Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

CÁCH MẠNG 1989 (3)

Victor Sebestyen

 Dch gi:  Phan Trinh
 CHƯƠNG 1
XỨ CÔNG NHÂN – ĐỜI Ở ĐÔNG ÂU
BÁN TÙ – 34.000 NGƯỜI, 100.000 ĐỨC MÃ MỖI NGƯỜI – ĐẾ QUỐC ĐỎ – NHỮNG NĂM ĐẦU – HÃM HIẾP, HỨA HẸN – NỬA VỜI – TITO “PHẠM THƯỢNG” – XỬ TỬ ANH HÙNG – XÃ HỘI LÀ NGỰA, ĐẢNG CỠI NGỰA – ĐỜI KHÔNG NHƯ MƠ – ĐƯỜNG DÂY THÂN TÍN – ĐẶC QUYỀN – CÀI NGƯỜI MỌI NƠI – MẤT LÝ TƯỞNG – LẬP NGAY MẬT VỤ – NGÀY MỘT NỮ CÔNG NHÂN – KINH TẾ KHÔNG KẸP TÓC – LIÊN XÔ SẮT THÉP, TA SẮT THÉP – LÀNH HÓA GIAN – HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG – XEM THƯỜNG BỌN BỊ TRỊ – XẢ XÚ BÁP MỖI NGÀY – HỌC THUYẾT BREZHNEV: NƯỚC CẬU LÀ CỦA TỚ – MẪU QUỐC KÉM THUỘC ĐỊA
***
Họ chạy đến chúng tôi, la toáng lên:
“Sống dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa,
đứt tay không đau đâu”.
Nhưng rồi họ thấy đau,
nên họ không tin nữa.
Adam Wazyk, “Thơ cho người lớn” 
BÁN TÙ
1.
Bức tường Berlin ngăn cách Đông -Tây được xây vào năm 1961. Ba năm sau, nhà cầm quyền Đông Đức đã tìm được cách làm ăn để kiếm tiền tươi từ Tây Đức, tuy phi chính thống nhưng rất có lời. Họ bắt đầu buôn người. Đông Đức nói với Tây Đức họ sẽ thả tù chính trị đổi lấy tiền.
Thoạt đầu, việc này diễn ra trên quy mô nhỏ, chỉ ít người mỗi lần. Nhóm đầu tiên là những nhà bất đồng chính kiến quan trọng, những “kẻ gây rối” mà Đông Đức chẳng ngần ngại tống khứ cho rảnh nợ. Chỉ sau vài năm, cách làm ăn này trở nên một phi vụ suôn sẻ, có hẳn cơ sở hạ tầng riêng.
Vài ngày trước mỗi lần bán tù, tù nhân được đưa đến trại giam tuyệt mật ở Karl Marx Stadt (nay là Chemnitz) do sở mật vụ Stasi Đông Đức điều hành. Một đoàn xe buýt chuyên dụng đã được một nhà thầu Tây Đức thiết kế riêng để vận chuyển khối hàng đắt giá này. Đoàn xe được lắp biển số có thể lật mặt: khi di chuyển từ nhà tù Đông Đức đến biên giới, xe sẽ mang biển số Cộng hòa Dân chủ Đức, và khi di chuyển trên lãnh thổ Tây Đức, xe sẽ có biển số Cộng hòa Liên bang Đức.
Mỗi tuần khoảng hai lần, từ sáng sớm, đoàn xe trên dưới 10 chiếc di chuyển từ trại giam đến trạm biên giới gần thành phố Jena. Tại đây, đoàn xe thường được lính gác trạm vẫy tay cho qua mà không đòi xem bất cứ giấy tờ gì. Đến trưa, đoàn xe có mặt trên lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức và tiếp tục hành trình đến Hanover.[i]
*
34.000 người, 100.000 Đức-mã mỗi người
2.
Tính gộp các năm, đã có khoảng 34.000 người bị “bán” theo cách này, và như mọi vụ buôn bán, nó bị chi phối bởi luật chơi của thị trường. Giữa thập niên 1960, giá mỗi người vào khoảng 40.000 Đức-mã, đến giữa thập niên 1980, vì lạm phát và vì Đông Đức đòi giá cao hơn, giá bán đã lên tới trên 100.000 Đức-mã mỗi người.
Cộng hòa Dân chủ Đức thấy ngay đây là một vụ làm ăn siêu lợi nhuận. Thông thường, khi người dân xin visa chính thức đi thăm thân nhân ở Tây Đức thì nhà nước chẳng lời lãi gì. Thế là công an cho bắt hàng ngàn người trong diện này, với những tội danh hoàn toàn vu khống, gọi họ là “tù chính trị”, rồi nhanh chóng bán họ qua Tây Đức.
Ông Egon Bahr, người quản lý và điều hành thương vụ nhạy cảm này ở Tây Đức trong nhiều năm, cho biết ông thấy rất rõ việc buôn người chính là “một phần tổng ngân sách của Cộng hòa Dân chủ Đức”.
Việc buôn bán thường được thanh toán bằng tiền mặt, nhưng có lúc Đông Đức muốn thanh toán bằng hàng hóa. Có một năm, hợp đồng quy định là Đông Đức sẽ nhận được chuối, nhiều chuyến xe đầy chuối – một mặt hàng thuộc loại xa xỉ ở Đông Đức lúc bấy giờ, rất khó tìm mua ở các cửa hàng tại Đông Berlin, Leipzig hoặc Dresden.
Theo nhận định của một trong những nhà kinh tế cao cấp nhất Đông Đức, “thương vụ” này đã thu về cho quốc gia đang mắc nợ trầm kha này tổng số tiền khoảng 8 tỉ Đức-mã. Một khoản tiền quan trọng mà nếu không có Đông Đức không thể tồn tại.[ii]
3.
Thành bại của thương vụ này tùy vào tính tuyệt mật, vào sự im lặng thỏa hiệp của những người Đông Đức muốn tìm mọi cách để rời khỏi nước mình, và cũng tùy vào một chế độ đủ thủ đoạn và khinh dân để tin rằng họ có thể bán dân tùy thích.
Những cuộc buôn người như thế chưa bao giờ được Cộng hòa Dân chủ Đức chính thức công nhận. Dĩ nhiên, nhà cầm quyền biết rõ thú nhận các vụ buôn người không phải là cách tuyên truyền hay ho gì cho đời sống dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, một đời sống mà Erich Honecker, lãnh tụ tối cao của Đông Đức lúc đó và hơn hai thập niên sau, vẫn khoe rằng đang thể hiện đúng tinh thần của “chủ nghĩa xã hội giữa đời thực”.
***
ĐẾ QUỐC ĐỎ
Nhưng, Chủ nghĩa xã hội ở đây lại là Chủ nghĩa xã hội trường phái Liên Xô, được áp đặt bằng họng súng trên sáu nước Đông Âu vốn không hề muốn đi theo Chủ nghĩa xã hội.
Đế quốc do Joseph Stalin dựng lên sau Thế chiến II là đế quốc bằng họng súng. Vào mùa xuân 1945, Hồng quân Liên Xô tiến đến đâu trong chiến dịch cuối chống Đức Quốc xã thì biên cương đế quốc Liên Xô mở rộng đến đó. Logic ra đời của đế quốc đỏ là thế, không gì khác. Bằng thỏa thuận ký với phe Đồng minh tại Hội nghị Yalta, Liên Xô cơ bản được phép làm những gì Liên Xô muốn trong “vùng ảnh hưởng” của mình. Stalin xem toàn bộ vùng đất như lãnh địa bao la mình sở hữu và gần như không ngó ngàng gì đến tính dân tộc của những quốc gia vốn có nền văn hóa hoàn toàn khác nhau này.
Sa hoàng Đỏ ngồi trên ngai vàng trong Điện Kremlin cũng đặt vào ngôi “nhiếp chính tối cao” tại Praha, Warsaw và Sofia những tay sai hết lòng trung thành với Liên Xô và ý thức hệ Cộng sản. Họ được chọn chỉ vì lòng trung thành không lay chuyển dành cho Stalin. Hầu hết đã sống lưu vong từ 15 đến 20 năm tại Nga và đã có quốc tịch Xô-Viết. Liên Xô đã cho họ chỗ dung thân và một lý tưởng để tin theo, họ không còn liên hệ gì với nơi mình sinh ra. Hầu hết cũng là đảng viên tại những quốc gia mà Đảng Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật giữa hai Thế chiến, và từng bị tù lâu ngày. Vì vậy, khi về nước theo lệnh Stalin, họ không phải “về nhà”. Họ được phái đến Hungary, Tiệp Khắc hoặc Ba Lan như những người đại diện cho quyền lực ngoại bang, để phục vụ cho quyền lợi Liên Xô. Họ biết mình được giao nhiệm vụ gì, đó là họ phải xây dựng đế quốc Xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, và đế quốc ấy không được sơ sẩy gì so với mô hình Stalin đề ra. Những quốc gia này vào năm 1945 có điểm tương đồng quan trọng: Họ cùng bị chiếm đóng và thống trị bởi Hồng quân Liên Xô, và Stalin chuẩn bị nhào nắn họ theo hình hài ông muốn. Ngoài điểm chung bất đắc dĩ này, các nước thực ra rất khác nhau, có lúc còn xung đột lẫn nhau.
*
NHỮNG NĂM ĐẦU
5.
Cố gắng của Liên Xô để biến vùng này thành một khối ổn định, đáng tin cậy và thống nhất là một việc khó, dù ban đầu thuận lợi nhờ người dân còn tin vào ý thức hệ. Hầu hết người dân từng sống dưới ách thống trị Đức Quốc xã đều thấy mình thoát nạn khi chiến tranh kết thúc, và những đau thương trong thập niên 1920, 1930 đã khiến nhiều người Trung Âu tin theo Chủ nghĩa xã hội. Dĩ nhiên, đó không phải là thứ Chủ nghĩa xã hội mà nhiều người Cộng sản thường tưởng tượng.
Khi Thế chiến II kết thúc, chỉ có Hungary là nước Stalin cho phép bầu cử tự do, và bầu cử đã mang lại kết quả chính xác. Trong cuộc bầu cử tại đây vào tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Hungary chiếm được 18% phiếu bầu, trong khi phe trung-hữu chiếm 51%. Trước kết quả không khả quan này, Stalin liền đòi thành lập chính phủ liên hiệp, đồng thời đòi cho phe Cộng sản được quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát và an ninh quốc gia.
Tiệp Khắc thì khác hơn. Tiệp Khắc có một lực lượng công nhân đông đảo vào thập niên 1920 và 1930, vì vậy ngay khi Thế chiến II kết thúc, phe Cộng sản được tới 35% cử tri bỏ phiếu.
Tuy nhiên, nếu không giành quyền lực thông qua bầu cử dân chủ thì Liên Xô vẫn quyết giành quyền lực bằng nhiều cách khác. Bằng một loạt các chiêu trò, từ hối hộ, đe doạ đến lừa dối và cuối cùng là khủng bố bằng bạo lực, sau ba năm, Stalin đã áp đặt được quyền thống trị trên toàn bộ những thuộc địa mới. Mọi đảng phái chính trị khác đều bị loại bỏ vào cuối năm 1948, hoặc tự giải thể, sáp nhập vào Đảng Cộng sản, hoặc chấm dứt tồn tại độc lập.
*
HÃM HIẾP, HỨA HẸN
6.
Hồng quân Liên Xô, đạo quân từng trải những trận chiến ác liệt và khắc nghiệt nhất Thế chiến II, đã chiếm đóng các nước này và cùng lúc gây tai họa. Sẽ không bao giờ ai biết đã có bao nhiêu phụ nữ bị Hồng quân hãm hiếp tại Đức, Hungary hay Ba Lan sau khi được “giải phóng”, nhưng con số chắc chắn phải lên đến hàng trăm ngàn người.
Sống trong tuyệt vọng, bị khuất phục, kiệt sức, hầu hết người dân đều buông xuôi chấp nhận thực tại mới, nếu thỉnh thoảng vẫn có chút cải thiện nào đó. Một số nước khu vực này từng là những xã hội nông dân đầy dẫy bất công, chế độ nông nô chỉ được hủy bỏ chưa đầy một thế kỷ trước. Trên toàn cõi Rumani, hoạt động nông nghiệp gần như chưa hề thay đổi từ thời trung cổ.
Đông Âu phát triển kém xa Tây Âu, và trong tình cảnh đó người Cộng sản hứa hẹn sẽ thay đổi toàn bộ, sẽ xóa bỏ mọi bất công, sẽ bắt đầu lại từ số không, và thông qua phát triển nhanh chóng sẽ xây dựng một khối thịnh vượng mới và năng động của những con người hoàn toàn bình đẳng.
*
NỬA VỜI
7.
Họ đã mang lại thay đổi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Công cuộc tái thiết hậu chiến diễn ra nhanh chóng tương tự như ở Tây Âu. Nhưng đó là tái thiết trên nền tảng hoang tàn và đổ nát tận cùng. Trong khi Anh Quốc vẫn còn phân chia khẩu phần ăn cho đến đầu thập niên 1950, thì Tiệp Khắc và Rumani, không bao lâu sau khi Thế chiến II kết thúc, đã bắt đầu xuất khẩu thực phẩm. Chế độ mới được dân chúng ca tụng ít nhiều vì đã xây lại được những chiếc cầu, những khu trung tâm thành phố và những tuyến giao thông được nối lại bình thường.
Ít nhất là vào lúc đầu, nông dân cũng được cấp cho những mảnh đất nhỏ, tịch thu từ những đồn điền mênh mông rải rác khắp các dải đất Đông Âu. Nhưng rồi, nông dân lại bị tịch thu đất đai khi nhà nước hối hả thành lập những nông trường tập trung quy mô lớn do nhà nước quản lý. Nếu có chăng sự phấn khích ban đầu thì sự phấn khích ấy đã nhanh chóng kết thúc, ngay khi Stalin tiến hành các cuộc thanh trừng điên cuồng trong những năm cuối đời mình.
8.
Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, những người Cộng sản đã cho loại bỏ hoặc trấn áp những người họ xem là kẻ thù. Các chính trị gia đối lập bị giết hàng loạt. Các giáo sĩ hàng đầu bị đe dọa đến mức phải im lặng, hoặc có trường hợp phải trở thành đồng lõa. Giới tư sản bị tước đoạt nhà cửa, các nghệ sĩ bị cán bộ văn hóa dậy cho biết loại nhạc nào, hình thức hội họa nào, xu hướng văn học nào từ nay mới là thứ phải đạo, được phép. Mọi doanh nghiệp có trên năm, bảy nhân viên đều bị quốc hữu hóa, và ở một số nước như Bulgaria, không một ai, ngoại trừ nhà nước, được quyền mướn người lao động, bất kể đó là ngành nghề gì.
*
TITO “PHẠM THƯỢNG”
Quan hệ giữa phe Cộng sản và phe Tự do đã rơi vào tình trạng tê liệt ngay sau khi Thế chiến kết thúc – một phần cũng vì bài diễn văn nói về “Bức màn Sắt” của Thủ tướng Anh Winston Churchill, đọc năm 1946 tại Fulton, Missoury.
Rồi đến mùa đông cuối 1948 đầu 1949, một cuộc Chiến tranh Lạnh khác đã nổ ra trong nội bộ khối Xã hội chủ nghĩa. Lãnh tụ của một trong những “vùng đất được giải phóng” đã dám thách thức Moscow. Đó là Josip Broz Tito.
Trong thời chiến, Tito đã từng là một lãnh tụ kháng chiến của Nam Tư chống quân Đức Quốc xã chiếm đóng, ông được phe chống cộng kính trọng và viện trợ vật chất. Tito thành lập chế độ độc tài Mác-xít tại Belgrade, nhưng chống lại việc Nam tư phải quỵ lụy trở thành nô lệ của Liên Xô như những nước láng giềng Trung và Đông Âu khác. Tito cho rằng có nhiều con đường tiến đến Chủ nghĩa xã hội chứ không chỉ một. Ông tuyên bố mình là “người Cộng sản dân tộc” và muốn đất nước đứng ở vị trí “không liên kết”.
Trong mắt Stalin, tất cả những việc vừa kể của Tito đều phạm thượng. Stalin từng tuyên bố “Ta có thể nghiến nát Tito chỉ với một cái búng tay”. Nhưng búng tay thực ra không dễ. Stalin không cho phép bất cứ sự rạn nứt nào trong khối đoàn kết Cộng sản, vì sợ phương Tây lợi dụng. Sự chống đối của Tito không thể không bị trừng phạt. Bất cứ ai có khuynh hướng ủng hộ Nam Tư cũng phải bị đè bẹp. Stalin tiến hành một chiến dịch thanh trừng chống lại “ổ gián điệp theo tên Trốt-kít Tito”, mở rộng ra khắp các nước chư hầu Liên Xô. Chiến dịch này trong những năm sau đó đã làm rung chuyển toàn cõi Đông Âu, khi những người Cộng sản ăn tươi nuốt sống chính con mình trong một cuộc lên đồng tập thể đẫm máu.
*
XỬ TỬ ANH HÙNG
10.
Nhiều tên tuổi từng được người Bolshevik ca ngợi như những anh hùng liệt nữ bỗng chốc bị bắt vì những tội danh hoàn toàn bịa đặt, bị tra tấn dã man, bị đấu tố trong những “tòa án nhân dân”, và cuối cùng, sau khi “thú tội” đúng bài bản, họ bị xử tử.
Đó là số phận của những người Cộng sản một mực trung thành như Rudolf Slansky, người giữ vị trí thứ hai trong Đảng Cộng sản Tiệp Khắc; như Laszlo Rajk, người được chọn để kế vị lãnh tụ cao nhất của Đảng Cộng sản Hungary; và như tín đồ thuần thành của Stalin, Tchaiko Kostov ở Bulgaria.
Hàng ngàn người kém nổi tiếng hơn đã bị bắn vào gáy, đúng kiểu hành quyết quen thuộc của người Bolshevik, hoặc chết dấm dúi trong những trại cải tạo. Thường thì những người Cộng sản sống sót sau khi ở các trại tập trung của Hitler đều trở thành những tín đồ chung thủy của Chủ nghĩa xã hội, nhưng rồi họ lại chết dưới tay chính những đồng chí của mình – chẳng hạn như người bị kết án chung với Rudolf Slansky là Josef Frank. Sau ba năm Frank ở trại tù Đức Quốc xã Buchenwald, ông trở về Tiệp Khắc như một nhân vật được tôn vinh trong hàng ngũ lãnh đạo, nhưng chỉ bốn năm sau ông bị giết chết trong một trại tập trung Cộng sản.
Nhưng chưa hết, đến lượt mình, chính những tay đao phủ giết bạn kia, chỉ một tháng hay một năm sau, cũng bị thủ tiêu nốt. Đó là phương pháp để áp đặt điều được gọi là “trật tự Xã hội chủ nghĩa”. “Phản bội” hay “không phản bội” không quan trọng, đó chỉ là từ ngữ. Stalin tin rằng những cuộc thanh trừng liên tục là cách hiệu quả nhất để duy trì quyền lực, và khi việc không trôi chảy, ông cần có nguồn cung cấp liên tục những con dê tế thần. Hệ thống mà Stalin tạo ra không thể nào mắc sai lầm, ngược lại, phải “có một ai đó” chịu trách nhiệm cho những thất bại.[iii]
*
XÃ HỘI LÀ NGỰA, ĐẢNG CỠI NGỰA
11.
Con quái vật khủng khiếp Stalin chết năm 1953, và ba năm sau, tội ác của Stalin đã bị người kế vị Nikita Khrushchev bắt đầu phanh phui.
Trải nhiều thời kỳ sau đó, tuy bạo lực cực đoan chấm dứt, nhưng về nguyên tắc, hệ thống Stalin tạo ra vẫn còn đó và không được sửa đổi đáng kể suốt hơn 35 năm sau, dưới nhiều triều đại lãnh tụ nối tiếp nhau. Tuy kém dã man hơn trước, nhưng với sự trì trệ, bất động và tụt hậu có tính hệ thống thì chế độ vẫn cứng đơ, trơ lỳ và luôn thèm khát kiểm soát mọi người dân.
Stalin từng tuyên bố: “Xã hội là con ngựa, Đảng là người cỡi ngựa”. Những con ngựa ở Đông Âu đã bị cỡi đầu cỡi cổ quá sức chịu đựng, và chắc hẳn đã ước ao phải chi mình được ở trong một tàu ngựa rất khác.
***
ĐỜI KHÔNG NHƯ MƠ
12.
Cuộc sống trong các thuộc địa này được xây dựng theo mô hình Liên Xô. Bất cứ ai sống tại vùng đất trải dài từ Varna bên bờ Biển Đen đến Gdansk bên bờ Biển Baltic đều có thể hiểu ngay mô hình đó vận hành ra sao. Nó chẳng có điểm nào chung với những giá trị Xã hội chủ nghĩa được những người sáng lập đầy lý tưởng đề cao.
Đúng ra, nguyên lý chính của Chủ nghĩa xã hội bao gồm bình đẳng, công lý cho mọi người, tự do, cơ hội mới cho người nghèo, những chọn lựa ngày càng phong phú, tôn trọng cá nhân và mở rộng dân chủ. Nhưng những người Xô-Viết đã chẳng làm gì cho bất cứ lý tưởng nào vừa kể, ngoài việc nói suông lấy lệ. Kẻ cầm quyền dùng thứ ngôn ngữ Xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không có nội dung, chỉ để che mặt thật bằng chiếc mặt nạ chính danh.
Xã hội Cộng sản ở Liên Xô chưa bao giờ là một xã hội phi giai cấp. Theo lý thuyết Mác-Lê, giai cấp công nhân đáng lẽ phải là lực lượng chủ đạo. Theo sách vở, giai cấp vô sản phải là lực lượng nòng cốt lèo lái lịch sử, và công nhân sẽ hành xử vai trò của mình thông qua một tổ chức “tiền phong” là Đảng Cộng sản. Nhưng chẳng có gì như thế trong đời thật.
Trên thực tế, các lãnh tụ của Đảng Cộng sản ngồi chót vót trên cao và họ không hề tin cậy đám công nhân phía dưới. Những tín đồ của Lê-nin tin rằng giai cấp công nhân không thể tự biết điều gì là tốt nhất cho quyền lợi của mình, thậm chí, nếu có quyền lựa chọn, họ sẽ cho phép giai cấp tư sản lên cầm quyền. Chính vì vậy, Đảng phải thay mặt công nhân đưa ra quyết định thế nào là tốt cho công nhân.
*
ĐƯỜNG DÂY THÂN TÍN
13.
Nền tảng của chủ nghĩa Cộng sản kiểu Xô-Viết chính là một hệ thống được gọi là đường dây thân tín(nomenklatura)*, qua đó Đảng duy trì quyền lực. Đó là một hệ thống chằng chéo những quan hệ bao bọc chính trị, trên quy mô chưa từng thấy ở các xã hội đa nguyên.
Mục tiêu của nó là làm sao cho mọi công việc quan trọng trong nước đều phải do đảng viên Đảng Cộng sản nắm giữ. Từ trung ương đến địa phương, Đảng có hàng loạt danh sách liệt kê các vị trí dành cho đảng viên, và cả danh sách những đảng viên phù hợp cho vị trí.
Điều này không chỉ áp dụng cho các vị trí chót vót trong chính phủ hay lĩnh vực kinh tế, mà cho tất cả mọi lĩnh vực, từ các vị thẩm phán, hiệu trưởng trường lớn, đến người quản lý câu lạc bộ bóng đá, giám đốc sở cứu hỏa, sĩ quan cao cấp quân đội hoặc công an, tổng biên tập báo chí, quản đốc bệnh viện, giảng viên đại học, giám đốc sân khấu và nhà hát…
Đó là những sách dài dằng dặc, chẳng hạn như ở Tiệp Khắc, với dân số khoảng 9.000.000 dân nhưng đã có tới 450.000 công việc theo đường dây thân tín này, trong mọi ngóc ngách có thể tưởng tượng được của sinh hoạt xã hội. Chính trị đã được nâng lên hàng thống soái.
*
ĐẶC QUYỀN
14.
Đảng áp dụng chế độ cấp bậc nghiêm ngặt với đảng viên chẳng khác gì hệ thống quân giai áp dụng trong quân đội.
Những đảng viên chóp bu hình thành một nhóm tinh hoa khép kín, tự vận hành. Họ độc quyền nắm mọi quyền lực và là những người duy nhất được tiếp cận những vị trí chóp bu định sẵn. Họ tự cho mình hưởng những quyền lợi béo bở: nhà cửa sang trọng, người giúp việc tại nhà, xe cộ, dịch vụ y tế tốt nhất. Họ có thể thỉnh thoảng qua các nước phương Tây du lịch. Họ được quyền mua các sản phẩm đặc biệt không ai có được tại những cửa hàng dành riêng, và trả bằng tiền cứng chỉ mình họ có. Con cái họ được hưởng mọi đặc ân dành riêng cho tầng lớp đặc quyền và một mức sống cao. Chúng được học ở các trường trung và đại học tốt nhất nước, có được những cơ hội làm việc tốt hơn hẳn con cái công nhân thường dân. Con cái của những nhân vật trong đường dây thân tín này sống thật vương giả, chỉ cần bố mẹ chúng biết vâng dạ và ngoan ngoãn.
Mọi đặc quyền đặc lợi đều lệ thuộc vào lòng trung với Đảng. Chỉ cần một bước sai lầm về chính trị, thì công việc ngon lành của họ, xe của họ, vú em nhà họ, người giúp việc và đầu bếp nhà họ, việc học của con họ trong đại học, tất cả đều có thể biến mất trong một đêm.
Người ở nấc thang quyền lực bên dưới dứt khoát phải tuân lệnh người ở nấc thang quyền lực cao hơn, và cứ thế đi lên, dựa trên điều luật vàng mà người Cộng sản gọi là “dân chủ tập trung” – trớ trêu là họ dùng cụm từ này nhưng hoàn toàn không chú ý đến cái nghịch lý khôi hài tiềm ẩn bên trong.[iv]
*
CÀI NGƯỜI MỌI NƠI
15.
Luật lệ vừa kể được áp dụng cả với những quan chức chóp bu. Liên Xô nắm quyền kiểm soát tối thượng khi chọn lựa, hoặc khi thông qua, ai sẽ nắm vị trí chính trị hàng đầu tại các nước chư hầu trong đế quốc đỏ.
Sau khi Stalin chết, Moscow tiếp tục can thiệp trực tiếp vào các nước Đông Âu, y như cũ, họ loại bỏ những ai họ nghi ngờ không chung thủy, hoặc cài đặt vào vị trí then chốt những nhân vật họ yêu thích, được đào tạo tại Nga.
Bàn tay tọc mạch của Liên Xô còn thò xuống tận những tầng cấp thấp hơn. Mọi bộ trưởng chính phủ, mọi sĩ quan cao cấp trong quân đội, mọi ông trùm công an, mọi thẩm phán cấp cao trong tất cả các nước chư hầu Đông Âu… nhất nhất đều phải có kèm theo một “cố vấn Liên Xô” nhận lệnh thẳng từ Điện Kremlin.
*
MẤT LÝ TƯỞNG
16.
Những con người len lách qua được cái mê hồn trận hệ thống này cần phải có một số tính cách nhất định.
Một khi lý tưởng và nhiệt huyết cách mạng đã biến mất – nhất là khi Liên Xô xua quân xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968 – thì hệ thống bắt đầu trì trệ. Nguồn nhân lực tài năng trong các Đảng Cộng sản giảm sút thấy rõ. Người có thể tiến thân hoặc được thăng quan tiến chức không phải là người có tài năng, mà là kẻ biết ngoan ngoãn vâng lời và luôn trung với Đảng. Ai biết dè dặt thận trọng thì được tưởng thưởng, trong khi người có sáng kiến, tính đột phá và trí tuệ thường bị chống đối.
Thỉnh thoảng vẫn có những người rất thông minh, sáng tạo và làm việc hiệu quả giành được những vị trí cao, nhưng đó là ngoại lệ. Sự bất tín ăn sâu vào xương tủy của chế độ Cộng sản. Niềm tin trở thành thừa thãi trong hàng ngũ cán bộ Cộng sản.
Oleg Troyanovsky, từng làm đại sứ ở một số nước chư hầu Liên Xô, nhận xét như sau: “Từng chút, từng chút một, niềm tin trở thành lý thuyết xa vời … Giống như người ta nói về ngày trở lại của Đức Ki-tô, bạn giảng dạy điều đó, tỏ ra tin điều đó, nhưng chẳng ai xem điều đó là thực. Ý thức hệ chỉ giữ vị trí thứ hai sau quyền lợi quốc gia, và đôi khi nó chỉ là bình phong cho quyền lợi quốc gia”.[v]
*
LẬP NGAY MẬT VỤ
17.
Đảng cũng phải tìm cách bảo vệ mình trước quần chúng.
Năm 1917, sau khi lên nắm quyền, điều đầu tiên Lenin cho làm là thành lập lực lượng công an chìm, được gọi là Cheka. Sau khi được Liên Xô “giải phóng” sau Thế chiến II, các chế độ Cộng sản mới tại Đông Âu, chỉ trong vài tuần lễ, đều phải thành lập những tổ chức tương tự. Và tất cả đều sao chép mô hình mật vụ Xô-Viết.
Đến cuối năm 1945, ở Budapest đã có hàng trăm nhân viên làm việc toàn thời cho Cục An ninh Quốc gia, Allamvedelmi Osztaly (AVO), một cơ quan bị dân chúng thù ghét. Chính quyền đã ưu tiên tuyển chọn nhân viên mật vụ trước cả khi bắt tay sửa chữa, dù chỉ một, chiếc cầu bắc ngang Sông Danube bị nổ tung trong chiến tranh.
Lực lượng mật vụ Stasi của Đông Đức được mệnh danh là “thanh gươm và lá chắn của Đảng”. Erich Honecker sau này cũng thường nói với các sĩ quan cao cấp của ông rằng: “Chúng ta không vất vả giành quyền lực để rồi tự nhiên vứt nó đi”.
Sau một thời gian, các cơ quan mật vụ cũng trở nên bớt bạo lực hơn, những phòng tra tấn cũng dần biến thành phòng lưu trữ hồ sơ, nhưng nhiệm vụ thì không đổi: phải làm sao bảo vệ được quyền lực tối thượng của Đảng.
Nhưng điều này cũng cho thấy một thay đổi tinh tế. Đó là nói chung, lực lượng mật vụ và các ông trùm chính trị đã phải nghĩ rằng: họ không còn có thể làm dân tin vào chủ nghĩa Cộng sản được nữa. Bù lại, người dân chỉ việc giả vờ tin theo và thỏa hiệp bên ngoài là đủ.
Mọi sự trở thành một trò chơi ngôn ngữ vô hồn và dối trá.
***
NGÀY MỘT NỮ CÔNG NHÂN
18.
Vào đầu thập niên 1970, nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan đã cho giấu kín kết quả một cuộc nghiên cứu do một số kinh tế gia nhà nước thực hiện. Cũng không khó hiểu vì sao những thông tin kia được giữ bí mật.
Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng trung bình một nữ công nhân Ba Lan thức dậy từ 5 giờ sáng, bỏ ra hơn 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày để đi và về từ nhà đến chỗ làm, bỏ ra 53 phút xếp hàng mua thức ăn, bỏ ra 9 tiếng mỗi ngày để làm việc, bỏ ra 1 tiếng 30 phút mỗi ngày để nấu ăn và làm việc nhà, và có ít hơn 6 tiếng 30 phút mỗi ngày để ngủ.
Sau một phần tư thế kỷ dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, chế độ rõ là đang thất bại. Không giống như phần lớn các tôn giáo, vốn nói đến phần thưởng trên thiên đường sau này, chủ nghĩa Cộng sản chỉ hứa hẹn những giải pháp để bớt khổ và thêm vui sướng giữa trần gian. Họ nói được, nhưng không làm được.
*
KINH TẾ KHÔNG KẸP TÓC
19.
Trong thập niên 1950, sau khi phục hồi từ chiến tranh, và vào đầu thập niên 1960, đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Châu Âu, từ Đông sang Tây. Các nước Xã hội chủ nghĩa có cùng nhịp phát triển với các nước phương Tây. Một số, như Tiệp Khắc và Đông Đức, phát triển nhanh.
Nhưng thời kỳ sau đó lại là một thời suy thoái kéo dài. Tăng trưởng lên đến mức cao nhất là 4,9% vào những năm 1970 đến 1975, nhưng rớt xuống 2% trong thời kỳ từ 1975 đến 1980, và cứ thế rớt.
Trong khi đó ở phương Tây, lạm phát cao và thất nghiệp tràn lan là các vấn đề mà các nước với nền kinh tế linh động có thể điều chỉnh và giải quyết hiệu quả. Thịnh vượng trở lại sau thời kỳ khó khăn, với quy mô và bằng cách thức không ai nghĩ có thể diễn ra trong một nước Xã hội chủ nghĩa.
Mô hình Xô-Viết quá cứng nhắc. Nó hướng về mục tiêu chính trị thay vì mục tiêu kinh tế, dựa trên quy hoạch, do tập thể tính toán, nhưng quy hoạch lại không liên quan gì đến thực tế thị trường. Giá cả và lương bổng chẳng mấy chốc trở thành phi thực tế. Nhưng giá và lương không thể đổi và cũng không ai làm gì được vì chúng nằm trong quy hoạch đã được Đảng phê duyệt.
Thực tế này dẫn đến những phi lý ngớ ngẩn, từ nhỏ đến lớn. Chẳng hạn ở Ba Lan, suốt gần hết thập niên 1970, không ai sản xuất được cái kẹp tóc nào cho chị em phụ nữ. Quy hoạch kinh tế dĩ nhiên do các quý ông đưa ra và không có chỗ nào trong quy hoạch lớn lao kia nói đến kẹp tóc, thế là người ta không sản xuất kẹp tóc. Cũng có vài chị trong Bộ Kinh tế phát hiện điều này nhưng các chị được trả lời rằng sẽ thật rắc rối nếu phải thay đổi Kế hoạch lớn chỉ vì một món đồ dùng nhỏ nhặt. Thế là Ba Lan không có kẹp tóc.
Trong các nước dân chủ tự do có nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nếu họ muốn thành công, các chính khách phải đáp ứng đòi hỏi của cử tri và cải thiện đời sống nếu muốn tiếp tục nắm quyền. Trong những nhà nước độc đảng với kinh tế chỉ huy, người làm kinh tế và chính trị không chịu bất cứ áp lực nào tương tự.[vi]
*
LIÊN XÔ SẮT THÉP, TA SẮT THÉP
20.
Trong một hai chục năm, tại hầu hết các nước Đông Âu, chế độ xoay sở cung cấp được cho quần chúng những nhu cầu cơ bản, dù tại vài nơi mức sống vẫn mấp mé mức nghèo. Nhưng ngay các nước kiểu mẫu nhất cũng không đạt hiệu quả trong việc cung cấp hàng tiêu dùng, là điều quần chúng cần về lâu về dài. Từ giữa thập niên 1960, khoảng cách giữa Đông và Tây bắt đầu mở rộng, rồi sự chênh lệch diễn ra, ngày càng xa và nhanh.
Từ khi bắt đầu, các nhà lãnh đạo Cộng sản đã phạm phải những sai lầm ở mức thảm họa. Điều tệ hại nhất là họ đã muốn ngay lập tức biến những quốc gia có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và công nghiệp nhẹ thành những “quốc gia của sắt và thép”.
Họ làm thế chỉ vì Stalin đã làm thế ở Liên Xô, và kinh nghiệm của Liên Xô trong mọi việc được xem là giáo điều buộc phải theo.
21.
Một ví dụ điển hình là việc xây dựng quần thể Dunaujvaros (ban đầu được đặt là Sztalinvaros) vào đầu thập niên 1950, một quần thể gồm nhà máy thép khổng lồ và một đô thị mới bên Sông Danube, cách Budapest 50 km về phía đông nam.
Để nhà máy thép hoạt động, cần có một khối lượng lớn than sạch và quặng sắt, nhưng đây là những nguyên liệu Hungary không có. Họ phải nhập than sạch và quặng sắt từ các nước Xô-Viết vùng Trung Á, cách xa hàng ngàn cây số, với giá rất cao. Dĩ nhiên, điều này làm nhà máy hoạt động không có hiệu quả kinh tế và phí phạm tài nguyên quý hiếm.
Nhưng những bài toán thực tế đó không làm chế độ bận tâm. Dunaujvaros phải được xây dựng vì quy hoạch đã bảo nó sẽ được xây dựng. Bất cứ ai chỉ ra sự điên rồ của dự án hoành tráng khủng khiếp này đều bị dán nhãn “kẻ phá hoại”. Lý thuyết cho rằng hệ thống là tuyệt hảo, những nhà hoạch định chính sách ở trung tâm quyền lực là toàn trí toàn năng, vì vậy, bất cứ điều gì sai lầm thì đó là lỗi của một ai đó hoặc của nhóm người nào đó – có thể là kẻ thù của đất nước, bọn khủng bố hoặc tay sai của đế quốc, ngoại bang.
Cơn lên đồng say mê công nghiệp nặng ám ảnh suốt những năm tháng dài dưới thời Cộng sản tại vùng đất này. Trong hầu hết các trường hợp, tài nguyên thiên nhiên được khai quật và xuất khẩu đều có giá trị cao hơn thành phẩm được sản xuất từ các nhà máy Đông Âu. Nhiều mặt hàng chế biến tuy lỗ nặng vẫn cứ được sản xuất.
*
LÀNH HÓA GIAN
22.
Các nhà Mác-xít cho rằng khi quyền tư hữu không còn thì tham nhũng sẽ không còn. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra.
Trong các nền kinh tế triền miên khan hiếm và thiếu hụt thì cách duy nhất để có được những sản phẩm tiêu dùng cơ bản là phải quen biết nhiều. Một đường dây phức tạp, nơi diễn ra các cuộc trao đổi và bao cấp, đã hình thành và cuốn mọi người theo.
Chẳng hạn, nếu một bác sĩ cần sửa tủ lạnh, thì anh thợ điện, thường lén đi làm ngoài trong giờ công sở, sẽ sửa chữa cho bác sĩ để đổi lấy một lần đến bệnh viện khám bệnh. Nếu tủ lạnh cần phụ tùng thay thế thì sao? Dĩ nhiên chỉ có nhà nước có phụ tùng, và thế là nạn trộm cắp ở nhà máy hay chỗ làm diễn ra thường xuyên.
Một nhà quan sát sắc sảo, biết nhiều lãnh đạo Đảng tại Đông Âu, cho rằng một trong những mặt tệ hại nhất của chủ nghĩa Cộng sản là con người đánh mất ý thức về đạo đức. Ông nói: “Nhiều người cho rằng lấy của công, biển thủ của nhà nước, từ lừa đảo lớn đến ăn cắp vặt, đều không có lỗi, đều được phép. Hành vi trộm cắp đó thậm chí còn được cho là một hình thức phản kháng, chống đối”.[vii]
*
HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG
23.
Đông Âu lúc bấy giờ cũng là một vùng thảm họa về môi trường.
Ivan Klima, nhà văn lớn của Tiệp Khắc, đã mở đầu truyện “Âm mưu Mùa Giáng sinh”, một trong những truyện hay nhất của ông, bằng những chữ buồn như khóc, kể lúc ông bước trên đường phố Praha thân quen: “phố như phủ một màn sương u uất, lạnh, có mùi khói, mùi lưu huỳnh, và nhấp nhỏm bất định”.
Nhà nước chính là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Các chế độ được gọi là “dân chủ nhân dân”, thực ra chẳng quan tâm gì đến môi trường sống của nhân dân.
Ở Slovakia, theo con số chính thức do chính phủ đưa ra, có đến 45% trong tổng số 3.500 km sông ngòi ở tình trạng “ô nhiễm nguy hiểm” vào năm 1980, và 80% nước giếng không dùng cho người uống được.
Phân bón tại các nông trường tập thể đã “được sử dụng quá nhiều và làm nhiễm độc đất đai”. Bohemia là nơi có nạn ô nhiễm không khí tệ nhất Châu Âu, nguyên nhân một phần vì họ sử dụng loại than rẻ tiền tại địa phương có lượng lưu huỳnh cao đến mức nguy hiểm.
Hơn một phần ba toàn bộ rừng cây ở Tiệp Khắc đều đã chết hay đang chết.
Ở Đông Đức, nhà cầm quyền cấm việc phát hành thông tin về mức ô nhiễm sau khi một số nhà báo dũng cảm khám phá ra rằng tại vùng Leipzig và Lausitz, số người mắc bệnh ung thư da, bệnh đường hô hấp và các bệnh da liễu đang ở mức rất cao so với mức trung bình toàn quốc, và nhiều lần cao hơn mức tệ nhất từng được ghi nhận ở bên kia biên giới, phía Tây Đức.
***
XEM THƯỜNG BỌN BỊ TRỊ
24.
Nhân dân bị trị trong các nước dân chủ nhân dân tại đây thù ghét chủ nghĩa Cộng sản. Họ thù ghét chính kẻ lãnh đạo đất nước mình. Nhưng họ ghét nhất là những ông quan thầy Xô-Viết chiếm đóng nước họ.
Ảnh hưởng của Liên Xô tràn lan khắp nơi, và là nỗi đau cháy âm ỉ trong lòng những đất nước vốn có niềm tự hào dân tộc và trân trọng nền độc lập nước mình.
Những quan thày Xô-Viết phô trương thanh thế và ảnh hưởng bằng mọi hình thức, từ nhỏ đến lớn. Vẫn biết rằng những quyết định lớn liên quan đến chiến tranh, hòa hoãn, hay triển khai vũ khí chiến tranh quan trọng là phạm vi quyền hành của Liên Xô – như mọi đế quốc khác, kẻ cai trị quyết định hết những việc hệ trọng này thay cho thuộc địa – nhưng sự việc đã vuột khỏi tầm tay, đến độ những lãnh đạo một mực trung thành với mẫu quốc, được Moscow đích thân bổ nhiệm, cũng có lúc cảm thấy bị xúc phạm vì sự khinh bỉ, xem thường thái quá của bề trên.
Một ví dụ là Bộ trưởng Ngoại giao Tiệp Khắc những năm đầu thập niên 1980, ông Bohuslav Chnoupek, đã rất kinh ngạc khi ông không hề được báo trước việc một loạt những tên lửa hạt nhân đã được Liên Xô lắp đặt trên lãnh thổ nước ông. Ông kể: “Chúng tôi nhận được một văn thư ngắn từ Tòa Đại sứ Liên Xô, vỏn vẹn chỉ có 50 chữ, nói rằng các tên lửa hạt nhân tầm trung … đã được lắp đặt trên lãnh thổ Tiệp Khắc và tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Tôi gọi cho Thủ tướng Lubomir Strougal để hỏi xem ông ấy có biết gì không, ông trả lời ‘Không, đây là lần đầu tiên tôi nghe vụ này’. Tôi lại gọi qua Berlin và một quan chức tại đây xác minh rằng họ cũng nhận được văn thư tương tự như tôi đã nhận. Rõ ràng là họ không hề hỏi qua ý kiến chúng tôi khi triển khai vũ khí hạt nhân trên đất nước chúng tôi”.[viii]
25.
Đế quốc Xô-Viết cũng tỏ ra bất cần khi chà đạp lên tinh thần và tình cảm quốc gia, chà đạp biểu tượng quốc gia của những dân tộc bị trị.
Cờ quốc gia bị thay đổi, lúc nào cũng có biểu tượng Cộng sản búa với liềm, búa với thép, thay cho những biểu tượng truyền thống đã từng có lâu đời. Ngày lễ nghỉ ở các nước thuộc địa đỏ được thay đổi cho trùng ngày nghỉ ở Liên Xô. Học trò được dậy tiếng Nga như ngoại ngữ duy nhất được học.
Một Hiến pháp mới được ban hành ở Hungary vào ngày 20/8/1949, đúng ngày đại lễ kính Thánh Stephen, vị vua đầu tiên cũng là vị thánh bổn mạng của đất nước Hungary. Dòng đầu tiên trong Hiến pháp Hungary, trớ trêu thay, lại là lời ca tụng nồng nhiệt dành cho “Liên Xô vinh quang nhờ vai trò lịch sử trong công cuộc giải phóng đất nước chúng ta”.
Tất cả những khinh bỉ này đều là những vết thương sâu, dằn vặt trong lòng những người biết tự trọng.
*
XẢ XÚP PÁP MỖI NGÀY
26.
Kẻ thống trị biết những điều này, không chỉ vì chứng kiến những cuộc nổi dậy lớn xảy ra vài năm một lần, khi quần chúng đồng loạt đứng dậy nói họ không chịu được nữa – như từng xảy ra ở Budapest năm 1956, Praha năm 1968 – họ cũng biết nhờ những căm ghét ngấm ngầm được xì hơi, xả xúp páp hàng ngày.
Mật vụ KGB rất biết dân ghét chế độ. Gián điệp KGB lưu trú tại các nước Đông Âu – được gọi là gián điệp “nằm vùng” – thường viết những báo cáo mà cấp trên thích nghe, những bài khoác lác về việc người dân ủng hộ chế độ ra sao. Vì vậy, thỉnh thoảng, Liên Xô vẫn phải cử gián điệp đi công tác Đông Âu ngắn ngày để thăm dò thực tế trên khắp vùng lãnh thổ.
Những anh mật vụ ngắn ngày này thường đưa ra bức tranh chính xác hơn rất nhiều, với nhiều chi tiết tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Một anh mật vụ KGB được cử đi Bulgaria, xứ sở được xem là “thân thiện” với Liên Xô và dân chúng ở đây được xem là thích người Nga, nhưng anh lại báo cáo rằng: “Thái độ chống Liên Xô nở rộ trên truyền hình Bulgaria… mặc dù không bộc lộ ra”. Nhưng làm thế nào anh ta biết được nếu thái độ kia không bộc lộ ra? Anh cho biết hầu như đêm nào cũng vậy, truyền hình Bulgaria đều chiếu phim ngắn về đời sống ở Liên Xô, nhưng các quan chức ngành điện ở đây bảo anh rằng: nguồn điện bỗng dưng tăng vọt vào lúc truyền hình chiếu các phim này, vì quần chúng đồng loạt tắt TV.[ix]
*
HỌC THUYẾT BREZHNEV: NƯỚC CẬU LÀ CỦA TỚ
27.
Sau khi xe tăng Xô-Viết đè bẹp cuộc nổi dậy tại Praha năm 1968, lãnh tụ Tiệp Khắc bị truất phế Alexander Dubcek – người từng ước mơ sẽ mang lại khuôn mặt người cho chủ nghĩa Cộng sản – đã bị áp tải dưới họng súng qua Moscow, và được Liên Xô dạy cho một bài học về đặc tính chính trị của nước lớn. Sa hoàng Đỏ tại Điện Kremlin lúc đó, Leonid Brezhnev, đã dạy Dubcek rằng lý tưởng là vô dụng. Ông nói:
“Đất nước của anh nằm trên vùng mà quân Xô-Viết đi qua trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Chúng tôi đã mua vùng đất đó bằng giá của bao hy sinh lớn lao, nên chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ. Biên giới nước anh cũng là biên giới của chúng tôi”.
“Vì anh không nghe lời chúng tôi nên chúng tôi thấy bị đe dọa. Nhân danh … những người đã chết vì tự do cho nước anh, chúng tôi có đủ tư cách và chính nghĩa khi điều quân đến nước anh, để chúng tôi thấy an toàn trong biên cương chung của chúng ta”.
“Việc có ai chống đối chúng ta này kia chỉ là chuyện vặt. Quan trọng là chuyện nguyên tắc. Và như tôi vừa nói, đó là con đường phải theo, theo vĩnh viễn”.
Cũng từ những lời giảng dậy này mà “Học thuyết Brezhnev” hình thành. Tuy không ai nhắc đến nó như một “học thuyết”, nhưng ai nấy ở Đông Âu đều hiểu sức mạnh và ý nghĩa thực của nó. Và ý nghĩa thực của nó là: Liên Xô sẽ không lỏng tay với bất kỳ nước chư hầu nào trong vùng. Một mối đe dọa diễn ra tại một nước Xã hội chủ nghĩa bất kỳ nào trong vùng sẽ đều được xem là mối đe dọa đến an ninh chung của toàn bộ đế quốc như một khối thống nhất.
*
MẪU QUỐC KÉM THUỘC ĐỊA
28.
Những ông chủ Xô-Viết kiểm soát mọi thứ quan trọng thuộc vùng đất họ chiếm đóng. Nhưng mặt khác, đó cũng là một đế quốc hết sức quái lạ, có lẽ chỉ có một không hai trong lịch sử loài người. Quái lạ vì “mẫu quốc” lại nghèo hơn nhiều nước thuộc địa.
Những người lính Xô-Viết đồn trú gần Berlin, Praha hay Budapest không thể không thấy rằng nếu lấy mức sống ở quê nhà tại Liên Xô ra so sánh, thì họ, tuy đang là “chủ” của vùng đất này, còn nghèo hơn những người “khách” Đông Đức, Tiệp Khắc, hay Hungary rất nhiều.
Ngày xưa, các đế quốc Châu Âu truyền thống thường mua, hay vơ vét, nguyên liệu từ các nước thuộc địa và mang hàng hóa tiêu dùng đổi lại. Nhưng dưới hệ thống Xô-Viết, (theo quy định của thỏa thuận thương mại mà các nước trong quỹ đạo Liên Xô phải tuân thủ, được gọi là COMECON, Hội đồng Tương trợ Kinh tế), điều ngược lại đã diễn ra. Liên Xô cung cấp một khối lượng lớn dầu hỏa, khí đốt và các nguyên liệu khác để đổi lại máy móc, thiết bị công nghệ, hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Điều này cũng gây phản ứng bất mãn ngược, khi người dân Liên Xô nghĩ rằng dân các nước thuộc địa được lợi nhiều nhất từ cuộc trao đổi này. Khi lãnh tụ tương lai của Đảng Cộng sản Hungary, Karoly Grosz, gặp ông Boris Yeltsin – lúc đó là cán bộ cao cấp tại Điện Kremlin – ông kể lại rằng: “Tôi nhớ lần đến thăm Yeltsin … Chúng tôi đã cãi nhau, cãi nhau đúng nghĩa đen của từ này, vì bằng … một thái độ thô kệch, khinh bạc … ông bảo tôi rằng người Hungary các ông đừng xem chúng tôi như bò sữa nữa, đừng ăn bám chúng tôi nữa”.[x]
Với tình cảnh ấy, chẳng trách đã nở rộ rất nhiều chuyện đùa về chủ nghĩa đế quốc kiểu Xô-Viết. Chuyện sau đây là một ví dụ:
Một nhà nông học người Nga huênh hoang rằng ở Liên Xô chúng tôi “mỗi năm có đến năm vụ gặt”. Người nghe nghi ngờ: “Không thể được!”. Ông đáp: “Không gì là không thể! Này nhé, chúng tôi có một vụ gặt ở Nga, một vụ gặt ở Ba Lan, một vụ ở Hungary, một vụ ở Tiệp Khắc …”.
Rõ ràng, chuyện đùa ở đây rất thật.
29.
Kẻ thống trị Xô-Viết chỉ có thể duy trì chủ nghĩa Cộng sản tại sáu nước rất khác nhau ở Đông Âu khi họ còn sẵn sàng dùng vũ lực để đè bẹp mọi chống đối.
Nhưng mỗi một “hành vi công an trị” lại dẫn đến một hành động khác nặng hơn nhưng lại kém hiệu quả hơn. Và không nơi nào việc trấn áp kém hiệu quả lại rõ ràng như ở Ba Lan, nước lớn nhất trong các nước thuộc địa của Liên Xô, với gần 40 triệu dân, những người bất mãn và cay cú vì vừa bị nghèo khó bủa vây, vừa bị kẻ thù truyền kiếp mang ách nô lệ tròng lên đầu lên cổ.
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-Viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
Chú thích:
[i] Cornelia Heins, The Wall Falls: An Oral History of the Reunification of the Two Germanies (Grey Sea, London, 1994), tr. 114-20
[ii] Như trên
[iii] Dmitri Volkogonov, The Rise and Fall of the Soviet Empire (Harper Collins, New York, 1998), tr. 166-72
*Tại La Mã cổ đại, một “nomenclator” [“người gọi tên” (nome: tên, clator: gọi)] là một nô lệ có nhiệm vụ nhắc ông bà chủ biết tên người khách mà ông bà chủ đang gặp để chào hỏi cho đúng cách. Điều này rất quan trọng vì những ai muốn có chức quyền phải biết cách giữ quan hệ tốt, nhất là trong thời kỳ cuối của Cộng hòa La Mã. Theo Đại Tự điển Bách Khoa Ba Lan, từ này cũng có gốc gác trong ngôn ngữ Ba Lan. Đến thời trung cổ, đây là cụm từ Latinh chỉ danh sách tài sản của những đại địa chủ, và danh sách những tá điền sống trong đó. Người Cộng sản mượn từ này mà không đế ý đến cái nghịch lý của nó.)
[iv] Norman Davies, Europe: A History (Pimlico, London, 1997); Robert Service, Comrades: A History of World Communism (Macmillan, London, 2003) và Teresa Toranska, Oni: Stalin’s Polish Puppets (Collins Harvill, London, 1987) tất cả đều phân tích sâu về hệ thống Xô-Viết.
[v] Thảo luận “Cold War Endgame” trong hội nghị 1996 tại Đại học Princeton và được xuất bản (trong sách do William Wohforth hiệu đính, NXB Penn State University Press, 2003), tr. 178
[vi] Janos Kornai, trong cuốn The Socialist System: The Political Economy of Communism (Princeton University Press, 1992)  và Politics of Shortage (Welsevier, 1981) đã mô tả rất hay hiện thực kinh tế Mác-xít.
[vii] Ferenc Vali, Rift and Revolt in Hungary (Oxford University Press, 1961), tr. 126
[viii] Gabriel Partos, The World that Came in from the Cold (Royal Institute of International Affairs, London, 1993), tr. 132
[ix] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West (Allen Lane, London, 1998), tr. 673. Toàn bộ tư liệu lưu trữ có thể tìm thấy tại CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[x] Jaques Levesque, The Enigma of 1989 (University of California Press, 1997)
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/35435

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét