DỰ THẢO
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về hội.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hội
1. Hội là tổ chức tự nguyện, bao gồm những người có cùng nhu cầu, mục đích, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên vàcộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2. Hội bao gồm hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân.
Hội có tư cách pháp nhân là hội hoạt động thường xuyên, có điều lệ, đăng ký và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hội không có tư cách pháp nhân là hội hoạt động không thường xuyên, không có điều lệ, hoạt động theo quy định của Chính phủ.
3. Hội có tư cách pháp nhân được tổ chức dưới hình thức hội đơn nhất hoặc liên hiệp.
Điều 2. Bảo đảm quyền lập hội
1. Công dân có quyền lập hội, gia nhập hội, ra khỏi hội theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền lập hội của công dân, tạo điều kiện cho hội hoạt động và phát triển.
3. Tổ chức và hoạt động của hội phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
Điều 3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước hội có tư cách pháp nhân.
2. Hội không có tư cách pháp nhân hoạt động theo quy định của Chính phủ.
3. Hiệp hội doanh nghiệp của nuớc ngoài thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội
Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
1. Tự nguyện; tự quản;
2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch;
3. Tự chủ về tài chính;
4. Không vì mục đích lợi nhuận;
5. Tuân thủ pháp luật và điều lệ hội.
Điều 5. Áp dụng pháp luật về hội
1. Tổ chức, hoạt động của hội và việc quản lý nhà nước về hội được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp đặc thù liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội và việc quản lý nhà nước về hội quy định tại luật khác mà có quy định khác với quy định của luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Điều 6. Điều kiện trở thành hội
1. Mục đích hoạt động không trái pháp luật.
2. Tên không trùng lắp với tên gọi của hội đã được thành lập hợp pháp.
3. Có phương án về cơ cấu tổ chức, điều lệ; có trụ sở và tài sản độc lập.
4. Có số người đăng ký tham gia hội tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Điều 7. Nội dung quản lý nhà nước về hội
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội.
2. Đăng ký việc thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, ra quyết định giải thể hội, công nhận việc tự giải thể của hội; công nhận điều lệ hội.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.
4. Bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hội.
5. Quản lý nhà nước về hoạt động hợp tác quốc tế của hội.
6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.
7. Tổng hợp, thống kê về tổ chức và hoạt động của hội.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hội
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện một số nội dung quản lý nhà nước về hội theo sự phân công của Chính phủ.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm để hội tham gia thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện, cung cấp dịch vụ công; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương( sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đăng ký việc thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, ra quyết định giải thể hội; công nhận việc tự giải thể của hội và công nhận điều lệ đối với các hội có phạm vi hoạt động trong địa phương mình; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở quyền lập hội; ép buộc thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể hội, gia nhập hội, ra khỏi hội; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của hội.
2. Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, và cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, phương hại đến khối đại đoàn kết dân tộc.
3. Xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc.
4. Gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Chương II
THỦ TỤC THÀNH LẬP HỘI
Điều 10. Ban vận động thành lập hội
1. Ban vận động thành lập hội có ít nhất 3 sáng lập viên.
2. Sáng lập viên là công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động, trừ người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Toà án tước một số quyền công dân có liên quan; trường hợp sáng lập viên là tổ chức thì tổ chức đó phải được thành lập hợp pháp.
3. Ban vận động thành lập hội có các nhiệm vụ sau đây:
a) Cử người đứng đầu ban vận động thành lập hội;
b) Lập hồ sơ đăng ký thành lập hội gửi Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Tổ chức đại hội thành lập hội sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội.
4. Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội thành lập bầu được ban lãnh đạo hội.
Điều 11. Hồ sơ đăng ký thành lập hội
Hồ sơ đăng ký thành lập hội gồm có:
1. Đơn đề nghị đăng ký thành lập hội;
2. Dự thảo điều lệ;
3. Lý lịch tư pháp của người đứng đầu ban vận động thành lập hội;
4. Danh sách cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia hội;
5. Dự kiến nơi đặt trụ sở chính.
Điều 12. Tên, biểu tượng, trụ sở, con dấu và tài khoản của hội
1. Tên của hội được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; không trùng lắp, gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành lập hợp pháp; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá dân tộc.
2. Hội có trụ sở, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng riêng. Trụ sở chính của hội đặt tại Việt Nam; biểu tượng của hội không được trùng lắp, gây nhầm lẫn với biểu tượng của hội khác.
Điều 13. Nội dung chủ yếu của điều lệ hội
1. Tên, trụ sở chính của hội, biểu tượng của hội (nếu có).
2. Mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội.
3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và cơ cấu tổ chức của hội; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo hội và ban kiểm tra hội.
4. Tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của hội viên.
5. Thủ tục gia nhập hội, ra khỏi hội, thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên.
6. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung điều lệ; trình tự, thủ tục giải thể hội.
7. Tài sản, tài chính của hội.
8. Khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong nội bộ hội.
Điều 14. Nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội
Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội; trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 15. Đại hội thành lập hội
1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội Ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội thành lập hội và báo cáo kết quả đại hội, văn bản đề nghị công nhận điều lệ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quá thời hạn này mà không tổ chức đại hội thành lập hội thì giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hết hiệu lực.
2. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được điều lệ Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận điều lệ hội; trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Điều lệ hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày được công nhận.
Điều 16. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội
1. Bộ Nội vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội đối với hội hoạt động trong phạm vi cả nước, liên tỉnh.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh.
Chương III
HỘI VIÊN
Điều 17. Hội viên của hội
Hội viên của hội gồm hội viên chính thức và hội viên danh dự.
Điều 18. Hội viên chính thức
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam tán thành điều lệ hội, tự nguyện gia nhập hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội viên theo quy định của Luật này và điều lệ hội có thể trở thành hội viên chính thức của hội.
2. Quyền, nghĩa vụ của hội viên do điều lệ hội quy định.
Điều 19. Hội viên danh dự
Cá nhân, tổ chức Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài có uy tín, công lao đóng góp cho hội thì có thể được hội suy tôn làm hội viên danh dự của hội.
Hội viên danh dự có quyền, nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền bầu cử, ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, ban kiểm tra của hội và quyền biểu quyết các vấn đề của hội.
Chương IV
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 20. Cơ cấu tổ chức của hội
Cơ cấu tổ chức của hội gồm có:
1. Đại hội;
2. Ban lãnh đạo;
3. Ban kiểm tra;
4. Các tổ chức khác do điều lệ hội quy định.
Điều 21. Đại hội
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là Đại hội. Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định, nhưng không quá 5 năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước.
2. Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất trên một phần hai tổng số hội viên chính thức hoặc hai phần ba tổng số thành viên ban lãnh đạo hội đề nghị.
3. Đại hội được tổ chức theo hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu do điều lệ hội quy định
4. Những nội dung quyết định tại đại hội gồm có:
a) Thông qua điều lệ hội;
b) Bầu ban lãnh đạo, ban kiểm tra hội;
c) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hội, đổi tên hội;
d) Các vấn đề khác theo quy định của điều lệ hội.
5. Chậm nhất 30 ngày trước khi tổ chức đại hội, ban lãnh đạo hội thông báo bằng văn bản về việc tổ chức đại hội cho Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đại hội, ban lãnh đạo hội gửi báo cáo kết quả đại hội đến Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 22. Ban lãnh đạo, ban kiểm tra
1. Ban lãnh đạo là cơ quan lãnh đạo của hội giữa hai nhiệm kỳ đại hội.
2. Ban kiểm tra là cơ quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành điều lệ hội.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo, ban kiểm tra do điều lệ hội quy định.
Điều 23. Biểu quyết
Việc quyết định các vấn đề của hội được thực hiện thông qua hình thức biểu quyết. Nguyên tắc, hình thức biểu quyết do điều lệ hội quy định.
Điều 24. Quyền hạn của hội
1. Tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội đã được công nhận.
2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của hội; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên.
3. Tham gia chương trình, dự án, đề tài, tư vấn, phản biện, giám định; cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội; tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật.
4. Được thành lập pháp nhân thuộc hội. Tổ chức và hoạt động của pháp nhân thuộc hội theo quy định của pháp luật.
5. Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mục đích của hội.
6. Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Nghĩa vụ của hội
1. Chấp hành điều lệ hội và các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của hội.
2. Báo cáo Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền về tổ chức và hoạt động của hội hằng năm, khi thay đổi người đứng đầu hội, trụ sở của hội; thông báo về địa điểm đặt trụ sở hội với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở.
3. Nộp thuế, phí, lệ phí; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật.
4. Lưu trữ hồ sơ về hội, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của hội, nghị quyết, biên bản về các hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.
Chương V
HỢP NHẤT, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, ĐỔI TÊN, GIẢI THỂ HỘI
Điều 26. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên hội
Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đổi tên hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và điều lệ hội.
Điều 27. Giải thể hội
1. Hội có thể tự giải thể hoặc bị giải thể.
2. Hội tự giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt hoạt động theo quy định của điều lệ hội;
b) Trên một nửa tổng số hội viên tự ra khỏi hội hoặc hội không còn đủ số người theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật này;
c) Mục tiêu hoạt động của hội đã hoàn thành mà hội không tiếp tục hoạt động;
d) Do đại hội quyết định.
3. Hội bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Không hoạt động liên tục trong 12 tháng;
b) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật, điều lệ hội;
c) Quá thời hạn 12 tháng mà không tổ chức đại hội nhiệm kỳ;
d) Những trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này mà hội không tự giải thể.
Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể hội
Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đăng ký việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên hội; ra quyết định giải thể, công nhận việc hội tự giải thể; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể hội.
Điều 29. Trách nhiệm của ban lãnh đạo hội trong việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể hội
1.Ban lãnh đạo hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể hội.
2. Việc xử lý tài sản, tài chính trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể hội được thực hiện theo quy định của điều lệ và quy định của pháp luật.
Chương VI
TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 30. Thu và chi của hội
1. Nguồn thu của hội gồm có:
a) Hội phí;
b) Tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật;
c) Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Các khoản chi của hội được thực hiện theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật.
Điều 31. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội
Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội phải công khai, minh bạch và theo quy định của điều lệ hội và các quy định của pháp luật.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Liên hiệp
1. Các hội hoạt động trong cùng lĩnh vực có thể tự nguyện liên kết thành lập liên hiệp. Liên hiệp có thể có các tên gọi là Liên hiệp hội, Tổng hội, Liên đoàn, Hiệp hội và các tên gọi khác.
2. Việc gia nhập hoặc ra khỏi liên hiệp trên cơ sở tự nguyện của mỗi hội do điều lệ hội quy định.
3. Các hội thành viên được tổ chức, hoạt động theo điều lệ của hội và thực hiện điều lệ của liên hiệp.
4. Các quy định về việc thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên hội, tài sản, tài chính của hội được áp dụng đối với việc thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên liên hiệp, tài sản, tài chính của liên hiệp.
Điều 33. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.
2. Luật này thay thế Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Luật quy định quyền lập hội.
3. Hội được thành lập hợp pháp trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục hoạt động và không phải làm thủ tục thành lập lại.
Điều 34. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ… thông qua ngày… tháng… năm 2006
http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/12/21/2119/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét