Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Vì sao chứng khoán Trung Quốc càng cứu càng giảm?

Vì sao chứng khoán Trung Quốc càng cứu càng giảm?

Đối với một thị trường đã tăng trưởng quá nóng như TTCK Trung Quốc và đẩy giá cổ phiếu lên quá xa so với giá trị thực như trong thời gian vừa qua, một đợt điều chỉnh mạnh là điều rất dễ dự đoán. Tuy nhiên, có vẻ như các động thái can thiệp của cơ quan quản lý lại khiến thị trường hoảng loạn.

Chắc chắn Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới cố gắng ngăn chặn đà giảm điểm của thị trường chứng khoán. NHTW của các nước ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng đều đã trải qua tình trạng TTCK sụp đổ và họ đã cố giảm thiểu tổn thất bằng cách mua vào một lượng lớn cổ phiếu, đồng thời hạ lãi suất để vực dậy tâm trạng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những gì đang diễn ra trênTTCK Trung Quốc và những biện pháp can thiệp của Chính phủ trong suốt 10 ngày qua chỉ khiến tình hình nghiêm trọng hơn mà thôi.
Đúng là TTCK Trung Quốc đã “lao dốc không phanh” và giảm 30% chỉ trong 1 tháng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn lên tới 80%. Kinh tế Trung Quốc, dù giảm tốc, đã ổn định trở lại trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các thị trường đầu tư khác đang diễn biến khá tốt. Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc sau thời gian dài “đóng băng”. Các lãi suất trên thị trường tiền tệ đều ở mức thấp và ổn định, chứng tỏ khu vực ngân hàng đang trong trạng thái khá tốt.
Đối với một thị trường đã tăng trưởng quá nóng như TTCK Trung Quốc và đẩy giá cổ phiếu lên quá xa so với giá trị thực như trong thời gian vừa qua, một đợt điều chỉnh mạnh là điều rất dễ dự đoán. Tuy nhiên, có vẻ như các động thái can thiệp của cơ quan quản lý lại khiến thị trường hoảng loạn.
Sẽ là hợp lý nếu như Trung Quốc chỉ dừng lại ở việc cắt giảm lãi suất cơ bản, dù biện pháp này hay được sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế khi lạm phát ở mức quá thấp. Tuy nhiên, thay vào đó, Trung Quốc đã hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết để cứu thị trường. Hoạt động bán khống bị hạn chế, các quỹ hưu trí cam kết mua vào cổ phiếu nhiều hơn. Hoạt động IPO tạm ngưng trong nỗ lực hạn chế nguồn cung nhằm nâng giá các cổ phiếu đang niêm yết. Các công ty môi giới cũng dựa vào số tiền mặt từ NHTW để lập quỹ mua cổ phiếu.
Kết quả là, thay vì cứu thị trường khỏi “chết chìm”, một chuỗi các “phao cứu sinh” chỉ khiến thị trường bị chìm sâu hơn. Chỉ số CSI 300 – gồm các công ty niêm yết lớn nhất trên TTCK Trung Quốc – đã giảm gần 10% trong 7 ngày giao dịch sau khi hạ lãi suất. ChiNext – chỉ số gồm các công ty có tốc độ tăng trưởng cao và thường được gọi là “Nasdaq của Trung Quốc” cũng giảm tới 25%.
Trên thị trường xuất hiện rất nhiều học thuyết lý giải tại sao Chính phủ Trung Quốc lại can thiệp vào thị trường sâu đến vậy. Một số cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo đang nhìn thấy nguy cơ nền kinh tế sụp đổ và đang cố gắng ngăn “vết thương” lây lan và cuối cùng gây nên bất ổn xã hội. Câu chuyện này nghe có vẻ thú vị, nhưng khó có thể xảy ra.
Điểm thiếu logic nhất trong giả thuyết này là thị trường chứng khoán Trung Quốc cho tới nay vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế. Giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float) – chỉ số thể hiện khối lượng có thể giao dịch – chỉ bằng khoảng 30% GDP, so với mức hơn 100% của hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Chưa đến 15% tài sản tài chính của các hộ gia đình Trung Quốc được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Điều này có nghĩa là cổ phiếu tăng giá tác động rất ít đến thúc đẩy tiêu dùng và cổ phiếu giảm giá cũng không có nhiều tác động tiêu cực.
Nhiều cổ phiếu được mua từ tiền đi vay nợ, và đây cũng chính là lý do giải thích tại sao hàng loạt biện pháp tung ra không thể chặn đà giảm. Đồng thời, các khoản vay chơi chứng khoán cũng không phải là một rủi ro hệ thống vì chúng chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, đà giảm giá chóng mặt của các cổ phiếu Trung Quốc không phải là vô hại. Nỗi lo ngại lớn nhất là tâm trạng hoảng loạn của thị trường có thể ảnh hưởng đến quá trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc mà nổi bật là quyết tâm để các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn thay vì những chính sách can thiệp của Chính phủ.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Economist
http://www.ijavn.org/2015/07/vi-sao-chung-khoan-trung-quoc-cang-cuu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét