Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Tự do lập hội: mở cánh cửa hẹp


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-07-31


cong-doan-622.jpg
Ảnh minh họa
File photo
Chưa nói tới những điều kiện chặt chẽ về quyền của người lao động và công đoàn độc lập trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia. Bất cứ quốc gia nào đi theo kinh tế thị trường, đều phải nhìn nhận nhiều thứ quyền của người dân như tự do nghiệp đoàn, hay công đoàn độc lập hoặc rộng hơn là tự do lập hội.

Công đoàn là của ai?

TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ được Thời báo Kinh tế Saigon trích lời cho biết ông đã từng đề xuất, Việt Nam cần đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn vì Việt Nam không chỉ có doanh nghiệp nhà nước khi xây dựng kinh tế thị trường, bên cạnh các quyền khác của người dân như tự do lập hội, tự do tham gia hội. TS Phúc nhấn mạnh, Việt Nam thực hành kinh tế thị trường, đảm bảo nhà nước pháp quyền thì phải dần dần điều chỉnh, vì không có con đường nào khác. Công đoàn hiện nay chỉ là mậu dịch quốc doanh thôi, chứ chưa phải là đại diện thật cho người lao động. Phải trả về đúng vị trí cho người lao động.
Trao đổi nhanh với chúng tôi vào tối 30/7/2015, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, một cơ quan tham mưu cho Đảng, từ Việt Nam nói là ông chưa tiện đi vào chi tiết cụ thể trong lúc này và chỉ phát biểu vắn tắt:
Theo tôi, hiện nay việc điều chỉnh những qui định, những hệ thống của Việt Nam nhưng đảm bảo những yêu cầu có tính đặc thù của Việt Nam với hội nhập quốc tế thì có lẽ cũng đang diễn ra. Vấn đề làm sao cho nó hài hòa, nguyên tắc là như thế. 
-GS Vũ Minh Giang
“Theo tôi, hiện nay việc điều chỉnh những qui định, những hệ thống của Việt Nam nhưng đảm bảo những yêu cầu có tính đặc thù của Việt Nam với hội nhập quốc tế thì có lẽ cũng đang diễn ra. Vấn đề làm sao cho nó hài hòa, nguyên tắc là như thế.”
Trong bài Công đoàn là của ai? Trên Saigon Times Online ngày 24/7, tác giả Tư Giang tuy không nhắc tới cuộc Tọa Đàm về Tự do hiệp hội được tổ chức trước đó một tuần ở Hà Nội. Nhưng tại cuộc hội thảo hiếm có này, TS Thang Văn Phúc và các chuyên gia học giả nhà báo cũng đã nêu những ý kiến tương tự.
Theo Dân Luận, một trang mạng bị chặn ở Việt Nam, ngày 29/7/2015  tác giả Lưu Văn Minh tường thuật cuộc Tọa đàm về Tự do Hiệp Hội tổ chức ngày 16/7/2015 tại Hà Nội, đã trích lời nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách nổi tiếng “Bên thắng cuộc” phát biểu theo nguyên văn: “Luật về Hội được soạn thảo ra để hạn chế quyền lập hội của dân chúng, chứ không phải đảm bảo quyền lập hội như trong Hiến pháp đã quy định.”
Nhà báo Huy Đức đã nói như thế, khi góp ý với Dự thảo Luật về hội do Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến nhân dân. Đây cũng là một nội dung trong cuộc Tọa đàm về Tự do Hiệp hội.
Cuộc Tọa đàm về Tự do Hiệp hội đã diễn ra tại khách sạn Authentic Hà Nội do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) kết hợp với tổ chức Oxfam và Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội tổ chức. Nhìn vào tên gọi “Tọa đàm về Tự do Hiệp hội” cho thấy một bước thay đổi khá ngạc nhiên đang diễn ra ở Việt Nam. Tự do Hiệp hội là một nhóm từ nhạy cảm húy kỵ, trước đây nhiều nhà hoạt động đã bị trấn áp khi kêu gọi dân chủ hóa và thành lập công đoàn độc lập. Vậy mà nay trước nhu cầu hội nhập, chính quyền đã cho phép các chuyên gia, học giả và nhà báo được bàn cãi với nhau dưới chủ đề cấm kỵ đó.
tom-400
Công nhân Việt Nam tại một nhà máy chế biến thủy sản, ảnh minh họa chụp trước đây.
Vẫn theo bài viết trên trang mạng Dân Luận, nhà báo Huy Đức lập luận rằng nếu công nhân, nông dân có một tổ chức công đoàn thực sự, nói lên nguyện vọng của họ, họ sẽ không đi biểu tình, chặn đường… và chính quyền cũng nên hiểu rằng nhu cầu cần bộc lộ, biểu thị của dân chúng, nếu như có các hiệp hội, chính quyền sẽ thương lượng và có sự điểu chỉnh hành vi của mình, không tạo ra các ức chế xã hội. Hầu hết hiện nay các hiệp hiệp nông dân, công đoàn đều là hiệp hội của nhà nước, nó không có giá trị nói lên các tiếng nói của các tổ chức quần chúng mà họ đang phục vụ. Theo ông Huy Đức, chế độ đang lo sợ, còn dân chúng thì rất mong có quyền lập hội. Khi nào có hội thực sự của dân chúng thì khi đó ổn định chính trị mới được đảm bảo.
Saigon Times Online trong bài “Công đoàn của ai?” đã nhắc tới khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, theo đó về dài hạn các tổ chức công đoàn ở Việt Nam sẽ phải được hoạt động độc lập, để tập trung chủ yếu vào cai trò đại diện cho lợi ích của người lao động. Đề xuất của Ngân hàng Thế giới được công bố ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tiến tới khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

VN cần tuân thủ quy chế của ILO

Tuyên bố tầm nhìn chung Việt nam Hoa Kỳ ngày 7/7/2015 nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rõ “Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể TPP toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1998 về nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc”.
Theo Thời báo Kinh tế Saigon, đây là một tiến bộ vượt bậc để khỏa lấp dần hai quan điểm khác biệt. Tờ báo trích lời TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói là Tổng thống Hoa Kỳ nói với lãnh đạo Việt Nam về điều này không chỉ một lần. Và chắc chắn Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề này.
Triết lý chính trị và quan điểm của họ chưa thay đổi thì vấn đề này khó thay đổi lắm. Thực tế đó là vấn đề tối tế nhị, vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng và bức xúc hiện nay mà người ta đang quan tâm. Nhưng để triển khai và thực hiện được những điều đó, tôi nghĩ là còn phải chờ đợi một quá trình của nó không phải là đơn giản. 
-PGS Ngô Trí Long
Vẫn theo Thời báo Kinh tế Saigon Online, Ông Thành giải thích, Hoa Kỳ nói rất rõ yêu cầu trong TPP về lao động chính là tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Việt Nam phải nỗ lực thực hiện đầy đủ những cam kết, những nguyên tắc về vấn đề công đoàn, cải thiện điều kiện cho người lao động, và về bản chất không phải Hoa Kỳ áp đặt.
SaigonTimes Online trích lời ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại nhận định, ILO có hàng loạt tiêu chuẩn về lao động và công đoàn được nhắc lại trong TPP. Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhóm công nhân cơ sở có quyền tự do thành lập công đoàn; các công đoàn cơ sở có quyền tự do liên kết hay không liên kết; cán bộ quản lý doanh nghiệp không được quyền tham gia vào ban chấp hành công đoàn; công đoàn cơ sở được độc lập trong hoạt động nội bộ và quản lý tài sản... Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, theo ông Trương Đình Tuyển. Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam với tư cách là thành viên cần tuân thủ quy chế của ILO.
Trong cuộc phỏng vấn trước đây của chúng tôi, PGS.TS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng phát biểu:
“Triết lý chính trị và quan điểm của họ chưa thay đổi thì vấn đề này khó thay đổi lắm. Thực tế đó là vấn đề tối tế nhị, vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng và bức xúc hiện nay mà người ta đang quan tâm. Nhưng để triển khai và thực hiện được những điều đó, tôi nghĩ là còn phải chờ đợi một quá trình của nó không phải là đơn giản.”
Có những ý kiến cho rằng, đã có những tính toán để chậm nhất trong năm 2016 hoặc 2017 Quốc hội Việt Nam có thể ban hành bộ Luật về Hội và dự thảo Luật được soạn thảo lần thứ 14 hiện nay không tiến bộ gì hơn so với các qui định hiện hành. Điểm đặc biệt Dự luật về Hội giả dụ được chấp thuận thì trong phạm vi điều chỉnh của Luật lại không áp dụng với Mặt trận Tổ Quốc, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đây sẽ là sự không công bằng giữa các Hội và những tổ chức vừa nêu sẽ vẫn là những cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Tiền Phong Online, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trong cuộc họp báo ngày 28/7/2015 tại Hà Nội, đã nói rằng về vấn đề lao động, điểm cốt lõi là Việt nam sẽ phải chấp nhận tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về lao động, bao gồm cho phép tự do thành lập nghiệp đoàn, tự do hội họp….Đại sứ Ted Osius đã nói như thế, khi trả lời câu hỏi  liệu Việt Nam có bị gạt bỏ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn cao khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Được biết điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Như vậy có thể hiểu rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ có một bộ Luật về Hội mà khi ra đời phải bảo đảm được là sẽ không thể có những công đoàn độc lập kiểu Ba Lan, vốn đã xóa xổ chế độ cộng sản ở quốc gia này. Nhưng bộ Luật về Hội này lại vẫn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Tổ chức Lao động Quốc tế để được hưởng lợi ích từ TPP.  Điều này xem ra thật là nan giải.
RFA
http://www.ijavn.org/2015/08/tu-do-lap-hoi-mo-canh-cua-hep.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét