Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Việt nam sẽ như thế nào trước bất ổn về kinh tế chính trị tại Tàu quốc?

VNTB- Việt Nam sẽ như thế nào trước bất ổn kinh tế, chính trị Trung Quốc?


Hiền Lương (VNTB) - Nhà toán học và khi tượng học Lorenz  có câu nói nổi tiếng, “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.”… 

Đẩy khủng hoảng ra ngoài, nuôi chính trị bên trong

Một qui luật bất thành văn ở Trung Quốc, sự độc tài về chính trị có thể được xoa dịu bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu kinh tế rơi vào suy thoái, khủng hoảng thì chiến tranh là giải pháp tốt.

Khi nền kinh tế chậm lai, khoảng cách giàu nghèo tăng lên, các bất ổn trong xã hội Trung Quốc “trỗi dậy”, sẽ có hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ đổ lỗi và tìm cách phán xét chính phủ, lãnh đạo Đảng. Để giữ được vị thế cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có hai lựa chọn:

Một là tiến hành một cuộc đàn áp chính trị đẫm máu ngay bên trong.

Hai là tiến hành một cuộc chiến tranh bên ngoài, để xoa dịu những bất ổn bên trong, tức là sử dụng chiêu bài “nước lớn” – “chủ nghĩa dân tộc”.

Cả hai yếu tố nêu trên đều được Trung Quốc luân phiên sử dụng, các cuộc đàn áp chính trị vẫn diễn ra, nhưng được dán mác “thù địch nước ngoài”, ví dụ như cuộc trấn áp biểu tình trong đêm Thiên An Môn năm 1989, và cuộc trấn áp sự nổi dậy Tân Cương.

Yếu tố thứ hai được thực hiện thường xuyên, vào tháng 8/1959, khi sự tiêu điều của nền kinh tế được phơi bày sau Chính sách Đại nhảy vọt, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc đụng độ biên giới lần đầu tiên giữa nước này và Ấn Độ và tiếp tục khởi động xung đột này vào 4 năm sau đó (1962) khi Mao Trạch Đông đang thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ. Bảy năm sau, Mao phát động chiến tranh biên giới với Liên Xô, khi tìm cách loại bỏ Lâm Bưu. Năm 1979, Đặng Tiểu Bình củng cố địa vị của mình thông qua thanh trừng Hoa Quốc Phong, bằng cách phát động chiến tranh Biên giới với Việt Nam.

Trung Quốc thời Tập Cận Bình cũng không thoát ra khỏi lối đi đó, khi các cuộc loại bỏ quyền lực Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đạo với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” vẫn đang phân mảnh thượng tầng kiến trúc nước này, vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Biển Đông, Hoa Đông trở thành chiếc khiên để thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc.

Tập Cận Bình lên tiếng đòi “Châu Á của người Châu Á”, gây tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông, tiến hành mở rộng, bồi lấp, quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Đưa đến sự căng thẳng trong khu vực. Với Biển Đông, bằng sự vô lý của mình từ bản đồ với yêu sách chủ quyền 9 đoạn, các tuyên bố “song phương” giải quyết tranh chấp, từ chối tham gia tố tụng tại trọng tài Quốc tế, đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam… cũng đã cho thấy ý đồ thực sự của nước này. Một sự vô lý nhưng rất dễ thu hút lòng tự tôn dân tộc của người dân Trung Quốc.

Vừa qua, kinh tế Trung Quốc chứng kiến cảnh “đỏ sàn”, tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng riêng với Việt Nam, sự lao đao về mặt kinh tế mà nhiều người vui mừng vì cho nó là dấu hiệu “chấm hết của Đảng Cộng sản Trung Quốc” lại là mối nguy của Việt Nam.

Ít nhất trong tình hình hiện tại, sắc tộc và sự suy thoái về mặt kinh tế tạo động lực lớn hơn cho Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền Biển Đông. Và thực tế cho thấy, những yêu sách này ngày càng mạnh bạo hơn, từ việc tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông, áp đặt lệnh đánh bắt cá, áp đặt vùng kiểm soát không lưu trên biển, cho đến việc bồi lấp và quân sự hóa các đảo nhân đạo, tập trận trên vùng Biển Đông… Việt Nam và Philippines là hai nước có tiếng nói lớn nhất trong đòi hỏi chủ quyền Biển Đông trở thành đối tượng chính của Trung Quốc trong đối sách vùng lãnh hải này. Nhưng trong khi Phillippines không giáp biên giới với Bắc Kinh,vừa là đồng minh với Hoa Kỳ thì Việt Nam lại trái ngược.

Việt Nam vẫn là đối tượng ưu tiên trong việc xử lý khủng hoảng bên trong của Trung Quốc, nhất là triệt để sử dụng vấn đề chủ quyền Biển Đông và vùng giáp biên Campuchia.

Sự kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế Việt Nam

Trung Quốc “đỏ sàn” và hãng tin Bloomberg vào ngày13/07 đã đưa ra nhận định rằng, tình trạng kinh tế chậm lại của Trung Quốc có thể làm tăng thêm thâm thủng thương mại của Việt Nam.
Thống kê từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) vào hôm thứ 2 này, cho thấy rằng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2015, lên đến 32,1 tỉ USD. Và nước này là nơi cung cấp chính yếu hàng hóa cho Việt Nam, lên đến 24,4 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê cho biết. Trước đó, theo ghi nhận đến ngày 20/05/2014 thì Trung Quốc có 1.029 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 7,852 tỷ USD, chiếm 6,2% số dự án và 3,29% tổng vốn đăng ký, đứng thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Vốn đầu tư Trung Quốc vào nước ta tăng giảm bất thường, nếu đặt trong bối cảnh chính trị - quan hệ hai nước. Giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2014, mặc dù quan hệ ngoại giao hai nước bắt đầu rơi vào chuỗi căng thẳng do các vấn đề liên quan đến chủ quyền Biển Đông, tuy nhiên, số dự án và lượng vốn tăng rất mạnh, nhất là từ năm 2013 trở đi. Bên cạnh đó, địa bàn đầu tư lên đến 55/63 tỉnh thành, tập trung tỉnh ven biển (22/28 tỉnh ven biển). Một điểm đáng lưu ý xét dưới góc độ an ninh kinh tế là núp dưới danh nghĩa đầu tư bất động sản, nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Công đã và đang tập trung tại một số địa bàn nhạy cảm, trọng yếu, đặc biệt tại các tỉnh Đông Bắc và miền Trung.

Vấn đề dường như không dừng lại, mà còn đi xa hơn, cụ thể vốn ODA Trung Quốc ngày càng đổ vào Việt Nam qua các hạ tầng quan trọng quan trọng. Vào ngày 18/07 cho biết, Trung Quốc tiếp tục tài trợ vốn cho hai dự án tại Việt Nam. Một là dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm 250 triệu USD (vốn vay từ Trung Quốc). Hai là Trung Quốc sẽ cho vay 80% vốn cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Tuy Phong, Bình Thuận), chủ đầu tư là Công ty TNHH lưới điện Phương Nam Trung Quốc. Điều này cho thấy, “dù chưa phải là nước cấp vốn lớn nhất cho Việt Nam, nhưng Trung Quốc luôn trúng tới 90% dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam. [*]” Cần phải nhấn mạnh rằng, 2 dự án nêu trên cũng rơi vào tình trạng “Đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam mang sang công nghệ lạc hậu của Trung Quốc; các dự án FDI ở Việt Nam nối dài chuỗi giá trị gia tăng tại Trung Quốc và không có chuyển giao. Các dự án cũng mang theo lao động từ Trung Quốc sang. Như vậy, Việt Nam gần như không nhận được gì từ FDI của Trung Quốc.”[1]

Thế nên, TS Nguyễn Trí Hiếu trong trả lời phỏng vấn báo Đất Việt cũng thẳng thắn nhận định: “Việt Nam tập trung nhiều dự án vào Trung Quốc như vậy, một khi Trung Quốc có thay đổi, lập tức Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, chưa kể Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ phức tạp.” Một trong những ảnh hưởng mà Việt Nam sẽ chịu là, “khi Việt Nam dựa nhiều vào Trung Quốc, có nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc, khi bên Trung Quốc có chủ trương nào bất lợi cho Việt Nam, họ có thể dùng những công cụ tài chính này và những công cụ thương mại mậu dịch để tăng cường áp lực cho Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu những rủi ro đó trở thành thiệt hại thì những thiệt hại đó không thể lường trước được.”
Sự lo lắng của TS Nguyễn Trí Hiếu không phải là thiếu cơ sở, khi mà Trung Quốc là cường quốc kinh tế trỗi dậy, và nước này tận dụng mạnh mẽ sức ảnh hưởng kinh tế của mình để gây ảnh hưởng chính trị, thương mại với các nước khác thông qua “rót tiền, gây ảnh hưởng và chơi theo luật Trung Quốc”.

Đó là chưa kể việc, Việt Nam mất quyền kiểm soát kinh tế, đặc biệt với việc các công ty Trung Quốc dần dần thâu tóm các công ty Việt Nam trên các lĩnh vực dệt may, bất động sản, khai khoáng, nhiệt điện, xây dựng, chế biến, cơ sở hạ tầng… Như câu chuyện vào cuối tháng 12 năm 2013 vừa qua, Gaoling, một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc, cũng đã chi 40 triệu đôla để mua 6,2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty Vinacafe Biên Hòa [2].

Nhìn vào thực trạng đầu tư và cung vốn của Trung Quốc cho Việt Nam, không khỏi khiến lo ngại khi nghĩ về John Perkins - một cựu sát thủ kinh tế (EHM) đã từng làm để “sát hại nền kinh tế của quốc gia khác”, trong đó tận dụng tối đa nguồn vốn, các tổ chức tài chính để cho một quốc gia kém phát triển khác vay, đi kèm với điều kiện nhân lực, thi công dự án, hoặc sử dụng biện pháp trúng thầu trong các dự án đầu tư, theo đó, “đồng tiền” sẽ chảy trong khuôn khổ của chính quốc gia cho vay, trong khi con nợ được cung ứng nguồn vốn sẽ phải trả nợ với gốc và lãi, cũng như những chi phí phát sinh do dự án độn lên, đưa quốc gia nhận vay ngập trong nợ và phụ thuộc vào quốc gia cho vay.

Vì vậy, sự ra đời của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á Châu dù được xem là “nguồn vốn” dồi dào cho cải thiện hạ tầng của Việt Nam, tuy nhiên, với 50% cổ đông tại AIIB, Trung Quốc dễ dàng chi phối, thao túng tổ chức tài chính này phục vụ cho lợi ích của mình. TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, “trong hàng loạt rủi ro mà AIIB đem lại như rủi ro về tài chính tiền tệ, về kinh tế vĩ mô, về pháp lý và hệ thống quản lí, Việt Nam đều thuộc nhóm nước có tỷ lệ rủi ro cao (với mức rủi ro tổng thể là 56/100 – mức 100 là mức hoàn toàn rủi ro). Một nghiên cứu cũng cho thấy, khi tiếp nhận vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc, Việt Nam thuộc nhóm nước “cơ hội thấp, rủi ro cao”.”

Trong khi đó, một báo cáo mang tên, “Thực trạng sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc” của Trung tâm thông tin – Tư liệu (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung Ương) cho biết, Việt Nam đang rơi vào bẫy của hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm (bẫy tự do hóa thương mại Việt - Trung), trong đó, nền kinh tế trong nước bị hấp dẫn bởi xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô, về lâu dài, kinh tế Việt Nam sẽ mất khả năng cải thiện năng suất do sản xuất công nghiệp bị thui chột và thiếu đổi mới, sáng tạo.

Nhà toán học và khi tượng học Lorenz  có câu nói nổi tiếng, “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.” 

Ngày nay, nó được dùng ám chỉ nhiều trong mối quan hệ tương quan kinh tế, và ở một mức độ nào đó, nếu nền kinh tế, chính trị giữa hai quốc gia có sự chênh lệch, thì tại quốc gia lớn hơn, sẽ giữ quyền chủ động – “đập cánh”. Việt Nam – Trung Quốc không nằm ngoài qui luật đó.

Chú thích
[*]  EPC: viết tắt của Engineering, Procurement, và Construction - Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (còn được gọi là tổng thầu) là một dạng hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các khâu của dự án rồi bàn giao cho chủ đầu tư.
[1] Nguyễn Đức Thành, Ngô Quốc Thái; Báo cáo "Ảnh hưởng từ sự kiện giàn khoan 981 đến kinh tế Việt Nam hết 2014 và xa hơn"; Bộ ngoại giao và Thương mại Australian.
[2] Trung Quốc “âm thầm” thâu tóm doanh nghiệp Việt,enternews.vn/trung-quoc-am-tham-thau-tom-dn-viet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét