Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Phải đổi mới chính tư duy 'cải cách'

  • 1 tháng 8 2014
Giáo dục đại học Việt Nam
Các nhà cải cách muốn nâng cao chất lượng đầu ra của giáo dục đại học hàng chục năm qua.
Hàng chục năm liên tục tuyên bố cải cách, cải tổ giáo dục đại học, có lẽ nay đã tới lúc các nhà cải cách giáo dục Việt Nam cần 'cải tổ' lại chính cách làm 'cải cách' giáo dục của họ, theo một số ý kiến quan sát từ trong nước.
Hôm 01/8, nhà nghiên cứu về chính sách giáo dục và đào tạo, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) từ Hà Nội nói với BBC về lý do tại sao Việt Nam phải thay đổi cách làm của chính những nhà làm 'cải tổ giáo dục đại học'.
Ông nói: "Khi một vấn đề anh đã giao cho một nhóm người giải quyết, mà vấn đề đó anh không giải quyết được, có nghĩa là phương pháp, cách thức thực hiện là sai.
"Bởi vì nếu anh giải quyết được, dù chỉ là một phần, phải có một sự tiến bộ và xã hội sẽ thừa nhận và đánh giá điều đó. Nhưng chúng ta thấy rằng trong suốt nhiều năm qua, xã hội nhận thức rằng không những không tiến triển, mà chất lượng ngày càng đi xuống."

Trách nhiệm cá nhân

Theo chuyên gia này, việc xem xét lại cách thức và hiệu quả của các nhà cải cách giáo dục đại học phải mở đầu từ đặt câu hỏi về cách nhìn, quan điểm và triết lý giáo dục của họ.
Ông Tuấn nói: "Ở đây có người nói rằng phải bắt đầu từ cách đề cập, từ phương pháp luận, nhưng tôi cho rằng đầu tiên phải là từ cách nhìn về giáo dục và thế nào là triết lý, quan điểm về giáo dục vì tôi thấy rất rõ ràng là có vấn đề."
Trước câu hỏi, phải chăng một phần trở lực nằm ở các vấn đề như hạn chế tư duy, tầm nhìn, sức ỳ bộ máy hay mặt khác là do sự cản trở, chống đối nào đó của các nhóm lợi ích muốn chống lại cải tổ thực sự để hưởng lợi, nhà phân tích nói:
"Tôi cho rằng quy được về trách nhiệm cá nhân cả. Nếu chọn được những người thực sự tâm huyết với giáo dục, với đất nước cho vào vị trí đó, thì chắc chắn nó sẽ thay đổi.
"Cho nên làm sao tìm được những người tâm huyết thực sự với vấn đề giáo dục của đất nước và đặt cho họ vào đúng vị trí, bài toán hiện nay là vấn đề chọn người, nhân sự lãnh đạo.
"Các nhân sự lãnh đạo chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm và tâm huyết về giáo dục, cái đấy là phải làm được - điều thứ nhất là chọn người," ông Tuấn nhấn mạnh.

Trở lực tâm lý

Cũng hôm thứ Sáu, PGS. TS. Mạc Văn Trang, nguyên chuyên viên nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo chia sẻ với BBC về khía cạnh mà ông gọi là trở lực tác động tới 'tâm lý' của các nhà cải cách.
Ông Trang nói: "Cái tâm lý thứ nhất là do hệ thống quản lý, lãnh đạo nhà nước không tôn trọng các nhà khoa học, tính độc lập, tự do sáng tạo của các nhà khoa học, thế cho nên họ luôn luôn dè chừng.
"Họ vượt quá cái đó thì không được ủng hộ, vượt quá những giới hạn mà nhà nước quản lý thì không được ủng hộ thế và có khi còn nguy hiểm.
Giáo dục Việt Nam
VN kỳ vọng đưa giáo dục đại học đạt chuẩn khu vực và từng khu vực tiến tới chuẩn quốc tế.
"Họ được giao nhiệm vụ thì họ hoàn thành nhiệm vụ rồi báo cáo thôi, còn họ không được hoàn toàn tự do để tâm huyết với điều mà mình tha thiết."
Theo nhà tâm lý học và chuyên gia quản lý giáo dục này, tự chủ đại học là một nhân tố điều kiện quan trọng, nhưng có thể giáo dục Việt Nam còn cần những giải phải đồng bộ hơn cho một cải tổ hiệu quả và đúng nghĩa.
Ông Trang nói: "Tự chủ đại học là yếu tố quan trọng để cho nó tự phát triển, bởi vì khi nào được tự chủ, tự do và để họ cạnh tranh với nhau, thì họ mới có điều kiện để phát triển.
"Thế nhưng chính phủ và xã hội phải tạo điều kiện cho họ. Thí dụ nhà khoa học phải đủ lương để họ sống, họ nghiên cứu khoa học, thì những đề tài họ phải được theo đuổi lâu dài, chứ không phải mỗi nằm lại làm một đề tài, rồi hết lại phải báo cáo hết tiền, thì khó lắm.
"Cho nên tự chủ là rất quan trọng, nhưng tự chủ ấy phải có những con người đủ tầm cỡ và đủ tâm huyết với khoa học và phải được chính phủ và xã hội ủng hộ, thì mới có thể làm được."

Tăng số nhưng giảm lượng?

Hôm 01/8, từ Sài Gòn, bên lề một Hội thảo về giáo dục Đại học Việt Nam do Sứ quán Hoa Kỳ và một Nhóm đối thoại giáo dục tổ chức, TS. Vũ Thị Phương Anh, một nhà nghiên cứu về giáo dục có tham luận, nói với BBC về phương pháp luận cải cách.
Bà Phương Anh nói: "Những cái nguyên xi ở các nước tiên tiến đem vào Việt Nam như hiện nay thì rõ ràng là không được rồi, và tất nhiên là giữ khư khư như hiện nay cũng không được luôn.
"Vậy phải tìm ra xem là lâu dài phải làm cái gì và trước mắt thì phải làm cái gì."
Theo nhà phân tích, trong suốt mấy chục năm liên tục tuyên bố cải tổ giáo dục, điểm quan trọng nhất mà Việt Nam đã đạt được là tăng được một số mặt về 'lượng' nhưng vẫn chưa đạt được 'chất' như các mục tiêu được kỳ vọng.
Bà nói: "Tôi nghĩ rằng cái lớn nhất có thể đã đạt được là tăng số lượng, đến nỗi bây giờ có tình trạng là thừa chỉ tiêu. Trước đây là các trường phải đi chạy chọt để có chỉ tiêu để tuyển sinh, thì một hai năm nay, nhất là trường tư, hay cả trường công yếu yếu, thì cũng đã thừa chỉ tiêu, tức là số quota được cấp nhiều hơn số sinh viên muốn vào.
Giáo dục Đại học
Việt Nam tăng về mặt 'số lượng', nhưng lại giảm về chất lượng trong giáo dục đại học, theo chuyên gia.
"Như vậy rõ ràng mình đã khá thành công về mặt số lượng. Về chất lượng, nếu ai đó nói chất lượng đi ngược với số lượng thì tôi nghĩ là cũng oan, nhưng đúng là rất là lôm côm.
"Tức là những trường đào tạo tốt từ xưa thì vẫn còn tốt, nhưng vì số lượng người đi học, số lượng trường tăng lên, cho nên nếu tỷ lệ cái tốt, ngày xưa là 50% là tốt, 50% là thường, thì bây giờ tỷ lệ đào tạo có chất lượng gọi là có yên tâm thì nó càng ngày càng giảm đi."

Và cơ hội tranh luận

Hôm thứ Sáu, một chuyên gia khác, từ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nói với BBC về điều mà ông tin là Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn tới một triết lý khi tiến hành cải tổ giáo dục.
TS. Bạch Tân Sinh, từ Viện Chiến lược, Chính sách Khoa học & Công nghệ, nói: "Thực ra việc du nhập bất cứ một mô hình nào vào mà không hiểu được bối cảnh trong nước, thì tôi cho rằng nó đều thất bại.
"Do vậy tôi nghĩ rằng bất cứ việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài, thì mình đều phải xem xét nó trong một bối cảnh về thể chế, về văn hóa của nước mình, và việc ấy tôi cho rằng, cái ấy có thể xuất phát từ thay đổi thường xuyên, những thay đổi nhỏ.
"Tuy nhiên để có được một thay đổi lớn thì nó đòi hỏi phải có một sự trao đổi trong xã hội rất là cởi mở, để có được sự đồng thuận.
"Khi có được sự đồng thuận ấy, tôi nghĩ nó sẽ phát huy được những thay đổi, những đổi mới của từng cá nhân trong xã hội và việc đó sẽ được thực hiện khi chúng ta có nhiều cơ hội để tranh luận về quá trình phát triển của đất nước," TS Sinh nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/08/140801_vn_university_reform_questions

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét