Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Công đoàn … liệt truyện

Công đoàn … liệt truyện (Hiệu Minh)

Chọn cỡ chữ
congdoan_laodong_quocte“…Hồi đó có anh Nguyễn Hồng Quang (IFI) làm PCT, cùng thời du học với PTT Vũ Đức Đam bên Bỉ, hai anh em cũng cố gắng cải tổ Công đoàn cho bớt chuyện cầm cu. Ra các qui định bằng văn bản hẳn hoi, đám ma nhân viên thì đương nhiên phải dự rồi, đám ma bên vợ, bên chồng đưa phong bì bao nhiêu…”


obama_nguyenphutrong
TT B. Obama và TBT NP Trọng. Ảnh: BBCVN
Chắc bạn đọc còn nhớ Thông cáo chung Hoa Kỳ – Việt Namnhân chuyến thăm  của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Washington có câu “Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể TPP toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới tuyên bố của ILO năm 1998 về nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc”.
Theo TBKTSG, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kể lại: “Tổng thống Hoa Kỳ nói với lãnh đạo Việt Nam về điều này không chỉ một lần. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này”.
ILO là Công đoàn Quốc tế có một số tiêu chuẩn về tổ chức công đoàn như công nhân cơ sở có quyền tự do thành lập công đoàn; các công đoàn cơ sở có quyền tự do liên kết hay không liên kết; cán bộ quản lý doanh nghiệp không được quyền tham gia vào ban chấp hành công đoàn; công đoàn cơ sở được độc lập trong hoạt động nội bộ và quản lý tài sản.
Muốn tham gia TPP, Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện trên do ILO qui định. Đã ký với ILO và gần đây với Hoa Kỳ, có thể kỳ vọng công đoàn Việt Nam sẽ độc lập hơn.
Công đoàn WB đuổi việc Chủ tịch
Tôi vừa sang nhận việc WB (World Bank – Ngân hàng Thế giới) được một năm (2004) thì anh Paul Wolfowitz về nhậm chức Chủ tịch. Anh là tác giả của kế hoạch cuộc chiến Iraq, được Bush con tin dùng. Tuy nhiên do hậu chiến có nhiều chuyện chẳng vui nên Nhà Trắng cử Paul sang phố 18 nơi có trụ sở của WB với mục đích thay đổi tổ chức tài chính nổi tiếng này thành một bộ kiểu Mỹ.
Hoa Kỳ từng có tiền lệ là ông bên Lầu Năm Góc sang WB. Thấy cuộc chiến tranh Việt nam không thể thắng sau Mậu Thân 1968, Robert McNamara bỏ Ngũ Giác Đài về làm Chủ tịch WB (1968-1981) với gần ba nhiệm kỳ hết sức thành công.  Sau 1975, hàng trăm người Việt có trình độ đôi chút được McNamara cưu mang vào làm việc trong WB. Chỉ mang theo một trợ lý đánh máy chữ từ Lầu Năm Góc, McNamara sử dụng hầu hết những cán bộ cao cấp cũ của WB.
Với ý định rất tốt, TT Bush đưa Paul Wolfowitz (PW) vào WB để sửa chữa sai lầm Iraq, hy vọng sẽ tốt đẹp như McNamara. PW mang theo cả nhóm “Diều hâu của Đảng Cộng hòa” để thay máu WB và được nhân viên gọi là Sói (Wolf).
world_bank_hq
World Bank HQ. Ảnh: HM
WB là môi trường Quốc tế của hơn 10 ngàn nhân viên với hơn 100 Văn phòng rải khắp toàn cầu, có nhiều bộ óc vĩ đại đến từ các trường danh tiếng trên thế giới, nhân viên ưu tú của nhiều quốc gia khác nhau. Họ có một tổ chức công đoàn rất mạnh, can thiệp lên tận chủ tịch và lãnh đạo cao cấp, có vị chủ tịch làm sai phải từ chức do công đoàn ép. Trong 20 năm làm việc trong WB, tôi chứng kiến thế nào là một công đoàn thực thụ, độc lập, chuyên nghiệp và ra tay rất đúng lúc.
Đầu những năm 2000, Chủ tịch WB là James Wolfensohn từng phạm sai lầm. WB có chức danh lead economist – chuyên gia kinh tế hàng đầu – chỉ đứng sau chủ tịch. Wolfensohn lại tuyển thêm một người em của vị chuyên gia kinh tế này về làm Phó chủ tịch phụ trách nhân sự chắc do mối thân hữu. Qui định của WB nói rõ, tuyển người không được vi phạm luật “xung đột lợi ích – conflict of interests”, cụ thể cha mẹ, con cái, anh em không được làm cùng. Công đoàn nổi đóa vì vụ này, liên tục đòi hỏi sự giải thích. Cuối cùng ông em phải xin thôi việc.
Đến lượt Wolfwitz cũng sai lầm. Chân ướt chân ráo về WB, ông thay đổi hàng loạt, vp xáo trộn, nhân viên ngơ ngác. Có người tình trong WB từ trước đó, để tránh xung đột lợi ích, người yêu không thể lãnh đạo người yêu, chủ tịch không thể có người tình trong WB, nên cô kia phải sang Bộ Ngoại giao thực tập, kiểu lánh nạn. Trước khi cô kia đi, Wolfwitz ký một quyết định tăng lương cho người tình cao chót vót. Lương của ngoại trưởng Mỹ khi đó là Condi Rice chỉ khoảng $170K, trong khi người tình của Wolfowitz được tới 180K.
Tổ chức Công đoàn WB bắt đầu lên tiếng. Trong mấy tháng liền, họ liên tục đưa ra yêu cầu lời giải thích rõ ràng về chuyện này. Rồi tổ chức biểu tình với hàng ngàn người tham gia. Do bị nhân viên ghét bỏ, bị công đoàn ép, do dư luận báo chí thêm vào, Wolfwitz đã phải từ chức sau hai năm (2005-2007).
Gần đây ông Jim Young Kim cũng bị công đoàn làm cho lên bờ xuống ruộng vì vài chi tiết dùng máy bay WB đi việc riêng. Năm ngoái trước cuộc họp thường niên của WB, công đoàn còn dọa nếu không giải thích rõ ràng về chuyện thay đổi WB, họ sẽ phá hội nghị. Thứ 5 hàng tuần từ 12-13 giờ, công đoàn tổ chức cho hàng trăm nhân viên biểu tình phản đối chủ tịch. Cũng may mà ông thoát nạn vì biết thay đổi như yêu cầu.
Công đoàn mạnh giúp cho bộ máy trong sạch, công đoàn yếu không làm gì nổi trước bọn trộm cắp, làm liều.
Công đoàn Việt – cầm cu cho thằng khác đái
Hôm trước đưa con dạo trước Dinh Độc Lập thấy khẩu hiệu to tướng “Nhiệt liệt chào mừng ngày Công đoàn VN 28-7…”, chợt nhớ ra mình từng làm Chủ tịch Công đoàn.
mung_congdoan_truoc_dinh_doclap
Trước cửa Dinh Độc Lập. Ảnh: HM
Những năm cuối 1990, tại Viện Công nghệ Thông tin (CNTT), chức chủ tịch công đoàn được luân phiên hàng năm. Anh chị em gọi đùa vị trí này là “cầm cu cho thằng khác nó đái”. Tổng Cua được “vinh dự” hai năm liền.
Chỉ trong vài tháng mình hiểu thế nào là công đoàn xứ Việt. Đám cưới cũng dự, đưa phong bì cho sếp phát biểu, đám ma cũng đến, đọc vài câu giả vờ thương xót. Trong vài tháng đầu nhiệm kỳ, chả hiểu sao có tới 9 đám ma. Rồi các bà đẻ, con ốm, nhân viên ốm dù tới nhà thăm thì bố ta đi xếp hàng mua gạo, các chị bị chồng ruồng bỏ, vợ chồng cãi nhau, kể cả các cô hành kinh muộn … cũng tới gặp Công đoàn.
Đã thế phúng viếng, mừng đám cưới, thăm người ốm chẳng có một qui định nào, bao nhiêu tiền, ai được tiêu chuẩn nào. Nhà nhân viên quèn thì phong bì qua loa, nhà sếp thì khỏi nói. Công đoàn muốn thăm ai chạy sang viện trưởng, viện phó hỏi ý kiến, tới thủ quĩ xin tiền.
Hồi đó có anh Nguyễn Hồng Quang (IFI) làm PCT, cùng thời du học với PTT Vũ Đức Đam bên Bỉ, hai anh em cũng cố gắng cải tổ Công đoàn cho bớt chuyện cầm cu. Ra các qui định bằng văn bản hẳn hoi, đám ma nhân viên thì đương nhiên phải dự rồi, đám ma bên vợ, bên chồng đưa phong bì bao nhiêu, cán bộ cưới con tặng tiền thế nào, ốm nằm viện được mấy chục, ốm nằm nhà được mấy kg đường.
Hai anh em hỳ hục soạn ra văn bản trên máy tính rồi gửi đi cho công đoàn viên. Mọi người rất vui vì những qui định mới rõ ràng và công bằng. Duy có một người không vừa lòng đó là giáo sư Bạch Hưng Khang khi đó là viện trưởng. Ông không ra mặt mà nhờ viện phó, PGS Nguyễn Gia Hiểu “cầm cu hộ” để trị ai dám qua mặt.
Gs Ts Nhận dạng Khang cho rằng, viện trưởng lãnh đạo cả công đoàn, kiểu đảng lãnh đạo toàn diện. Trình độ như thế nên viện CNTT nát là phải thôi.
Bác Hiểu rất hiền nhưng vì chức viện phó nên bác gọi mình và anh Quang sang họp. Bác bảo, công đoàn ra các qui định này rất tốt nhưng chưa thông qua lãnh đạo viện, như thế là không được, ở viện này Viện trưởng là to nhất. Chưa có quyết định của viện trưởng là không được, ở đây không phải là công đoàn Đoàn kết nha.
Chả là mình tốt nghiệp Ba Lan về, công đoàn Đoàn Kết nổi tiếng từng “cướp” chính quyền của Cộng sản Ba Lan, nên giáo sư Hiểu nhắc đến làm mình giật thót một phát, suýt đái ra quần.
Hóa ra công đoàn xứ này làm gì cũng phải qua lãnh đạo cơ quan. Mình nghĩ chức viện phó là cầm cu cho thằng khác nó đái, hóa ra chủ tịch Công đoàn cũng chỉ là anh vạch bướm, không hơn không kém.
Dẫu vậy, để cho yên, mình soạn một memo gửi công đoàn viên về qui định mới đề Viện trưởng ký, nhưng ông Khang khôn như chấy, ủn sang cho ông Hiểu cộp dấu. Công đoàn thế thì còn độc lập chi nữa.
Do có uy tín về công bằng, lo cho anh chị em, kể cả đưa ra quĩ hiếu học, năm sau Hồng Quang và Tổng Cua lại được tín nhiệm thêm một nhiệm kỳ, dù mình ra sức từ chối cái chức lo cả bà đẻ đi bệnh viện, chia từng bìa đậu, mấy lạng thịt phân phối.
vien_cntt_nghiado
Viện CNTT Nghĩa Đô. Ảnh: Internet
Sang năm thứ ba, anh em định giơ tay nhưng Tổng Cua bảo, xin lỗi năm nay phải cưới vợ, mà cưới vợ thì nên nắm cu mình cho nó cứng hơn là vuốt ve của thằng khác. Sorry, hai năm là quá đủ. Xin đề nghị, nếu bầu Tổng Cua lại, nên có cả viện trưởng vào BCH cho tiện ra các quyết định.
Mọi người thống nhất đề cử bốn người sau: Giáo sư Bạch Hưng Khang, PTS Phạm Ngọc Khôi, Kỹ sư NetNam Trần Bá Thái và anh Giang Cua Thế. Ghép lại BCH có bộ sậu là Khang-Khôi-Thái-Thế – sau mới biết là “khang khai thối thế” nghe cho giống với viện Toán bầu bốn anh “Gs. Dương, Tiến sỹ Phóng, Thạc sỹ Cường, Kỹ sư Chóng” mà đọc thành “cường dương chóng phóng”.
Cả hội trường cười ầm, thế là anh Cua về quê cưới vợ. Sau hơn 20 ra khỏi biên chế, Viện CNTT bây giờ ở đâu, thương hiệu thế nào, hay vẫn còn công đoàn vạch bướm cầm cu thì mình chịu.
Chúc các bạn vui ngày Công đoàn 28-7-2015.
Hiệu Minh7-2015
Nguồn: hieuminh.org
http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=17904:cong-doan-li-t-truy-n-hi-u-minh&catid=66&Itemid=301

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét