Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Cuộc phỏng vấn hiếm hoi với lãnh đạo Myanmar

  • 20 tháng 7 2015
Tướng Min Aung Hlaing nói có thể mất từ 5 đến 10 năm nữa mới đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình ở Myanmar
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Tổng tham mưu trưởng Myamar, Tướng Min Aung Hlaing nói với BBC rằng quân đội sẽ không rời bỏ chính trị cho tới khi nào đạt được một thỏa thuận hà bình với toàn bộ các nhóm sắc tộc có vũ trang ở nước này, nhưng sẽ tôn trọng kết quả của kỳ tổng tuyển cử sắp diễn ra nếu phe đối lập giành chiến thắng.
Tướng Min Aung Hlaing có phải là người quyền lực nhất Myamar không?
Có lẽ là có.
Ông có quyền quyết định tiến hành chiến tranh ra sao, ở đâu, bên cạnh các quyền lực chính trị cấp cao khác.
Theo dự thảo hiến pháp do quân đội soạn thì nhân vật 59 tuổi này có quyền bổ nhiệm các vị trí bộ trưởng quan trọng, chọn lựa một phần tư các gương mặt tham gia quốc hội và, như các sự kiện hồi cuối tháng trước cho thấy, có khả năng chặn đứng các nỗ lực làm xói mòn quyền lực.
Có được một cuộc phỏng vấn với ông không phải là chuyện dễ.
Trong nhiều thập niên, quân đội Myanmar coi truyền thông nước ngoài, mà đặc biệt là BBC, như thế lực thù nghịch, quá thân với phong trào đòi dân chủ.
Tuy nhiên, nay, sau bốn năm Myanmar cải tổ thì BBC đã mở văn phòng tại Yangon. Do đó, chúng tôi đã đặt nhiều hy vọng khi gửi thư xin phỏng vấn.
Phản hồi đấu tiên được đưa ra sau đó một tháng. Chúng tôi đã thật ngốc nghếch khi dùng chữ quân đội "Burmese" (Miến Điện) thay vì "Myanmar".
Sai phạm được sửa chữa, rồi tiếp theo là một loạt các cuộc gặp gỡ kỳ quặc.
Những buổi gặp muộn ban đêm, những thẻ nhớ USB được trao ở các bãi đỗ xe của quán cà phê, các lần đi bộ trong những đoạn đường tối om của đường phố vắng tanh tại Nay Pyi Taw. Tôi có cảm giác mình giống như một tay buôn thuốc phiện.
Không hề có việc trao đổi qua email, và tôi chưa bao giờ biết số điện thoại, thậm chí là tên của người mà tôi liên hệ với. Nhưng rõ ràng là so với người tiền nhiệm Than Shwe thì vị tướng nay muốn nói chuyện.
Tướng chỉ huy Myanmar nói quân đội sẽ không sớm từ bỏ chính trị
Giống như nhiều lãnh đạo cao cấp khác ở Myanmar, các cận vệ của Min Aung Hlaing điều hành một trang Facebook, trả tiền nhằm quảng cáo các tin (post) đăng trên Facebook có nội dung gần giống như tin tức hàng đầu của Myanmar.
Ông có hơn 220 ngàn người 'likes' và cập nhật đủ thứ thông tin, từ việc mua máy bay cho tới các dự án xã hội mà ông tới thăm.
"Nếu người dân có những thông tin đúng đắn về quân đội, họ sẽ hiểu chúng tôi," ông nói sau khi cảm ơn tôi đã theo dõi tin trên Facebook của ông.
Nhưng có một thông điệp về việc không nhân nhượng.
Có một chuỗi tin rõ ràng được thể hiện trong cuộc thảo luận của chúng tôi. Đó là chừng nào các đảng phái chính trị tuân theo cái mà Myanmar gọi là "dân chủ trong kỷ cương" thì các vị trí giới hạn, được cân nhắc kỹ lưỡng để cho phép họ tham gia tranh luận và có các hoạt động chính trị sẽ vẫn được duy trì.
Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông muốn giảm bớt sự kiểm soát quân sự đối với đời sống chính trị Myanmar và thực sự trao quyền cho phía dân sự.
Điều đó cần phải chờ đợi, ông nói, cho tới khi có các lệnh ngưng bắn và các thỏa thuận hòa bình với toàn bộ các nhóm sắc tộc có vũ trang ở Myanmar.
"Có thể là năm hoặc 10 năm - tôi không thể nói được," ông nói.
Một thông điệp rõ ràng và tích cực, đó là sẽ không có chuyện lặp lại tình trạng hồi 1990 khi chiến thắng long trời lở đất của đảng đối lập NLD bị phớt lờ, bị cho là vô hiệu.
Đảng USDP cầm quyền đang đối diện với thảm họa bầu cử, nhưng mối quan hệ với quân đội đã trở nên kém đi trong hai năm qua, khiến cho việc có sự can thiệp đảng phái sẽ khó xảy ra.
"Tôi tin rằng kỳ bầu cử sẽ diễn ra một cách tự do, công bằng," ông Min Aung Hlaing nói.

Tham vọng tổng thống

Lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi không được tham gia tranh cử tổng thống
Bất chấp các nỗ lực hết mình nhằm xây dựng cầu nối với quân đội, bà Aung San Suu Kyi vẫn bị cấm ra tranh cử và dường như không có gì sẽ thay đổi trong vấn đề này.
Tên của ông Min Aung Hlaing đã được nêu lên như khả năng trở thành ứng viên tổng thống, và ông nói với tôi rằng ông dự định nghỉ hưu khi 60 tuổi vào năm tới.
Vậy liệu ông có ra tranh cử tổng thống không, nếu được yêu cầu?
"Bổn phận của người lính là phải phụng sự tổ quốc, dù ở bất kỳ vai trò nào," ông nói một cách ý tứ, trong lúc thể hiện là mình đã có 40 năm kinh nghiệm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/07/150720_myamar_general_bc_inv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét