gì mà người dân Vienna nói tới. Họ nói về họ đi nghỉ mát ở đâu, họ xem gì ở rạp hát, bộ phim mà họ đi xem, quyển sách họ đọc, bài diễn văn mà họ nghe hay một số nhà hàng mới mà họ phát hiện được.”
Xe điện đi qua trướcWiener Staatsoper, Vienna Nhà hát Thành phố (Ảnh: Joe Klamar/AFP/Getty Images)
Không ai ở Vienna vội vã cả. Thật ra, lối sống quay cuồng được hâm mộ ở nơi khác lại bị coi thường ở đây.
Văn hóa có vai trò rất lớn. Các rạp hát không chỉ được xem là thú vui tao nhã mà còn là tinh túy của cuộc sống.
Georg Jahn, phóng viên của hãng tin AP, kể cho tôi nghe mỗi mùa opera ông viết bài về những buổi mở màn sân khấu như thế nào nhưng rồi những bài bình luận này lại biến mất tăm mất tích.
Không có tờ báo hay trang mạng nào đăng cả. Ông kể cho tôi nghe thật khó mà mua vé xem opera ở Vienna như thế nào. Lúc nào vé cũng bán hết sạch. Chính phủ Áo đã bỏ ra 700 triệu euro để xây dựng một nhà hát ở nơi xa xôi ít người lui tới.
Ở Áo, ông nói, và nhất là ở Vienna, ‘nghệ thuật là tôn giáo’. Đồng thời nhịp sống ở thành phố này vẫn tiếp diễn – bức tranh của sự hiệu quả hoàn hảo. Ở Vienna không có chuyện phải lựa chọn giữa hiệu quả công việc hay sự nghỉ ngơi. Bạn có thể có được cả hai.

‘Lười nhác sáng tạo’

Nhạc trưởng Lorin Maazel tập với Dàn nhạc Giao hưởng Vienna (Ảnh: Dieter Nagl/AFP/Getty Images)
Người dân Vienna có điều gì đó đặc biệt.
Tâm lý học cho chúng ta biết rằng sự lười nhác có thể thúc đẩy sự sáng tạo. Nó xảy ra trong giai đoạn ‘ấp ủ’ của quá trình sáng tạo. Đó là khi chúng ta dừng suy tư về một vấn đề nào đó mà thay vào đó để tiềm thức chúng ta tự xử lý.
Khi một giải pháp hoàn hảo cho một vấn đề xảy ra khi bạn đang tắm thì đó là kết quả của quá trình ‘ấp ủ’ sáng tạo. Nhiều công trình nghiên cứu đã phát hiện được mối liên hệ giữa phong cách có vẻ lười nhác này với những đột phá sáng tạo.
Vienna vẫn luôn xếp hạng trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới, vượt qua những nào là Copenhagen, Zurich và New York.
Trong khảo sát của Mercer, một công ty tư vấn, họ đã xem xét các yếu tố y tế, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống. Và trong khi Vienna không còn sản sinh ra những thiên tài như Mozart hay Klimt nữa – những nhân tố khác dẫn đến một nền nghệ thuật sáng tạo như thế, trong đó có nền văn hóa di dân đầy sức sống của Vienna vào đầu những năm 1900, không còn hiện diện ở đây nữa – thành phố này vẫn là nơi có đời sống âm nhạc và nghệ thuật lành mạnh đáng kinh ngạc.

Quán cà phê ở Vienna

Đi xe đạp ở Công viên Prater Park (Ảnh: Joe Klamar/AFP/Getty Images)
Trung tâm của sự ‘lười nhác sáng tạo’ của Vienna là các quán cà phê. Cũng giống như các rạp hát, các quán cà phê là thánh đường của cuộc sống, nơi ươm mầm các ý tưởng hay giao lộ trí thức.
Các quán cà phê không phải là sự sáng tạo của Vienna. Quán cà phê đầu tiên trên thế giới ra đời ở Constantinople (bây giờ là Istanbul) vào năm 1554. Gần một thế kỷ sau ở Tây Âu mới có quán cà phê tương tự khi một nam thanh niên có tên là Jacob mở một cửa hàng phục vụ ‘loại nước đắng màu đen’ ở Oxford, Anh quốc. Nhưng chính Vienna là nơi phát triển và xây dựng hoàn hảo mô hình quán cà phê này.
Quán cà phê ở Vienna là ví dụ kinh điển của ‘nơi thứ ba’, tức là nơi gặp gỡ trung lập và thân mật. Hãy nghĩ về quán ăn ở New York, hiệu sách ở Paris hay quán rượu ở Anh.
Quán cà phê mà tôi thích nhất ở Vienna là Cafe Sperl. Đây là một nơi thấm đẫm lịch sử. Chính tại nơi này mà họa sỹ Gustav Klimt đã tuyên bố cho Vienna ly khai vào năm 1897 và qua đó phát động phong trào nghệ thuật hiện đại của chính Vienna.
Khiêu vũ tại Cung điện Hofburg (Ảnh: Dieter Nagl/AFP/Getty Images)
Ngày nay, Sperl vẫn giữ sự cổ điển ngày nào với sự thiếu vắng các thiết bị tân tiến. Không đèn trần, không có wifi. Chỉ một quán gỗ đơn sơ với các nhân viên phục vụ cộc cằn. Một bàn billiard đặt ở góc quán nơi có các tờ báo chồng lên trên những thanh gỗ dài.

Yên lặng là tốt?

Góc nhìn Cafe Landtmann (Ảnh: Joe Klamar/AFP/Getty Images)
Tôi dành hàng giờ ở quán Sperl và đắm mình trong thú vui rất Vienna là ngồi yên mà không nghĩ về cái gì cả. Ở các quán cà phê của Vienna, có điều gì đó lạ lùng theo thời gian. Chúng không hề mở rộng. Chỉ có rất nhiều quán cà phê để khách ghé qua.
Cafe Sperl (Ảnh: Imagno/Getty Images)
Một điều lạ nữa về quán cà phê ở Vienna là cà phê gần như không có ý nghĩ gì. Chắc chắn nó không là lý do cho sự sáng tạo phát sinh ở đó. Nếu như không phải là cà phê thì cái gì tạo nên sự phong phú của các quán cà phê? Hãy lắng nghe chăm chú và bạn sẽ thấy câu trả lời. Tiếng của các cuộc nói chuyện, tiếng lật những trang báo, tiếng leng keng của muỗng nĩa. Khi chúng ta nghĩ về những nơi lý tưởng để suy tư, chúng ta thường nghĩ về những nơi yên lặng nhưng dường như những nơi yên lặng không phải bao giờ cũng là tốt nhất. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois đã phát hiện ra rằng những ai tiếp xúc với mức độ tiếng ồn vừa phải (70 decibel) sẽ làm tốt hơn tại các kỳ kiểm tra suy nghĩ sáng tạo so với những ai tiếp xúc với mức độ tiếng ồn cao hơn hay sự tĩnh lặng hoàn toàn. Âm thanh vừa phải cho phép chúng ta đi vào trạng thái tâm lý giúp thúc đẩy sự đột phá sáng tạo, theo kết quả của nghiên cứu này.
Tuy nhiên đa số người dân Vienna không cần những nghiên cứu này mới biết được điều này. Họ tự thân biết được các quán cà phê là những nơi đặc biệt nơi họ có thể lười nhác một cách sáng tạo và vui vẻ cả ngày. Họ cũng biết rằng lười nhác có thể là tội lỗi nhưng nếu được thực hiện một cách khôn ngoan thì đó lại là một giá trị đạo đức. Theo nghĩa này thì người dân Vienna là người dân đức hạnh nhất trên thế giới.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/07/150726_viennas-recipe-for-living-well_vert_tra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét