Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

CÁCH MẠNG 1989 (29)

Victor Sebestyen

 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 27
TIỆP KHẮC: HAVEL VÀO TÙ, QUẦN CHÚNG THỨC TỈNH
TUẦN TƯỞNG NIỆM PALACH TỰ THIÊU – CÀNG CẤM CÀNG ĐÔNG – “MẶT BÁNH BAO” JAKES, “MẶT NGƯỜI” DUBCEK – BIỂU TÌNH, KHÔNG CÒN “UỂ OẢI NHƯ CHẾT RỒI” – KIẾN NGHỊ TỪ NHỮNG NGƯỜI HAY IM LẶNG – CÀNG PHỈ BÁNG CÀNG PHỔ BIẾN
***
Praha, Tiệp Khắc. Thứ hai, ngày 16 tháng 1, năm 1989
TUẦN TƯỞNG NIỆM PALACH TỰ THIÊU
1.
TRONG LÚC HUNGARY VÀ RUMANI ĐẤU KHẨU thì các đồng chí lãnh đạo Tiệp Khắc lại không quá bi quan về tiền đồ của mình. Họ không thấy có lý do gì chính đáng để phải từ bỏ quyền lực.
Đầu năm 1989, họ sẵn sàng chuẩn bị lực lượng đối phó với những đám đông chống đối trên đường phố. Bộ Nội vụ đặt các lực lượng công an, dân quân và mật vụ StB trong tình trạng khẩn cấp trên toàn thủ đô, và khuyến cáo họ rằng đối tượng họ sẽ đương đầu “là kẻ thù … là những phần tử quá khích, côn đồ và phản động”.[1]
2.
Chế độ biết rằng nhóm Hiến chương 77 và các nhóm dân sự khác đã lên kế hoạch để tưởng niệm 20 năm ngày Jan Palach tự thiêu.
Ngày đó, 16/1/1969, sinh viên Jan Palach thuộc Trường Kinh tế Praha đã đến đứng trên bậc thang bên ngoài Nhà hát Quốc gia Tiệp Khắc ở Quảng trường Wenceslas. Đúng 4 giờ chiều, anh lấy từ trong túi nhựa mang theo một chai đựng xăng, rồi anh rưới xăng lên người, bật diêm châm lửa cho thân mình bốc cháy.
Bị phỏng 85%, ba ngày sau anh qua đời trong đau đớn, tại một bệnh viện ở Praha. Mới 20 tuổi, anh để lại thư nói rằng anh không thấy có cách nào khác để phản đối việc Liên Xô xua quân xâm lăng Tiệp Khắc, diễn ra năm tháng trước đó.
Những người dám dũng cảm lên tiếng xem anh là người tử đạo, nhưng chế độ lại xem anh như một kẻ không ra gì. Tro cốt của anh đã bị đưa ra khỏi ngôi mộ ban đầu nơi anh được chôn cất, tại một nghĩa trang ngoại ô Praha, rồi họ lấy mộ của anh để chôn thi hài một người già nghèo khổ sống nhờ trợ cấp, hoàn toàn không liên quan gì đến cái chết của anh.
Các nhóm đối lập loan báo họ sẽ dành nguyên một tuần, từ 15 đến 21/1/1989, đặt tên là “Tuần lễ Palach” để tổ chức một loạt sự kiện tưởng nhớ anh.
*
CÀNG CẤM CÀNG ĐÔNG
3.
Cái tên Jan Palach gần như không hề được nhắc đến trên báo chí hoặc truyền hình nhà nước trong suốt 20 năm qua. Giờ đây, khi biểu tình cận kề, chế độ quyết định đã đến lúc phải đối đầu với ký ức về Palach.
Ngày 12/1/1989, báo Rude Pravo (Đường lối Đỏ) của Đảng Cộng sản mô tả vụ Palach tự thiêu là “một hành vi bi thảm, vô nghĩa” và tuyên bố tất cả các cuộc tụ tập hoặc biểu tình tưởng niệm đều bị cấm.
Hai ngày sau, tờ báo Đảng tiếp tục tấn công, nói rằng: “Không nên nghe theo những phần tử bất đồng đang đặt tính mạng của các bạn trẻ vào chỗ nguy hiểm. Chúng ta không cho phép ai đe dọa nền cộng hòa”.
Điều đáng nói là hầu hết người dân Tiệp Khắc, vì không quan tâm đến chính trị, nhờ bài báo nhắc nhở mới biết sẽ có các cuộc biểu tình tưởng niệm Palach, một người mà quần chúng nói chung đã hoàn toàn quên lãng.
Thực vậy, người quan tâm không nhiều, theo quan sát của một nhà bất đồng, phía chống đối lúc bấy giờ chỉ có “vài ngàn trên cả nước ở vị trí hỗ trợ vòng ngoài, vài trăm ở vị trí trung tâm, và ít hơn một chục ở vị trí lãnh đạo nào đó”.
Việc nhà nước loan báo thông tin rộng rãi chưa từng có này bảo đảm rằng sẽ có đông người đến với các cuộc tụ tập, dù chỉ đến vì tò mò muốn xem cảnh sát đánh đập người biểu tình ra sao.
*
“MẶT BÁNH BAO” JAKES, “MẶT NGƯỜI” DUBCEK
4.
Việc nhà nước vô tình thu hút sự chú ý vào “Tuần lễ Palach” là một sai lầm, theo lời thú nhận sau này của những lãnh tụ cộng sản như Milos Jakes – người ngày càng bị ghê tởm và có hỗn danh “Cái Mặt bánh bao” (Dumpling Face) vì tướng mạo nặng nề. Dĩ nhiên, ý đồ của chế độ là phổ biến thông tin để dằn mặt quần chúng, nhắc cho họ nhớ quyền lực đang thực sự nằm trong tay ai.
Trong năm qua, thực ra giới đối lập đã nhận được những tín hiệu mâu thuẫn, lúc thế này lúc thế kia từ phía chế độ. Mới hai tháng trước, Milos Jakes còn cho phép Alexander Dubcek [lãnh đạo Mùa Xuân Praha 1968 với chủ trương “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người”, sau 1968 bị trấn áp] đi Ý nhận bằng danh dự của Đại học Bologna. Hơn 20 năm qua, Dubcek luôn thận trọng giữ im lặng về chính trị, và gần hết thời gian đó ông chỉ làm một công chức cấp thấp của Cục Quản lý Rừng Slovak. Giờ đây, khi nhận bằng tại Ý, Dubcek lần đầu tiên phá vỡ sự im lặng. Ông mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ những việc làm của mình trong thời kỳ Mùa Xuân Praha 1968 và nói đến “sai lầm đạo đức không gì sánh bằng” của chế độ Tiệp Khắc từ đó đến nay.
Mặc dù cho phép Dubcek từ Ý trở về nước nhưng chính quyền đã rất do dự. Sau đó, họ lại quyết định mạnh tay đè bẹp giới bất đồng. Vào Ngày Nhân quyền 10/12/1988, chính Bí thư Thành ủy Praha, ông Miroslav Stepan, đã đích thân chỉ đạo công an phun nước vòi rồng vào người biểu tình ngay trung tâm thành phố. Stepan còn nhấn mạnh: “Sẽ không thương lượng gì hết”.[2]
*
BIỂU TÌNH, KHÔNG CÒN “UỂ OẢI NHƯ CHẾT RỒI”
Ngày 15/1/1989, cuộc biểu tình đầu tiên trong chuỗi sự kiện tưởng niệm Palach diễn ra, khoảng 4.500 người tụ tập tại Quảng trường Wenceslas, đông hơn bất cứ cuộc biểu tình chính trị công khai nào kể từ năm 1968. Cuộc biểu tình hoàn toàn ôn hòa. Nhưng cảnh sát chống bạo động đã rượt đuổi tấn công người biểu tình, bắt giữ 91 người và đánh đập nhiều người khác.
Thế giới bên ngoài phản đối, như dự kiến, nhưng chính phản ứng của người dân Tiệp Khắc mới làm các nhóm bất đồng phải ngạc nhiên. Trong quá khứ, quần chúng sẽ lặng lẽ rời hiện trường để tránh rắc rối, vì đại đa số người dân vốn thờ ơ với chính trị và thường “uể oải như chết rồi,” theo nhận xét của một nhà hoạt động cho Hiến chương 77. Nhưng hôm nay, rất đông những người qua lại không liên quan gì đã mạnh dạn lên tiếng phản đối hành vi bạo ngược của cảnh sát.
6.
Ngày hôm sau, 16/1/1989, một nhóm ít người hơn trở lại Quảng trường Wenceslas để đặt hoa nơi Palach châm lửa tự thiêu.
Vaclav Havel có mặt tại chỗ để quan sát và mô tả sự việc. Havel viết: “Tôi quyết định đứng trên vỉa hè và quan sát lễ tưởng niệm từ bên ngoài, để nếu cảnh sát can thiệp thì tôi có thể gửi ngay tin bài cho bạn bè và truyền thông nước ngoài. Cảnh sát đã can thiệp, nhưng lại quá vụng về đến nỗi lễ tưởng niệm thu hút sự chú ý của những người qua lại và lập tức biến thành một cuộc biểu tình lớn tự phát. Tôi say mê quan sát toàn bộ sự việc từ xa, mặc dù tôi biết sớm muộn gì họ cũng bắt tôi. Rồi tôi đi khỏi Quảng trường Wenceslas để chuẩn bị bản tin. Họ bắt tôi khi tôi đang trên đường về nhà”.
*
KIẾN NGHỊ TỪ NHỮNG NGƯỜI HAY IM LẶNG
7.
Bốn ngày sau đó các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra, tất cả đều bị cảnh sát dùng bạo lực phá vỡ.
Hơn 500 người bị bắt và một nửa số này bị truy tố, hầu hết vì tội côn đồ hoặc phá rối trật tự. Ota Veverka thuộc Câu lạc bộ Hòa bình John Lennon bị kết án một năm tù giam. Phát ngôn viên của Hiến chương 77, ông Alexander Vondra, đặt được ba đóa thủy tiên vàng tưởng nhớ Palach trước khi bị bắt, bị kết án tù treo và bị phạt gần 100 đô la. Havel bị kết tội “khuấy động quần chúng gây rối và chống nhân viên công vụ trong cuộc biểu tình trái phép”, và bị nhốt tù chín tháng.
Phản kháng của các chính phủ và tổ chức nhân quyền nước ngoài bị nhà nước Tiệp Khắc phớt lờ dễ dàng, nhưng họ không dễ phớt lờ những kiến nghị trong nước đòi trả tự do cho Havel với chữ ký của những người trước đây chỉ im lặng, như hội viên các Hội Nhà văn thuộc biên chế nhà nước và Nghiệp đoàn Diễn viên.
Hơn 4.000 người đã ký vào kiến nghị chính, một con số chưa từng có trước đây tại Tiệp Khắc. Havel nhận xét: “Chế độ rõ ràng không mong chờ điều đó và cũng không biết phải phản ứng ra sao. Với họ, bắt nhốt một vài cá nhân bất đồng thì còn được, nhưng bắt nhốt tất cả mọi diễn viên nổi tiếng trong nước ư? Đó là điều họ không dám làm nữa”.
*
CÀNG PHỈ BÁNG CÀNG PHỔ BIẾN
8.
Một lần nữa, trong khi tìm cách hạ thấp uy tín của Havel thì chính quyền lại vô tình khiến ông được cả nước biết đến như một “kẻ gây rối”.
Lý lịch của nhà trí thức Havel từng vào tù ra khám được đưa lên mặt báo, việc ông lớn lên trong giàu có và thuận lợi được khai thác kỹ. Nhưng điều này đã không mang lại hiệu quả như chế độ dự tính. Hầu hết người dân Tiệp Khắc chưa nghe nói về Havel bao giờ. Giờ đây họ biết ông là ai và ông bỗng nhiên trở thành một nhân vật dám chống cộng tiêu biểu.
Havel kể về những ngày trong tù: “Tôi là một tù nhân khá đặc biệt. Tôi bị cô lập hoàn toàn với những người khác và bị theo dõi nghiêm ngặt, nhưng dù sao tôi vẫn được đối xử một cách rất cẩn trọng. So với những lần tù trước, lần này gần như đi nghỉ dưỡng. Ngoài những thứ khác thì có lúc tôi bị nhốt chung phòng giam với hai người cộng sản được chọn riêng, họ bị giam nhiều năm vì tội phạm kinh tế và rất ngại nói chuyện với tôi vì sợ tình trạng của họ sẽ tồi tệ hơn”.[3]
9.
Chế độ ra vẻ hài lòng vì đã dùng sức mạnh để dạy cho giới đối lập một bài học và đã “xử” được Vaclav Havel. Trong một bữa tiệc tại Tòa Đại sứ Tây Đức, một quan chức Mỹ đã hỏi người đứng đầu ngành tuyên giáo Tiệp Khắc Jan Fojtik về nhà biên kịch Havel. Fojitik nói với quan chức Mỹ như sau: “Havel về mặt phẩm hạnh không có gì đặc biệt, cũng chẳng thu hút được quần chúng. Chủ nghĩa cộng sản rồi sẽ thắng thôi”.[4]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[1] Tướng Alojs Lorenc, báo cáo về các chiến dịch an ninh 1988-1989, Vol. 4/II, Utad Dokumentace a Vysetrovani; và tư liệu tại CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[2] Báo Rude Pravo, ngày 11/1/1989
[3] Vaclav Havel, To the Castle and Back (Knopf, New York, 2007) tr. 173
[4] Như trích trong Gale Stokes, The Walls Came Tumbling Down (Oxford University Press USA, 1993), tr. 278
Dịch giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/36166

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét