Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

KHẢO LUẬN TRIẾT HỌC VỀ ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ


Nhân loại là một thực tại siêu việt biểu hiện thành một sinh vật đặc biệt bao gồm tất cả các cá nhân vừa khác nhau vừa giống nhau: khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng giống nhau về bản năng sinh tồn hoặc bản năng ham sống mà sợ chết biểu hiện cụ thể qua mỗi cá nhân nhất định thành bản tính vị kỷ 1).
Bản tính vị kỷ biểu hiện thành xu hướng tâm lý lấy mình làm mục đích đồng thời lấy mọi thứ khác làm phương tiện để thoả mãn mình; xu hướng đó biểu hiện thành ba phẩm chất cơ bản: ích kỷ, tư lợitham lam. Bản năng sinh tồn hoặc bản năng ham sống mà sợ chết phát sinh từ đâu, có lẽ chỉ Chúa mới có thể biết được. Khi thám hiểm cõi vô thức bằng những lập luận hết sức mê hoặc, Sigmund Freud không cảm thấy cần phải giải thích cội nguồn phát sinh bản năng đó; tôi cho rằng nếu lý trí khoa học không cảm thấy cần phải giải quyết một vấn đề nào đó thì nên dành vấn đề đó cho niềm tin tôn giáo.
Bản tính vị kỷ làm cho cá nhân nào cũng ích kỷ, tư lợitham lam. Vì ích kỷ nên cá nhân nào cũng chỉ quan tâm đến bản thân, nếu không quan tâm đến điều này thì cũng phải quan tâm đến điều khác liên quan như thế nào đó đến mình; vì tư lợi nên cá nhân nào cũng chỉ chăm lo thu vén cho bản thân, nếu không thu vén cái này thì cũng phải thu vén cái khác cho bản thân; vì tham lam nên cá nhân nào cũng chỉ chăm lo thu vén thật nhiều cho bản thân, nếu không thu vén thật nhiều của cải cho bản thân thì ít nhất cũng phải thu vén thật nhiều lương tâm cho bản thân, mà nếu thu vén được thật nhiều cả hai thứ đó cho bản thân thì càng tốt!
Bản tính vị kỷ luôn luôn thúc đẩy người ta sử dụng mọi thứ đồng thời cũng thúc đẩy người ta lạm dụng mọi thứ! Vậy bản tính vị kỷ là bản tính tốt đẹp hay bản tính xấu xa? Đây là một vấn đề rất khó giải quyết nhưng sẽ giải quyết được bằng một não trạng sáng suốt nhất, cái não trạng này vượt qua tất cả những định kiến, những thành kiến và những thiên kiến để tự biết mình.
Ở các nước chuyên chế, do bản chất của chính thể chuyên chế chỉ thúc đẩy người ta làm điều xấu xa nên người ta thường quy kết bản tính vị kỷ thành một bản tính xấu xa, từ đó hình thành những định kiến hết sức thiển cận về bản tính này. Ngay cả George Wilhem Friedrich Hegel cũng khẳng định rằng nhân loại bẩm sinh đã ác độc rồi, hoặc Thomas Hobbes cũng nhìn nhận nhân loại như sói lang đối với sói lang. Nhưng ngược lại, ở các nước dân chủ do bản chất của chính thể dân chủ chỉ thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp nên người ta lại thường quy kết bản tính vị kỷ thành một bản tính tốt đẹp, từ đó giúp người ta vượt qua được những định kiến thiển cận nhất về chính mình. Chẳng hạn Adam Smith tin tưởng chắc chắn rằng ai cũng có lòng vị kỷ, rằng tham giàu chỉ thể hiện bản tính vị kỷ mà thôi, rằng mỗi cá nhân nỗ lực hành động cho mình sẽ đem lại sự phồn vinh cho xã hội.
Tôi không xác định bản tính vị kỷ là bản tính tốt đẹp hay bản tính xấu xa, tôi chỉ dám khẳng định rằng tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của bản tính vị kỷ tuỳ thuộc hoàn toàn vào tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của những hành vi hoặc những hành động được thúc đẩy bởi chính bản tính vị kỷ. Nếu bản tính vị kỷ mà thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp thì chính nhờ đó mà bản tính vị kỷ cũng trở thành bản tính tốt đẹp, ngược lại tự nó đã rõ ràng. Tôi xin viện dẫn một sự kiện thực tế để chứng minh thật xác đáng cái định luật nhân văn này. Lòng tham của A thúc đẩy A chiếm hữu tiền bạc của B, nếu A trộm cắp tiền bạc của B thì vì việc trộm cắp hiển nhiên phải bị quy thành một hành động xấu xa nên việc đó đã làm cho lòng tham của A trở thành một bản tính xấu xa, nhưng ngược lại, nếu A làm ra một hàng hoá có công dụng hữu ích đối với B rồi đổi lấy tiền bạc của B thì vì việc làm ra một hàng hoá như vậy hiển nhiên phải được quy thành một hành động tốt đẹp nên việc này đã làm cho lòng tham của A trở thành một bản tính tốt đẹp.
Vậy bản tính vị kỷ vừa làm động lực đầu tiên vừa làm mục đích cuối cùng cho hành động, còn hành động lại chỉ làm phương tiện cho bản tính vị kỷ thể hiện mình, hoặc hành động chỉ thực hiện bản tính vị kỷ mà thôi.
Ở đây có hai loại hành động đối lập nhau, đó là hành động vị kỷ đối lập với hành động vị tha. Hành động vị tha là hành động tốt đẹp hoặc làm lợi cho người khác, vì người khác hoặc hướng tới người khác. Hành động vị kỷ là hành động chỉ làm lợi cho mình đồng thời làm hại cho người khác. Thật ra, nếu xét theo cả động lực đầu tiên lẫn mục đích cuối cùng thì hành động nào cũng chỉ cốt làm lợi cho mình mà thôi, nhưng xét theo tác dụng xã hội, hành động vị tha luôn luôn tạo nên sự cân bằng giữa các cá nhân, qua đó mà bảo tồn đời sống nhân văn cho cá nhân hoặc làm cho cá nhân trở thành nhân loại, trở thành động vật xã hội như K. Marx đã nói, tức là hành động vị tha có tác dụng văn minh hoá cá nhân thành nhân loại. Chẳng hạn A cung cấp thực phẩm cho B rồi B cung cấp y phục cho A để cả A lẫn B đều được thoả mãn nhu cầu. Trái ngược với hành động vị tha, hành động vị kỷ luôn luôn tạo nên sự xiêu lệch giữa các cá nhân, qua đó mà đẩy các cá nhân vào tranh chấp rồi huỷ diệt lẫn nhau, tức là làm cho nhân loại đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt hoặc ít nhất cũng quay trở lại nguồn gốc thú vật. Chẳng hạn A trộm cắp y phục của B khiến B tức giận mà đánh A làm cho xã hội bị nhiễu loạn hoặc rơi vào trạng thái chiến tranh giữa người với người, tức là hành động vị kỷ lôi cuốn cá nhân quay trở về nguồn gốc thú vật với đầy rẫy hành động dã man. Tiếp theo, do cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợi và tham lam, nên các cá nhân chỉ lệ thuộc vào nhau theo nguyên tắc cân bằng: nếu cái này mà sinh thành cái kia thì cái kia phải phụ thuộc vào cái này để chỉ phục vụ cái này mà thôi, nếu cha mẹ sinh ra con cái thì con cái phải chịu ơn cha mẹ, nếu anh cho tôi thì tôi cũng cho anh, v. v.. Nguyên tắc này có thể có tác dụng tốt nhưng cũng có thể có tác dụng xấu tuỳ theo cái trật tự kỷ cương được thiết lập cho mối quan hệ giữa các cá nhân.
Vấn đề được đặt ra: với trật tự nào, bản tính vị kỷ sẽ thúc đẩy người ta thực hiện những hành động vị kỷ? Với trật tự nào, bản tính vị kỷ sẽ thúc đẩy người người ta thực hiện những hành động vị tha? Cần phải thiết lập trật tự nào hoặc cần phải tổ chức xã hội theo trật tự nào để bản tính vị kỷ sẽ chỉ thúc đẩy người ta thực hiện những hành động vị tha hoặc sẽ thúc đẩy các cá nhân đối xử vị tha với nhau rồi văn minh hoá lẫn nhau hoặc nâng nhau lên thành nhân loại?
Xã hội luôn luôn được tổ chức theo một trật tự nhất định, trật tự đó có thể tự phát nhưng cũng có thể tự giác tuỳ theo các cá nhân tham dựnhận thức chung như thế nào, cao siêu hay thấp kém: nếu nhận thức chung mà thấp kém thì trật tự đó càng tự phát; hoặc ngược lại, nếu nhận thức chung mà cao siêu thì trật tự đó càng tự giác; vì trật tự đó phụ thuộc nhiều như vậy vào nhận thức dù nhận thức chung hay nhận thức riêng nên ta cần phải xác định trật tự đó bằng quyết định luận nhận thức 2). Thật vậy, trật tự đó có thể cảm tính nhưng cũng có thể lý tính tuỳ theo nhận thức chung nặng về cảm tính hay thiên về lý tính: nếu nhận thức chung nặng về cảm tính thì trật tự đó sẽ nặng về cảm tính rồi được gọi là trật tự cảm tính; hoặc ngược lại, nếu nhận thức chung thiên về lý tính thì trật tự đó sẽ thiên về lý tính rồi được gọi là trật tự lý tính. Vì nhận thức cao siêu bao giờ cũng biểu hiện thành nhận thức lý tính cũng như nhận thức thấp kém bao giờ cũng biểu hiện thành nhận thức cảm tính nên đương nhiên trật tự tự phát phải đồng nhất với trật tự cảm tính cũng như trật tự tự giác phải đồng nhất với trật tự lý tính.
Lập luận như vậy cho phép chúng ta tin rằng có thể có nhiều trật tự khác nhau để tổ chức xã hội.
Nhưng nhiều bằng bao nhiêu? Lập luận bằng bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân, tôi đã xác định được ba loại trật tự khác nhau cho việc tổ chức xã hội: chính thể chuyên chế, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Ngoài ba trật tự đó sẽ không còn một trật tự nào khác. Xã hội ở bất cứ đâu vào bất cứ thời đại nào cũng phải được tổ chức theo một trật tự nhất định trong ba trật tự nói trên, nếu không phải trật tự này thì cũng phải trật tự khác chỉ trong ba trật tự đó thôi 3).
Bản tính vị kỷ vốn tồn tại ở mọi cá nhân đòi hỏi phải có pháp luật để ngăn ngừa mỗi cá nhân nhất định gây nên tổn thất cho các cá nhân khác trong khi theo đuổi mục đích riêng: tìm kiếm phương tiện riêng để thoả mãn nhu cầu riêng; đồng thời khuyến khích mỗi cá nhân đó sẵn sàng phục vụ các cá nhân khác để mình cũng được thoả mãn nhu cầu riêng.
Pháp luật (hoặc luật pháp) những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung đối với mọi cá nhân cấu thành xã hội được quy định đồng thời được bảo đảm thực hiện bởi ý chí chung biểu hiện thành những chuẩn mực về quyền lợi cùng với nghĩa vụ tương ứng: được làm gì, đồng thời phải làm gì.
Muốn pháp luật, trước hết phải làm ra pháp luật; làm ra pháp luật rồi lại phải sử dụng pháp luật; trong khi sử dụng pháp luật lại phải giữ gìn hoặc bảo vệ pháp luật. Nhưng muốn làm được ba việc đó lại đòi hỏi phải có ba loại quyền lực tương ứng: quyền lực lập pháp, quyền lực chấp phápquyền lực tư pháp; trong đó quyền lực lập pháp bao hàm cả quyền lực chấp pháp lẫn quyền lực tư pháp hoặc nếu không có quyền lực lập pháp thì tuyệt đối không thể có cả quyền lực chấp pháp lẫn quyền lực tư pháp; chính vì bao hàm cả quyền lực chấp pháp lẫn quyền lực tư pháp nên quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản; chức năng quy định là chức năng tự mình ra lệnh hoặc tự mình sửa lại quyết định đã được đưa ra bởi người khác; chức năng ngăn cản là chức năng làm vô hiệu hoá quyết định đã được đưa ra bởi người khác, nhưng nếu đã có thể ngăn cản được thì cũng có thể phê chuẩn được, mà đã phê chuẩn tức là lại không ngăn cản nữa. Mối quan hệ giữa ba loại quyền lực đó sẽ cấu thành ba trật tự khác nhau để tổ chức xã hội. Vậy cần phải xác định lần lượt từng trật tự nhất định trong ba trật tự đó.
Trật tự thứ nhất được gọi là chính thể chuyên chế, theo đó cả ba loại quyền lực nói trên đều được tập trung cả vào một cá nhân duy nhất hoặc một nhóm cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, trong đó lại chỉ có một cá nhân duy nhất làm thủ lĩnh nắm quyền quyết định, tức là xét đến cùng chính thể chuyên chế chỉ tập trung cả ba loại quyền lực nói trên vào một cá nhân duy nhất mà thôi. Cá nhân đó được gọi là nhà độc tài (dictator), tức là một người quyết định mọi việc. Nhà độc tài tập hợp một đám tay chân thân tín thành nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài; trên cơ sở đó, nhà độc tài làm ra pháp luật rồi lại sử dụng pháp luật đồng thời bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, nhà độc tài sẽ chỉ làm ra pháp luật mù quáng, tức là pháp luật chỉ bảo đảm lợi ích cho một hoặc một số ít cá nhân nào đó mà thôi (một số ít cá nhân đó bao gồm nhà độc tài cùng với đám tay chân thân tín làm tay sai cho chính nhà độc tài), rồi sử dụng (thi hành) pháp luật đó bằng những phương pháp tuỳ tiện đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng những phương pháp độc đoán, hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn về chiếc Nhẫn Thần sẽ hiểu được ngay về cái tất yếu đó 4). Chính vì chỉ có pháp luật mù quáng nên chính thể chuyên chế chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: bạo hành, cướp bócdối trá. Ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả tương ứng: khiếp sợ, bất côngngu dốt. Sự thể như sau: bạo hành gây nên sự khiếp sợ (nhà độc tài phải bạo hành với dân chúng làm cho dân chúng khiếp sợ mà phục tùng nhà độc tài, nếu nhà độc tài không bạo hành với dân chúng thì dân chúng sẽ không phục tùng nhà độc tài), cướp bóc gây nên sự bất công (nhà độc tài phải cướp bóc dân chúng làm cho nhà độc tài trở nên giàu có nhưng dân chúng lại trở nên nghèo khó, nếu không cướp bóc thì nhà độc tài sẽ không có phương tiện để cai trị dân chúng), dối trá gây nên sự ngu dốt (nhà độc tài phải dối trá với dân chúng làm cho dân chúng ngu dốt mà chấp nhận làm tôi tớ cho nhà độc tài, nếu nhà độc tài không dối trá với dân chúng thì dân chúng sẽ chỉ đòi hỏi quyền lợi cho mình mà không muốn phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà độc tài, tức là dân chúng sẽ đòi hỏi được bình đẳng với nhà độc tài). Pháp luật mù quáng không chỉ gây nên xung đột giữa nhà độc tài với dân chúng mà còn gây nên xung đột giữa cá nhân này với cá nhân khác, từ đó gây nên xung đột giữa nhóm người này với nhóm người khác, làm cho mọi cá nhân đều bị đau khổ như nhau; tức là pháp luật đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều tốt đẹpcòn thúc đẩy người ta làm điều xấu xa làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính xấu xa. Bằng pháp luật đó, chính thể chuyên chế gò ép mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ biệt lập dựa vào kinh tế tự túc làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một phần tử cô lập hoặc một cá nhân phi xã hội 5). Hệ quả này cho thấy pháp luật mù quáng không những không nhắm đếncòn đi ngược lại mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể chuyên chế làm cho pháp luật trở thành con số không hoặc pháp luật không thể tồn tại được với chính thể chuyên chế, chính thể này có thể có hẳn cả một rừng luật nhưng nó có thể chỉ dùng luật rừng mà thôi. Chính vì làm cho pháp luật trở thành con số không hoặc chỉ quy pháp luật về bạo lực nên chính thể chuyên chế làm cho nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài trở thành nhà nước bạo quyền, tức là nhà nước chỉ tồn tại bằng bạo lực: được thiết lập bằng bạo lực đồng thời được bảo tồn bằng bạo lực cũng như chỉ quản lý bằng bạo lực đồng thời bị quản lý bằng bạo lực. Chừng nào mỗi cá nhân nhất định vẫn có thể tự thoả mãn được mình trong khuôn khổ biệt lập, chừng đó chính thể chuyên chế còn có thể yên tâm tồn tại được. Nhưng nếu nhu cầu mà mở rộng hơn khuôn khổ đó khiến mỗi cá nhân nhất định phải thoả mãn mình bằng những phương tiện cần thiết bên ngoài khuôn khổ đó mới tồn tại được thì chính thể chuyên chế sẽ bị đe doạ bởi các nguy cơ thầm kín đến từ mỗi cá nhân nhất định, mỗi cá nhân đó sẽ tự phát phá vỡ cái khuôn khổ biệt lập đang giam hãm mình: cá nhân này sẽ trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình: kinh tế đổi chác sẽ thay thế kinh tế tự túc.
Trật tự thứ hai được gọi là chính thể quý tộc, theo đó ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, chấp pháp và tư pháp, được phân chia cho hai cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp đồng thời thực hiện cả quyền lực tư pháp đối lập với cơ quan chấp pháp thực hiện quyền lực chấp pháp đồng thời cũng thực hiện cả quyền lực tư pháp, làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia. Chính vì cùng thực hiện quyền lực tư pháp làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia nên cơ quan lập pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực lập pháp cũng như cơ quan chấp pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực chấp pháp mà thôi. Cả ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, chấp pháp và tư pháp, đều chỉ được thực hiện nửa vời làm cho chính thể quý tộc chỉ có pháp luật nửa vời mà thôi. Pháp luật này làm cho chính thể quý tộc đòi hỏi phải có danh diện mới tồn tại được. Danh diện chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất, đó là sự điều độ, theo đó cái gì cũng phải điều độ. Nhưng vì cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợitham lam, nên tuyệt đối không thể có cái gì làm tiêu chuẩn hoặc cơ sở cho sự điều độ. Sự điều độ không có cơ sở nào hoặc tiêu chuẩn nào để hiện hữu làm cho chính thể quý tộc chỉ tồn tại được mập mờ mà thôi, tức là chỉ xác định được tương đối. Thực tế chính thể này chỉ làm bước quá độ từ chính thể chuyên chế lên chính thể dân chủ mà thôi. Chính vì chỉ làm bước quá độ như vậy nên chính thể quý tộc còn có thể biểu hiện thành chính thể quá độ hoặc chính thể nửa vời.
Trật tự thứ ba được gọi là chính thể dân chủ, theo đó ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, chấp pháp và tư pháp, được phân chia độc lập với nhau cho ba cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan chấp pháp thực hiện quyền lực chấp phápcơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; ba cơ quan đó cấu thành nhà nước dân chủ, tức là nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền để ngăn ngừa quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước 6). Do quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản, nên cơ quan lập pháp phải được phân chia thành hai thiết chế khác nhau: Thượng Nghị viện phân biệt với Hạ Nghị viện về cả số lượng thành viên lẫn nhiệm kỳ hoạt động. Để ngăn chặn sự liên kết bất chínhcông khai hay bí mật giữa ba cơ quan nói trên, chính thể dân chủ phải có nguyên tắc đa nguyên bình đẳng biểu hiện thành chế độ đa đảng hoạt động bình đẳng theo nguyên tắc đa nguyên để nếu một nhóm người nào đó mà nắm được cả ba loại quyền lực kia thì nhóm người đó sẽ phải bị kiểm sát chặt chẽ (kiểm tra kết hợp với giám sát) bởi tất cả các nhóm người khác, làm cho ba cơ quan kia phải thật sự độc lập với nhau. Tiếp theo, muốn cho nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được thực hiện triệt để, chính thể dân chủ phải có chế độ bầu cử tự do để ngăn ngừa được tệ nạn quan liêu trong nhà nước dân chủ hoặc bảo đảm được sự bình đẳng thật sự giữa nhà nước dân chủ với toàn thể công dân; chế độ bầu cử tự do làm cho người ta lựa chọn được những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng làm cho người lãnh đạo chỉ phụ thuộc vào nhân dân mà phải phục vụ nhân dân, tức là làm cho nhân dân thật sự làm chủ nhà nước dân chủ. Vậy xét đến cùng, chính thể dân chủ làm cho mọi cá nhân đều có cả ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, chấp pháp và tư pháp. Mọi cá nhân đều làm ra pháp luật rồi lại đều sử dụng pháp luật đồng thời đều bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, mọi cá nhân đều phải làm ra pháp luật nghiêm minh, tức là pháp luật phải bảo đảm lợi ích cho mọi cá nhân, rồi sử dụng (thi hành) pháp luật đó bằng những phương pháp tự do đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng những phương pháp công bằng. Một lần nữa câu chuyện dụ ngôn về chiếc Nhẫn Thần lại thể hiện giá trị hiện thực ở đây (xin hãy xem lại chú thích 4 vốn liên quan hữu cơ với chú thích 2). Chính vì phải có pháp luật nghiêm minh nên chính thể dân chủ chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện độc lập ba loại quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan chấp pháp thực hiện quyền lực chấp pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho quan chức nhà nước không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể nhân dân, theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật mù quáng dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, chấp pháptư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì thôi không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, chấp pháptư pháp. Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước. Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ được nhà nước. Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước dân chủ phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu cử đó phải tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa nguyên bình đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật nghiêm minh, pháp luật này lại bảo tồn Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tự do là tình trạng được làm tất cả những gì có lợi cho mình đồng thời cũng có lợi cho cả người khác biểu hiện thành toàn bộ các quyền làm người của mỗi cá nhân nhất định hoặc nhân quyền như vẫn thường gọi. Bình đẳng là như nhau hoặc giống nhau về cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ. Bác ái là yêu thương người khác như yêu thương chính mình. Pháp luật nghiêm minh ngăn ngừa sự xung đột giữa người với người làm cho mọi cá nhân đều được hạnh phúc như nhau; tức là pháp luật đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều xấu xacòn thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp, hoặc nói cụ thể hơn: pháp luật nghiêm minh thúc đẩy người ta hành xử theo đạo đức. Bằng pháp luật đó, chính thể dân chủ đặt để mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ liên đới dựa vào kinh tế đổi chác làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một cá nhân xã hội. Hệ quả này cho thấy pháp luật nghiêm minh luôn luôn nhắm đến mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể dân chủ bảo đảm cho pháp luật tồn tại hoặc pháp luật chỉ tồn tại được với chính thể dân chủ mà thôi. Cũng chính vì bảo đảm cho pháp luật tồn tại nên chính thể dân chủ làm cho nhà nước dân chủ trở thành nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước chỉ tồn tại bằng pháp luật: được thiết lập bằng pháp luật đồng thời được bảo tồn bằng pháp luật cũng như chỉ quản lý bằng pháp luật đồng thời được quản lý bằng pháp luật.
Chính thể dân chủ đối lập thù địch với chính thể chuyên chế, nhưng chính thể quý tộc lại dung hoà chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ. Tuy nhiên, vì chính thể dân chủ không thể dung hoà được với chính thể chuyên chế nên chính thể quý tộc không thể hiện hữu. Vậy chỉ còn lại sự tương tranh giữa chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ mà thôi.
Chính thể chuyên chế không dựa vào sự giống nhau về bản tính vị kỷ giữa cá nhân này với cá nhân khác vốn làm bản chất bên trong cho cá nhân luôn luôn tồn tại cố định hoặc bất biến mà chỉ dựa vào sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ giữa cá nhân này với cá nhân khác vốn chỉ làm hiện tượng bề ngoài cho cá nhân luôn luôn tồn tại năng động hoặc khả biến. Chính vì chỉ dựa vào sự khác nhau như vậy giữa cá nhân này với cá nhân khác nên chính thể chuyên chế luôn luôn bấp bênh đến mức độ mà bất kỳ sự chống đối nào cũng có thể làm cho chính thể này bị chao đảo. Chính sự thể này đã giải thích cho ta hiểu được tại sao chính thể chuyên chế luôn luôn đòi hỏi nhà nước chuyên chế phải truy bức bất cứ một cá nhân nào hoặc bất cứ một nhóm cá nhân nào có sự chống đối dù bằng hành vi hay bằng lời nói. Ngược lại, chính thể dân chủ không dựa vào sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ vốn tồn tại năng động hoặc khả biến mà chỉ dựa vào sự giống nhau về bản tính vị kỷ vốn tồn tại cố định hoặc bất biến. Chính vì chỉ dựa vào sự giống nhau về bản tính vị kỷ nên chính thể dân chủ luôn luôn chắc chắn. Quả thật, vì chính thể dân chủ bảo đảm lợi ích cho mọi cá nhân, tức là chính thể dân chủ cắm rễ vào từng cá nhân nhất định, nên có thể có người nghĩ đến việc chống lại nhà cầm quyền nhưng chẳng mấy ai hoặc thậm chí không có cá nhân nào nghĩ đến việc chống lại chính thể dân chủ. Đó là lý do làm cho chính thể này tồn tại bền vững.
Chính thể chuyên chế làm cho nhân loại chỉ có thể phải sống bằng kinh tế vật tính, tức là nền kinh tế chỉ tuân theo các quy luật vật lý; nhưng ngược lại, chính thể dân chủ lại làm cho nhân loại phải sống bằng kinh tế nhân tính, tức là nền kinh tế phải tuân theo các quy luật luân lý hoặc các quy luật đạo đức như vẫn thường gọi.
Để thiết lập chính thể chuyên chế cũng như bảo tồn chính thể đó, người ta chỉ cần hành xử theo ý muốn mà không cần phải hành xử theo lý trí; hoặc chỉ cần nhận thức cảm tính mà không cần nhận thức lý tính, tức là chỉ cần muốn mà không cần phải hiểu rõ, không cần phải hoài nghi, không cần phải lý giải. Với sự ngu dốt hoặc nhận thức cảm tính, người ta chỉ có thể tạo ra được chính quyền tồi dởkhông thể tạo ra được chính quyền tử tế. Điều đó cho thấy chính thể chuyên chế chỉ thuộc về trật tự tự phát. Quả thật, cứ đấu đá lung tung hoặc cứ truy bức bừa bãi theo nguyên tắc được làm vua thua làm giặc sẽ tự phát dẫn đến chính thể chuyên chế. Nhưng ngược lại, việc thiết lập chính thể dân chủ cũng như việc bảo tồn chính thể này lại đòi hỏi người ta phải có nhận thức lý tính, tức là cần phải hiểu rõ, cần phải biết hoài nghi và cần phải biết lý giải. Nhận thức này cho phép người ta nhận biết được chính mình rồi nhờ đó mà xác lập được quy chế phân lập tam quyền, nguyên tắc đa nguyên bình đẳngchế độ bầu cử tự do. Điều này cho thấy chính thể dân chủ phải thuộc về trật tự tự giác, nó cũng cho thấy rằng việc xoá bỏ một chế độ độc tài dù khó khăn đến đâu cũng chưa khó khăn bằng việc xây dựng một chế độ dân chủ.
Mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn, mâu thuẫn này bắt buộc mỗi cá nhân nhất định phải trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình, tức là phải sống bằng kinh tế đổi chác, kinh tế này lại đòi hỏi phải có Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tuy nhiên, chừng nào chính thể chuyên chế còn tồn tại ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào, chừng đó đòi hỏi kia còn bị khước từ ở bất cứ nơi nào còn tồn tại chính thể đó vào bất cứ lúc nào.
Mâu thuẫn bài trừ nhau giữa chính thể chuyên chế với kinh tế đổi chác ắt sẽ gây ra vô số tai hoạ khủng khiếp cho mọi cá nhân: không chỉ có chiến tranh giữa người với ngườicòn có cả chiến tranh giữa người với thiên nhiên nữa, biểu hiện thành nhiều loại thiên tai khủng khiếp, như hạn hán, lũ lụt, bão tố, địa chấn, v. v., nhưng nghiêm trọng nhất phải thuộc về ô nhiễm môi trường, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều bị ô nhiễm. Chính thể chuyên chế không chỉ gây nên ô nhiễm cho môi trường tự nhiên mà còn gây nên ô nhiễm cho cả môi trường xã hội nữa; khi bị ô nhiễm, môi trường xã hội rất hiếm hành vi tốt đẹp cũng như rất hiếm tư tưởng lành mạnh nhưng lại rất nhiều hành vi xấu xa cùng với rất nhiều tư tưởng độc hại, hai thứ đó nương tựa vào nhau để cùng nuôi dưỡng nhau làm cho mỗi cá nhân nhất định khó có thể hoặc thậm chí không thể nhận thức được bản thân, từ đó khó có thể hoặc thậm chí không thể có khả năng cần thiết để làm chủ bản thân, tâm lý sợ đấu tranh lan tràn từ cá nhân này đến cá nhân khác làm cho xã hội luôn luôn lầm đường lạc lối từ sai lầm này đến sai lầm khác. Các sai lầm đó lại trực tiếp dẫn đến nhiều tai hoạ mới.
Vô số tai hoạ khủng khiếp phát sinh từ chính thể chuyên chế đòi hỏi phải tổ chức xã hội theo một trật tự mới: chính thể dân chủ. Chính thể này chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản đã được trình bày ở trên kia, nhưng ba điều kiện đó lại phải dựa vào ba điều kiện khác: kinh tế đổi chác, xu hướng đa nguyênkhả năng hiểu biết. Ba điều kiện này bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả trực tiếp: Tự do – Bình đẳng – Bác ái.
Sự phù hợp tự nhiên giữa kinh tế đổi chác với bản tính vị kỷ bắt buộc các cá nhân phải phục vụ lẫn nhau để thoả mãn mình mới tồn tại được, đó là bản chất của nhân loại.
Nhân loại bao gồm tất cả các cá nhân vừa khác nhau vừa giống nhau: khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng giống nhau về bản tính vị kỷ. Mâu thuẫn này đòi hỏi phải được điều hoà theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi thái độ chấp nhận lẫn nhau. Thái độ chấp nhận lẫn nhau theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được gọi là xu hướng đa nguyên. Xu hướng này cũng phù hợp tự nhiên với bản tính vị kỷ khiến các cá nhân phải chấp nhận lẫn nhau mới bảo tồn được mình.
Tuy nhiên, hai điều kiện trên đây mới chỉ cần thiết chứ chưa đầy đủ để chính thể dân chủ có thể tồn tại được. Muốn tồn tại được, chính thể dân chủ cần phải có thêm điều kiện thứ ba. Điều kiện này quan trọng nhất đối với chính thể dân chủ, đó là khả năng nhận thức.
Thực tế cho thấy rằng nhiều nơi trên thế giới có kinh tế đổi chác rất phát triển nhưng vẫn không có chính thể dân chủ. Thực tế này đã bác bỏ thẳng thừng quyết định luận kinh tế vốn cho rằng kinh tế quyết định tất cả: nếu kinh tế thay đổi thì mọi thứ khác, trong đó có chính trị, cũng thay đổi theo. Tiếp theo, xu hướng đa nguyên vốn tồn tại ở mọi nơi cũng như trong mọi lúc nhưng vẫn không thể làm cho chính thể dân chủ phải tồn tại ở mọi nơi cũng như trong mọi lúc mà chỉ những nơi nào khả năng nhận thức làm thức tỉnh được xu hướng đa nguyên mới có chính thể dân chủ hoặc những nơi nào khả năng nhận thức không hoặc chưa làm thức tỉnh được xu hướng đa nguyên sẽ không có chính thể đó. Vậy cả hai trường hợp trên đều cho thấy chính thể dân chủ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức nhưng khả năng nhận thức được xác định ở đây phải bao hàm nhận thức lý tính chứ không phải chỉ có nhận thức cảm tính. Đại đa số cá nhân có thể suy nghĩ được nhưng không phải cá nhân nào trong số đó cũng có thể suy nghĩ được đúng đắn, cũng không phải cá nhân nào trong số các cá nhân suy nghĩ được đúng đắn có thể nói năng được đúng đắn theo đúng ý nghĩ đúng đắn, lại cũng không phải cá nhân nào trong số các cá nhân nói năng được đúng đắn theo đúng ý nghĩ đúng đắn mà có thể diễn đạt được ý nghĩ đó thành văn bản. Suy nghĩ đã khó khăn, nói năng còn khó khăn hơn; nói năng tuy khó khăn nhưng viết lách lại càng khó khăn hơn nữa! Thực tế này đã đóng góp một cơ sở quan trọng hàng đầu vào giải thích được tại sao cũng thuộc về nhân loại nhưng không phải dân tộc nào cũng được sống sung sướng trong tự do hoặc không phải dân tộc nào cũng phải bị sống khổ sở trong nô lệ mà trái lại, bên cạnh các dân tộc được sống sung sướng trong tự do lại có các dân tộc phải bị sống khổ sở trong nô lệ; có những dân tộc nhỏ bé về cả dân số lẫn lãnh thổ nhưng vẫn được sống sung sướng trong tự do, như dân tộc Israel chẳng hạn; cũng có những dân tộc to lớn về cả dân số lẫn lãnh thổ nhưng vẫn phải bị sống khổ sở trong nô lệ, tôi biết mình đang sống ở đâu, tôi không dám dẫn chứng cụ thể, tôi biết các dân tộc đó chỉ có sức mạnh đáng sợ mà không hề có sức mạnh đáng yêu!
Nhân tiện đây tôi xin thổ lộ mối ưu tư sâu thẳm trong tôi, rằng chừng nào thế giới vẫn còn chính thể chuyên chế ở bất cứ quốc gia nào, chừng đó thế giới vẫn chưa thể có hoà bình bền vững, lại càng chưa thể có hoà bình vĩnh cửu. Hiện nay chạy đua vũ trang đang tái diễn rồi. Một số quốc gia vẫn duy trì chính thể chuyên chế nhưng lại không sống bằng kinh tế tự túc mà lại sống bằng kinh tế đổi chác làm cho mâu thuẫn nội tại gia tăng gay gắt; bị làm cho gia tăng gay gắt từ bên trong, mâu thuẫn này đang làm động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy mạnh mẽ một số quốc gia đó gây hấn với các quốc gia khác, trong đó có các quốc gia đã biết tổ chức xã hội theo chính thể dân chủ, tức là các quốc gia tự do; quốc gia lớn uy hiếp quốc gia nhỏ đồng thời đe doạ tất cả các quốc gia tự do.
Tuy đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng các quốc gia tự do vẫn bị chia rẽ sâu sắc, đó là một nguy cơ nghiêm trọng đối với tự do. Với sự chia rẽ như thế, các quốc gia tự do rất có thể sẽ bị tiêu diệt bởi một số quốc gia khác. Để làm tiêu tan nguy cơ đó, các quốc gia tự do cần phải liên kết chặt chẽ với nhau thành một lực lượng thống nhất: thống nhất về cả tư tưởng lẫn hành động để lôi cuốn các quốc gia khác vào thế giới tự do. Chỉ khi nào tự do ngự trị trên khắp thế giới, khi đó thế giới mới thật sự có hoà bình vĩnh cửu.




1) Đây là tiên đề quan trọng nhất làm cơ sở triết học để tôi tìm hiểu đời sống chính trị (political existence). Khi phát biểu tiên đề này, tôi đã được soi sáng bởi Sigmund Freud. Bản tính vị kỷ luôn ám ảnh mọi cá nhân thuộc mọi thế hệ thể hiện thành vô số định kiến khác nhau về nó mà hầu hết các định kiến đó đều tự phát gán ghép những giá trị tiêu cực hoặc các ý nghĩa xấu xa cho nó, tất cả các định kiến đó đều dẫn đến thái độ chống lại bản tính vị kỷ; ngay cả Thánh Kinh cũng xác lập niềm tin về Tội Tổ tông cho rằng nhân loại bẩm sinh đã mang tội lỗi rồi đòi hỏi phải được cứu độ bởi Thiên Chúa mới trở nên thánh thiện nhằm ngăn ngừa chính thể chuyên chế làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính xấu xa. Tuy nhiên, ở đây tôi cần phải nhấn mạnh ngay từ đầu rằng chính Chúa giáo (Christianity thường được chuyển dịch theo phiên âm Hán – Việt thành Cơ đốc giáo, ở đây tôi chuyển dịch theo phiên âm Thuần Việt thành Chúa giáo cho dễ hiểu như người ta đã chuyển dịch Bhuddism thành Phật giáo) đã xác lập được con đường tốt nhất để giải thoát nhân loại khỏi mọi sự chuyên chế, con đường đó về sau lại được mở mang theo nhiều chiều kích khác nhau bởi nhiều triết gia khác nhau thuộc nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau ở vào nhiều thời đại khác nhau, như C. S. Montesquieu, H. D. Thoreau, M. Gandhi, v. v..
2) Ở đây tôi chỉ lập luận bằng nhận thức chung mà không lập luận bằng nhận thức riêng. Vì nhận thức riêng bao giờ cũng phiến diện hoặc thiếu sót nên việc lập luận bằng nhận thức đó sẽ dễ dàng trở thành sự lập luận tư biện. Vả lại, nếu một nhà độc tài nào đó nhờ có trí tuệ cao siêu mà đối phó thành công với các chế độ dân chủ để bảo tồn chế độ độc tài được đại biểu bởi chính nhà độc tài đó thì trí tuệ cao siêu của nhà độc tài đó dù có công năng như vậy cũng không đại biểu cho nhận thức chung của tất cả các cá nhân thuộc về chế độ độc tài đó, tức là nhận thức riêng của nhà độc tài không ăn khớp hoặc không đồng nhất với nhận thức chung của tất cả các cá nhân thuộc về chế độ độc tài. Giả sử nhà độc tài thật sự có trí tuệ cao siêu chứ không phải có nhận thức thấp kém khiến nhà độc tài chỉ biết suy nghĩ bậy bạ, nhưng nếu tất cả các cá nhân thuộc về chế độ độc tài lại chỉ có nhận thức thấp kém khiến mỗi cá nhân nhất định trong số họ chỉ biết lo lắng cho bản thân mà không quan tâm đến người khác thì rõ ràng nhận thức chung của tất cả các cá nhân thuộc về chế độ độc tài, chứ không phải nhận thức riêng của nhà độc tài, sẽ làm nền tảng tinh thần cho chế độ độc tài có thể tồn tại bền vững; nếu muốn bảo tồn chế độ độc tài thì nhà độc tài có thể chỉ cần củng cố tình trạng thấp kém cho nhận thức chung thôi. Thật vậy, nếu tất cả các cá nhân thuộc về chế độ độc tài mà có trí tuệ cao siêu như nhà độc tài có trí tuệ cao siêu theo giả định nói trên thì chế độ độc tài không thể tồn tại được. Đó chính là lý do để hiểu được tại sao tôi chỉ lập luận bằng nhận thức chung mà không lập luận bằng nhận thức riêng ở đây.
3) C. S. Montesquieu đã phát hiện được ba loại chính thể khác nhau: chuyên chế, quý tộcdân chủ, nhưng ông đã không giải thích tại sao lại chỉ có ba chính thể đó mà không thể hơn cũng như không thể kém. Lập luận bằng bản tính vị kỷ, tôi đã giải đáp được vấn đề này. Sự kiện này có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Thứ nhất, nó cho phép chúng ta đặt để niềm tin vào quan niệm cho rằng đời sống xã hội (social existence) cũng tồn tại theo các quy luật tự nhiên như bao thực tại khác đành rằng các quy luật tự nhiên trong đời sống xã hội chỉ biểu hiện qua hoạt động sống được thực hiện hiện thực – dù tự phát hay tự giác, dù vô ý thức hay có ý thức, dù không trù định trước hay có trù định trước – bởi mọi cá nhân. Thứ hai, nó cũng cho phép chúng ta phát hiện được nhiều thiếu sót trong tất cả các hệ tư tưởng khác nhau, bao gồm cả chủ nghĩa cá nhân lẫn chủ nghĩa xã hội trong đó, được lưu hành từ trước đến nay theo một tiến trình quanh co phức tạp với vô số sự kiện làm trọng tài trong cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng đó; thiếu sót chung cho tất cả các hệ tư tưởng đó thể hiện qua tình trạng bị giam hãm vào vô số định kiến thâm căn cố đế về bản tính vị kỷ khiến các hệ tư tưởng đó trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân loại lao vào các cuộc xung đột khốc liệt. Thứ ba, nó cho phép chúng ta xác lập được một hệ tư tưởng thống nhất để có thể thống nhất tư tưởng vốn rất cần thiết cho công cuộc thống nhất thế giới vào một trật tự ưu việt nhất hoặc thích hợp nhất với mọi cá nhân.
4) Câu chuyện dụ ngôn về chiếc Nhẫn Thần đã đưa ra một câu hỏi mà câu trả lời sẽ xếp đặt người trả lời vào loại thiển cận hay uyên bác: nếu may mắn mà nhặt được một chiếc Nhẫn Thần ước gì được nấy thì bạn ước muốn điều gì đầu tiên? Người thiển cận sẽ chỉ ước muốn các giá trị kinh tế, như thực phẩm ngon, y phục đẹp, nhà ở lộng lẫy, v. v., nhưng người uyên bác sẽ phải ước muốn các giá trị chính trị, rằng chiếc Nhẫn Thần đó sẽ mãi mãi thuộc về mình để phục vụ mình. Câu chuyện dụ ngôn này không chỉ nói về bản tính vị kỷ mà còn phân biệt người thiển cận với người uyên bác nữa, theo đó nếu người thiển cận chiếm ưu thế thì chỉ có thể có chính thể chuyên chế nhưng nếu người uyên bác chiếm ưu thế thì lại có thể có chính thể dân chủ.
5) Khuôn khổ biệt lập thường chỉ tồn tại vô hình đối với cá nhân nào chấp nhận chính thể chuyên chế nhưng sẽ tồn tại hữu hình đối với cá nhân nào chống lại chính thể đó. Với trường hợp này, khuôn khổ biệt lập sẽ hiện hữu cụ thể thành cả ngục thất lẫn đao phủ.
6) Việc lập luận bằng bản tính vị kỷ đã cho phép tôi phát hiện được ý nghĩa sâu xa trong Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được xác lập bởi Chúa Jesus, tức là việc đó cho phép tôi hiểu được tại sao Chúa lại thể hiện mình thành ba ngôi: Chúa Cha (Đấng Toàn năng hoặc Đạo Vũ trụ), Chúa Con (Chúa Jesus) và Chúa Thánh thần (Chúa Quan phòng, biểu hiện cụ thể thành Giáo hội Chúa giáo với nhiều hình thức khác nhau); từ đó tôi xác lập cho mình một niềm tin rằng Chúa giáo (Christianity) là Tôn giáo Về nền Cộng hòa (nền dân chủ với nhà nước được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, được kiểm sát theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng và được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do).

�&o b � �� style:normal'>các xí nghiệp quốc doanh, v. v.. Mặc dù bản thân thuế khóa cùng các khoản thu nhập đó đã được phát minh ngay từ buổi đầu lịch sử, thế nhưng chỉ đến thế kỷ XX, ở các nước chuyên chế thuộc mô hình soviet, chúng mới cấu thành hình thái tuyệt đối cho giá trị thặng dư được thực hiện phổ biến bởi nhà nước chuyên chế.

J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Tám 1999).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét