Thường Sơn (VNTB) - Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cơ quan chủ chốt của Bộ LĐTBXH về thống kê thất nghiệp - lại vừa công bố kết quả 'nghiên cứu' về thị trường lao động. Theo đó, gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ phải 'ra đường', nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 2,43%.
Vào năm 2014, con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp được báo chí công bố là khoảng 70.000. Như vậy, đối tượng thất nghiệp này đã tăng gấp hơn 2 lần trong vòng một năm qua.
Cũng vào các năm 2011, 2012, 2013 và 2014, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc do Bộ LĐTBXH công bố chỉ khoảng 2% - một sự an ủi tuyệt vời cho tình hình kinh tế Việt Nam nếu so với tỷ lệ thất nghiệp 26% ở Tây Ban Nha và 27% ở Hy Lạp vào cùng thời gian.
Song theo một quan chức có trách nhiệm của Quốc hội VN thì "thêm số 0 vào sau 2% vẫn đúng'.
Từ năm 2011 đến nay, bất chấp các báo cáo tô hồng của Chính phủ về tỷ lệ tăng GDP vẫn đều đặn duy trì trên 5% và mới đây còn tăng hơn 6%, nền kinh tế và sức mua của thị trường VN vẫn ảm đạm đến mức suy nhược. Khắp nơi là tràn lan nạn thất nghiệp và bán thất nghiệp.
Vào đầu năm 2014, con số thống kê chính thức cho biết có đến 100.000 doanh nghiệp phải tự giải thể và phá sản do tình hình kinh tế quá khó khăn. Một số chuyên gia phản biện độc lập còn đưa ra con số doanh nghiệp biến mất cao hơn hẳn: 200.000, tức chiếm đến 1/3 trong tổng số khoảng 600.000 doanh ngiệp đăng ký hoạt động.
Thông thường, tỷ lệ thất nghiệp có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ lệ doanh nghiệp phá sản và giải thể. Nếu mối liên đới này là khớp, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam phải lên đến ít nhất 25%.
Điều đáng kinh ngạc là trong bối cảnh thê thiết ấy, Bộ LĐTBXH vẫn cắm mặt với những con số tràn đầy lạc quan cùng ru ngủ dân chúng.
Tin liên quan: Gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Theo thống kê, số người thất nghiệp theo trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng khoảng 16.000 so với cùng kỳ năm 2014.
Ngày 20/7, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều gia tăng.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.
Thí sinh xếp hàng chật kín vỉa hè thi vào Chi cục thuế Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn. |
Tính theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.
Điều tra trên cả nước cho thấy, tỷ lệ người thiếu việc làm cũng tăng nhẹ. Số người làm việc dưới 35 giờ mỗi tuần và có mong muốn làm thêm giờ là 1,13 triệu người, tăng so với cuối năm 2014, trong đó số lao động thiếu việc làm ở nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, số lao động thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học, sau đại học và cao đẳng nghề chủ yếu là mới tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động một cách khó khăn. Tỷ lệ này chưa phải là chỉ số phản ánh hết được tình trạng lao động của đất nước.
"Chúng ta quan tâm đến chỉ tiêu 98% lao động có việc làm nhưng nếu không khai thác được hết thời gian lao động của con số trên thì bức tranh về nguồn lực lao động cũng không có gì khởi sắc. Nhưng nếu 98% lao động có việc làm chỉ cần sử dụng được một nửa thời gian lao động thì nguồn lực của đất nước vẫn được khai thác ở mức cao. Nhìn nhận tình trạng nguồn lao động cần phải xem nhiều chỉ số khác nhau", ông Diệp nói.
Bên cạnh đó, bức tranh thị trường lao động thời điểm đầu năm cũng có những điểm sáng, đó là số lao động ở khu vực nhà nước giảm, lao động làm công ăn lương gia tăng. Đặc biệt, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tăng 12,3%, từ 4,4 triệu đồng cuối năm 2014 lên 4,9 triệu đồng trong đầu năm nay. Mức tăng này là do người lao động có các khoản thưởng, bổ sung dịp Tết và tác động của chính sách tăng tiền lương tối thiểu vùng.
Dự báo thời gian cuối năm, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Luật việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn với lao động. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.
Theo Thanh Hòa (Vnexpress)
http://www.ijavn.org/2015/07/vntb-178000-cu-nhan-thac-si-ra-uong-ty.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét