Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Ngôi làng lạ lùng nhất ở nước Anh

Ngôi làng lạ lùng nhất nước Anh

  • 30 tháng 7 2015
Được xây dựng vào những năm 1920 ở cửa sông Dwyrydh của miền bắc Wales và nằm dưới những đỉnh núi hùng vĩ của dãy núi Snowdonia, các ngôi nhà ở làng Portmeirion được xây theo các phong cách Jacobean và Gothic, Na Uy và Regency.
Chúng có màu hồng và màu đỏ, xanh lá cây và màu đất, và mỗi mái nhà có đường nét khác nhau.

Tiếp tục biến đổi

Portmeirion là một trong những danh thắng dễ nhận biết nhất ở xứ Wales.
Vốn là một dự án cả đời của một kiến trúc sư đam mê cái đẹp, ngôi làng này có lẽ sẽ dễ dàng đứng yên cùng với thời gian và trở thành một di tích của thời hoàng kim của nó vào những năm 1930. Nhưng không, nó vẫn tiếp tục biến đổi. Nếu có điều gì đó vẫn trước sau như một về ngôi làng này bên cạnh vẻ đẹp thì đó là khả năng làm mới của nó.
Lần đầu tiên tôi đến làng là khi còn là một cậu học trò vào năm 1968. Vào lúc này, tất cả những gì tôi biết là ngôi làng này xuất hiện trong loạt phim truyền hình về một mật vụ có tựa đề là The Prisoner. Tôi đã yêu ngôi làng Portmeirion kể từ ngày đó.
Khi đó nước Anh vẫn đang trải qua giai đoạn thiếu thẩm mỹ phát sinh thời hậu chiến, việc có một người lớn ở nước Anh vẫn có đầu óc thẩm mỹ đối với tôi là hết sức quan trọng.
Đó là một người đàn ông xứ Wales có tên là Clough Williams-Ellis – sinh vào năm 1883. Ông là một kiến trúc sư thành đạt nhưng gần như là tự học.
Ông muốn chứng tỏ như ông đã từng viết rằng ‘khi những ngôi nhà được đặt đúng chỗ trong bối cảnh thì chúng sẽ làm tăng vẻ đẹp cho cảnh quan’.
Vào năm 1925, Williams-Ellis mua một mảnh đất nhỏ ở rìa khu vực Snowdonia và bắt đầu chứng minh giả thiết của mình: ông đã xây dựng trên những triền dốc xinh xắn men ra tới cửa sông.

Làm mới những thứ cũ

Lúc đó trên mảnh đất này đã có dinh thự của một quý ông mà sau đó ông đã ngay lập tức biến nó thành khách sạn.
Williams-Ellis luôn luôn muốn rằng ngôi làng của ông sẽ là một nơi thu hút du khách. Ông đặt tên làng là Portmeirion – một cái tên mà ông tạo lên từ tên gọi Merionethshire – một trong 13 địa hạt lịch sử của xứ Wales.
Ngoài ra còn một số ít các công trình khác mà chủ yếu là các chuồng ngựa và nhà phụ.
Williams-Ellis đã tô điểm cho chúng đầy màu sắc – mục đích là tạo phong cách hơn là công dụng. Ở một phía ông sơn phết những chấn song ở mặt tiền một ngôi nhà, ở phía kia ông đặt một bức tượng Thánh Peter.
Ông chỉ đề ra ý tưởng và để cho những người thợ tự mày mò để thực hiện ý tưởng đó.
Nhưng đa phần ngôi làng đều là nét mới với nghĩa là những công trình kiến trúc cũ, được khôi phục lại và có công dụng mới.
Trong những năm sau Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, các kiến trúc sư theo trào lưu hiện đại hóa đã phá hủy rất nhiều di sản kiến trúc của nước Anh.
Williams-Ellis đã mua lại những công trình cổ hay một phần của chúng để tái sử dụng lại – nhiều đến mức ông gọi làng Portmeirion là ngôi làng của những tòa nhà đã bị dỡ bỏ.
Chẳng hạn như công trình được xem là tòa thị chính của ngôi làng sử dụng lại trần nhà chạm khắc theo kiểu Jacobean mà ông đã mua lại từ một ngôi nhà ở Flintshire đang đợi phá bỏ.

Tác phẩm nghệ thuật

Ngôi làng Portmeirion có những góc nhìn rất kỳ quái.
Khi tôi đến ngôi nhà Unicorn hồi mùa xuân này, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện chỉ cần đi ít bước hơn mình nghĩ để đi từ con đường bên ngoài đến cửa trước: mặt tiền tân cổ điển khiến cho ngôi nhà trông to lớn hơn nhiều so với kích thước thật của nó.
Williams-Ellis và vợ ông, bà Amabel vốn là một nhà văn, hy vọng ngôi làng của họ sẽ là nguồn cảm hứng cho các họa sỹ. Nhưng các nghệ sỹ không bao giờ đến có lẽ bởi vì một điều trớ trêu là Portmeirion tự thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật.
Nhờ vào các quan hệ của bà Amabel với giới văn nghệ sỹ ở London, nhiều người nổi tiếng không lâu sau đã nhận lời mời đến thăm làng, trong số đó có nhà viết kịch George Bernard Shaw, tiểu thuyết gia H G Wells, kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và đạo diễn Noel Coward.
Khi Edward, hoàng tử xứ Wales, có lẽ là nhân vật thích hợp nhất để đến thăm làng trong thế hệ của ông, đến làng vào năm 1943, Williams-Ellis đã cho xây thêm một phòng tắm riêng vào một phòng trong khách sạn và tạm thời tăng giá vé vào cổng làng lên 1 bảng để làm giảm số người đến và về trong ngày.
Cho đến Đệ nhị Thế chiến, làng Portmeirion đã trở thành một hiện tượng thẩm mỹ cũng như hiện tượng xã hội.
Williams-Ellis đã mua một khách sạn ở thị trấn Shrewsbury thuộc hạt Shropshire để làm nơi dừng chân giữa đường cho những khách đến từ London.

'Tùy mặt đặt giá'

Khi tôi cùng bố mẹ đến làng lần đầu vào những năm 1960, mức giá vào cửa giảm dần được ghi trên một ngôi tường: giá vé vào cửa tùy thuộc vào bạn là cư dân trong làng, khách đến thăm cả năm hay khách đến và về trong ngày. (‘Cư dân’ hàm ý là những khách qua đêm lại trong làng. Không ai ngoài Williams-Ellis sở hữu ngôi làng này).
Bảng giá đó không phải lúc nào cũng được tuân thủ.
Giá vé vào thăm làng trong một ngày có thể bất thình lình tăng cao vào giữa ngày nếu khách đến thăm làng quá đông bởi vì Williams-Ellis muốn khách đến làng phải cảm thấy thư giãn và thoải mái như ở nhà.
Ngày nay, Portmeirion lúc nào cũng đông khách đến thăm và mặc dù phòng ăn của khách sạn vẫn phục vụ ẩm thực đẳng cấp, ngôi làng giờ đây đã bình đẳng hơn, thang giá vé giảm dần cũng đã bị bãi bỏ.
Điều bất ngờ là một kiến trúc khác thường như thế vẫn còn đứng vững trong thế kỷ 21 và đang ngày càng trở nên có sức thu hút hơn bao giờ hết.
“Ngôi làng vẫn luôn xoay sở được,” nhà văn Robin Llywelyn, cháu trai của William-Ellis và là giám đốc điều hành ngôi làng, nói với tôi.
“Nhiều thành viên của gia tộc vẫn luôn theo đuổi mục đích riêng của mình nhưng tất cả đều vì lợi ích lâu dài của làng Portmeirion.”

Bối cảnh cho các sự kiện

Susan Williams-Ellis, thân mẫu của Llywelyn, đã mở xưởng gốm Portmeirion dựa trên thiết kết của riêng bà ở Stoke-on-Trent vào năm 1960.
Bản thân Llywelyn theo đuổi ngành nghệ thuật trong khi điều hành làng Portmeirion.
Ông đã khởi xướng lễ hội âm nhạc và nghệ thuật ở làng hồi năm 2012. Ông hy vọng sẽ mở một liên hoan văn học nữa. “Ông tôi luôn muốn làng Portmeirion là nơi diễn ra các sự kiện và là bối cảnh cho các sự kiện,” Llywelyn nói.
Ngôi làng từng là bối cảnh của nhiều bộ phim qua năm tháng.
Sự đa dạng trong kiến trúc của Portmeirion khiến nó được thể hiện làm các bối cảnh khác nhau như nước Pháp trong phim Brideshead Revisited, nước Ý những năm 1960 trong phim The Green Helmet, nước Ý thời Phục hưng trong phim Dr Who và thậm chí là Trung Quốc trong phim Danger Man.
Nhưng hai bộ phim truyền hình dài tập để khiến Portmeirion có chỗ đứng trong lòng công chúng Anh là bộ phim khoa học viễn tưởng vào những năm 1960 có tựa đề The Prisoner và bộ phim Cold Feet gần đây hơn – một series phim tình cảm truyền hình hài mà tập cuối của nó hồi năm 2003 đã khiến làng Portmeirion đột nhiên trở thành một địa điểm được các cặp uyên ương ưa thích để tổ chức đám cưới.
“Ông tôi không thích việc làng Portmeirion trở thành một bảo tàng kiến trúc khô khan, Llywelyn nói. “Ông muốn nó trở thành nơi tạo cảm hứng sáng tạo cho mọi người cho dù đó có là nghệ sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ hay thậm chí là kiến trúc sư – và trên hết đó là nơi đem lại niềm vui và khiến mọi người hạnh phúc.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/07/150730_is-this-britains-most-bizarre-village_vert_tra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét