Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

VNTB- Hiến định: “Luật về Hội” phải đổi thành “Luật quy định quyền lập hội”


Thảo Vy
 
(VNTB) - Hiến pháp 2013, điều 25 đã quy định công dân có quyền lập hội. Như vậy đúng với tinh thần của Hiến pháp, tên luật phải là: “Luật quy định quyền lập hội”.
Theo tờ trình và dự thảo Luật về Hội, Luật này không áp dụng đối với MTTQ VN, Tổng Liên đoàn LĐVN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN VN, Hội Nông dân VN, Hội Cựu chiến binh VN. Như vậy, việc “không áp dụng” này liệu có thể coi là đi ngược lại với đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của đảng, bảo đảm sự công bằng, tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các hội?
Một số tổ chức đã có văn bản pháp luật quy định riêng như Liên đoàn LS VN, Hội Chữ thập đỏ… cũng nên là đối tượng điều chỉnh của Luật.

Không thể là “phiên bản cập nhật” của nghị định
“Luật quy định quyền lập hội” để khẳng định mục tiêu chính của luật là thể hiện quyền, ý chí, nguyện vọng lập hội của người dân, chứ không phải là thể hiện vai trò quản lý của nhà nước.
Ở bản dự thảo công bố đầu tháng 6-2015, chưa thấy tư tưởng đột phá trong tư duy xây dựng luật, mà chỉ là phiên bản mới của các Nghị định 88, Nghị định 45 trước đây mà thôi.
Đơn cử, Việt Nam đã tuyên bố có Chính phủ điện tử. Vậy thì “điện tử” để làm gì khi mà ở “Chương II Thành lập hội”, cho thấy quy trình thành lập hội quá phức tạp, cũ kỹ và… mệt mỏi. Chẳng hạn quy định thời gian thành lập hội phải mất 60 ngày, trong khi thành lập doanh nghiệp chỉ mất 3 ngày, thành lập các tổ chức khoa học – công nghệ chỉ mất 15 ngày. Trong thời đại công nghệ thông tin, nên chăng toàn bộ thủ tục này thực hiện qua đăng ký trên internet. Thủ tục thành lập hội, theo dõi, quản lý hoạt động hội phải đơn giản hoá tối đa, không hành dân và đều thông qua internet.
Bây giờ đóng thuế, khai báo hải quan cũng đã được thực hiện qua internet, thậm chí Chính phủ còn họp trực tuyến, thì cớ gì việc thành lập, theo dõi, quản lý hoạt động hội không được thực hiện qua internet? Các cơ quan nội vụ các cấp và các cơ quan liên quan có trang web riêng để thực hiên việc này. Vừa khả thi, hiệu quả, vừa đỡ mất công, vừa chống được quan liêu, tiêu cực có thể phát sinh. Thật khó hình dung được làm cách nào mà hơn một chục cán bộ của Vụ Phi chính phủ của Bộ Nội vụ có thể theo dõi hoạt động vô cùng phong phú và đa dạng của hàng trăm các hội do mình quản lý.

Bình mới và rượu cũng phải mới
Về phạm vi điều chỉnh của luật thì dự thảo chỉ điều chỉnh các hội có pháp nhân được nhà nước cho phép thành lập, giống như trong các nghị định trước đây cũng như nghị định hiện hành về hội. Nhưng trong các hội này, cũng có nhiều hội có tính chất khác nhau và do đó chính sách của nhà nước đối với các hội đó cũng phải có sự khác biệt nhất định. Ví dụ như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các hội thành viên là những hội hoạt động chủ yếu phục vụ cho các hội viên của mình.
Còn những hội như Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam hoặc Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam hay Hội giúp đỡ bệnh nhân nghèo TP.HCM… lại chủ yếu hoạt động để giúp đỡ những người khó khăn, chứ không phải để phục vụ cho các hội viên.
Dự thảo luật cũng không điều chỉnh những hội không có pháp nhân, mà số lượng các hội này ở các cấp trong xã hội lại vô cùng lớn. Dự thảo lại coi những hội này là chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động. Thực ra có nhiều hội hoạt động khá mạnh nhưng chẳng bao giờ cần pháp nhân làm gì, do đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cần phải cấp đămg ký, hội đồng hương, hội các dòng họ, hội các bạn chiến đấu (các sư đoàn, trung đoàn…), hội các cựu học sinh các trường như Hội cựu học sinh Lư Sơn - Quế Lâm (Trung Quốc), Hội cựu học sinh Lê Hồng Phong – Petrus Ký… chẳng hạn, có ai bắt đăng ký đâu mà vẫn tồn tại và hoạt động tốt.
Đồng ý là trong dự thảo có ghi rằng Chính phủ quy định chi tiết về các hội hội không có pháp nhân. Song dư luận e rằng đó chẳng qua là hành vi lảng tránh vì có lẽ chính những người chủ trì dự thảo Luật này cũng đang bí, chưa biết xử lý như thế nào với các loại hội này. Nếu Chính phủ xử lý thì cũng sẽ giao cho chính những vị này xây dựng văn bản thôi. Ngoài ra còn có những hội không có hội viên (các quỹ, các trung tâm, các viện độc lập, các tổ chức phi chính phủ…) cũng cần được xét đến khi xây dựng luật về hội.
Trong những năm được cho là “Đổi Mới”, trong xã hội xuất hiện vô cùng nhiều các tổ chức cộng đồng (CBOs). Đạo luật nào sẽ điều chỉnh những loại hội này? Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật phải rộng hơn nhiều so với dự thảo luật về hội đã được công bố.
Nói thêm, có thể do người viết không có đủ thông tin, nhưng quả tình chưa thấy nước nào có luật về hội mà lại chỉ điều chỉnh những hội có pháp nhân mà thôi. Chả nhẽ sau luật về hội này lại có thêm những luật về các loại hình hội khác hay sao?
Vì vậy nên nghiên cứu để xây dựng Luật về quyền thành lập các tổ chức phi lợi nhuận mang tính bao trùm hơn.

Về việc có nên đưa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội vào sự điều chỉnh của luật này thì có lẽ bàn ở đây cũng vô ích, chỉ mong các tổ chức này bớt nhà nước hoá, bớt hành chính hoá, gần dân hơn và sử dụng đồng tiền thuế của dân có hiệu quả hơn.
http://www.ijavn.org/2015/07/vntb-hien-inh-luat-ve-hoi-phai-oi-thanh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét