Victor Sebestyen
Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 21
AFGHANISTAN: “VIỆT NAM” CỦA GORBACHEV
VÀNG CỦA TA, MÁU CỦA CHÚNG – CIA CHỦ QUAN – “CHIẾN TRANH VIỆT NAM” CỦA CHÚNG TÔI – CHIẾN KHÔNG THỂ THẮNG – SỢ THUỐC ĐẮNG – KẾT LUẬN MUỘN MÀNG
***
Washington DC. Thứ ba, ngày 19 tháng 4, năm 1987
VÀNG CỦA TA, MÁU CỦA CHÚNG
1.
Tại Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia, có một nhóm quan chức cao cấp được gọi nửa đùa nửa thật là “The Bleeders” (Bọn hút máu). Tên gọi bắt nguồn từ cụm từ “vết thương làm ta mất máu” mà họ biết Mikhail Gorbachev thường dùng để nói về chiến tranh Afghanistan. Nhiệm vụ của họ là giữ chân quân đội Liên Xô trên vùng núi Afghanistan càng lâu và càng tốn kém càng tốt, dù với dư luận chính thức, Mỹ loan báo họ muốn Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan.
Tại hội nghị thượng đỉnh Reykjavik trên đảo quốc Iceland mùa thu 1986, Tổng thống Mỹ Reagan đã yêu cầu lãnh tụ Liên Xô Gorbachev rút quân. Một biến chuyển quan trọng tại hội nghị là cả hai nói họ sắp sửa đạt được một thỏa thuận táo bạo và có tầm nhìn xa nhằm hủy bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân – việc Reagan kiên quyết tiến hành dự án Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) đã mang lại hiệu quả tích cực này. Từ đó trở đi, Gorbachev đã không gọi người Mỹ là “bọn chúng” nữa, cũng không gọi Reagan là “tên ăn lông ở lỗ” nữa, và hai người ngày càng tin nhau – tuy về sau thông tin tiết lộ cho thấy có quá nhiều chướng ngại khiến thỏa thuận kia không khả thi.
2.
Nhưng, đó là chuyện vũ khí hạt nhân, trong khi Afghanistan lại là vấn đề khác. Từ chỗ chỉ nhỏ giọt, lượng vũ khí của Mỹ được cung cấp cho kháng chiến quân Hồi giáo Mujahideen qua ngả Pakistan đã trở thành dòng lũ. Frank Anderson, nhân viên CIA chịu trách nhiệm hỗ trợ quân kháng chiến nói: “Đó là cuộc chiến được tiến hành bằng vàng của chúng tôi, nhưng bằng máu của họ.”
Từ cuối năm 1986 về sau, kháng chiến quân (cũng có thể gọi là “thánh chiến quân”) được cung cấp các loại vũ khí rất tân tiến và hiện đại, như loại hỏa tiễn đất đối không Stinger, góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến. Máy bay Liên Xô không thể tiếp tục lao xuống ném bom các căn cứ Mujahideen, hoặc oanh kích các làng mạc, mà không gặp nhiều nguy cơ máy bay bị bắn hạ và phi công mất mạng.
Tại tổng hành dinh CIA, “Bọn hút máu” thắng thế, nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của Giám đốc CIA Casey, và – sau cái chết bất ngờ và đau đớn của Casey năm 1987 – của Phó Giám đốc Robert Gates. Không lâu trước khi mất, có lần Casey cao hứng nói: “Cái đẹp của chiến dịch Afghanistan là chỗ này: Thường thì dường như chỉ có anh lính Mỹ to con xấu tính mới bắt nạt đánh đập anh bản xứ, nhưng ở Afghanistan thì ngược lại, anh Nga to xác lại bị các chú nhỏ bắt nạt. Chúng ta đã không biến nó thành cuộc chiến của Mỹ, vì quân kháng chiến Hồi giáo có đủ động lực cần thiết. Điều duy nhất ta cần làm là giúp họ, ngày một nhiều hơn.”[1]
*
CIA CHỦ QUAN
3.
Thực ra, người Mỹ đã không biết Liên Xô tuyệt vọng đến đâu khi loay hoay tìm lối thoái khỏi vũng lầy Afghanistan. Nhưng, không chỉ lần này, CIA từng có những thông tin sai lệch đáng tiếc về đường đi nước bước của Liên Xô tại Afghanistan.
Trong nhiều tháng trước khi Liên Xô xâm lăng Afganistan, cơ quan tình báo CIA đã nhiều lần nói rằng Nga sẽ không xua quân qua biên giới. Chẳng hạn vào ngày thứ hai, 17/12/1979, giám đốc CIA lúc bấy giờ, Đô đốc Stansfield Turner, còn tự tin nói với Tổng thống Carter rằng mặc dù có dấu hiệu Liên Xô chuyển quân được ghi nhận gần biên giới Afghanistan, “chúng tôi không cho đó là một cuộc tập kết quân để xâm nhập”, và không có gì quan trọng phải lo lắng.
Hai ngày sau, Báo cáo Tình báo Quốc gia Hàng ngày cho Tổng thống – tức báo cáo để Tổng thống biết rõ mọi tình hình nước ngoài hệ trọng – đã dự đoán rằng “tốc độ dàn quân của Liên Xô không cho thấy ta cần có … kế hoạch gấp rút nào để đối phó.”
Nhưng, chỉ ba ngày sau đó, hàng ngàn quân Liên Xô đã vượt qua biên giới và bắt đầu kiểm soát Afghanistan.[2]
***
“CHIẾN TRANH VIỆT NAM” CỦA CHÚNG TÔI
4.
Với Liên Xô, nỗi khổ phải rút quân khỏi Afghanistan đã kéo dài quá lâu. Khi mới lên nắm quyền năm 1985, có thể nói Gorbachev có hai cách giải quyết, một là rút quân và tuyên bố chủ nghĩa xã hội toàn thế giới đã “chiến thắng”, và hai là, nếu Gorbachev thành thực hơn, rút quân, chấp nhận thế kẹt và đổ lỗi cho các tiền nhiệm. Gorbachev đã có thể được thế giới tán thưởng nếu ông làm như thế trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi lên nắm quyền. Nhưng ông đã thiếu ý chí và không đủ dũng cảm.
Ngay những người ủng hộ ông hết lòng cũng thấy ông sai lầm nghiêm trọng. Yakovlev và Anatoli Chernyaev, cố vấn chính về chính sách đối ngoại, liên tiếp nhắc ông rằng kết thúc Chiến tranh Afghanistan là ưu tiên Gorbachev phải đặt hàng đầu. Nhưng Gorbachev do dự và lưỡng lự, không dám đụng độ với những tay bảo thủ trong Điện Kremlin, với KGB và với quân đội.
Chernyaev nói: “Đó là ‘chiến tranh Việt Nam’ của chúng tôi. Nhưng tệ hơn thế, đó là một gánh nặng khổng lồ … đè lên công cuộc cải cách của ông và hạn chế rất nhiều khả năng xoay chuyển thế cờ chính trị của Gorbachev.”[3]
5.
Trong khi đó, Babrak Karmal, người được Liên Xô đặt làm lãnh tụ khi xâm lăng Afghanistan năm 1979, đã bị loại bỏ vào tháng 5/1986. Người lên thay thế là Mohammed Najibullah, 39 tuổi, điển trai, thông minh, là bác sĩ, xuất thân từ một trong những gia đình giàu có và quý tộc bậc nhất ở Pashtun và cũng từng là trùm lực lượng an ninh khét tiếng tàn ác của Đảng cầm quyền trong nhiều năm.
Tuy “Najib” có tỉnh táo hơn Karmal say xỉn hầu như mọi lúc, nhưng vẫn kém hiệu quả chẳng khác gì Karmal trong việc thu phục dân chúng ủng hộ chế độ cộng sản hoặc chống quân du kích.
6.
Gorbachev lập đi lập lại rằng ông đã đưa ra quyết định dứt khoát để rút quân. Ngày 13/11/1986, ông nói với các đồng chí tại Kremlin:
“Chúng ta chiến đấu ở Afghanistan đến nay đã sáu năm. Nếu không thay đổi đường lối thì có thể ta sẽ phải ở đó thêm 20 hoặc 30 năm nữa. Ta đã không học được cách thắng cuộc chiến. Ta có mục tiêu rõ ràng là dựng lên một chế độ thân thiện và trung lập ở Afghanistan. Ta không cần chủ nghĩa xã hội ở đó, đúng không nào? Chúng ta phải kết thúc ngay vụ này, càng sớm càng tốt, chấm dứt mọi việc, rút quân một lần, tối đa trong hai năm.”
Andrei Gromyko, người cuối cùng trong số lãnh đạo già đưa quyết định xâm lược ban đầu, vẫn là người có ảnh hưởng với các phe phái quyền lực ở Moscow, đến nay đã thay đổi suy nghĩ về cuộc chiến, ông nói: “Chúng ta đã đánh giá thấp những khó khăn khi … quyết định viện trợ quân sự cho Afghanistan. Bây giờ cần phải tích cực tìm kiếm một lối thoát chính trị. Mọi người sẽ thở phào nếu ta đi theo con đường này.”
*
CHIẾN KHÔNG THỂ THẮNG
7.
Đến lúc này, quân đội cũng công nhận rằng cuộc chiến không thể thắng. Thống chế Sergei Akhromeyev, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô, là một người mâu thuẫn. Ông là người cộng sản nhiệt thành và luôn ủng hộ việc gia tăng chi phí quân sự để đối đầu với “bọn bành trướng đế quốc” – ông tôn kính Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov như người đỡ đầu trong nhiều năm. Nhưng ông lại có quan điểm trái chiều về việc Liên Xô tiếp tục phung phí tiền của để chống lưng cho các chế độ tại các nước Thế giới Thứ ba bất ổn như Ethiopia, Angola và Nicaragua.
Akhromeyev – cao nhưng hơi khom, đeo kiếng, 63 tuổi, nhìn giống một trí thức nga hơn một người lính – giữ vai trò then chốt trong việc hoạch định cuộc xâm lăng Afghanistan năm 1979, ông được lệnh làm việc này dù có không ít hoài nghi. Giờ đây, được mời đến gặp Gorbachev, ông nói Liên Xô không thể thắng cuộc chiến này:
“Không có mảnh đất nào tại Afghanistan mà quân Liên Xô không chiếm được một lúc nào đó. Tuy nhiên, hầu hết lãnh thổ vẫn cứ nằm trong tay phiến quân. Chúng ta kiểm soát được thủ đô Kabul và các trung tâm tỉnh, nhưng lại không kiểm soát được quyền lực chính trị tại những nơi ta chiếm đóng. Chúng ta đã không thu phục được lòng tin của người dân Afghanistan. Chỉ có một số ít dân chúng ủng hộ chính quyền.”
Ông khẳng định người lính Liên Xô không đáng trách. Họ đã chiến đấu dũng cảm giữa những điều kiện khắc nghiệt. Nhưng việc chiếm tạm thời các thị trấn và làng mạc tại một địa hình rộng lớn – nơi quân Mujahideen có thể vào núi trốn cho đến khi quân Liên Xô rút là quay trở lại – cũng chẳng được tích sự gì. Akhromeyev nói: Thắng cuộc là “nhiệm vụ bất khả thi. Chúng ta có thể duy trì tình trạng hiện nay, nhưng nếu thế thì chiến tranh sẽ tiếp tục kéo dài.”[4]
*
SỢ THUỐC ĐẮNG
8.
Tuy có đủ lý lẽ nhưng Gorbachev lại tiếp tục trì hoãn, khiến nhiều người nghi ngờ. Không có mệnh lệnh nào rõ ràng được đưa ra để quân lực Liên Xô lui binh trong hơn một năm sau ngày các lãnh tụ quyết định rút quân. Các thủ lĩnh Kremlin tiếp tục tính toán kỹ, vì một siêu cường phải thú nhận thất bại thì chẳng khác gì uống thuốc đắng. Gorbachev có lúc tuyệt vọng than rằng: “Tình hình không hề đơn giản. Chúng ta vướng và… nhưng làm sao lui? Điều đó làm đau hết cả đầu.” Ông tiếp:
“Chúng ta có thể lui nhanh chóng, bất chấp mọi việc … Nhưng chúng ta không làm vậy được. Bạn bè của chúng tôi ở Ấn Độ sẽ lo ngại … ở Phi Châu cũng thế. Họ sẽ cho đây là một cú trời giáng vào uy quyền của Liên Xô … Và họ sẽ nói với rằng chủ nghĩa đế quốc sẽ thừa thắng xông lên nếu chúng ta rút quân khỏi Afghanistan. Chúng ta ăn nói thế nào đây trước dân chúng, nếu chẳng lâu sau khi rút quân sẽ là một cuộc tàn sát thực sự và một căn cứ thù hận sát nách Liên Xô sẽ ra đời? Về đối nội cũng có những mặt quan trọng. Một triệu binh lính của chúng ta đã chiến đấu ở Afghanistan, nhưng cuối cùng tất cả đều vô ích… Họ sẽ nói: Các ông đã quên mất sự hy sinh của chúng tôi và hủy hoại uy tín đất nước này. Điều đó thật đắng lòng. Họ sẽ thắc mắc: Những người lính kia chết để làm gì?”[5]
9.
Các cuộc thương thuyết tại Geneva do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để chấm dứt chiến tranh bắt đầu vào đầu năm 1987, nhưng tiến triển chậm như sên.
Liên Xô muốn có một chính quyền “thân” Liên Xô tiếp tục nắm quyền tại Kabul. Ngoại trưởng Shevardnadze khẩn thiết kêu gọi Mỹ hoãn gửi các chuyến vũ khí cho quân Mujahideen, nhưng vô ích.
Mỹ muốn giữ chân Liên Xô tiếp tục chiến đấu để Liên Xô phải trả giá đắt nhất có thể. Cũng có thể nói Mỹ đã kéo dài chiến tranh nóng một cách vô ích bằng cách cản trở Liên Xô rút khỏi đấu trường Chiến tranh Lạnh.
Alexander Yakovlev, nhà tư tưởng chính của perestroika, nhận định rằng: “Việc Mỹ viện trợ vũ khí cho quân kháng chiến chỉ làm chiến tranh kéo dài thêm. Gorbachev, Shevardnadze và tôi … tin rằng chúng ta không cần Afghanistan và có mặt ở đó cũng chẳng ích lợi gì. Đàng nào chúng ta cũng thua cuộc. Đáng lẽ chúng ta phải học từ người Anh rằng Afghanistan là một nước không thể khuất phục. Nhưng xung đột giữa hai hệ thống chính trị đã khiến Liên Xô và Mỹ phải làm những điều ngu xuẩn.”[6]
*
KẾT LUẬN MUỘN MÀNG
10.
Lý luận của “Bọn hút máu” cực kỳ đơn giản: Họ không tin Liên Xô nghiêm túc trong việc rút quân. Khi ngoại trưởng Mỹ George Shultz, trong cuộc họp với các cố vấn Reagan, cho biết Shevardnadze nói với ông rằng người Nga sẽ dứt khoát rút quân, và Shultz nói: “tôi tin điều đó”. Nhưng giám đốc CIA Robert Gates ra vẻ xem thường thông tin này, ông nói: “Chúng tôi không tin! Chúng tôi không thấy họ có ý định thực sự muốn rút quân.” Rồi Gates cược với Shultz 10 đô-la, rằng quân Liên Xô sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan “trong tương lai trước mắt”.[7]
Cuối cùng, vào tháng 4/1988, Liên Xô đưa ra một thời khóa biểu cho việc rút quân. Từ ngày 15/5/1988, họ sẽ bắt đầu rút từng đợt trong tổng số 109.000 quân đóng tại Afghanistan. Và đến ngày 15/2/1989, toàn bộ binh lính sẽ hoàn tất việc rút quân.
Gorbachev vẫn giận dữ vì Mỹ “không chịu giúp chúng tôi”. Nhưng sau đó ông hiểu rằng nếu nhìn từ Washington, chẳng có mấy lý do để Mỹ phải giúp ông. Ông nói với các đầu lĩnh ở Kremlin rằng: “Chúng ta sẽ rút quân, bất chấp người Mỹ làm gì. Nếu rút quân mà có một thỏa thuận nào đó với Mỹ thì tốt hơn, nhưng quan tâm chủ yếu của ta giờ đây là những người con của tổ quốc vẫn đang chết tại xứ người. Đó là chưa kể hàng tỉ đô-la ta phải chi ra mỗi năm.”
Gorbachev mất ba năm để đi đến kết luận cuối cùng này, và mất thêm gần một năm nữa để người lính Liên Xô cuối cùng rời khỏi Afghanistan. Nhưng ông vẫn muốn câu chuyện này được trình bày một cách hợp lý. Ông nói: “Ta phải nói rằng nhân dân ta đã không mất mạng vô ích.”[8]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
Dịch giả gửi BVN
[1] Như trích trong Melvyn P. Leffler, For the Soul of Mankind, The United States, the Soviet Union, and the Cold War (Hill and Wang, 2008), tr. 286
[2] Tim Weiner, Legacy of Ashes: The History of the CIA (Allen Lane, London, 2007, tr. 365-7
[3] Nhật ký Chernayev, tháng 5/1986, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[4] APRF (Russian Presidential Archives, Moscow), biên bản Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 13/11/1986
[5] APRF, biên bản Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 23/2/1987, và Nhật ký Chernayev, tháng 2/1987, CWIHP
[6] Như trích trong Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997) tr. 178
[7] Melvyn P. Leffler, sđd, tr. 228
[8] Nhật ký Chernayev, tháng 2/1987, CWIHP
http://www.boxitvn.net/bai/36009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét