“Dự Án Chính Trị” là cái gì và để làm gì? (Việt Hoàng)
“...Đối trọng chính của đảng CSVN phải là các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chứ không phải các tổ chức xã hội dân sự dù các tổ chức này là đồng minh rất quan trọng của các tổ chức chính trị. Đừng bao giờ ngộ nhận về điều đó…”
Dù đảng cộng sản Việt Nam (đảng CSVN) đã lãnh đạo đất nước hơn 70 năm và đã thất bại trên mọi lĩnh vực, dù đã có nhiều người chán ghét chế độ nhưng không ít người trong số đó vẫn mang nặng tư duy của những người cộng sản. Tư duy đó là gì? Xin nói luôn tư duy đó là những hành động cổ vũ cho bạo lực, muốn “hành động” thay vì “suy nghĩ”, muốn “tiêu diệt” thay vì “thuyết phục”, muốn “thu hoạch” thay vì “gieo trồng”…
Đã có không ít cá nhân và tổ chức lên tiếng kêu gọi người dân Việt Nam lật đổ chế độ cộng sản bằng “khẩu hiệu”. Những người kêu gọi không hề có bất cứ một sự chuẩn bị nào và cũng không hề có bất cứ một lực lượng hay phương tiện gì. Lại có người ngồi chờ theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành” hay “cùng biến tắc thông”…
Những người kêu gọi và mơ tưởng cho việc này đã lấy ước mơ làm hiện thực. Họ không biết và không cần quan tâm về sự “tương quan lực lượng”. Nếu chúng ta yếu và ít thì làm sao có thể “lật đổ” được chế độ cộng sản? Lật đổ bằng cách nào? Muốn làm được việc đó thì “phe ta” (phong trào dân chủ) phải đông và ngang ngửa với “phe địch” (tức đảng CSVN) thì may ra mới thắng được họ. Và muốn “phe ta” hùng mạnh thì chúng ta cần phải có tổ chức và đội ngũ hùng mạnh. Muốn có được tổ chức hùng mạnh đó thì chúng ta phải thuyết phục được người dân Việt Nam tham gia vào một tổ chức chính trị. Và muốn người dân tham gia vào một tổ chức chính trị thì chúng ta cần phải có một “Dự Án Chính Trị” (DACT) để thuyết phục và động viên người dân.
Dự Án Chính Trị đó sẽ là ước mơ, là kim chỉ nam và là lộ trình để thuyết phục người dân tin tưởng và khiến họ hình dung được tương lai để dấn thân. Một ví dụ, khi ta muốn đập bỏ đi ngôi nhà cũ nát để xây dựng lại một ngôi nhà mới thì đầu tiên chúng ta phải cần một bản vẽ cho ngôi nhà tương lai và sau đó là thuyết phục các thành viên trong gia đình chấp nhận ngôi nhà mới đó với những quyền lợi cụ thể mà mọi người có thể chấp nhận.
Mới đây có một bình luận trên trang FB của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) rằng: "Có một điều luôn làm tôi bận tâm và ít theo dõi sinh hoạt và lập trường của tổ chức THDCĐN, đó là lúc nào và nơi nào họ cũng lấy "lá bùa" Dự Án Chính Trị để kêu gọi mọi người. Thưa các anh là DACT hoàn toàn đúng trên lý thuyết, nhưng nó chỉ có giá trị khi đất nước đã có dân chủ. DACT có thể định nghĩa là "giấc mơ" của người VN. Nhưng dự án này không thể là vũ khí, là ý chí, là phương cách để đập tan chế độ cộng sản. Ai cũng có quyền mơ đến một tương lai nhưng trước mắt trong hoàn cảnh đất nước ngày nay, những người xắn tay áo lao vào cuộc là cần thiết. Hãy sống với dân tộc, chia xẻ với dân tộc cả thực tế và tương lai. Nhiều lúc tôi nghĩ THDCĐN chờ người khác dọn bàn để mình lên ăn."
Chúng tôi nhận thấy rằng có không ít người đang dấn thân cho dân chủ của Việt Nam cũng có suy nghĩ như vậy chứ không riêng gì độc giả này. Họ cho rằng cần “hành động” thay vì lý thuyết suông! Nhưng hành động gì thì không thấy họ hướng dẫn và phân tích.
Chúng tôi không hiểu “xắn tay lao vào cuộc sống” là như thế nào? Bạo động ư? Bằng cách nào? Rải truyền đơn và sách động quần chúng đứng dậy ư? Bao nhiêu người đã làm việc đó rồi mà đâu có kết quả gì? Cái gì mới là “vũ khí và phương cách để đập tan chế độ cộng sản”? Thật tình là chúng tôi rất lấy làm tiếc vì độc giả này không đồng tình với phương pháp đấu tranh của chúng tôi nhưng lại không đưa ra được giải pháp thay thế để chúng tôi tham khảo, học hỏi và đối chiếu. Nếu chỉ có mỗi chỉ trích và phê phán mà không đưa ra được giải pháp thay thế thì quả thật chúng tôi cũng bó tay và không biết đường nào mà lần. Không lẽ suy nghĩ trước khi hành động là sai? Chẳng lẽ cứ hành động trước rồi suy nghĩ sau mới là đúng? Mà hành động cái gì đây?
Hơn nữa, có lẽ độc giả này chưa đọc DACT 2015 của chúng tôi mà đã vội chỉ trích, chương 7 của DACT 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có tên là “Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên”. Trong chương này chúng tôi đã đưa ra những bước đi và một lộ trình cụ thể để: Làm thế nào để đánh bại chế độ độc tài? Những điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng dân chủ là gì? Năm bước đi để dẫn phong trào dân chủ đến thắng lợi ra sao? Những nội dung và việc làm cụ thể của cuộc đấu tranh dân chủ này như thế nào?... Mục tiêu cuối cùng của giai đoạn này là thiết lập một mặt trận dân chủ và gây sức ép lên đảng CSVN để đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do trên toàn quốc…
Người Việt Nam biết và có thể làm được mọi thứ nhưng có lẽ chúng ta không biết làm chính trị. Chính vì không biết làm chính trị nên đất nước mới tụt hậu và thua kém như bây giờ. Ngay cả những người chống độc tài và cộng sản cũng cho rằng cần phải hành động thay vì lý thuyết? Nếu chỉ có vậy thì đâu có khác gì với cộng sản? Không lẽ cứ làm cách mạng trước đã, rồi nếu sai chúng ta sẽ sửa sai? Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sai và đã 70 năm rồi chúng ta có sửa được cái sai đó đâu?
Đấu tranh dân chủ là gì? Đâu là bản chất và nguyên tắc của đấu tranh dân chủ? Theo chúng tôi thì bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là: ‘Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp chính trị’ mới, với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân đồng ý và sau đó là vận động tranh cử và dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai và minh bạch để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó’.
Đấu tranh dân chủ ở các nước đã có dân chủ là như vậy, tuy nhiên ở Việt Nam thì có khác vì bị một lực lượng phản dân chủ là đảng CSVN cấm đoán, bắt bớ và đàn áp cho nên việc giới thiệu và giải thích các ‘giải pháp chính trị’ của các tổ chức dân chủ cũng như việc thuyết phục người dân Việt Nam chấp nhận giải pháp mới đó gặp rất nhiều khó khăn. Cho dù như vậy thì ‘nguyên tắc và bản chất’ của cuộc đấu tranh dân chủ là không thay đổi. Hầu hết những tổ chức dân chủ và những người đang đấu tranh cho dân chủ không hiểu điều này nên đã có không ít lời kêu gọi ‘phải hành động’. Hành động ở đây được hiểu như là những hành động gây tiếng vang, sự chú ý, kêu gọi quần chúng đứng dậy và thậm chí là cả bạo lực…
Hành động đúng nhất bây giờ của những người dân chủ đó là nghiên cứu các Dự Án Chính Trị, đầu tư thời gian và trí tuệ nghiên cứu môn khoa học chính trị, chia sẻ các giá trị dân chủ nền tảng để tạo đồng thuận chung. Khi có đồng thuận rồi thì cần tập hợp lại với nhau trong một tổ chức hay một mặt trận dân chủ để hình thành một lực lượng chung hùng mạnh và có tầm vóc. Phong trào dân chủ Việt Nam chưa thể làm được gì hơn trong lúc này. Một dự án dù rất nhỏ (như mở một quán ăn) hay rất lớn (như cuộc dân chủ hóa đất nước mà chúng ta đang theo đuổi) đều phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị về tư tưởng, nhân sự, phương tiện, phương pháp, phân tích rủi ro và các mặt mạnh yếu... cuối cùng mới đến ‘HÀNH ĐỘNG’. Nếu không thì xác xuất thất bại sẽ là 100%.
Ông Nguyễn Gia Kiểng, lãnh đạo THDCĐN đã có bài nói chuyện và phân tích lý do phong trào dân chủ Việt Nam chưa thuyết phục được người dân là vì thiếu đi một Dự Án Chính Trị nhân dịp ra mắt cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ hai tại trụ sở báo Người Việt -Hoa Kỳ
(http://ethongluan01.blogspot.com/2015/07/tai-sao-oi-lap-dan-chu-viet-nam-khong.html)
Chính vì lý do đó nên vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào chúng tôi cũng lấy DACT làm “lá bùa” để kêu gọi mọi người tranh đấu. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập, chúng tôi tranh đấu để mang lại dân chủ và tự do thực sự cho người Việt Nam, chúng tôi tranh đấu để chiến thắng chứ không để lấy tiếng vì thế chúng tôi đã đầu tư rất nghiêm túc cho việc nghiên cứu về chính trị và xã hội Việt Nam. Một câu hỏi mà chúng tôi luôn ưu tư, trăn trở và tìm kiếm là: ‘Dự án của những người dân chủ là gì? Chúng ta muốn gì?’ Và câu trả lời của chúng tôi là: ‘Đánh bại chế độ độc tài, thiết lập dân chủ và đưa đất nước đi lên’.
Nhiệm vụ chính của các thành viên trong THDCĐN trong lúc này đó là học hỏi để hiểu rõ và sau đó là quảng bá, tuyên truyền và mang DACT 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đến với mọi người Việt Nam. Để làm gì? Mục đích chính của DACT này là giới thiệu một “giải pháp thay thế” mới thay cho “giải pháp cộng sản” đã áp dụng và thực thi tại Việt Nam 70 năm qua và đã thất bại hoàn toàn. Khi người dân Việt Nam hiểu và chia sẻ với những gì viết trong đó thì chúng ta mới có thể hành động. Vận động quần chúng xuống đường biểu tình gây áp lực buộc đảng CSVN thay đổi và chấp nhận bầu cử tự do là giai đoạn cuối cùng của lộ trình tranh đấu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm điều này khi tương quan lực lượng giữa phe ta và phe địch nghiêng về phía chúng ta, đó là khi lòng dân đã đồng thuận và ủng hộ chúng ta.
Hiện tại thì nhiều người dân cũng đã chán ghét chế độ nhưng họ chưa biết dựa vào đâu. Chưa có một tổ chức chính trị nào thật sự hùng mạnh và có tầm vóc để người dân gửi gắm niềm tin và hy vọng. Có ý kiến cho rằng các tổ chức chính trị phải cử người đi sâu, đi sát đến với mọi tầng lớp lao động và người dân để kêu gọi và thuyết phục họ thay vì ngồi nói lý thuyết. Nhưng tổ chức nào ngoài đảng CSVN có đủ lực lượng hàng triệu người để làm việc đó? THDCĐN cũng muốn làm như vậy nhưng do đội ngũ có hạn nên chúng tôi tập trung vào giới trí thức trước, đó là đông đảo các cư dân mạng. Thông qua tầng lớp trí thức này chúng tôi sẽ mang DACT 2015 đến mọi người dân Việt Nam…
Chúng tôi cho rằng phải có một phong trào “vận động tư tưởng” đi trước và dẫn đường cho các cuộc vận động chính trị và các cuộc cách mạng. Lịch sử loài người đã chứng minh và diễn ra như vậy. Không thể khác được. Chưa thuyết phục được tầng lớp trí thức thì chưa thể thuyết phục được người dân.
Chúng tôi vẫn kiên trì và bao dung trên con đường mình đã chọn. Nếu trí thức Việt Nam không ủng hộ chúng tôi thì xem như chúng tôi thất bại. Thất bại của chúng tôi cũng có thể là thất bại của cả dân tộc. Chuyện này vẫn có thể xảy ra vì cụ Phan Chu Trinh, một nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20 cũng đã thất bại vì tư tưởng và lập trường của mình. Người dân Việt Nam, trí thức Việt Nam đã chọn Hồ Chí Minh và đảng cộng sản với đường lối dùng bạo lực cách mạng để dành độc lập thay vì chọn con đường canh tân đất nước theo đường lối ôn hòa và văn minh của cụ.
Chúng tôi cho rằng Dự Án Chính Trị 2015 của THDCĐN là một trong những đóng góp lớn và quan trọng cho phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và cho chính tổ chức THDCĐN nói riêng. Tham vọng của DACT 2015 là góp phần ‘xây dựng mộthệ tư tưởng chính trị mới cho Việt Nam’, nó giúp cho những người tranh đấu dân chủ lẫn người dân Việt Nam biết được cần phải làm gì và đâu là cái đích mà chúng ta muốn hướng đến. Khi chúng ta chưa biết mình muốn gì, cần gì và sẽ làm gì thì sẽ không thể có những hành động đúng.
Có một nhận xét của độc giả trên khiến chúng tôi rất buồn lòng: “Nhiều lúc tôi nghĩ THDCĐN chờ người khác dọn bàn để mình lên ăn”? Thật tình chúng tôi không hiểu là mình đã làm gì sai và đã lợi dụng ai hay cái gì để độc giả này có suy nghĩ như vậy? Tổ chức của chúng tôi đã thành lập hơn 30 năm nay và chúng tôi đã dành không biết bao nhiêu công sức và thời gian để nghiên cứu về chính trị và xã hội Việt Nam nói riêng và cũng như phong trào đấu tranh chống độc tài trên toàn thế giới nói chung để có thể đúc kết và viết ra hàng vạn bài viết công phu và có giá trị? DACT 2015 có tên là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai mà chúng tôi vừa công bố đến mọi người là một ví dụ. Đã có một tổ chức hay cá nhân nào viết ra được một tác phẩm có giá trị như vậy hay chưa? Theo chúng tôi biết thì là chưa.
Có lẽ độc giả này muốn nhắc đến các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam thời gian qua như hội dân oan, hội cựu tù nhân lương tâm…? Chúng tôi đã nói rất rõ rằng đây là những tổ chức thuộc xã hội dân sự, họ hoạt động với những mục tiêu cụ thể và họ không có ý định tham chính và cầm quyền. Nếu họ có ý định tham chính thì họ phải công khai xác quyết cương lĩnh đường lối của mình và khi đó họ sẽ trở thành một đảng chính trị. Còn chúng tôi đã là một tổ chức chính trị dân chủ, mục tiêu của chúng tôi là đưa ra một DACT nhằm thuyết phục người dân ủng hộ và dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tự do để trở thành đảng cầm quyền và để thực thi những gì mà chúng tôi đã đề nghị.
Các hoạt động của các tổ chức dân sự này tuy gây nhiều tiếng vang và được nhiều người biết đến nhưng họ không thể nào thay thế cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập được vì họ không có một sách lược hay cương lĩnh cụ thể như là một giải pháp toàn diện để thay đổi Việt Nam. Ví dụ ở nước Mỹ, dù họ có hàng triệu tổ chức thuộc xã hội dân sự (NGO) nhưng các tổ chức này không thể nào thay thế được đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ để dẫn dắt nước Mỹ.
Đối trọng chính của đảng CSVN phải là các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chứ không phải các tổ chức xã hội dân sự dù các tổ chức này là đồng minh rất quan trọng của các tổ chức chính trị. Đừng bao giờ ngộ nhận về điều đó. Một lý do khiến độc giả này ngộ nhận về chúng tôi là vì chưa thấy chính quyền bắt bớ hay bỏ tù một thành viên nào của THDCĐN? Theo chúng tôi thì có ba lý do chính, một là chính quyền không muốn “quảng bá” cho THDCĐN dù là bằng phương pháp đàn áp. Thứ hai, họ rất khó kết tội các thành viên của THDCĐN (vì lý do gì? Tranh đấu bất bạo động cho dân chủ đa nguyên và kêu gọi hòa giải dân tộc chăng?). Thứ ba, bản thân chính quyền Việt Nam cũng thừa hiểu rằng chúng tôi là đúng. Chúng tôi là tương lai. Chúng tôi là cửa “thoát hiểm” duy nhất của họ!
Một ngộ nhận nữa đến từ một thân hữu của THDCĐN khi cho rằng chúng tôi tự kiêu và không bình thường khi từ chối sự đóng góp về tài chính của mọi người để xây dựng THDCĐN hùng mạnh hơn? Đúng là chúng tôi có nói rằng THDCĐN ra đời, tồn tại và phát triển suốt hơn 30 năm qua là bằng nội lực (bằng sự đóng góp của các thành viên) chứ không nhận tiền bạc của bất cứ tổ chức nào. Sự thật là có một vài tổ chức NGO có đưa ra đề nghị đó và chúng tôi từ chối vì sợ mắc nợ họ. Còn về phía người dân Việt Nam trong và ngoài nước thì lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận mọi sự đóng góp và chia sẻ. Tuy nhiên sự thật là chúng tôi không có nhận được bao nhiêu. Chúng tôi nói vậy là để động viên anh em trong THDCĐN.
Chúng tôi cho rằng dân chủ hóa đất nước là bổn phận của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Mỗi người làm mỗi việc, mỗi người góp một tay cho kết quả chung. Đất nước không phải là phần thưởng hay chiến lợi phẩm để chia chác hay ban phát cho bất cứ ai vì vậy không ai có quyền và có thể ‘tranh giành’ ở đây cả. Chúng tôi tin rằng, dưới một chế độ dân chủ thì mọi người Việt Nam đều có được một vị trí và một công việc phù hợp với khả năng của từng người. Thật lòng là chúng tôi lo lắng khi đất nước có dân chủ thì sẽ thiếu người có năng lực để làm việc thay vì phải ‘tranh giành’ như hiện nay.
Sở dĩ chúng tôi không ngần ngại nêu ra những chủ đề nhạy cảm như trên là vì chúng tôi tin rằng chỉ có sự thẳng thắn, thành thật và minh bạch mới có thể tạo dựng được niềm tin giữa chúng ta với nhau và giữa chúng tôi với mọi người Việt Nam.
Chúng tôi hứa là sẽ luôn thành thật, minh bạch, lương thiện và giữ lời. Mãi mãi sẽ như vậy.
Việt Hoàng
http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=17875:d-an-chinh-tr-la-cai-gi-va-d-lam-gi-vi-t-hoang&catid=43&Itemid=301
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét